Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Không quân vận tải chiến lược Trung Quốc tiến bộ mạnh mẽ

Sau nhiều thập niên đầu tư vào công nghiệp hàng không nội địa, với sự khởi đầu khiêm tốn và học hỏi tối đa từ các thiết kế máy bay của Nga và Mỹ, Trung Quốc đã có xây dựng được tiềm lực không vận chiến lược thực sự.
Giới thiệu

Mặc dù các máy bay chiến đấu như tiêm kích tàng hình J-31 và máy bay tiến công trên hạm J-15 đã choán phần lớn trang nhất của báo chí, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu lớn trong lĩnh vực máy bay vận tải quân sự, máy bay tuần biển tầm xa và máy bay chỉ huy/báo động sớm (AEW&C) trên hạm trong năm qua. Được đưa vào hoạt động lần đầu tiên vào năm 2016, máy bay vận tải quân sự Y-20 hiện là máy bay vận tải quân sự lớn nhất thế giới đang được sản xuất. Có kích thước gần như C-17 Globemaster của hãng, Mỹ, Y-20 là một thành phần thiết yếu trong khả năng ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc mở rộng khả năng tung sức mạnh chiến lược của họ. Sau con số ban đầu cho thấy nhu cầu cần 400 chiếc Y-20, Tổng công ty Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) sau đó thông báo rằng, con số này đã điều chỉnh lên đến 1000.

Báo hiệu sự phát triển tiếp theo trong lĩnh vực máy bay vận tải là thông báo vào tháng 9/2016 rằng, Tổng công ty Công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (AICC) sẽ tham gia thỏa thuận với hãng Antonov của Ukraine (chuyên thiết kế và sản xuất máy bay vận taie hạng nặng) để khởi động lại việc sản xuất máy bay vận tải lớn nhất thế giới An-225 Mriya tại Trung Quốc. Hiện chỉ có một chiếc An-225 hoạt động và một chiếc khác đang làm dở khi Liên Xô tan rã. AICC và hãng Antonov đã ký một hợp đồng để hoàn thành chiếc máy bay thứ hai này, và sau đó thì bắt đầu sản xuất thêm máy bay này theo giấy phép tại Trung Quốc.

AVIC đã bắt đầu sản xuất thủy phi cơ AG600 vào tháng 7/2016. AG600 là một thủy phi cơ cỡ lớn, có khả năng cất/hạ cánh trên mặt nước, hoặc trên các đường băng trên đất liền vì nó có một bộ khung càng hạ cánh ba điểm thông thường, có thể thu vào. AG600 có kích thước tương đương với máy bay Boeing 737 hoặc Airbus 320 và là thủy phi cơ lớn nhất thế giới hiện đang được sản xuất. Vai trò được tuyên bố của thủy phi cơ này là tìm kiếm, cứu hộ, cứu hỏa và cứu trợ nhân đạo, tuy nhiên, nó cũng có thể hỗ trợ cho các thủy phi cơ SH-5 Harbin trong các hoạt động tuần tra chống ngầm (ASW) và trinh sát đường không.

Khi tàu sân bay Liaoning (CV-16) được đưa vào biên chế hải quân Trung Quốc vào năm 2012, sự phụ thuộc của nó vào trực thăng chỉ huy/báo động sớm (AEW&C) Z-18J ngay lập tức được xem là một điểm yếu. Cơ chế cất cánh bằng cầu bật và hạ cánh bằng cáp hãm đà (STOBAR) trên tàu sân bay Liêu Ninh và tàu sân bay thứ hai đang được đóng không cho phép vận hành máy bay cánh AEW&C cánh cố định cỡ lớn. Hải quân Trung Quốc cần hệ thống cất/hạ cánh kiểu CATOBAR (cất cánh bằng máy phóng và hạ cánh bằng cáp hãm đà) sử dụng máy phóng máy bay bằng hơi nước hoặc bằng điện từ để hỗ trợ máy bay cỡ lớn và nặng cất cánh từ tàu sân bay. Việc phát hiện ra tại cơ sở thử nghiệm Vũ Hán chiếc máy bay AEW&C cánh cố định, tương tự như E-2 Hawkeye của hãng Northrop Grumman của Hải quân Mỹ là một bằng chứng cho thấy, Trung Quốc có kế hoạch đóng một tàu sân bay thứ ba cho phép hoạt động theo kiểu CATOBAR. Hiện chưa rõ máy bay đó là một mẫu chế thử hay chỉ là một mô hình.

Không vận chiến lược và các lựa chọn chiến thuật

Việc sản xuất quy mô lớn Y-20 là thành tựu lớn của công nghiệp hàng không quốc doanh của Trung Quốc và cho thấy khát vọng ngày càng lớn của Trung Quốc trong việc xây dựng khả năng không vận chiến lược mạnh mẽ. Y-20 không chỉ có thể vận chuyển một lượng lớn hàng hóa hoặc binh lính trên một quãng đường xa mà thậm chí có thể vận chuyển các xe tăng chủ lực chính và các xe bọc thép khác. Với trọng tải tối đa gần 73 tấn, Y-20 có thể không vận các loại tăng chủ lực hiện đại nhất Type 99A, Type 96 của quân đội Trung Quốc và bất kỳ loại xe chiến đấu bộ vinh và xe bọc thép chở quân hiện có nào. Y-20 có tầm bay tối đa hơn 10.000 km (6.200 dặm) và có thể chở 40 tấn hàng đi xa 7.800 km (4.850 dặm). Tầm bay với trọng tải tối đa gần 73 tấn là khoảng 4.500 km (2.800 dặm).   
Y-20 đang hạ độ cao để hạ cánh. Bộ bánh sau lớn và bốn động cơ turbine quạt D-30 của Nga có thể nhìn thấy rõ từ góc độ này

Rất giống về thiết kế, kích thước và hình dáng với C-17 Globemaster của Mỹ và Il-76 của Nga, Y-20 được chế tạo làm nhiệm vụ không vận chiến lược, chở lính dù và và các hoạt động thả dù hàng nặng. Y-20 lớn hơn một chút so với Il-76, nhưng nhỏ hơn C-17. Do Boeing đã dừng sản xuất C-17 vào năm 2015 nên Y-20 hiện là máy bay vận tải quân sự lớn nhất đang được sản xuất.
Một trong những chiếc Y-20 được sản xuất đầu tiên đang hoạt động trong biên chế của không quân Trung Quốc. Các tổ lái đã trìu mến đặt biệt danh “Chubby Girl” (cô gái to nhưng không béo)

Trong khi Trung Quốc tập trung nỗ lực để bảo vệ lợi ích chiến lược của họ cả ở khu vực lân cận và xa xôi như Sừng Châu Phi, thì rất cần có khả năng không vận chiến lược mạnh. Với khả năng cất cánh đường băng ngắn được cho là chỉ 700 m, Y-20 có thể vận chuyển quân và hàng tiếp vận cho bất kỳ đảo tiền đồn của Trung Quốc ở Biển Đông có đường băng, chẳng hạn như đảo Phú Lâm, đá Chữ Thập, đá Vành khăn hay đá Subi. Bất kỳ hoạt động quân sự nào để đối phó với các cuộc xâm nhập của các bên yêu sách khác đối với các lãnh thổ tranh chấp trong khu vực đòi hỏi thực hiện hành động xâm chiếm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự bảo đảm không vận chiến lược đầy đủ. Do căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines đã giảm đáng kể dưới thời chính quyền Duterte và mối quan hệ thân thiết với Malaysia và Brunei, khả năng xảy ra kịch bản như vậy đã giảm đáng kể kể từ mùa hè năm 2016.

Trung Quốc đang xây dựng các đường băng lớn có khả năng bảo đảm các hoạt động hàng không quân sự trên các hòn đảo nhân tạo tại đảo Chữ Thập, đá Subi và đá Vành khăn. Một căn cứ không quân với đường băng dài 2.700 m đã đi vào hoạt động trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa từ năm 1990

Máy bay cũng có thể hỗ trợ hiệu quả cho quân đội Trung Quốc duy trì căn cứ quân sự mới tại Doraleh, Djibouti. Căn cứ quân sự mới này nằm cách Camp Lemonnier, cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ trên lục địa châu Phi, chỉ có ngay 8 dặm và sẽ đóng vai trò như một căn cứ hậu cần có khả năng hỗ trợ các lợi ích trên biển của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải và Vịnh Persique. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng đang vận hành một trung tâm bảo đảm hậu cần nhỏ nằm sát Camp Lemonnier, và có thể sẽ mở rộng cơ sở này để đáp trả dự án của Trung Quốc.

Vấn đề Đài Loan và bất kỳ nỗ lực nào trong tương lai để tái chiếm Đài Loan bằng vũ lực sẽ đòi hỏi phải tổ chức hoạt động đổ bộ đường biển và không vận quy mô lớn. Trung Quốc hiện tại thiếu cả hai yếu tố trên, nhưng quân đội và hải quân Trung Quốc đã tăng cường và hiện đại hóa mạnh mẽ khả năng tác chiến tranh đổ bộ. Bất cứ hành động xâm chiếm Đài Loan nào cũng sẽ đòi hỏi không chỉ một lực lượng đổ bộ lớn mà cả một lực lượng không vận chiến lược mạnh. Việc mua sắm tới 1.000 máy bay vận tải quân sự hạng nặng Y-20 đang đi theo hướng xây dựng nòng cốt cho một lực lượng như vậy.

Máy bay vận tải hạng nặng khổng lồ

Mặc dù những lợi ích từ chương trình Y-20 là khá dễ hiểu, việc AICC đầu tư để hồi sinh An-225 Mriya lại không rõ ràng. Chiếc An-225 duy nhất hiện nay chỉ thực hiện một hoặc hai chuyến bay chở hàng thuê trong một năm. Nó thích hợp với các hoạt động vận tải hàng hóa nặng rất đặc biệt với chi phí hoạt động rất tốn kém. An-225 ban đầu được thiết kế chủ yếu để vận chuyển tàu con thoi Buran của Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, hãng Antonov dã không thể tìm được nhà đầu tư để huy động vốn để hoàn thành khung thân chiếc An-225 thứ hai vốn được lưu giữ ở Ukraine kể từ đó.
An-225 Mriya là máy bay vận tải lớn nhất từng được chế tạo

Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc muốn sử dụng An-225 làm máy bay vận tải hạng nặng trên thị trường vận tải hàng không, hoặc để hỗ trợ cho những tham vọng ngày càng tăng của Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA). Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ ba trong lịch sử đưa thành công con người vào quỹ đạo và trở về trái đất an toàn với thành công của tàu vũ trụ Thần Châu 5 vào năm 2003. Kể từ đó, Trung Quốc đã hạ cánh thành công tàu không người lái Hằng Nga 3 trên bề mặt mặt trăng vào cuối năm 2013, có kế hoạch hạ cánh Hằng Nga 5 xuống mặt tối của mặt trăng vào năm 2018 và có các kế hoạch khai thác vận hành một trạm vũ trụ có người lái vào năm 2020. Trung Quốc đang tiến hành các nghiên cứu trên vũ trụ bởi các phi hành gia trên phòng thí nghiệm vũ trụ Thiên cung 2, vốn sẽ tạo ra cơ sở cho một trạm vũ trụ module lớn hơn. CNSA đã công bố kế hoạch tiến hành một chuyến bay có người lái lên mặt trăng vào năm 2036, với ý đồ sau đó thiết lập một căn cứ mặt trăng có người ở.
Máy bay An-225 Mryia đang tiếp nhận các xe tăng T-72 qua cầu dốc lớn ở mũi máy bay

Trung Quốc nhiều khả năng không quan tâm đến việc phát triển một tàu con thoi lớn,  tuy nhiên họ có thể muốn có An-225 như là một phương tiện vận chuyển các bộ phận tên lửa lớn hoặc làm phương tiện phóng cho một máy bay vũ trụ siêu vượt âm nhỏ hơn. Có tin một mẫu máy bay không người lái siêu vượt âm đã được phóng thành công lần đầu tiên từ một chiếc máy bay ném bom chiến lược H-6 vào tháng 9/2015. Có thể Trung Quốc muốn có An-225 để sử dụng làm máy bay vận tải phù hợp hơn cho các chương trình máy bay siêu vượt âm và tên lửa ngày càng phát triển của họ.
Tuần tra vùng biển ngày càng rộng lớn

Việc phát triển thủy phi cơ AG600 là một ví dụ điển hình khẳng định sự phát triển của công nghiệp hàng không Trung Quốc. AG600 do AVIC phát triển làm thủy phi cơ phục vụ nhiều nhiệm vụ dân sự và quân sự, mặc dù AVIC tìm cách giảm nhẹ bất kỳ vai trò quân sự cho máy bay, và được thiết kế và chế tạo trong khoảng hai năm. Trong khi công nghiệp hàng không Trung Quốc non trẻ đã mất gần 15 năm để thiết kế và sản xuất thủy phi cơ SH-5 mà AG600 sẽ thay thế, và chỉ sản xuất được 6 chiếc. Đến nay, AVIC đã nhận được đơn đặt hàng mua 17 AG600, đều cho thị trường trong nước. Mặc dù thủy phi cơ này có thể chở được 50 hành khách, nhưng đến nay chưa có hãng hàng không thương mại nào quan tâm đến AG600. Nhiều khả năng AG600 sẽ được hải quân Trung Quốc sử dụng làm máy bay tuần biển tầm xa. 
y
Mẫu AG600 sản xuất đầu tiên hoàn thành vào tháng 7/2016

Với nhiều điểm chung với thủy phi cơ US-2 của hãng ShinMaywa mà Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản (JMSDF) sử dụng, AG600 sẽ đóng vai trò tương tự trong hải quân Trung Quốc. US-2 hiện đang hoạt động như một máy bay cứu hộ không-biển (SAR) và tuần tra/giám sát biển. Cũng có khả năng AG600 sẽ được phát triển thành một máy bay tuần tra chống ngầm (ASW) giống như SH-5 trước đây. Trong khi Trung Quốc củng cố vị trí của mình ở Biển Đông và tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng quân sự trên một số hòn đảo nhân tạo, một máy bay cứu hộ không-biển tầm xa sẽ là một phương tiện tuyệt vời hỗ trợ cho các chuyến bay tuần tra của hải quân và không quân Trung Quốc xuất phát từ các hòn đảo này. AG600 được trang bị bộ càng đáp thu vào được và có thể hoạt động từ sân bay, cũng như từ mặt nước. Tầm bay tối đa của AG600 là khoảng 4.500 km.
AG600 rất giống thủy phi cơ US-2 của Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản

Tai và mắt tốt hơn cho tàu sân bay

Trung Quốc đã tiến hành chương trình tàu sân bay một cách từ tốn và bài bản từ cuối những năm 1990 và đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong 5 năm qua. Mặc dù việc hoàn thành tàu sân bay đầu tiên đóng trong nước là một cột mốc quan trọng, nhưng tàu sân bay Sơn Đông (CV-17) vẫn sẽ có tất cả những hạn chế cố hữu của một tàu sân bay trang bị cầu bật kiểu STOBAR (cất cánh bằng cầu bật, hạ cánh bằng cáp hãm đà). Như đã nêu trước đó trong bài phân tích cập nhật chi tiết về chương trình tàu sân bay của Trung Quốc, hầu hết các nhà phân tích đều biết rằng, tàu sân bay thứ ba dự kiến sẽ không sử dụng STOBAR mà sẽ sử dụng máy phóng máy bay bằng hơi nước hoặc bằng điện từ. Hệ thống cất/hạ cánh kiểu CATOBAR (cất cánh bằng máy phóng, hạ cánh bằng cáp hãm đà) cho phép sử dụng các máy bay nặng hơn hoặc lớn hơn từ boong tàu sân bay. Các máy bay tiến công có thể mang đầy đủ vũ khí và nhiên liệu, nên nâng cao được hiệu quả chiến đấu và tầm bắn. Nó cũng cho phép sử dụng các máy bay cánh cố định lớn hơn như các máy bay bảo đảm và quan trọng nhất là các máy bay chỉ huy/báo động sớm (AEW&C).
Tàu sân bay đang hoạt động Liêu Ninh (CV-16) và tàu sân bay Sơn Đông (CV-17) có thể được đưa vào biên chế vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019 vẫn dựa vào trực thăng để thực hiện các nhiệm vụ tiếp tế, vận tải và AEW&C. Trực thăng không thể có tầm bay xa như máy bay cánh cố định do hiệu quả sử dụng nhiên liệu kém. Hải quân Mỹ sử dụng máy bay E-2D Hawkeye của hãng Northrop Grumman trong vai trò AEW&C. Biến thể E-2C cũng được Hải quân Pháp sử dụng làm máy bay AEW&C chủ yếu trên tàu sân bay hạt nhân Charles DeGaulle. Hải quân Ấn Độ hiện đang xem xét trang bị E-2D Hawkeye cho tàu sân bay INS Vishal mà họ có kế hoạch đóng, nhưng chương trình vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch rất sơ khai. Hải quân Ấn Độ đang xem xét mua 4 chiếc E-2D để sử dụng tạm thời làm máy bay AEW&C triển khai trên đất liền.
E-2D Advanced Hawkeye là máy bay AEW&C trên hạm, cánh cố định tiên tiến nhất trên trên thế giới

Mới đây, trên mạng xã hội đã xuất hiện hình ảnh của một mẫu chế thử máy bay AEW&C hay một mô hình kích thước đầy đủ của một máy bay bề ngoài giống với E-2. “Máy bay” này được chụp trên boong bay mô phỏng của tàu sân bay CV-17 tại cơ sở thử nghiệm ở Vũ Hán.

Hiện tại chưa biết liệu đây có phải là một mẫu thử nghiệm hoạt động hay là một mô hình phục vụ mục đích đào tạo hay không. Khó có khả năng hải quân Trung Quốc đầu tư thời gian và công sức để tạo ra một mô hình mà không có ý đồ phát triển một máy bay AEW&C cánh cố định. Tàu sân bay kiểu CATOBAR tương lai sẽ có hiệu quả hơn nhiều khi được biên chế máy bay AEW&C cánh cố định.
Máy bay AEW&C trên “boong bay” của cơ sở thử nghiệm tàu sân bay CV-17 tại Vũ Hán

Ảnh chụp một máy bay khác với chiếc máy bay ở trên (lưu ý những cánh đuôi khác nhau). Máy bay này dường như là một mô hình

Thêm ảnh chụp mô hình máy bay tại Vũ Hán. Các cánh đuôi ngang và đứng có vẻ không hoạt động
Kết luận

Sau nhiều thập niên đầu tư vào công nghiệp hàng không nội địa, với sự khởi đầu khiêm tốn và học hỏi tối đa từ các thiết kế máy bay của Nga và Mỹ, Trung Quốc đã có xây dựng được tiềm lực không vận chiến lược thực sự. Mặc dù vẫn còn phụ thuộc vào động cơ máy bay do Nga sản xuất cho phần lớn các loại máy bay hiện đại nhất của họ, các thiết kế của Trung Quốc tương tự với nhiều thiết kế của Nga đã giúp công nghiệp hàng không Trung Quốc có được độc lập hơn. Sự trưởng thành của ngành công nghiệp này chỉ trong thập kỷ vừa qua đã gây ấn tượng lớn cho các đối thủ cả Nga và phương Tây.

Các nguồn lực và kinh phí được tiêu tốn để xây dựng khả năng không vận chiến lược được thể hiện trong các cuộc họp báo chính thức của chính phủ và tin tức trên báo chí nhà nước Trung Quốc đều nói lên quyết tâm của Trung Quốc tăng cường khả năng tung sức mạnh và phản ứng chiến lược đối với các thách thức đối với lợi ích quốc gia Trung Quốc trên quy mô toàn cầu. Trung Quốc đang nhanh chóng thoát khỏi vị thế cường quốc khu vực và sẽ tiếp tục giành được ảnh hưởng lớn hơn trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự của thế giới.
Hai chiếc Y-20 mới thuộc Trung đoàn 12 của Sư đoàn không quân vận tải số 4 của không quân Trung Quốc đóng tại căn cứ không quân Cung Lai (Qionglai). Không quân vận tải chiến lược sẽ mở rộng tầm với trong khu vực và trên toàn cầu của Trung Quốc

Trung Quốc có thể truyền đạt ý định hòa bình của mình qua các kênh ngoại giao, tuy nhiên, họ đang gửi một thông điệp khá khác biệt trên thực tế khi họ tiếp tục phát triển và củng cố vị thế ở Biển Đông và Sừng châu Phi. Trung Quốc đang tìm cách bảo vệ các tuyến thương mại quan trọng huyết mạch của họ một cách khôn ngoan. Lợi ích kinh tế từ thương mại này đã làm giàu cho Trung Quốc và giúp đưa nước này ra khỏi kỷ nguyên trì trệ và nô dịch cho các lợi ích bên ngoài. Trung Quốc lại một lần nữa trỗi dậy lên tầm ảnh hưởng toàn cầu và tầm quan trọng mà họ từng có trong phần lớn 5.000 năm lịch sử của mình. Điều quan trọng cần lưu ý là trong phần lớn lịch sử đó, Trung Quốc cơ bản đã áp dụng tư thế quân sự phòng thủ chiến lược. Bằng cách củng cố hơn nữa vị thế của mình ở Biển Đông, Trung Quốc đang chiếm giữ “vị trí trung tâm” một cách khôn ngoan như một phần của chiến lược phòng thủ lớn hơn nhằm bảo vệ các tuyến đường thương mại và các nguồn lực trọng yếu để đảm bảo Trung Quốc tiếp tục thịnh vượng.

Một điều rõ ràng là Trung Quốc đang phát triển các phương tiện quân sự để bảo vệ vị thế cường quốc thế giới của mình và đang phát đi một thông điệp rõ ràng cho các đối thủ là Trung Quốc sẽ không còn để lợi ích quốc gia của mình phụ thuộc vào các nước khác bất kể vị thế cường quốc toàn cầu của họ. Một lực lượng tàu sân bay mạnh và khả năng không vận chiến lược lớn gửi một thông điệp rõ ràng đến Mỹ và Nhật Bản rằng, Trung Quốc quyết tâm và hoàn toàn đủ khả năng bảo đảm và bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trên phạm vi toàn cầu. Thái độ ngày càng quyết đoán này không nhất thiết dẫn đến xung đột quân sự, nhưng Mỹ thậm chí còn quyết đoán hơn đã chen lấn với khả năng từ bỏ bất kỳ sự kiểm soát nào đối với những gì mà nó coi là phạm vi ảnh hưởng toàn cầu duy nhất của nó.

* Tác giả: Brian Kalman, chuyên gia quản lý trong ngành công nghiệp vận tải biển, từng là sĩ quan trong Hải quân Mỹ trong 11 năm, hiện sống và làm việc tại khu vực Caribbe.
Nguồn: Military analysys: China makes strides in strategic aviation (Military analysys) / Brian Kalman // Southfront, 16.2.2017 (https://southfront.org/china-makes-strides-in-strategic-aviation/)
http://vietnamdefence.com/Home/quandoi/trungquoc/Khong-quan-van-tai-chien-luoc-Trung-Quoc-tien-bo-manh-me/20183/55431.vnd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét