Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Vũ khí cho cuộc chiến 'không đổ máu'

VietnamDefence - Những tưởng tượng của các tác giả kịch bản Hollywood đang trở thành hiện thực: các mẫu vũ khí mạng đầu tiên đã tồn tại và được sử dụng thử nghiệm thành công trên thực tế.
Ảnh: JOCHEN TACK/IMAGEBROKER/AGE/EAST NEWS

Làm ngừng cuộc sống ở một đại đô thị rất đơn giản: chỉ cần các sự cố tại một trạm biến áp chính. Mất điện không chỉ dìm cả đại đô thị vào bóng tối - nó biến đại đô thị đó thành một nơi ít thích hợp cho sự sống.

Trong các cửa hàng và tủ lạnh gia đình, thực phẩm bị hỏng, song không nên chờ đợi lượng thực phẩm ở số lượng cần thiết được chở đến: hệ thống giao thông vận tải đã bị tê liệt. Dự trữ nhiên liệu nhanh chóng cạn kiệt vì các nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động. Các bác sĩ trong các bệnh viện bị mất điện chỉ có thể hỗ trợ sơ cứu bệnh nhân. Các đội cứu hỏa không đến kịp hiện trường do mất liên lạc. Cảnh sát nhanh chóng mất kiểm soát tình hình, còn con người mất đi diện mạo con người vì không sẵn sàng để sống sót trong điều kiện thời trung cổ bất ngờ bắt đầu…

Dân chúng Moskva năm 2005, cư dân New York năm 2003, người dân ở miền bắc Ấn Độ năm 2012 đã cảm thấy trên bản thân mình cảnh tối đen đột ngột đó. Nhưng trong tất cả các trường hợp này, sự mất điện là tương đối ngắn, chỉ tính bằng giờ.
Nhưng nếu tất cả những điều đó sẽ xảy ra không phải tình cờ mà do một hành động phá hoại có tính toán thì sao? Đột nhiên, cuộc tấn công sẽ được thực hiện vào mấy mục tiêu cùng lúc mà người ta sẽ không thể nhanh chóng khắc phục hậu quả thì sao?

Sự tận thế sẽ bắt đầu còn mau hơn nếu như đi cùng với những sự cố trong các mạng điện sẽ còn hàng loạt những thảm họa có tổ chức, như sự cố đường ống cấp nước hay đường ống khí đốt, nổ tại nhà máy lớn, mất kênh liên lạc của chính phủ… Và tất cả những điều này có thể làm được mà không cần tung vào một quốc gia các toán biệt kích được huấn luyện đặc biệt. Kẻ xâm lược chỉ cần có trong tay vài chục lập trình viên đẳng cấp cao.

Vũ khí mạng - những chương trình độc hại có khả năng không chỉ đánh cắp hay phá hủy dữ liệu trong không gian mạng, mà còn phá hủy các mục tiêu trong thế giới thực - không còn là sự tưởng tượng.

Con sâu gây nổ Stuxnet
Không may có được vinh dự trở thành đối tượng đầu tiên gánh chịu tác động của vũ khí mạng là trung tâm hạt nhân ở Natanz của Iran.

Tháng 11/2010, gần 1.000 máy ly tâm mà bên trong đang làm giàu quặng Uranium đã bị hỏng do tác động của chương trình máy tính Stuxnet.

Nhà máy làm giàu Uranium này hiển nhiên là một mục tiêu bí mật. Nhưng những kẻ tổ chức chiến dịch phá hoại đã nắm được một số thông tin về quy trình sản xuất ở đây. Năm 2007-2008, các thanh sát viên của Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA đã đến thăm nhà máy, hồi đó chính quyền Iran chưa đóng cửa nhà máy đối với họ.

Các chuyên gia cũng đã biết được không ít từ truyền hình và các hình ảnh chính thức của Iran chụp chuyến thăm nhà máy của Tổng thống Iran, ông Mahmoud Ahmadinejad vào năm 2008. Cơ quan an ninh Iran hồi đó đã làm việc cẩu thả một cách đáng ngạc nhiên: trên ảnh có thể thấy các màn hình máy tính chạy hệ điều hành Windows.

Cuối cùng, người ta cũng biết, những máy ly tâm cụ thể nào đã được sử dụng ở Natanz: Iran đã mua các thiết bị này ở Pakistan để né tránh lệnh cấm vận các thiết bị nguy hiểm tiềm tàng đối với Iran. Việc điều khiển bằng máy tính đối với các động cơ của những máy ly tâm này được thực hiện nhờ các thiết bị điều khiển của công ty Siemens. Chỉ còn phải tìm ra cách để lây nhiễm chương trình độc hại vào mạng máy tính của nhà máy, bởi vì do lý do an ninh, mạng này không được kết nối với Internet. Nhưng các tác giả của Stuxnet đã tìm ra giải pháp tài tình.

Người ta luôn thiết kế các phần mềm riêng cho các thiết bị điều khiển Siemens theo yêu cầu riêng của nhà máy cụ thể - đó chính là hệ thống điều khiển. Mà một khi các chương trình được viết theo đơn đặt hàng, thì những người viết phần mềm sau đó phải làm công tác hỗ trợ bảo trì nó, tức là thường xuyên cung cấp cho nhà máy các file cập nhật.

Cách duy nhất có thể để đưa thông tin vào một mạng máy tính đóng của một nhà máy bí mật là các vật mang từ bên ngoài. Các hacker đã cài Stuxnet vào 6 công ty phát triển phần mềm Iran mà theo họ có thể có liên hệ với nhà máy ở Natanz. Lây nhiễm mã độc cho các máy tính của các công ty này chẳng có gì khó: chúng được kết nối Internet, đội ngũ nhân viên của các công ty này có sử dụng thư điện tử. Sự tính toán là sớm hay muộn virus trên đĩa USB bị lây nhiễm sẽ đến được mục tiêu đã hoàn toàn đúng.

Các máy tính bị nhiễm Stuxnet đang điều khiển sản xuất ở Natanz một lúc nào đó đã phát lệnh cho các máy ly tâm quay ở tốc độ giới hạn, sau đó bất thần dừng quay và lại bắt chúng quay trở lại. Điều đó đã tiếp diễn cho đến khi một phần các máy ly tâm bị hỏng. Chỉ lúc đó, các nhân viên của nhà máy mới mới phát hiện ra điều không ổn và ngắt điện.

Trong các bộ phim bom tấn của Hollywood không miêu tả thật chính xác quá trình chuẩn bị và tiến hành một cuộc tấn công mạng, nhưng hậu quả của nó thì họ thể hiện rất ấn tượng. Bằng cách tấn công các mạng máy tính của các đại đô thị, quả thực là người ta có thể cắt điện và liên lạc đô thị, làm dừng xe cộ, gây hoảng loạn rộng khắp (Minh họa: Eldar Zakirov)

Ngoài các chức năng độc đáo của mình, Stuxnet còn đáng chú ý ở chỗ đây hiện là chương trình độc hại duy nhất trong lịch sử mà những người tạo ra nó đã sử dụng cùng lúc 3 lỗ hổng (lỗi) chưa được biết đến trong hệ điều hành. “Những phương pháp này do những tay cực kỳ chuyên nghiệp tạo ra, nhưng đây không phải là tội phạm mạng thông thường”, ông Aleksandr Gostev, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phân tích đe dọa toàn cầu ở hãng bảo mật thông tin Kaspersky Lab.

Điều thú vị là các hãng chống virus đã biết đến sự tồn tại của Stuxnet từ mấy tháng trước vụ phá hoại vì do lỗi của những người thiết kế virus, khu vực phát tán chương trình độc hại này không chỉ hạn chế ở Iran, nó đã bắt đầu lan truyền qua Internet. Nhưng không ai kịp điều tra cơ chế hoạt động của nó và phát triển các phương pháp đối phó.

“Obama đã quyết định tiến hành các cuộc tấn công [vào các cơ sở hạt nhân của Iran] mà việc chuẩn bị đã bắt đầu từ thời chính quyền Bush dưới mật danh Olympic Games, kể cả sau khi một bộ phận của chương trình đã tình cờ bị công chúng biết đến vào mùa hè năm 2010”, nhà báo Mỹ David Sanger viết. Một số bài báo của ông đăng trên tờ New York Times, còn sau đó là việc xuất bản cuốn sách “Đối đầu và che giấu: Những cuộc chiến bí mật của Obama và việc sử dụng đầy kinh ngạc sức mạnh Mỹ” (Confront and Conceal: Obama’s Secret Wars and Surprising Use of American Power) đã xác nhận điều mà các chuyên gia an ninh máy tính đã đoán ra từ trước đó: vụ phá hoại ở Natanz là kết quả của chiến dịch chung của các cơ quan tình báo Mỹ và Israel.

Các nguồn tin của Sanger trong các cơ quan chính phủ Mỹ khẳng định rằng, tác động của virus đã được thử nghiệm ở Israel, tại trung tâm hạt nhân Dimona ở sa mạc Negev. “Đằng sau hàng rào kẽm gai của Dimona, Israel có các máy ly tâm hầu như không khác những máy được lắp đặt ở Natanz... các chuyên gia nói. Họ nói rằng, chính ở Dimona đã kiểm tra hiệu quả của sâu máy tính Stuxnet”.

Tổn hại do virus gây ra rất dễ thấy, giống như một quả bom nổ tung trong phân xưởng. Nhưng dẫu sao, vụ phá hoại mà Mỹ và Israel đã chuẩn bị trong từ 3-5 năm đã không chặn được chương trình hạt nhân Iran. Có chăng nó chỉ làm chậm bước đôi chút: sâu máy tính đã chỉ kịp phá hủy một phần các máy ly tâm. Giờ thì bản thân Stuxnet đã không còn nguy hiểm nữa.

Nhìn chung, một nhược điểm lớn của vũ khí mạng là tính sử dụng một lần của nó: nó chỉ hiệu quả đúng đến khi các nhà phát triển hệ điều hành, các phần mềm chống virus hay các chương trình riêng lẻ vá được các lỗ hổng mà virus sử dụng.

Nhưng những người thiết kế Stuxnet vẫn tiếp tục công việc của mình: theo các chuyên gia, chính họ đã nhúng tay vào chế tạo phần mềm gián điệp Flame bị phát hiện năm 2012. Nó cũng sử dụng các phương pháp xâm nhập các hệ thống máy tính đóng kín giống như Stuxnet. Tuy nhiên, Flame được ngụy trang tốt hơn nhiều: sau khi được khởi động từ đĩa USB bị lây nhiễm, virus không được cài đặt vào hệ thống, mà chỉ thu thập từ máy tính thông tin mà nó quan tâm. Khi đĩa USB được cắm trở lại máy tính bị lây nhiễm, dữ liệu bị đánh cắp được gửi cho những người phát triển phần mềm gián điệp.

Tuy nhiên, dù rất hoàn thiện, Flame khó có thể coi là vũ khí mạng. Ít ra là những biến thể đã biết của nó không có khả năng phá hoại. Từ sau Stuxnet, người ta chưa phát hiện ra những vụ mới sử dụng vũ khí mạng có tác dụng phá hủy các đối tượng vật chất.

Tuy vậy, các virus có thể không phải là phương thức duy nhất để tiến hành các cuộc chiến tranh mạng.
Vụ phá hoại chưa hề xảy ra 
Thomas Reed, cựu cố vấn của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan trong cuốn sách xuất bản năm 2004 “Bên trên vực thẳm. Lịch sử chiến tranh lạnh theo lời kể của một người trong cuộc” (At the Abyss: An Insider's History of the Cold War), đã khẳng định rằng, cuộc tấn công mạng thành công đầu tiên trong lịch sử là “vụ nổ đường ống dẫn khí đốt ở Siberia vào năm 1982”. Do sự phản bội của sĩ quan KGB Vladimir Vetrov, người Mỹ đã tuồn cho tình báo Liên Xô những dữ liệu “đã bị sửa chữa” về các phát triển công nghệ hiện đại dùng cho đường ống dẫn khí đốt. Và công nghệ hàm chứa “quả bom logic” (hay phần mềm) đã được ứng dụng tại tuyến đường ống khí đốt Urengoi - Surgut - Chelyabinsk. Nhưng chắc chắn, câu chuyện này là giả mạo. Thông tin về các sự cố lớn trên các tuyến đường ống dẫn khí đốt Liên Xô trong năm 1982 đơn giản là không có. Kể cả giả thiết là thông tin về các thảm họa ở Liên Xô thường là được giữ kín, nhưng còn có những sự không ăn khớp khác. Ví dụ, Vetrov chỉ bắt đầu hợp tác với tình báo Pháp vào năm 1981. Điều đó có nghĩa là đơn thuần người ta sẽ không đủ thời gian để chuẩn bị vụ phá hoại. Hơn nữa, hệ thống điều khiển các tuyến đường ống khí đốt ở Liê Xô hồi đó còn chưa được máy tính hóa.

“Bom logic” đáng sợ và khó phát hiện

Ngày 6/9/2007, không quân Israel đã thực hiện một cuộc tấn công vào lãnh thổ Syria, một mục tiêu nào đó ở đông bắc nước này đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Theo tuyên bố sau đó của các quan chức Israel, đó là một lò phản ứng hạt nhân. (Chính quyền Mỹ cũng xác nhận thông tin này, nó cũng được nêu cả trong báo cáo mật của IAEA mà mãi đến năm 2011, người ta mới biết đến). Nhưng gác lại một bên câu hỏi về sự tồn tại của chương trình hạt nhân Syria, thú vị hơn là những tình tiết của bản thân cuộc tập kích đường không có mật danh “Chiến dịch Orchid” của Israel. Một phi đội máy bay ném bom Israel đã bay qua gần như toàn bộ lãnh thổ một quốc gia láng giềng, san bằng một mục tiêu và an lành quay về căn cứ. Đó là khi mà Syria có một hệ thống phòng không khá hùng mạnh. Nhưng lúc đó, các hệ thống radar phát hiện đã không phát huy tác dụng.

Theo ông Aleksandr Gostev, hóa ra là trước khi chiến dịch bắt đầu, các radar Syria đã bị loại khỏi vòng chiến bằng một tín hiệu vô tuyến mạnh từ bên ngoài. Không ai biết chính xác đó là cái gì: có thể đó chỉ là một tín hiệu ở tần số nhất định, mà cũng có thể là là một lệnh đặc biệt, một trình tự dữ liệu nào đó. Các chuyên gia cho rằng, trong máy móc điện tử của các trạm radar Syria đã bị cài một loại “bom logic” nào đó mà bằng cách nào đó đã được kích hoạt và ngắt hoạt động hệ thống. Chỉ có điều không có các bằng chứng khẳng định giả thiết này.

Chủ đề “những quả bom logic” có thể cài có chủ ý vào phần mềm hay thậm chí vào các khối thiết bị điện tử đơn lẻ hiện đang rất mốt. Nó thường xuyên được các chuyên gia an ninh mạng và các chính trị gia bàn tán ầm ĩ. Và mặc dù chưa từng có ai phát hiện được ở đâu một “con rệp” như vậy, các chính trị gia và giới quân sự căn cứ vào khả năng sử dụng “những quả bom logic” để do thám hoặc phá hoại mà coi đây là một mối đe dọa hiện thực. Chẳng hạn, chính quyền Mỹ hiện đang tiến hành một cuộc chiến thực sự chống một trong những hãng hàng đầu thế giới về sản xuất thiết bị viễn thông là công ty Huawei của Trung Quốc, là công ty mà bằng các phương pháp kinh tế thuần túy đã chèn ép mạnh mẽ hãng Cisco của Mỹ ngay trên lãnh thổ Mỹ. Không chỉ đa số các nhà cung cấp dịch vụ Internet Mỹ đang sử dụng thiết bị của Huawei, công ty này còn bảo đảm hoạt động cho các mạng máy tính ở cả các cơ sở thuộc cái gọi là hạ tầng thiết yếu của Mỹ như ngành năng lượng và giao thông vận tải.

Năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố hạ tầng kỹ thuật số là “tài sản chiến lược quốc gia” của Mỹ. Thế là nay sản phẩm của Huawei bị Mỹ coi là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của họ. Chính phủ Mỹ bắt buộc tất cả các cơ quan chính phủ và các công ty hợp tác với các cơ quan này từ bỏ hoàn toàn việc sử dụng thiết bị Trung Quốc. Tất nhiên là cuộc chiến với Huawei cũng có thể thuần túy mang tính kinh tế. Tuy nhiên, đối với công chúng, các hành động của chính phủ Mỹ vốn rõ ràng đi ngược với tinh thần thị trường tự do đang được lý giải chính là bằng yếu tố mối đe dọa mạng. 

Vụ mất điện diện rộng ở Ấn Độ vào năm 2012 đã bao trùm hầu như toàn bộ miền bắc, miền đông và miền tây Ấn Độ, gồm 22 bang. Tại Delhi, hàng chục ngàn người bị mắc kẹt trong tàu điện ngầm và thang máy. Giao thông đường sắt tắc nghẽn, hoạt động của đa số các tổ chức bị tê liệt. Trừ các tiệm cắt tóc (BIKAS DAS/AP/EAST NEWS, EPA/Itar-Tass)


Thomas Rid: “Sẽ không có chiến tranh mạng”
Giảng viên Trường King’s College London, ông Thomas Rid được coi là một trong những chuyên gia hàng đầu về an ninh mạng và công nghệ quân sự hiện đại. Tác giả các cuốn sách “Chiến tranh 2.0. Tác chiến phi thông thường trong kỷ nguyên thông tin) (War 2.0. Irregular Warfare in the Information Age) và “Sẽ không có chiến tranh mạng (Cyber War Will Not Take Place), chuyên gia về các vấn đề quân sự và an ninh mạng của các hãng BBC, CNN và SkyNews, ông là một trong số ít người có thái độ hoài nghi về tương lai của vũ khí mạng. “Trong không gian mạng, tương quan truyền thống của các nỗ lực cần để tấn công và phòng thủ bị đảo ngược hoàn toàn: tấn công tỏ ra đơn giản và rẻ tiền, còn bảo vệ lại khó khăn hơn và tốn kém hơn. Có lẽ người ta cần trông đợi sự gia tăng số lượng các vụ phá hoại máy tính. Nhưng tất cả có thể hoàn toàn ngược lại. Những đối thủ có khả năng tiến hành một chiến dịch trình độ như Stuxnet chắc chắn sẽ ít hơn người ta thường nghĩ. Phá hoại trên không gian mạng có thể là một việc làm phức tạp hơn là một chiến dịch quân sự, kể cả khi nguồn lực tài chính cần cho một cuộc tấn công mạng là không đáng kể so với giá của vũ khí trang bị hiện đại. Trước tiên, cần phát hiện những lỗ hồng có thể khai thác; cần tìm hiểu cấu trúc của các hệ thống công nghiệp phức tạp, còn cơ chế tấn công phải được xây dựng thật chính xác cho một mục tiêu cụ thể đến mức sử dụng nó ở nơi nào khác hầu như là không thể. Lợi ích lớn nhất mà vũ khí mạng có thể mang lại chỉ có khi sử dụng nó kết hợp với các chiến dịch quân sự thông thường hoặc bí mật giồng như Israel đã làm khi “làm mù” các hệ thống phòng không Syria vào năm 2007”.


Một thế giới mới tuyệt diệu 

“Khái niệm chiến tranh đương đại – đó không phải là tiêu diệt sinh lực và phương tiện kỹ thuật của đối phương mà làm tê liệt hạ tầng. Nếu như cắt điện trên cả một đất nước, hiệu ứng sẽ lớn hơn nhiều là chiếm quyền điều khiển một xe tăng hay máy bay. Điều khiển hàng ngàn xe tăng “bị lây nhiễm” - điều đó có nghĩa là cần duy trì hàng ngàn nhân viên điều khiển, điều này không thực tế, ông Aleksandr Gostev khẳng định. - Các nhiệm vụ chiếm quyền điều khiển vũ khí đối phương nhờ sự hỗ trợ của virus không được đặt ra”.  Richard Clarke, một trong những chuyên gia an ninh mạng hàng đầu, cựu cố vấn đặc biệt của Tổng thống Bush, đã trình bày quan niệm của mình về mối đe dọa đương đại trong cuốn sách có tiêu đề ngắn gọn “Chiến tranh mạng” (Cyberwar). Theo ông, hạ tầng của một đất nước có thể bị hủy diệt trong vòng 15 phút. Khoảng thời gian đó là đủ để phá hủy các hệ thống liên lạc quân sự, hủy hoại các dữ liệu tài chính, gây ra các vụ nổ tại các xí nghiệp lọc dầu và các tuyến đường ống, làm dừng phương tiện giao thông, cắt điện. Và cuộc sống sẽ ngừng lại.

Chính phủ của tất cả các quốc gia phát triển đang đầu tư ngày một nhiều tiền để bảo vệ các hệ thống máy tính của mình chống các cuộc tấn công tiềm tàng và hiển nhiên là cho việc phát triển vũ khí mạng tiến công của mình. Ví dụ, cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Lầu Năm góc là DARPA đã nhận được khoản đầu tư 500 triệu USD cho 5 năm chính là cho các mục tiêu này. Tại chính Lầu Năm góc đã thành lập một đơn vị chuyên ngành đặc biệt là U.S. CYBERCOM với nhiệm vụ là tiến hành những chiến dịch bảo vệ các mạng quân sự của Mỹ và tấn công các hệ thống máy tính của nước khác.

Nhưng liệu có thể tự vệ trước mối đe dọa này không? Bất kỳ chuyên gia an toàn máy tính nào cũng sẽ trả lời là không thể có sự bảo vệ chắc chắn 100%. Trong thập niên 1990, trong giới lập trình viên phổ biến một câu chuyện tiếu lâm: nếu như các công nhân xây dựng xây nên các tòa nhà cũng như các lập trình viên viết các chương trình thì con chim gõ kiến đầu tiên bay lên cũng sẽ hủy diệt nền văn minh. Những lỗ hổng và lỗi trong phần mềm sẽ là luôn tồn tại, không thể có các hệ điều hành không có lỗ hổng. Kể cả quan niệm rằng, không có các virus dành cho sản phẩm của công ty Apple chẳng qua cũng là điều tưởng tượng. Nhưng nếu như chúng ta không muốn từ bỏ các thiết bị kỹ thuật hiện đại, chúng ta sẽ phải chấp nhận với ý nghĩ rằng, chúng ta đang sống dưới mối đe dọa thường xuyên của con chim gõ kiến bay đến.
Nguồn: Vyacheslav Stepentsev / VS, №6 (2873), tháng 6.2013.

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Đánh giá không lực Trung Quốc

VietnamDefence - Quan niệm cho rằng, cứ máy bay Trung Quốc là chất lượng thấp từ lâu không còn hợp thời nữa. Tuy nhiên, đặc trưng của không lực Trung Quốc vẫn là chất lượng đáng nghi, nhưng số lượng thì rất nhiều.

Trong bài "Vì sao Trung Quốc không đánh Đài Loan?" đã nói về tổ chức biên chế của không quân Trung Quốc, song sự phát triển của không quân Trung Quốc cần được xem xét kỹ lưỡng hơn. Cần nói ngay rằng, Trung Quốc có không quân hải quân lớn thế hai thế giới xét về số lượng máy bay chiến đấu (đó là khi họ chưa có các tàu sân bay) mà trong biên chế có các máy bay chiến đấu thuộc các loại giống như trong không quân Trung Quốc, đồng thời lại ở số lượng có thể sánh với của không quân nước này. Bởi vậy, tiếp sau đây, không lực Trung Quốc được hiểu là sự tổng hợp không quân và không quân hải quân của nước này.

Trung Quốc có không quân hải quân lớn thứ hai thế giới về số lượng (đó là khi chưa có các tàu sân bay) và được trang bị các loại máy bay chiến đấu giống như trong không quân, đồng thời có số lượng tương đương. Bởi vậy, sau đây khi nói đến không lực của Trung Quốc là tính gộp cả bản thân không quân và không quân hải quân.
J-7 (MiG-21). Một khi tình hình quốc tế căng thẳng, công nghiệp hàng không Trung Quốc có khả năng tăng hơn nữa sản lượng máy bay chiến đấu, vận tải và chuyên dụng

Từ giữa thập kỷ 1990, trong trang bị của không lực Trung Quốc vẫn còn mấy trăm chiếc J-5 (MiG-17). Và đến đầu thế kỷ ХХI, vẫn có hơn một nửa máy bay chiến đấu là J-6 (MiG-19), còn J-7 (MiG-21) gần như được coi là các máy bay mới và hiện đại. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, quân đội Trung Quốc đã có sự thay đổi kinh ngạc ở mọi thành phần, kể cả không lực.

Máy bay tiêm kích: không tốt, nhưng nhiều
J-6 đã bị loại khỏi trang bị từ ba năm trước. Tuy nhiên, khoảng 2.000 máy bay này vẫn được cất giữ và rõ ràng là đang được cải tạo thành máy bay không người lái (UAV) tiến công (có thể chúng sẽ được sử dụng làm UAV cảm tử). J-7 “bị rút khỏi tuyến 1”, mặc dù trong các đơn vị thường trực vẫn còn 700-800 chiếc J-7 thuộc các biến thể khác nhau. Hơn nữa, J-7 đến nay vẫn được sản xuất ở Trung Quốc nhưng chỉ để xuất khẩu, song điều đó không có nghĩa là không thể nối lại sản xuất các máy bay này cho không lực Trung Quốc.
JF-17 của Không quân Pakistan phát triển từ MiG-21, sử dụng đông cơ Nga

MiG-21 là máy bay thực sự xuất sắc và có lẽ ở Trung Quốc, nó được coi trọng hơn cả ở đất nước đã khai sinh ra nó. Trung Quốc đã dùng 3 mẫu phái sinh từ MiG-21 để chế tạo tiêm kích xuất khẩu thế hệ 4 JF-17 (nay đang trang bị cho không quân Pakistan).

Và thậm chí là cả J-7, một máy bay đơn giản, rẻ tiền và cơ động cũng có thể tạo ra “hiệu ứng số đông” rất tốt trong một cuộc chiến tranh tương lai quy mô lớn ở không gian Âu-Á rộng lớn. Vì thế, có lẽ câu chuyện của máy bay này vẫn còn chưa kết thúc và sự tiếp diễn của nó có thể rất bất ngờ. Đặc biệt là đối với quốc gia đã sinh ra nó.

Ngoài ra, Trung Quốc vẫn còn khoảng 200 tiêm kích J-8, một máy bay thật sự tầm thường mà trong 10-15 và chắc chắn sẽ bị đưa vào kho hoặc thậm chí làm sắt vụn.
J-8 ra đời dựa trên công nghệ của MiG-21 và chịu ảnh hưởng của Ye-152, MiG-23 và Su-15

Biểu tượng “thời đại mới” đối với không lực Trung Quốc là tiêm kích Su-27 mà Nga bắt đầu cung cấp cho Trung Quốc từ năm 1992. Trung Quốc đã mua của Nga 76 chiếc Su-27SK/UBK hoàn chỉnh, sau đó sản xuất theo giấy phép 105 J-11А, tiếp đí từ chối sản xuất thêm 95 chiếc khác mà hợp đồng quy định, qua đó gây tổn thất lớn cho một số hãng của Nga tham gia vào việc sản xuất Su-27.

Từ năm 2007, Trung Quốc đã triển khai sản xuất loạt trái phép J-11В. Ngoài ra, vào đầu thế kỷ ХХI, Trung Quốc đã mua của Nga 76 Su-30MKK và 25 Su-30MK2 (cho không quân hải quân), sau đó vào năm 2012, họ đã bắt đầu sản xuất trái phép J-16. Hiện nay, trong biên chế của không lực Trung Quốc (tính cả không quân hải quân) có từ 240-300 Su-27/J-11 (ít nhất ở 13 trung đoàn không quân) và không dưới 110 Su-30/J-16 (ít nhất trong 6 trung đoàn không quân). Những con số này đang tăng nhanh nhờ sản xuất J-11В và J-16.

Như vậy, xét về số lượng tiêm kích hạng nặng thế hệ 4, trong những năm tới, Trung Quốc chắc chắn sẽ giành vị trí số 1 thế giới, vượt qua cả Mỹ và Nga, hơn nữa các máy bay Trung Quốc lại mới hơn về vật lý so với các máy bay Nga và Mỹ.
J-11B làm nhái Su-27, sử dụng động cơ Nga 

Ngoài ra, họ tiêm kích Su-27 và các biến thể phái sinh của nó sẽ được bổ sung bằng các tiêm kích mới. Một là tiêm kích trên hạm J-15 sao chép từ mẫu T-10K mua từ Ukraine. Hiện nay, 2 mẫu J-15 đang bay thử trên tàu sân bay Liêu Ninh. Trung Quốc từng định mua để sao chép 2 tiêm kích trên hạm Su-33 (T-10K chính là một mẫu chế thử của Su-33), nhưng Moskva đã lần đầu tiên đủ can đảm từ chối Bắc Kinh. Tình thế tương tự đang xảy ra với Su-35S, tiêm kích hoàn thiện nhất của họ máy bay này. Trung Quốc đã muốn mua 4 máy bay, Nga thì hy vọng bán 48 chiếc. Chắc là hai bên đã thống nhất được con số 24 chiếc, mặc dù ở đây tất cả đều thừa biết là Trung Quốc sẽ sao chép động cơ của máy bay này (vấn đề hóc búa nhất mà Trung Quốc đang đối mặt) chứ không chỉ bản thân máy bay.
J-15 làm nhái Su-33, sử dụng động cơ Nga trên tàu sân bay Liêu Ninh

Tiêm kích hạng nhẹ của không lực Trung Quốc là J-10 được chế tạo trê cơ sở thiết kế bị bỏ dở Lavi của Israel (bản thân Lavi được phát triển dựa trên F-16 của Mỹ), nhưng với nhiều linh kiện của Nga. Hiện tại, Trung Quốc có 8 hoặc 9 trung đoàn không quân được trang bị 150-250 chiếc J-10, họ đang tiếp tục sản xuất J-10 và phát triển các biến thể mới. Chắc chắn, Trung Quốc sẽ chế tạo biến thể trên hạm của J-10.
J-10 chế tạo theo bản vẽ Lavi (F-16) của Israel, sử dụng động cơ Nga

Được các nước đặc biệt quan tâm là việc Trung Quốc thử nghiệm các máy bay J-20 và J-31. Nếu xét bề ngoài, chúng là các tiêm kích thế hệ 5: J-10 là loại tương tự F-22, còn J-31 tương tự F-35. Đồng thời, ai cũng biết là các động cơ của Trung Quốc thì cũng chưa hoàn toàn có thể coi dù là thế hệ 4, người ta cũng rất nghi ngờ liệu thiết bị avionics Trung Quốc có thể đáp ứng các thông số của máy bay thế hệ 5. Do đó, triển vọng của J-20 và J-31 chưa hoàn toàn rõ ràng. Mặt khác, kinh nghiệm của Mỹ cho thấy, toàn bộ khái niệm tiêm kích thế hệ 5 của Mỹ có thể là một nhánh phát triển bế tắc xét từ góc độ tiêu chí “chi phí-hiệu quả”.
J-20 bị nghi sử dụng công nghệ MiG 1.44 của Nga

Bởi vậy, với Trung Quốc, chỉ cần vài ngàn tiêm kích thế hệ 4 là có thể đã hoàn toàn đủ (sau độ 8-10 năm nữa, Trung Quốc sẽ có đủ số lượng này). Với số lượng tiêm kích đó, không lực Trung Quốc sẽ vươn lên đứng đầu thế giới. Việc sản xuất F/A-18E/F (vốn gần như đã chấm dứt) và F-35 đầy bê bối của Mỹ không đủ bù đắp việc loại bỏ F-15, F-16 và các biến thể đời đầu của F/А-18. Tệ hơn là với Nga khi việc mua sắm Su-35S cũng sẽ không cách nào bù đắp được việc loại bỏ Su-27 và MiG-29. Ngay cả việc đưa T-50 vào sản xuất nếu được thực hiện cũng sẽ không thay đổi được tình hình.
J-31 bị nghi sử dụng công nghệ F-35 đánh cắp và động cơ Nga

Trung Quốc sẽ vượt qua cả Mỹ, cả Nga về số lượng, trong khi không thua kém về chất lượng. Hơn nữa, tuổi trung bình của các tiêm kích Trung Quốc sẽ nhỏ hơn nhiều các tiêm kích của Mỹ và Nga. So sánh không lực Trung Quốc với không quân các nước khác (kể cả Nhật Bản, Ấn Độ và Đài Loan) thì ngay hiện nay đã là vô nghĩa.

Máy bay tiến công: vừa đông, vừa mới
Tình hình với lực lượng máy bay tiến công của Trung Quốc hơi kém hơn một chút không quân tiêm kích, mặc dù ở đây, tình thế đang nhanh chóng chuyển sang chiều hướng tốt hơn. Trung Quốc mới vừa dừng sản xuất cường kích Q-5 chế tạo trên cơ sở MiG-19. Ngoài ra, máy bay này đã nhiều lần được cải tiến, kể cả sử dụng thiết bị avionics phương Tây.

Hiện nay, trong trang bị của không lực Trung Quốc có gần 300 Q-5 những đời cuối. Số lượng này cũng gần tương đương số lượng A-10 của Mỹ và Su-25 của Nga. Các cường kích của Trung Quốc có chất lượng tồi hơn, nhưng về vật lý thì mới hơn.

Độ 100 máy bay ném bom chiến lược Н-6 (bản sao của Tu-16) những đời đầu chuyên mang vũ khí hạt nhân (bom hạt nhân) thì ngay cả hệ thống phòng không rất thường thường bậc trung chúng cũng không thể vượt qua nổi. Tuy vậy, trong thập niên 1990, Trung Quốc đã nhận được tên lửa hành trình chiến lược trang bị cho máy bay Kh-55 từ Ukraine và tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ từ Pakistan. Nhờ lai ghép 2 loại tên lửa này, một họ tên lửa hành trình, trong đó có tên lửa hành trình phóng từ trên không СJ-10, đã ra đời. Chúng được trang bị cho các biến thể mới nhất của Н-6 là Н-6Н (mang được 2 tên lửa), Н-6М (4 quả) và H-6K (6 quả). Không lực Trung Quốc có từ 60-70 máy bay này, tuy nhiên, việc sản xuất Н-6М và H-6K rõ ràng đã được tái tục (Trung Quốc đang mua động cơ D-30KP2 của Nga cho H-6K). Thoạt nhìn, việc đó có vẻ vô lý vì Tu-16 được chế tạo từ thập niên 1950. Mặt khác, họ cũng chẳng hề cần chế tạo một loại máy bay tối tân để mang phóng tên lửa hành trình tầm xa. Nói cho cùng thì В-52 của Mỹ cũng chẳng mới hơn, nhưng vẫn sẽ phục vụ được 30 năm nữa.

Máy bay ném bom chiến thuật chủ lực của không quân và không quân hải quân Trung Quốc là JH-7. Máy bay này không sao chép của ai, mặc dù hơi giống Su-24 của Liên Xô và Tornado của châu Âu. Hiện nay, trong biên chế 9 trung đoàn không quân Trung Quốc có 160-180 máy bay loại này, JH-7 vẫn đang tiếp tục được sản xuất. Về chất lượng, JH-7 thua kém Su-24, chứ chưa nói đến Su-34 và F-15Е, nhưng cả ở đây, Trung Quốc cũng có ưu thế số lượng và độ mới (về mặt vật lý).

JH-7

Ngoài ra, không quân tiến công Trung Quốc còn được bổ sung bởi vô số tên lửa đường đạn và nay là cả các tên lửa hành trình tầm bắn khác nhau thuộc biên chế của lục quân hay Lực lượng pháo binh 2 (ở đây, số lượng phải lên đến hàng ngàn), cũng như các máy bay không người lái (UAV) tiến công mà Trung Quốc trong những năm gần đây đang giới thiệu rất rộng rãi và với rất nhiều chủng loại. Đó là Yi Long rất giống MQ-1 Predator của Mỹ (nhưng chưa hề được Mỹ bán cho ai, ngay cả các đồng minh gần gũi nhất), WJ-600, cả một họ UAV СН (СН-3/4/91/92). Tất nhiên là có thể phỏng đoán rằng, một phần trong các UAV này chỉ là các maket, nhưng tốt nhất là đừng nuôi ảo tưởng.
Ưu thế bất ngờ 

Người Nga tiếc thay lại có rất nhiều ảo tưởng. Chẳng hạn, đến nay ở Nga vẫn phổ biến niềm tin vô lý là Trung Quốc đang sản xuất vũ khí trang bị, trong đó có máy bay, với số lượng rất nhỏ và chất lượng thấp. Trên thực tế, công nghiệp chế tạo máy bay quân sự Trung Quốc từ lâu đã đứng đầu thế giới về năng lực sản xuất. Trung Quốc mỗi năm đang sản xuất số lượng máy bay chiến đấu nhiều hơn ở tất cả 28 nước NATO, kể cả Mỹ, cộng lại. Họ đang đồng thời sản xuất J-11B, J-16, J-10, JH-7, Н-6M/K, cũng như J-7 và JF-17 để xuất khẩu. Sắp tới, danh sách này gần như chắc chắn sẽ có thêm J-15 và có thể cả J-20 và/hoặc J-31.

Ngoài ra, họ còn đang sản xuất các máy bay huấn luyện K-8 và L-15, máy bay vận tải Y-8 (đang rất thành công trong việc chiếm chỗ của An-12 của Liên Xô vốn là nguyên bản của Y-8 trên thị trường thế giới), đã chế tạo máy bay vận tải hạng nặng nội địa đầu tiên Y-20, loại máy bay sẽ trở thành địch thủ của Il-76 của Nga.

H-6M. H-6 là bản sao Tu-16 của Liên Xô, trang bị động cơ Nga

Hơn nữa, một khi tình hình quốc tế căng thẳng, công nghiệp hàng không Trung Quốc có khả năng gia tăng sản xuất hơn nữa máy bay chiến đấu, vận tải và chuyên dụng. Sự tụt hậu về chất lượng của các máy bay Trung Quốc so với các mẫu hiện đại hơn của phương Tây và Nga là rất nhỏ, nó không cho phép phương Tây và Nga có được ưu thế quan trọng nào. Hơn nữa, như đã nói ở trên, Trung Quốc đang bù đắp sự thua kém chất lượng không đáng kể này bằng số lượng vượt trội đáng kể và độ mới vật lý của máy bay.

Được đổi mới căn bản không kém trong hai thập niên qua còn có phòng không của quân đội Trung Quốc. Mặc dù, trong trang bị của lực lượng này đến nay vẫn có các hệ thống tên lửa phòng không HQ-2 (bản sao của S-75), cả trong lĩnh vực này, Nga cũng đã giúp Bắc Kinh đổi mới về chất vũ khí trang bị phòng không bằng cách cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không S-300P.

Trung Quốc đã mua tổng cộng 1 trung đoàn (2 tiểu đoàn) tên lửa phòng không S-300PMU (biến thể xuất khẩu của S-300PТ của Nga), 2 trung đoàn (mỗi trung đoàn có 4 tiểu đoàn) S-300PMU-1 (biến thể xuất khẩu của S-300PS của Nga) và 4 trung đoàn (15 tiểu đoàn: 3 trung đoàn x 4 tiểu đoàn và 1 trung đoàn có 3 tiểu đoàn) S-300PMU-2 (biến thể xuất khẩu của S-300PM của Nga). Đi cùng với chúng, họ đã mua 150 tên lửa phòng không có điều khiển 5V55R và 897 tên lửa 48N6 (một phần các tên lửa này đã bị tiêu hao trong các lần bắn thử và tập trận).

Một số nguồn tin có dẫn ra số lượng tiểu đoàn S-300 thuộc tất cả các biến thể nêu trên mà Trung Quốc đã mua của Nga lớn gấp đôi con số trên, nhưng vấn đề là ở chỗ tính bao nhiêu bệ phóng cho một tiểu đoàn. Tổng số bệ phóng rõ ràng là 160 (mỗi bệ lắp 4 tên lửa phòng không).

Trên cơ sở S-300 từ Nga, cũng như Patriot của Mỹ nhận được từ Israel, Trung Quốc đã chế tạo được hệ thống tên lửa phòng không nội địa HQ-9, còn trên cơ sở hệ thống tên lửa phòng không Buk của Nga (mặc dù ở dạng “nguyên khai” nó không được xuất khẩu sang Trung Quốc), họ làm ra HQ-16. Cả hai hệ thống này đang được sản xuất.

HQ-9 sử dụng công nghệ của S-300 và Patriot

Tóm lại, không lực và phòng không Trung Quốc ít ra là đã tương đương về năng lực so với Nga và đang tự tin đuổi sát Mỹ. Hơn nữa, trong cuộc đua với cả hai nước này, đặc biệt là Nga, các xu hướng rõ ràng nói lên ưu thế của Trung Quốc nhờ năng lực sản xuất khổng lồ và sự phát triển khoa học công nghệ rất nhanh. Thế giới biết rõ Trung Quốc đang tiến nhanh đến vị trí dẫn đầu kinh tế thế giới. Nhưng vì sao đó lại không muốn thấy những xu hướng tương tự trong lĩnh vực quân sự.

Nguồn:
Cuộc tấn công của công nghiệp hàng không Trung Quốc / Aleksandr Khramchikhin, Phó Giám đốc Viện Phân tích chính trị và quân sự //  VPK № 19 (487), ngày 22.5.2013.

Nhật Bản tăng cường lực lượng tiến công trên biển

VietnamDefence - Tàu sân bay trá hình Izumo mở đầu sự trở lại vị thế cường quốc quân sự của Nhật Bản.
Bắc Kinh quan tâm đến vấn đề Tokyo chuẩn bị phái các tàu sân bay trực thăng của mình đến bờ biển của ai (Bộ Quốc phòng Nhật Bản)
Tại Yokohama đã diễn ra lễ hạ thủy tàu chiến lớn nhất được đóng tại các xưởng đóng tàu Nhật Bản sau Thế chiến II. Về mặt chính thức, tàu có tên gọi “tàu khu trục chở trực thăng” lớp 22DDH, số hiệu DDH-183. Nhưng phần lớn báo chí dẫn cách phân loại tàu này trong ngoặc kép. Tàu có tên là Izumo. Trên thực tế, xét cả về lượng giãn nước lẫn thiết kế, đây là tàu sân bay trực thăng lớn, hiện đại mà chỉ cần vài tháng là có thể cải hoán thành tàu sân bay hạng nhẹ. Tàu có mặt boong bay phẳng chạy dài suốt thân tàu dài gần 250 m. Phần cấu trúc thượng tầng được dịch chuyển sang mạn phải.

Sự bất ngờ được trông đợi 
Đây đã là tàu sân bay trực thăng đổ bộ thứ ba trong biên chế Hải quân Nhật Bản vốn khó liệt vào loại tàu khu trục. Một số tờ báo gọi việc hạ thủy Izumo là “sự bất ngờ đối với các nước láng giềng của Nhật Bản”. Chưa chắc là thế. Về mặt ngân sách đóng tàu, Nhật Bản là nước khá cởi mở. Họ đã công bố những tính năng chính của các tàu được khởi đóng mới. Báo chí đưa tin, tàu 16DDH được khởi đóng vào tháng 5/2006, hạ thủy vào tháng 8/2007 và được đặt tên là Hyuga (Hyuga 16DDH, số hiệu DDH-181), đưa vào biên chế vào tháng 4/2009.

Ngay lúc đó, người ta đã nhắc đến sự khác biệt ở tên lớp tàu của Hyuga với diện mạo thực tế của nó. Về lượng giãn nước, “tàu khu trục” Hyuga lowpsn gấp 3 lần tàu khu trục bình thường. Tàu có boong dày từ mũi đến đuôi tàu và cấu trúc thượng tầng được dịch chuyển sang phải, tất cả giống hệt như các tàu sân bay.

DDH Hyuga lập tức được các chuyên gia coi là tàu đổ bộ vạn năng và thậm chí là tàu sân bay hạng nhẹ, với lượng gian nước đầy đủ 18.000 tấn, boong bay dài gần 200 m, có thể chở 11 trực thăng các loại. Hải quân Nhật đã thao dượt các nhiệm vụ đổ bộ quân với sự tham gia của Hyuga trong các cuộc tập trận, kể cả trong tập trận chung với các đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ

Tàu 18DDH, tàu cùng lớp thứ hai với Hyuga, được khởi đóng vào tháng 5/2008, hạ thủy vào tháng 3/2011 và đưa vào trang bị với tên Ise (Ise 18DDH, số hiệu DDH-182).

Liên quan đến Izumo, thì từ tháng 8/2009, trong dự thảo ngân sách tài khóa 2010, đã dự trù 116,6 tỷ yen để đóng một tàu mới lớp 22DDH với kích thước còn lớn hơn Hyuga: chiều dài 248 m, chiều rộng 39 m, lượng giãn nước tiêu chuẩn/đầy đủ 19.500/24.000 tấn. Dự kiến, Izumo được đưa vào biên chế vào năm 2014. Izumo có khả năng cho phép 5 trực thăng đồng thời cất và hạ cánh và bảo đảm hoạt động cho 9 trực thăng.

Izumo có thể đảm nhiệm các chức năng của tàu hậu cần, cụ thể là tiếp dầu cho các tàu cùng hoạt động khác. Trang thiết bị của tàu cho phép thực hiện các chức năng của tàu chỉ huy trong các chiến dịch cứu nạn ở nước ngoài, cũng như trong nước. Trên tàu có bệnh viện cho 35 bệnh nhân. “Tàu khu trục” Izumo, theo các chuyên gia, trong tương lai có thể sử dụng để triển khai các tiêm kích cất/hạ cánh thẳng đứng như F-35B.

Chuẩn bị cho các chiến dịch đổ bộ

Nhật Bản đã có lực lượng hải quân mà các chuyên gia đánh giá là một trong những hạm đội mạnh nhất cả về trang bị lần về huấn luyện quân nhân trong số các hạm đội trong khu vực. Tuy nhiên, Nhật không có lực lượng và phương tiện để tiến hành các chiến dịch đổ bộ thực sự. Nhược điểm này đang được khắc phục bằng cách đưa vào biên chế hạm đội “các tàu khu trục chở trực thăng”. Việc tiến hành các chiến dịch như vậy cũng bị “cản trở” bởi Hiến pháp vốn hạn chế hoạt động của lực lượng vũ trang Nhật chỉ trong phạm vi các chức năng phòng thủ, nên không cho phép Nhật Bản đóng các tàu sân bay. Bởi vậy, các tàu sân bay của họ từ khi còn trên giấy đã được ngụy trang thành tàu khu trục chở trực thăng.
Về mặt chính thức, giới cầm quyền Nhật tuyên bố, nước này không có kế hoạch sử dụng Izumo vào mục đích tiến công. Tuy nhiên theo các phóng viên Nhật Bản, các nước láng giềng của Nhật Bản, cụ thể là Trung Quốc và Hàn Quốc phản ứng rất tiêu cực trước tin hạ thủy tàu sân bay trực thăng đổ bộ tiếp theo của Nhật Bản. Các tin bài của phóng viên thường trú báo Asahi từ Bắc Kinh và Seoul cho thấy điều đó. Các tin bài đó ghi nhận phản ứng tiêu cực mạnh mẽ trên báo chí Trung Quốc và Hàn Quốc đối với việc tăng cường lực lượng hạm tàu của Hải quân Nhật Bản. Điều đó được đánh giá là “sự trở lại với đường lối quân phiệt”.
Phóng viên thường trú Asahi ở Bắc Kinh cho biết, các tờ báo Trung Quốc đăng các bức ảnh chụp lễ hạ thủy lên trang nhất và nói Izumo “thực tế là tàu sân bay”. Phóng viên này dẫn lời một chuyên gia Trung Quốc, người đã tuyên bố trên kênh truyền hình trung ương rằng, Izumo có thể hoạt động như một tàu sân bay tiêu chuẩn chỉ sau 2 tháng hiện đại hóa. Báo chí Trung Quốc khẳng định rằng, “khả năng tiến công của Izumo sẽ lớn hơn nhiều khi triển khai trên tàu cá tiêm kích cất/hạ cánh thẳng đứng F-35B”.

Trung, Hàn mong chờ Nhật hối hận 
Lễ hạ thủy tàu sân bay trực thăng Izumo (Bộ Quốc phòng Nhật Bản)
Các phóng viên Nhật Bản từ Bắc Kinh đưa tin, người Trung Quốc tức giận với việc tàu chiến hiện đại lớn nhất của Nhật Bản lại kế thừa cái tên của một chiến hạm từng tham gia cuộc xâm lược của quân phiệt Nhật ở Trung Quốc. “Một tuần dương hạm thời Nhật Bản xâm lăng Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai” (thập niên 1930) từng có cái tên này. Tình cảm của người Trung Quốc có thể hiểu được vì đây là cái lý do cay đắng để họ nhớ lại những kinh hoàng và tủi nhục mà nhân dân Trung Quốc đã trải qua trong những năm Nhật xâm lược Trung Hoa.

Người Nhật Bản cũng đã gây ra nhiều tội ác chiến tranh ở các nước láng giềng khác, trong đó có những tội ác chống nhân dân Triều Tiên. Trong 35 năm thôn tính Triều Tiên, có đến 1 triệu người Triều Tiên đã bị đưa sang Nhật để lao động nô lệ trong các hầm mỏ và làm đường.

Hoài tưởng quá khứ 
Truyền thống truyền thừa tên gọi của các hạm tàu hết hạn sử dụng cho các tàu mới đóng tồn tại ở nhiều nước giống như những truyền thống hải quân chung. Ở Nhật Bản có truyền thống quốc gia riêng là đặt tên các hạm tàu tốt nhất của mình theo tên các tỉnh cổ xưa của đất nước. Hyuga, Ise, Izumo chính là các tỉnh như vậy.

Hiện nay, đang xuất hiện làn sóng tình cảm quân phiệt mới ở Nhật Bản. Có thể nhắc những người ủng hộ tăng cường quân bị Nhật hớ đến số phận của những chủ lực hạm lớp Yamato được khởi đóng vào cuối thập niên 1930 và được đặt tên theo truyền thống này và từng được coi là những “siêu pháo hạm vô địch”. Chúng phải bảo đảm sự thống trị của Nhật Bản trên vùng biển Thái Bình Dương. Tàu đầu tiên của lớp này là Yamato đã được khởi đóng vào tháng 11/1937, tàu thứ hai là Musashi - vào tháng 3/1938, tàu thứ ba là Shinano - vào tháng 5/1940.

Yamato và Musashi được đưa vào biên chế vào đầu chiến tranh. Shinano được đóng hoàn thiện vào năm 1944 những đã là một tàu sân bay. Khi trông cậy vào các chủ lực hạm, các nhà lý luận quân sự Nhật Bản đã tính sai, các tàu sân bay đã bắt đầu quyết định chiến thắng trong các trận hải chiến. Các cuộc tấn công từ trên không đã đánh đắm Musashi vào tháng 10/1944 ở vịnh Leyte, và Yamato vào tháng 4/1945 trong trận đánh giành giật Okinawa. Cả hai “siêu pháo hạm vô địch” đã chìm nghỉm xuống đáy biển do các cuộc tấn công của máy bay mặc dù phải ghi nhận lòng dũng cảm của các thủy binh Nhật Bản. Mỗi chiến hạm “vô địch” này đã bị trúng hơn chục quả ngư lôi và những quả bom lớn.

Tàu sân bay Shinano còn không may hơn các chủ lực hạm cùng lớp. Sau khi chạy thử, trên đường hành quân từ vịnh Tokyo đến nơi trú đóng ở căn cứ hải quân Kure, nó đã bị tàu ngầm Mỹ USS Archer-Fish đánh đắm vào ngày 29/11/1944 chỉ bằng 4 quả ngư lôi.

Mục tiêu - sửa đổi hiến pháp 

Những người ủng hộ đường lối quân sự hóa trong giới cầm quyền Nhật Bản không hài lòng với hiến pháp sau chiến tranh hiện hành có hiệu lực từ ngày 3/5/1947 vốn tuyên bố từ bỏ chiến tranh. Theo điều 9 hiến pháp “Nhân dân Nhật Bản mãi mãi từ bỏ chiến tranh như một quyền chủ quyền của một quốc gia, cũng như từ bỏ đe dọa hoặc sử dụng sức mạnh vũ trang như một phương tiện giải quyết các tranh chấp quốc tế”.

Hiến pháp Nhật Bản còn độc đáo ở chỗ viết: “Quyền của nhà nước tiến hành chiến tranh không được thừa nhận”. Những thành tựu kinh tế sau chiến tranh của Nhật Bản có được phần nhiều là do họ hầu như không tham gia cuộc chạy đua vũ trang trên thế giới. Đây là chính sách có tính toán được củng cố bẳng những biện pháp cụ thể, ví dụ như việc cấm xuất khẩu vũ khí, hạn chế chi phí quân sự ở mức 1% GDP.
Izumo chỉ là một tín hiệu nhỏ về sự chuyển hướng của Nhật Bản về hướng quân sự hóa. Hiến pháp, điều khoản chống chiến tranh của nó đang cản trở điều đó. Với thắng lợi trong cuộc bầu cử Hạ viện vào tháng 12/2012 và sự trở lại nắm quyền của đảng Dân chủ Tự do, chủ tịch đảng này và Thủ tướng Shinzo Abe tỏ rõ ý định sửa đổi hiến pháp. Chiến thắng của đảng Dân chủ Tự do trong cuộc bầu cử Thượng viện càng làm ông Abe tin tưởng vào khả năng này vì nay đảng này kiểm soát hoàn toàn quốc hội Nhật.

Tuy nhiên, những sửa đổi hiến pháp Nhật theo điều 96 được chấp thuận với sự đồng ý của chưa đến 2/3 thành viên lưỡng viện. Đảng Dân chủ Tự do và Shinzo Abe không có đa số đó và theo báo chí, để đạt được mục đích của mình, ông đang tìm kiếm đồng minh là trong số các đảng nhỏ trong quốc hội.

Hiện tại, đằng sau màn khói thuật ngữ tàu bè, bằng cách gọi tàu sân bay là tàu khu trục, Nhật đang chuẩn bị hạm đội của mình cho việc tiến hành các chiến dịch tiến công. Việc thảo luận trên báo chí về khả năng “tấn công phủ đầu” nhằm vào các mục tiêu đe dọa Nhật Bản cho thấy điều đó.

Bên cạnh việc thảo luận, cũng có những bước đi thực tiễn. Chính phủ của đảng Dân chủ Tự do lên nắm quyền vào tháng 12/2012 đã quyết định đóng băng việc thực hiện Chương trình dài hạn xây dựng quân đội vốn được thông qua vào tháng 12/2010 bởi chính phủ cầm quyền hồi đó của đảng Dân chủ Nhật Bản. Theo tờ Mainichi, chính phủ của đảng Dân chủ Tự do dự định xây dựng một chương trình của mình, cứng rắn hơn, tăng cường lực lượng vũ trang” và công bố nó vào tháng 12/2013.  
Nguồn: Hướng tới các tàu sân bay / Nikolai Tebin // NVO, 30.8.2013.

Việt Nam để mắt đến các hệ thống tác chiến điện tử tối tân

VietnamDefence - Bộ Quốc phòng Việt Nam đang xem xét khả năng mua các hệ thống chế áp vô tuyến điện tử tối tân của Liên hiệp khoa học-sản xuất (NPO) Kvant, hai trang tin quân sự Nga Rostec, Military-informant đưa tin ngày 14.9.2013.
Trạm chế áp vô tuyến điện tử 1L269 Krasukha-2 (militaryrussia.ru)

Một đoàn chuyên gia Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng với các quan chức của hãng xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronoexport sẽ đến thành phố Veliky Novgorod.  Mục đích của chuyến đi là thăm một trong các công ty quốc phòng hàng đầu của Nga là NPO Kvant, nằm trong thành phần tập đoàn KRET.

Theo bộ phận báo chí của Kvant, phía Việt Nam đã tỏ ý muốn tìm hiểu các phương tiện tác chiến điện tử hiện đại và tương lai mà NPO Kvant đang sản xuất. Do đó, các hệ thống tác chiến điện tử sẽ được giới thiệu cho phái đoàn Việt Nam.

Sau đó, tại trường thử của Kvant sẽ giới thiệu hoạt động của các hệ thống của tổ hợp tác chiến điện tử ở chế độ trình diễn thu, phát tín hiệu vô tuyến và gây nhiễu. Chuyến thăm được ấn định vào ngày 18/9/2013.

Dự kiến, phái đoàn Việt nam sẽ được giới thiệu cả trạm chế áp điện tử tối tân nhất 1L269 Krasukha-2.
Trạm chế áp vô tuyến điện tử 1L269 Krasukha-2 (rostech.ru)

1L269 Krasukha-2 là trạm chế áp điện tử kết hợp module gây nhiễu mặt đất chuẩn hóa dùng để bảo vệ các mục tiêu trước radar hàng không trong đội hình các tiểu đoàn tác chiến điện tử. Việc thử nghiệm nhà nước đối với Krasukha-2 đã hoàn thành vào năm 2009.

Tập đoàn KRET (Công nghệ vô tuyến điện tử) được thành lập vào năm 2009, tập hợp hơn 50 xí nghiệp của ngành công nghiệp vô tuyến điện tử của Nga.

Cuối năm 2012, Hội đồng Giám sát Tổng công ty Rostekhnology (Công nghệ Nga) đã quyết định đưa tập đòa Aviapriborostroenie vào thành phần KRET.

Rostekhnology sở hữu 100% cổ phần của công ty KRET. 

Nguồn: Rostec, Military-informant, 14.9.2013.

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Liệu tuyên bố "không ra tay không được "của Nga có làm Mỹ "chùn bước"?

Phải chăng đã đến lúc bị dồn nén, Liên bang Nga buộc phải quyết đoán, quyết liệt, không ra tay không được của một cường quốc quân sự đẳng cấp thế giới?
Kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, lấy danh nghĩa chống khủng bố, chống phát triển vũ khí giết người hàng loạt, Mỹ đã tiến hành không dưới 4 cuộc chiến tranh để và đã thực hiện thay đổi chính quyền ở 3 quốc gia.

Từ kinh nghiệm của 4 cuộc chiến tranh này, chúng ta nhận thấy rõ là cái gì cũng có thể lặp lại như nguyên nhân gây chiến chẳng hạn…, nhưng tính chất, tình thế chiến tranh thì không, bởi lẽ. khu vực tác chiến hay nói cách khác địa chiến lược, địa chính trị khu vực tác chiến không hoàn toàn giống nhau.

Chính lẽ đó, cuộc chiến tại Syria mà Mỹ có thể gây ra hoàn toàn khác với Libi và Irac cho dù cái cớ để gây ra có chiêu bài gần giống nhau, cho nên chúng ta không ngạc nhiên khi thấy rằng, nếu như tại Irac, Libi, nước Anh cùng vào cuộc với Mỹ thì tại Syria, Anh bỏ cuộc, còn Pháp lại tiên phong cùng Mỹ sẵn sàng tham chiến.

Cuộc chiến địa chính trị

Syria với Nga không những có một địa chiến lược quan trọng mà trong tình hình hiện nay Syria là cuộc chiến địa chính trị cuối cùng tại Trung Đông của Nga với Mỹ.

Nếu như chính quyền của Tổng thống Assad sụp đổ, Nga không còn một chút ảnh hưởng nào ở Trung Đông, đồng thời sự phụ thuộc về năng lượng Nga của EU cũng theo đó giảm mạnh bởi một loạt các đường ống dẫn khí đốt của các nước quanh vùng Vịnh qua Syria sẽ đến với EU.

Thử hỏi, khi kinh tế Nga chủ yếu nhờ vào xuất khẩu năng lượng và vũ khí thì sức mạnh răn đe của Nga là gì? Vị thế của Nga ở đâu?

Năm 2009, ông Assad đã từ chối ký kết một thỏa thuận với Qatar về việc xây dựng một đường ống dẫn dầu trên đất liền chạy từ vùng Vịnh qua Syria để đến châu Âu, nhằm bảo vệ lợi ích của Nga - đồng minh của Syria và cũng là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất của châu Âu.

Và, vừa rồi Nga từ chối thẳng thừng “kiểu mặc cả với Nga trên lưng Syria” của Ảrập Xêút khiến cho một một chính trị gia người Syria cảm kích nói: "Ảrập Xêút nghĩ rằng chính trị đơn giản chỉ là vấn đề mua chuộc con người hoặc đất nước. Họ không hiểu rằng Nga là một cường quốc và đó không phải là cách Nga thực hiện các chính sách của mình. Syria và Nga có mối quan hệ gần gũi trên nhiều lĩnh vực trong hơn nửa thế kỷ qua và đồng rial của Arập Xêút sẽ chẳng thể thay đổi thực tế đó".

Vì thế, Syria với Nga không chỉ là đồng minh thân cận mà còn là một vũ khí địa chính trị ở Trung Đông, là “làn ranh đỏ” của an ninh quốc gia và danh dự quốc thể. Nga buộc phải làm tất cả trong khả năng có thể để bảo vệ Syria hoặc ít nhất buộc ai đó phải trả giá đắt.
Tàu khu trục Nastoychivyy của Hải quân Nga
Tàu khu trục Nastoychivyy của Hải quân Nga

Tuyên bố sắc lạnh của Nga
Trong tình hình Syria bị Mỹ và đồng minh đổ tội cho sử dụng VKHH vào ngày 21/8 giết hại hơn 1400 dân thường và chuẩn bị tấn công trừng phạt thì ngày 28/8, Tổng thống Nga Putin đã ra lệnh cho lực lượng vũ trang Liên bang Nga sẵn sàng thực hiện "một cuộc tấn công quân sự lớn" chống lại Ảrập Xêút trong trường hợp phương Tây tấn công Syria (EU Times ngày 28/8).

Tuyên bố của TT Putin đã khiến Ảrập Xêút hoảng sợ và lập tức báo động chuyển trạng thái quân đội từ cấp 5 lên cấp 2. Hơn ai hết, chỉ có Arap Xeut mới hiểu vì sao mình sợ. Nga yếu hơn Mỹ, nhưng các cuộc tập trận quy mô lớn của Nga thể hiện vừa qua cũng đủ sức dạy cho Ảrập Xêút một bài học về thói coi trời bằng vung, dám khiêu khích đe dọa khủng bố nước Nga.

Nếu như Mỹ tấn công Syria vì một chứng cứ không chắc chắn để thuyết phục HĐBA và thế giới thì Nga tấn công Ảrập Xêút với một lý do mà ngay cả Mỹ cũng phải chấp nhận dù rất miễn cưỡng khi đưa ra HĐBA, đó là: “Tấn công tiêu diệt bọn khủng bố và các quốc gia nào chứa chấp, dung túng, bọn khủng bố”. Đây là lý do chính đáng và duy nhất được thế giới và HĐBA đồng thuận do Mỹ phát động sau ngày 11/9/2011.

Tại sao Arập Xêút là rơi vào đối tượng này?

Chuyến thăm Nga gặp TT Putin của Hoàng tử Ảrập Xêút Bandar bin Sultan, người đã đe dọa rằng, nếu Nga không chấp thuận sự thất bại của Syria, Ảrập Xêút sẽ "mở xích" cho những kẻ khủng bố Chechnya nằm dưới sự kiểm soát của họ để gây ra những cái chết hàng loạt và sự hỗn loạn trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa đông diễn ra từ ngày 7-23/2/2014 tại Sochi, Nga", đã chứng minh và khẳng định rõ ràng điều đó.

Ngày 4/9 Nga tuyên bố ủng hộ một cuộc tấn công quân sự vào Syria với 2 điều kiện. Một là phải có chứng cứ rõ ràng, nghĩa là ai sử dụng, sử dụng như thế nào và bằng cách nào có được chứng cứ đó, trình lên HĐBA. Hai là phải được HĐBA đồng ý.

Tuyên bố này của Nga chắc chắn là vô hại với Syria, đương nhiên là thế, bởi vì Nga tin chắc không thể có 2 điều cùng lúc, nhưng với Mỹ và Ảrập Xêút thì lại khác.

Có thể bây giờ khi Mỹ tấn công Syria, Nga chưa đủ khả năng và các yếu tố khác để tấn công trả đũa Mỹ vào Ảrập Xêút nhưng trong thế vận hội mùa đông ở Nga sắp tới, nếu bị tấn công khủng bố, khiến vận động viên thế giới bỏ mạng thì Ảrập Xêút phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Một bài toán rất khó cho Mỹ, đặc biệt, khi có cả vận động viên người Mỹ cũng bị bỏ mạng. Lúc đó, liệu Mỹ có tuyên bố ủng hộ tấn công quân sự vào Ảrập Xêút như Nga đã từng với Syria hay không?

Nhưng, có khủng bố xảy ra không, ai gây ra…thì khó đoán, vì chính trị là thủ đoạn, ngay việc sử dụng VKHH ở Syria làm chết hơn 1400 người dân vô tội để có tình hình Syria như bây gờ…thì người ta vẫn làm.

Tuyên bố của Nga chẳng khác nào “trói” Mỹ, “trùm chăn” Ảrập Xêút để tấn công Ảrập Xêút nếu trong thế vận hội mùa đông sắp tới có vấn đề khủng bố xảy ra. Đây là một tuyên bố khôn ngoan nhưng rất sắc lạnh với Ảrập Xêút.

Như vậy tình hình xảy ra gần đây cho thấy, dù tương quan lực lượng không còn giống như Liên Xô và Mỹ trước đây nhưng hiện nay Nga vẫn là đối thủ chính của Mỹ. Khi đụng đến lợi ích quốc gia quá lớn, an ninh quốc gia bị thách thức mang tính sống còn thì Nga không ngại “chơi rắn”, Grudia là một minh chứng.

Syria với Nga không phải vì tiền, nếu vì tiền Nga đã “ngả giá” xong xuôi với Ảrập Xêút.

Nếu ai đó cho rằng đã quá muộn khi Nga cung cấp S-300 cho Syria, nếu ai đó cho rằng việc Nga “tóm sống” tên lửa Ixrael phóng từ Địa Trung Hải…là không giải quyết được gì cho đồng minh Syria thì quả là ngây thơ về chính tri và ấu trĩ về quân sự. Nga không để cho Mỹ trả giá rẻ rề chừng 3 đến 4 trăm triệu USD như ông bộ trưởng quốc phòng Mỹ dự kiến đâu, giá đắt hơn nhiều đấy.

Không tin, hãy coi hành động của Mỹ. Chưa bao giờ đi “trừng phạt” mà TT Mỹ đi làm “thủ tục hành chính” lại rườm rà đến vậy. Mỹ phải cần thời gian để tính đến phản ứng của Nga, của Iran, tính đến ngọn lửa sẽ cháy đến đâu, dập tắt nó được không…bởi Syria là một quốc gia có vũ khí hóa học giết người hàng loạt.

Phải chăng tấn công vào Syria sẽ kéo theo một hệ lụy không thể đoán định được, một câu hỏi về tình hình Trung Đông ra sao sẽ rất khó trả lời mà Vương quốc Anh đã sáng suốt dừng cuộc chơi?

Sẽ rất đơn giản để Mỹ dừng cuộc chơi một cách đàng hoàng, bảo toàn danh dự khi chấp nhận kết quả điều tra của phái đoàn LHQ công bố là, sử dụng VKHH không phải quân đội của TT Assad.

Đó là hy vọng của những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
PVĐV 

Tranh chấp Biển Đông: Những tính toán chiến lược và triển vọng giải quyết xung đột

Nếu như lãnh thổ nước Đức là chiến tuyến trong thời kỳ Chiến tranh lạnh thì Biển Đông cũng có thể trở thành giới tuyến quân sự trong những thập kỷ tới. Xét về thực chất, đã xuất hiện một cuộc đối đầu không trực diện giữa Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông.
Những nét khái quát
“Nếu như lãnh thổ nước Đức là chiến tuyến trong thời kì Chiến tranh lạnh thì Biển Đông cũng có thể trở thành giới tuyến quân sự trong những thập kỷ tới. Ngày nay thế giới đa cực là một đặc điểm của ngoại giao và kinh tế nhưng Biển Đông có thể sẽ cho thấy một cách nhìn khác về khái niệm đa cực” – Robert Kaplan, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về các vấn đề chiến lược.
“Về thực chất đã xuất hiện một cuộc đối đầu không trực diện giữa Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông”– Tướng Li Qing Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách An ninh Quốc gia Trung Quốc.
“Nếu các nước không muốn thay đổi cách hành xử  của họ với Trung Quốc, họ cần phải chuẩn bị sẵn sàng để nghe âm thanh của đại bác. Đó có thể là cách duy nhất để giải quyết những tranh chấp trên vùng biển này” – Bình luận của Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo của cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, tháng 11 năm 2011.
An ninh và sự ổn định của Châu Á – Thái Bình Dương trong thế kỷ 21 bị đe dọa một cách nghiêm trọng bởi việc xây dựng lực lượng quân sự quá mức cần thiết của Trung Quốc mặc dù không hề có những mối đe dọa rõ ràng đối với an ninh của quốc gia này. Khát vọng muốn cân bằng chiến lược với Mỹ ở cả sân chơi quyền lực toàn cầu lẫn ưu thế chiến lược vượt trội tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã trở thành động lực cho Bắc Kinh.
Chính vì vậy, hậu quả tất yếu có thể thấy là các tranh chấp trên Biển Đông một lần nữa lại nóng lên với những diễn biến leo thang do chính sách "bên miệng hố chiến tranh" đầy khiêu khích của Trung Quốc, việc sử dụng sức mạnh quân sự và chính trị  để cưỡng ép các quốc gia Đông Nam Á nhỏ và yếu hơn về mặt quân sự, những nước đang bị Trung Quốc thách thức về yêu sách chủ quyền.
Các tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á vốn đã tồn tại từ nhiều thập kỷ, nay càng nóng lên từ năm 2008-2009, nhất là sau khi Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” và sẵn sàng tiến hành chiến tranh để bảo vệ vùng chủ quyền mà nước này yêu sách. Những khẳng định này của Trung Quốc không gây ngạc nhiên cho cộng đồng quốc tế bởi nó đi kèm với những việc làm của Trung Quốc và khuynh hướng sử dụng xung đột để giải quyết tranh chấp lãnh thổ thay vì các sáng kiến giải quyết xung đột.
Tranh chấp Biển Đông ngày nay không chỉ còn là xung đột giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ASEAN về các yêu sách mâu thuẫn ở Biển Đông nơi mà Trung Quốc khẳng định có chủ quyền lịch sử đối với toàn bộ Biển Đông, quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và những bãi đất nằm rải rác trong vùng biển này.
Các tranh chấp trên Biển Đông, đúng như Trung Quốc lo ngại, đã trở thành vấn đề quốc tế. Nếu gạt sang một bên những tuyên bố chủ quyền còn cần tiếp tục xem xét của các bên tranh chấp, vấn đề Biển Đông nay đã được nâng tầm trở thành những quan ngại toàn cầu đối với việc “bảo vệ cáctài sản chung toàn cầu”; “tự do đi lại ngoài khơi”; “sử dụng không hạn chế các tuyến đường biển quốc tế”. Vì vậy những tranh chấp hiện nay đã chuyển từ xung đột lợi ích giữa Trung Quốc với ASEAN thành tranh chấp giữa Trung Quốc với Mỹ và với cả cộng đồng quốc tế, các bên có lợi ích liên quan đối với việc sử dụng không hạn chế các tuyến hàng hải quốc tế ở Biển Đông.
Về mặt địa - chiến lược thì Biển Đông không phải là “vùng biển nội địa của Trung Quốc”. “Về mặt chiến lược và quân sự thì Biển Đông có vị trí then chốt trong việc kiểm soát không chỉ Đông Nam Á mà còn có thể kiểm soát cả khu vực Nam và Đông Á”
Với tầm quan trọng chiến lược như vậy, việc mở rộng tuyến đường biển ra toàn bộ khu vực Tây Thái Bình Dương tạo ra các tình huống cạnh tranh sức mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc. Tây Thái Bình Dương bao gồm cả vùng Biển Đông nơi mà Mỹ vẫn có ưu thế vượt trội cho đến nay. Nước Mỹ chưa hề có ý định sẽ từ bỏ ưu thế chiến lược này.
Tây Thái Bình Dương cũng có vai trò quan trọng đối với Trung Quốc trong trường hợp nước này muốn phá vỡ thế bao vây quân sự của hải quân Mỹ. Các xung đột trên Biển Đông gia tăng một phần cũng bắt nguồn từ cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung.
Chính sách “bên miệng hố chiến tranh” hiếu chiến của Trung Quốc đối với các xung đột ở Biển Đông gia tăng chủ yếu trong hai thập niên Mỹ lơ là chiến lược đối với Tây Thái Bình Dương, do bị phân tán lược lượng quân sự tại Balkans, Afganistan và Iraq. Điều này đã tạo điều kiện cho Trung Quốc xây dựng lực lượng hải quân nhanh chóng mà không bị Mỹ ngăn cản. Chính việc hiện đại hóa quân đội và hải quân đang được thể hiện trong các xung đột Biển Đông ngày nay.
Thêm vào đó, tư tưởng “phòng tránh rủi ro” và “chiến lược phòng ngừa Trung Quốc” của Mỹ là những nhân tố khiến Trung Quốc tin rằng các hành vi gây hấn trên Biển Đông của nước này sẽ không bị Mỹ thách thức.
Những động thái gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông không chỉ tập trung để chiếm hữu nguyền tài nguyên hyđrô-cácbon khổng lồ dưới đáy Biển Đông. Trung Quốc có những mục tiêu chiến lược trong việc leo thang xung đột Biển Đông, cần phải đặt trong bối cảnh Đại chiến lược của Trung Quốc để hiểu.
Đại chiến lược của Trung Quốc có hai mục tiêu lớn nhất quyết định chiến lược ở Biển Đông, đó là, (1) Buộc Mỹ phải ra khỏi Đông Á và Tây Thái Bình Dương bằng cách gây hao mòn chiến lược và chính trị hoặc đẩy Mỹ vào tình thế bị động chiến lược bằng chính sách bên miệng hố chiến tranh hiếu chiến trên tất cả các vùng biển Tây Thái Bình Dương; (2) Tăng cường sức mạnh hải quân Trung Quốc để thu hẹp khoảng cách với ưu thế hải quân vượt trội của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Mục tiêu rộng hơn là tạo ra khả năng triển khai lực lượng không chỉ ở vùng duyên hải của Trung Quốc mà còn cả ở Ấn Độ Dương.
Đại chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông xoay quanh ba trụ cột, đó là: (1) Đánh phủ đầu/chống lại/cản trở việc quốc tế hóa những tranh chấp trên Biển Đông bằng mọi giá; (2) Chia rẽ đoàn kết ASEAN nhằm ngăn chặn khu vực hóa những tranh chấp này; (3) Duy trì các tranh chấp trên Biển Đông luôn ở mức độ áp lực vừa phải để Mỹ không thể trực tiếp can thiệp quân sự, nhưng vẫn đủ để gây sức ép chiến lược.
Tiềm ẩn trong chính sách “bên miệng hố chiến tranh”  là nguy cơ tính toán sai lầm hoặc đi quá xa của Trung Quốc trong những động thái chiến lược tại Biển Đông, và do đó có thể sẽ châm ngòi những xung đột vũ trang. Hiển nhiên đến một mức độ nào đó, Mỹ sẽ buộc phải can thiệp để bảo vệ ưu thế chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương và bảo vệ an ninh cho các đồng minh quân sự của mình cũng như bảo vệ những mối quan hệ chiến lược mới trong khu vực.
Đây là khuôn khổ chiến lược mà các xung đột Biển Đông phải được nhìn nhận trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21. Ngày nay, kinh tế và an ninh năng lượng dường như chỉ là thứ yếu. Các yếu tố chiến lược giờ có thể làm lu mờ những tranh cãi về pháp lý và chủ quyền trên khu vực Biển Đông.
Bài viết này nghiên cứu những tác động chiến lược nảy sinh từ tranh chấp Biển Đông cả ở cấp độ toàn cầu lẫn khu vực.
Thông thường thì những tác động chiến lược đối với khu vực sẽ được nghiên cứu trước, và sau đó là những tác động của chúng tới sân chơi quyền lực toàn cầu. Trong bài này, những tác động chiến lược ở cấp độ toàn cầu sẽ được đem ra bàn thảo trước bởi có lý do cho thấy rằng những hệ lụy chiến lược toàn cầu đang ngày càng trở nên quan trọng hơn và những hệ lụy đối với khu vực có thể gộp chung vào với những hệ lụy toàn cầu.
Tranh chấp Biển Đông: những tác động chiến lược toàn cầu
Những tranh chấp trên Biển Đông ngày nay không chỉ là vấn đề của khu vực Đông Á, Tây Thái Bình Dương và châu Á – Thái Bình Dương nữa. Chuỗi những diễn biến trong tranh chấp trên Biển Đông đã đưa vấn đề vượt ra ngoài phạm vi khu vực, thu hút sự quan tâm của các chủ thể quốc tế có liên quan đến những tranh chấp này.
Sự chia rẽ trong nội bộ các nước Đông Á và việc các nước này không đủ tiềm lực quân sự để có thể ngăn chặn dù là những động thái gây hấn nhỏ nhất của Trung Quốc trên Biển Đông đã mở đường cho các chủ thể bên ngoài bước chân vào khu vực và đứng về phía các quốc gia xung quanh Trung Quốc. Mỹ chính là cường quốc đối trọng và Nhật Bản cùng với Ấn Độ có thể xem là những đối tác giúp Mỹ gia tăng uy thế tại Châu Á – Thái Bình Dương, kiềm chế chính sách “bên miệng hố chiến tranh” không giới hạn của Trung Quốc.
Nga, một cường quốc Châu Á – Thái Bình Dương. cũng tham gia vào để thực hiện mục tiêu này. Nga đã tuyên bố xoay trục chiến lược về Châu Á – Thái Bình Dương, tuy nhiên vấn đề thời điểm và các ý định của Nga vẫn còn đang được tranh cãi.
Trong ván cờ ở Biển Đông hiện nay không chỉ có những hành động rõ ràng của Mỹ nhằm hạn chế Trung Quốc mà còn có những động thái thăm dò đầu tiên của Nhật Bản và Ấn Độ để đối phó với Trung Quốc về mặt chính trị nếu không phải là quân sự.
Chính sách “bên miệng hố chiến tranh” của Trung Quốc và việc sử dụng vũ lực trong các cuộc xung đột Biển Đông đã làm gia tăng quan ngại của Châu Á về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Trung Quốc không phải là thành viên có trách nhiệm đối với an ninh và ổn định ở Châu Á - đây là quan niệm đã bắt đầu bén rẽ trong nhận thức của các nước Châu Á. 
Đây là một chủ đề rất lớn do đó chỉ những tác động chiến lược toàn cầu quan trọng nhất của tình trạng leo thang tranh chấp Biển Đông mới được đề cập. Các tác động này bao gồm:
  • - Xung đột Biển Đông dẫn đến phân cực Châu Á và thúc đẩy một cấu trúc cân bằng quyền lực mới ở Châu Á – Thái Bình Dương
  • - Tác dụng phụ lớn nhất của xung đột Biển Đông: Tây Thái Bình Dương không còn “Thái Bình” nữa
  • - Các phản ứng của quốc tế đối với chính sách “bên miệng hố chiến tranh” ngày càng leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông
  • - Tác động chiến lược nổi bật nhất: Trung Quốc gây ra một cuộc Chiến tranh lạnh mới ở Châu Á – Thái Bình Dương
Xung đột Biển Đông dẫn đến phân cực Châu Á và thúc đẩy cấu trúc cân bằng quyền lực mới ở Châu Á – Thái Bình Dương
Sự phân cực chiến lược Châu Á ngày nay được thúc đẩy bởi các quan điểm xung đột và đối kháng của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông. Cùng với sự phân cực Châu Á này là sự xuất hiện các cấu trúc ‘cân bằng quyền lực’ mới ở Châu Á – Thái Bình Dương.
"Tham vọng chiến lược của Trung Quốc về sự trỗi dậy của trật tự Châu Á trong đó Trung Quốc đóng vai trò trung tâm dường như chắc chắn sẽ thất bại nếu xét theo đánh giá chiến lược hiện nay về môi trường an ninh ở Châu Á. Sự thay đổi trong Đại chiến lược của Trung Quốc từ việc dựa vào  'sức mạnh mềm' chuyển sang triển khai 'sức mạnh cứng' dường như đã tạo ra một sự phân cực chiến lược ở Châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời củng cố nhận định về Mối đe doạ Trung Quốc bao trùm khắp khu vực."
Việc Trung Quốc đe doạ quân sự, gây sức ép cả về chính trị lẫn quân sự trong tranh chấp Biển Đông với các nước láng giềng ASEAN - những nước trong hàng thập kỷ đã cùng nỗ lực hợp tác với Trung Quốc thông qua các cơ chế đối thoại của ASEAN - không những đã phản bội niềm tin của ASEAN, mà còn xói mòn uy tín của Trung Quốc trong việc trở thành nước láng giềng có trách nhiệm và yêu chuộng hoà bình đối với các nước ASEAN.
Nhìn từ góc độ lịch sử, Châu Á - Thái Bình Dương đã chứng kiến nhiều hình mẫu 'cân bằng quyền lực' khác nhau trong quá khứ. Tuy nhiên, sự can thiệp quân sự của Mỹ vào khu vực Balkans thập niên 1990 hay Afghanistan và Iraq những năm 2000 đã gây xáo trộn hiện trạng 'cân bằng quyền lực' ở khu vực. Khoảng trống chiến lược đó đã tạo cơ hội cho Trung Quốc đẩy mạnh quân sự một cách nhanh chóng mà không gặp phải sự cản trở của Mỹ
Tranh chấp Biển Đông nóng lên từ giai đoạn cuối năm 2009 và những tác động chiến lược của vấn đề này đã hối thúc Mỹ xoay trục tới Châu Á - Thái Bình Dương, tìm cách khôi phục cán cân quyền lực khu vực vốn đang bị Trung Quốc xáo trộn.
Năm 2013, Châu Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến sự nổi lên của một cấu trúc 'cân bằng quyền lực' mới ở khu vực. Nhìn chung, công thức của Mỹ để thực hiện mục tiêu này bao gồm: (i) củng cố các liên minh quân sự hiện có tại Đông Bắc Á dựa vào các nước đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines; (ii) khắc phục khoảng trống trong liên kết an ninh với các quốc gia ven  Biển Đông bằng cách đẩy quan hệ chiến lược với Việt Nam và Indonesia, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ, và khai thông quan hệ với Myanmar.
"Kết luận lại có thể thấy những điều mà Mỹ nhiều năm trước đây không làm được là chia rẽ Châu Á - Thái Bình Dương nhằm chống lại mối đe dọa tiềm tàng Trung Quốc thì chính những chính sách hung hăng của Trung Quốc trong bước đầu thiếu kiên nhiễn nhằm thể hiện sức mạnh quân sự mới của mình dường như đã góp phần tạo ra một sự phân cực chiến lược đáng kể ở khu vực theo chiều hướng bất lợi cho Trung Quốc."
Tác dụng phụ lớn nhất của Tranh chấp Biển Đông: Tây Thái Bình Dương sẽ không còn  Thái Bình"
Khu vực Tây Thái Bình Dương là nơi có các mối đan xen dày đặc nhất về lợi ích chiến lược và cạnh tranh quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ.  Đây cũng là nơi đan xen mối quan hệ cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Nhật Bản và đối đầu giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines trong tranh chấp Biển Đông. Ở mức độ ngày càng gia tăng, Mỹ sẽ quan tâm nhiều hơn đến các tranh chấp khu vực giữa các nước với Trung Quốc. Mỹ chắc chắn không thể 'cô lập chiến lược' đối với các vấn đề an ninh chủ chốt ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Bởi nếu như thế Mỹ có thể chịu rủi ro khi chứng kiến sự tan rã của cấu trúc an ninh khu vực. Cuối cùng thì Mỹ bắt buộc thực thi chính sách ngăn chặn đối với Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Trọng tâm của bất cứ chiến lược kiềm chế hay ngăn chặn nào của Mỹ đối với Trung Quốc là "Chuỗi đảo thứ nhất", chuỗi đảo mang tính chiến lược chạy gần như song song với vùng ven biển Đông Á tại khu vực Tây Thái Bình Dương.
Ý nghĩa chiến lược của dãy đảo này đối với Mỹ trong khu vực Tây Thái Bình Dương nằm ở những tính toán quân sự sau: (1) Tạo ra một vành đai bảo vệ nước Mỹ lục địa và cung cấp bàn đạp gần Trung Quốc trong trường hợp cần can thiệp quân sự, (2) Kết hợp giữa sự kế cận địa lý với Trung Quốc Đại lục và khả năng triển khai quân đội của Mỹ với các nước đồng minh, cho phép bao vây Trung Quốc bằng quân sự. (3) Cấu trúc chuỗi đảo này chỉ tồn tại vài con đường hẹp cho Hải Quân Trung Quốc thoát ra để tiến vào Thái Bình Dương
Điều đáng chú ý hơn đó là yêu sách của Trung Quốc đối với các thực thể đảo tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Những thực thể đảo tranh chấp mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp có thể là căn cứ giúp Trung Quốc triển khai lực lượng quân sự như một phần của chiến lược "ngăn chặn" đối với sự can thiệp hải quân và không quân Mỹ.
Khu vực Tây Thái Bình Dương có thể sẽ trở thành điểm bùng nổ xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, nơi hai bên khai hỏa những phát súng đầu tiên, trừ khi những tiếng nói thông thái ở Trung Quốc chiếm ưu thế, giúp Trung Quốc hạ nhiệt chính sách "bên miệng hố chiến tranh" ngày càng leo thang tại Biển Đông.
Phản ứng Quốc tế đối với việc leo thang chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông
Phản ứng quốc tế về chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của Trung Quốc ở Biển Đông được minh hoạ rõ nhất trong các bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La tháng 6 năm 2012 ở Singapore. Chủ đề chung xuyên suốt của các bài phát biểu này đó là cộng đồng quốc tế và các cường quốc cam kết bảo đảm an ninh cho "các vùng chung toàn cầu" cũng như đối với "tự do biển cả", rằng không một nước nào có quyền tuyên bố những vùng đó là chủ quyền quốc gia. Ngoại trưởng Mỹ, Anh và Pháp nhấn mạnh rằng các nước này có cam kết đối với an ninh và ổn định tại khu vực Đông Nam Á.
Tranh chấp Biển Đông vì thế không phải là tranh chấp khu vực, và sự quan ngại quốc tế đối với những hành động của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển và các thực thể đảo trong Biển Đông, cũng như cam kết của cộng đồng quốc tế đối với an ninh và ổn định khu vực Đông Nam Á đã gửi đến những thông điệp cảnh tỉnh choTrung Quốc. E ngại những phản ứng quốc tế như vậy, giới chức sắc cao cấp Trung Quốc đã lảng tránh vấn đề này.
Tác động chiến lược đáng chú ý nhất: Trung Quốc có thể gây ra một cuộc Chiến tranh Lạnh tại Châu Á - Thái Bình Dương.
Khả năng Trung Quốc gây ra một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai tại Châu Á - Thái Bình Dương là chủ đề tôi đã trình bày vào khoảng đầu tháng 4 năm 2001, trong bài viết có nhan đề "Có phải Trung Quốc đang gây ra một cuộc chiến tranh lạnh thứ hai tại Châu Á: Những lựa chọn về chính sách của Mỹ".
Một số nhận định liên quan trong bài viết đó là: "Trung Quốc xem Mỹ là mối đe doạ hàng đầu và Trung Quốc đã nhìn nhận như vậy trong một khoảng thời gian. Về lâu về dài điều này sẽ khiến quan hệ Mỹ - Trung khá mong manh và không ổn định. Có phải chúng ta đang chứng kiến bước khởi đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh? Những nghi ngờ, lập luận, cũng như chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của Trung Quốc trong các hành động chống lại Mỹ phần nào khơi gợi lại những tiến trình đã diễn ra với cuộc Chiến tranh lạnh trước đây."
Tiếp theo vào năm 2008, trong một bài viết khác có nhan đề "Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự: Những tác động khu vực và toàn cầu", tôi đã cho rằng "diễn biến quan hệ Mỹ - Trung hiện nay đang đi theo chiều hướng của một cuộc Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, khác với cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây, Chiến tranh Lạnh lần hai hoàn toàn trở thành một cuộc "chiến tranh nóng" giữa Mỹ và Trung Quốc đối với một loạt các điểm nóng xung đột trải dài khắp Châu Á và các vấn đề chiến lược khác."
Năm 2013 bức tranh thậm chí còn u ám hơn khi mà Trung Quốc gần như đang ở đỉnh cao của việc xây dựng lực lượng quân sự ngày càng tỏ ra bồn chồn và bất an trước chiến lược xoay trục Châu Á của Mỹ cũng như việc tạo dựng sự cân bằng quyền lực tại Châu Á - Thái Bình Dương. Sự leo thang xung đột tại Biển Đông là thách thức lớn nhất mà Trung Quốc có thể đặt ra cho Mỹ.
Tranh chấp Biển Đông: Những tác động chiến lược đối với khu vực
Tranh chấp/đối đầu/xung đột khu vực không xảy ra bên ngoài bối cảnh khu vực. Nó sẽ xảy ra trong bối cảnh an ninh đã tồn tại, hiện đang tồn tại và có khả năng sẽ xuất hiện trong tương lai gần. Do đó, tranh chấp Biển Đông cần phải được xem xét một cách tổng thể trong môi trường an ninh của khu vực Châu Á thế kỷ 21. Nhận thức đóng vai trò quan trong trong cả việc định hình môi trường an ninh, cũng như phạm vi  không gian dành cho những kẻ gây rối ở khu vực và các cường quốc theo chủ nghĩa xét lại đầy hiếu chiến.
Trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, sự hiếu chiến và chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của Trung Quốc cần phải được đánh giá từ nhận thức của Trung Quốc đối với cam kết của Mỹ về an ninh và ổn định của ASEAN cũng như sự mơ hồ của Mỹ mà Trung Quốc có thể tiếp tục tận dụng để phục vụ mục tiêu chiến lược là kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc không mấy quan tâm đến sự nhạy cảm chiến lược của ASEAN vì biết rằng dù các nước ASEAN hợp sức lại vẫn không thể ngăn cản bước tiến của Trung Quốc trên Biển Đông
Xét về những tác động chiến lược khu vực gây ra bởi sức ép mạnh mẽ của Trung Quốc đối với các nước ASEAN, nhìn chung có một số điểm nổi bật cần chú ý như sau:
  • - Các quốc gia ASEAN bị kích động chạy đua vũ trang
  • - Sự đối đầu có chiều hướng xung đột của Trung Quốc trên Biển Đông dẫn đến việc Nhật Bản và Ấn Độ đẩy nhanh xây dựng quân sự
  • - Cộng đồng ASEAN thống nhất: một huyền thoại đang bị Trung Quốc phá vỡ
Cuộc chạy đua vũ trang của các quốc gia ASEAN bắt đầu 
Tuy muộn nhưng các nước ASEAN đã thức tỉnh trước một thực tế chiến lược rằng Mối đe doạ Trung Quốc đã hiện hữu, và bởi vì mối đe dọa Trung Quốc chủ yếu liên quan đến biển nên các nước ASEAN cần tập trung xây dựng năng lực răn đe cho lực lượng hải quân và hải giám của họ.
Trước khi Trung Quốc có những hành động leo thang trong xung đột Biển Đông thì các nước ASEAN có thể cho là tương đối thỏa mãn với việc xây dựng khả năng răn đe ở mức thấp nhất  về hải quân và không quân đối với Trung Quốc.
Chính vì vậy các quốc gia ASEAN, dù là bên tranh chấp hay không tranh chấp ở Biển Đông, đều có nhu cầu liên kết với nhau vì lý do đơn giản là vấn đề an ninh và ổn định của khu vực Đông Nam Á không thể tách rời. Do đó, hợp tác an ninh khu vực là mục tiêu chung cho ASEAN vì Trung Quốc đang trỗi dậy một cách ngày càng mạnh mẽ và hung hăng hơn.
Tác động đáng chú ý ở đây là không chỉ các nước ASEAN đang tăng cường năng lực quân sự mà những cường quốc khác có lợi ích đối với an ninh và ổn định ở Biển Đông có thể cũng tham gia vào quá trình xây dựng năng lực răn đe cho ASEAN.
Sự đối đầu có chiều hướng xung đột của Trung Quốc ở Biển Đông khiến Nhật Bản và Ấn Độ đẩy nhanh việc tăng cường sức mạnh quân sự
Lập trường gây xung đột của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Biển Đông - nước này cũng có những tranh chấp lãnh thổ và đối đầu quân sự với Nhật Bản và Ấn Độ. Chính sách bên miệng hố chiến tranh mạnh mẽ của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông đã tình cờ thức tỉnh Nhật Bản và Ấn Độ đánh giá lại khả năng ngăn chặn của những nước này trước một Trung Quốc với sức mạnh quân sự đang gia tăng.
Nhật Bản và Ấn Độ với những lợi ích không nhỏ đối với an ninh Châu Á đã sớm nhận ra rằng hai nước, riêng rẽ hoặc cùng nhau, cần tạo một đối trọng ở Châu Á trước sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc. Cả Nhật Bản và Ấn Độ đều chịu sự xâm chiếm và chính sách bên miệng hố chiến tranh trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Nhật Bản đã tiến hành những bước đi đầu tiên hướng tới sự tự chủ lớn hơn trong năng lực quốc phòng và khả năng ngăn chặn Trung Quốc. Chính sách bên miệng hố chiến tranh của Trung Quốc ở quần đảo Senkaku càng cho thấy năng lực quân sự độc lập với Mỹ là điều cần thiết với Nhật. Việc Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn Biển Đông có thể dẫn đến sự kìm hãm về kinh tế và chiến lược đối với Nhật Bản, và Nhật Bản được kỳ vọng ngăn chặn viễn cảnh này xảy ra.
Nhật Bản cho đến nay vẫn bị Mỹ hạn chế trong việc áp dụng các chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc. Trong xử lý với Trung Quốc, Nhật Bản phải gộp lợi ích an ninh quốc gia của chính nước này vào những vấn đề nhạy cảm chiến lược của Mỹ với Trung Quốc. Xung đột hậu Biển Đông và việc xung đột lan rộng tới Biển Hoa Đông buộc Nhật Bản không chỉ xem xét lại Hiến pháp Hòa bình của nước này mà còn phải tăng cường sức mạnh quân sự nhằm đối phó với Trung Quốc.
Ấn Độ cuối cùng đã thấu hiểu trò chơi không có giải pháp của Trung Quốc trong tranh chấp biên giới Tây Tạng mà Ấn Độ chiếm đóng và sự bao vây chiến lược của Trung Quốc với Ấn Độ. Nước này đã thức tỉnh trước những thách thức của hải quân Trung Quốc đang dần hiện thực hóa ở Ấn Độ Dương. Từ nhận thức đó, Ấn Độ hiện đang nổi lên như một bên liên quan đến vấn đề an ninh và ổn định ở Biển Đông.
Cả Ấn Độ và Nhật Bản gần đây bày tỏ mối quan tâm tích cực hơn đến xung đột Biển Đông và có một sự tương đồng chiến lược trong việc ‘bảo vệ các vùng chung toàn cầu.’ Việc tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản và Ấn Độ được trông đợi sẽ hình thành nên những đối trọng trước Trung Quốc ở hai bờ Biển Đông.
Đây có thể nguồn khích lệ đối với các nước ASEAN và thúc giục họ không nên giữ thái độ trung dung trong quan hệ với Trung Quốc nữa.
Sự đoàn kết tập thể của ASEAN: Huyền thoại bị Trung Quốc phá vỡ
Sở dĩ Trung Quốc bạo dạn trong việc đẩy mạnh chính sách bên miệng hố chiến tranh trong xung đột Biển Đông là bởi Trung Quốc hiểu không có sự đoàn kết tập thể trong ASEAN để đạt đượcvà hình thành một mặt trận thống nhất nhằm chống lại sự thúc ép của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Sự đoàn kết của ASEAN bị Trung Quốc phá vỡ tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN ở Phnom Penh tháng 6 năm 2012, khi Campuchia trong cương vị chủ tịch đã cản trở và thành công trong việc không đưa vấn đề Biển Đông vào Thông cáo Chung ASEAN, một tuyên bố sẽ chỉ trích rất nhiều các quan điểm gây xung đột của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc có thể ​​sẽ theo đuổi chiến lược gây chia rẽ các nước ASEAN với cường độ lớn hơn khi nước này ngày càng phải chịu nhiều sức ép từ cộng đồng quốc tế về giải pháp giải quyết xung đột trong tranh chấp Biển Đông.
Sự đoàn kết chung của ASEAN trước Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ sẽ tiếp tục là một huyền thoại không có thực vì một số nước ASEAN dễ bị Trung Quốc lôi kéo bằng những hứa hẹn đầu tư tài chính hấp dẫn. Một số quốc gia ASEAN không tranh chấp có quan điểm khác với các quốc gia tranh chấp trong việc đánh giá Trung Quốc và điều này sẽ làm tăng thêm sự mất đoàn kết của ASEAN và đem lại lợi thế cho Trung Quốc.
ASEAN, một thể chế khu vực nổi bật ở Đông Nam Á, đứng trước nguy cơ tan vỡ nếu một số nước thành viên của tổ chức này gục ngã trước chiến lược chia rẽ ASEAN của Trung Quốc.
Chúng ta không nên quên rằng ASEAN đã bị Trung Quốc lừa dối hai lần khi: (i) lợi dụng lòng tin của khối trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho nước này tham gia vào các diễn đàn đối thoại khác nhau của ASEAN và hy vọng rằng Trung Quốc theo đó trong mối quan hệ với ASEAN sẽ cư xử như một đối tác có trách nhiệm, và (ii) gây xung đột và hành xử quyết đoán đối với các quốc gia ASEAN trong tranh chấp Biển Đông.
Tranh chấp Biển Đông: Triển vọng về Giải quyết Xung đột
Các tiến trình giải quyết xung đột chủ yếu tập trung vào ba nhiệm vụ chính đó là: (1) Giảm bớt sự leo thang trong Cách Hành xử; (2) Thay đổi Thái độ/ Cách tiếp cận đối với Xung đột; và (3) Thay đổi mối quan hệ khi có các lợi ích đối lập.
Trung Quốc với thái độ cứng rắn và không khoan nhượng trong xung đột Biển Đông thể hiện trong các tuyên bố chính thức rằng quyền chủ quyền của của nước này đối với Biển Đông là "không thể đàm phán" đã chứng tỏ Trung Quốc chưa sẵn sàng cho các tiến trình giải quyết xung đột. Hơn nữa khi Trung Quốc coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” và để bảo vệ lợi ích cốt lõi này Trung Quốc sẵn sàng tiến hành chiến tranh đã cho thấy rõ ý đồ chiến lược của nước này.
Về triển vọng giải quyết xung đột trên Biển Đông, một học giả khác cho rằng có ba nhân tố thúc đẩy và phụ thuộc lẫn nhau để tiến tới một giải pháp công bằng và thỏa mãn được kỳ vọng các bên như sau: (1) Trung Quốc phải có thái độ kiềm chế trong các vấn đề gây xung đột ở Biển Đông; (2) ASEAN cần thể hiện tinh thần đoàn kết để tăng cường sức mạnh thương lượng tập thể của khối trước Trung Quốc và khả năng răn đe ở chừng mực nào đó; (3) Cam kết mạnh mẽ của Mỹ để đảm bảo chính sách miệng hố chiến tranh hiếu chiến của Trung Quốc bị kiềm chế trong xung đột Biển Đông.
Quan điểm chung đối với ba nhân tố này đó là khó có thể mong đợi Trung Quốc sẽ kiềm chế  trong xung đột Biển Đông bởi cách hành xử đã được thể hiện và những tuyên bố cứng rắn của nước này. Đối với sự đoàn kết của ASEAN, huyền thoại này sẽ bị phá vỡ hoàn toàn như đã phân tích ở trên. Trên thực tế, có khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phân hóa nội bộ ASEAN.
Ngoại trừ Philippines, Mỹ không bị ràng buộc bởi bất kỳ mối quan hệ đồng minh an ninh nào với các nước ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Cam kết duy nhất của nước này đối với xung đột Biển Đông là “bảo vệ các vùng chung toàn cầu” và “tự do hàng hải” và nhờ đó duy trì vị trí thống trị trên biển Tây Thái Bình Dương. Vẫn chưa rõ liệu Mỹ sẽ đi xa tới đâu trong việc bảo vệ các lợi ích chiến lược, thoát khỏi sự bó buộc của chiếc áo chính sách Trung Quốc chật hẹp mà nước này tự tạo ra như “Chiến lược Phòng ngừa Trung Quốc” và “Phòng tránh Rủi ro”.
Trong tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc với tư cách là một cường quốc khu vực, đã sử dụng tất cả các công cụ cưỡng ép để đạt được mục tiêu chiến lược đó là kiểm soát hoàn toàn quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa và thực thể đất liền nằm rải rác trên biển. Ngoài ra, Trung Quốc tuyên bố rằng nước này có đầy đủ chủ quyền đối với vùng biển xung quanh các quần đảo tranh chấp này.
Chiến lược “cơ bắp” của Trung Quốc đang vượt ra ngoài giới hạn với ASEAN để ngầm thách thức Hải quân Mỹ, Ấn Độ và các nước thăm dò dầu khí quốc tế. Hành động gây hấn của Trung Quốc hiện đã tiến xa hơn về phía Bắc, với Nhật Bản trên Biển Hoa Đông.
Trung Quốc tất nhiên không tránh khỏi việc đưa ra những quan điểm chính sách và các diễn giải gợi nhớ đến hình ảnh một "cường quốc xét lại” có ý định thay đổi trật tự hiện tại ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Câu hỏi quan trọng đặt ra là triển vọng lạc quan về giải pháp cho xung đột trong tranh chấp Biển Đông là gì. Trung Quốc đến giờ không đưa ra bất kỳ dấu hiệu thực chất nào về việc tham gia các sáng kiến ​​giải quyết xung đột hay thậm chí là tôn trọng luật pháp quốc tế/ các công ước hiện hành đối với những tranh chấp như vậy. Trung Quốc cứng nhắc cho rằng nước này chỉ sẵn sàng đối thoại song phương riêng lẻ với từng bên yêu sách. Điều này bản thân nó đã là một “rào cản” trước khi khởi động bất kỳ quá trình giải quyết xung đột nào, có ảnh hưởng rộng hơn đối với khu vực và quốc tế.
Kết Luận
Tranh chấp và xung đột Biển Đông từ khá lâu chỉ được xem xét dưới góc nhìn hẹp về tranh chấp tính hợp pháp và chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các thực thể nằm rải rác trên biển giữa một Trung Quốc độc đoán về quân sự và các bên yêu sách ASEAN yếu hơn.
ASEAN, với tổ chức khu vực quan trọng nhất của các quốc gia Đông Nam Á, đã bày tỏ mong muốn duy trì một mặt trận tập thể vững chắc trước Trung Quốc và ngăn nước này có hành động hiếu chiến đối với các quốc gia ven biển ASEAN trên Biển Đông. Tuy nhiên, sự chia rẽ kéo dài của ASEAN, do sự xếp đặt của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các mục tiêu chiến lược của mình, cuối cùng có thể hủy hoại ASEAN.
Xung đột Biển Đông hiện nay chuyển hóa ở một mức độ chiến lược cao hơn khi khu vực này đang trở thành một bàn cờ, nơi diễn ra cuộc chơi quyền lực quốc tế và cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ về quyền kiểm soát Tây Thái Bình Dương.
Tuyên bố gần đây của Nga về chiến lược xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương báo hiệu sự xuất hiện một người chơi mới, đầy sức mạnh trong khu vực có thể tác động đến hệ quả xung đột đang diễn ra.
Cam kết của Mỹ đối với ổn định và an ninh ở khu vực Biển Đông cần phải rõ ràng, đáng tin cậy và mạnh mẽ. Nếu Mỹ do dự đi theo hướng này vì cách tiếp cận theo kiểu "phòng tránh rủi ro" đối với Trung Quốc, Mỹ có thể thất bại trong việc can dự chiến lược ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Xung đột Biển Đông dường như đang mở ra một cuộc Chiến tranh Lạnh toàn cầu, lần này là ở Châu Á-Thái Bình Dương. Cuộc Chiến tranh Lạnh mới, bắt nguồn bằng sự hiếu chiến và chính sách bên miệng hố chiến tranh của Trung Quốc, tuy không mang nền tảng ý thức hệ như trước đây nhưng bị chi phối bởi cuộc cạnh tranh chiến lược đang diễn ra để giành quyền bá chủ khu vực Tây Thái Bình Dương, được dự báo sẽ rất khốc liệt và đầy xung đột.
Tiến sĩ Subhash Kapila được mời tham dự Hội thảo Quốc tế về Biển Đông “Chủ quyền Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Khía cạnh Lịch sử và Pháp lý” tại trường Đại học Phạm Văn Đồng, Việt Nam, ngày 27-28/4, 2013. Bài tham luận được trình bày tại Hội thảo Quốc tế này và đăng trên trang “Eurasia Review”.
Người dịch: Anh Châu


Hiệu đính: Minh Ngọc