Bóng đang nằm trên chân Iran và các đồng minh, nhiều khả năng Washington sẽ phải hối hận trong nhiều năm tới vì đã ám sát vị tướng Iran.
Ngày 6/1/2020, tờ Telesur xuất bản bài viết "The "Great game" is Afoot. Killing Soleimani Reflects US Desperation in Middle East" (tạm dịch: "Chơi lớn" để gây tiếng vang. Sát hại Soleimani phản ánh sự tuyệt vọng của Mỹ ở Trung Đông) của hai tác giả Ramzy Baroud và Romana Rubeo.
Nhằm giúp độc giả có cái nhìn khách quan trong bối cảnh căng thẳng hiện tại ở Trung Đông, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Israel không che giấu rằng họ đang mong chờ cho một cuộc chiến của Mỹ chống lại Iran. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực của Tel Aviv đã không mang lại kết quả tương tự như cuộc xâm lược Iraq năm 2003.
Cho tới nay, thắng lợi duy nhất của Israel là làm ảnh hưởng tới quyết định của chính quyền TT Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran tháng 5/2018 và các biện pháp gây sức ép của Mỹ nhằm vào Iran.
Cuộc chiến mà Iran khao khát dường như "chỉ còn gang tấc" khi Iran bắn hạ một UAV RQ-4A Global Hawk của Mỹ và cáo buộc đã xâm phạm không phận nước này vào ngày 20/6/2019.
Tuy nhiên vào những phút cuối cùng trước một cuộc tập kích của Mỹ vào Iran, ông Trump đã loại bỏ khả năng một cuộc chiến toàn diện, điều mà ông Netanyahu đang "điên cuồng tìm kiếm".
Nhưng nhiều chuyện đã xảy ra từ thời điểm đó, nó bao gồm một loạt thất bại trong đối nội của ông Netanyahu khi cố gắng cầm quyền thêm một nhiệm kỳ. Điều này càng làm tăng nỗi sợ hãi về việc cuối cùng ông có thể đứng sau song sắt vì cáo buộc hối lộ và lạm dụng quyền lực.
Đối với ông Trump cũng vậy, có những ảnh hưởng là lý do để ông hành động thất thường và vô trách nhiệm, đặc biệt là việc bị luận tội bởi Hạ viện Hoa Kỳ vào ngày 18/12/2019. Rõ ràng trước viễn cảnh vô cùng tồi tệ ông rất cần tăng sự ủng hộ chính trị.
Cả Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đều đang vướng vào các rắc rối về mặt chính trị và pháp lý trong nước.
Hai nhà lãnh đạo "đồng cảnh ngộ" và tuyệt vọng đang tìm kiếm một sự kiện lớn, điều sẽ tạo cho họ một hình ảnh tích cực trong truyền thông của chính nước họ. Và họ đã tìm thấy nó.
Vụ ám sát hôm 3/1/2020 nhằm vào Tướng Qassem Souleimani, chỉ huy Lực lượng Quds, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bằng máy bay không người lái (UAV) là một minh chứng cho sự "tuyệt vọng" của các nhân vật chính trị cao cấp nhất của Mỹ và Israel.
Bộ trưởng Bộ Phát triển Xã hội Argentina, Daniel Arroyo bình luận: "Bằng cách giết hại chỉ huy quân sự hàng đầu của Iran, các nhà lãnh đạo Mỹ và Israel đang chứng minh thành ngữ "nhảy từ chảo rán vào lửa" là có thật".
Mossad để lại "dấu vân tay"?
Mặc dù chưa có xác nhận chính thức hoặc phủ nhận vai trò của Israel trong hoạt động nói trên của Mỹ, nhưng sẽ khá hợp lý khi cho rằng có sự can thiệp gián tiếp hoặc thậm chí trực tiếp của Israel vào vụ ám sát.
Trong vài tháng qua, khả năng một cuộc chiến tranh với Iran đã một lần nữa lại được Israel nhắc tới. Thủ tướng Israel Netanyahu đã liên tục và nỗ lực yêu cầu "bạn bè" của ông ở Washington giúp đỡ bằng cách gia tăng áp lực lên Tehran.
Ngày 4/12/2019, tức là hơn 1 tháng trước vụ ám sát, ông Netanyahu tuyên bố trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo: "Iran đang gia tăng việc kích động xung đột. Chúng tôi đang tích cực chống lại "sự xâm lược" đó".
Rõ ràng một "cam kết tích cực" đã được Israel đưa ra với Mỹ, nó cho thấy "dấu vân tay" của lực lượng tình báo khét tiếng của Israel, Mossad trong vụ ám sát ở Baghdad. Một suy luận khá hợp lý là cuộc tấn công vào đoàn xe của Tướng Soleimani là một hoạt động chung của CIA-Mossad.
Israel có nhiều kinh nghiệm trong các vụ ám sát có chủ đích hơn tất cả các thế lực ở Trung Đông cộng lại.
Nhà nước Do thái đã giết chết hàng trăm người Palestine và Arab theo cách này. Vụ ám sát nhân vật "số 2" của Hezbollah Imad Mughniyah ở Syria vào tháng 2/2008 chỉ là một trong vô số vụ việc như vậy.
Điều mà Lưỡng Đảng của Mỹ có điểm chung là mong muốn tăng cường can thiệp, duy trì sự hiện diện về mặt quân sự mạnh mẽ trong khu vực giàu dầu khí ở Trung Đông.
Điều này được phản ánh trong "giai điệu" gần như ăn mừng mà các quan chức, tướng lĩnh và truyền thông Hoa Kỳ đã sử dụng sau vụ ám sát chỉ huy Iran ở Baghdad.
Các quan chức Israel cũng đã tỏ ra rất phấn khích. Ngay sau vụ việc, các lãnh đạo và quan chức Israel đã đưa ra các tuyên bố và tweet để ủng hộ hành động của Mỹ.
Về phần mình, Netanyahu tuyên bố rằng Israel có quyền tự vệ, Mỹ cũng có quyền tương tự. Tướng Soleimani chịu trách nhiệm về cái chết của những công dân Mỹ vô tội và nhiều người khác và viên tướng Iran đang lên kế hoạch tấn công.
Tuyên bố cuối cùng của ông Netanyahu là ông đã lên kế hoạch cho các cuộc tấn công tiếp theo, nó chỉ ra việc cung cấp thông tin tình báo và hoạt động chung khá rõ ràng giữa Washington và Tel Aviv trong vụ ám sát chỉ huy Iran.
Mỹ sẽ "chiến đến cùng" để không phải rút quân khỏi Iraq
Các sự kiện gần đây ở Iraq như các cuộc biểu tình rầm rộ và nỗ lực xông vào đại sứ quán Mỹ ở Baghdad vào ngày 31/12/2019 được đánh giá là đã "thay đổi cuộc chơi".
Ban đầu, chúng được hiểu là một phản ứng giận dữ của người Iraq đối với các cuộc không kích của Mỹ vào một nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn, nhưng các cuộc biểu tình cũng gây ra hậu quả đặc biệt nguy hiểm từ quan điểm chiến lược và quân sự của Mỹ.
Lần đầu tiên kể từ khi Hoa Kỳ "rút quân" khỏi Iraq dưới thời chính quyền Barack Obama vào năm 2012, một sự thống nhất về quan điểm giữa người dân Iraq và chính quyền của họ là Mỹ phải rời khỏi đất nước này mãi mãi.
Hành động nhanh chóng của Mỹ với "dấu ấn" của Israel trong vụ ám sát Tướng Souleimani đã gửi một thông điệp khá rõ ràng tới Iraq và Iran việc Mỹ rút quân khỏi Iraq là một "lằn ranh đỏ" không thể vượt qua.
Vụ ám sát cũng kích hoạt chuỗi không kích của Mỹ vào các đồng minh của Iran ở Iraq, nó nhấn mạnh việc người Mỹ sẽ có phản ứng bạo lực gấp nhiều lần nếu một đối thủ tìm kiếm sự đối đầu bằng việc trả đũa.
Tướng Soleimani là một chỉ huy quân sự người Iran, nhưng mạng lưới rộng lớn và các liên minh quân sự của ông trong và ngoài khu vực Trung Đông đã khiến vụ ám sát trở thành một thông điệp mạnh mẽ được gửi bởi Washington và Tel Aviv.
Vụ ám sát Soleimani cũng có thể là một thông điệp cho cả Nga và Trung Quốc rằng Mỹ đã sẵn sàng "đốt cháy" toàn bộ khu vực nếu cần thiết để duy trì sự hiện diện chiến lược và phục vụ lợi ích kinh tế (chủ yếu nằm ở dầu mỏ và khí đốt của Iraq và các quốc gia đồng minh Arab).
Thông điệp này xuất hiện ngay sau một cuộc tập trận hải quân chung giữa Nga, Trung Quốc và Iran ở Ấn Độ Dương và Vịnh Oman, bắt đầu vào ngày 27/12/2019.
Tin tức về các cuộc tập trận là đáng báo động đối với Lầu Năm Góc vì Iran trước đây bị cô lập thì nay đang ngày càng một đối tác trong khu vực đối với các cường quốc quân sự Trung Quốc và Nga đang trỗi dậy.
"Bóng" đang trên chân Iran
Iran chắc chắn sẽ đáp trả, không chỉ là các mục tiêu của Mỹ mà cả các mục tiêu của Israel, vì Tehran tin chắc rằng Israel đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch.
Các câu hỏi hiện tại chỉ là cách thức và thời điểm trả thù của Iran và Iran sẽ đi bao xa để gửi một "thông điệp mạnh mẽ" hơn tới Washington và Tel Aviv?
Mặc dù Iran hiện đang cân nhắc các phản ứng, nhưng họ cũng phải nhận thức được hậu quả ở cấp chiến lược của các quyết định của mình. Một động thái trả thù của Iran sẽ phải diễn ra mà không trở thành lý do cho một cuộc chiến toàn diện.
Dù bằng cách nào, động thái tiếp theo của Iran sẽ xác định mối quan hệ Iran-Mỹ-Israel trong khu vực trong nhiều năm tới và sẽ tăng cường hơn nữa "trò chơi vương quyền" đang diễn ra trên khắp Trung Đông.
Bóng đang nằm trên chân Iran và các đồng minh. Họ sẽ phải hành động rất cẩn trọng và đánh giá theo những gì đã diễn ra trong quá khứ, nhiều khả năng Washington sẽ phải hối hận trong nhiều năm tới vì đã ám sát vị tướng Iran.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét