Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Waterloo - Lịch sử trừng phạt kẻ đến muộn

ia sẻ
Năm nay đánh dấu 200 năm trận Waterloo
Waterloo cũng như Trân Châu Cảng hay Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử quân sự như những trận đánh không thể xoá mờ bởi lớp bụi thời gian.
Waterloo đau buồn và kiêu hãnh như bài hát của nhóm ABBA. Ca khúc vừa buốt vừa hào hùng mà 20 năm sau khi ra mắt vẫn còn được nhớ, truyền tụng như những ca từ hay nhất trong 50 năm của cuộc thi Eurovision.
Waterloo - I was defeated, you won the war... Waterloo - Finally facing my Waterloo... I feel like I win when I lose ...
Waterloo - Tôi thất bại, anh thắng trong chiến cuộc ...
Waterloo - Cuối cùng phải đối mặt với Waterloo ...
Tôi cảm giác như đang thắng khi thua cuộc ...
Hình như ai chẳng ai muốn, nhưng ai cũng có một Waterloo làm của riêng?
Năm nay châu Âu cũng có một Waterloo. Một Waterloo chung, ồn ào, có ánh chớp đại bác của 100 khẩu khạc lửa, có 5000 quân giáp kỵ, bộ binh, loảng xoảng gươm đao.
Song không ai bị thương, cũng không có những cha tuyên uý nhọc công đọc những bài kinh tiễn biệt những linh hồn chết.
Nói gọn là một trò đóng kịch ngoài trời tốt kém và hoành tráng lần đầu tiên tổ chức tại châu Âu, tiêu tốn đến 8 triệu euro.
Đến Waterloo năm nay đại diện phía Anh là Thái tử Charles, hậu duệ của Công tước Wellington, cùng vua nước Bỉ, gia đình Hoàng Gia Hà Lan, Luxemburg - đủ mặt đại diện nền quân chủ đã đối đầu với Napoleon.
Tuy nhiên hai đại diện chủ chốt là Đức và Pháp đều không có mặt.
null
Tổng thống Pháp Francois Hollande không dự kỷ niệm 200 năm trận Waterloo
Tổng thống Francois Hollande né bước vào lịch sử trong vai lãnh đạo quốc gia đầu tiên của Pháp tưởng niệm thất bại gây tranh cãi bất tận này. Mặc dù ông được coi là nguyên thủ " tuần chay nào cũng có nước mắt".
Francois Hollande bỏ qua cơ hội nêu một thông điệp hoà bình trong hoàn cảnh tương tự, như Thủ tướng Đức Angela Merkel đã làm dưới mái vòm Cổng chào Chiến thắng ở thủ đô Paris ngày 11.9.2009 - Ngày kỷ niệm chấm dứt chiến tranh thế giới thứ nhất, đồng thời là thất bại của Đức.
Năm nay bà cũng không tới Waterloo, tránh chạnh lòng Pháp. Chủ nghĩa dân tộc vẫn là điểm nhạy cảm, dù tất cả các nước tham chiến ở Waterloo hiện nay đều cùng đứng chung dưới mái nhà.
Lý giải làm sao đây khi dòng người đông tới 200.000 người từ 52 nước lại đổ về Waterloo hôm nay?
Họ muốn chiêm ngưỡng cái gì trên cánh đồng của nước Bỉ ? Nơi chắc dư thừa những hồn ma oan khuất của 10.000 chiến binh cả hai bên đã bỏ mạng.
Và vẳng xa đâu đó như còn vương trên cành cây, ngọn cỏ tiếng rên xiết hay hấp hối của 35.000 thương binh.
Hơn một nửa trong số này cũng giã từ ánh mặt trời bởi những vết thương thời không có thuốc kháng sinh, bởi những phẫu thuật cắt cụt chân tay không thuốc gây mê.
Đơn giản là bây giờ không ai còn sợ ma? Vì ở đó vẫn còn dư chấn cuồng nộ của trận đánh thay đổi bộ mặt châu Âu tràn đầy bi hùng của một thiên tài?

'Không gì là không thể'?

Sự bướng bỉnh đương đầu với nghịch cảnh của Hoàng Đế nước Pháp và cánh đại bàng gẫy nát trong bùn lầy của ngọn đồi Sư tử buổi chiều định mệnh ngày 18.6.1815 chắc chắn sẽ còn day dứt những trái tim tò mò hay là niềm an ủi cho những sóng người trong những thiên niên kỷ sắp tới, và biết đâu 100 hay 200 năm sau vẫn đổ về đây như hôm nay.
null
Hàng trăm ngàn người tới tham dự các hoạt động kỷ niệm 200 năm trận Waterloo
Ai kiên cường như ông từ nơi lưu đầy lần đầu tiên với 1000 lính táo bạo đã đổ bộ lên Golf Juan, hành quân xuyên qua dẫy Alpes về cướp lại chính quyền trong tay dòng họ Bourbon trong 20 ngày?
Sao một dân tộc đã mệt nhoài sau hai mươi năm chiến tranh, khánh kiệt bởi con cái chết đến 6 triệu người, bị làm tình làm tội bởi các sắc thuế, cột số phận vào những cuộc phiêu lưu cùng cực, đắng cay ở đâu đâu như nước Nga xa xôi sao lại gióng chuông hân hoan từ thành phố này đến thành phố khác đuổi theo nhịp xe của một con người chỉ cao 1m68?
Tại sao những viên tướng đã lên đến đỉnh cao nhất của bậc quân hàm, được phong những bổng lộc hậu hĩnh khi quay lại phục vụ vương triều Bourbon lại có thể vứt bỏ tất để đi theo Napoleon?
Họ đã lãng quên cuộc tháo chạy rùng rợn xuyên qua đầm lầy, những cánh rừng băng giá nhọn buốt đến âm 37 độ của nước Nga dưới sự truy đuổi của Koutouzov mà không có một vỏ bánh khô trong dạ dầy ?
Họ đã quên tủi nhục phải nộp ngọn quân kỳ rách tươm, xạm đen khói súng của các binh đoàn lừng danh ngày nào giờ chỉ còn cát bụi? Họ cũng dễ quên đến thế danh dự quân nhân ê chề khi kẻ chiến thắng giật những gù vai, những huân chương, huy chương của mình chỉ 10 tháng trước ném xuống đất?
Chắc không phải như vậy.
Hãy tính đi, trong cuộc sống chúng ta đã bỏ trôi đi bao nhiêu tháng, bao nhiêu thời gian? Vậy mà chỉ trong một tháng hè lêu lổng của chúng ta Napoleon đã dựng lại một đội quân đáng trọng nể.
Trước cái thua tức tưởi ngày 18.6, hai hôm trước đó họ chỉ với 95.000 đã đánh tan đội quân 125.000 binh sĩ của Thống chế Phổ, tiêu diệt đến 20.000 lính.
Có thể vì vậy chúng ta say mê chăng? Say mê cái "không gì là không thể" - say mê không cái gì là không thể đạt tới.

Quang Trung và Napoleon

Thế kỷ 19 hình như thế kỷ của những người tài. Ngay Việt Nam bé như bàn tay ếch cũng có người làm Trung Hoa xanh mắt mèo, còn người Xiêm sau trận Rạch Gầm - Xoài Mút chỉ còn nhiễu nhương dân Việt trên sân bóng đá.
Xem cách dùng binh của Napoleon không thể không trạnh lòng nghĩ đến người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Cũng vừa đi đường vừa nhặt quân ấy, cũng lấy ít đánh nhiều, cũng đều yểu mệnh.
null
Napoleon muốn có một châu Âu thống nhất trong đó Pháp là trung tâm
Quang Trung làm vua 14 năm, Napoleon 17 năm. Có lẽ an ủi lớn nhất đối với dân tộc Việt là vua mình không có Waterloo và Ngọc Hân biết làm thơ Nôm khóc chồng .
Nhưng sao thưa thớt, quạnh hưu những kiệt tác về vua mình? Thoảng chỉ một Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái. Ngược lại Napoleon như thỏi nam châm.
Ông là chủ đề xuyên hơn 70.000 đầu sách, 1000 phim truyện. Đổ đầu mỗi ngày một quyển ra đời từ sau cái chết của Hoàng Đế Pháp.
Gần như những tên tuổi lớn đều viết về Napoleon. Từ Dostoievski, Balzac, Tolstoi, Victo Hugo đến Chateabriand, Stéphan Zweig, Water Scott, Arthur Conan Doyle đều có.
