“Trung Quốc chỉ như một con voi, nó không ăn những chú thỏ, nguy cơ duy nhất có thể xảy ra đó là nó giẫm lên thỏ” – một vị tướng TQ nói.
Thăm 4 nước, Mỹ gây ảnh hưởng cả châu Á
Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp kết thúc chuyến công du 4 nước châu Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines. Chỉ với 4 quốc gia này, Mỹ một lần nữa thắt chặt mối quan hệ với chuỗi đảo thứ nhất, trải dài từ Biển Hoa Đông đến Biển Đông, khu vực mà Trung Quốc cho là “lợi ích cốt lõi,” là khu vực mà quốc gia này bắt buộc phải có để thực hiện chiến lược hướng biển của mình.
Chuyến đi này của ông chủ Nhà Trắng mang trên vai những nhiệm vụ lớn lao khi đang hứng chịu những chỉ trích về việc không giải quyết được dứt điểm vấn đề Syria, hay để thua thiệt trong vấn đề Ukraine. Nước Nga của Putin có vẻ như đã biến ngài Obama thành một người hứa giỏi hơn làm. Châu Á sẽ là ván bài cuối cùng để ông Obama đánh cược, khi luôn nói rằng châu Á – Thái Bình Dương mới là sân chơi chính của nước Mỹ.
Tại Nhật Bản, thử thách đặt ra cho cả hai bên, ông Obama và ông Shinzo Abe – Thủ tướng Nhật, phải có trách nhiệm thắt chặt được liên minh Mỹ - Nhật, đồng thời đạt được mục tiêu kìm chế Trung Quốc.
Chính sự lưỡng lự của Mỹ tại các khu vực Trung Đông, Đông Âu khiến không ít người Nhật Bản lo ngại sẽ bị Mỹ bỏ rơi khi chiến sự giữa Nhật – Trung về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nổ ra.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại căn cứ Yongsan ở Seoul - Hàn Quốc ngày 26/4 |
Đây là cơ hội để ông Obama khẳng định quyết tâm của mình với đồng minh thân cận này. Và tại cuộc gặp gỡ giữa hai bên, Nhật – Mỹ đã đàm phán thành sửa đổi định hướng quốc phòng song phương từ nay đến cuối năm. Bản định hướng quốc phòng này sẽ bao gồm nhiều chi tiết hơn liên quan đến Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ, theo đó Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản trước các cuộc tấn công của một nước thứ ba.
Điều quan trọng, cả Mỹ và Nhật đều đã thẳng thắn với nhau, họ đã nói cho nhau biết họ cần gì, và mong muốn gì từ phía đối diện. Việc nói thẳng trong bối cảnh lúc này là cần thiết, bởi lẽ, Trung Quốc đang rất sốt ruột với mục tiêu tranh giành lợi ích cốt lõi với Nhật Bản.
Tại Hàn Quốc, Tổng thống Obama đã cam kết bảo vệ đồng minh trước Triều Tiên và mối đe dọa hạt nhân đến từ đất nước này.
“Chúng tôi không sử dụng sức mạnh quân sự để áp đặt các nước khác, nhưng chúng tôi sẽ không do dự khi sử dụng sức mạnh quân sự của chúng tôi để bảo vệ các đồng minh”, ông Obama khẳng định tại căn cứ quân sự Yongsan của quân đội Mỹ ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 26/4.
Tại Malaysia, nước Mỹ mang đến thông điệp khiến Trung Quốc lo ngại khi nhất trí nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước lên quan hệ đối tác toàn diện. Đồng thời, Mỹ khẳng định vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông phải dựa vào luật pháp quốc tế.
Tại Philippines, hai bên đã đạt được thỏa thuận kéo dài 10 năm về việc quân đội Mỹ được phép tăng cường sự hiện diện tại quốc gia Đông Nam Á này giữa lúc cuộc tranh chấp về lãnh thổ với Trung Quốc ngày một nóng. Trang tin Inquirer.net nhận định đây là một bảo đảm về an ninh đối với Philippines.
Một cuộc tập trận chung gần đây giữa Mỹ và Philippines |
Cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ đang làm tốt vai trò của mình, ít nhất là việc úy lạo tinh thần đồng minh, thắt chặt mối quan hệ chuỗi đảo thứ nhất trong cuộc đối đầu với một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh và hung hăng.
Trung Quốc đáp trả
Khi Tổng thống Mỹ đang thực hiện hàng loạt những động tác ngoại giao nhằm tạo sự đe dọa ngay trước cửa nhà mình, Bắc Kinh sẽ không thể cứ thế mà ngồi nhìn.
Ngày 25/4, tại thủ đô Brasilia, Ngoại trưởng Brazil Luiz Alberto Figueiredo Machado và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã chủ trì cuộc Đối thoại chiến lược toàn cầu đầu tiên giữa hai nước, trong đó hai bên xem xét tiến triển quan hệ song phương và sự phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế. Cuộc gặp này diễn ra trùng thời điểm Tổng thống Mỹ đang ở thăm Nhật Bản.
Động thái này của Trung Quốc như ngầm cảnh báo, nếu bạn gây hấn ở cửa nhà chúng tôi, hãy để ý ngay sân sau của các bạn.
Đồng thời, tại Senkaku/Điếu Ngư, ngày 26/4/2014, tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) xác nhận 2 tàu thuộc Cục Cảnh sát Biển Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp ở thành phố Ishigaki thuộc tỉnh Okinawa.
Đây là vụ xâm nhập lãnh hải lần thứ 9 của các tàu công vụ Trung Quốc trong năm 2014. Trong khi đó, tàu Trung Quốc xuất hiện liên tục trong 34 ngày qua tại vùng tiếp giáp lãnh hải tính đến ngày 24/4.
Như vậy, khi có sự hiện diện của Tổng thống Mỹ, Trung Quốc vẫn đều đặn tiến hành những hoạt động liên quan đến Senkaku/Điếu Ngư.
Ngoại trưởng Brazil Figueiredo Machado (phải) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc họp báo ở Brasilia |
Con voi, con thỏ và cục diện Biển Đông
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với BBC, vị tướng về hưu Từ Quang Dư, hiện đang là cố vấn cho Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí và Giải trừ Quân bị Trung Quốc đã có những câu nói thể hiện rõ sự ngang ngược:
“Không cần phải sợ Trung Quốc vì chúng tôi hiền như con voi ăn cỏ. Tất nhiên là con voi không thể tự biến thành con thỏ được nữa như cái cách mà từ con thỏ biến thành con voi. Nhưng voi thì không ăn thịt các chú thỏ. Nguy cơ duy nhất có thể xảy ra đó là nó giẫm lên thỏ.”
Thế đấy, cứ theo như lời tướng Từ mà nói, thì trên đường đi của con voi khổng lồ ấy, nếu có con thỏ nào đứng ở giữa đường, con voi này sẽ không lịch sự mà vì con thỏ để đi đường khác, nó sẽ không ngần ngại dẫm nát con thỏ để đến được đích của mình.
Nếu ví Trung Quốc là một con voi, vậy nó đang đi đâu trên con đường ấy? Nó đang hướng thẳng đến “giấc mơ Trung Hoa”. Những quốc gia đang có tranh chấp với con voi này, cố níu giữ từng bãi cạn, từng hòn đảo để bảo vệ chủ quyền của mình, sẽ chỉ như những con thỏ đen đủi nằm trên đường đi của nó.
Trung Quốc gia tăng nhanh chóng sức mạnh hải quân nhằm vào những cuộc chiến đảo xa trong tương lai |
Mỹ mang đến châu Á – Thái Bình Dương một thiện chí đối với các nước nhỏ trong khu vực có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc. Và khách quan mà nói, sự hiện diện của Mỹ ít nhiều tạo ra một sự hiệu quả trong việc kiềm chế tính hung hăng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, như nhà phân tích người Philippines, ông Ramon Casiple, cho rằng những bước đi của cả Mỹ và Philippines có thể giúp kiềm chế một Trung Quốc ngày càng “hung hăng” trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, sự hợp tác này cũng có thể khiến Trung Quốc thêm nóng mặt và có hành động tăng cường sức mạnh quân sự.
Nhưng cần nhìn nhận rõ ràng, Mỹ cũng là một con voi, chỉ có điều, con voi này đi ngược lại hướng đi mà Trung Quốc muốn đi. Trong cái cuộc thư hùng của những kẻ khổng lồ, thiệt hại nặng nề nhất vẫn là những nước xung quanh.
Sự hiện diện của Mỹ với một số quốc gia là phúc, nhưng với cả khu vực chưa chắc đã là điềm lành. Điều quan trọng, tại Biển Đông, ASEAN cần áp dụng câu chuyện bó đũa hơn bao giờ hết. Luật pháp quốc tế và sức mạnh đoàn kết là những thứ vũ khí hiệu quả nhất để những con thỏ thoát khỏi dã tâm của “con voi ăn cỏ”.
Đỗ Minh Tú
http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/trung-quoc--my-va-chuyen-con-voi-con-tho-3036160/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét