Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2017

Israel chọc thủng 'bong bóng chết' 600km của Nga ở Syria

Báo giới Israel đã lí giải nguyên nhân vì sao các máy bay chiến đấu Israel lại không gặp phải sự tấn công của hệ thống phòng không S-350/S-400 Nga.

Máy bay Israel liên tiếp không kích Syria trong sự im lặng của Nga

Trong hai tuần gần đây, các tên lửa của các hệ thống phòng không do Liên Xô/Nga sản xuất đã gây ra hai mối đe dọa đối với các máy bay chiến đấu của Không quân Israel.

Lần đầu tiên vào ngày 16 tháng 10, khi các máy bay của Israel bay qua Lebanon, trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Nga Seigei Shoigu sang thăm Israel và lần thứ hai vào ngày 1 tháng 11, khi các chiến đấu cơ của Israel đã được cho là đã tấn công các mục tiêu quân sự của Syria gần tỉnh Homs, trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin sang thăm Iran.

Những sự kiện này đã cho các chuyên gia quân sự phương Tây và Nga cái nhìn đầu tiên của họ về một số chiến thuật trên không của Israel và một số sai sót trong hoạt động phòng thủ hiện hữu trong mạng lưới phòng không được cho là rất mạnh của Nga-Syria trải dài khắp Syria.

Mạng lưới phòng không tích hợp của Nga-Syria được xây dựng và vận hành dựa trên lí luận về "bong bóng phòng thủ trên không", được gọi theo thuật ngữ chuyên ngành là “Khu vực chống tiếp cận/chống xâm nhập” (A2/AD).

Nó bao gồm các hệ thống tên lửa phòng không được thiết kế để mở rộng phạm vi giám sát và tấn công, được hỗ trợ bởi các hệ thống tên lửa đất đối không, không đối không.

Hệ thống này tùy từng thời điểm còn được hỗ trợ bởi tên lửa hạm đối không được lắp đặt trên các tàu chiến Nga ở vùng biển Địa Trung Hải.

Israel choc thung 'bong bong chet' 600km cua Nga o Syria
Các hệ thống phòng không Nga không hề có động thái đánh chặn máy bay Israel

"Bong bóng" của Nga được trang bị radar giám sát tầm xa, thu thập dữ liệu và truyền dẫn nó tới trung tâm chỉ huy cố định hoặc cơ động, sau đó chọn một loại tên lửa phòng thủ thích hợp để bắn hạ hoặc đánh chặn các máy bay hoặc tên lửa đối phương.

Các loại radar này cũng là yếu tố quyết định để dẫn đường cho các tên lửa tiêu diệt mục tiêu.

Một loạt các hệ thống phòng không tiên tiến của Nga đã được triển khai ở Syria. Trong số đó có hệ thống phòng không tầm ngắn Pantsir-S1; tầm trung Buk-M2E và tầm xa S-200, S-300, S-350, S-400.
Cùng được tích hợp trong “bong bóng Nga” là 6 tiểu đoàn phòng không Syria gồm SA-2 và SA-5 do Nga chế tạo.

Hiện nay, người Nga vận hành mạng lưới phòng không chung Nga-Syria từ một Bộ chỉ huy phòng không đặt tại căn cứ không quân của họ ở Khmeimim (Hmeymim) thuộc tỉnh Latakia, với mệnh lệnh chỉ huy thống nhất đã thiết lập sẵn với Syria.

Các nguồn tin Nga cho biết, Không lực Israel trong chuyến bay ngày 16 tháng 10 của mình trên bầu trời Lebanon, sử dụng một biên đội hỗn hợp các loại máy bay tiêm kích thuộc các thế hệ khác nhau, bao gồm máy bay tàng hình F-35 (thế hệ 5) và một số máy bay F-16 và F-15 (thế hệ 4).

Sau khi một quả tên lửa SA-5 Syria ở phía đông Damascus bắn tên lửa vào những chiếc máy bay đó và không thể hạ sát được chúng, Israel đã tiến hành các cuộc không kích riêng rẽ để tiêu diệt các hệ thống này.

Nga bất lực hay đang giấu bài?

Các hệ thống Nga và Syria được thống nhất dưới sự chỉ huy chung sau vụ tấn công tên lửa hành trình Tomahawk khổng lồ của Mỹ vào căn cứ không quân Syria tại thị trấn Shayrat, thuộc tỉnh Homs vào ngày 7 tháng 4, là đòn đánh của Mỹ nhằm răn đe vụ Syria sử dụng vũ khí hóa học ở thị trấn Khan Sheikhun của tỉnh Idlib ngày 4/4.

Trong 7 tháng sau đó, hệ thống chỉ huy thống nhất này đã bị cho là “không có khả năng tấn công vào máy bay địch ở bên ngoài không phận Syria, phóng tên lửa hay thả bom mà không báo trước”.

Các chuyên gia phương Tây nói rằng, người Nga còn không thể phán đoán được rằng, liệu máy bay Israel có sử dụng tên lửa hành trình hay bom dẫn đường bằng GPS hay không.

Một nguồn tin từ Trung tâm Nga nói rằng, trung tâm chỉ huy của họ nghe thấy cuộc không kích của Israel, sau khi nó đã bắt đầu, quá muộn để kích hoạt một quả tên lửa phòng không. Do đó, loạt đạn truy kích chỉ là bắn hú họa.

Những tuyên bố của Nga cho thấy, hệ thống phòng không ba tầng của họ có thể phản ứng lại các cuộc tấn công từ các máy bay và tên lửa tấn công vào lãnh thổ Syria, nhưng trong trường hợp tên lửa hoặc các quả bom dẫn đường, được phóng từ bên ngoài biên giới, chẳng hạn như qua Lebanon hoặc Địa Trung Hải thì chúng hoàn toàn bất lực.

Lực lượng Không quân Israel đang sử dụng lỗ hổng của hệ thống này để ném bom, phóng tên lửa vào các mục tiêu ở Syria mà không gặp phải nguy cơ bị bắn hạ hoặc bị đánh chặn bởi các tổ hợp tên lửa phòng không của Nga.

Hệ thống Nga dường như không phát hiện được các máy bay của Israel vào thời điểm chúng thả bom hay tên lửa hoặc xác định các loại vũ khí nào được sử dụng, mà cả hai đều là dữ liệu thiết yếu để xác định hệ thống phòng không nào là phù hợp nhất để kích hoạt loại vũ khí đánh chặn hay bắn hạ.

Các nguồn tin quân sự của DEBKA cho biết thêm rằng, đây không phải là lỗ hổng duy nhất trong hệ thống phòng không của Nga; Không quân Israel cũng có thể khai thác được những khiếm khuyết khác. Tuy nhiên, những điều đó không thể được tuyên bố công khai.

Tuy nhiên, có luồng thông tin khác cho rằng, người Do Thái đã được hưởng lợi từ quyết định của Nga “nhắm mắt” trước các đòn đánh của Israel chống lại Syria và Hezbollah hoặc một thỏa thuận bí mật nào đó giữa hai nước.

Nếu đúng như vậy, thì chưa chắc Nga đã tung hết các quân bài tủ của họ và đến lúc nào đó Israel sẽ phải trả giá.

Mặc dù như thế nhưng việc máy bay Israel nhiều lần xâm phạm không phận Syria trong năm qua (gần 20 vụ) cũng giúp họ đúc rút được không ít kinh nghiệm quý báu trong việc đánh giá, dò xét tính năng của các hệ thống phòng không Nga và điều này sẽ rất có giá trị nếu một khi cuộc chiến thực sự sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, tất cả những luận điểm trên đều chỉ là phỏng đoán của giới chuyên gia, còn những người trong cuộc - Nga và Israel - vẫn im lặng; tuy nhiên, chắc chắn là đằng sau sự bình thản đó là sự khẩn trương đánh giá, tổng kết; tìm tòi và gấp rút sửa chữa những khiếm khuyết (nếu có) của máy bay chiến đấu hoặc của các hệ thống phòng không của mình.

http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/israel-choc-thung-bong-bong-chet-600km-cua-nga-o-syria-3346512/?paged=2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét