Khi nêu vấn đề chiến thuật tình báo hiệu quả của Trung Quốc, Mattis cho biết: cấp độ tình báo đầu tiên của TQ là tình báo của Bộ An ninh quốc gia (Bộ Quốc An) và Bộ Công an.
Bộ Quốc An hoạt động tình báo công khai, giám sát các mục tiêu trong nước và kiềm chế các mối đe dọa tiềm tàng; trong khi tình báo của Bộ Công an hoạt động bí mật, kiểm soát cơ sở dữ liệu quốc gia và có mạng lưới tình báo trên toàn TQ.
Ngoài ra, Quân đội giải phóng nhân dân TQ (PLA) cũng có các tổ chức tình báo các cấp chịu sự quản lý của họ. Hầu hết trụ sở của các tổ chức này đều đặt tại TQ, nhưng các nhân viên tình báo trực thuộc làm việc bí mật tại nước ngoài.
Điểm khác biệt của tình báo TQ là nước này sử dụng cả người không phải tình báo chuyên nghiệp, thậm chí cả những kẻ phạm pháp, phóng viên của các cơ quan truyền thông TQ đóng ở nước ngoài, cũng góp phần thu thập thông tin tình báo.
Họ thường thu thập các thông tin về các vấn đề nhạy cảm, ví dụ như quan điểm của chính phủ các nước về Tây Tạng và biển Đông, sau đó sẽ gửi trực tiếp báo cáo về Bắc Kinh.
“Dù hầu hết các nhà báo TQ đều không phải sĩ quan tình báo và không thể ăn cắp thông tin mật, nhưng những nhà báo giỏi luôn biết cách có được những thông tin bị hạn chế công khai với mức độ cơ mật thấp hơn”, Mattis viết.
Ngoài tình báo an ninh, TQ còn tiến hành “gián điệp kinh tế”. Theo Mattis, Bắc Kinh hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp TQ ăn cắp tài sản trí tuệ của các nước khác.
Vào tháng 7.2014, Canada bắt giữ Su Bin, doanh nhân TQ thường trú tại Canada, theo yêu cầu của FBI.
Từ năm 2009 đến 2013, Su Bin và hai đồng bọn ở TQ tấn công và ăn cắp dữ liệu của hãng máy bay Boeing và các công ty quốc phòng Mỹ.
Tên này bị cáo buộc ăn cắp thông tin của 32 dự án, trong đó có dự án sản xuất các chiến đấu cơ F-22, F-35 và dự án sản xuất máy bay vận tải Boeing C-17.
Chính quyền Mỹ tin rằng Su Bin và đồng bọn đã thử bán những thông tin ăn cắp được cho các công ty nhà nước TQ.
PLA cũng hoạt động gián điệp mạng và tấn công, ăn cắp dữ liệu mạng với mục đích lấy được những thông tin có ích cho kinh tế TQ.
Cụ thể, các tin tặc TQ bị phát hiện ăn cắp những bí mật thương mại của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, kim loại, sản xuất điện mặt trời và công nghiệp quốc phòng.
Ngoài việc sử dụng dân thường để thu thập các thông tin nhạy cảm, Bắc Kinh cũng tạo điều kiện cho các học giả TQ ăn cắp những thông tin công nghệ nhạy cảm, lập các tổ chức chuyên ăn cắp thông tin công nghệ.
Ví dụ như Viện Thông tin khoa học kỹ thuật TQ (ISTIC). Chức năng của viện này là thống kê các báo cáo khoa học, tạo điều kiện cho các chương trình nghiên cứu sau đại học khắp thế giới, hỗ trợ cho các học giả trên toàn quốc tiến lên chuyên nghiệp.
Theo Mattis, nhờ vào ISTIC mà các học giả TQ giảm được 40-50% chi phí nghiên cứu khoa học, và cắt giảm được 70% thời gian nghiên cứu.
Tin tặc TQ gần đây xâm nhập, đánh cắp dữ liệu cá nhân của 22 triệu công chức liên bang và thông tin liên quan đến an ninh. Mỹ đã phải chú ý đến lực lượng thu thập tin tình báo đông đảo này của Bắc Kinh và tìm phương án đối phó.
Cẩm Bình (Theo Business Insider)
.http://motthegioi.vn/ho-so-phan-tich/my-vach-tran-chien-thuat-tinh-bao-cua-trung-quoc-222358.html