Nghệ thuật thứ bảy có Alfred Machin quay tại Bỉ "Một câu chuyện Waterloo", "Nụ hôn của Hoàng Đế " (1913), khi còn giai đoạn phim câm. Nhà làm phim Anh Charles Weston với "The Battle of Waterloo ". Đạo diễn Đức Karl Grune với "Waterloo một bức ảnh thời gian".
Đạo diễn Ý Giovacchino Forzano với phim "Một trăm ngày" là bộ phim lồng tiếng đầu tiên về Waterloo. Hoặc "Napoleon qua cái nhìn của Benito Musolini", bộ phim hợp tác đầu tiên giữa Đức và Ý.
Đạo diễn Nga Serguei Bondartchouk cũng mượn chiến trường này để quay bộ phim cùng tên. Bộ phim tiêu tốn 25 triệu đô la thời giá năm 1970, với 20.000 lính chiến đấu và kỵ binh tham gia. Beethoven viết bản giao hưởng "Anh hùng ca" số 3 cũng từ những cảm xúc dội lại từ nhịp quân hành,tiếng trống trận và tiếng gầm của các khẩu hoả pháo Napoleon.
Sau này ông có gạch tiêu đề ghi tặng Napoleon, nhưng gạch hay không cũng thế. Âm hưởng vần vũ, hào hùng bâng khuâng hé đằng sau cái mũ ba góc da hoãng, cắm lông đà điểu và ba dải tua xanh trắng đỏ thời trai trẻ của Napoleon.
Waterloo được gọi như trận của những điều lề mề. "Ta chỉ có một mình chống lại cả châu Âu, ông có bỏ rơi ta không?" - Napoleon đặt câu hỏi như thế với Davou.
Davou đi theo Hoàng đế của mình, nhưng ông có thể làm gì được trong vòng hai tháng? Bộ trưởng Chiến tranh của Napoleon chỉ tìm được 1/3 nhu cầu về ngựa, lương thực thực phẩm cũng không đủ nuôi lính. Ngay trước trận đánh, nhiều đơn vị không có bữa ăn tối. Lệnh tổng động viên tất cả vương quốc mọi đàn ông từ 20- đến 60 tuổi chỉ huy động được 125.000 người. Là một nguyên soái chưa từng biết thua trận nào Davou cũng không kịp gặp Napoleon ở Waterloo.
Thống chế được ví như cái bóng của Napoleon là Berthier cũng vắng mặt. Con người hiểu được cặn kẽ nhất và đúng nhất những ý đồ chiến thuật cũng như chiến lược của Hoàng Đế đã chết do ngã từ cửa sổ lầu ba Bamberg (Bavière) hai tuần trước mở màn chiến dịch.
Tự tử hay ngộ sát? Cái chết của vị nguyên soái là một tổn thất không thể bù đắp mà nguyên nhân vẫn nằm trong vòng bí mật. Sự phản bội của viên tướng dòng dõi hoàng gia Louis Victor de Bourmont đã đem kế hoạch tác chiến, cùng toàn bộ Bộ tham mưu của mình chạy sang hàng địch ba ngày trước giờ nổ súng, cung cấp những điểm yếu trong lập trình tác chiến của Napoleon được Hoàng Đế Pháp viết những dòng nặng nề trong hồi ký lưu đầy "Bourmont là một trong những nhầm lẫn của tôi".
Những tai ương dồn dập, kế hoạch tấn công bị tiết lộ cũng như những thông tin của kẻ phản bội đóng góp bao nhiêu phần trăm trong thất bại đẫm máu? Tất cả như muốn lộn ngược mong muốn của Napoleon.
Thiếu sáng suốt và chậm trễ của thống chế Grouchy mà Napoleon phải xẻ đến 34.000 quân sĩ cho cánh quân này đã tước đi của hướng chính sức dứt điểm trận đánh, cũng như để quân Phổ có thể hợp lực với quân Anh. Những mệnh lệnh có tính sống còn của Napoleon cho các cánh quân cũng không đến tay tướng lĩnh của ông một cách kịp thời. Một chiến dịch chữ thua đã viết trên trán.
Napoleon đã không có những con người ông cần. Điển hình là lúc quân Phổ bắt đầu xuất hiện Napoleon cắt 10.000 quân do tướng Mouton chỉ huy chặn không cho đánh vào Chapelle St.Lamber. Với một cơ số như thế nhưng Mouton đã bất lực. Có lẽ vì vậy sau này có một câu chơi chữ của Napoleon: "Một bầy cừu chỉ huy bằng một con sư tử nguy hiểm hơn một đàn sư tử dẫn đầu bằng một con cừu". (tiếng Pháp tên của Mouton cũng có nghĩa là con cừu).
null
Các binh lính của Napoleon trong cảnh được diễn lại hôm 16/6/2015
Bất hạnh của Pháp minh hoạ câu nói "hành sự tại nhân, thành sự tại thiên". Cơn dông lớn đêm 15.6.1815 đã cản trở việc triển khai pháo binh tác chiến vốn là sở trường của Napoleon. Quân Pháp nổ súng chậm hơn kế hoạch 7 tiếng đồng hồ. Pháo binh Pháp cũng chậm trễ không phối hợp với Ney trong lúc quân Anh đã bắt đầu núng thế lùi lại lập những ô vuông phòng ngự.
Ney đã nóng nẩy tấn công gây tổn thất rất lớn cho đơn vị thiện chiến này. Hậu quả cơn đau dạ dày và bệnh trĩ khiến cho Napoleon cũng không theo dõi được sát diễn tiến trận đánh, không nhìn thấy sai lầm này của Ney.
Lần đầu tiên Hoàng đế Pháp không lên được ngựa trong một trận đánh. Hỡi ôi! Đó lại là trận cuối cùng. Tinh thần chiến đấu gan dạ, kiên cường của binh lính Anh, cộng với ngạo mạn, đánh giá thấp đối thủ, nhìn trận này chỉ như giải quyết một "bữa ăn trưa" đạm bạc đã quật ngược, thổi tắt ánh sáng ngôi sao định mệnh của Napoleon.
Song sẽ không khách quan và chính xác nếu không nói đến đóng góp của Phổ. Thậm chí không ít sử gia đánh giá rằng, trong trận này cả Pháp và Anh đều thua, chỉ có đạo quân Phổ của Thống chế Blücher là thắng.
Hai ngày trứơc đó đạo quân này đã bị Napoleon đánh bại tại Ligny, bị diệt đến 20.000 binh lính. Quân Phổ đã không hoảng loạn, mất tinh thần, thoát một cách thông minh sự truy đuổi của thống chế Pháp Grouchy.
Đòn đánh vào cạnh sườn của tập đoàn quân số 4 Phổ do tướng Bulow chỉ huy với 18 tiểu đoàn (12.000 tay súng), cùng 3000 kỵ binh và 6 đơn vị pháo binh gồm 64 khẩu đại bác đã làm thay đổi hoàn toàn chiến trận. Thống chế Pháp Grouchy với 34.000 lính và 104 đại bác hoàn toàn có thể diệt gọn cánh quân Phổ nếu truy đuổi sát sao, đã bỏ lỡ cơ hội. Khi Grouchy đến được Waterloo, trận đánh đã sang trang.

Lịch sử luôn trừng phạt những kẻ đến chậm

"Với chữ nếu người ta có thể bỏ cả Paris vào một cái chai" - Tục ngữ Pháp có câu như thế. Nếu nổ súng sớm bẩy tiếng, Napoleon đủ thời gian quét sạch quân của thống chế Wellington trước khi viện quân của Phổ tới?
Hai trăm năm trước Hoàng Đế Pháp xây mộng gây dựng nên một Đại Châu Âu: " Chúng ta phải xây dựng luật Dân sự châu Âu, toà án châu Âu, cùng một đồng tiền, cùng một luật pháp... Tôi phải làm cho tất cả các dân tộc lục địa này trở thành cùng một dân tộc và Paris là thủ đô của thế giới," Napoleon đã nói như thế với bộ trưởng Nội Vụ của mình thời đó là Fouche.
Wellington là hòn đá làm gẫy bánh xe của cỗ ngựa Napoleon muốn gắn kết cả chuỗi những thành phố từ Lisbon, Madrid, Paris, Florance, Berlin... Lịch sử thích đỏng đảnh rẽ theo đường vòng.
Ý tưởng đi trước thời đại của Napoleon nói lên tầm nhìn xa trông rộng không chỉ về mặt quân sự. Song cũng biến ông thành kẻ độc tài, nhẫn tâm.
Napoleon đã từng nói với vợ là Joséphine de Beauharnais: "Đừng tìm cách làm mủi lòng ta. Ta yêu nàng, nhưng chính trị không có chỗ cho trái tim, chỉ có cái đầu".
Nước Pháp đã xây dựng những cơ sở căn bản của một nhà nước pháp quyền từ những sắc luật đầu tiên của Napoleon. Rất nhiều vẫn còn áp dụng cho đến ngày nay.
Napoleon là người đặt ra sắc luật về quy định đổ rác nơi công cộng, trách nhiệm gia đình, luật dân sự ... Sở giao dịch chứng khoán tại Paris,điện Invalides dùng để chăm lo thuơng phế binh, Cổng Khải Hoàn và diện mạo Paris ngày nay đều có bàn tay của Napoleon. Ông cũng là người lập ra huân chương Bắc Đẩu bội tinh thưởng cho những cá nhân lập công trạng cho đất nước Pháp, bất kể họ có là quân nhân hay không. Trong quân đội bãi bỏ tiêu chuẩn đánh giá tướng lĩnh, sỹ quan theo dòng dõi. Những thống chế tài năng như Michel Ney xuất thân từ một gia đình thợ đóng thùng, hay Joachim Murat con một chủ nhà trọ ở Quercy trở thành nguyên soái ở tuổi 37.
Năm 1840 hài cốt Napoleon được chuyển từ nơi lưu đày ở đảo St.Helene thuộc Anh về Paris với nghi lễ Quốc tang. Pháp đã dùng 20 năm để sửa sang lại toàn bộ mái vòm của giáo đường Saint Jérôm làm nơi yên nghỉ cho Hoàng đế của họ kể từ ngày 2.4.1861.
Trái với Di chúc của Napoleon là được chôn bên bờ sông Seine, giữa những người dân yêu quý ông. Hàng năm vẫn có 150.000 đến 300.000 khách thăm viếng nơi này nói lên tò mò, kính trọng dành cho Napoleon.
Trớ trêu lịch sử lại lặp lại lần thứ hai. Bây giờ Wellington trong vai David Cameron với việc trưng cầu dân ý ở hay tách nước Anh ra khỏi Cộng đồng chung Châu Âu (EU).
Napoleon lại hiện về trong vai tổng thống Pháp François Holland, người đang cùng Thủ tướng Đức Merkel níu kéo, hàn gắn khó khăn mảng lục địa vẻ ngoài đồng thuận mà bên trong eo xèo điều qua tiếng lại như, y như xây tháp Babylon.
Tờ "Le Monde" ấn bản tiếng Pháp, viết cho dân Pháp đọc, chơi chua bắn ngay một bài bằng tiếng Anh trên ấn bản giấy hôm 19/6: "Messieurs les Anglais," Brexit' could be your Waterloo". Chữ ' Brexit' sáng tạo từ từ British ghép với từ ' exit’, như từ Grexit chỉ việc Anh và Hy lạp đang đứng bên bờ dòng sông ly biệt với các thành viên còn lại của EU và cảnh báo London rằng đó có thể là Waterloo của họ.
Le Monde viết : "Thế nên, nhân danh kỷ niệm 200 năm, chúng tôi xin phép kêu gọi đồng minh Anh quốc hãy chống chọi lại với toan tính quen thuộc là sự cô lập huy hoàng của mình.
"Ngày nay chúng tôi trang trọng nói với những người bạn ở bên kia biển Manche, coi chừng, Brexit có thể là Waterloo của các bạn. Và để chắc chắn thông điệp này được nắm rõ, chúng tôi còn làm nhiệm vụ chuyển nó sang ngôn ngữ của các bạn (…). Cũng như năm 1815, tương lai của các bạn là ở châu Âu".

'Giấc mộng vĩ cuồng'

Giấc mộng vĩ cuồng của Napoleon tưởng tan nát trong mưa bùn, giông tố của đất trời và cuồng nộ của các khẩu đại bác ở Waterloo hai trăm năm sau lại thành sự thật.
Ngày nay có một nghị viện chung cho 28 thành viên ở Bruxelle. Bỉ cho rập 1795 đồng 2€ ghi hẳn dòng chữ khiêu khích Waterloo 1815-2015. Pháp choáng, tuyên bố việc lưu hành đồng tiền này gây căng thẳng không cần thiết giữa hai nước.
null
Ở Paris chỉ có một hẻm nhỏ được đặt theo tên họ của Napoleon
Bỉ lùi một bước, nhưng tiến năm bước. Họ thu hồi lại những đồng 2 €, nhưng xuất một đồng khác, mệnh giá 2,5€. Dòng chữ phiền phức Waterloo bị lược đi nhưng thay vào đó là hình đồi Sư tử với số lượng lên đến 70000.
Đồng tiền châm chọc này được định giá trong giới sưu tầm lên đến 8€. Cộng đồng chung nhưng ý riêng. Đồng chí không bằng đồng tiền.
Chưa đủ. Trên bia tưởng niệm bằng đá trắng gắn ở cửa ga Waterloo ngày 10 tháng sáu vừa qua chỉ nghi ngắn ngủi hàng chữ "Tưởng niệm những người lính Liên minh (Anh và Phổ) đã hiến dâng cuộc đời trong trận Waterloo".
Ban tổ chức đã quên cũng có tới 6800 binh sĩ Pháp đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh vẽ lại hoàn toàn bộ mặt lục địa.
"Một nhầm lẫn," Sir Evelyn Webb-Carter chủ tịch Ban Tổ chức Waterloo 200 nói. Ông nói thêm: "Đáng tiếc có sai sót như vậy." Vô tình hay sức ỳ trong suy nghĩ? Có thể nhìn nhận rằng con đường cùng đích Napoleon khao khát chinh phục bằng nòng súng mà các nước châu Âu ngày này đồng thuận đi theo trong hòa bình còn có nhiều thử thách.
Trận mưa đã làm nên bản hùng ca cho Wellington, cũng như ánh mặt trời Austerliz của Napoleon. Waterloo là trận đánh cuối cùng của Napoleon, đồng thời chấm dứt cuộc chiến tranh một trăm năm giữa Anh và Pháp, mở ra hai thế kỷ hoà bình giữa hai nước. Cả hai đều rút ra được một bài học chung rằng "không ai trong họ có thể độc chiếm thế giới. Châu Âu bước sang một kỷ nguyên công nghiệp và hòa bình cho đến tận năm 1914.
Hai mươi hai năm chiến tranh của Napoleon đã làm mất đi cho nước Pháp và Châu Âu 6 triệu người chết và 10 triệu người bị thương. Có thể vì lẽ đó Napoleon đã không có một đại lộ hay một Quảng trường mang tên ông.
Chiến tranh thế giới thứ nhất kéo dài bốn năm nhưng cũng giết tới 18,6 triệu nhân mạng.
Đại chiến thế giới thứ hai cũng cướp đi 60 triệu mạng sống là bài học nhắc nhở rằng chiến tranh không phải là giải pháp dù biện hộ thế nào đi nữa.
Ở Paris chỉ có một con hẻm nhỏ một chiều nằm cạnh vườn hoa Lugxemburg có tấm biển nhỏ đề cụt ngủn Bonapacte - không có cả tên riêng. Trong khi các tướng lĩnh của Napoleon tên xếp hàng như một vành đai bọc trọn Paris.
Những cái tên Alexdre Berthier, Joachim Murat, André Masséna, Guillaume Brune, Jean de Dieu Soult, Michel Ney, Jean -Baptiste Bessier, Louis Nicolas Davout...
Du khách sẽ qua đây và không khỏi không một lần nhớ đến Napoleon. Một nghìn năm nữa vẫn vậy. Cũng như nước Anh nhớ đến Winston Churchill. Cộng đồng chung châu Âu đang đứng trước những thử thách mới.
Bài toán Hy Lạp cũng như việc nước Anh sẽ bỏ phiếu thăm dò ý kiến về việc rút hay ở lại EU đang là những đám mây u ám, nặng trĩu lấp ló báo hiệu một cơn dông mới.
Một cơn dông như cơn dông ngày 18.6.1815 trên vòm trời Waterloo? Liệu ai sẽ lại là kẻ đến muộn bất hạnh?
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, hiện sống tại Paris.
http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/06/150625_waterloo_battle_thought

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét