Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Thực lực lục quân Trung Quốc

Trung Quốc ráo riết hiện đại hóa lục quân Quân giải phóng nhân dân.
Xe tăng Trung Quốc trong cuộc thi quốc tế ở Nga (Bộ Quốc phòng Nga)
Lục quân quân đội Trung Quốc là quân chủng đông quân nhất trong quân đội với quân số hiện nay lên tới 1.600.000 quân. Ngoài ra, còn có lực lượng dự bị hiện dụng gồm hơn 800.000 người.

Xét về các thông số này, lục quân Trung Quốc đứng đầu thế giới, vượt xa các lực lượng tương tự của Mỹ và Nga, chứ chưa nói đến các cường quốc quân sự lớn khác.

Lực lượng cơ động và lực lượng địa phương

Lục quân Trung Quốc bao gồm lực lượng cơ động (chủ lực) với hơn 800.000 quân và lực lượng địa phương với quân số cũng gần 800.000 quân.

Lực lượng cơ động về mặt tác chiến trực thuộc Bộ tổng tham mưu quân đội Trung Quốc thông qua các bộ tư lệnh đại quân khu. Nhiệm vụ của lực lượng này là tiến hành tác chiến ở bất kỳ khu vực nào bên trong và bên ngoài lãnh thổ đại lục. Bộ đội địa phương trực thuộc các bộ chỉ huy quân sự tỉnh.

Bộ đội địa phương cùng với dân binh chủ yếu làm các nhiệm vụ bảo vệ và phòng thủ. Một trong các chức năng được giao cho bộ đội địa phương là bảo vệ các tuyến đường giao thông quan trọng trong thời bình, còn trong thời chiến, sẽ bảo vệ các tuyến đường này chống quân địch xâm nhập sâu vào lãnh thổ quốc gia hay chống các toán biệt kích phá hoại của địch.

Bộ đội địa phương được triển khai trên các hướng có nguy cơ nhất bị quân địch xâm lấn và dựa vào các trận địa phòng ngự đã được chuẩn bị sẵn về mặt công trình. Một số trận địa đó lập thành khu vực phòng ngự (khu vực bảo vệ). Bộ đội địa phương, về bản chất, là di sản của thời kỳ các khái niệm quân sự chiến lược của Trung Quốc được xây dựng có tính toán đến khả năng bị xâm lược quy mô lớn từ hướng Bắc và giả định khả năng địch tiến sâu vào lãnh thổ Trung Quốc. Các khái niệm đó trù định việc tiến hành các hoạt động chiến đấu cơ bản là có tính phòng ngự. Ngoài ra, trên cơ sở các khái niệm này, đã trù tính cả việc thành lập các đơn vị du kích.

Mặc dù hiện nay, vị trí chi phối trong học thuyết quân sự Trung Quốc được dành cho khái niệm phòng ngự tích cực vốn trù tính tiến hành cả các hành động chiến đấu phòng ngự lẫn tiến công với sự phối hợp, hiệp đồng của cả quân, binh chủng khác nhau, nhưng những nguyên tắc lỗi thời này vẫn có ảnh hưởng nhất định đối với tư duy quân sự chiến lược của ban lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc.

Vào thời bình, trong các chức năng của bộ đội địa phương có chức năng tiến hành các chiến dịch cứu hộ trong địa bàn trách nhiệm của mình khi xảy ra thiên tai và thảm họa công nghiệp. Trong thời chiến, ngoài việc thực hiện các chức năng quân sự thuần túy, bộ đội địa phương được giao nhiệm vụ khắc phục hậu quả gây ra bởi vũ khí hủy diệt lớn và các vũ khí hiện đại khác của đối phương dẫn đến thương vong lớn cho binh lính và dân thường, cũng như tàn phá nghiêm trọng nhà cửa, hạ tầng và các cơ sở công nghiệp, trong đó có các cơ sở sản xuất nguy hiểm tiềm tàng, nhà máy điện nguyên tử và nhà máy thủy điện.

Bộ đội địa phương còn được giao nhiệm vụ cùng với Cảnh sát nhân dân vũ trang thực hiện kiểm soát các vùng ven biên, ven biển, cũng như các mục tiêu quân sự quan trọng và hạ tầng quân sự. Cùng với Cảnh sát nhân dân vũ trang, lực lượng này có thể được huy động duy trì trật tự trị an. Trong vấn đề này, các lực lượng này ở mức độ nào đó bổ sung cho nhau khi thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.
 

Bộ binh Trung Quốc được huấn luyện tốt có khả năng hành động hiệu quả trong nhiều điều kiện (Reuters)
Hành động bên trong và bên ngoài đại lục
Theo các văn kiện của Trung Quốc được đăng tải trên các nguồn công khai, lục quân Trung Quốc nhìn chung dùng để tiến hành tác chiến tại đại lục. Ngoài quân số, khác biệt căn bản của quân chủng này với các quân chủng khác của quân đội Trung Quốc là sự đa dạng cả về vũ khí trang bị, lẫn về các phương pháp tác chiến. Khả năng chiến đấu của lục quân bảo đảm lực lượng này có khả năng tác chiến độc lập hoặc phối hợp với các quân chủng khác trong thành phần các cụm lực lượng hỗn hợp tiến hành các chiến dịch tiến công hiệu quả nhằm đánh tan đối phương và chiếm lĩnh lãnh thổ do đối phương chiếm giữ, tấn công hỏa lực hiệu quả trên suốt chiều sâu đội hình chiến đấu của các lực lượng đối phương. Trong phòng ngự, lục quân phải giữ vững các khu vực (tuyến) chiếm giữ, đồng thời gây tổn thất tối đa cho lực lượng đối phương, qua đó chuẩn bị các điều kiện thuận lợi để tiến hành chiến dịch phản công của quân mình.

Sự vươn lên của Trung Quốc với tư cách một siêu cường mới có các khu vực ảnh hưởng và lợi ích của mình ở các khu vực trên thế giới được phản ánh ở việc mở rộng phạm vi nhiệm vụ đặt ra cho quân đội nước này, trong đó có lục quân. Các đơn vị quân đội Trung Quốc đã bắt đầu tham gia các chiến dịch quốc tế dưới sự bảo trợ của LHQ và các tổ chức khác nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở quy mô toàn cầu, lẫn quy mô khu vực, trong đó có các chiến dịch nhân đạo quốc tế, cf ác hoạt động chống cướp biển, cũng như thực hiện thực tế các thỏa thuận quốc tế. Ví dụ mới nhất của hoạt động đó là sự tham gia của các tàu chiến Trung Quốc và Nga vào việc bảo vệ tàu chở vũ khí hóa học của Syria khỏi nước này.

Lục quân Trung Quốc có các binh chủng bộ binh (bộ binh, lực lượng bộ binh mô tô hóa và bộ binh cơ giới), tăng-thiết giáp, pháo binh, công binh, không quân lục quân, thông tin, phòng hóa, lực lượng đặc nhiệm, cũng như các đơn vị bảo đảm chiến đấu và hậu cần khác như trinh sát, tác chiến điện tử, kỹ thuật-vật tư, quân y, các cơ quan nghiên cứu, nhà trường quân sự...

Lục quân Trung Quốc không có cơ quan chỉ huy độc lập mà công tác lãnh đạo lục quân được thực hiện bởi 4 cơ quan cấp tổng cục là Bộ tổng tham mưu, Tổng cục chính trị, Tổng cục hậu cần và Tổng cục trang bị. Bảy đại quân khu chỉ huy trực tiếp các đơn vị lục quân thuộc quyền. Lục quân bao gồm các đơn vị tác chiến cơ động, đồn trú, biên phòng và bảo vệ bờ biển; và lực lượng dự bị. Cấp độ tổ chức của các đơn vị này là quân đoàn hỗn hợp, sư đoàn (lữ đoàn), trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội, trung đội và tiểu đội.

Nằm dưới quyền chỉ huy trực tiếp của đại quân khu, một quân đoàn hỗn hợp gồm các sư đoàn hay lữ đoàn, và đóng vai trò là đơn vị cơ bản cấp chiến dịch.

Nằm dưới quyền chỉ huy trực tiếp của quân đoàn hỗn hợp, một sư đoàn gồm các trung đoàn và đóng vai trò là đơn vị cơ bản cấp chiến thuật.

Nằm dưới quyền chỉ huy trực tiếp của quân đoàn hỗn hợp, một lữ đoàn gồm các tiểu đoàn và đóng vai trò là một đơn vị cấp chiến thuật.

Thường nằm dưới sư đoàn, một trung đoàn gồm các tiểu đoàn và đóng vai trò là đơn vị chiến thuật cơ bản.

Thường nằm dưới trung đoàn hay lữ đoàn, một tiểu đoàn gồm các đại đội và đóng vai trò là phân đội chiến thuật ở cấp cao hơn. Mội đại đội gồm các trung đội và đóng vai trò là phân đội chiến thuật cơ bản.

Về cơ cấu, lục quân Trung Quốc gồm các đơn vị tác chiến cơ động là 18 quân đoàn hỗn hợp (Trung Quốc gọi là tập đoàn quân) và một số sư đoàn (lữ đoàn) tác chiến hỗn hợp độc lập. Các quân đoàn hỗn hợp được bố trí ở 7 đại quân khu. Bảy đại quân khu lại chia thành 28 quân khu. Các quân đoàn có cơ cấu tổ chức và quân số khác nhau tùy thuộc vào vị trí bố trí, kẻ thù tiềm tàng và các nhiệm vụ được giao, và có cấp độ sẵn sàng khác nhau. Quân số của một quân đoàn điển hình dao động từ 30.000-50.000 quân. Xét về thông số này, ở mức độ nào đó, quân đoàn Trung Quốc tương đương với tập đoàn quân dã chiến của NATO, nhưng thua kém một liên binh đoàn tương tự của Mỹ.

Ở cơ cấu tổ chức điển hình, một quân đoàn (tức tập đoàn quân) lục quân Trung Quốc có đến 3 sư đoàn (lữ đoàn) cơ giới hóa (mô tô hóa, bộ binh), 1 lữ đoàn pháo binh, 1 lữ đoàn phòng không, 1 tiểu đoàn trinh sát, 1 trung đoàn thông tin, 1 trung đoàn công binh, 1 trung đoàn phòng hóa, các đơn vị hậu cần và tác chiến điện tử.

Một sư đoàn cơ giới hóa của quân đội Trung Quốc ở cơ cấu biên chế điển hình có quân số đến 10.000 quân và gồm 3 trung đoàn cơ giới hóa (mỗi trung đoàn biên chế 3 tiểu đoàn) trang bị xe bọc thép chở quân và xe chiến đấu bộ binh, và 1 trung đoàn xe tăng.

Một sư đoàn tăng gồm 3 trung đoàn tăng và 1 trung đoàn cơ giới hóa.

Mỗi sư đoàn cơ giới hóa và sư đoàn tăng đều được biên chế 1 trung đoàn pháo, 1 trung đoàn (tiểu đoàn) phòng không, 1 tiểu đoàn thông tin, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội phòng hóa-sinh-phóng xạ, các đơn vị kỹ thuật-vật tư và quân y.

Một lữ đoàn cơ giới hóa của quân đội Trung Quốc gồm có 4 tiểu đoàn cơ giới hóa, mỗi tiểu đoàn được biên chế 40 xe bọc thép chở quân hay xe chiến đấu bộ binh, và 1 tiểu đoàn tăng được trang bị 41 xe tăng chủ lực, trong đó có 1 xe tăng chỉ huy.

Một lữ đoàn tăng gồm có 4 tiểu đoàn tăng, mỗi tiểu đoàn có 3 đại đội (124 xe tăng chủ lực) và 1 tiểu đoàn cơ giới hóa (40 xe bọc thép chở quân hay xe chiến đấu bộ binh).

Trong biên chế mỗi lữ đoàn cơ giới hóa và lữ đoàn tăng có 1 tiểu đoàn pháo 3 đại đội (mỗi đại đội trang bị 18 lựu pháo và 6 pháo nòng dài), 1 tiểu đoàn phòng không, 1 đại đội công binh, 1 đại đội thông tin và 1 đại đội trinh sát, các đơn vị phòng hóa-sinh-phóng xạ, bảo đảm kỹ thuật và quân y.

Một lữ đoàn pháo có trong biên chế 4 tiểu đoàn (mỗi tiểu đoàn có 3 đại đội, 48 khẩu pháo kéo) và 1 tiểu đoàn pháo tự hành được biên chế 18 pháo tự hành.


Những ưu tiên chủ yếu –khả năng cơ động và sự linh hoạt trong chỉ huy

Hiện nay PLA đang khẩn trương tái tổ chức Lục quân với mục đích đảm bảo khả năng cơ động cao, linh hoạt trong chỉ huy khi tiến hành các hoạt động tác chiến trong thành phần các cụm quân binh chủng hợp thành.

Một trong những hướng ưu tiên tái tổ chức là chuyển đổi sang cơ cấu được gọi là “modul” (lắp ghép) với cấp đơn vị cơ sở là lữ đoàn theo kinh nghiệm của Mỹ và các nước NATO.

Theo các chuyên gia quân sự Trung Quốc, cơ cấu tổ chức cấp lữ đoàn cho phép có nhiều phương án lựa chọn lực lượng và phương tiện không chỉ căn cứ vào hình thức hoạt động tác chiến mà còn phụ thuộc và cường độ của cuộc xung đột quân sự, điều kiện tự nhiên- khi hậu và địa hình.

Để tiến hành các choạt động tác chiến trong các cuộc xung đột quân sự cường độ thấp (các chiến dịch chống du kích) tối ưu nhất là sử dụng các lữ đoàn rút gọn được tổ chức thích hợp với các hoạt động tác chiến ở rừng rậm nhiệt đới hay ở khu vực có địa hình rừng núi.

Giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc rất quan tâm đến việc nâng cao tính cơ động và khả năng chỉ huy bộ đội. Khả năng cơ động được hiểu là : có thể nhanh chóng chuyển trận địa (hoặc khu vực tác chiến), khả năng cơ động lực lượng và phương tiện, thay đổi thành phần, cơ cấu các cụm quân trên phạm vi một chiến trường,- rộng hơn nữa là khả năng nhanh chóng chuyển quân từ chiến trường này sang chiến trường khác ở một cự ly rất lớn.

Đến thời điểm hiện nay, tại Lục quân PLA đã thành lập các lực lượng cơ động mạnh để có thể tiến hành các hoạt động tác chiến hiệu quả trên bất cứ khu vực nào trên lãnh thổ Trung Quốc và ngoài lãnh thổ Trung Quốc, trước hết là các khu vực ngoại vi giáp biên giới nước này.

Trong tình huống khẩn cấp chúng có thể cơ động đến bất kỳ hướng chiến lược nào trong một thời gian ngắn để thành lập các cụm quân đủ mạnh giải quyết các nhiệm vụ cụ thể. Hiện nay, số lượng các lữ đoàn trong Lục quân PLA đang tăng lên và số lượng các sư đoàn đang giảm dần.

Cùng với việc tăng cường khả năng cơ động của Lục quân, PLA cũng tích cực sử dụng các phương tiện chỉ huy tác chiến, liên lạc, quan sát (chỉ mục tiêu) hiện đại, các phương tiện máy tính tích hợp vào tổ hợp mạng thống nhất cùng các thiết bị bảo vệ không gian thông tin.

Đồng thời, nhiều tổ hợp tác chiến điện tử cũng đã được đưa vào trang bị. Một vấn đề nữa cũng được đặc biệt quan tâm là sử dụng hệ thống chỉ huy bộ đội tự động hóa ở các cấp khác nhau. Hiện nay tại Trung Quốc đã có hệ thống chỉ huy tự động cấp chiến lược (toàn quốc), hệ thống chỉ huy cấp khu vực (vùng), cấp chiến dịch và cấp chiến dịch- chiến thuật.

Khả năng của hệ thống chỉ huy tự động hóa chiến trường “Quidian” đã được cải thiện đáng kể, đảm bảo trao đổi thông tin giữa Bộ tổng tham mưu PLA, các Bộ tham mưu các quân chủng, binh chủng và bộ tư lệnh các đại quân khu.

Hệ thống chỉ huy tự động cấp Đại quân khu- tập đoàn quân – sư đoàn- lữ đoàn  cũng cho thấy có hiệu quả lớn. Hiện nay, Lục quân Trung Quốc đang khẩn trương đưa vào sử dụng hệ thống chỉ huy tự động cấp tiểu đoàn – đại đội- tiểu đội (tổ lái, khẩu đội).

Hiện chúng đã được trang bị cho các chỉ huy cấp phân đội. Việc ứng dụng hệ thống chỉ huy tự động không chỉ nâng cao đáng kể năng lực chỉ huy bộ đội mà còn rút ngắn thời gian ra quyết định tác chiến, tăng cường khả năng phối hợp giữa các đơn vị thuộc các quân chủng khác nhau, giảm tải công tác lên kế hoạch tác chiến, tăng hiệu quả sử dụng vũ khí vá trang bị kỹ thuật …

Nhanh chóng tái trang bị

Trong 10 năm trở lại đây, Lục quân PLA được tái trang bị với tốc độ rất nhanh, vượt dự báo của các chuyên gia quân sự nước ngoài.

Theo kế hoạch, đến năm 2017-2018, tủ lệ hệ thống vũ khí và trang bị kỹ thuật (VK -TBKT ) mới và mới nhất sẽ chiếm 70% tổng số lượng VK - TBKT. Bên cạnh đó, PLA cũng dự định cắt giảm số lượng chủng loại VK - TBKT, chỉ để lại các mẫu VK - TBKT đa năng còn khả năng hiện đại hóa.

Tuy nhiên, trong trang bị của Lục quân vẫn còn một khối lượng quá lớn các chủng loại vũ khí khác nhau, phần lớn trong số đó thuộc thế hệ 1 và 1+ ( như đã nói ở phần đầu) .

Cụ thể hơn về các binh chủng của Lục quân

Bộ đội tăng : Về số lượng tăng, PLA chiếm vị trí số 1 trong số các cường quốc quân sự. Đến đầu năm 2015 trong trang bị của Lục quân PLA có khoảng 5.900 xe tăng hạng trung, 640 tăng chủ lực, 750 xe tăng hạng nhẹ, 200 xe trinh sát.

Bộ binh : Các đơn vị bộ binh (binh đoàn, đơn vị) gồm : bộ binh, bộ binh cơ giới và cơ giới, tăng, pháo binh, các đơn vị ( phân đội) pháo phòng không, các phân đội đảm bảo tác chiến và hậu cần. Lực lượng cơ động của Lục quân PLA hiện nay chủ yếu là các đơn vị cơ giới.

Ngoài tăng, trong trang bị của bộ binh Lục quân PLA còn có một khối lượng lớn các xe chiến đấu bọc thép các kiểu khác nhau : xe chiến đấu bộ binh ( BMP) -385.012 chiếc, xe vận tải bọc thép (BTR)- 6.020 chiếc, trong đó xe bánh xích -4.150, xe bánh lốp - 870.

Bộ đội tên lửa và pháo binh lục quân PLA : 

Gồm có các đơn vị được trang bị các tổ hợp tên lửa chiến thuật, hệ thống pháo phản lực và bắn dàn các cỡ đạn khác nhau, pháo nòng (pháo, pháo tự hành, súng cối), pháo chống tăng và các tổ hợp tên lửa chống tăng, các đơn vị và phân đội trinh sát pháo binh.

Đến đầu năm 2015, tại các đơn vị bộ đội tên lửa và pháo binh của Lục quân có hơn 13.000 hệ thống pháo, trong đó: pháo tự hành -2.280 , pháo kéo - 6.140, pháo 120 mm -300, hệ thống phản lực bắn dàn -1.872 , trong đó tự hành là 1.818 ( 122 ly -1.643, 300 ly -175), cối - 2.586 (82 ly và 100 ly).
Ngoài ra, trong trang bị còn có : các tổ hợp tên lửa chống tăng tự hành -924 , pháo không giật - 3.966 (75 ly, 82 ly, 105 ly và 120 ly), pháo chống tăng - 1.788 , trong đó tự hành -480, pháo chống tăng kéo -1.308.

Bộ đội Phòng không lục quân : 

Có lực lượng và phương tiện trinh sát đường không và cung cấp cho các đơn vị được bảo vệ những thông tin về đối phương trên không, các đơn vị và binh đoàn pháo phòng không và tên lửa phòng không, các đơn vị và phân đội tác chiến điện tử.

Lực lượng và phương tiện phòng không lục quân có nhiệm vụ tiêu diệt máy bay, máy bay lên thẳng, tên lửa có cánh và tên lửa đạn đạo chiến dịch- chiến thuật, máy bay không người lái và các phương tiện tấn công đường không khác của đối phương. Những phương tiện phòng không hiện đại hơn của bộ đội phòng không lục quân có thể giải quyết các nhiệm vụ phòng không trên (quy mô) một chiến trường trong một phạm vi hạn chế.

Trong 10-15 năm trở lại đây, Trung Quốc đã đạt được một số tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường khả năng phòng không, kể cả của phòng không lục quân. Đã thiết kế chế tạo và đưa vào trang bị các phương tiện hiệu quả cao có thể tiêu diệt các mục tiêu cơ động trên không ở các độ cao lớn , độ cao trung bình, thấp và cực thấp .

Hiện nay, trong trang bị của bộ đội phòng không lục quân PLA , ngoài pháo phòng không với 7.376 hệ thống và tên lửa phòng không vác vai còn có các tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn, tầm trung và tầm xa gồm 296 tổ hợp.

Không quân lục quân : 

Nó bao gồm lực lượng không quân của các đại quân khu, các tập đoàn quân. Đơn vị tổ chức biên chế chủ yếu là cấp lữ đoàn (trung đoàn) máy bay lên thẳng hỗn hợp. Các lữ đoàn (trung đoàn) này có máy bay lên thẳng chiến đấu (chống tăng, hỗ trợ hỏa lực), đa năng, vận tải- chiến đấu, vận tải- đổ bộ và các máy bay lên thẳng chuyên dụng (trinh sát , cứu hộ, cứu thương, chỉ huy, tác chiến điện tử.

Đến đầu năm 2015 trong Không quân lục quân PLA có 150 máy bay lên thẳng chiến đấu (Z-10-90, Z-19-60), máy bay lên thẳng đa năng- 351chiếc, vận tải - 338 chiếc, trong đó có 61 chiếc hạng nặng và 209 chiếc hạng trung .

Đặc nhiệm : 

Trong thành phần của Lục quân PLA còn có Lực lượng các chiến dịch đặc biệt ( đặc nhiệm) được thành lập năm 1988. Các đội đặc nhiệm tăng cường ( mỗi đội có quân số đến 1.000 người) có tại tất cả các đại quân khu PLA.

Các đơn vị này được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của tư lệnh đại quân khu. Công tác lập kế hoạch và tiến hành các chiến dịch có sử dụng đặc nhiệm do bộ tham mưu các đại quân khu thực hiện (trong các bộ tham mưu có cơ quan chuyên phụ trách đặc nhiệm) .

Trang bị theo biên chế thời chiến

Nếu tính về mức độ trang bị phương tiện kỹ thuật thì Lục quân PLA có nhiều chỉ số gần tương đương với lục quân của các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.

Khả năng cơ động, sức mạnh tấn công, năng lực tác chiến của không quân và phòng không lục quân đã tăng đáng kể.

Mặc dù xe tăng thế hệ 1 và 1+ vẫn chiếm đa số trong trang bị của Lục quân PLA nhưng các xe tăng hiện đại hơn thế hệ 2 và 2+ đang được đưa vào trang bị để các xe tăng thế hệ cũ. Hiện tăng thế hệ 3 đang được thiết kế chế tạo. Các xe vận tải bọc thép và xe chiến đấu bộ binh hiện đại cũng đang được đưa vào trang bị với một số lượng lớn .

Các điểm mạnh và điểm yếu của Lục quân PLA

Theo đại tá, chuyên viên khoa học chính Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm khoa học Nga A.V.Shlydov thì Lục quân PLA có những điểm mạnh và điểm yếu sau đây :

Các điểm mạnh:

Có nhiều đơn vị sẵn sàng chiến đấu với quân số và được trang bị như trong thời chiến. Trung Quốc vượt xa bất kỳ quốc nào trên thế giới về lục lượng dự bị động viên - hơn một nửa trong số đó đã được huấn luyện quân sự.

Khả năng cơ động của Lục quân PLA đã tăng đáng kể. Lực lượng cơ động gần như gồm toàn các đơn vị cơ giới luôn ở tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao.

Lục quân PLA có một đội ngũ hạ sỹ quan được huấn luyện tốt, có kỷ luật và khả năng huấn luyện từng binh sỹ và huấn luyện chiến thuật cho các phân đội.

Có lực lượng đặc nhiệm được huấn luyện và trang bị tốt. Đặc nhiệm Lục quân PLA có thể giải quyết có hiệu quả các nhiệm vụ chuyên biệt ở bất cứ khu vực địa lý nào, kể cả ở các khu vực cách biệt với các lực lượng chủ yếu.

Có nhiều cơ sở huấn luyện, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Các cơ sở này đào tạo cán bộ các cấp và nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực nghệ thuật tác chiến, chiến lược và chiến thuật, phân tích kinh nghiệm sử dụng lực lượng vũ trang của nước ngoài cũng như nghiên cứu đề xuất các phương thức và phương pháp tiến hành đấu tranh vũ trang trong điều kiện hiện đại .

Những điểm yếu :

Không quân lục quân có số lượng máy bay hạn chế và chất lượng không cao. Xét theo tiêu chí này, mặc dù đã được đầu tư nhiều nhưng Lục quân Trung Quốc thua xa lục quân các nước phát triển.

Chưa khắc phục được sự tụt hậu trong phát triển các phương tiện liên lạc, trinh sát, dẫn đường và chỉ thị mục tiêu. Bộ đội phòng không/phòng chống tên lửa, tác chiến điện tử của Lục quân PLA vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu hiện đại.

Có quá nhiều chủng loại các mẫu vũ khí và phương tiện kỹ thuật quân sự cùng kiểu, cùng chức năng và các tính năng kỹ thuật tương đương nhau.

Những mẫu vũ khí này do các công ty khác nhau sử dụng các linh kiện và chi tiết chuyên biệt sản xuất nên rất khó quy chuẩn hóa các chi tiết đồng bộ của VK-TBKT, đồng thời gây rất nhiều khó khăn cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế, đặc biệt là trong điều kiện tác chiến hiện đại.

Chưa có kinh nghiệm tiến hành các chiến dịch binh chủng hợp thành quy mô lớn trong điều kiện chiến tranh mạng .

Còn một số bất cập trong thực hiện chế độ một người chỉ huy – đây cũng là một nhân tố ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng chiến đấu của Lục quân PLA .

.http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/bao-nga-thuc-luc-luc-quan-trung-quoc-3287397/?paged=5

.http://vietnamdefence.com/Home/quandoi/trungquoc/Thuc-luc-luc-quan-Trung-Quoc-continue/20159/54683.vnd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét