TTXVN (Paris 5/11)
Các phanh phui về hoạt động gián điệp điện tử, gồm đọc trộm thư điện tử và tin nhắn, nghe lén điện thoại ở quy mô hàng loạt của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), trong đó ngay cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và ngoại giao Pháp cũng là mục tiêu, đang gây tranh cãi gay gắt và rộng khắp ở châu Âu. Tuy nhiên, đối với giới chuyên gia tình báo và phản gián, hoạt động này không có gì mới mẻ bởi nó thường xuyên diễn ra ở mọi quốc gia và mọi cấp độ.
Là tờ báo Pháp đầu tiên công bố loạt bài phanh phui việc tình báo Mỹ tiến hành hoạt động gián điệp với cả các đồng minh châu Âu, kể cả đồng minh hàng đầu là Pháp, nhật báo Le Monde mới đây nhận định trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển ở tốc độ nhanh như hiện nay, hoạt động gián điệp điện tử là điều tất yếu diễn ra và theo một cách rất dễ dàng, nhằm vào tất cả các nước và không loại trừ bất cứ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào. Chỉ có điều là mỗi nước, mỗi cơ quan tình báo sẽ có các ưu tiên và mục đích khác nhau. Chẳng hạn, tình báo Trung Quốc ưu tiên cho các nỗ lực rút ngắn khoảng cách tụt hậu về công nghệ quân sự và hỗ trợ cho công cuộc phát triển kinh tế, trong khi các cơ quan đặc biệt Pháp ưu tiên cho các nỗ lực chống khủng bố và tội phạm quốc tế.
Tuy nhiên, ở trình độ, công nghệ thông tin hiện nay, và do 98% số máy chủ tin học được đặt ở Mỹ, Pháp cũng có rất nhiều yếu tố để đương nhiên trở thành mục tiêu ưa thích của các cơ quan tình báo nước ngoài, tất nhiên cả tình báo Mỹ. Các tài liệu do Edward Snowden, cựu nhân viên tình báo Mỹ làm việc cho NSA, cung cấp làm bằng chứng cho báo chí đã hé lộ quy mô vượt ngoài mọi sự tưởng tượng về hoạt động gián điệp điện tử của Mỹ đối với thế giới. Một số tài liệu cho thấy các cơ quan đặc biệt Mỹ đã phát triển các chương trình rất tinh vi để thực hiện những nhiệm vụ gián điệp truyền thống.
Le Monde đã được cung cấp một số tài liệu nội bộ của NSA cho thấy cơ quan này đã sử dụng phổ biến kỹ thuật chỉ điểm điện tử để hoạt động gián điệp đối với các lợi ích ngoại giao của Pháp tại Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng như ở Washington. Ví dụ, trong đó có một tài liệu kỹ thuật dài 2 trang được đóng dấu “tối mật” ngày 10/9/2010, dành cho các nhân viên NSA sử dụng hàng ngày các công cụ chặn nghe. Tài liệu này cho phép hỗ trợ các kỹ thuật viên không “bị lạc” trong ma trận mật mã và các từ viết tắt đang được sử dụng rất phổ biến. Hành động của NSA đã biến các dãy số đơn giản và những ký hiệu tưởng chừng như vô hại trở thành trung tâm của một cuộc chiến tranh điện tử thực sự.
Người ta có thể phát hiện ra bằng chứng tồn tại của chương trình “Genie”, một trong những chương trình thịnh hành nhất của NSA, cho phép cơ quan này cài cắm gián điệp từ xa vào các máy tính ở khắp nơi. Trên lãnh thổ Mỹ, mốt “đánh chặn” này được đặt tên là “US-3136″; đối với các mục tiêu ở nước ngoài, nó có tên là “US-3137″. Về phần theo dõi đại sứ quán Pháp tại Washington, chương trình được đặt tên mã là “Wabash”, trong khi theo dõi đại diện Pháp tại Liên Hợp Quốc là “Blackfoot”.
Tài liệu 2 trang nêu trên nói rõ kỹ thuật được sử dụng để theo dõi các liên lạc của ngoại giao Pháp, “Highlands”, để xâm nhập các máy tính nhờ việc cài cắm gián điệp điện tử từ xa; “Vagrant” có nhiệm vụ thu tin từ các màn hình máy tính; và cuối cùng là PBX, chuyên chặn thu các cuộc thảo luận của ngoại giao Pháp như thế NSA trực tiếp tham gia một hội nghị bằng điện thoại. Thực ra các kỹ thuật này cũng đã được một số cơ quan đặc biệt nước khác sử dụng, nhưng cũng giống như toàn bộ các cơ quan mật vụ lớn trên thế giới, NSA đã sáng tạo ra các công cụ riêng chưa từng có ở đâu trên thế giới.
Các báo cáo ngân sách năm 2011 của Mỹ, trong đó có một phần quan trọng dành cho NSA, cho biết rằng chỉ riêng phần dành cho dự án “cài gián điệp” đã lên tới 652 triệu USD. Cũng trong năm này, dư luận được biết đã có “hàng chục triệu máy tính” bị tấn công theo cách như vậy và dự án này còn được mở rộng hơn nhờ vai trò trung gian của chương trình có tên là “Turbine”. Đơn vị mũi nhọn của NSA thực hiện các chiến dịch tấn công trong dự án này là “Tailored Access Operation”. Theo tờ Washington Post, chương trình Genie sẽ kiểm soát từ xa, trong thời gian đến cuối năm 2013, 85.000 ổ gián điệp được cài cắm trong hệ thống các máy tính toàn thế giới.
Một tài liệu khác soạn vào tháng 8/2010 còn cho biết rõ hơn các trung tâm được Mỹ quan tâm trong hệ thống gián điệp từ xa nêu trên. Là tác phẩm của Cục Tình báo Điện tử thuộc NSA, tài liệu này khẳng định các thông tin mật lấy cắp được từ các trụ sở hoạch định chính sách ở nước ngoài, đặc biệt là Pháp, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm tiếng nói đồng thuận, ngày 9/6/2010, đối với một nghị quyết tăng cường các biện pháp trừng phạt Iran tại Hội đồng Bảo an LHQ.
Đó là một nghị quyết được Mỹ nhiệt thành bảo vệ trong tình trạng Washington lo ngại vấp phải sự phản đối của nhiều nước, nhất là các nước đang trỗi dậy. Nga và Trung Quốc ủng hộ dự thảo tại LHQ, nhưng Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết phản đối, cho rằng họ đang cùng với Iran đề xuất một lựa chọn cho các biện pháp trừng phạt. Trong khi Liban, với chính phủ gồm nhiều thành viên là người của phong trào Hezbollah, đồng minh của Iran, muốn bỏ phiếu trắng.
Để hiểu được động cơ của NSA, có thể tưởng tượng rằng Pháp đã có thời điểm làm Mỹ lo lắng sau khi Paris, vào ngày 18/5/2010, bầy tỏ thái độ “thừa nhận” và “hoàn toàn ủng hộ Tổng thống Lula vì những nỗ lực mà ông đã thực hiện” để tiến tới một thỏa thuận với Iran. Nhưng các tuyên bố của Pháp trước hết hàm chứa nhũng động lực thương mại Pháp-Brazil gắn chặt với thương vụ máy bay chiến đấu Rafale. Một nhà ngoại giao Pháp từng tham gia thảo luận thắc mắc: “Thực ra Washington đã biết rất rõ rằng chúng tôi theo quan điểm của Mỹ, chúng tôi đã gặp các phái đoàn của Bộ Tài chính Mỹ tại Paris vì nội dung các biện pháp trừng phạt. Tôi không biết tại sao họ còn làm như vậy”. Sau đó Pháp đã bở phiếu ủng hộ nghị quyết tăng cường các biện pháp trừng phạt Iran tại LHQ.
Nhưng điều đó không cản trở NSA đánh giá, trong tài liệu nêu trên, chiến dịch gián điệp nhằm vào đại diện Pháp tại LHQ là “một thành công thầm lặng tạo thuận lợi cho chính sách đối ngoại của Mỹ”. Để ca ngợi công lao, NSA đã dẫn lời Susan Rice, nữ đại sứ Mỹ tại LHQ, về việc làm của cơ quan này: “Điều đó đã giúp tôi hiểu được (…) sự thật, đã xác định được quan điểm của các nước về các biện pháp trừng phạt và cho phép chúng tôi giữ được lợi thế trong các cuộc đàm phán”.
Để làm sáng tỏ hơn những tranh cãi liên quan đến hoạt động gián điệp điện tử mà NSA tiến hành với các nước mà không phân biệt đồng minh hay đối lập, báo Le Figaro mới đây đã có cuộc phỏng vấn Bernard Squarcini, nguyên giám đốc Cục Tình báo Nội địa Trung ương Pháp (DCRI), từng phụ trách lĩnh vực phản gián và chống khủng bố của Pháp trong một thời gian dài. Nội dung phỏng vấn như sau:
+ Các nhà lãnh đạo chính trị Pháp, trong đó có Thủ tướng Jean-Marc Ayrault, vừa phát biểu là “rất sốc” trước việc NSA tiến hành các hoạt động gián điệp nhằm vào nước Pháp. Chẳng lẽ không có ai thông tin cho họ biết?
-Tôi thấy hốt hoảng trước sự bối rối ngây thơ này. Cứ như thể các chính khách của chúng ta không được đọc các báo cáo được gửi tới cho họ. Thực ra không có gì phải ngạc nhiên. Trước hết, Snowden từng công khai rằng Đức đã bị gián điệp theo dõi, sau đó đến Pháp. Nhưng anh ta chỉ tiết lộ từng ít một các phanh phui của mình, và Pháp là đối tượng xuất hiện cuối cùng trong chuỗi thông tin được công bố cho dư luận. Các cơ quan đặc biệt thừa biết rằng tất cả các nước, ngay cả khi có sự hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố, cũng có sự theo dõi lẫn nhau giữa các nước đồng minh. Mỹ tiến hành hoạt động gián điệp với chúng ta trên lĩnh vực thương mại và công nghiệp, cũng như chúng ta đang làm với họ, bởi vì lợi ích quốc gia là phải bảo vệ các doanh nghiệp của chúng ta. + Dư luận từng cáo buộc DCRI che giấu một nội các đen để tiến hành tình báo đối với chính trị nội địa…
- Ngược lại, chiếu theo tinh thần cải cách mà Jacques Foumet, nhân vật cánh tả từng lãnh đạo Tổng cục Tình báo (RG) và Cục Giám sát Lãnh thổ (DST), mong muốn, chúng ta đã làm tất cả để đoạn tuyệt với các biện pháp thiếu minh bạch ngay sau khi thành lập DCRI. Chúng ta đã từ bỏ hoạt động tình báo chính trị vòng trong để tập trung cho các lĩnh vực kỹ thuật khủng bố quốc tế, tin tặc hoặc tình báo kinh tế. Kể từ năm 2008, RG kiểu cũ không còn tồn tại. Tất cả chỉ có vậy, chấm hết.
+ Tuy nhiên, vẫn còn những ngờ vực cố hữu về hình ảnh “cảnh sát mật” gắn với các cơ quan đặc biệt…?
-Đó là điều tôi gọi là lời nguyền của các Pharaon: tất cả những ai dính líu đến các cơ quan mật vụ đều bị đóng dấu ngờ vực. Các cơ quan đặc biệt Pháp quả thực đã chịu một thiếu hụt về hình ảnh trong khi đó là một nghề nghiệp đúng nghĩa! Các nhân viên của chúng ta đều mong muốn chịu sự kiểm soát của một ủy ban tình báo nghị viện và một vị trí điều phối viên quốc gia về tình báo mà Nicolas Sarkozy cho lập ra ở cấp cao nhất của nhà nước. Vì vậy, mọi hành động bất nhã lố lăng đều đã thuộc về quá khứ. Nhưng vẫn cần phải duy trì một đội quân trong bóng tối để quan tâm tới tất cả mọi người.
+ Tại sao phải cải cách tình báo nội địa năm 2008?
-Bởi hai cơ quan cũ, DST và RG, hoạt động không còn hiệu quả. Chúng ta không còn đủ trang thiết bị để giữ lợi thế như vốn có sau các vụ tấn công khủng bố năm 1995, Nhưng trước hết, cần phải xác lập sự gắn kết giữa mối đe dọa nội địa với mối đe dọa từ bên ngoài, với việc tăng cường sự hợp tác rất chặt chẽ với Tổng cục An ninh Đối ngoại (DGSE).
+ Trước khi cải tổ tình báo nội địa năm 2008, ông từng là cảnh sát trưởng Marseille, một thành phố mà ông từng cho là phòng thí nghiệm duy nhất của chủ nghĩa khủng bố…
-Marseille là một thành phố cảng lịch sử, với một nền kinh tế ngầm, tình trạng nhập cư bất hợp pháp trầm trọng, di chuyển lén lút giữa các nước Bắc Phi và châu Âu. Các cơ quan đặc biệt của chúng ta đã thấy rất nhiều chuyện xẩy ra ở khu vực hành lang qua lại này, trong đó có sự tiềm ẩn các hoạt động hỗ trợ hậu cần cho chủ nghĩa khủng bố. Ở cấp độ quốc gia, các mạng lưới nhỏ tại đây có thể hợp lại thành các các mạng lưới đôi khi hoạt động xuyên biên giới.
+ Vì vậy, trước sự phức tạp của tình hình, cần phài có biện pháp nâng cao hiệu quả của lực lượng cảnh sát?
-Đó chính là những gì chúng ta đã làm khi phải huy động hơn 3.500 nhân viên, cả nam lẫn nữ, cho một DCRI mới! Pháp nổi tiếng về sự hiểu biết sâu sắc các mạng lưới bởi theo truyền thống, phần lớn các vấn đề của chúng ta có nguồn gốc từ một Bắc Phi, nơi có quan hệ gần gũi với chúng ta về mặt lịch sử, và cũng là nơi căn bệnh Hồi giáo cực đoan đã trở nên di căn liên quan đến khu vực châu Phi đen. Nhìn chung, các trao đổi kỹ năng của chúng ta đều được đánh giá cao. Chúng ta cũng đã làm việc về các phần tử Hồi giáo Chesnia và Uzbekistan, và Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã đánh giá cao các chiến dịch mà Pháp thực hiện nhằm vô hiệu hóa các đối tượng bị tình nghi đã tham gia các âm mưu tấn công hệ thống tầu điện ngầm ở Moskva. Chúng ta đã thành công nhưng vẫn cần phải tăng cường khả năng để ứng phó từ các mối đe dọa cấp bách, đa dạng và đến từ rất xa.
+ Vì vậy mà các đơn vị DGSE và DCRI, với quân số chỉ bằng 10% quân số của một cơ quan như NSA, buộc phải phối hợp các nỗ lực?
-Đương nhiên, cần có sự tương hỗ tối đa để giảm các chi phí không cần thiết, bởi tình báo là hoạt động rất tốn kém. Trong thời buổi ngân sách eo hẹp, không thể chi quá nhiều cho những vấn đề mà lẽ ra việc hợp tác có thể giải quyết được. Trong một cuộc khủng hoảng quốc tế mà mối đe dọa lên tới mức sôi sục, thách thức của chúng ta là phát hiện ra các đầu mối có thể chuyển thành hành động hoặc làm lây nhiễm các ứng cử viên thánh chiến cài cắm trên đất Pháp. Nhiệm vụ còn tế nhị hơn khi các mục tiêu của chúng ta di chuyển đơn độc, ngoài mọi mạng lưới đã được lên danh sách. Chỉ có sự hợp tác quốc tế rất chặt chẽ mới cho phép chúng ta thực hiện được nhiệm vụ. Khi một phần tử thánh chiến đến Afghanistan, chúng ta sẽ chuyến “gói ADN” cho các cơ quan tình báo bạn bè và ngược lại, họ sẽ chuyển cho chúng ta thông tin chi tiết về hoạt động tại chỗ của đối tượng. Nhờ đó chúng ta sẽ biết được đối tượng sẽ trở lại dưới một nhận dạng giả vào lúc nào để xử lý trong những điều kiện pháp lý tốt nhất.
+ Các cơ quan đặc biệt Pháp hiện còn thiếu những gì?
- Một khung luật về hoạt động tình báo cho phép xác định các hoạt động của chúng tôi cả ở trong nước lẫn ngoài nước, nhất là trong việc bảo vệ các nhân viên. Hiện nay, còn nhiều thủ tục xét xử hiện hành chống lại những người dám mạo hiểm tính mạng đế nỗ lực giải thoát các con tin Pháp trên lãnh thổ đối phương, chẳng hạn ở Mali hoặc Niger.
* **
TTXVN (Hong Kong 5/11)
Theo Thời báo châu Á Trực tuyến, một loạt quốc gia đang đồng loạt lên tiếng chỉ trích hoạt động do thám mạng bừa bãi của Mỹ. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất một quốc gia với các phương tiện và động cơ thúc đẩy cho việc sử dụng sự oán giận đang gia tăng của quốc tế để thách thức quyền lãnh đạo của Mỹ. Sự giám sát của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đối với các đồng minh của Mỹ đã mở ra hai mặt trận quan trọng mà ở đó Trung Quốc có thể làm suy yếu sự thống trị toàn cầu của Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã tuyên bố một cách khoa trương và hoa mỹ, gọi an ninh mạng là “một vấn đề về chủ quyền.” Bà Hoa Xuân Oánh nói rằng Bắc Kinh muốn giải quyết vấn đề thông qua khuôn khổ của Liên Hợp quốc, và để làm như vậy, “Trung Quốc và Nga đã đệ trình một kế hoạch dự thảo, trong một nỗ lực nhằm giúp thế giới cùng chung tay giải quyết vấn đề.”
Đề nghị chung Nga-Trung này nhằm chiến đấu với sự giám sát điện tử của NSA phù hợp với một sáng kiến song song được đưa ra bởi hai đồng minh của Mỹ. Đức và Brazil đang cùng nhau làm việc để cho ra đời một nghị quyết Liên Hợp Quốc nhằm mục đích giảm bớt hoạt động gián điệp điện tử. Cả hai nước này đã công khai bầy tỏ sự tức giận với Washington sau khi xuất hiện những tiết lộ rằng NSA đã do thám nhũng thông tin cá nhân của cả Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong nhiều năm liền.
Các nhà ngoại giao Brazil và Đức dự kiến hoàn thành bản dự thảo nghị quyết trong vòng một tuần và sau đó gửi văn kiện này lên Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp quốc. Theo chuyên gia khoa học chính trị Gunther Maihold, “sự quan tâm chính của Brazil là vụ này sẽ dẫn đến quy định quốc tế bởi Liên Hợp Quốc.”
Quy định quốc tế như vậy về việc do thám điện tử sẽ bị phần lớn chính giới Mỹ ghét cay ghét đắng, những người tin rằng việc do thám không giới hạn của NSA là nhằm đề phòng mối đe dọa liên tục về “chủ nghĩa khủng bố”.
Bắc Kinh có thể đang ủng hộ những nỗ lực chống do thám mạng tại Liên Hợp Quốc chính là bởi vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc trông đợi những nỗ lực như vậy sẽ làm bẽ mặt Mỹ. Những ảnh hưởng từ việc Washington ngăn chặn nhũng sáng kiến chống giám sát tại Liên Hợp Quốc có thể làm đỗ vỡ chính sách ngoại giao của Mỹ trong nhiều thập kỷ tới.
Những nỗ lực của Liên Hợp Quốc do Trung Quốc ủng hộ nhằm ngăn chặn các hoạt động của NSA có thể làm suy yếu quyền bá chủ của Mỹ bằng cách phá vỡ các liên minh của Mỹ. Những liên minh này đã củng cố sự thống trị toàn cầu của Mỹ trong phần lớn thế kỷ qua. Tuy nhiên, sự phản đối của Bắc Kinh đối với hoạt động do thám mạng của Mỹ là nhằm vào một mức độ lớn hơn của chiến thuật phòng thủ.
Theo báo Der Spiegel, NSA điều hành các trạm nghe trộm ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô, Hong Kong và Đài Bẳc.
Hơn nữa, truyền thông Nhật Bản đưa tin rằng trong năm 2011, NSA đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Tokyo nhằm nghe trộm điện thoại qua các đường cáp quang qua Nhật Bản. Hoạt động này gần như chắc chắn chủ yếu nhằm thu thập những thông tin kinh tế và chính trị quan trọng từ Trung Quốc – những kẻ khủng bố có nguồn gốc ở Đông Á nhìn chung không bị coi là một mối đe dọa lớn đối với nước Mỹ.
Chính phủ Nhật Bản đã từ chối đề nghị nói trên của NSA bởi vì việc can thiệp vào hệ thống viễn thông với một quy mô lớn như vậy sẽ là một hành động bất hợp pháp theo luật pháp Nhật Bản.
Trung Quốc, quốc gia từ lâu vẫn bị Washington cáo buộc hợp tác với các quốc gia cứng đầu cứng cổ vô pháp luật, đã được bảo vệ tránh khỏi sự giám sát của Mỹ theo luật pháp của Nhật Bản.
Các vấn đề đạo đức
Mặt trận thứ hai, trong đó Bắc Kinh có thể tranh thủ lôi kéo các nước chống lại Washington trong bối cảnh dư luận quốc tế đang phản đối Mỹ vì hoạt động gián điệp mạng của NSA, Các nhà lãnh đạo Mỹ từ lâu đã ủng hộ hình ảnh của nước Mỹ là một quốc gia có đạo đức nhất, “một thành phố ở trên một ngọn đồi,” một cường quốc đạo đức lý tưởng mà các quốc gia muốn hướng tới.
Hành động bí mật theo dõi hàng chục triệu cuộc gọi điện thoại của các đồng minh – trong đó có thông tin liên lạc của một vài người bạn thân thiết nhất của Mỹ – đã làm hoen ố nghiêm trọng hình ảnh này. Truyền thông chính thức của Trung Quốc giờ đây đang lợi dụng diễn biến này. Hôm 30/10, bài đăng trên báo điện tử Trung Quốc có tiêu đề “Vụ bê bối do thám sẽ làm suy yếu uy tín toàn cầu của Mỹ.”
Truyền thông tiếng Trung Quốc thậm chí còn làm ầm ĩ hơn. Kênh 4 Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) còn phát bình luận của Tướng Trương Triệu Trung, một chuyên gia bình luận quân sự nổi tiếng, nói rằng: “Giờ đây, nếu như Mỹ muốn quay trở lại tự do dân chủ và quân quyền, họ nên xin lỗi toàn thể thế giới, và nói rằng: Tôi xin lỗi, chúng tôi đã thiết kế một số phần mềm như vậy, trong tương lai chúng tôi sẽ quản lý nó nghiêm ngặt hơn.
Thời gian đã thay đổi như thế nào? Chỉ cách đây vài tháng, Chính phủ Mỹ ngày một lớn tiếng trong việc chỉ trích hoạt động do thám mạng của Trung Quốc. Trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đến dự Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một quan chức Nhà Trắng đã kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các quy tắc quốc tế và nói với các phóng viên rằng “các chính phủ chịu trách nhiệm đối với các vụ tấn công mạng xẩy ra bên trong biên giới nước họ.”
Trung Quốc muốn nhắc nhở giới quan sát trong nước và quốc tế về hành động đạo đức giả của quan chức Mỹ, giờ đây hành động đạo đức giả như vậy đã bị phơi bầy trên quy mô toàn cầu.
Đạo đức – hay hơn thế, sự nhận thức về đạo đức – đóng một vai trò đáng kể trong những mục tiêu chính sách ngoại giao của Mỹ. Mỹ, vì tất cả những sai lầm và thiếu sót của họ, đã đánh mất những người khâm phục và ủng hộ trên toàn thế giới nhờ sự cởi mở và những lý tưởng dân chủ mà họ đã gieo trồng.
Ngược lại, chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã có ít mối tương quan với tư tưởng trong vài thập kỷ qua. Bắc Kinh củng cố các mối quan hệ của họ với các quốc gia bên ngoài xung quanh lợi ích bản thân song phương, thường là về kinh tế.
Bắc Kinh bám sát lợi ích từ việc nhấn mạnh tổn thất tự gây ra về danh tiếng đạo đức của Mỹ. Sau Vịnh Guantanamo và cuộc chiến tranh Iraq Washington không thể đủ khả năng gánh chịu một tổn thất hơn nữa về tính liêm chính. Nếu như Mỹ ngày càng được hiểu là một cường quốc vi phạm luân lý và có thói giả nhân giả nghĩa, thì những chính sách của Trung Quốc về nhũng lợi ích kinh tế thực tiễn và không can thiệp chính trị có thể ngày càng hấp dẫn.
Một điều đáng chỉ ra là Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil, và thương mại song phương giữa Trung Quốc và Đức có giá trị cao hơn so với thương mại giữa Đức và Mỹ.
Khi những tiết lộ về hoạt động gián điệp mạng của NSA tiếp tục gây ầm ĩ Bắc Kinh sẽ tiếp tục làm nổi bật trò lá mặt lá trái về đạo đức của Mỹ. Trung Quốc cũng sẽ ủng hộ những sáng kiến tại Liên Hợp Quốc nhằm ngăn chặn hoạt động do thám mạng, tiềm ẩn khả năng khoét sâu những chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh của Washington. Tuy nhiên, tổn hại phần lớn thuộc về những kẻ đã tự gây ra. Những hòn đá từng được ném vào Trung Quốc đã bay trở lại để đập vỡ ngôi nhà kính về đạo đức và tính liêm chính của Mỹ.
***
TTXVN (Paris 4/11)
Bắc Kinh không chỉ theo dõi các phần tử ly khai mà còn giám sát các công dân bình thường của mình, đồng thời cũng tiến hành các hoạt động gián điệp nhằm vào các nước phương Tây để bắt kịp tốc độ phát triển công nghệ trong các lĩnh vực công nghiệp và quân sự. Đó là nhận định của báo Le Figaro ngày 25/10 về một chính sách ngầm của Bắc Kinh, nơi giới lãnh đạo đã nâng hoạt động gián điệp lên thành một môn “thể thao quốc gia” của Trung Quôc.
Theo nhật báo trên, ở bên trong các đường biên giới, Bắc Kinh đã dựng lên một đội quân chuyên theo dõi các công dân bình thường của mình đặc biệt trên mạng Internet, để sẵn sàng dập tắt từ trứng nước mọi hành động phản kháng, ở bên ngoài, Trung Quốc đã biến tình báo thành một vũ khí phục vụ công cuộc phát triển kinh tế. Thứ vũ khí này cũng được áp dụng thường trực với các phần tử ly khai, các đối tượng đấu tranh người Tây Tạng và các thành viên của giáo phái Pháp luân công lưu vong ở các nước.
Theo báo chí chính thức, Bắc Kinh đang nuôi khoảng 2 triệu “cảnh sát mạng” có nhiệm vụ theo dõi thường xuyên khoảng 500 triệu người sử dụng Internet. Tập trung vào các nhân vật có tiếng tăm hay phê phán chế độ hoặc các từ khóa gợi nhắc “các chủ đề nhậy cảm”, đội quân này có nhiệm vụ hàng ngày làm biến mất hàng triệu từ, bình phẩm được đăng trên mạng xã hội Weibo, vốn được coi là mạng Twitter của Trung Quốc, hoặc trên các trang Internet. Bị theo dõi gắt gao, hoạt động của người sử dụng Internet trong thế giới ảo có thể dẫn đường cho cảnh sát đến cửa nhà mình để tra hỏi hoặc bắt bớ. Các phanh phui về hoạt động gián điệp điện tử của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và những cáo buộc xâm phạm tự do cá nhân đối với cơ quan này đã được Bắc Kinh hồ hởi đón nhận vì tránh được sự cô lập.
Ở bên ngoài, các trung đoàn “cá nước sâu”, tức là rất nhiều nhân viên mật vụ của Trung Quốc được phái đi thực hiện nhiệm vụ săn lùng mọi bí mật công nghiệp và quân sự để phục vụ mục tiêu tăng cường sức mạnh kinh tế và ưu thế chiến lược của Bắc Kinh. Trụ sở Bộ Công an, tòa nhà nằm gần quảng trường Thiên An Môn, là bề ngoài của tình báo Trung Quốc. Được tái tổ chức năm 1983, giai đoạn đầu của kỷ nguyên Đặng Tiểu Bình, cơ quan này đã có sự điều chỉnh lại các chức năng, nhiệm vụ phản gián và tình báo đối ngoại với mục tiêu mới là hỗ trợ công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.
Mỹ, Canada, Đức, Anh và Pháp, thậm chí cả đồng minh Nga, đều là mục tiêu ưu tiên của tình báo Trung Quốc. Trong lĩnh vực công nghiệp cũng như quân sự, các cơ quan tình báo Trung Quốc có nhiệm vụ thu tin góp phần rút ngắn khoảng cách tụt hậu về công nghệ với các nước phát triển… Bất chấp các tuyên bố hùng hồn của Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn còn bị bỏ xa trong nhiều lĩnh vực công nghệ mũi nhọn mà thực tế, nước này đã không đạt được bước tiến đáng kể nào. Nhiều thử nghiệm công nghệ đầy tham vọng đang gặp bế tắc. Đó chính là lý do khiến Bắc Kinh chủ trương dùng gián điệp để thu hẹp khoảng cách công nghệ.
Lực lượng tình báo công nghiệp Trung Quốc nhận được sự đầu tư rất lớn. Các hoạt động này còn được chính các doanh nghiệp của Nhà nước tiến hành, dựa trên rất nhiều cơ sở mang nhãn hiệu viện “nghiên cứu” hay “hợp tác quốc tế”. Các điệp viên tiềm năng của Bắc Kinh có thể được tuyển lựa trong số 180 nghìn sinh viên Trung Quốc ở khắp nơi trên thế giới, cũng như trong hàng ngũ những người nước ngoài từng học tập tại Trung Quốc hay cộng tác với Trung Quốc.
Các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Trung Quốc cũng bị hoạt động gián điệp một cách không ngượng ngùng. “Làm ơn nói tiếng Anh đi”,mới đây một nhà công nghiệp Pháp đang nói chuyện điện thoại với trụ sở trung tâm thì bị cắt ngang một nhân viên nghe trộm không làm chủ được tiếng Pháp. Có thể đây là một giai thoại gây cười nhưng nó không có nghĩa lý gì so với sự kiểm soát cực kỳ chặt chẽ của các doanh nghiệp Trung Quốc đối với các đối tác nước ngoài trong khuôn khổ các “liên doanh”.
Có rất nhiều ví dụ chứng tỏ các hoạt động gián điệp ráo riết của Trung Quốc tại nước ngoài trong những năm vừa qua. Năm 2011, Noshir Gowadia, một kỹ sư làm việc trong lĩnh vực máy bay ném bom tảng hình, đã bị một tòa án liên bang Mỹ kết án 32 năm tù vì tội chuyển giao công nghệ quân sự nhậy cảm cho Trung Quốc. Tại Pháp, Li Li Huang, một nữ thực tập sinh làm việc tại nhà máy thiết bị xe hơi Valeo, đã bị bắt giữ năm 2005 vì tội đánh cắp tài liệu công nghệ. Trong một vụ việc khác nổi tiếng thế giới, nam diễn viên Kinh kịch Shi Pei Pu đã thành công trong việc thuyết phục một nhà ngoại giao Pháp rằng ông ta là đàn bà để hoạt động gián điệp cho Bắc Kinh.
Trung Quốc cũng đã bị cáo buộc về tội điều các tin tặc và “những con ngựa thành Troia” (một loại vi rút) tấn công Lầu Năm Góc hoặc các tập đoàn đa quốc gia. Năm 2007, Berlin đã tố cáo các tin tặc có liên quan đến Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đột nhập vào các máy tính của Chính phủ Liên bang Đức… Chính máy tính của Angela Merkel đặt tại phủ thủ tướng cũng là một mục tiêu. Vụ việc đã kéo theo hàng loạt biện pháp an ninh mạng – điều đã không đủ để ngăn chặn các hoạt động gián điệp điện tử của NSA.
Về chủ đề hoạt động gián điệp giữa các nước trong bối cảnh mới, báo Le Figaro còn có bài viết “Gián điệp Nga đặt chân trở lại châu Âu”, nội dung cho biết sau sự sụp đổ của Liên Xô, các cơ quan tình báo đối ngoại Nga, cụ thể là SCR thoát thai từ Tổng cục I của KGB, đã tăng cường độ hoạt động lên gấp đôi kể từ khi Vladimir Putin, một cựu sĩ quan KGB, nắm quyền Tổng thống Nga. Theo đánh giá của một số chuyên gia, trình độ gián điệp của Nga tại châu Âu đã đạt tới mức ngang bằng thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Các cơ quan mật vụ Nga tỏ ra đặc biệt tích cực tại các nước thuộc Liên Xô cũ, nhất là các nước có thiên hướng xích lại gần NATO và EU. “Tại Gruzia, người của KGB được cài vào các cấu trúc an ninh. Tại Ukraine và Belarus, tình báo Nga cũng thâm nhập rất sâu, buộc KGB địa phương phải chịu sự chi phối của Moskva”, một nhà ngoại giao công tác tại khu vực nhận định. Các vụ việc liên quan đến hoạt động gián điệp đã đặt dấu ấn lên đời sống chính trị khu vực. Năm 2008, Herman Simm, một quan chức cấp cao Estonia, đã bị bắt tại Tallinn vì tội hoạt động gián điệp cho Nga.
Việc EU và NATO vội vàng mở cưa đón nhận các nước Đông Âu đã tạo cơ hội thuận lợi hiếm có để Nga xâm nhập. Hàng loạt mạng lưới chìm đã được kích hoạt trở lại. Tại Ba Lan, văn phòng của Cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR) từng được xây dựng ngay trước trụ sở Bộ Ngoại giao. Tại Bulgaria, trên nền khủng hoảng chính trị, chính phủ đã phục quyên cho các cựu quan chức mật vụ thời kỳ cộng sản. Trong một báo cáo gần đây, các cơ quan đặc biệt của Cộng hòa Czech đánh giá rằng Nga đang duy trì một mạng lưới gián điệp năng động nhất tại nước này.
Sự trở lại ngoạn mục này cũng liên quan đến Tây Âu và Mỹ. Theo một quan chức ngoại giao châu Âu giấu tên, tại Brussels, nơi đặt trụ sở NATO, EU và Cơ quan Phòng thủ châu Âu (AED), có rất nhiều công chức xuất thân từ các nước Đông Âu, đặc biệt tại Hungary và Bulgaria, mới đây đã bị cách ly một cách bí mật vì làm việc cho Nga. Năm 2010, Cục Tình báo Trung ương Nội địa Pháp (DCRI) đã được báo động về dự án xây dựng – vốn bị đình chỉ từ lâu – một nhà thờ Chính thống giáo Nga tại Quai Branly, một vị trí trong tầm nghe điện tử của Điện Élysée. Khi đó, một nhà chức trách của DCRI đã tiết lộ với báo chí rằng hoạt động của các cơ quan đặc biệt Nga tại Pháp có cường độ tương đương năm 1985. Tháng 6/2010, 10 gián điệp Nga thâm nhập bộ sậu của Tổng thống Mỹ Obama đã bị bắt giữ. Các cơ quan phương Tây, hiện đang tập trung cho các nỗ lực chống mạng lưới al-Qaeda và chủ nghĩa khủng bổ, được trang bị không đầy đủ để có thể đối diện với các cuộc tấn công bí mật này.
Được tiếp sức nhờ chi phí quốc phòng tăng cao, các cơ quan tình báo đối ngoại Nga quan tâm trước hết đến các lĩnh vực vũ trang, khoảng không vũ trụ và hạt nhân. Một chuyên gia phương Tây nhận định: “Các cơ quan này duy trì một khả năng thực sự trong hoạt động nghe lén điện tử”. Gần đây, tình báo Nga được tăng cường nhờ việc điều động các tầu ngầm đến Địa Trung Hải. SVR cũng theo dõi hoạt động của các nước đối lập và các nước thuộc khu vực Caucasus. Vì các mục đích chiến lược, họ cũng sử dụng các dân tộc thiểu số Nga tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. SVR còn bị cáo buộc đã sử dụng lại các biện pháp “thanh toán” được áp dụng thời Stalin đối với các “kẻ thù” của chế độ ở nước ngoài. Vụ ám sát Alexandre Litvinenko, cựu nhân viên KGB, bàng thuốc độc tại London năm 2006 chưa bao giờ được làm sáng tỏ.
Các chuyên gia phương Tây cũng lưu ý ảnh hưởng trở lại của SVR ở Azerbaijan và Kazakhstan. Các cơ quan đặc biệt Nga cũng hiện diện trở lại Việt Nam và Malaysia. Tuy nhiên, nếu ngoại trừ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, về mặt hoạt động gián điệp, Nga còn lâu mới đạt tới nhịp độ từng lên đến đỉnh cao thời Liên Xô. Thomas Gomart, một chuyên gia thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, nhận định: “Thời kỳ đó, chế độ chính trị được tổ chức xung quanh KGB. Nhưng đó không phải là trùng hợp hiện nay”./.
http://basam.info/2013/11/08/2095-xung-quanh-hoat-dong-gian-diep-cua-cac-cuong-quoc-tren-the-gioi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét