Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

'Quả đấm thép' 200.000 đặc nhiệm của Triều Tiên

Để bù đắp bất lợi vũ khí trang bị, Triều Tiên đã xây dựng lực lượng đặc nhiệm lớn nhất thế giới với hàng trăm nghìn binh sĩ được huấn luyện kỹ càng.

Kết quả hình ảnh cho Triều Tiên sở hữu một trong những lực lượng đặc nhiệm hùng hậu

Triều Tiên sở hữu một trong những lực lượng đặc nhiệm hùng hậu nhất thế giới với khoảng 200.000 thành viên, được huấn luyện để thực hiện các nhiệm vụ bí mật phi đối xứng ở khắp bán đảo Triều Tiên và nước ngoài, theo National Interest.
Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami cho rằng dù sở hữu đội quân thường trực hơn một triệu người, quân đội Triều Tiên chỉ được trang bị vũ khí lạc hậu từ thập niên 1960 và 1970. Hàng loạt hạn chế trong khâu hậu cần cũng khiến họ gặp bất lợi lớn so với quân đội Mỹ và Hàn Quốc.
Để bù đắp yếu kém về mặt trang bị, Bình Nhưỡng chú trọng phát triển lực lượng đặc nhiệm. Họ sở hữu 25 lữ đoàn đặc nhiệm và 5 tiểu đoàn đặc biệt tinh nhuệ, có nhiệm vụ thực hiện các cuộc tấn công ở khu giới tuyến phi quân sự (DMZ), cũng như nhảy dù đổ bộ và ám sát trên lãnh thổ Hàn Quốc. Cục Huấn luyện Bộ binh hạng nhẹ Triều Tiên đóng vai trò tương tự Bộ Tư lệnh đặc biệt Mỹ (SOCOM), là cơ quan chịu trách nhiệm phối hợp các đơn vị đặc nhiệm của nước này.
Trong số 200.000 lính đặc nhiệm Triều Tiên, khoảng 150.000 người thuộc lực lượng bộ binh nhẹ, có nhiệm vụ xâm nhập hoặc đánh thọc sườn, hình thành thế bao vây hoặc tập kích hậu phương đối phương. Tổng cộng có 11 lữ đoàn đặc nhiệm bộ binh hạng nhẹ độc lập, trong khi nhiều đơn vị nhỏ hơn được phối thuộc vào từng sư đoàn chiến đấu.
Ngoài ra, Triều Tiên còn có ba lữ đoàn đổ bộ đường không tinh nhuệ số 38, 48 và 58, có mô hình tương tự Sư đoàn đổ bộ đường không số 82 Mỹ. Họ được giao nhiệm vụ mang tính chiến lược như nhảy dù đánh chiếm địa hình và cơ sở hạ tầng quan trọng như sân bay, tòa nhà chính phủ Hàn Quốc, bảo vệ các tuyến đường quan trọng khỏi bị phá hủy. Mỗi lữ đoàn được tổ chức thành 6 tiểu đoàn với tổng quân số 3.500 người.
Tuy nhiên, khác với Sư đoàn số 82 của Mỹ, lữ đoàn đặc nhiệm Triều Tiên không thể tiến hành chiến dịch quy mô từ cấp tiểu đoàn trở lên. Lý do là họ không có phương tiện chuyển quân tầm xa để hoạt động bên ngoài bán đảo Triều Tiên.
Bình Nhưỡng có khoảng 8 lữ đoàn bắn tỉa, gồm Lữ đoàn số 17, 60 và 61 biên chế cho lục quân, Lữ đoàn số 11, 16 và 21 của không quân và Lữ đoàn số 29 và 291 trực thuộc hải quân. Mỗi đơn vị có quân số 3.500 người, được tổ chức thành 7-10 tiểu đoàn bắn tỉa, có vai trò tương tự đặc nhiệm Ranger và SEAL của Mỹ. Khác với đặc nhiệm Mỹ, các lữ đoàn này có thể tác chiến như lực lượng đổ bộ đường không và hải quân đánh bộ thông thường.
Lực lượng bắn tỉa đảm nhiệm công việc trinh sát chiến lược và các sứ mệnh "hành động trực tiếp" như ám sát, tập kích mục tiêu quân sự và kinh tế giá trị cao, phá hoại, chia cắt hệ thống dự trữ của Seoul và tổ chức hoạt động du kích chống chính phủ Hàn Quốc. Lực lượng này thường cải trang thành dân thường, lính Hàn Quốc hoặc lính Mỹ. Mỗi lữ đoàn bắn tỉa lục quân Triều Tiên đều có một trung đội 40 người toàn nữ, có thể cải trang thành dân thường tiến hành các nhiệm vụ chiến đấu.
Cuối cùng, Cục Trinh sát Triều Tiên được biên chế thành 4 tiểu đoàn trinh sát độc lập. Mỗi tiểu đoàn gồm 500 quân có nhiệm vụ tiên phong dẫn đầu một quân đoàn băng qua khu DMZ nguy hiểm. Họ đều là những quân nhân am hiểu vị trí phòng thủ của hai phía tại khu phi quân sự. Một tiểu đoàn thứ 5 được cho là chuyên tổ chức các chiến dịch ở nước ngoài.
Để hỗ trợ lực lượng đặc nhiệm, Triều Tiên sử dụng lượng lớn phương tiện vận chuyển. Trên biển, Bình Nhưỡng có các phương tiện từ tàu thương mại đến xuồng đổ bộ lớp Nampo, 130 tàu đệm khí lớp Kongbang, cùng tàu ngầm duyên hải lớp Sang-O và tàu ngầm hạng trung lớp Yeono.
Trên không, Bình Nhưỡng có 200 vận tải cơ An-2 với khả năng cất hạ cánh trên đường băng ngắn, không cần trải bê tông. Mỗi chiếc An-2 có thể mang theo 12 lính biệt kích nhảy dù xuống mục tiêu. Loại máy bay này có độ cao và tốc độ hành trình thấp, đủ sức lẩn tránh radar phòng không của Hàn Quốc.
Họ còn biên chế khoảng 250 trực thăng vận tải, đa phần từ thời Liên Xô, trong đó có trực thăng Hughes 500MD cùng loại với Hàn Quốc mà nước này bí mật mua được. Máy bay P-750 XSTOL có thể giúp đặc nhiệm Triều Tiên vươn tới đất liền Nhật Bản và đảo Okinawa, nơi đặt hai căn cứ tiền tiêu của Mỹ trong thời chiến.
qua-dam-thep-200000-dac-nhiem-cua-trieu-tien
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm một đơn vị đặc nhiệm. Ảnh: Washington Post.
Trong trường hợp nổ ra chiến tranh, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ phát động hàng chục đợt tấn công sang Hàn Quốc, từ khu DMZ đến cảng Busan. Tuy nhiên, khả năng họ vượt qua mạng lưới phòng thủ dày đặc vẫn là dấu hỏi. Hàn Quốc đã bố trí tên lửa chống tăng và pháo phòng không để ngăn máy bay tầm thấp và xuồng đổ bộ, đủ khiến đối phương chịu thiệt hại lớn khi cố vượt qua.  
Đặc nhiệm Triều Tiên đã phát triển từ những đơn vị chuyên quấy rối địch thành một lực lượng nguy hiểm hơn rất nhiều. Khả năng huấn luyện bài bản, sức chịu đựng và lý tưởng khiến họ là đối thủ đáng gờm trong chiến tranh, chuyên gia Mizokami nhấn mạnh.
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/quan-su/qua-dam-thep-200-000-dac-nhiem-cua-trieu-tien-3578433.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét