Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

Các chuyên gia nói về tham vọng của Trung Quốc thiết lập trật tự thế giới trong thế kỷ 21

Trong mấy tháng qua, tranh chấp giữa Trung-Mỹ ngày càng trở nên gay gắt, các chuyên gia cho rằng tranh chấp lần này có thể diễn biến thành một cuộc chiến tranh toàn diện. Nhưng phía sau sự thù địch giữa hai bên là gì? Trật tự thế giới lý tưởng của Bắc Kinh như thế nào?

Dư luận quốc tế ngày càng lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhất là việc gia tăng sức mạnh quân sự (Ảnh: Tân Hoa xã).


Trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đưc) bản Hoa ngữ ngày 30/7 đăng bài nhan đề “Trật tự thế giới thế kỷ 21 dưới con mắt Trung Quốc”, viết: tháng 10/2017, tại Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình tuyên bố “Thời đại mới” của Trung Quốc đã đến và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa "đang tiếp cận trung tâm thế giới mỗi ngày". Nhưng Trung Quốc tưởng tượng một trật tự thế giới mà họ là vũ đài trung tâm như thế nào?
Giáo sư người Mỹ gốc Hoa Cổ Học Vũ (Gu Xuewu), Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu tại Đại học Bon, nói với Deutsche Welle: “Theo hiểu biết của tôi là các chính trị gia ở Bắc Kinh cũng không biết họ muốn gì. Họ đang thử nghiệm với Đặng Tiểu Bình”. Cổ Học Vũ nói đến chính trị gia Trung Quốc đã khởi xướng cải cách kinh tế vào những năm 1980. Phương châm nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình là "dò đá qua sông" (ý nói mò mẫm phát triển).
Volker Stanzel, chuyên gia về Trung Quốc và là cựu đại sứ Đức tại Bắc Kinh nói, sự do dự thiếu quyết đoán của Trung Quốc cũng được phản ánh trong các cuộc tranh luận phức tạp về vai trò của họ trên thế giới. Những cuộc tranh luận này liên quan đến cả sự chấp nhận của Bắc Kinh về trật tự toàn cầu hiện tại và liên quan đến quan điểm của Trung Quốc cho rằng họ phải lãnh đạo thế giới.
Mặc dù các cuộc thảo luận này có vẻ đa dạng và phức tạp, nhưng theo ông Stanzel, Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) có tiếng nói cuối cùng trong mọi vấn đề và những vấn đề này không nhất thiết liên quan đến trật tự thế giới. "Đây chỉ là vấn đề về cách Trung Quốc hoạt động để có thể thực hiện lý tưởng của họ và có thể giúp họ giữ được quyền hành”.

Các chuyên gia nói về tham vọng của Trung Quốc thiết lập trật tự thế giới trong thế kỷ 21 - ảnh 1
Ngày 17/1/2017,ông Tập Cận Bình đọc diễn văn tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos tiêu đề "Cùng gánh vác trách nhiệm chung, thúc đẩy phát triển toàn cầu" (Ảnh: Reuters).
Các yếu tố cốt lõi của "trật tự thế giới Trung Quốc"
Mặc dù trong lý tưởng của Trung Quốc có nhiều sự mơ hồ, nhưng Giáo sư Cổ Học Vũ nói một số yếu tố chính của "trật tự Trung Quốc" vẫn có thể xác định được. Ông nói: "Trung Quốc hy vọng thiết lập được một trật tự thế giới đa cực về chính trị, đa phương về chức năng và đa nguyên về ý thức hệ".
Chuyên gia này đưa ra lời giải thích về lý tưởng của Trung Quốc như sau:
Đa cực hóa: một thế giới được chi phối bởi mấy trung tâm quyền lực gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu, Nga và có thể cả Ấn Độ.
Chủ nghĩa đa phương: một thế giới bị chi phối bởi mấy trung tâm quyền lực, bao gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu, Nga và có thể cả Ấn Độ. Trong thế giới này, không một quốc gia nào có thể một mình quyết định chương trình nghị sự toàn cầu, mà tất cả các trung tâm quyền lực đều phải đàm phán với nhau.
Đa nguyên hóa: thế giới phải chấp nhận các hình thức quản trị khác nhau, chứ không chỉ là dân chủ tự do của phương Tây.
Giáo sư Cổ Học Vũ chỉ ra: "Chúng ta đang sống trong một thế giới đa cực”. Nhiều nhà khoa học chính trị cho rằng giai đoạn bá quyền ngắn ngủi của Hoa Kỳ sau khi Liên Xô giải thể đã không tồn tại nữa.
Ở Trung Quốc, chủ nghĩa đa phương luôn gắn liền với khẩu hiệu của Tập Cận Bình "cộng đồng vận mệnh nhân loại". Năm 2019, Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, bác bỏ chủ nghĩa cô lập và định vị Trung Quốc là người ủng hộ chủ nghĩa đa phương.
Nhưng Stanzel đã nghi ngờ điều này. Ông nói: "Cộng đồng vận mệnh là lời nói sáo rỗng, khái niệm này cần phải được định nghĩa rõ. Họ muốn tổ chức thế giới như thế nào? Sử dụng nhiều luật pháp quốc tế và các thể chế toàn cầu mạnh hơn chăng? Nhưng tôi cho rằng cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều không thích điều này”.
Ông Cổ Học Vũ chỉ ra rằng cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều không coi trọng luật pháp quốc tế. Ông nói với Deutsche Welle: "Họ sẽ chỉ chấp nhận luật pháp quốc tế khi phù hợp với lợi ích riêng của họ. Nếu luật pháp quốc tế mâu thuẫn với lợi ích của họ, họ sẽ từ chối tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Các chuyên gia nói về tham vọng của Trung Quốc thiết lập trật tự thế giới trong thế kỷ 21 - ảnh 2
Hai biên đội tàu sân bay Mỹ diễn tập chung trên Biển Đông ngày 11/7 nhằm răn đe Trung Quốc (Ảnh: Đa Chiều).
Phong trào tạo dựng hình ảnh và Con đường tơ lụa
Deutsche Welle cho rằng, Bắc Kinh hy vọng thúc đẩy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc trên khắp thế giới thông qua các Học viện Khổng Tử và đạt được vị thế bình đẳng với “thế giới tự do” trong cuộc đấu tranh giành đa nguyên ý thức hệ. Các nhà đầu tư Trung Quốc mua lại các công ty truyền thông ở Châu Phi và sử dụng mạng xã hội và ảnh hưởng của đối với người Hoa ở địa phương để thay đổi nhận thức của toàn cầu về Trung Quốc. Trung Quốc cũng tích cực tham gia vào công việc của Liên hợp quốc. Ông Stanzel nói: "Trung Quốc hiện giữ chức chủ tịch của bốn tổ chức quốc tế, gấp đôi số lượng của Mỹ. Họ sử dụng địa vị và các hoạt động khác nhau để đưa các biểu đạt chính trị của họ vào các tài liệu của Liên Hợp Quốc”.
Tuy nhiên, các biện pháp của Trung Quốc đã đạt được mức độ kết quả khác nhau ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Stanzel nói thêm: "Phương thức này đã thành công ở châu Phi, đặc biệt là ở các quốc gia có quan hệ kinh tế với Trung Quốc".
Tại Đức và các nước công nghiệp khác, hình ảnh của Trung Quốc đã bị tổn hại do chính sách ngoại giao hung hăng của họ. Trung Quốc bị cho là đã bỏ tù và cải tạo hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, trong khi ở Hồng Kông, Bắc Kinh đang hạn chế quyền tự do của công dân với quy mô lớn. Những cách làm đó đã làm tổn hại thêm danh tiếng của Trung Quốc tại Châu Âu và Hoa Kỳ.
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” ban đầu được ca ngợi là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất thế giới, nhưng nó đã biến thành con dao hai lưỡi đối với nhiều quốc gia. Một số nhà phê bình cho rằng dự án này khiến các nước yếu về kinh tế phụ thuộc vào Trung Quốc. Chẳng hạn, Sri Lanka đã buộc phải cho một công ty nhà nước Trung Quốc thuê một cảng biển sâu ở Hambantota trong 99 năm sau khi không trả được khoản nợ đã vay.
Các chuyên gia nói về tham vọng của Trung Quốc thiết lập trật tự thế giới trong thế kỷ 21 - ảnh 3
Yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc về cái gọi là "Đường biên giới 9 đoạn" trên Biển Đông có nguy cơ dẫn đến xung đột quân sự trong khu vực (Ảnh: Deutsche Welle).
Địa vị lãnh đạo của Trung Quốc ở châu Á
Giáo sư Cổ Học Vũ cho rằng cộng đồng quốc tế đã đánh giá quá cao tham vọng của Trung Quốc. Ông nói: "Bất cứ ai muốn lãnh đạo thế giới đều có thể cung cấp miễn phí hàng hóa thông thường, thể hiện sự nhiệt tình nhất định về lòng vị tha và thực hiện những ý tưởng nhất định trên quy mô toàn cầu”. Tuy nhiên, trong mắt ông, Trung Quốc đang thiếu những điểm đặc trưng này. Ông giải thích: "Trung Quốc thực ra không muốn thay thế Hoa Kỳ. Thậm chí họ còn thận trọng khi đảm nhận các nhiệm vụ này”.
Nhưng ngay cho dù Trung Quốc không tranh giành quyền bá chủ toàn cầu, thì vị trí cao nhất của họ ở châu Á là không cần bàn cãi.
Ông Tập Cận Bình năm 2014 nói trong một bài phát biểu rằng: "Châu Á là châu Á của người châu Á". Nhưng trong bối cảnh trật tự Trung Quốc, khái niệm này có ý nghĩa gì? Bài phát biểu của ông Dương Khiết Trì tại hội nghị ASEAN năm 2010 vào thời điểm là Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc có thể giúp cộng đồng quốc tế hiểu được động lực của họ: “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là nước nhỏ. Đây là một sự thật”.
Ở châu Á, sự mở rộng quyền lực của Trung Quốc ở Biển Đông nổi rõ hơn ở các khu vực khác. Trung Quốc không chỉ muốn ép Hoa Kỳ ra khỏi khu vực, mà còn muốn đặt các các tuyến hàng hải chính và nguyên liệu thô của các nước láng giềng dưới sự khống chế của họ. Đối với "các nước xung quanh", hậu quả chính là sự bất ổn. Áp lực phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng gia tăng và nguy cơ bùng phát cuộc đối đầu quân sự toàn diện cũng ngày càng lớn.
Sự khác biệt về ý thức hệ
Vấn đề mấu chốt là liệu sự trỗi dậy của Trung Quốc và tái lập trật tự thế giới có dẫn đến chiến tranh hay không? Các chuyên gia tin rằng cuộc xung đột ở Biển Đông chỉ là dấu hiệu trước.
Học giả khoa học chính trị người Mỹ John J. Mearsheimer năm 2014 đã viết trên National Interest: “Kết quả của tranh chấp Biển Đông sẽ là một cuộc cạnh tranh an ninh khốc liệt và có khả năng rất lớn là sẽ phát triển thành một cuộc chiến tranh. Nói tóm lại, sự trỗi dậy của Trung Quốc không thể là yên bình”.
Ông Hạ Minh, Giáo sư kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Thành phố New York nói với Deutsche Welle: “Tôi không tin rằng nếu Trung Quốc duy trì hệ thống của riêng mình, Trung Quốc và phương Tây có thể cùng tồn tại”.
Đối thoại liệu có thể giúp Trung Quốc và phương Tây khắc phục được mâu thuẫn? Giáo sư Cổ Học Vũ nói, ông rất bi quan về khả năng này. Ông nói: "Tôi không cho rằng Hoa Kỳ đã sẵn sàng nhượng bộ chính phủ chuyên chế của Trung Quốc”.
Stanzel cũng hoài nghi về ý tưởng này, nhưng ông nghi ngờ nó xuất phát từ những lý do khác. Ông nói: "Trung Quốc không muốn tham chiến, nhưng hành vi gây hấn của Trung Quốc đang dẫn đến nguy cơ xung đột quân sự, như chúng ta đã thấy ở Biển Đông”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét