"Với chiếc khu trục hạm giá trị rất cao thì mình thiệt hại 6 người cũng như 2 tàu ngầm là con số chấp nhận được, không phải con số cảm tử" - ông Trân nói về "chiến thuật bầy sói".
LTS: Sau khi đăng tải loạt bài phỏng vấn kỹ sư Phan Bội Trân về dự án chế tạo tàu ngầm mini Yết Kiêu, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi, đóng góp rất tâm huyết của độc giả.
Tiêu biểu là bức thư gửi đến tòa soạn của 2 độc giả Nguyễn Việt Dũng – Đại úy QĐND Việt Nam (xem tại đây) và độc giả Lê Hoàng ở Hà Nội (xem tại đây).
Để giải đáp băn khoăn của các độc giả, chúng tôi đã liên hệ lại và chuyển những câu hỏi của bạn đọc tới ông Phan Bội Trân.
Dưới đây là những chia sẻ của “cha đẻ” tàu ngầm Yết Kiêu với chúng tôi.
Độc giả: Ông có thể mô tả cụ thể hơn về loại ngư lôi mà ông cho rằng "chạy nhanh hơn ngư lôi đối thủ và có thể bắn gãy đôi tàu chiến kẻ thù"?
Ông Phan Bội Trân: Khi ngư lôi hoạt động thì có hiện tượng giảm áp mặt trước cánh quạt, dẫn đến việc giảm tốc độ của ngư lôi, khiến nó chỉ có thể đạt đến một tốc độ nào đó.
Đó là hiện tượng vật lý chứ không phải hiện tượng lạ nào khác. Những người sản xuất tàu biết rất rõ hiện tượng này.
Nếu xem truyền hình, bạn sẽ thấy khi tàu sân bay hoặc tàu khu trục hoạt động, đằng sau chúng có vết bọt. Đó chính là sản phẩm từ hiện tượng giảm áp mặt trước cánh quạt hoặc chân vịt.
Tuy nhiên, tôi đã xử lý được hiện tượng này. Bằng cách nào thì đó là bí mật.
Khi giải quyết được hiện tượng này, nếu động cơ đủ mạnh, tốc độ của ngư lôi có thể tăng gấp nhiều lần.
Cận cảnh tàu ngầm Yết Kiêu 1 của ông Phan Bội Trân
Độc giả: Tôi thấy ông đề cập rất nhiều tới phương thức tấn công của tàu ngầm Yết Kiêu, chưa thấy đề cập nhiều tới phương thức phòng thủ, ngoài khả năng "tàng hình".
Trong khi đó, khả năng tàng hình này không thể đủ để bảo vệ con tàu, nhất là khi tàu đối phương thường hoạt động theo hạm đội, có nhiều tàu hộ tống, máy bay chống ngầm bảo vệ.
Vậy ông đã có phương án nào chưa?
Ông Phan Bội Trân: Việc phòng thủ có nhiều kỹ thuật mới. Lúc làm tôi có nghĩ ra và hiện nay các nhà thiết kế tàu ngầm của Pháp cũng đã nghĩ ra.
Tàu ngầm từ trước đến giờ chuyên về đánh du kích và sau đó lẩn trốn. Khái niệm "lẩn trốn" có từ năm 1945, chiếc tàu ngầm ngày đó quá yếu về mặt phòng thủ nên nó tìm cách lẩn trốn.
Nó lẩn trốn bằng cách lặn sâu xuống phía dưới. Còn cách đánh của tôi thì tàu ngầm không lẩn trốn.
Những chiếc SMX26 mà Pháp đang thiết kế cũng theo hướng “không lẩn trốn”. Từ vị trí lặn của kính tiềm vọng, các nhà thiết kế đưa một ống phóng có sẵn tên lửa lên.
Đối thủ của tàu ngầm là các loại máy bay săn ngầm hoặc khu trục hạm. Đối với khu trục hạm, tàu ngầm đã có sẵn vũ khí để tấn công. Còn đối với máy bay săn ngầm, phía Pháp đề xuất đưa tên lửa lên nghênh chiến.
Tôi không đề xuất theo hướng đó vì tàu ngầm do mình sản xuất nhỏ quá nên không bắn tên lửa lên được.
Khi gặp đối thủ, nó sẽ nổi hẳn lên để nghênh chiến. Tuy nhiên, bên mình không có "chữ ký hồng ngoại", còn các đối thủ thì có.
“Chữ ký hồng ngoại” ở đây được hiểu là độ lộ diện hơi nóng động cơ tua bin phát ra.
Nếu họ muốn bắn tên lửa thì mình đã nổi lên mặt nước, mình vẫn tàng hình với radar trong khi họ thì không.
Với vũ khí của 50 chiếc tàu ngầm bao quanh, chiếc khu trục hạm sẽ bị hạ gục. Nếu đối thủ đưa trực thăng lên, chiếc trực thăng đó chỉ làm mồi cho các tàu ngầm của mình.
"Chiến thuật bầy sói" từng được tàu ngầm U-boat của Đức sử dụng. Trong ảnh là bức tranh của họa sĩ John Alan Hamilton tái hiện lại cuộc tấn công của tàu ngầm U-boat vào tàu Anh năm 1941
Độc giả: "Chiến thuật bầy sói" từng được tàu ngầm Đức sử dụng và chúng phải tiếp cận tương đối gần với các mục tiêu, điều này khá mạo hiểm và khiến tàu ngầm dễ bị đối phương phát hiện, tiêu diệt.
Ông từng nói để tấn công 1 chiếc tàu khu trục thì cần khoảng 50 chiếc tàu ngầm.
Có nhiều người khi nghe đến chiến thuật này của ông đã nghĩ đến những chiếc tàu ngầm cảm tử. Họ cho rằng như thế đồng nghĩa với việc có thể phải tổn thất nhiều nhân mạng.
Ông có suy nghĩ như thế nào về quan điểm này?
Ông Phan Bội Trân: "Cảm tử" là khái niệm mà một số độc giả đưa ra thôi hoặc họ luôn nghĩ đến việc mình là phía yếu phải liều mạng.
Thực tế, tôi không nói câu đó, cách đánh của tôi là cách đánh khác. Tức là nếu thắng thì phải thu thương vong của mình về bằng không.
Đây là cách đánh của quân Mông Cổ trước đây.
Nước Mông Cổ trước đây dân không đông, quân không đông. Nếu họ đi từ bờ Tây Thái Bình Dương sang bờ Đông của Đại Tây Dương mà chỉ cần tiêu hao 5% trong một trận đánh thì khi sang đến bờ Đông Đại Tây Dương sẽ chẳng còn người nào cả.
Thế nên, họ đã có cách đánh để thu thương vong về bằng không. Cách đánh của tôi cũng như vậy.
Thứ hai, khi hạm đội của mình nổi lên, mình sẽ mạnh hơn quân địch nên không cần phải đánh cảm tử (không phải là mình ôm bộc phá rồi lao về phía họ). Chỉ cần ở khoảng cách sao cho đầu đạn khi khai hỏa không ảnh hưởng tới mình là mình có thể khai hỏa.
Còn chiến đấu theo kiểu cảm tử là sẽ lao về phía họ.
Những chiếc tàu ngầm của chúng ta che chắn lẫn nhau trong khi đối thủ không được che chắn thì không có lý do gì mình phải cảm tử.
Tuy nhiên, đánh nhau trên biển cũng có thể có rủi ro. Trong trường hợp quân địch tung mìn ra xung quanh mà không may trúng mình, khi đó cần phải tính đến yếu tố số lượng.
Đối với chiếc khu trục hạm có đến mấy trăm người và có giá trị rất cao thì việc mình thiệt hại 6 người cũng như 2 chiếc tàu ngầm là con số chấp nhận được chứ không phải là con số cảm tử.
Độc giả: Theo Đại tá Bùi Sỹ Tạo, nguyên Trưởng phòng Vỏ tàu thuộc Viện Kỹ thuật Hải quân, nếu như nhiều tàu ngầm cùng bao vây một chiếc tàu khu trục và có thể cùng tấn công thì sẽ rối đội hình.
Chưa biết chừng, mục tiêu của ngư lôi từ tàu ngầm lại không phải là tàu khu trục mà lại là tàu ngầm đồng đội, do tàu ngầm khi hoạt động sẽ phát ra tiếng ồn (tiếng ồn nào gần nhất thì ngư lôi lao vào)…
Ông có lo ngại vấn đề đó?
Ông Phan Bội Trân: Việc rối đội hình là có thể có nhưng vì mình ở dưới nước, dùng thuỷ âm nên không bị phát hiện, quân địch không làm nhiễu sóng mình được.
Còn về việc ngư lôi từ tàu ngầm bắn lẫn nhau là điều không xảy ra được vì cũng như khi tấn công một mục tiêu trên bộ, mình tiến lên theo lớp trước lớp sau.
Ở dưới nước, mình tiến lên theo hàng ngang, không có chuyện ngư lôi của mình bắn vào đồng đội được.
Độc giả: Chiến thuật bầy sói thường sử dụng cho các xuồng mặt nước nhiều hơn. Ông suy nghĩ thế nào về quan điểm này?
Ông Phan Bội Trân: Chiến thuật bầy sói là chiến thuật lấy đông tấn công ít và lấy yếu tấn công mạnh. Con sói luôn yếu hơn một con hổ nhưng nếu lấy số đông để tấn công số ít thì nó vẫn thắng.
Đó là khái niệm tổng quát chứ không chỉ áp dụng riêng cho một trường hợp phương tiện nào.
Ngay cả trên bộ, chiến thuật Biển người cũng có thể gọi là chiến thuật bầy sói được. Vì thế, chiến thuật này cũng có thể được áp dụng cho những trận chiến trên không.
Tôi nghĩ rằng khi đặt ra vấn đề này, độc giả cũng nghĩ đến cách đánh của Iran. Song Iran không phải là những người nghĩ ra chiến thuật bầy sói mà chỉ là người áp dụng chiến thuật này thôi. Vì thế, họ không có độc quyền về chiến thuật đó.
Độc giả: Tôi được biết ông đang có kế hoạch chế tạo tàu ngầm Yết Kiêu 2. Xin ông cho biết con tàu này sẽ có những cải tiến nào so với tàu ngầm Yết Kiêu 1?
Ông Phan Bội Trân: Về những cải tiến, Yết Kiêu 2 có nhiều trang thiết bị hơn, có kích thước lớn hơn.
Bên trong buồng lái thoải mái hơn nhờ có điều hoà, có những thiết bị phục vụ các thủy thủ trong điều kiện lặn nhiều ngày. Động cơ của chiếc Yết Kiêu 2 cũng mạnh hơn Yết Kiêu 1.
Về vũ khí, con tàu có thể mang những vũ khí do chính Việt Nam sản xuất chứ không phải mua vũ khí từ nước ngoài. Đó là những loại vũ khí phù hợp với cả điều kiện và cách đánh.
Chúng ta thường thấy tàu ngầm mang theo ngư lôi 533 li nhưng mình không dùng loại ngư lôi đó mà sử dụng loại do chính mình sản xuất, loại đặc thù dành cho chính chiếc Yết Kiêu 2.
Nó mang những ưu điểm đột phá hơn so với những loại ngư lôi trước đấy.
Độc giả: Nếu chiếc Yết Kiêu 2 có kích thước lớn hơn và chở được 3 - 4 người thì ông có thể mô tả vị trí và vai trò của từng thành viên kíp tàu ngầm?
Ông Phan Bội Trân: Khi có 3 người thì 3 người sẽ thay nhau trực khoảng thời gian 24h, mỗi người 8 giờ. Còn khi tác chiến, cả 3 người cùng tác chiến. Khi đó, một người lái, một người ngắm và một người khai hỏa.
Trên tàu cũng có những thiết bị hiện đại để 3 người này có thể phối hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn.
Theo ông Trân, việc một chiếc tàu ngầm nhỏ mang ngư lôi lớn dường như là một nghịch lý. Tuy nhiên, thực tế đã có chuyện này và nghịch lý đã xảy ra.
Độc giả: Chuyên gia quân sự Úc Carl Thayer cho rằng tàu ngầm Yết Kiêu 1 có kích thước quá nhỏ để có thể mang theo ngư lôi hạng nặng đủ khả năng làm tổn hại tàu mặt nước của đối phương.
Vậy ông có ý định trang bị một loại vũ khí khác cho con tàu mới không?
Ông Phan Bội Trân: Ông ấy nói đúng. Thông thường, việc một chiếc tàu ngầm nhỏ mang ngư lôi lớn dường như là một nghịch lý. Tuy nhiên, thực tế đã có chuyện này và nghịch lý đã xảy ra.
Cây cung hai vòng cung và cách đánh của dân tộc thiểu số Mông Cổ đã hạ tất cả các vũ khí và binh thư của nhà Tống cách đây 7 thế kỷ cũng là một nghịch lý.
Nếu bạn xem cây cung thi đấu ở Thế vận hội từ thế kỷ 20, bạn sẽ khâm phục dân tộc Mông Cổ vì họ đã phát minh ra cây cung đó từ năm 1200.
Cây cung này bắn xa hơn tất cả các cây cung cùng thời đại và cho phép các xạ thủ Mông Cổ ở ngoài tầm sát thương của tât cả các đối thủ.
Tuy nhiên, cây cung đó đã bị cây cọc Bạch Đằng bẻ gãy khi thủy binh của ta đánh sập đường vận chuyển lương thực của quân Nguyên - Mông.
Dù khả năng sản xuất vũ khí còn yếu kém nhưng dân tộc Việt Nam đã đẩy lùi được những kẻ xâm lược rất mạnh, đó cũng là một nghịch lý. Nhưng nghịch lý này đã được lịch sử ghi nhận chứ không phải chuyện hoang đường.
Chỉ có một chân lý: Một dân tộc, nếu có trí tuệ siêu đẳng, có thể sáng tạo ra một kỹ thuật quân sự đi trước thời gian và trở nên bách chiến bách thắng, còn dân số và sức mạnh kinh tế chỉ là 2 thông số phụ.
Tần Thuỷ Hoàng, La Mã, Alexander Đại đế, Thành Cát Tư Hãn và Việt Nam đã làm được những nghịch lý đó.
http://soha.vn/quan-su/tau-ngam-ong-tran-va-con-so-cam-tu-trong-chien-thuat-50-danh-1-20150812151527472.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét