Tại sao Mỹ hy sinh lợi ích của Hàn Quốc khi khu vực bố trí THAAD không thể bảo vệ Seoul?
Trong bài viết trước, tôi đã phân tích việc Mỹ bố trí THAAD ở Seongju cách Seoul 300 km về phía đông nam không bảo vệ được thủ đô Seoul (xem tại đây). Tại sao Mỹ lại làm thế?
Trước hết, phải thấy rằng Mỹ rất nhất quán trong hành động của mình: Phải bảo vệ lợi ích của Mỹ trước tiên.
Bây giờ ta xét xem hành động triển khai THAAD có đúng như vậy không?
Theo các tính năng được công bố, hệ thống THAAD có thể bảo vệ được vùng lãnh thổ có bán kính khoảng 150 km. Như vậy, vùng nó bảo vệ nằm gần như ở trung tâm Hàn Quốc là vùng không thực sự đặc biệt.
Nhưng khi nằm ở vị trí ấy, nó có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo tấn công từ hướng Tây vào các hạm đội Mỹ ở biển đông Hàn Quốc hay tấn công Nhật Bản. Mà độc giả ắt hẳn cũng đoán biết được tên lửa đạn đạo tấn công từ phía Tây là của ai rồi.
Tại sao Mỹ hy sinh lợi ích của Hàn Quốc khi không bảo vệ Seoul? Thực ra, Mỹ chẳng có cách nào khác. Trước mắt, Mỹ không thể triển khai THAAD với số lượng lớn vì nhiều lý do, trong đó có lý do kinh tế. Nếu muốn bảo vệ Seoul trước sự tấn công của tên lửa đạn đạo Triều Tiên, Mỹ chỉ có 2 cách bố trí:
Khi bố trí ngay rìa phía nam Seoul, tầm tác chiến của THAAD có thể trùm thủ đô Seoul nhưng lại phạm một điều tối kỵ là tác chiến trên bầu trời thành phố. Điều này rất nguy hiểm vì những tên lửa dù bị đánh chặn hay không bị đánh chặn đều có thể rơi xuống thành phố, gây thương vong.
Bố trí phía bắc Seoul là phương án đánh chặn rất tốt vì tên lửa bị đánh chặn có thể không rơi vào thủ đô và vùng trời tác chiến, mà có thể nằm trên lãnh thổ Triều Tiên. Song, nó lại có điểm yếu chí mạng, bởi nó nằm trong vùng tác chiến của pháo binh Triều Tiên. Ngay những giây đầu tiên của chiến sự, pháo phản lực của Triều Tiên có thể vô hiệu hóa THAAD. Vì thế, Mỹ không dám liều.
Chúng ta đều biết bản chất căng thẳng Triều Tiên là sự giễu võ dương oai của các nước lớn. Cụ thể, Mỹ nhân cơ hội này ra oai trước Trung Quốc, còn Nga lợi dụng tình hình căng thẳng để lấy cớ bố trí lực lượng khống chế Trung Quốc và chuyển một phần gánh nặng ngân sách quốc phòng cho đồng minh.
Việc bố trí THAAD đã chứng minh điều đó. Trung Quốc và Nga ra sức phản đối nhưng Mỹ có lý do để dư luận quốc tế ủng hộ. Sự phản đối của Trung Quốc trở nên yếu ớt vì họ đã ngầm thống nhất với Mỹ về kiềm chế Triều Tiên thì giờ làm sao có thể thu hút được sự ủng hộ của dư luận.
Đòn THAAD thật sự là đòn đau vì có thể nó làm thay đổi cân bằng chiến lược trong khu vực. Tại sao vậy? Vì khi bố trí ở trung tâm Hàn Quốc, tầm tác chiến của THAAD không đáng kể nhưng radar của nó, với cự ly quan sát từ 600 – 1.000 km, không những bao trùm toàn bộ bầu trời của bán đảo Triều Tiên mà còn gần như toàn bộ phía đông bầu trời Trung Quốc.
Giờ đây, nếu xung đột xảy ra và Trung Quốc muốn tấn công hạm đội Mỹ ở phía đông Hàn Quốc hay tấn công Nhật Bản thì ý đồ của họ sẽ bị phát hiện ngay từ khi trứng nước. Kết quả bị đánh chặn là hiển nhiên.
Trung Quốc từng nêu ra điều kiện đàm phán: Hai bên cùng rút, nghĩa là Triều Tiên ngừng thử hạt nhân và Mỹ ngừng triển khai THAAD. Bây giờ việc triển khai THAAD là sự đã rồi, Trung Quốc có phản đối thì cũng yếu ớt vì thiếu lý lẽ. Không nhẽ bây giờ lại xui Triều Tiên thử hạt nhân để trả đũa!
http://soha.vn/bo-tri-thaad-o-han-quoc-nuoc-co-cao-cua-trump-dua-trung-quoc-nam-gon-trong-luoi-20170504144834658.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét