TPO-Ông Obama tuyên bố Mỹ cần phải tiến hành hành động quân sự có giới hạn chống lại chế độ Syria và loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền nước này.
Nhà Trắng tin tưởng có thể nhận được sự ủng hộ của quốc hội về vấn đề tấn công Syria không cần sự đồng ý của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, đi ngược lại với yêu cầu của chính quyền Nga đòi hỏi phải có sự đồng thuận và nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
"Mươi ngày trước đây thế giới đã chứng kiến với nỗi kinh hoàng những nạn nhân đàn ông, phụ nữ, trẻ em bị giết hại bởi đòn tấn công vũ khí hóa học kinh tởm nhất của thế kỷ 21…Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình ở Syria, tôi (Barack Obama) quyết định nước Mỹ cần phải tiến hành một hành động quân sự cần thiết để chống lại chính quyền Syria. Hành động quân sự này không phải là hành động can thiệp vào nội bộ Syria vô thời hạn, cũng không phải là các chiến dịch tấn công trên đất liền. Hành động quân sự sẽ được giới hạn về thời gian và quy mô sử dụng lực lượng” - Ông Obama nói trong tuyên bố đặc biệt cuối tuần qua về vấn đề Syria.
Theo ông Obama, chế độ của tổng thống Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra ở Syria và phải bị tước đoạt mọi khả năng sử dụng vũ khí hóa học. Chính quyền Mỹ đã công bố báo cáo tóm tắt những kết quả tình báo, trong đó cáo buộc chế độ Assad phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công vũ khí hóa học ngoại vi Damascus ngày 21.8. Cũng theo những thông tin từ phía Mỹ, cuộc tấn công này đã giết chết 1.429 người Syria, trong đó có 426 trẻ em.
Ráo riết chuẩn bị trừng phạt Syria
Trong tình hình ngày càng nóng lên bởi những sự kiện diễn ra liên tiếp, quân đội Mỹ đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh. "Quân đội của chúng ta đã có mặt trong khu vực. Chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân đã thông báo cho tôi biết, lực lượng của chúng ta đã sẵn sàng giáng đòn tấn công bất cứ lúc nào. Chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân khẳng định, lực lượng tại khu vực có khả năng tiến hành chiến dịch không phụ thuộc vào thời gian – có thể triển khai tấn công hiệu quả ngay ngày mai, sang tuần sau hoặc sang tháng sau. Và tôi đã sẵn sàng ra lệnh "- Tổng thống Mỹ kết luận.
Hiện nay ở vùng nước phía đông Địa Trung hải đang có 5 khu trục hạm tên lửa của Mỹ: USS Stout, Mahan, Ramage, Barry, Gravely. Mỗi khu trục hạm có thể mang theo 90 tên lửa, nhưng theo các chuyên gia, một nửa số tên lửa đó dùng để phòng thủ. Như vậy, 5 tàu khu trục mang tên lửa có khả năng tấn công các mục tiêu ở Syria hơn 200 tên lửa Tomahawk. Ngoài ra, trong khu vực đã triển hai hai cụm ACTF (không quân hải quân tấn công chủ lực) với các kỳ hạm là tàu sân bay nguyên tử Harry S. Truman và Nimitz. Để thực hiện hành động quân sự can thiệp vào Syria, tổng thống Barack Obama muốn nhận được sự ủng hộ và phê chuẩn của Quốc hội cho chiến dịch.
"Tôi sẽ cố gắng đạt được sự phê chuẩn của các đại biểu người dân Mỹ trong quốc hội cho phép sử dụng hành động quân sự. Bản thân tôi có toàn quyền tiến hành chiến dịch không có sự đồng thuật của Hạ nghị viện, nhưng đất nước sẽ mạnh hơn, nếu chúng ta cùng thống nhất hành động, những hoạt động của chúng ta sẽ rất hiệu quả. Chúng ta cần nghị quyết của quốc hội" — người đứng đầu nước Mỹ tuyên bố.
Cũng theo lời tổng thống Mỹ, các nhà lãnh đạo của Nghị viện cũng nhất trí cần phải tham vấn quốc hội và có được sự đồng thuận. Ông Obama nhấn mạnh Washington sẵn sàng tiến hành các hoạt động mà không đợi sự đồng thuận từ phía Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (UNSC). "Tôi tin vào kết luận của chính phủ Mỹ và không cần các kết luận của các thanh sát viên Liên Hiệp quốc. Chúng ta cần phải tiến về phía trước và hành động mà không có sự đồng thuận của UNSC. Cơ quan này đã hoàn toàn bị tê liệt và không muốn lôi Assad ra trước công lý” – Ông Obama nói. Đồng thời ông cũng thừa nhận cuộc xung đột đẫm máu hiện nay ở Syria không thể được giải quyết bằng sự can thiệp quân đội Mỹ.
Hạ Nghị viện Mỹ và Thượng Nghị viện Mỹ sẽ thảo luận về một chiến dịch quân sự chống Syria không sớm hơn ngày 9.9. Nhà Trắng đã gửi đến quốc hội một văn bản dự thảo nghị quyết mà các nhà lập pháp sẽ bàn thảo và phê chuẩn. Như vậy, ông Obama bằng cách này đã chính thức yêu cầu Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết tiến hành các hoạt động quân sự chống Syria. Sự cần thiết của một chiến dịch quân sự được coi là chính đáng trong dự thảo văn kiện này, khi có văn bản cáo buộc hành động của chính quyền Syria đã vi phạm các chuẩn mực pháp lý quốc tế, đặc biệt là Công ước về cấm sử dụng vũ khí hóa học theo nghị quyết 1540 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC).
Lời cảnh báo từ Nga
Moscow trước những tuyên bố chiến tranh mạnh mẽ của NATO đã có những phản ứng quyết liệt. Chính phủ Nga kêu gọi chờ đợi kết quả cuộc thanh tra vũ khí hóa học của các thanh sát viên Liên Hợp quốc. Nga cho rằng một chiến dịch quân sự không có sự phê chuẩn của UNSC (mà trong cơ quan này Moscow có quyền phủ quyết) là một hành động phá hoại Hiến chương Liên Hợp Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich tuyên bố: “Bất cứ một hành động quân sự đơn phương nào bỏ qua UNSC, dù nó được hạn chế ở mức độ nào đều là những vi phạm thô bạo luật pháp quốc tế, phá hoại và làm suy yếu những triển vọng giải quyết vấn đề xung đột ở Syria và dẫn đến một vòng xoáy mới của cuộc xung đột và thêm số nạn nhân. Không thể cho phép một sự phát triển tình hình nguy hiểm như vậy ”.
Tổng thống Vladimir Putin gọi các cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học là những hành vi khiêu khích và vu cáo. "Tôi tin tưởng rằng, tất cả những điều đó không hơn những hành động khiêu khích và vu cáo của những kẻ đang mong muốn lôi kéo các nước khác vào cuộc xung đột, họ muốn đạt được sự ủng hộ từ phía các thế lực hùng mạnh trên trường thế giới, trước hết là Mỹ…Chúng tôi kêu gọi các quốc gia cần phải suy nghĩ cẩn trọng trước khi ra quyết định, khi mà những quyết định này trái ngược với dư luận của cộng đồng quốc tế đồng thời phá hủy toàn bộ hệ thống an ninh thế giới" — Ông Putin tuyên bố sau bài phát biểu của ông Obama.
Cũng theo ông Putin, chính quyền Syria trước đây đã kêu gọi cộng đồng quốc tế và Liên Hợp quốc với đề nghị thanh tra khả năng những người trong lực lượng nổi dậy đã sử dụng vũ khí hóa học, nhưng vấn đề thanh tra đã không được thực hiện. "Phản ứng của các nước chỉ xuất hiện sau ngày 21… một tư duy bình thường cũng có thể nhận thấy quân đội của chính phủ đang có ưu thế trên chiến trường. Trong tình hình đó, có thể đó là con bài quan trọng được đưa ra bởi lực lượng đối lập, đang nỗ lực kêu gọi sự can thiệp từ phía các thế lực bên ngoài. Vấn đề cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học của quân đội chính phủ thực sự không có căn cứ hợp lý” – Tổng thống Nga nhận định.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. |
Chính quyền Syria đã nhiều lần phủ nhận những cáo buộc của Mỹ, bộ ngoại giao Syria gọi các cáo buộc này là những nỗ lực nhằm che đậy một một âm mưu xâm lược. Tổng thống Venezuela ông Nicolas Maduro cũng phản đối chiến dịch tấn công quân sự vào Syria, ông nói: “Thực tế, tổng thống Barack Obama đang muốn thay thế Liên Hợp quốc, ông ta đã tự mình xét xử, kết tội và đưa ra bản án đối với chính phủ Syria, quyết định trừng phạt bằng biện pháp tấn công quân sự lên người dân Syria. Hiện nay ông đang đặt quốc hội Mỹ vào vị trí Tòa án quốc tế tối cao thay thế cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc”.
Những thế lực ủng hộ tấn công Syria
Quan điểm của tổng thống Mỹ trong vấn đề Syria có được sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Anh David Cameron. Ông Cameron đã viết trong microblog của mình trên Twitter rằng ông hiểu rõ và hoàn toàn ủng hộ quyết định của ông Obama đối với Syria bằng tất cả khả năng của mình.
Đầu tuần trước, quốc hội Anh đã bác bỏ đề nghị của Thủ tướng Anh về khả năng tiến hành một chiến dịch quân sự. Biểu quyết mang tính hình thức, nhưng ông Cameron tuyên bố rằng sự miễn cưỡng của quốc hội trước đề nghị tiến hành các hoạt động quân sự đã rõ ràng và ông sẽ có những hành động phù hợp với tình hình.
Thượng nghị sĩ John McCain phát biểu ủng hộ hoạt động quân sự chống Syria.
Những người hăng hái ủng hộ việc can thiệp quân sự vào cuộc xung đột ở Syria đã liên tục chỉ trích sự không kiên quyết của ông Barack Obama, họ cho rằng người đoạt giải Nobel về hòa hình thế giới năm 2009 đã thực hiện không trọn vẹn khi tuyên bố về khả năng sẵn sàng tiến hành các hoạt động quân sự hạn chế chống lại Syria. “Chúng ta không thể ủng hộ tuyên bố các đòn tấn công hạn chế vào Syria. Các hành động quân sự có giới hạn không phải là một phần của một chiến lược quân sự hoàn hảo, có khả năng thay đổi cán cân lực lượng trên chiến trường, đạt được mục đích đề ra là loại bỏ ông Assad ra khỏi chính quyền và kết thúc xung đột” - Thượng nghị sĩ John McCain và Lindsey Graham thuộc đảng Cộng hòa tuyên bố.
Theo họ, một chiến dịch giới hạn là một sự đáp trả không đầy đủ cho hành động sử dụng vũ khí hóa học và có thể là một tín hiệu không rõ ràng đối với những đồng minh của Mỹ cũng như lực lượng đối lập và có thể tạo ra một hiểu nhầm đối với chính quyền Syria và Iran. Trước đó, ông John McCain và Lindsey Graham yêu cầu phá hủy toàn bộ hạ tầng quân sự và xã hội của nhà nước Syria như đường giao thông, sân bay, căn cứ quân sự, sở chỉ hủy, kho tàng, bến cảng...
Không dễ bắt nạt Syria
Bình luận viên RIA Novosti, ông Konstantin Bogdanov nói: "Syria khó có thể coi là một mục tiêu dễ dàng, mặc dù khả năng giáng trả một cuộc tấn công đường không quy mô lớn của NATO rất hạn chế. Tuy nhiên, Mỹ không sẵn sàng chịu những tổn thất ở mức độ chấp nhận được như năm 1991 hoặc 2003 ở Iraq. Ông Barack Obama sẽ phải làm gì? Tổng thống Mỹ có vẻ cần một chiến dịch quân sự mang ý nghĩa chính trị có tiếng vang lớn, có thể được coi như là hành động của phương Tây "đứng lên bảo vệ" người dân bị áp bức, thống trị ở Syria thì phải".
Theo thông báo của Damascus, quân đội Syria cũng đã chuẩn bị bảo vệ các mục tiêu quan trọng – hệ thống phòng không đã được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất.
Tiềm lực quân sự Syria không hề yếu (trong thời gian gần đây đứng hàng thứ 2 sau Algeria). Trong mọi trường hợp, Damascus đảm bảo sự ổn định và phát triển mạnh mẽ hơn chế độ của Gaddafi đã sụp đổ thậm chí vượt cả Iraq thời kỳ hoàng kim của Saddam những năm 1980. Lực lượng vũ trang Syria chưa được hiện đại hóa hoàn toàn, nhưng các loại vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh nhập từ Nga cho phép quân đội Syria tự tin và đối với can thiệp nước ngoài hoàn toàn không phải là một đối thủ đơn giản. Khả năng chiến đấu hiệu quả và sự bền bỉ của quân đội Syria đã được minh chứng trên thực tế, họ đã từng bước chiếm ưu thế trước lực lượng quân nổi dậy được hỗ trợ bởi nước ngoài.
Tổ hợp pháo phòng không – tên lửa "Pantshir-S1E" của Syria đang cơ động. |
Hệ thống phòng không của Syria có những loại vũ khí có thể gây được khó khăn cho các lực lượng quân sự nước ngoài, đó là các tổ hợp tên lửa pháo tự động tầm gần bảo vệ mục tiêu chống các loại tên lửa hành trình như "Pantshir-S1E", các tổ hợp tên lửa tầm trung như "Buk-M1-2" (có thể có "Buk-M2E").
Tất cả các loại vũ khí này hoàn toàn có thể chống đỡ và giảm thiểu một phần sức mạnh tấn công của các lực lượng NATO. Tất nhiên yếu tố quan trọng nhất, đó là khả năng chiến đấu cũng như ý chí của binh sĩ Syria. Liệu họ có thể bảo vệ chính thể của họ hay không trong một cuộc đối đầu không cân sức với một thế lực quân sự hùng mạnh hơn nhiều lần? Kết quả cuộc chiến cũng là thực tế đánh giá chính thể của ông Bashar al-Assad.
Phân tích tình hình hiện nay và những vấn đề liên quan đến hành động quân sự trừng phạt Syria có thể thấy những đặc điểm như sau:
Những thông số cho một cuộc chiến có ý nghĩa chính trị to lớn, cần được tỏa sáng và thành công đến thời điểm này tương đối xấu. Nếu như không tính đến yếu tố bên ngoài thì vị thế của Mỹ hiện nay trên trường thế giới không vững chắc, xã hội Mỹ đã quá mệt mỏi với những chi phí ngân sách không cần thiết và các cuộc xung đột - chiến tranh kéo dài không hồi kết ở Iraq và Afganixtan.
Không những thế, một yếu tố nữa là sự chia rẽ, bối rối về quan điểm trong hàng ngũ các nước đồng minh (ngoại trừ sự kiên định của Quatar và sự tham gia nhiệt tình của Pháp), cũng như sự không tin tưởng trong suy nghĩ của xã hội Mỹ và giới truyền thông. Quan trọng hơn nữa là sự không tin tưởng trong hàng ngũ các quan chức cao cấp của Washington. Theo tính chất những bản tuyên bố của các quan chức Lầu Năm Góc cũng như những phân tích của những chuyên gia người Mỹ được công bố nửa năm trở lại đây cho thấy, chiến lược quân sự trong một cuộc chiến sắp xảy ra ở Syria chỉ được giới hạn trong một cuộc tấn công phi tiếp xúc, tương tự như ở Nam Tư.
Chiến dịch quân sự chống Syria theo tuyên bố sẽ không có cuộc tấn công trên mặt đất, nhưng sẽ là một gánh nặng ghê gớm cho lực lượng không quân chiến thuật (phương tiện mang của các loại bom điều khiển dẫn đường quán tính và định vị vệ tinh JDAM), đồng thời mang ra sử dụng lại các loại vũ khí đã có từ những năm 1990, các tên lửa hành trình hải đối đất “Tomahawk”. Điển hình là chiến dịch “Cáo sa mạc” tấn công Iraq từ ngày 16 – 19.12.1998. Một cuộc khủng hoảng kéo dài vào mùa thu năm 1998 xung quanh các vụ thanh sát cở sở phát triển và chế tạo vũ khí hủy diệt lớn, cuối cùng là kết thúc bằng một hoạt động quân sự trừng phạt phi tiếp xúc.
Hơn 600 quả tên lửa và bom chính xác đã được sử dụng, trong đó có 325 tên lửa hành trình Tomahawk TLAM-C và 90 – tên lửa có độ chính xác cao phóng từ máy bay AGM-86C CALCM. Mục đích chính thức của đòn tấn công là nhằm tiêu diệt khả năng sản xuất vũ khí hủy diệt lớn (vũ khí hóa học) của Saddam Hussein, nhưng thực tế là đòn tấn công răn đe "đắt và rẻ". Quá đắt đỏ do giá thành của vũ khí và phương tiện mang, nhưng lại rất rẻ do ít tổn thất về con người – binh sĩ.
Xét trên góc độ chiến dịch – chiến thuật. Nếu không thiết lập vùng cấm bay và tấn công mọi mục tiêu di động cũng như sự tham chiến của lực lượng bộ binh tăng thiết giáp thì đòn tấn công quy mô lớn bằng tên lửa hành trình từ trên không và trên biển hoàn toàn chỉ có giá trị khủng bố tinh thần, gây hoang mang dao động và tan rã ý chí của lực lượng quân đội đối phương (điển hình như chiến tranh Nam Tư, cuộc chiến Libya) đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ tính chiến đấu của lực lượng đối lập, chứ không đóng vai trò giải quyết chiến trường.
Trong lịch sử, Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc không tập nhưng kết thúc vẫn chỉ là những chiến thắng trên giấy tờ. Cũng không loại trừ khả năng Mỹ có thể bắt đầu bằng một cuộc chiến tranh đường không hạn chế, nhưng sẽ phát triển mạnh hơn bằng giải pháp quyết tiêu diệt lực lượng phòng không của Syria, phá hủy hạ tầng kiến trúc quân sự và dân sự của Syria cho đến khi chính phủ phải đầu hàng như cuộc chiến Nam Tư năm 1999. Dù sao, nhìn từ góc độ quân sự có thể thấy kết thúc cuộc xung đột đẫm máu ở Syria không hẳn đã là kết quả của các đòn tập kích đường không quy mô lớn, mà phụ thuộc chủ yếu vào ý chí, tinh thần của lực lượng quân đội Syria.
Tàu khu trục USS Ramage DDG-61 trên Địa Trung Hải.
Ông Obama sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh phi tiếp xúc quy mô lớn với một ý nghĩa chính trị to lớn đối với uy tín của Nhà Trắng. Việc giáng một đòn tấn công gây sức ép buộc chính thể của tổng thống Bashar al-Assad mất ưu thế trong cuộc nội chiến sẽ chứng minh cho thế giới biết rằng phương Tây đang đứng về phía lực lượng đối lập. Chiến thắng được đặt ra vẫn không rõ ràng và ẩn chứa nhiều nguy cơ lạc hướng. Tuy nhiên, một cuộc chiến tranh phi tiếp xúc rất khó đạt được các mục tiêu đặt ra: chấm dứt nội chiến và gây chấn động đến rạn nứt sự ổn định của chế độ Damascus, thay đổi cán cân lực lượng để ưu thế thuộc về lực lượng nổi dậy.
Kinh nghiệm chiến tranh hiện đại cho thấy. Hành động can thiệp quân sự phi tiếp xúc hoàn toàn không ảnh hưởng đến vấn đề tình hình nóng bỏng đang leo thang lên một vòng xoáy mới, cũng như các đòn tấn công năm 1998 vào các cơ sở được cho rằng sản xuất vũ khí hóa học của Iraq.
Theo những hành động đang được Washington tiến hành, các mục tiêu đặt ra không được quan tâm đúng mức, nhưng cần thiết phải làm. Mỹ cũng đang cố gắng thực hiện một bước đột phá cho các thỏa hiệp trong Syria. Nhà Trắng hoàn toàn không muốn vấn đề can thiệp quân sự sẽ bị kéo dài, mở rộng và chịu sức ép nặng nề của dư luận. Tiến hành cuộc không kích có giới hạn bằng tên lửa Tomahawk mà không đặt vùng cấm bay cũng không thể giải quyết được những mục tiêu mong muốn.
Tấn công Syria là 'không tránh khỏi'
Theo ý kiến của các chuyên gia quân sự quốc tế, cuộc tập kích sẽ diễn ra vào sau ngày 10.9 . Trước đó, tổng thống Mỹ đã tuyên bố quyết định hành động, nhưng kết luận cuối cùng thuộc về quốc hội.
Hôm nay (3.9), các ủy ban có liên quan đến quân sự - đối ngoại sẽ xem xét dự thảo nghị quyết về Syria. Trên lý thuyết, ngày 10.9 các lực lượng trực chiến của Mỹ ngoài Địa Trung Hải có thế khai hỏa giáng đòn tấn công. Các quan chức cao cấp Washington cho biết hành động can thiệp quân sự có giới hạn có thể tiến hành mà không có sự phê chuẩn của quốc hội. Nhưng trong trường hợp này, ông Obama muốn chia sẻ trách nhiệm. Theo những thông tin điều tra của kênh TV NBS, một nửa số người Mỹ được hỏi tuyên bố chống cuộc can thiệp vũ trang trên quy mô lớn, 42% còn lại đề nghị tấn công, những người còn lại gặp khó khăn khi trả lời.
Trong nội bộ các nước đồng minh cũng không có sự đồng thuận. Quốc hội Anh đã bác bỏ đề nghị can thiệp vũ trang của Thủ tướng Cameron. Ngoài ra một yếu tố nữa cũng ảnh hưởng đến kết quả của chiến dịch quân sự vào Syria. Đó là một đòn tấn công bằng vũ khí hiện đại không có hiệu quả cao lắm trong việc buộc chính thể Syria phải lùi bước, đặc biệt ông Bashar al-Assad đã có thời gian chuẩn bị. Cần một cuộc can thiệp vũ trang tổng lực trên diện rộng, nhưng điều đó hầu như không ai muốn, nhất là khi cuộc chiến tranh ở Afgganistan vẫn chưa kết thúc.
Nhưng chính quyền của ông Obama cũng đang ở thế 'cưỡi lưng cọp' không thể lùi bước. Tổng thống Mỹ đã tuyên bố là phải trừng phạt thì các hoạt động quân sự bắt buộc phải tiến hành. Hơn thế Ngoại trưởng Kerry đã khẳng định rằng lực lượng tình báo Mỹ có căn cứ chứng minh rằng quân đội chính phủ Syria đã tiến hành cuộc tấn công hóa học. Như vậy mọi yếu tố chính trị đều dẫn đến việc phải tấn công, dù tổng thống Nga Putin đã đưa ra những luận cứ cho rằng, đây hoàn toàn là một hành động khiêu khích.
Chiến dịch tấn công quân sự đòi hỏi phải có hiệu quả rất cao và tổn thất ở mức tối thiểu nhất từ phía của lực lượng đồng minh. Các trường hợp như máy bay bị bắn rơi, phi công bị bắt hoặc tên lửa bắn nhầm sang lãnh địa của lực lượng chống đối đều là những trường hợp không thể chấp nhận từ quan điểm chính trị. Một vấn đề quan trọng nữa mà lực lượng đồng minh không nắm chắc như liệu các tổ hợp tên lửa S-300 đáng gờm đã có mặt ở Syria hay chưa? Nếu đã có thì lực lượng đồng minh đang đùa với lửa.
Tình huống hiện nay được nhà phân tích chính trị Fyodor Lukyanov mô tả trên báo Business FM: “Có lẽ có nhiều nghị sĩ, đặc biệt là các nghị sĩ đảng Cộng hòa muốn bác bỏ đề nghị của ông Obama tương tự như quốc hội Anh đã loại bỏ đề nghị của ông Cameron, điều đó chứng minh rằng ông Obama không có đủ năng lực lãnh đạo thực sự. Nhưng rõ ràng uy tín và vị thế của quốc gia vẫn cao hơn và quốc hội có thể sẽ phê chuẩn nghị quyết cho phép tấn công Syria”. Cũng có thể nảy sinh một tình huống đặc biệt: Trung Quốc và Nga sẽ gây sức ép đủ mạnh để cuộc can thiệp vũ trang không xảy ra, nhưng cho đến giờ phút này Trung Quốc vẫn im lặng.
Trịnh Thái Bằng
Nguồn: Ria Novosti
Nguồn: Ria Novosti
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét