Sau khi đọc bài viết của tác giả Andrei Martyanov về những gì vũ khí mới của Nga có thể thay đổi "cuộc chơi" trên thế giới. The Shaker đã có những phân tích khác về sự thay đổi chính trị mà các vũ khí này có thể đem lại.
Hiện tại, đế chế AngloZionist đang ở trạng thái giống như 2 trạng thái đầu tiên trong 5 trạng thái mô hình nỗi khổ mà nhà tâm lý học Kübler-Ross đưa ra: chối bỏ, giận dữ, kỳ kèo, thất vọng và chấp nhận. Hầu hết sẽ biểu lộ sự nghi ngờ chất lượng của những đoạn video mà ông Putin giới thiệu và khẳng định "những vũ khí này chỉ tồn tại trên giấy".
Điều này hoàn toàn bình thường nhưng sẽ không tồn tại lâu. Kiểu phủ nhận này là một cơ chế bình thường với mục đích chính để "làm nhẹ đi cú đòn" nhưng không phải là thứ có thể dựa vào để tạo ra một chính sách hay chiến lược. Nhưng dù sao, cũng nên tìm hiểu tại sao những vũ khí này đã "kéo cò" cho những hành động thật sự mạnh mẽ và có những về đề thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng thật ra hết sức phức tạp.
Đầu tiên, cần nói về việc Nga tiết lộ các vũ khí mới: sự triển khai các hệ thống vũ khí mới này không thay đổi cơ bản về cán cân hạt nhân giữa Nga và Mỹ, ít nhất trong thuật ngữ về giới hạn bền vững để xảy ra đòn tấn công thứ nhất (chạy đua hạt nhân là một hình thức chạy đua vũ trang đặc biệt chỉ xuất hiện trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ. Phương thức này dựa trên nguyên lý về đòn tấn công thứ hai (second strike) trong chiến thuật sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong đó, các đầu đạn hạt nhân trong đòn tấn công thứ nhất (first strike) làm nhiệm vụ phá hủy các cơ sở hạt nhân của đối phương trong khi đòn tấn công thứ hai (second strike) sẽ phá hủy các mục tiêu chiến lược).
Điều rõ ràng là kho vũ khí hạt nhân của Mỹ đang trở nên lỗi thời đặc biệt khi so sánh với Nga và cũng rõ ràng toàn bộ kỹ thuật của Nga đã tiến nhiều năm trước Mỹ. Nhưng không có nghĩa là Nga có thể tung ra đòn tấn công thứ nhất với Mỹ (cũng như vậy Mỹ không thể tấn công Nga).
Cả hai nước sở hữu quá nhiều đầu đạn hạt nhân mà ngay cả khi giải trừ tới 90% vũ khí tấn công thì cũng mang lại hậu quả hủy diệt. Điểm chính trong những cảnh báo của ông Putin không phải để đe dọa phương Tây hay có ý muốn nói Nga có thể thành công trong một cuộc chiến hạt nhân mà xa hơn thế. Trước nhất, bài phát biểu của ông là một sự cần thiết để đối phó với tâm lý của đám đông. Có thể nói ý định của ông là đẩy đế chế AngloZionist sang 3 giai đoạn tiếp theo của trạng thái mô hình nỗi khổ: kỳ kèo, thất vọng và chấp thuận.
Đem trạng thái sự thật đến gần với ảo tưởng nặng nề của đế chế
Những lãnh đạo của đế chế AngloZionist đang sống trong một thế giới hoàn toàn thiếu thực tế. Đó là lý do vì sao ông Martyanov đã viết rằng Mỹ "hiện vẫn đang tự cô lập trong cái bóng của chính mình khỏi những tiếng nói về lẽ phải và hòa bình bên ngoài" và bài phát biểu của ông Putin nhắm tới mục đích "cưỡng ép giới tinh hoa của Mỹ nếu không phải vào trạng thái hòa bình thì cũng về một trạng thái ôn hòa hơn, nhắc nhở họ đang hoàn toàn khu biệt mình khỏi thực tế về địa chính trị, quân sự và kinh tế của một thế giới mới". Ông Martyanov đã giải thích nó như sau:
"Giới tinh hoa quyền lực của Mỹ, phần lớn đều chưa bao giờ phục vụ trong quân đội hay tham gia học tại các trường quân sự hàn lâm. Hiểu biết và kinh nghiệm về những kiến thức kỹ thuật quân sự thực tế và các vấn đề địa chính trị chỉ giới hạn trong vài hội nghị chuyên đề về vũ khí hạt nhân. Trong trường hợp tốt nhất, họ sử dụng các nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu quốc hội nhưng những nghiên cứu này không đủ hiếu thấu sự phức tạp, bản chất và tính ứng dụng của lực lượng quân đội.
Họ hoàn toàn không có gì để tham khảo khi là một sản phẩm của văn hóa quân sự "pop" của Mỹ hay còn gọi là văn hóa tuyên truyền quân sự. Những người này bao gồm các luật sư, "nhà khoa học" chính trị, các nhà xã hội học và các nhà báo đang thống trị nhà bếp chiến lược của Mỹ để nấu ra những học thuyết và chiến lược ảo tưởng về quân sự và địa chính trị. Họ chỉ có thể hiểu điều này khi họ đang bị nhắm đến".
Thực tế rằng, trong thế giới thực những tinh hoa này đã bị biến thành mục tiêu trong hàng thập kỷ cũng không thay đổi được sự thực rằng họ vẫn tự huyễn hoặc mình họ có thể loại bỏ điều đó bằng cách rút khỏi hiệp ước chống tên lửa đạn đạo ABM và bao vây Nga với các hệ thống đánh chặn tên lửa.
Thực tế, một vài nhà chính trị Mỹ nhận ra ít nhất trong tiềm thức rằng những hệ thống chống tên lửa đạn đạo sẽ không bao giờ thực sự bảo vệ Mỹ khỏi một cuộc tấn công của Nga. Nhưng điều này cũng không là vấn đề bởi những yếu tố kỳ lạ trong tâm lý của người Mỹ đã biến một hệ thống chống tên lửa đạn đạo trở thành một sự hấp dẫn khó cưỡng lại với những lý do sau:
1. Một hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo sẽ đảm bảo cho Mỹ không bị trừng phạt: "Sự không bị trừng phạt" này đi kèm với sức mạnh quân sự một trong những huyền thoại lớn của Mỹ. Từ thời Reagan với chính sách "dùng vũ khí tiêu diệt vũ khí" tới những cuộc khủng hoảng hiện tại ở bán đảo Triều Tiên, người Mỹ luôn cố gắng để tránh "sự trừng phạt" với các hành động của họ ở nước ngoài: để cho tất cả các nước chìm trong một đại dương lửa, sự tàn sát và lộn xộn để cho "đất mẹ" của Mỹ vẫn là một thành trì bất khả xâm phạm.
Kể từ Thế chiến II, người Mỹ đã giết chết vô số người ở nước ngoài. Nhưng xảy ra vụ 11.9 với sự thiệt mạng của khoảng 3.000 thường dân vô tội đã đưa Mỹ vào một cú sốc lâm sàng. Liên Xô và sau đó là vũ khí hạt nhân của Nga có thể gây ra cái chết của hàng chục triệu người nếu Liên Xô/Nga tấn công. Điều này giải thích tại sao huyền thoại về một "lá chắn" tên lửa đạn đạo rất quyến rũ ngay cả khi nó chỉ là một giấc mơ viển vông hay một hệ thống hạn chế chỉ có thể chặn được một vài tên lửa (như hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo hiện tại ở châu Âu). Một lần nữa, những sự thật không phải là vấn đề ít nhất đối với các nhà chính trị Mỹ hay trong tâm lý chung của họ.
2. Một hệ thống ABM hứa hẹn nguồn tài chính dồi dào cho tổ hợp công nghiệp quân sự đã mục nát của Mỹ - nơi mà hàng triệu người Mỹ đang làm việc và khiến cho rất nhiều người trở nên cực kỳ giàu có. Nói một cách thẳng thắn rất nhiều chương trình ABM tiêu tốn thời gian và tiền của nhưng miễn là tài khoản ngân hàng vẫn được đổ đầy tiền thì họ không cần quan tâm đến điều này: miễn là họ trả tiền, chúng ta sẽ vẫn thực hiện nó.
3. Văn hóa quân sự Mỹ chưa bao giờ thực sự đề cao tính dũng cảm hay sự hy sinh cá nhân. Nên huyền thoại về ABM sẽ khiến người Mỹ tin rằng những cuộc chiến tiếp theo sẽ hầu hết nằm ở việc "bấm nút" và dựa vào những chiếc máy tính. Và nếu có những quả bom bắt đầu rơi xuống thì theo hình dung của nhóm diều hâu Mỹ, nó sẽ rơi xuống những người không thực sự quý giá với Chúa chứ không phải nhân loại như những người da trắng của "một quốc gia thiết yếu".
Điều này gần như một biểu tượng tôn giáo với niềm tin vào huyền thoại về sự ưu việt trong kỹ thuật của Mỹ và có thể hiểu tại sao các lãnh đạo Nga đã nhận ra rằng những người đồng cấp bên phía Mỹ đã quên mất họ đang là mục tiêu. Và ông Putin chỉ đơn giản có thêm động tác để đảm bảo các lãnh đạo Mỹ quay về với thực tại.
Mục tiêu bài phát biểu của ông Putin vừa rồi là để chứng minh cả ông Obama (cho rằng nền kinh tế Nga đã bị đổ vỡ) và ông McCain ("Nga là một trạm xăng đóng vai trò như một đất nước") là sai. Thông điệp của người Nga với giới tinh hoa cai trị nước Mỹ rất đơn giản: Không, chúng tôi không bị tụt hậu về kỹ thuật so với các ông, mà trong nhiều lĩnh vực chúng tôi đã đi trước các ông hàng thập kỷ mặc cho các lệnh trừng phạt và những cố gắng của các ông để cô lập chúng tôi, sự sụt giá về năng lượng hay nỗ lực của các ông để hạn chế sự tiếp cận của chúng tôi với thị trường thế giới. Sự phát triển thành công thế hệ vũ khí mới cho thấy rõ ràng tình trạng nghiên cứu cơ bản của Nga trong các lĩnh vực như hợp kim, công nghệ nano, siêu máy tính...
Với những nhân vật hiếu chiến tại Lầu Năm Góc thông điệp đưa ra rõ ràng và cứng rắn: Chúng tôi tiêu ít hơn 10% những gì các vị có thể bỏ ra trong các cuộc gây hấn toàn cầu. Chúng tôi sẽ đạt được sự tiến bộ như các ông nhờ sự ưu việt của chúng tôi. Nói ngắn gọn, các ông chiến đấu bằng tiền còn chúng tôi chiến đấu bằng những bộ não.
Sau bài viết của tác giả Andrei Martyanov, chuyên gia TheShaker đã phân tích về những thay đổi chính trị thế giới mà các loại vũ khí mới của Nga có thể đem lại. Ông cho rằng bài phát biểu của tổng thống Putin là một trong những bước đi có thể đánh thức ảo tưởng của thế giới phương Tây.
Những nhà tuyên truyền Mỹ thường nói về cách người Nga luôn sử dụng một số lượng lớn các binh sĩ không có kỹ năng và ngờ nghệch nhưng hiện tại Mỹ đã phải đối mặt với những vũ khí uy lực ghê gớm cùng những biến hóa mà họ chưa quen: Một binh sĩ Nga được huấn luyện, vũ trang tốt hơn, tinh thông hơn với tinh thần và ý chí mạnh hơn hẳn so với lính Mỹ.
Với văn hóa quân sự thường lặp lại câu "thần chú" về mọi thứ đều "tốt nhất thế giới" hay "tốt nhất trong lịch sử" của Mỹ thì thực tại mới này trở thành cú sốc nặng nề và phải đáp trả với nó bằng cách phủ nhận hoàn toàn. Với những người tin vào việc Mỹ và tổng thống Reagan đã làm khánh kiệt Liên Xô với cuộc chạy đua vũ trang thành công, họ sẽ cảm thấy rất lạ vì có vẻ như Mỹ đang ở một tình huống tương tự khi đối mặt với các khoản chi quân sự có thể làm cho nước này vỡ nợ.
Không có gì thay đổi trong "đế chế của những ảo tưởng" (
Các vũ khí mới được tiết lộ của Nga đã chứng thực điều Nga cảnh báo trong nhiều năm: khoản tiền khổng lồ Mỹ chi cho các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hoàn toàn là phung phí. Nga đã tìm ra cách đáp trả khiến cho toàn bộ chương trình ABM của Mỹ trở nên vô dụng và lỗi thời. Hơn nữa, như Martyanov chỉ ra, cấu trúc của hạm đội hải quân Mỹ đã lỗi thời và vô dụng ít nhất trong việc chống lại Nga.
Trạng thái của những vấn đề trên cho thấy những hậu quả to lớn: Khoản thuế to lớn của người Mỹ hoàn toàn bị tiêu phí, các chiến lược về hạt nhân và hải quân hoàn toàn sai lầm, thông tin tình báo sai (cả về mức độ thông tin nhận được và cấp độ phân tích). Các nhà chính trị Mỹ đã có những quyết định tai hại và đây là điều đáng báo động về việc không biết sẽ có bao nhiêu cuộc điều tra, đơn xin từ chức, các lệnh trừng phạt, các quyết định hành chính hay kể cả những hành động tội ác sẽ xảy ra. Nhưng tất nhiên sẽ hoàn toàn không có điều gì xảy ra. Vì chẳng có một ai nghĩ về điều đó.
Trong "đế chế của những ảo tưởng" những sự thật không có tầm quan trọng. Thực tế, nếu không có điều gì xảy ra thì chương trình ABM rõ ràng vô dụng sẽ vẫn được tiếp tục. Công chúng Mỹ không được biết điều gì đang xảy ra. Và với những người hiểu biết vấn đề sẽ bị cách ly hoặc không có quyền lực để tạo ra bất cứ thay đổi nào. Và với những kẻ ăn bám kiếm hàng triệu thậm chí hàng tỷ USD từ việc lãng phí tiền thuế của dân thì họ có quá nhiều thứ để mất nếu công nhận sự thật.
Thực tế, với việc Mỹ đang được cai trị bởi những người theo trường phái diều hâu có thể dễ dàng dự đoán họ sẽ tiếp tục làm gì - những người theo trường phái diều hâu sẽ luôn "đặt cược gấp đôi". Vì thế khi công chúng biết được toàn bộ chương trình ABM là vô dụng và lỗi thời, họ sẽ lại yêu cầu thêm tiền bởi những người yêu nước hay những nghị sĩ với lá cờ với đám đông dân chúng là họ đang "có một lập trường vững chắc" để chống lại thứ gọi là "độc tài Nga" và niềm tự hào Mỹ sẽ không nhượng bộ với "đe dọa hạt nhân của Nga"...
Với những phân tích về vấn đề của hải quân Mỹ cũng sẽ không ai quan tâm. Mỹ sẽ chỉ coi đây là một trong những "tuyên truyền của người Nga". Nó sẽ bị gạt đi ngay lập tức trước khi được phân tích một cách chắc chắn và cẩn thận với kết luận luôn là "Chúng ta là số 1", "Mỹ thống trị các làn sóng" - Điều mà những đô đốc hiếu chiến của Mỹ đã nhồi vào đầu công chúng trong nhiều thập kỷ. Và trong hải quân Mỹ cũng có những người nhận thức được điều đó nhưng giữ trong đầu. Họ không có ảnh hưởng và thậm chí phải giữ im lặng để giữ được nghề nghiệp của mình.
Thực tế, điều mà ông Martyanov gọi là "huyền thoại về ưu thế kỹ thuật của Mỹ" đã ăn sâu một cách thâm căn cố đế vào tâm thức của người Mỹ và trở thành đặc trưng quốc gia không thể thách thức. Ngay cả khi ông Putin quyết định những đoạn video hay tuyên bố vẫn chưa đủ và chứng minh bằng hỏa lực thực sự thfi giới truyền thông, chính phủ và công chúng Mỹ cũng sẽ tìm cách hoàn toàn phủ nhận, làm ra vẻ những sự thật đó đã không xảy ra hay sẽ có một nụ cười bí ẩn và trả lời lại bằng những dòng chữ như: "Điều này tuyệt đấy nhưng nếu các bạn biết về những siêu vũ khí mà chúng tôi chưa đưa ra!" - Như một người đã từng viết có những vũ khí Mỹ đang giấu trong tay áo sẽ được đem ra sử dụng nếu có một cuộc tấn công. Vì thế, trong tương lai gần những phủ nhận của Mỹ sẽ được tiếp tục.
"Khi đầu còn nằm trong cát thì chân vẫn ở trên trời"
Những sự thật tồn tại cho dù những nhà tuyên truyền của Mỹ có cố gắng thay đổi, dập tắt, phủ nhận hay gạt bỏ nó. Có những vấn đề rất cơ bản đã thay đổi với nước Mỹ. Một trong những yếu tố của sự thật với thời gian sẽ đi sâu vào trong tâm trí của người Mỹ rằng "đất mẹ" và bản thân họ đang có một mối nguy trực tiếp.
Thực tế, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ trở thành mục tiêu của những vũ khí thông thường có thể nhắm tới bất cứ nơi nào trên đất Mỹ. Không giống như tên lửa đạn đạo liên lục địa cũ kỹ, hệ thống vũ khí mới có thể đánh tới bất cứ đâu tại Mỹ, các tên lửa hành trình đặc biệt khó phát hiện và sẽ không cho Mỹ có đủ thời gian để cảnh báo.
Chúng ta đã biết về tên lửa hành trình 3M-54 Kalibr và KH-101/102 của Nga có tầm bắn 2.600 tới 5.500km (hoặc hơn nữa). Tổng thống Putin cũng thông báo Nga đã có tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn không giới hạn. Cần biết, những tên lửa này rất khó phát hiện vì chúng không gây ra tín hiệu nhiệt mạnh, bay theo quỹ đạo với vận tốc dưới tốc độ âm thanh (và chỉ tăng tốc khi gần tiếp cận mục tiêu), tín hiệu nhiệt rất thấp cùng với thiết kế hình dáng dưới tầm quét của radar.
Tên lửa có thể bay rất thấp (sát đất) để tự che dấu. Nhưng đặc biệt nhất, nó có thể phóng từ bất cứ đâu ngay cả trong một container thương mại thông thường. Xem video dưới đây về cách những tên lửa này có thể được che dấu, triển khai và sử dụng:
Ông Putin chính thức thêm vào kho vũ khí của mình những tên lửa hành trình có tầm bắn không giới hạn mà về mặt lý thuyết có thể tiêu diệt trung tâm chỉ huy tại vùng trung tây nước Mỹ khi khai hỏa từ nam Ấn Độ Dương hay từ biển Tasman. Đặc biệt hơn, việc khai hỏa các tên lửa này không cần sử dụng tàu hải quân mà có thể phóng từ những tàu thương mại như (tàu hàng, tàu cá...) hay thậm chí từ một tàu tuần tra.
Các máy bay vận tải hạng nặng của Nga có thể chuyển các "container" này tới bất cứ địa điểm nào tại châu Phi hay Nam cực và bắn tới vùng thành thị Omaha với đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. Đây cũng là yếu tố cơ bản để thay đổi cuộc chơi trên thế giới.
Ngược lại, bạn có thể nghĩ tới một loại ngư lôi chạy bằng năng lượng hạt nhân theo kiểu "tên lửa hành trình dưới nước" với các khả năng tương tự chống lại các tàu trên mặt nước hoặc các cơ sở trên bờ biển. Trừ việc "tên lửa hành trình dưới nước này" có thể "bay" dưới các tảng băng ở các cực. Và không cần đề cập tới nó có thể được trang bị các đầu đạn hạt nhân.
Nhưng không chỉ lục địa Mỹ bị nhắm tới mà tất cả các cơ sở quân sự của Mỹ trên thế giới có thể bị tấn công với rất ít hoặc không có thời gian để Mỹ kịp phản ứng.
Mỹ đã đơn phương rút khỏi hiệp ước chống tên lửa đạn đạo ABM vào năm 2002.
Không hề cường điệu khi nói rằng điều này thật sự thay đổi căn bản chiến tranh hiện đại. Tác giả TheSaker cũng cho rằng đây là những hậu quả không mong muốn nhìn từ quan điểm "giới hạn bền vững cho việc xảy ra đòn tấn công thứ nhất" vì các vũ khí mới của Nga đặt bộ ba vũ khí hạt nhân của Mỹ (tên lửa đạn đạo, bom và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm) vào vòng nguy hiểm cùng với tất cả những cơ sở quân sự và những địa điểm thông thường.
Tình huống này xảy ra do những chính sách ngạo mạn và thiếu trách nhiệm của Mỹ kể từ khi Washington rút khỏi hiệp ước chống tên lửa đạn đạo ABM năm 2002. Hơn nữa, có lẽ người Nga sẽ đồng ý ngồi lại với Mỹ để tìm ra những lý do thích đáng tạo ra một thống nhất chung để phục hồi lại giới hạn cho việc xảy ra đòn tấn công thứ nhất giữa hai nước. Không ai bên cạnh những lãnh đạo kiêu căng của tổ hợp quốc phòng công nghiệp Mỹ cần một cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và Mỹ hay những nỗ lực cần phải trả bằng một cái giá lớn. Nhưng có thể cuộc chạy đua vũ trang sẽ vẫn tiếp tục (vì những người theo trường phái diều hâu thường 'đặt cược' gấp đôi). Nga có lợi thế rất lớn nếu điều này xảy ra vì 2 lý do:
1. Không giống Nga, Mỹ sẽ tiếp tục có những lý do để phủ nhận sử vô dụng và không loại bỏ chương trình ABM và các tàu hải quân. Đồng thời sẽ đổ tiền vào để cố gắng ngăn chặn khả năng của Nga. Ngược lại, Nga sẽ dùng tiền vào những chương trình thực sự tạo ra sự khác biệt.
2. Mỹ thiếu sót rất nhiều trong những lĩnh vực chủ chốt của quá trình phát triển lâu dài. Họ không thể giải quyết được những thảm họa thiết kế của những tàu tác chiến ven biển hay tệ nhất là thiết kế của máy bay F-35. Giống như Nga những năm 1990, bộ máy của Mỹ hiện tại có không ít kẻ nhát gan, bất tài không thực sự dấn thân để cải tổ quân đội một cách thật sự có ý nghĩa, khiến cho quân Mỹ phải chịu tổnt hất vì các vấn đề ngày càng tệ hơn trước khi có gì đó có thể khởi sắc.
Hiện tại, khác biệt giữa nước Nga của ông Putin và nước Mỹ của tổng thống Trump là: Nga dành tiền cho quốc phòng, còn Mỹ thì dùng tiền để làm giàu cho những chính khách tham vọng và các nhà kinh doanh. Với những yếu tố này, Mỹ không thể có cơ hội thắng trong cuộc chạy đua vũ trang dù có những kỹ sư tài năng và những binh sĩ yêu nước.
Nga cần tiếp tục lách mình trong con đường hẹp: Hành động theo cách tránh một cuộc đối đầu trực tiếp về quân sự với Mỹ trong khi đó gửi những tín hiệu rõ ràng, đủ để ngăn Mỹ coi những hành động lảng tránh của Nga là một dấu hiệu của sự yếu đuối và làm điều gì đó ngốc nghếch.
Nga và Mỹ ở trong một cuộc chiến mà Nga đang thắng
Nga và Mỹ đang ở trong một cuộc giao tranh kể từ năm 2014. Cuộc giao tranh này bao gồm 80% về thông tin, 15% về kinh tế và 5% là các động thái khác.
Nhưng điều này sẽ nhanh chóng thay đổi vì Nga đã có những nỗ lực to lớn để chống lại đế chế AngloZionist ở trong cả chiến tranh thông thường lẫn chiến tranh hạt nhân. Dưới đây là một số hành động đáp trả của Nga.
Để đối phó với mối đe dọa thông thường của NATO và phương Tây:
- Ông Putin đã ra lệnh tái lập Quân đoàn tăng vệ binh số 1. Đội xe tăng này gồm 2 sư đoàn (sư đoàn tăng vệ binh Tamanskaya số 2 và sư đoàn tăng vệ binh Kantemirovskaya số 4) với tổng cộng hơn 500 chiếc xe tăng Armata T-14, được hỗ trợ bởi Đội vệ binh vũ trang hỗn hợp số 20 (đang trong quá trình xây dựng. Đây chính là điều được gọi là "đội quân gây sốc" trong Thế chiến II và Chiến Tranh Lạnh.
- Triển khai hệ thống tên lửa tác chiến chiến thuật Iskander-M (đã hoàn thành).
- Tăng gấp đôi số lính dù từ 36.000 lên 72.000 binh sĩ (đang trong quá trình triển khai).
- Thành lập một đội Vệ binh quốc gia: bao gồm lính thuộc Bộ Nội vụ (khoảng 170.000 quân), các thành viên của Bộ các vấn đề khẩn cấp, lực lượng cảnh sát chống bạo loạn OMON (khoảng 40.000), lực lượng phản ứng nhanh SOBR (khoảng hơn 5.000 lính), Trung tâm chỉ huy các chiến dịch đặc biệt và không quân bao gồm cả đơn vị đặc nhiệm "Zubr", "Rys" và "Iastreb" thành một lực lượng khoảng 250.000 lính và có thể đạt tới con số 300.000 quân trong tương lai.
- Trang bị và triển khai các máy bay chiến đấu, đánh chặn, tiêm kích, cường kích đa năng như (MiG-31BM, Su-30SM, Su-35S và sẽ sớm có MiG-35 cùng Su-57).
- Triển khai hệ thống phòng không S-400 và S-500 cùng hệ thống radar tầm xa.
- Trang bị mới 70% các hệ thống thiết bị cho toàn bộ quân đội.
Để đáp trả vòng vây của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ:
- Triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat với tốc độ siêu thanh cùng thiết bị phóng dễ di chuyển.
- Triển khai tên lửa hành trình tầm xa thông thường.
- Triển khai tên lửa hành trình dùng năng lượng hạt nhân với tầm bắn không hạn chế.
- Triển khai tàu ngầm hạt nhân không người lái với tầm hoạt động liên lục địa, tốc độ cao, động cơ không gây tiếng động và có khả năng lặn sâu.
- Triển khai tên lửa siêu thanh Kinzhal với vận tốc gấp 10 lần tốc độ âm thanh cùng tầm bắn lên tới 2.000km.
- Triển khai tên lửa chiến lược mới Avangard có vận tốc gấp 20 lần tốc độ âm thanh.
Danh sách này vẫn chưa liệt kê được hết mọi khía cạnh, còn thiếu thông tin về những tàu ngầm mới (động cơ đẩy không cần không khí, tàu ngầm thông thường chạy diesel-điện, khả năng tấn công hạt nhân và các tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo), các máy bay tấn công, nhiều các loại xe thiết giáp mới, các thiết bị kỹ thuật cao để trang bị cho từng cá nhân, hệ thống pháo mới...
Nhưng yếu tố quan trọng nhất của người Nga đã đẩy lùi mọi cuộc xâm lược của phương Tây là tinh thần, kỷ luật, sự rèn luyện và quyết tâm của lính Nga (đã có rất nhiều minh chứng trong các sự kiện gần đây tại Syria).
Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh!
Sự thật là không ai trong nước Nga muốn chuẩn bị cho một cuộc chiến, cần hay muốn có một cuộc chiến tranh. Thực tế, Nga là một đất nước đang cần thêm nhiều năm hòa bình hơn. Đầu tiên, bởi vì thời gian đang ở phía Nga và cán cân quân sự giữa với Mỹ đang thay đổi rất nhanh thiên về phía Nga. Nhưng một sự thật quan trọng khác là không như Mỹ luôn tìm cách gây xung đột, chiến tranh và hỗn loạn, Nga đang rất cần hòa bình để đối phó những vấn đề nội địa đã bị bỏ bê trong thời gian dài.
Tuy nhiên, vấn đề là toàn bộ hệ thống chính trị và kinh tế Mỹ hoàn toàn dựa vào trạng thái chiến tranh liên miên. Điều này kết hợp với sự kiêu căng bá chủ, thúc đẩy bằng nỗi sợ Nga là mối nguy tiềm tàng khiến Nga không còn cách nào khác đành phải "giơ nanh múa vuốt" và đe dọa binh đao theo cách của riêng mình. Vậy bài phát biểu của ông Putin có đủ để đánh thức những tinh hoa cai trị đế chế AngloZionist khỏi ảo tưởng của họ? Rõ ràng là không. Thực tế về mặt ngắn hạn nó có thể gây hiệu ứng ngược lại.
Cần nhớ tới khi Nga làm chệch hướng kế hoạch tấn công Syria của chính quyền tổng thống Obama, Mỹ đã trả đũa bằng cách khai hỏa sự kiện Maidan. Có thể các hành động trả đũa sẽ nhanh chóng xảy ra như một cuộc tấn công toàn diện của những người Ukraine theo chủ nghĩa tân phát xít vào Donbass vào mùa xuân này hoặc thời điểm diễn ra World Cup vào mùa hè. Tất nhiên dù kết quả của cuộc tấn công thế nào, nó cũng không ảnh hưởng tới cán cân lực lượng giữa Nga và đế chế. Nhưng nó sẽ làm thỏa mãn những người theo trường phái diều hâu vốn muốn "báo thù" theo bất cứ hình thức nào. Chúng ta cũng có thể được chứng kiến thêm những sự khích động tại Syria.
Vì lý do đó, trong tương lai gần người Nga phải tiếp tục chấp nhận một tiến trình gây bực dọc và mệt mỏi và giữ một trạng thái tương đối thụ động, đồng thời tránh những tình huống mà đế chế và những bên liên quan hiểu đó là dấu hiệu của sự yếu đuối. Chừng nào, các quyền lực của đế chế tiếp tục phủ nhận thế giới thực tại, cũng như tổ hợp công nghiệp Mỹ tiếp tục sản xuất các hệ thống vũ khí đắt đỏ nhưng vô dụng hay các nhà chính trị Mỹ vẫn bận rộn để đổ lỗi mọi thứ là do "trở ngại từ người Nga", trong khi không làm gì để tái cơ cấu nền kinh tế đang sụp đổ và xây dựng lại cơ sở hạ tầng mà lại tiếp tục sử dụng truyền thông như một thứ thay thế cho sự thịnh vượng, đồng thời tiếp tục để cho những căng thẳng chính trị xã hội nội địa Mỹ tiếp tục - Thì kế hoạch của ông Putin đang thành công.
Nga cần tiếp tục lách mình trong con đường hẹp: hành động theo cách tránh một cuộc đối đầu trực tiếp về quân sự với Mỹ trong khi đó gửi những tín hiệu rõ ràng, đủ để ngăn Mỹ coi những hành động lảng tránh của Nga là một dấu hiệu của sự yếu đuối và làm điều gì đó ngốc nghếch. Mục tiêu cuối cùng của Nga rất đơn giản và rõ ràng: khiến đế chế AngloZionist tan rã một cách từ từ và hòa bình kết hợp với một quá trình thay thế hòa bình về một thế giới đơn cực được cai trị bởi một nước bá quyền bằng một thế giới đa cực được kết hợp cai trị bởi các quốc gia có chủ quyền tôn trọng luật quốc tế.
Vì thế cần hết sức tránh những yếu tố gây nên thảm họa và bạo lực. Sự kiên nhẫn và tập trung rất cần thiết trong cuộc chiến cho tương lai hành tinh của chúng ta hơn là nhanh chóng đáp trả các hành động. Những "bệnh nhân" cần quay về với thực tế ở mỗi thời điểm. Bài phát biểu ngày 1.3 của ông Putin sẽ đi vào lịch sử như là một bước đi như vậy. Nhưng còn cần rất nhiều bước đi tiếp theo trước khi "bệnh nhân" tỉnh táo hoàn toàn.
http://viettimes.vn/nga-gay-soc-myphuong-tay-thay-doi-van-co-quyen-luc-the-gioi-167414.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét