VietnamDefence - Thách thức đang nổi lên do hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đã khiến nước Mỹ phải xem xét lại các chiến lược quân sự hiện tại và nghiên cứu xây dựng những chiến lược mới.
Bằng cách thực hiện phong tỏa đường biển, Mỹ sẽ khai thác sự phụ thuộc nặng nề của Trung Quốc vào ngoại thương, đặc biệt là dầu mỏ, để làm suy yếu nhà nước Trung Quốc. Một cuộc phong tỏa có tổ chức cẩn thận vì thế có thể trở thành một công cụ ghê gớm của sức mạnh quân sự Mỹ góp phần khắc phục thách thức đầy áp lực từ hệ thống vũ khí chống tiếp cận/phong tỏa khu vực(A2/AD) đáng gờm của Trung Quốc. Một cuộc phong tỏa cũng có thể dễ dàng kết hợp với các chiến lược quân sự thay thế, kể cả những chiến lược dựa trên khái niệm ASB.
Trong bối cảnh một cuộc chiến tranh Trung-Mỹ, nước Mỹ có thể cố gắng biến sức mạnh quốc gia lớn nhất của Trung Quốc - mô hình kinh tế định hướng xuất khẩu, tăng trưởng bùng nổ của họ - thành một nhược điểm quân sự lớn. Để làm như vậy, Mỹ sẽ thực hiện một cuộc phong tỏa đường biển đối với Trung Quốc nhằm bóp nghẹt phần lớn hoạt động thương mại hàng hải của Trung Quốc. Trong những các điều kiện thuận lợi, Mỹ sẽ có thể giành chiến thắng bằng cách làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc đủ nghiêm trọng để buộc họ ngồi vào bàn đàm phán.
Tuy nhiên, cho đến gần đây, một chiến lược phong tỏa phần nhiều bị bỏ qua, có lẽ vì các chiến lược chiến tranh kinh tế dường như vốn đã là sai lầm trong điều kiện tồn tại các mối quan hệ thương mại chặt chẽ giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhưng nếu một cuộc xung đột nghiêm trọng nổ ra giữa hai nước, thì các lợi ích an ninh trực tiếp của hai nước sẽ nhanh chóng vượt lên trên sự phụ thuộc lẫn nhau về thương mại của họ và gây ra thiệt hại kinh tế rất lớn cho cả hai bên, bất kể một cuộc phong tỏa có được áp đặt hay không.
Ngay cả khi một cuộc phong tỏa không bao giờ thực hiện, thì khả năng thực hiện nó vẫn sẽ tác động đến chính sách của Mỹ và Trung Quốc vì lý do răn đe. Chiến lược khu vực của Mỹ được xác định trên niềm tin rằng, một cán cân quân sự có lợi sẽ răn đe và ngăn cản những âm mưu tiềm tàng của Trung Quốc tìm cách thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, do đó có tác dụng trấn an các đồng minh và duy trì sự ổn định chiến lược.
Khả năng thi hành một cuộc phong tỏa ảnh hưởng đến tính toán này còn có thể có ảnh hưởng tương ứng đến các hành động của Mỹ và Trung Quốc, cả về quân sự và phi quân sự, vốn được dựa trên sự nhận thức về nó. Nếu một cuộc phong tỏa đường biển là một chiến lược khả thi, nó sẽ tăng cường hệ thống răn đe của Mỹ và làm giảm hiệu lực của bất kỳ nỗ lực tiềm năng nào của Trung Quốc nhằm ép buộc Mỹ hay đồng minh.
Hơn nữa, nếu tính khả thi của một cuộc phong tỏa có thể được nêu lên một cách rõ ràng, nó sẽ còn nâng cao sự ổn định khủng hoảng và làm giảm triển vọng leo thang do sự hiểu lầm ở cả hai bên về cán cân sức mạnh trong khu vực. Tóm lại, đúng như Elbridge Colby đã nói: “Một câu thành ngữ vẫn còn đúng là cách tốt nhất để tránh chiến tranh vẫn là hãy chuẩn bị cho nó”.
Trong khi một cuộc phong tỏa không phải là một điều không thể hoặc không thích hợp trong mọi tình huống, thì nó cũng không phải là một công cụ sẵn sàng trong kho vũ khí của Mỹ và sẽ chỉ khả thi chủ yếu trong những phạm vi nhất định. Quan trọng nhất, nhiều nhà bình luận bỏ qua một thực tế là một cuộc phong tỏa chính là một chiến lược phụ thuộc vào bối cảnh, điều phụ thuộc chủ yếu vào môi trường khu vực.
Bối cảnh chiến lược
Việc phong tỏa sẽ không được Mỹ khinh xuất sử dụng do chi phí tiềm năng lớn của nó. Do đó, Washington có thể sẽ chỉ xem xét thực hiện phong tỏa trong một cuộc xung đột kéo dài liên quan đến những lợi ích sống còn; bất cứ lý do gì nhỏ hơn sẽ không hợp lý khi phân tích chi phí-lợi ích cơ bản.
Nhưng quan trọng hơn là một chiến lược phong tỏa sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác của nhiều bên thứ ba trong khu vực. Nói cho cùng, hoạt động thương mại của Trung Quốc được thực hiện trên các vùng biển chủ yếu là kết quả của những tính toán kinh tế, chứ không phải là do những hạn chế vật lý; nếu Trung Quốc bị phong tỏa, họ sẽ chuyển sang các nước giáp giới để xin giúp đỡ.
Trong khi nhiều nước láng giềng của Trung Quốc sẽ không thể tạo ra sự khác biệt chiến lược vì địa lý hiểm trở hoặc lãnh thổ của họ quá nhỏ, ba nước có thể có vai trò thiết yếu là Ấn Độ, Nhật Bản, và Nga. Nhật và Nga sẽ rất quan trọng trong việc giúp Mỹ cắt đứt các tuyến đường thương mại của Trung Quốc tương ứng ở phía nam và phía đông thông qua việc cấm vận quốc gia đối với Trung Quốc và gây sức ép với các nước láng giềng nhỏ hơn của họ cùng làm như vậy. Nếu không có sự hợp tác của họ, nhiệm vụ của Hoa Kỳ sẽ trở nên khó khăn hơn.
Nước cuối cùng trong ba nước láng giềng đó của Trung Quốc là Nga sẽ là có vai trò then chốt để phong tỏa thành công, và có thể làm nghiêng cán cân của phong tỏa nghiêng về phía lợi cho Trung Quốc hay Mỹ. Một mặt, Nga có vị trí khá thuận lợi để giảm bớt ảnh hưởng của cuộc phong tỏa đối với Trung Quốc. Hoạt động thương mại của Nga sẽ được miễn dịch trước sự ngăn chặn của Mỹ do kho vũ khí hạt nhân và các lực lượng, vũ khí thông thường của Nga có thể ngăn cản bất kỳ mưu toan ép buộc quân sự nghiêm túc nào của Mỹ.
Nhưng mặt khác, nước láng giềng phương bắc của Trung Quốc cũng có thể rung hồi chuông báo tử cho khả năng chống phong tỏa của Trung Quốc. Ở cấp độ chính trị, Moscow vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng đối với các quyết định ở thủ đô các nước láng giềng Trung Á của Trung Quốc và có thể thuyết phục họ từ chối lời cầu xin của Trung Quốc để các nước này đóng vai trò như các quốc gia quá cảnh. Nga cũng có thể đảm bảo rằng, hai nhà sản xuất dầu láng giềng của Trung Quốc sẽ không còn cung cấp dầu cho Trung Quốc nữa.
Vì thế, để thực hiện được một cuộc phong tỏa có hiệu quả chiến lược đối với Trung Quốc, Mỹ sẽ cố gắng xây dựng một “liên minh tối thiểu” với Ấn Độ, Nhật Bản và Nga. Nếu cả ba quốc gia cùng chung sức tham thực hiện cuộc phong tỏa của Mỹ, thì Trung Quốc sẽ bị đẩy vào vòng kiềm tỏa bóp nghẹt cả về kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, nếu không được thế, thì chiến lược phong tỏa sẽ “khu vực hóa” một cuộc chiến tranh Trung-Mỹ theo một cách cơ bản là bất lợi cho lợi ích của Mỹ.
Một liên minh tối thiểu như vậy chỉ có thể ra đời theo một cách duy nhất: nhằm vào những sơ hở của hành động quyết đoán của Trung Quốc nhằm giành quyền bá chủ khu vực vốn có tác động thúc đẩy một sự ủng hộ của khu vực đối với sự phản ứng mạnh mẽ của Mỹ. Nếu không có yếu tố một Trung Quốc hung hăng, thì hành động cấm vận tập thể sẽ bị cản trở bởi những hậu quả tiềm năng của cuộc phong tỏa, trong đó hậu quả không nhỏ là nguy cơ xảy ra xung đột khu vực lớn hơn với Trung Quốc. Bốn nước (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Nga) khó có khả năng tập hợp với nhau quanh một chính sách kiềm chế tiềm ẩn cho đến khi mỗi nước đều cảm thấy, lợi ích quốc gia của mình có thể bị Trung Quốc đe dọa trong tương lai.
Trong khi một khả năng như vậy hiện tại có thể cảm thấy xa vời, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga đều lo ngại, Bắc Kinh có thể một ngày nào đó kết luận là họ phải sử dụng vũ lực để bảo vệ lợi ích của mình và để giải quyết nan đề an ninh của họ trong những điều kiện thuận lợi. Cả bốn cường quốc ngày càng tìm cách bảo hiểm tiền đặt cược của họ để chống lại khả năng này. Nếu sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á tiếp tục tăng, thì sự liên kết giữa cả bốn quốc gia này sẽ được tăng cường, không phải vì bất kỳ niềm tin nào về ý định hiếu chiến của Trung Quốc, mà là vì sự bất định hoàn toàn về vị thế tương lai của họ.
Thách thức về mặt thực thi phong tỏa
Kể cả khi giả định rằng, Mỹ có thể tập hợp được một liên minh cần thiết, họ sẽ dứt khoát phải đối mặt với thách thức về thực thi phong tỏa gây rắc rối cho tất cả các chiến lược phong tỏa hiện đại.
Về mặt tác chiến, các cuộc phong tỏa được đặc trưng bởi khoảng cách từ bờ biển của quốc bị phong tỏa và chúng có hai hình thức: gần và xa. Một cuộc phong tỏa gần thường được thực thi bằng cách lập một hàng rào của các tàu chiến ở ngoài khơi bờ biển đối phương để lục soát tất cả các tàu buôn đến hoặc đi và ngăn chặn các tàu chở hàng lậu. Tuy nhiên, trong một thế kỷ rưỡi qua, các cuộc phong tỏa gần ngày càng trở nên nguy hiểm do các nước tham chiến đã phát triển được công nghệ tung sức mạnh từ bờ biển của họ. Để đối phó, các cường quốc tiến hành phong tỏa đã chuyển sang phong tỏa từ xa. Một cuộc phong tỏa từ xa giúp tránh được các nguy cơ về quân sự vì ở gần bờ biển đối phương bằng cách bố trí lực lượng, phương tiện phong tỏa ở xa, nhưng vẫn ngăn chặn được các tuyến đường biển của đối phương và do đó, nó triệt phá được hoạt động thương mại của đối phương giống như phong tỏa gần.
Một cuộc phong tỏa gần hay phong tỏa từ xa đối với Trung Quốc một mình nó không thể thành công do những hạn chế đặt ra bởi những yêu cầu quân sự và bản chất của thương mại hàng hải. Một mặt, một cuộc phong tỏa gần thông thường sẽ cực kỳ khó khăn vì Mỹ muốn giảm thiểu các nguy cơ quân sự cho các tàu chiến Mỹ. Một khi tiến gần hơn lãnh thổ Trung Quốc, các lực lượng Mỹ sẽ ngày càng đặt mình vào tầm uy hiếp của các hệ thống A2/AD của Trung Quốc, có thể làm hạn chế quyền tự do hành động của họ và kết quả là những tổn thất nặng nề. Các lực lượng Mỹ có thể tránh được mối đe dọa từ hệ thống A2/AD của Trung Quốc bằng cách tiến hành cuộc phong tỏa gần bằng các tàu ngầm, lực lượng không quân tầm xa và thủy lôi; nhưng bằng cách đó, cuộc phong tỏa cũng sẽ mất đi phần lớn khả năng của mình phân biệt giữa hoạt động thương mại trung lập và và hoạt động thương mại của kẻ thù.
Mặt khác, logic đằng sau các cuộc phong tỏa từ xa thông thường cũng bị mất hiệu quả như thế bởi các nhu cầu cấp thiết của thương mại hiện đại. Ngày nay, nguyên liệu thô và hàng hóa chở trên tàu biển có thể được bán và bán lại nhiều lần trong một hành trình, vì thế không thể biết quyền sở hữu và điểm đến cuối cùng của hàng hóa trên tàu cho đến tận khi tàu cập cảng. Mặc dù Mỹ có thể thiết lập một cuộc phong tỏa từ xa thông thường ngăn chặn tất cả các tàu thuộc sở hữu Trung Quốc hoặc mang cờ Trung Quốc, Trung Quốc vẫn có thể đơn giản là mua hàng hóa của các tàu chở hàng trung lập sau khi chúng đã đi qua vòng đai phong tỏa, làm thất bại hoàn toàn mục đích của cuộc phong tỏa.
Giải pháp: Phong tỏa hai vành đaiĐể khắc phục sự ớt của hai kiểu phong tỏa, Mỹ sẽ tận dụng những gì tốt nhất của cả hai thế giới và thực hiện “hai vành đai” phong tỏa gồm hai vòng tròn đồng tâm bao quanh bờ biển Trung Quốc.
Trung tâm của phong tỏa hai vành đai sẽ là “vành đai bên trong” của nó, vốn sẽ là một sự phong tỏa gần khác thường chủ yếu nhằm vào việc ngăn chặn các tàu biển đi đến Trung Quốc mà không cần phải lên các tàu này trước. Vành đai này sẽ tạo ra một một vùng loại trừ xung quanh bờ biển Trung Quốc, khu vực bị tuyên bố là cấm vận chuyển thương mại và được thực thi bởi một chính sách “bắn chìm nếu trông thấy” thông qua việc sử dụng các tàu ngầm tấn công, không quân tầm xa và thủy lôi. Khác với các phương tiện quân sự khác, ba loại vũ khí này có thể hoạt động tương đối an toàn trong tầm hoạt động của hệ thống các phương tiện A2/AD của Trung Quốc bằng cách lợi dụng khả năng chống ngầm yếu ớt của Trung Quốc và lực lượng chống thủy lôi kém cỏi của họ. Trong khi bộ ba phương tiện quân sự này sẽ không đảm bảo tạo ra được hàng rào hoàn toàn không thể vượt qua đối với tàu bè, khu vực loại trừ vẫn có thể đạt được mục tiêu phong tỏa vì điểm tựa của chiến dịch của Mỹ sẽ được đặt vào khả năng răn đe hơn là vào vũ lực. Ngay sau khi các lực lượng Mỹ đã công khai đánh chìm nhiều tàu buôn lớn, phần lớn các tàu khác sẽ bị răn đe để không cố vi phạm lệnh phong tỏa và dòng chảy liên tục của thương mại hàng hải của Trung Quốc sẽ nhanh chóng cạn kiệt.
Nhưng trong khi tàu ngầm, không quân tầm xa và thủy lôi có thể thực thi hiệu quả một khu vực loại trừ như một phần của vành đai phong tỏa bên trong, tất cả các phương tiện này là các công cụ cùn, không thể nhận biết sự khác biệt giữa một tàu chở hàng hóa Trung Quốc và một con tàu vận chuyển hàng hoá Nhật Bản, chúng cũng không chặn lại, lên tàu khám xét và lùng sục các tàu nghi vấn. Kết quả là vành đai phong tỏa bên trong tự nó sẽ có khả năng gây ra những rắc rối chính trị lớn khi Mỹ vô tình đánh chìm các con tàu trung lập, và Washington có thể phải đối mặt thêm với những hậu quả chính trị do vùng loại trừ không thể để các hàng hóa đáp ứng nhu cầu y tế và các nhu cầu cơ bản đến được Trung Quốc.
Để đối phó với những hậu quả chính trị đó, Mỹ sẽ thiết lập một vành đai phong tỏa thứ hai, “vành đai ngoài” cho phép sử dụng vũ lực một cách có chọn lọc hơn, đồng thời có tác dụng như một thiết bị sàng lọc. Ngược lại với vành đai phong tỏa bên trong, vòng đai ngoài phần lớn sẽ bao gồm các tàu chiến tập trung vào cả việc phân biệt giữa các hoạt động thương mại khu vực khác nhau với độ chính xác cao hơn và lẫn bổ sung một thành tố phi sát thương vào những nỗ lực vô hiệu hóa có tính sát thương của vành đai bên trong. Vành đai ngoài sẽ không phải là một điều kiện tiên quyết cho thành công của hoạt động phong tỏa, mặc dù nó sẽ là một sự hỗ trợ lớn, nhưng nó sẽ là quan trọng trong việc đảm bảo khả năng thành công chiến lược của nó.
Vành đai ngoài sẽ được thiết lập ở ngoại vi các vùng biển gần Trung Quốc, tức là bên ngoài tầm hoạt động của hệ thống A2/AD của Trung Quốc và sẽ được tập trung quanh các hành lang quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á, trong đó có eo biển Malacca. Mỹ sẽ lập các trạm kiểm soát phong tỏa tại các hành lang (như eo Malacca) quan trọng nhất đối với giao thông đường biển quốc tế, trong khi các hành lang nhỏ hơn sẽ bị đóng hoàn toàn đối với giao thông tàu bè quốc tế.
Tại các điểm kiểm tra ở vành đai ngoài, Mỹ sẽ cần thiết lập và sắp xếp một chế độ kiểm tra nghiêm ngặt. Nếu Mỹ phát hiện ra một con tàu có đích đến Trung Quốc, do Trung Quốc sở hữu hoặc đăng ký tại Trung Quốc, thì Mỹ có thể chặn nó lại.
Mỹ cũng có thể áp dụng một hệ thống tương tự như hệ thống giấy quá cảnh Anh trong Thế chiến II, nó sẽ cung cấp cho Mỹ một bản đồ không gian khá chính xác về vị trí và đường đi của tất cả các tàu thương mại trong khu vực. Mỹ sau đó sẽ tích hợp các bản đồ không gian của các giấy quá cảnh với hỏa lực của vành đai bên trong để tạo ra một lực lượng mạnh mẽ chống lại những kẻ vi phạm chế độ phong tỏa, đồng thời cũng làm giảm tỷ lệ các sự cố đánh chìm tàu vô ý, nhất là các tàu chở hàng nhân đạo. Tuy là một quá trình không hoàn hảo, hệ thống giấy phép quá cảnh sẽ vẫn làm tăng đáng kể những rủi ro cho các con tàu né tránh phong tỏa đến mức vi phạm chế độ phong tỏa trở nên quá nguy hiểm khiến chúng không tìm cách vi phạm nữa, trừ những con tàu thích mạo hiểm nhất. Nhưng có lẽ còn quan trọng hơn là nó sẽ giúp giảm bớt những ảnh hưởng chính trị gây ra bởi việc tiêu diệt không phân biệt và gây chết người của vành đai phong tỏa bên trong.
Những hậu của cuộc phong tỏa
Mặc dù những hậu quả của một cuộc phong tỏa sẽ là cực kỳ phức tạp, đa dạng và phụ thuộc lẫn nhau, một cuộc phong tỏa cũng sẽ có thể chứng tỏ là một công cụ làm kiệt sức mạnh mẽ như một phần của chiến dịch tổng thể của Mỹ.
Nhưng trước hết phải công nhận rằng, ngay cả sự phong tỏa hiệu quả nhất cũng sẽ không thể ngăn chặn hoàn toàn các hoạt động thương mại của Trung Quốc, bởi vì ngay cả trong những điều kiện lý tưởng, Trung Quốc vẫn sẽ có khả năng mua được các mặt hàng và tài nguyên thiết yếu nhờ những quy luật không thể né tránh của cung và cầu. Lệnh cấm vận trong khu vực mà Mỹ thiết lập càng hiệu quả, thì tỷ suất lợi nhuận từ việc bán hàng nhập khẩu vào Trung Quốc càng cao. Ngay cả khi tất cả các nước láng giềng của Trung Quốc đồng tình cấm vận nước này, Mỹ vẫn sẽ phải bó tay với nạn buôn lậu tràn lan ở cấp độ phi nhà nước.
Một cuộc phong tỏa cũng sẽ không thể trực tiếp làm suy yếu quân đội Trung Quốc. Ví dụ, Trung Quốc có thể các nguồn dự phòng và kho dự trữ của mình, cùng với một mức độ nhập khẩu hạn chế và sản xuất trong nước, để cung cấp nhiên liệu cho bộ máy quân sự của mình trong suốt cuộc xung đột.
Vì vậy, giá trị thực của một cuộc phong tỏa sẽ là khả năng của nó bắt Bắc Kinh phải chịu sự thiệt hại tài chính cực lớn. Đặc biệt là một cuộc phong tỏa sẽ đẩy nền kinh tế Trung Quốc vào tình trạng suy sụp bằng cách đánh vào ba yếu huyệt: sự phụ thuộc kép của Trung Quốc vào cả nhập khẩu nguyên liệu trung gian và nhập khẩu nguyên liệu thô và mức độ sáng tạo nội địa thấp. Trung Quốc đã cơ cấu phần lớn nền kinh tế định hướng xuất khẩu của mình xung quanh việc nhập khẩu các hàng hóa trung gian, một hiện tượng đặc biệt rõ trong các khu vực công nghệ cao của kinh tế Trung Quốc. Điểm yếu này bị khoét sâu thêm bởi sự phụ thuộc khó tin của Trung Quốc vào nguyên liệu thô (trong đó có dầu mỏ) và sáng tạo công nghệ của nước ngoài làm cơ sở của các quá trình sản xuất của Trung Quốc.
Do cuộc phong tỏa nhằm vào cả ba khu vực này, nó sẽ gây ra thiệt hại đáng kinh ngạc cho Trung Quốc. Tất nhiên là Trung Quốc có thể dần tìm ra cách khắc phục cho mất đi khả năng tiến hành hoạt động thương mại và họ có thể tái thiết nền kinh tế của mình từ dưới lên trên, nhưng một cuộc xung đột tiếp diễn hiển nhiên vẫn có thể gây ra một tốc độ tiêu hao kinh tế thật khủng khiếp, vượt quá khả năng bù đắp của Bắc Kinh.
Kết luận
Bối cảnh, việc tiến hành và những hậu quả của một cuộc phong tỏa Mỹ đối với Trung Quốc sẽ bị chìm sâu vào vũng lầy của chính trị toàn cầu. Để vượt qua thành công những thách thức khác nhau của cuộc phong tỏa, Mỹ và các đồng minh sẽ phải cân nhắc cẩn thận những ảnh hưởng chiến lược của các hành động của họ với sự đóng góp của chúng cho hiệu quả của sự phong tỏa tổng thể. Trong gần như mọi hoàn cảnh, sự đánh đổi sẽ là vô cùng khó khăn về chính trị và sẽ đòi hỏi một mức độ linh hoạt cao và sáng tạo từ phía Mỹ. Những tính toán thiệt hơn sẽ được thực hiện với những cân nhắc khác nhau trong tâm trí mà trên hết là giá trị của các lợi ích của Mỹ bị tác động trong cuộc xung đột.
Tuy nhiên, bất chấp những thách thức lớn, một cuộc phong tỏa đường biển là có thể cả về mặt thực thi lẫn về mặt chiến lược, mặc dù chỉ ở trong giới hạn nhất định. Thậm chí bất chấp một cuộc phong tỏa hiệu quả tối đa, Trung Quốc vẫn sẽ có thể đáp ứng các nhu cầu quân sự của mình một cách vô thời hạn và Trung Quốc có thể tồn tại dựa trên các nguồn dự trữ dầu chiến lược, các kho dự trữ và lượng dự trữ ngoại tệ lớn trong một thời gian dài. Kết quả là, hiệu quả của cuộc phong tỏa sẽ tạo ra khả năng làm suy yếu kinh tế đối với Trung Quốc.
Nếu Mỹ có thể xây dựng được một liên minh tối thiểu gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Nga, một nhiệm vụ sẽ phụ thuộc vào hành vi hung hăng của Trung Quốc, thì tốc độ suy kiệt kinh tế của Trung Quốc sẽ tăng đột biến thậm chí cả khi Mỹ giành được sự ủng hộ chính trị, Mỹ cũng sẽ phải tiếp tục chiến lược phong tỏa vô thời hạn. Trong bối cảnh này, khi mà Mỹ sẽ không thể lợi dụng sự phụ thuộc của Bắc Kinh đối với thương mại hàng hải để đánh bại hẳn Trung Quốc trong một cú đấm nhanh, nó vẫn có thể giúp tiêu hao sinh lực của Trung Quốc cho đến khi Bắc Kinh cuối cùng phải chịu quy phục.
---------
Sean Mirski là đồng biên tập của công trình “Điểm then chốt của Châu Á: Trung Quốc, Ấn Độ và trật tự toàn cầu đang nổi lên” (Crux of Asia: China, India and the Emerging Global Order). Bài viết này dựa trên một bài dài hơn đã được công bố trên tạp chí Journal Strategic Studies.
http://vietnamdefence.com/Home/phantich/Lam-the-nao-de-danh-thang-Trung-Quoc-full/201311/53038.vnd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét