Cả Nhật Bản và Trung Quốc đã và đang áp dụng nhiều biện pháp để chơi con bài chủ nghĩa dân tộc nhằm chuyển sự chú ý ở trong nước ra bên ngoài. Vì vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng như Nhật Bản đã và đang thổi bùng ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc nhằm xoa dịu các đòi hỏi chính trị trong nước.
Khi các nhà lãnh đạo chính trị đối mặt với những bế tắc trong nước, họ thường tìm cách hướng sự chú ý của công chúng sang các vấn đề chính sách đối ngoại gây nhiều tranh cãi.
Thắng lợi của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Nhật Bản do Thủ tướng Shinzo Abe đứng đầu trong các cuộc bầu cử Thượng viện gần đây cho thấy thực tế chủ nghĩa dân tộc là một trong những nhân tố thúc đẩy chủ yếu trên chính trường Nhật Bản và Thủ tướng Abe không ngần ngại sử dụng nó như một phần trong chiến lược tranh cử của mình. Trong số tất cả các vấn đề về chính sách đối ngoại tại Nhật Bản, không chủ đề nào có thể gây cảm xúc mạnh và hấp dẫn trong dư luận công chúng bằng việc sử dụng tình cảm chống Trung Quốc mạnh mẽ.
Trước khi diễn ra các cuộc bầu cử, Thủ tướng Abe đã có những cử chỉ và hành động quan trọng để nâng cao sức mạnh của tình cảm dân tộc chủ nghĩa của cử tri ở tất cả các khu vực bầu cử. Ngày 17/7, Thủ tướng Abe đến thăm đảo Ishigaki thuộc quần đảo Okinawa và kiểm tra một tàu chiến của Lực lượng Cảnh sát Biển trong khu vực, sau đó ông ta phát biểu trước các đơn vị thuộc Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) trên đảo Miyako về quyết tâm của ông trong việc “bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản” và ông thề sẽ không lùi bước “một phân”. Không ai có thể bỏ qua tầm quan trọng trong chuyến thăm của Thủ tướng Abe đến những hòn đảo đó, nơi rất gần các đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc. Trước đó, ngày 21/4 Thủ tướng Abe kiên quyết bảo vệ quyền của các bộ trưởng Nhật Bản đến thăm đền Yasukuni và bản thân ông đã dự định đến ngôi đền này ngày 15/8 (ngày Nhật Bản tuyên bố đầu hàng) và đặt một vòng hoa ghi đầy đủ tên và chức vụ của Thủ tướng.
Đáng chú ý là tình cảm dân tộc chủ nghĩa của Nhật Bản chủ yếu chống Trung Quốc nằm trong định hướng và tập trung vào tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Mặc dù thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nhật Bản tăng mạnh và đạt gần 350 tỷ USD năm 2012, nhưng có một nhân tố rất nhạy cảm ở Nhật Bản là Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ và đẩy Nhật Bản xuống vị trí thứ 3. Những người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở Nhật Bản coi thực tế này là điều khó chịu và cay đắng. Nhật Bản cũng đang nỗ lực sửa đổi Điều 96 trong Bản Hiến pháp Nhật Bản do Mỹ áp đặt nhằm cho phép với đa số của hai Viện Quốc hội và một cuộc trưng cầu ý dân có thể thay đổi Điều cấm Nhật Bản sử dụng vũ lực như một công cụ của chính sách nhà nước.
Trung Quốc coi tất cả những thay đổi chính sách trên là âm mưu của Thủ tướng Abe nhằm thúc đẩy tình cảm dân tộc chống Trung Quốc tại Nhật Bản. Như một bài bình luận chính thức gần đây của Trung Quốc cho rằng hiện nay hai nước đang trong tình trạng “đối đầu lạnh”. Các nhà lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc cũng đang chú trọng đẩy mạnh tình cảm chống Nhật Bản ở Trung Quốc.
Chủ nghĩa dân tộc hiện đại của người Trung Quốc mở đầu bằng phong trào ngày 4/5 nhằm phản đối Hiệp ước Vécxai (hiệp ước hòa bình được ký ngày 11/11/1918 nhằm chấm dứt cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Nhất giữa Đức và các cường quốc) nhưng cũng có xu hướng chống Nhật Bản. Quan hệ căng thẳng giữa hai quốc gia bắt đầu bằng cuộc Chiến tranh Trung-Nhật (năm 1894) và phát triển đến đỉnh cao sau khi Nhật Bản phạm những tội ác nghiêm trọng trong thời gian chiếm đóng Trung Quốc trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Nhưng dưới thời Mao Trạch Đông, căng thẳng Trung-Nhật tạm thời lắng xuống do Chủ tịch Mao kiềm chế tư tưởng và hành động chống Nhật Bản của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình bắt đầu phong trào cải cách lần đầu tiên năm 1978, các quan chức theo đường lối cứng rắn trong Đảng Cộng sản và những người có tư tưởng hoài nghi trong công chúng Trung Quốc phản đối gay gắt hiệu quả của những cải cách đó. Đa số người dân Trung Quốc đặt câu hỏi: Phải chăng đây là một thảm họa nữa giống như “Cuộc Cách mạng Văn hóa” sắp giáng xuống đầu họ? Và chính nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã nghĩ ra chiến lược tập trung sử dụng những tội ác tàn bạo của người Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai như một phương tiện để chuyển hướng sự chú ý của công chúng ra khỏi các cải cách kinh tế mà ông sẽ thực hiện. Kể từ đó, bất cứ khi nào các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc cảm thấy cần tìm kiếm một lối thoát bằng một kẻ thù bên ngoài, Nhật Bản sẽ cũng trở thành mục tiêu của họ.
Khi tăng trưởng GDP của Trung Quốc có chiều hướng giảm và Bắc Kinh nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, tình hình đó sẽ dẫn đến bất đồng nội bộ và bất bình đẳng lớn hơn ở Trung Quốc. Tâm lý hoài nghi của công chúng Trung Quốc sẽ gia tăng, từ đó làm giảm sự ủng hộ của người dân đối với Đảng Cộng sản. Hiện nay, ngân sách chi cho “an toàn công cộng nội bộ” của chính phủ tăng lên khoảng 120 tỷ USD, lớn hơn khoản chi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc (118 tỷ USD). Hệ số Gini của Trung Quốc (chỉ số xác định độ bất bình đẳng của một nước được quốc tế chấp nhận) đang ở mức 0,438, trên mức cho phép của Liên hợp quốc là 0,4; từ đó cảnh báo Trung Quốc sắp xảy ra biến động trong nước. Số người giàu nhất Trung Quốc chiếm 10% đang nắm giữ 45% tài sản toàn xã hội, ngược lại tỷ lệ người nghèo nhất chiếm 10% ở Trung Quốc chỉ nắm giữ 1,45% của cải toàn xã hội. Cùng với tình trạng này là nạn tham nhũng tràn lan. Đáng chú ý là Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) hiện có 83 tỷ phú, trong khi đó Thượng và Hạ viện Mỹ không hề có bất cứ một tỷ phú nào.
Lo sợ trước những biến động xảy ra trong nước trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc tiếp tục chơi “con bài” dân tộc và thậm chí mạnh mẽ hơn các nhà lãnh đạo tiền nhiệm. Và sự lựa chọn phổ biến chắc chắn một lần nữa sẽ là Nhật Bản, bởi vì không quốc gia nào có thể gợi lên những tình cảm như vậy trên khắp đất nước Trung Quốc như tình cảm chống Nhật Bản. Đó là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tiếp tục kéo dài và chắc chắn tranh chấp đó sẽ dẫn đến sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc không hạn chế.
Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều theo đuổi mô hình xuất khẩu để phát triển kinh tế mặc dù mốc thời gian khác nhau. Cả hai quốc gia đều sử dụng nguồn lao động chi phí thấp để thúc đẩy sản xuất và kiềm giá thấp đồng tiền để tạo lợi thế xuất khẩu cạnh tranh. Xuất khẩu được thúc đẩy nhờ chi phí của các hộ gia đình cũng như tiêu thụ thấp, từ đó khuyến khích tỷ lệ tiết kiệm trong nước cao và được sử dụng để cung cấp tài chính cho các khoản đầu tư.
Cả hai quốc gia đều có thặng dư xuất khẩu rất lớn và đầu tư các khoản thặng dư đó vào trái phiếu của Chính phủ Mỹ để tránh gây sức ép lên giá trị đồng tiền của họ. Nhưng tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Nhật Bản phải tạm ngừng sau khi Mỹ buộc Nhật Bản định giá lại đồng yên theo thỏa thuận Plaza giữa Pháp, Tây Đức, Nhật Bản, Anh và Mỹ năm 1985 tại Niu Yoóc. Hiện nay, Chính phủ Mỹ cũng đang gây sức ép chính trị mạnh mẽ tương tự đối với Trung Quốc buộc nâng giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nỗ lực thúc đẩy ý đồ này trong cuộc gặp gần đây tại California với tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhưng Trung Quốc có thể chống lại áp lực này của Mỹ bao lâu vẫn còn là điều đang được tranh luận. Một số nhà phân tích kinh tế dự đoán Trung Quốc có thể sẽ đi theo con đường của Nhật Bản. Cả Nhật Bản và Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhanh chóng tái cơ cấu chính sách kinh tế và tập trung vào các cải cách lớn nếu Nhật Bản muốn thoát khỏi tình trạng giảm phát và Trung Quốc muốn tránh một cuộc suy thoái kinh tế không thể đảo ngược. Nếu điều đó xảy ra chắc chắn sẽ gây khó khăn trong nước và thậm chí dẫn đến phản ứng chính trị mạnh mẽ.
Tóm lại, cả Nhật Bản và Trung Quốc đã và đang áp dụng nhiều biện pháp để chơi con bài chủ nghĩa dân tộc nhằm chuyển sự chú ý ở trong nước ra bên ngoài. Vì vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng như Nhật Bản đã và đang thổi bùng ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc nhằm xoa dịu các đòi hỏi chính trị trong nước. Và mỗi vấn đề giữa Nhật Bản-Trung Quốc sẽ được coi là một cuộc thử nghiệm của ý chí quốc gia. Các nhà lãnh đạo mới và chưa được thử thách ở Trung Quốc cũng như Nhật Bản đã thể hiện những quan điểm không thể chối cãi. Các tàu chiến của lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản và Trung Quốc đang theo dõi nhau chặt chẽ gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và lần đầu tiên một máy bay trinh sát Y-8 của Trung Quốc bay qua khu vực nằm giữa quần đảo Okinawa và Miyako thuộc không phận quốc tế, từ đó buộc các máy bay chiến đấu của Nhật Bản cất cánh.
Hiện nay, các nhà lãnh đạo của mỗi nước đều cảm thấy khó có thể giảm bớt tình trạng leo thang, bởi họ lo sợ bị dư luận trong nước tố cáo là nhu nhược. Không nhà lãnh đạo nào có tư tưởng chủ nghĩa dân tộc có thể chịu đựng được lời tố cáo như vậy. Mặc dù nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông có thể dễ dàng kiềm chế “những cái đầu nóng” trong chính phủ, nhưng trong số các nhà lãnh đạo hiện nay ở Trung Quốc, không có nhà lãnh đạo nào có thể hành động được như vậy.
Trần Quang (gt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét