Tuy nhiên, xét từ tình hình hiện tại, những gì Mỹ đã làm chưa vượt quá phạm vi răn đe và chơi con bài chiến tranh dường như không phải là điều Trung Quốc muốn.
Ông Trương Triệu Trung, Thiếu tướng, từng là Phó Chủ nhiệm bộ môn Hậu cần và Công nghệ, Thiết bị Quân sự của Đại học Quốc phòng Trung Quốc, ngày 28/7 cho đăng trên tài khoản Weibo cá nhân bài bình luận gồm văn bản và video về "Mối quan hệ Trung – Mỹ e rằng phải đối mặt với nguy cơ lớn hơn” với quan điểm chính là "quan hệ Trung – Mỹ đã nhanh chóng lao dốc, nguy cơ chiến tranh sẽ tăng lên trong bốn tháng tới”.
Tướng về hưu Trương Triệu Trung, nhà bình luận quân sự trên CCTV cho rằng: quan hệ Trung – Mỹ đã nhanh chóng lao dốc, nguy cơ chiến tranh sẽ tăng lên trong bốn tháng tới (Ảnh: Sina).
|
Nguy cơ xung đột ở Biển Đông rất lớn
Nhà bình luận quân sự thường xuyên xuất hiện trên CCTV của Trung Quốc này cho rằng, trong vòng một tháng, hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đã qua lại giữa Ấn Độ-Thái Bình Dương và Biển Đông; Mỹ cũng lần lượt đến Biển Đông tham gia tập trận chung với Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Ông nói: “Sau khi Donald Trump nhậm chức, đã phát động một cuộc chiến thương mại chưa từng có chống lại Trung Quốc, tiếp theo là các cuộc chiến tranh công nghệ, chiến tranh ngoại giao, chiến tranh dư luận. Giờ đây, lửa chiến tranh đang lan sang lĩnh vực quân sự, vũ đài đã mở ra ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Trong vòng 4 tháng tới, khi tình hình bầu cử của ông Trump ngày càng tồi tệ, để chuyển hướng sự chú ý trong nước và dựa vào chống Trung Quốc để giành phiếu bầu, khả năng ông Trump hành động mạo hiểm đang gia tăng và nguy cơ chiến tranh đang mạnh hơn. ‘Phòng trước vô hại’; chúng ta cần vứt bỏ ảo tưởng, chuẩn bị chiến tranh. Cách kiềm chế chiến tranh tốt nhất là chuẩn bị chiến tranh!”.
Tính đến ngày 30/7, bài bình luận này của Trương Triệu Trung đã được hơn 39.000 lượt chia sẻ và nhận được hơn 123.000 lượt like. Cư dân mạng bình luận sôi nổi về bài viết này. Một số người bày tỏ lo ngại, một số người ủng hộ bước vào trạng thái chuẩn bị chiến tranh, một số cầu nguyện cho hòa bình thế giới và một số người đặt câu hỏi “tại sao dù là ở Mỹ hay Đài Loan, các chính trị gia chỉ cần công khai chống Trung Quốc là có thể nhận được nhiều phiếu bầu hơn?”.
Trung Quốc ngày càng tăng cường các hoạt động quân sự trên Biển Đông. Trong ảnh: biên đội tàu sân bay Liêu Ninh ớ Biển Đông hồi đầu tháng 7 (Ảnh: Tân Hoa xã).
|
Ông Hạ Minh, một học giả chính trị người Mỹ gốc Hoa, gần đây đã đưa ra cảnh báo về khả năng xảy ra chiến tranh nóng giữa Trung Quốc và Mỹ. Sau khi Mỹ tuyên bố đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, Hạ Minh nói trong một cuộc phỏng vấn với Deutsche Welle: "Trung Quốc và Hoa Kỳ đã bước vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh và khả năng xảy ra chiến tranh nóng là rất lớn, đặc biệt là trong 6 tháng tới. Từ góc độ Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc có thể lợi dụng dịch bệnh và cơ hội các quốc gia khác không có thời gian lo việc khác, để hành động mạo hiểm ở Đài Loan và Ấn Độ. Từ góc độ của Mỹ, sinh mệnh chính trị của ông Trump cơ bản đã kết thúc ở đây, để có thêm cơ hội sống sót, hoặc cố gắng để lại một di sản chính trị trong nhiệm kỳ của mình, Donald Trump có động lực để mạo hiểm”. Hạ Minh cũng nói: “Tôi cho rằng ông Trump có thể mạo hiểm ở Biển Đông. Ở Biển Đông, ông có thể sử dụng quân đội nhằm vào các đảo nhân tạo và căn cứ quân sự của Trung Quốc. Tôi cho rằng khả năng này rất lớn”.
Tình hình ở eo biển Đài Loan rất kỳ quặc
Kể từ tháng 6 đến nay, cuộc đối đầu Trung-Mỹ ở Biển Đông bị trì hoãn vài tháng do dịch bệnh COVID-19, đã căng thẳng trở lại và tình hình ở eo biển Đài Loan cũng không yên ổn.
Vào cuối tháng 6, Trung Quốc đã tuyên bố tiến hành cuộc tập trận quân sự kéo dài 5 ngày tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông từ ngày 1 đến 5/7. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, cuộc tập trận này nhằm thể hiện khả năng đánh chiếm đảo. Lầu Năm Góc ngay lập tức bày tỏ lo ngại về cuộc tập trận này của quân PLA, nói rằng cuộc tập trận này "phá hoại cục diện trong khu vực" không có lợi cho việc làm giảm căng thẳng và duy trì ổn định khu vực. Vào ngày 4/7, Ngày Độc lập của nước Mỹ, biên đội tàu sân bay USS Nimitz (CVN-68) và biên đội USS Ronald Reagan có căn cứ tại Nhật Bản đã vào Biển Đông để tiến hành cuộc diễn tập cặp đôi tàu sân bay đầu tiên của quân đội Mỹ ở Biển Đông kể từ năm 2014. Trước đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các biên đội tàu sân bay Nimitz và Reagan đã không tuần tra Thái Bình Dương trong suốt 3 tháng, cho đến ngày 8/6 mới rời cảng, vào khu vực Tây Thái Bình Dương làm nhiệm vụ. Hải quân Mỹ tuyên bố các cuộc tập trận của các tàu Nimitz và Reagan ở Biển Đông là “tự do hàng hải”; mục đích chính nhằm thiết lập một "khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở" để ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Hôm 11.7, các máy bay trên hai tàu sân bay Nimitz và Ronald Reagan diễn tập chung với máy bay ném bom chiến lược B-52 cất cánh từ nội địa Mỹ tới tham gia (Ảnh: US Navy).
|
Điều thực sự khiến Bắc Kinh cảm thấy tình hình đột ngột thay đổi là tuyên bố về Biển Đông do Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đưa ra hôm 13/7. Trong tuyên bố, ông Pompeo đã thay đổi chính sách lâu nay của Hoa Kỳ trong việc giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông thông qua trọng tài của Liên Hợp Quốc, bày tỏ Hoa Kỳ chính thức ủng hộ phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế The Hague năm 2016 và bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Pompeo nói: "Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hải dương của họ. Hoa Kỳ sát cánh cùng các đồng minh Đông Nam Á và bảo vệ chủ quyền của họ đối với tài nguyên biển”.
Ngày 17/7, hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ một lần nữa tổ chức một cuộc tập trận cặp đôi tàu sân bay ở Biển Đông. Hạm đội Bảy của Hoa Kỳ tuyên bố rằng "Nhóm tấn công tàu sân bay của USS Reagan là nhóm tấn công duy nhất của Hải quân được triển khai ở phía trước. Hai nhóm tấn công tàu sân bay này có thể tạo thành lực lượng chiến đấu cơ động nhất và hiệu quả nhất trên thế giới. Nó hỗ trợ hiệu quả đối với hiệp định phòng thủ giữa Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong khu vực, thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng của toàn bộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Tiếp đó, ngày 19/7, nhóm tấn công tàu sân bay USS Ronald Reagan, Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản và Hải quân Australia đã tổ chức diễn tập chung ở Biển Đông và Tây Thái Bình Dương. Nhóm tấn công tàu sân bay Nimitz đã tiến hành một cuộc tập trận chung với Hải quân Ấn Độ ở vùng biển quần đảo Andaman và Nicobar ở Ấn Độ Dương vào ngày 20/7.
Ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố chính sách mới của Mỹ đối với Biển Đông, bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông (Ảnh: Reuters).
|
Trước những thay đổi trong chính sách Biển Đông và mối đe dọa quân sự của Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng không chịu thua kém. Ngoài việc bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ và kiên quyết phản đối, theo người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhiệm Quốc Cường ngày 30 tháng 7, các máy bay ném bom tầm xa Trung Quốc H-6G và H-6J gần đây đã tham gia các cuộc tập trận cường độ cao trên Biển Đông. Nội dung diễn tập bao gồm cất cánh và hạ cánh vào ban đêm và mô phỏng các cuộc tấn công tầm xa. Tuy nhiên, Nhiệm Quốc Cường cũng nói rằng cuộc tập trận này là một phần trong các hoạt động thông thường của quân đội Trung Quốc nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Có ý kiến phân tích cho rằng hoạt động răn đe của quân đội Mỹ ở Biển Đông nhằm mục đích cho thấy rằng Hoa Kỳ không vì bị mắc kẹt bởi dịch bệnh mà không có thời gian để lo các chuyện khác. Mỹ có nhiều phương pháp ứng phó khẩn cấp cùng các lựa chọn chiến lược và chúng rất linh hoạt.
Liên quan đến eo biển Đài Loan, do máy bay quân sự Trung Quốc thường xuyên vào khu vực nhận dạng phòng không Đài Loan kể từ tháng 6, quân đội Mỹ cũng đã tăng cường sự hiện diện ở eo biển Đài Loan. Ông Lâm Dĩnh Hựu, trợ lý giáo sư tại Viện Chiến lược và Quốc tế của Đại học Trung Chính, Đài Loan, đã chỉ rõ trong một cuộc phỏng vấn với Deutsche Welle rằng Đài Loan đã trở thành nơi thử nghiệm sự cạnh tranh Trung-Mỹ, giống như việc mở rộng từng bước các căn cứ quân sự ở Biển Đông, Trung Quốc đại lục cũng có ý định từng bước thu hẹp không gian phản ứng chiến lược của Đài Loan. Tuy nhiên, Hoa Kỳ rõ ràng đã rất chú ý đến mọi động thái của Trung Quốc. Máy bay tuần tra trên biển của Hoa Kỳ đã tăng tần suất xuất hiện ở eo biển Đài Loan. Các máy bay tiếp dầu của quân đội Mỹ cũng đã bay qua không phận Đài Loan nhiều lần, và thậm chí còn đối đầu với máy bay quân sự PLA trên không. Ngoài ra, các tàu chiến Mỹ đã đi xuyên qua eo biển Đài Loan 7 lần trong năm nay, lần gần đây nhất là vào ngày 4/6.
Các động thái của Trung Quốc và Hoa Kỳ ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan cho thấy cả hai bên đều duy trì sự cảnh giác đáng kể và duy trì sự răn đe quân sự lẫn nhau.
Gần đây, Trung Quốc tăng cường cho không quân hoạt động xung quanh đảo Đài Loan, bay vào khu vực nhận dạng phòng không của Đài Loan (Ảnh: Đa Chiều).
|
Gánh nặng tâm lý của Bắc Kinh dường như lớn hơn
So với việc xảy ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, giới nghiên cứu Trung Quốc dường như lo lắng hơn về sự tách rời hơn nữa của Hoa Kỳ khỏi Trung Quốc. Ông Kim Sán Vinh, phó Viện trưởng Học viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, gần đây đã bình luận rằng Trung Quốc nên chuẩn bị tâm lý cho sự xấu đi hơn nữa trong quan hệ Trung-Mỹ. Vào ngày 26/7, ông đã đăng một đoạn video ngắn trên Weibo cá nhân của mình, nói rằng "Trên thực tế, đã có một tín hiệu xấu. Tổng thống Trump đã nói rằng ông sẽ đóng cửa thêm nhiều cơ quan ngoại giao Trung Quốc hơn nữa. Có lẽ chúng ta phải chuẩn bị tâm lý, nghĩa là mối quan hệ Trung-Mỹ có thể không như chúng ta nghĩ nó dựa trên sự hợp lý. Nó có nhiều nhân tố phi lý. Vì vậy, cần chuẩn bị tâm lý cho sự xấu đi của mối quan hệ này. Thậm chí tôi thấy hiện nay một số cơ quan truyền thông bắt đầu nói về có thể xảy ra va chạm quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, mặc dù chúng ta không muốn. Chúng ta chắc chắn không muốn có va chạm quân sự, và không muốn có một cuộc chiến tranh lạnh mới”.
Ông Kim Sán Vinh tránh nói về những mâu thuẫn cơ bản về ý thức hệ và quan niệm giá trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhưng thay vào đó ông chĩa mũi giáo vào một số người ở Mỹ: "Bởi vì đối phương có một nhóm người ở vị trí cao, và thậm chí ở vị trí then chốt chỉ muốn trừng phạt chúng ta. Vì vậy, từ góc độ của chủ nghĩa hiện thực và từ quan điểm bảo vệ lợi ích quốc gia, hiện nay chúng ta có lẽ phấn đấu cho kết quả tốt nhất, nhưng chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình huống xấu nhất”.
Đối đầu căng thẳng Trung - Mỹ khiến nhiều nhà bình luận lo ngại sẽ dẫn tới xung đột quân sự (Ảnh: Deutsche Welle).
|
Sau sự kiện đóng cửa Lãnh sự quán của nhau, gần đây đã có những dấu hiệu cho thấy các quan chức Trung Quốc cũng có ý định hạ thấp mâu thuẫn bằng cách "thu hẹp" những lời chỉ trích đối với "một vài chính trị gia Mỹ" và hạ thấp cuộc xung đột cơ bản giữa Trung Quốc và Mỹ thành "hiện tượng đặc biệt" trong năm bầu cử Mỹ. Vào ngày 28/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã điểm tên phê phán: “Gần đây, ông Pompeo đã nhiều lần đưa ra lời lẽ vu khống và công kích Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Chúng tôi buộc phải hỏi liệu có phải một số chính trị gia Hoa Kỳ đang cố gắng gây nên rắc rối ở Biển Đông hay không?”. Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh hôm 30/7 nói với báo chí: “Không phải Trung Quốc đã trở nên độc đoán; mà là phía bên kia Thái Bình Dương muốn khởi xướng cuộc Chiến tranh Lạnh mới chống Trung Quốc, vì vậy chúng tôi phải đáp trả, Chúng tôi không hứng thú với bất kỳ cuộc Chiến tranh Lạnh nào. Chúng tôi không cũng hứng thú với bất kỳ cuộc chiến nào”. Ông nói: "Chúng tôi biết năm nay là năm bầu cử", ngụ ý rằng Hoa Kỳ đang xem Trung Quốc như một vật tế thần. Lưu Hiểu Minh cũng nói: "Chúng tôi đã nói với Hoa Kỳ rằng Trung Quốc không phải là kẻ thù của họ. Trung Quốc là bạn và đối tác của Mỹ”. Khi được hỏi liệu mối quan hệ Trung-Mỹ có phải đã xấu đến mức không thể hàn gắn không? Ông Lưu Hiểu Minh nói: "Tôi không nghĩ rằng chúng tôi đã vượt qua ranh giới không thể quay đầu lại”.
(Theo Deutsche Welle, 31/7)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét