Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Mỹ chuẩn bị cho cuộc chiến với Trung Quốc


Học thuyết AirSea Battle (tạm dịch là Thủy-Không Tác chiến) của quân đội Mỹ đang làm dấy lên một cuộc bút chiến nảy lửa. Có thể nó gây tranh cãi vì các lực lượng vũ trang chưa coi nó là chính thức. Các chi tiết của nó là chủ đề của những lời đồn thổi. Nguồn thông tin chính về nó vẫn chỉ là một nghiên cứu chưa chính thức và chưa được coi là bí mật. Nghiên cứu này được Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách (có trụ sở tại Washington) công bố năm 2010.
Cuộc tranh cãi về học thuyết AirSea Battle chủ yếu xoay quanh khía cạnh công nghệ và câu hỏi phải chăng học thuyết này nhằm vào Trung Quốc. Có thể trả lời câu hỏi này trước: đúng, nó nhắm tới Trung Quốc.
Không có tiên đoán nào về sự diệt vong. Xét về khía cạnh chính trị, cuộc chiến tranh với Trung Quốc không phải là không tránh khỏi, cũng không phải là ít khả năng xảy ra. Nhưng giới chức quân đội đang lên kế hoạch chống lại các năng lực tuyệt vời nhất có thể phải đương đầu. Và xét về khía cạnh chiến sự, Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) đặt ra thách thức "chống tiếp cận" cứng rắn nhất so với bất kỳ địch thủ nào trong tương lai. Các chiến lược gia, các nhà hoạch định và cả binh sĩ đều chuẩn bị cho tình huống gay cấn nhất, cả nước Mỹ phải xác định những khu vực và lựa chọn quan trọng.
Như vậy, PLA được coi là cái mốc chuẩn cho sự thành công của quân đội Mỹ tại khu vực biển ở châu Á, nơi hầu hết mọi người đều gọi là cuộc thử thách gắt gao về cạnh tranh giữa các nước lớn trong thời đại ngày nay. Các đối thủ tiềm năng khác, đặc biệt là quân đội Iran, được Lầu Năm Góc xếp vào loại các thách thức "thức yếu". Bởi nếu các lực lượng của Mỹ có thể chọc thủng hệ thống phòng thủ "chống tiếp cận" cứng rắn nhất ở bên ngoài thì các hệ thống phòng thủ mềm hơn mà các đối thủ yếu hơn dựng lên sẽ hoàn toàn dễ dàng bị quản lý.
Ảnh minh họa
Sự chú trọng tới chiến lược "chống tiếp cận" giải thích tại sao học thuyết AirSea Battle là nhằm vào Trung Quốc - vì tiêu chuẩn vàng của họ, không phải vì ai đó mong chờ xảy ra chiến tranh tại Tây Thái Bình Dương.
Công nghệ
"Chống tiếp cận" là một cái tên mới, hấp dẫn cho một khái niệm cũ về phòng thủ từng lớp. Giống như mọi sỹ quan hải quân, tôi đã phản ứng mạnh về nó.
Hãy bàn về phòng không. Khi một đội đặc nhiệm tàu sân bay có dấu hiệu bị tổn hại, các chỉ huy sẽ loại bỏ "kiểm soát không chiến" xung quanh hạm đội, tập trung vào "trục đe dọa", hoặc vào hướng dễ bị tấn công từ trên không nhất. Các lá chắn từ đơn vị không quân trên tàu sân bay tạo thành hàng phòng thủ đầu tiên và ngoài cùng.
Sau đó tới các tên lửa hạm đối không trên các tàu của hạm đội. Nếu kẻ tấn công vượt qua được các vùng chiến của tên lửa, các vũ khí phòng thủ "mũi nhọn" như tên lửa tầm ngắn do radar điều khiển hoặc súng sẽ tham chiến như một nỗ lực cuối cùng.
Mỗi hệ thống phòng thủ chiến đấu với kẻ tấn công khi chúng vào tầm với. Nhiều lớp như vậy sẽ làm tăng cơ hội sát thương, tức là tăng khả năng chống cự của hạm đội. Kết quả tất yếu là: các hệ thống phòng thủ ngày càng dày đặc khi kẻ thù càng tới gần.
Logic tương tự cũng được áp dụng trong phòng thủ ven biển nhưng trên một quy mô lớn. Một quốc gia muốn tránh kẻ thù bằng cách tung ra một loạt vũ khí và học thuyết để tấn công trên biển và trên không. Các hệ thống này có phạm vi khác nhau và được thiết kế các thông số khác nhau. Máy bay chiến đấu chiến thuật có thể bay hàng trăm dặm ở ngoài khơi và bắn tên lửa có tầm sát thương xa hơn thế. Các tàu tuần tra gắn tên lửa chỉ mang các thùng chứa dầu nhỏ và hạn chế khả năng hoạt động ngoài khơi, vì vậy chúng chủ yếu được cài cắm ở gần nhà. Tương tự với các tàu ngầm chạy bằng động cơ điện diesel.
Nếu chiến lược chống tiếp cận là nấc cao hơn của phòng thù từng lớp, thì AirSea Battle nhằm phát triển các công nghệ và chiến thuật để thâm nhập chúng. Như vậy, hiểu theo cách nào đó thì Trung Quốc và Mỹ đang chiếu lại những năm giữa hai cuộc chiến tranh.
Việc hoạch định chiến tranh đã bắt đầu ngay sau cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Nhật Hoàng đã lên kế hoạch đuổi cổ hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ khỏi các vùng biển, vùng trời và lãnh thổ nằm trong chu vi phòng thủ của mình, bao chùm Tây Thái Bình Dương, các biển của Trung Quốc, Đông Nam Á và nhiều phần ở Vịnh Bengal. Không để bị lấn át, các sĩ quan Hải quân Mỹ đã bày mưu và thử nghiệm các kế hoạch chiến đấu để phá hỏng các biện pháp chống tiếp cận của Nhật Bản.
Rất lạ là các nhà hoạch định ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương đều đã có suy nghĩ giống nhau về cách thức cuộc xung đột sẽ diễn ra. Nhật Bản sẽ đánh bất ngờ vào Philippines (đang được Mỹ ủng hộ). Giới chức Mỹ sẽ ra lệnh cho Hạm đội Thái Bình Dương bảo vệ các đảo, chống lại Hải quân Hoàng gia Nhật nhưng với số lượng không tương xứng. Chiến lược chống tiếp cận kiểu Nhật là các máy bay chiến đấu được dàn quân phía trước các đảo dọc theo chu vi phòng thủ và tàu ngầm thì được huy động ở các vùng nước liền kề. Các cuộc tấn công trên không và dưới biển sẽ đuổi cổ hạm đội của Mỹ về hướng Tây trước khi xảy ra một trận chiến quyết định ở đâu đó trong các vùng biển của châu Á.
Các tàu ngầm và máy bay chiến thuật trên mặt đất vẫn là một phần của "bộ áo giáp" vũ khí chống tiếp cận. Bổ sung cho chúng là các tàu tuần tra gắn tên lửa hoạt động như đội quân cảnh ngoài khơi; các tên lửa hành trình chống hạm được bắn từ mặt đất; và các tên lửa đạn đạo chống hạm với tầm xa có thể lên tới hơn 900 dặm. Bắc Kinh có thể hy vọng hạm đội mặt đất của Hải quân PLA đối phó với bất kỳ thứ gì còn sót lại của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đang ì ạch trên các vùng biển ở Đông Á sau các cuộc công kích liên tiếp từ trên không và dưới mặt nước.
Yếu tố con người
Tuy nhiên, khía cạnh vũ khí hạng nặng trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung không thể tách khỏi khía cạnh nhân lực vốn là vô cùng quan trọng. Các loại vũ khí không tự nó giao đấu trong các cuộc chiến tranh. Các nhà tư tưởng chiến lược từ Đại tá John Boyd thuộc lực lượng Không quân Mỹ đến Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông đã nói: chính con người vận hành các vũ khí làm nên việc này. Từng cá nhân và các thể chế lớn mà họ phục vụ đều có thế giới quan và các ý tưởng sâu sắc về việc làm thế nào để đối phó với các vùng biên chiến lược.
Như vậy, sự đấu tranh giữa học thuyết AirSea Battle và chiến lược "chống tiếp cận" liên quan đến việc phát triển các công nghệ mới tinh vi. Một cuộc chiến tranh văn hóa được hình thành giữa hai cường quốc lớn với nhiều khái niệm khác nhau trong quan hệ giữa bộ binh, không quân và hải quân. Một lần nữa, lại là vấn đề các ý tưởng!
Theo nhà sử học về hải quân Julian S. Corbett, các loại vũ khí là "cách thể hiện ra bên ngoài của các tư tưởng chiến thuật và chiến lược được ưa chuộng vào một thời điểm nào đó". Các loại vũ khí hạng nặng mà lực lượng vũ trang của một quốc gia mua sắm cho thấy mức độ giới lãnh đạo chiến lược nước đó nghĩ về chiến tranh, và cách họ có thể bắt đầu cuộc chiến ấy.
Trung Quốc coi các lực lượng có căn cứ trên mặt đất là cốt lõi của lực lượng hải quân và quan điểm này có từ khi ra đời nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Khái niệm bổ trợ này về hải quân là bản chất thứ hai của PLA. Mao Trạch Đông đã nhiều lần đưa ra ba chỉ dẫn ngắn gọn về nền tảng của Hải quân PLA: "bay, lặn, nhanh!". Như vậy, các tư lệnh giả thuyết phòng vệ biển dựa trên việc sử dụng các máy bay tầm ngắn từ căn cứ không quân trên bờ, các tàu ngầm chạy bằng diesel lặn sâu dưới các con sóng, và các tàu tuần tra nhanh được trang bị súng và tên lửa. Đây là hình thức sơ khai của lực lượng chống tiếp cận siêu hiện đại ngày nay.
Trung Quốc thời Mao Trạch Đông đề cao sức mạnh hải quân hơn các hạm đội. Đó là một sự pha trộn của các nền tảng và vũ khí trên đất liền và ở ngoài khơi. Do đó, hải quân vẫn gắn liền với đất liền trong suốt thời Mao Trạch Đông là Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Quan niệm trên hoàn toàn khác với Hải quân Mỹ, vốn duy trì các hạm đội ở các căn cứ ngoài nước ngày từ những ngày đầu lịch sử. Việc huy động lực lượng ra nước ngoài là "ADN" của lực lượng biển của Mỹ. Ngược lại, Trung Quốc không hề huy động tàu chiến ra nước ngoài kể từ triều nhà Minh, thậm chí sau đó, họ cũng chỉ thỉnh thoảng làm việc này. Vì vậy, việc huy động lực lượng chống cướp biển ở ngoài khơi Somalia đánh dấu một bước ngoặt sau nhiều thế kỷ.
Hải quân PLA vẫn đúng với lịch sử thời Mao Trạch Đông ngay cả khi họ xây dựng một hạm đội biển xanh. Bảo vệ bờ biển vẫn là chức năng cốt lõi của lực lượng này, dù họ đã mở rộng đáng kể khu vực phòng thủ của mình.
Nếu Hải quân PLA cần tạo lại văn hóa thể chế của mình để hoạt động ra xa bờ biển Trung Quốc, thì quân đội Mỹ phải đối mặt với một thách thức văn hóa thậm chí còn lớn hơn trong việc hướng Đông tới các thực tế mới.
Quân đội Mỹ thời hậu chiến tranh Lạnh coi sức mạnh hải quân là vũ khí hỗ trợ sức mạnh bộ binh. Hải quân Mỹ phô trương sức mạnh ở ngoài khơi xa, hỗ trợ bộ binh, lực lượng lính thủy đánh bộ và không quân, như trường hợp các đơn vị "chị em một nhà" này theo đuổi các chiến dịch không - bộ phối hợp trong các mối đe dọa như ở Iraq hay Afghanistan.
Không có đối thủ tầm cỡ Hải quân Liên Xô, giới lãnh đạo Hải quân Mỹ đưa ra Julian S. Corbett chỉ dẫn rằng hải quân có thể đảm đương nhiệm vụ điều hành trên biển. Không có tranh cãi gì về ưu thế của lực lượng này. Trên thực tế, điều đó có nghĩa là các năng lực như chiến tranh chống tàu ngầm và đáp trả ngư lôi - các năng lực quan trọng để sống sót và thành công trong việc chống tiếp cận - đã phai mờ sau hai thập kỷ.
Hiện nay, các năng lực này đang tái sinh. Khi thách thức chống tiếp cận trở thành trọng tâm, hải quân đã bắt đầu chạy đua nâng cấp vũ khí và tái huấn luyện các kỹ năng đã bị quên lãng một nửa. Nhiều khả năng, Không quân rơi vào tình cảnh khó khăn hơn.
Bất chấp các cuộc thử nghiệm ban đầu của Billy Mitchell với việc sử dụng không quân để bảo vệ các bờ biển của Mỹ - còn nhớ vụ đánh chìm một chiến hạm từ trên không năm 1920 nổi tiếng của ông - Không quân Mỹ hiện đại không coi chiến đấu trên biển là một trong các mục đích chính.
Đấm bị bông
Nói tóm lại, cường quốc lục địa châu Á có cái nhìn chính thể luận đối với sức mạnh biển, trong khi cường quốc điều khiển các con sóng lại coi sức mạnh biển là sự bổ trợ cho bộ binh. Sự đảo ngược về văn hóa này sẽ có lợi cho những người ủng hộ PLA nếu xảy ra chiến tranh Mỹ - Trung.
Sau cùng, việc chiến đấu ở ngoài khơi là rất quen thuộc đối với họ, trong khi các lãnh đạo Mỹ từ lâu cho rằng họ không còn phải đấu tranh để kiểm soát biển. Các đơn vị phải xóa tan suy nghĩ thâm căn cố đế này. Lợi thế thuộc về Trung Quốc, trừ phi Hải quân và Không quân Mỹ có sự biến chuyển về văn hóa trong thời gian tới, và học cách phối hợp với nhau trên biển.
Tái thành lập các thể chế biển trong thời bình luôn đặt ra một thách thức lớn. Nó sẽ gây ra một số chấn thương - như sự thất bại - đối với những ký ức còn rõ ràng. Phải làm gì đây, kịch bản ngày tận thế chăng?
Trước tiên, Mỹ cần một khái niệm AirSea Battle để kích hoạt các đơn vị hành động và đưa ra định hướng. Sau đó công bố nó. Thứ hai, hải quân và không quân phải bám lấy khái niệm này, buộc mình vào một kho vũ khí chung của chiến tranh trên biển. Và thứ ba, các lãnh đạo đất nước phải có trách nhiệm giải thích với từng đơn vị về kế hoạch này.
Franklin Roosevelt từng so sánh Hải quân Mỹ với một chiếc bị bông. Giới chức dân sự có thể đấm vào đó mạnh nhất có thể, nhưng nó sẽ bật lại đúng như vậy. Một số người e rằng các quan chức Không quân Mỹ cũng như vậy. Washington, hãy đấm đi./.
  • Thông tin tác giả: James Holmes là một giáo sư về chiến lược tại Đại học Chiến tranh Biển.
  • http://www.baomoi.com/Home/TheGioi/tuanvietnam.vietnamnet.vn/My-chuan-bi-cho-cuoc-chien-voi-Trung-Quoc/9248495.epi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét