Cách hành xử và ngôn từ của những người cộng sản Trung Quốc đã, đang dùng cho thấy, với họ “chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển” cao hơn tất cả.
Trong một báo cáo do Christopher K. Johnson và cộng sự thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington viết, có nhận định: “Ông Tập (Cận Bình) có vẻ muốn duy trì ấn tượng khủng hoảng để biện minh cho quyền lực to lớn của cá nhân, cũng như sự táo bạo và quy mô cải tổ mà ông xúc tiến ở trong nước”. [1]
Tạo ra khủng hoảng không chỉ để củng cố quyền lực cá nhân, trừng trị các đối thủ chính trị trong Đảng mà còn là cái cớ để đàn áp các dân tộc thiểu số có tư tưởng phản kháng (người Tạng, người Hồi Tân Cương…).
Khủng hoảng chính là cách đẩy mâu thuẫn trong nước ra ngoài, là cách tạo nên một cục diện rối ren dễ bề “đục nước béo cò”, cũng là cách mà giới lãnh đạo Trung Quốc hy vọng có thể làm suy yếu các nước láng giềng, các đối thủ với ảo tưởng sẽ chia đôi thiên hạ cùng với Mỹ. Chẳng thế mà những người ngồi ở Trung Nam Hải liên tục gạ gầm Mỹ: “Thái Bình dương đủ rộng cho cả Mỹ và Trung Quốc”?
(GDVN) - Người dân lao động Trung Quốc vốn cần cù, hiền lành đang bị giới tinh hoa của nước này tìm cách “biến đổi gen”, họ đang thực sự trở thành AQ.
Tư duy của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình đến nay đã khác xa chúng ta, từ những khẳng định kiểu “nhà quê” như “ mèo trắng, mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”, đến sự vỗ ngực trước bàn dân thiên hạ rằng “Trung Quốc là nước lớn” … họ đã tiến một bước dài trên con đường từ bỏ chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Sau chuyến công du Việt Nam trở về, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ đặc trách đối ngoại Trung Quốc nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ đổi chác lợi ích cốt lõi của mình, hoặc nuốt trái đắng làm suy yếu chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của chúng tôi".
Cách hành xử và ngôn từ của những người cộng sản Trung Quốc đã, đang dùng cho thấy, với họ “chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển” cao hơn tất cả, trong tư tưởng chỉ đạo của họ không còn mỹ từ “đồng chí”, không còn khái niệm “láng giềng thân thiện” nữa.
Ngành Công nghệ thông tin phát triển dựa trên nền tảng “điện toán đám mây” (cloud computing), tất cả dữ liệu đều lưu trữ trong “đám mây” đó, vấn đề là cần có các thuật toán, các công cụ để chọn lọc, xử lý và ứng dụng theo nhu cầu của mỗi cá nhân, đơn vị.
Một số người giờ đây dường như cũng đang sống trong mây, đó là đám “mây ảo vọng” chứa đựng một mớ dữ liệu hỗn độn về “tình đồng chí”, về “mấy điều, mấy chữ”, về “công bằng, dân chủ”, về “thượng tôn pháp luật”…
Cho đến hôm nay, nhờ vụ giàn khoan 981, đám mây đó đã tan dần nếu không nói là sẽ vĩnh viễn bị xua tan. Khi mây tan thì trời bừng sáng, những ai đang mơ ngủ cần thức tỉnh để đón nhận bầu trời trong xanh, cõi u hoài bấy lâu nay chúng ta chìm đắm không mang lại tương lai cho dân tộc.
Sau bốn hình thái xã hội: Công xã nguyên thủy, Chiếm hữu nô lệ, Phong kiến và Tư bản, có một thời khi mà tình cảm “đồng chí” được các nước xã hội chủ nghĩa cổ động thì người ta hy vọng vào hình thái thứ năm: xã hội “Xã hội chủ nghĩa (XHCN)”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại phiên họp tổ của Quốc hội về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cho rằng “Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ nghĩa Xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa….”. Ý kiến của Tổng Bí thư không chỉ đơn thuần dựa vào quy luật phát triển của xã hội loài người, mà còn là một dự báo chặng đường phát triển của xã hội Việt Nam thế kỷ 21. Sẽ rất ít người của thế hệ tham gia chiến đấu chống xâm lược năm 1979 có thể sống đến cuối thế kỷ này để kiểm chứng.
Có người tỏ ra ngỡ ngàng trước ý kiến của Tổng Bí thư, họ không hiểu được hàm ý sâu xa trong câu nói mang tính dự báo của một nhà khoa học làm chính trị. Mơ ước về những điều tốt đẹp mà CNXH mang lại không đồng nghĩa với ảo vọng về một xã hội mà chúng ta chưa thể định hình.
Ảnh cắt từ clip cảnh tàu Trung Quốc đuổi theo đâm tàu cá của ngư dân Việt Nam. |
Chủ nghĩa Tư bản (CNTB), kể từ khi manh nha tại Anh và Hà Lan vào thế kỷ 17 đến nay đã trên 300 năm, mặc dù đang chiếm địa vị thống lĩnh nhưng CNTB vẫn chưa hoàn thiện, vẫn bộc lộ đầy rẫy khiếm khuyết.
Vấn đề không phải là chúng ta nên hay không nên theo số đông mà là sáng suốt lựa chọn con đường phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của đất nước. Một trăm năm không hề là quãng thời gian ngắn với lịch sử dân tộc, càng không phải là thời gian thử nghiệm.
Từ các sự kiện diễn ra trong thế kỷ 20 và thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 có thể dự đoán, chủ nghĩa tư bản chính là giai đoạn kết thúc một chu kỳ phát triển theo đường xoáy trôn ốc và nhân loại sẽ bước vào hình thái “công xã nguyên thủy” văn minh.
Công xã nguyên thủy cổ đại không tồn tại khái niệm biên giới quốc gia, không tồn tại luật pháp, hôn nhân và gia đình… Các bầy người nguyên thủy lang thang tranh giành nguồn thức ăn và lãnh địa qua các cuộc chiến, bản năng sinh tồn là tối thượng.
(GDVN) - Tính cách AQ cộng với máu cướp biển khiến lãnh đạo và truyền thông TQ cứ nói bừa, thiên hạ bịt tai hay xỉ mũi cũng mặc kệ miễn là dân Trung Quốc tin là được.
Công xã nguyên thủy văn minh không còn những bầy người ăn lông ở lỗ, thay vào đó là các tộc người mà đông nhất có lẽ là tộc người Hán. Rìu đá và lao gỗ được thay bằng thiết bị điện tử, rôbốt, máy bay, tên lửa, tàu chiến… nhưng cuộc chiến giành nguồn thức ăn và lãnh địa thì vẫn không thay đổi, vẫn bất chấp đạo lý, bất chấp luật pháp quốc tế, kể cả thể diện quốc gia, miễn là vơ vét được thật nhiều cho chủng tộc của mình.
Trong cuộc tranh giành toàn cầu này, chính nghĩa không phải lúc nào cũng giúp người ta chiến thắng, sẽ mong manh và dễ vỡ như bong bóng xà phòng nếu chính nghĩa chỉ đơn thương, chênh vênh nơi đầu sóng.
Người Việt liệu có thể bình tâm khi nhìn những con tàu kiểm ngư, cảnh sát biển bị vòi rồng tàu Trung Quốc phủ kín, những con tàu gỗ nhỏ bé của ngư dân chúng ta bị tàu Trung Quốc to gấp mấy lần đuổi theo đâm chìm? Trong khi các sân gôn ngày càng to, biệt thự của không ít quan chức ngày càng lộng lẫy thì những con tàu gỗ đơn sơ ấy lại phải oằn mình gánh vác trọng trách giữ gìn biên cương trên biển! Câu “nước mất, nhà tan” không biết có làm thức tỉnh những kẻ suốt đời chỉ biết lo giữ ghế, lo cho con, cho cháu hay không?
Hàng đoàn xe quân sự tập trung gần Cảng Phòng Thành, giáp Tỉnh Quảng Ninh Việt Nam chiều 17/5/2014. Nguồn http://www.secretchina.com/news/14/05/18/541002.html |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Nếu không tham nhũng thì quan chức lấy tiền đâu đi nhậu, đi chơi này đi chơi kia, chức vụ này chức vụ kia không tham nhũng lấy đâu tiền mà chạy”. Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội cho thấy, hàng núi tiền đã và đang chảy vào túi những kẻ tham nhũng, vậy thì còn đâu tiền sắm tàu to, mua súng lớn cho cảnh sát biển, kiểm ngư, hải quân để đương đầu với “những tên cướp biển của thế kỷ 21”?
Cùng với ảo vọng “đồng chí” là ảo vọng về một thế giới công bằng, dân chủ, văn minh. Bằng cách nào và bao giờ thế giới có công bằng, dân chủ cho kẻ yếu, kẻ nghèo? Liên hiệp quốc cũng chỉ là công cụ để các nước lớn lợi dụng, dù ra vô số nghị quyết, Liên hiệp quốc cũng không thể ngăn cản các nước lớn hè nhau dội bom xuống các nước nhỏ, hè nhau bắt nạt các nước yếu. Các nước nhỏ, dù là giàu về kinh tế như Singapore hay nhiều vũ khí như Isarael, Bắc Triều Tiên cũng cần phải có đồng minh mới hy vọng không bị đe nẹt.
(GDVN)- “Màu đồng chí” không chỉ đơn thuần là màu đỏ trên lá cờ mà còn là màu đỏ của máu hàng vạn người dân Việt Nam.
Dã tâm xâm lược của kẻ thù truyền kiếp hiển hiện trước mắt liệu đã thức tỉnh cả dân tộc hay vẫn còn những người mơ ngủ? Hãy nhìn hình ảnh mà truyền thông quốc tế chụp ngày 17/5/2014 bên kia biên giới để mà cảnh tỉnh. Cảnh tỉnh với nguy cơ chiến tranh và cũng cần cảnh tỉnh với chính bản thân mình.
Thế giới mà ngày nay chúng ta quen gọi là thế giới văn minh, thực ra chưa bao giờ thoát khỏi sự hoang dã, vẫn còn đó cảnh cá lớn nuốt cá bé, cảnh đi đêm mua bán quyền lợi bất chấp công pháp quốc tế… Nguy hiểm nhất là cảnh kéo bầy kéo lũ bắt nạt các quốc gia, dân tộc không tự bảo vệ được mình. Nước Việt không nhỏ, người Việt không ít, muốn sống trong hòa bình không còn cách nào khác là phải chuẩn bị cho cuộc chiến.
Để đối phó với nguy cơ bị xâm lược, để có sức mạnh bảo vệ tổ quốc, trong ba đối tượng “đồng chí, đồng minh, đồng bào” chúng ta cần đồng minh, đồng bào chứ không cần kiểu “đồng chí anh” hoặc “đồng chí em”. Đồng minh là chiến thuật, đồng bào là chiến lược. Có được niềm tin của đồng bào là có chính danh, có quyền lực, có tất cả, mất niềm tin của đồng bào sớm muộn sẽ chẳng còn lại cái gì.
Trước kia là bạn, ngày nay là thù, trước kia là thù, ngày nay là bạn, đó là “cái lý” của người làm chính trị, đó cũng là quy luật vận động của xã hội loài người từ cổ chí kim, chẳng có cài gì là muôn năm, là vĩnh cửu. Các đế chế hình thành từ cuộc chiến như đế quốc Nguyên Mông, đế quốc La Mã… rồi cũng đến lúc tan rã. Tuy vậy thế giới lại chưa bước vào kỷ nguyên các chủng tộc đều “cùng nhóm máu” bởi vậy hòa bình cho nhân loại cũng vẫn sẽ còn là mơ ước lâu dài.
Để lại tiếng thơm cho hậu thế chỉ có thể là những con người đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Hy sinh lợi ích cá nhân, gia đình, hy sinh “lợi ích nhóm” để đạt đến cái tầm vĩ đại như Trần Hưng Đạo, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp mới là điều mà chính khách cần noi theo.
Những gì diễn ra hôm nay sẽ được lịch sử ghi nhận, đã đến lúc giã từ ảo vọng một thời, giã từ những điều sáo rỗng. Chúng ta cần ổn định để xây dựng một đất nước hùng cường chứ không phải để đám “mây ảo vọng” che hết ánh sáng chân lý.
http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/May-ao-vong-post146747.gd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét