Tác giả Roger Faligot |
Đây chỉ là một chương ngắn trong tác phẩm "Tình báo Trung Quốc – từ thời Mao Trạch Đông đến Thế vận hội Bắc Kinh"
của tác giả Roger Faligot, một cuốn sách dày 600 trang do NXB Nouveau
Monde ở Paris ấn hành vào đầu năm 2008. Cuốn sách này là kết quả cuộc
điều tra công phu của tác giả về công tác tình báo và hậu trường chính
sách đối ngoại của Bắc Kinh.
Tác giả tìm cách trả lời câu hỏi, tình báo Trung Quốc có phải là mạnh nhất thế giới ?
Là nhà báo và chuyên gia về châu Á,
Roger Faligot đã lặng lẽ điều tra tại Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản,
Úc, thu thập được nhiều tài liệu độc đáo, khai thác các kho lưu trữ đặc
biệt và phỏng vấn nhiều nhà chuyên môn : chuyên gia về tình báo, chính
khách, nhà ngoại giao, nhà phân tích quân sự, người đào thoát và các nhà
ly khai.
Những tiết lộ trong sách giúp người đọc
biết được cách thức Trung Quốc dựa vào để mong tiến lên thành siêu cường
: nhờ có mạng lưới tình báo tích cực hoạt động trong tất cả mọi lãnh
vực, kết hợp binh pháp gián điệp có từ thời xưa, chính sách trấn áp về
mọi mặt của bộ máy an ninh, và các công nghệ mới – chiến tranh mạng,
tình báo kinh tế và những trận đánh chớp nhoáng trên internet.
Tác phẩm "Tình báo Trung Quốc" của Roger Faligot
Tác giả cũng cho biết làm thế nào Bắc Kinh đào tạo được đội ngũ hacker chuyên tấn công các trang mạng chính phủ những nước khác.
Cuối cùng, sau khi mô tả mạng lưới hùng
hậu chuyên theo dõi các phong trào chống Thế vận hội Bắc Kinh, tác giả
cho biết các vận động viên và các phóng viên thể thao đã bị tình báo TQ
theo sát như thế nào, thông qua một trung tâm tình báo đặc biệt có ngân
sách lên đến 1,3 tỉ đô la !
Sách ra đời từ tháng 2/2008, đến nay có
lẽ đã lạc hậu nhiều, « bạn vàng » nay đã hiện đại hóa vượt bực, nhưng dù
sao cũng có lẽ giúp chúng ta đỡ mơ hồ một chút.
Một chi tiết nhỏ: Ở cuối sách có phụ lục Who’s Who 50 lãnh đạo tình báo ghi
dấu ấn đậm nét trong lịch sử gián điệp Trung Quốc. Đứng đầu danh sách
này (xếp theo thứ tự vần) là Cao Guisheng, năm 1954 là phóng viên Tân
Hoa Xã ở Hà Nội.
Sách gồm các chương sau :
Lời bạt : Nụ hôn từ Bắc Kinh
Chương 1 : Trận chiến Thượng Hải
Chuơng 2 : Cơ quan tình báo thời Mao
Chương 3 : Cách mạng Văn hóa của các gián điệp
Chương 4 : Đặng Tiểu Bình và « những con cá dưới đáy biển »
Chương 5 : Năm mươi lăm ngày đêm Thiên An Môn
Chương 6 : Chiến dịch Thu Lan
Chương 7 : Gián điệp toàn cầu hóa thời Giang Trạch Dân
Chương 8 : Bộ Công an và KGB cũ đối đầu với Mỹ
Chương 9 : Chiến tranh kinh tế và “thủ đoạn cá mút đá”
Chương 10 : Những con chuột chũi của Phòng 610 và « ngũ ngư »
Chương 11 : De Gaulle - Sarkozy : Nước Pháp, tâm điểm của mục tiêu
Chương 12 : Đạo quân chiến tranh mạng Trung Quốc
Chương 13 : Trung Quốc, huy chương vàng gián điệp
Thụy My xin phép dịch dần chương 12 dưới đây
Chương 12 : Đạo quân chiến tranh mạng của Trung Quốc
Tháng Chạp năm 2006. Nhìn từ trên không,
căn cứ Pine Gap ở phía nam Alice Springs hiện ra với những ăng-ten
parabol và những mái vòm trắng, giống như một trạm thu phát vệ tinh bình
thường. Trên thực tế, đây là viên ngọc quý giá của điệp báo phương Tây
để đối phó với Trung Quốc.
Nằm trên vùng đất đỏ của thổ dân ở trung
tâm nước Úc, căn cứ này là « cấm địa » trên bản đồ du lịch. Danh bạ
điện thoại địa phương chỉ cho biết có sự hiện diện của một Joint Defence Facility với các chi nhánh xã hội và y tế. Một cụm từ cho thấy Úc không phải là người quản lý duy nhất.
Căn cứ Pine Gap
Được xây dựng năm 1966, căn cứ trên đây do cơ quan Úc DSD(Defence Signals Directorate) cùng phụ trách với NSA (National Security Agency) của
Mỹ. Trung tâm này tham gia cuộc chiến tranh điện tử, với việc thu thập
các dấu hiệu thông tin với tầm vóc quy mô và diễn dịch chúng. Trong nghề
tình báo, người ta thường gọi tắt là SIGINT, từ cụm từ tiếng Anh Signals Intelligence.
Căn cứ lớn này của Úc ra đời từ thời
Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông và chiến tranh Việt Nam. Bốn mươi
năm sau, nhờ có các kỹ thuật mới, hoạt động của trung tâm đã nhân gấp
mười : Pine Gap ghi lại lập tức các cuộc trao đổi trong quân đội Trung
Quốc, cũng như của các nước láng giềng Bắc Triều Tiên và Việt Nam…
« Đó là một khu rừng các công sự
dưới mặt đất, nơi làm việc của gần 800 kỹ thuật viên và nhà phân tích
Úc, Mỹ. Họ có liên lạc trực tiếp với trung tâm chỉ huy của NSA tại Fort
Meade, tiểu bang Maryland. Nhóm B phụ trách châu Á sẽ dịch lại các thông
tin ». Tại Canberra, một cựu nhân viên kỹ thuật Úc đã giải thích như thế trước khi tôi đến Alice Springs.
Trung tâm nghe lén này không đơn độc, mà
được hỗ trợ bởi những trạm thông tin khác tại Úc dưới sự quản lý của
Hải quân, DSD và các đơn vị đặc biệt khác. Bên cạnh đó còn kết hợp với
một đơn vị của New Zealand - Government Communication Security Bureau. Toàn bộ những cơ quan này hợp thành một liên minh với NSA của Bắc Mỹ và “người anh em” Canada, cũng như Government Communication Headquarter (GCHQ) của Anh - cơ quan nghe lén lớn nhất của phương Tây, chỉ đứng sau NSA.
Đối mặt với Trung Quốc, GCHQ từ năm 1947
đã triển khai các “tai nghe” ở Hồng Kông: một trạm đặt tại Little Sai
Wan, có 140 kỹ thuật viên Úc, một trạm nữa ở Tai Mo Shan thuộc “tân lãnh
thổ”, và một trạm vệ tinh đặt tên là Fort Stanley, tại bán đảo Chung
Hom Kok, do Không lực Hoàng gia và DSD quản lý.
Tuy nhiên Anh đã phải tháo dỡ để tránh bị Ban 3 (tạm dịch từSan Bu hay APL-3),
đơn vị phụ trách SIGINT của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc xơi
trọn, khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Sau đó GCHQ
đã thiết trí các “tai nghe nhỏ” tại cao ủy Anh, tức lãnh sự quán, được
mệnh danh là “Fort Alamo”. Còn DSD của Úc thì tổ chức một đơn vị nghe
lén tại lãnh sự quán ở Hồng Kông, liên hệ trực tiếp với trung tâm
Watsonia gần Melbourne.
Trước khi lá cờ đỏ thế chỗ cho lá cờ
Anh, người Anh đã cho gắn hàng trăm “con rận”, “con gián” điện tử tại
trại Prince-de-Galle, nơi trở thành bộ chỉ huy quân sự Trung Quốc.
Khi chiến dịch Kittiwake của trạm vệ
tinh Fort Stanley bị chấm dứt năm 1993, DSD quản lý một trạm khác ở
Geralton miền tây nước Úc. Trạm này cũng làm các nhiệm vụ: đo lường từ
xa các thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Trung Quốc, phóng vệ tinh, thu
thập các dữ liệu vệ tinh gồm các thông tin hình ảnh (PHOTINT), thông tin
điện tử (ELINT) và các thông tin khác liên quan đến Trung Quốc.
Trong khuôn khổ một hiệp ước về nghe lén
có từ thời chiến tranh lạnh, các hoạt động này là một phần của hệ thống
ECHELON đã gây nhiều tranh cãi tại châu Âu. Người ta lo ngại nhà nước
can thiệp vào cuộc sống riêng của các công dân bình thường – nghe những
cuộc đối thoại riêng tư, chuyển hướng fax và email…
Bảng cấm trên đường vào căn cứ Pine Gap
Nhưng ở đây, giữa vùng sa mạc nước Úc,
các kỹ thuật viên không hề quan tâm đến: cả ngày lẫn đêm họ phải giám
sát một Trung Quốc đỏ, được xem là một chế độ độc tài, gây lo ngại vì
lớn mạnh về quân sự và hung hăng trong kinh tế. Alice Springs là một
chọn lựa tốt, theo các chuyên gia. Vùng đất hẻo lánh này, nơi mà du
khách có thể gặp gỡ hoặc thổ dân, hoặc các kỹ sư nghe lén một cách vô
tình, vốn có truyền thống về bắt sóng thông tin, và bản vẽ địa hình cũng
rất sẵn.
Năm 1870 Charles Todd đã cho xây dựng
một trạm điện tín, nối vùng sa mạc này với Adélaide ở duyên hải phía nam
và Darwin ở phía bắc, và xa hơn nữa, với vùng còn lại của đế quốc Anh –
bắt đầu bằng Hồng Kông và các trạm của Anh ở Tientsin và Thượng Hải.
Cùng trong thời kỳ Victoria này, những người Trung Quốc từ Phúc Kiến đã
đổ xô đến đây – những người tìm vàng, như cái tên Chinaman’s Creek, khi ra khỏi Alice Springs, trên đường dẫn đến căn cứ bí mật của DSD-NSA.
Nhưng chính những người Hoa mới đến mà cơ quan phản gián phải lo theo dõi. Australian Security Intelligence Organisation(ASIO)
tin rằng trong số cộng đồng nhập cư năng động này, có một vài “con cá ở
đáy biển”, các nhân viên tình báo của Bộ Công an phụ trách tuyển mộ một
kỹ sư, một nhà ngôn ngữ học gốc Hoa, dẫn dụ họ bằng cách nhắc nhở rằng
họ thuộc cộng đồng Hoa kiều rộng lớn.
"Nội bất xuất, ngoại bất nhập"
Căn cứ Pine Gap cũng là một chọn lựa về
kỹ thuật, theo như giải thích của James Bamford, nhà sử học của NSA. Bởi
vì trong thập niên 60, vệ tinh bắt được những dữ liệu chưa mã hóa và
gởi trực tiếp đến căn cứ, tránh việc một chiếc tàu gián điệp lại bắt
được những tín hiệu này, giúp Matxcơva biết được đã bị lấy trộm những gì
(Trung Quốc hiện chưa đủ năng lực kỹ thuật để chơi trò này, nhưng không
lâu nữa sẽ đạt được).
Cũng giống như Alice Springs nằm cách xa
mọi thứ, tại trung tâm đất nước Úc đồng thời là châu lục, những con tàu
gián điệp du hành quá xa không thể nhận dạng được các tín hiệu xa xôi,
trong nghề gọi là footprint. Tiếp theo ở Pine Gap, các kỹ sư mã
hóa những gì nhận được rồi gởi đến trung tâm của NSA ở Fort Meade,
thông qua một vệ tinh khác.
Sau khi đảng Lao động của Gough Whitlam
thắng cử năm 1972, rồi đến việc công nhận Trung Quốc về ngoại giao, CIA
cho rằng chính quyền Canberra sẽ tiến hành đóng cửa Pine Gap. Cả một
thảm họa đối với cộng đồng tình báo Anh-Mỹ! Theodore Shackley, trưởng
phân bộ Đông Á của CIA thậm chí còn khuyến khích các hoạt động gây mất
ổn định chính phủ, tương tự tại Anh với chính phủ Harold Wilson. Trong
các nền dân chủ, ngành tình báo tôn trọng hệ thống và Hiến pháp, khi đặc
quyền không bị ảnh hưởng. Một số người lãnh đạo ngành này lại ước được
như ở Trung Quốc: ít nhất tại Bắc Kinh, cơ quan tình báo có đầy quyền
lực, phối hợp với đảng và quân đội…
Nhưng rốt cuộc Pine Gap lại tiếp tục
hoạt động, và chứng tỏ sự hữu ích của mình trong một cuộc chiến bí mật.
Nhờ căn cứ này mà Canberra biết được vụ Indonesia tràn vào Đông Timor
năm 1975, nghe được những trao đổi trong quân đội Trung Quốc, hay nếu
không giải mã được thì cũng nghiên cứu được những luồng thông tin ý
nghĩa.
Bằng chứng: Ngày 17/02/1979, Pine Gap là
nơi đầu tiên phát hiện ra việc quân Trung Quốc xâm lăng Việt Nam. Tướng
Dương Đắc Chí (Yang Dezhi) - cựu lãnh đạo các “tình nguyện quân” Trung
Quốc trong chiến tranh Triều Tiên, chỉ huy cuộc tiến công xâm lược.
Các liên lạc của phía Trung Quốc đã bị
các tàu Nga gây nhiễu – Matxcơva đã ký với Hà Nội một hiệp định hợp tác
quốc phòng năm trước đó. Mục đích của cuộc chiến là đánh tập hậu Việt
Nam, trong khi người Việt đã tấn công chớp nhoáng Cam Bốt, bắt được
nhiều ngàn cố vấn Trung Quốc của bọn Khmer Đỏ.
Trận chiến kết thúc bằng một thất bại vô
cùng nhục nhã cho Quân đội Nhân dân Trung Quốc. Và là một cái tát đau
đớn cho Đặng Tiểu Bình, lên nắm quyền trở lại sau những hỗn loạn của
Cách mạng Văn hóa. Nhưng ông Đặng thấp lùn với đôi má phính luôn biết
cách bật dậy. Rút ra các bài học từ cú rờ-ve này, ông ta đề nghị cải
cách sâu rộng quân đội, bắt đầu từ cơ quan tình báo và chiến tranh trên
mạng.
Bão táp cho Oxford và chiến dịch Oyster
Việc giám sát điện tử cũng được tiến hành với những hoạt động ở gần sát Trung Quốc.
Người Mỹ gởi cho các cơ sở những phương
tiện theo dõi và bắt sóng táo bạo. Vào lúc căn cứ SIGINT ở Pine Gap được
xây dựng, năm 1966, NSA còn sử dụng các con tàu gián điệp như chiếc USS Oxford (mã
hiệu AGTR-1) trang bị đầy ăng-ten, chở được 11.000 tấn, vận tốc 11 hải
lý/giờ nếu không neo đậu ở cảng Yokosuka, Nhật Bản. Với 250 sĩ quan và
thủy thủ, chiếc tàu di chuyển ngoài khơi Biển Đông để theo dõi những
biến động của Cách mạng Văn hóa, và bắt sóng các liên lạc của đảng và
quân đội.
Nhưng bỗng dưng chiếc USS Oxford bị
rơi vào tâm bão và giạt vào bờ biển Trung Quốc. Quả là có một Thượng đế
đối với các nhân viên tình báo ! Nhờ phép lạ, chiếc tàu lại bị đánh bật
ra ngoài khơi và trôi về đến Đài Loan. Thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc
! Thật là một thảm họa nếu chiếc tàu do thám bị mắc cạn, hoặc bị bắt
giữ - như trường hợp chiếc USS Pueblo bị Bắc Triều Tiên bắt vào tháng 1/1968.
Nếu bắt được tàu USS Oxford, chỉ người Trung Quốc mới có thể tha hồ tháo tung ra để nghiên cứu và cải thiện hệ thống của họ. Vì trong trường hợp chiếc Pueblo,
Bắc Kinh đã bị Matxcơva phỗng tay trên. Liên Xô đã được người bạn chung
là Kim Jong Il cung cấp những bí mật của hệ thống tình báo NSA.
Một năm trước đó, năm 1967, cũng đã một phen hú vía : chiếcUSS Banner cùng loại với Pueblo,
đang ở hải phận quốc tế gần Thượng Hải, cách đảo Chu San (Zhoushan) 25
hải lý, thì bị các tàu đánh cá bao vây. Thuyền trưởng Charles Clark kể
lại : « Tôi có cảm giác họ định kéo tàu chúng tôi đi, hay đại loại
như vậy. Họ tiến sát bên, chỉ cách có năm mét. Hai trong số các tàu này
có những khẩu đại bác còn to hơn của chúng tôi, nhưng tôi nghĩ dù các
khẩu pháo có nhỏ hơn, nhưng chúng tôi vẫn có thể đẩy lùi họ ».
Rốt cuộc tàu bán quân sự Trung Quốc nhận
được lệnh ngưng hoạt động tấn công hải tặc này, và chiếc tàu do thám có
thể quay về Nhật Bản bình an vô sự.
Dù sao đi nữa, người Mỹ có thể sử dụng
các phương tiện khác ít nguy hiểm hơn để theo dõi Trung Quốc, như việc
cùng quản lý các trung tâm nghe lén trên mặt đất với Nhật Bản, Hàn Quốc,
Đài Loan.
Trở lại với nước Úc, có một cách đơn
giản khác để bắt được các liên lạc : chỉ cần nghe lén đại sứ quán Trung
Quốc ở Canberra. Tôi đã đến thủ đô Úc để nghiên cứu cuộc chiến tranh
điện tử giữa Trung Quốc và các địch thủ. Và đã gặp gỡ giáo sư Desmond
Ball, tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược của đại học quốc
gia Úc, mà các công trình được thế giới biết đến nhiều. Ông giải thích
không hề úp mở : « Theo chúng tôi thì Ban 3 (San Bu) không thiết lập
một trạm nghe lén quan trọng nào tại đại sứ quán ở Canberra, vì không
trông thấy ăng-ten parabol lẫn các bó ăng-ten. Tai mắt của bà đại sứ Fu
Yi chủ yếu là ở trong cộng đồng người Hoa ».
Hôm sau khi đến tại chỗ, ở Coronation
Drive, tôi nhận thấy cao ủy Anh chỉ cách đại sứ quán Trung Quốc một con
đường nhỏ. Người Anh, như thường lệ, luôn sở hữu những cụm ăng-ten xinh
đẹp và ê-kíp GCHQ, được biệt phái đến đây dưới danh nghĩa nhân viên
ngoại giao, không quên thu nhận những thông tin liên lạc của láng
giềng.
Rõ ràng là ở Canberra dễ thực hiện hơn ở
Bắc Kinh, nơi cơ quan phản gián Trung Quốc phụ trách theo dõi các cơ
quan ngoại giao đã xây dựng những tòa nhà lớn xung quanh các đại sứ quán
ngoại quốc – được tập trung trong khu Đông Trực Môn (Dongzhimen) – để
gây khó khăn cho hệ thống nghe trộm. Và ngược lại, họ xây dựng một tòa
tháp vi sóng để bắt sóng các thông tin của ngoại giao đoàn.
Tại Canberra, do không thể bắt được tất
cả các thông tin bên ngoài, tình báo Úc đã dùng một thủ thuật vào lúc
các đại diện ngoại giao Trung Quốc chuyển trụ sở năm 1990. Được sự hỗ
trợ của khoảng ba chục kỹ thuật viên NSA, Australian Secret Intelligence
Service – mã hiệu Oyster – đã thành công trong việc lắp đặt các micro trong đại sứ quán mới.
Tuy vậy một tờ báo Úc đã đánh hơi được
vụ này. Lãnh đạo của ASIS phải vận dụng mọi khả năng ngoại giao để
khuyên tờ báo không nên công bố thông tin có hại cho cơ quan tình báo
lẫn ngành ngoại giao Úc. Nhưng rủi thay, chính nhờ tờ Time Magazine của
Mỹ mà đại sứ Shi Chunlai đã biết được thông tin là cơ quan mình đầy dẫy
máy nghe lén…Hình thức này đã trở nên phổ biến từ khi Trung Quốc qua mặt
Liên Xô cũ trong hoạt động tình báo.
Nguồn: Thụy My RFI
http://vietinfo.eu/tu-lieu/dao-quan-chien-tranh-mang-cua-trung-quoc-2.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét