Đang lúc tranh chấp trên biển giữa Indonesia và Trung Quốc liên tục leo thang, Không quân Indonesia ngày 7/1/2020 đã phái 4 máy bay chiến đấu đến Biển Đông để tuần tra khu vực Quần đảo Natuna ở miền bắc nước này. Trước đó, Indonesia cũng đã huy động ngư dân hiệp sức các tàu quân sự để đương đầu với các tàu Trung Quốc ở Biển Đông.
Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều sáng 8/1 dẫn nguồn của Reuters ngày 7/1 đưa tin, ông Fajar Adriyanto người phát ngôn của Không quân Indonesia cùng ngày 7/1 cho biết, 4 máy bay chiến đấu F-16 của Indonesia đã thực hiện chuyến bay tuần tra trên quần đảo Natuna để bảo vệ khu vực chủ quyền của Indonesia.
Ông Fajar cũng hạ thấp mối lo ngại về một cuộc xung đột có thể xảy ra với Bắc Kinh, nói rằng “không có lệnh tiến hành chiến tranh với Trung Quốc”. Ông nói: “Những máy bay chiến đấu này đang tiến hành tuần tra có tính thường xuyên để bảo vệ khu vực chủ quyền của chúng tôi. Các máy bay chiến đấu chỉ ngẫu nhiên bay tới vùng trời quần đảo Natuna”.
Một chiếc F-16 trên đảo Natuna ngày 7/1 (Ảnh: Reuters).
|
Theo Đa Chiều, Chính phủ Indonesia tuyên bố rằng các tàu đánh cá Trung Quốc được các tàu cảnh sát biển Trung Quốc hộ tống đã xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở Quần đảo Natuna vào giữa tháng 12/2019. Bộ Ngoại giao Indonesia đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Tiêu Thiên tới để bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ và trao công hàm phản đối chính thức.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đưa ra những từ ngữ cứng rắn khi nói rằng “chủ quyền của Indonesia không phải là thứ có thể đàm phán”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 7 tháng 1 nói, Bắc Kinh và Indonesia đã khai thông các kênh ngoại giao và hai nước chia sẻ trách nhiệm chung trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
Tổng thống Widodo: “Chủ quyền của Indonesia không phải là thứ có thể đàm phán”. (Ảnh: Reuters).
|
Ông Nuryawal Embun, giám đốc Cơ quan An toàn Hàng hải Indonesia cho biết, cho đến ngày 7/1, vẫn chưa có cuộc đàm phán nào được tiến hành liên quan đến việc các tàu Trung Quốc xâm phạm.
Theo Reuters ngày 6/1, cùng ngày, chính phủ Indonesia đã quyết định ngoài việc gửi tàu chiến đến Quần đảo Natuna, họ cũng sẽ huy động những người đánh bắt thủy sản đến để tăng cường giám sát vùng biển này.
Ông Mahfud MD, Bộ trưởng Bộ Công an và Điều phối Pháp luật Indonesia, nói với các phóng viên rằng Indonesia sẽ đưa 120 ngư dân từ đảo Java đến Quần đảo Natuna, cách Java 1.000 hải lý về phía bắc.
Vào tuần trước chính phủ Indonesia đã tuyên bố rằng họ sẽ gửi thêm tàu chiến tới xung quanh Quần đảo Natuna. Các quan chức của Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia cho biết, 6 tàu chiến đã được phái đi trước đó và 4 tàu khác đang đi về phía Quần đảo Natuna.
Đây không phải lần đầu tiên Indonesia tố cáo tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế . Trong ảnh: ngày 23/4/2016, Hải quân Indonesia bắt giữ tàu cá xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (Ảnh:VCG).
|
Tranh chấp giữa Trung Quốc và Indonesia đã nổ ra ở quần đảo Natuna vào tháng 12/2019. Tờ Jakarta Post của Indonesia trước đó đã báo cáo rằng Cơ quan an toàn hàng hải Indonesia ghi nhận rằng từ ngày 19 đến 24/12 năm ngoái có ít nhất 63 tàu cá Trung Quốc đã xâm nhập đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng biển Natuna và hàng chục tàu tuần tra biển của Trung Quốc đã đi cùng bảo vệ các tàu cá.
Nhiều cơ quan truyền thông khác cho biết ngư dân địa phương ở Indonesia đã nhìn thấy một tàu hải cảnh Trung Quốc nhiều lần hộ tống các tàu cá Trung Quốc đi vào vùng biển địa phương vào cuối tháng 12/2019. Họ đã báo cáo tình hình trên cho Cơ quan An toàn Hàng hải Indonesia.
Indonesia đã phản đối Trung Quốc, nhưng Bộ Ngoại giao Indonesia nhắc lại rằng Indonesia không phải là một bên có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông (Indonesia gọi khu vực Biển Đông phía bắc nước này là “Biển Natuna”) và cũng không có vùng biển chồng lấn với Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét