Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Sóng gió lại nổi lên ở Biển Đông


(Tamnhin.net) - Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Philippin Benigno Aquino III dẫn đoàn đại biểu quy mô lớn với hơn 300 doanh nghiệp thăm Trung Quốc 5 ngày từ 30/8/2011 tới 3/9/2011. Đây là chuyến thăm đầu tiên một nước ngoài khối ASEAN nhằm tăng cường quan hệ với người láng giềng khổng lồ, tuy nhiên thái độ ứng xử thô bạo của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm quan hệ hai nước căng thẳng và sóng gió lại nổi lên.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Trung Quốc vừa là nước láng giềng vừa là quê ngoại của Tổng thống Aquino III. Khi sinh thời, thân mẫu của ông là bà Cựu Tổng thống Korazon Aquino thăm Trung Quốc năm 1988 cũng không quên ghé thăm tổ tông quê ngoại ở thị trấn Long Hải thành phố Chương Châu tỉnh Phúc Kiến. Bởi vậy, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Benigno Aquino III noi gương thân mẫu có chuyến thăm đầu tiên ở ngoài khối ASEAN mà ông chọn chính là Trung Quốc vừa là láng giềng khổng lồ, vừa là quê ngoại.

Chuyến thăm 5 ngày từ 30/8/2011 tới 3/9/2011, hai bên đã ký kết một loạt hiệp định và hợp đồng hợp tác kinh tế, buôn bán trị giá 7 tỉ USD, trong đó có “Quy hoạch 5 năm phát triển hợp tác kinh tếTrung –Philippin”. Hai bên hy vọng thông qua quy hoạch này tới năm 2016 kim ngạch hai nước nâng lên 60 tỉ USD, và Philippin sẽ thu hút được 50 tỉ USD FDI từ Trung Quốc.

Nhưng “ngày vui chẳng được là bao”, ngay sau khi Tổng thống Aquino III về nước, Philippin đã gặp phải ứng xử thô bạo của Trung Quốc ở Biển Đông, nên lập trường của Tổng thống Aquino III đối với Trung Quốc rất cứng rắn và quan hệ hai nước từ đó tới nay luôn trong tình trạng căng thẳng. Báo chí Phương Tây bình luận cho dù là Trung Quốc là quê ngoại, nhưng Tổng thống Aquino III không thể hy sinh quyền lợi của Philippin.

Kể từ khi lập quan hệ ngoại giao ngày 9/6/1975, quan hệ hai nước một thời gắn bó, nhất là thời kỳ bà G.M. Arroyo làm Tổng thống, còn lại thất thường “lúc ấm lúc lạnh” chủ yếu do tranh chấp chủ quyền và đánh bắt cá trên Biển Đông cho dù quan hệ buôn bán được cải thiện. Kim ngạch hai chiều năm 2006 đạt 23,4 tỉ USD, năm 2007 tăng lên 30,6 tỉ USD. Sau đó giảm xuống như năm 2009 đạt 27,7 tỉ USD, năm 2010 giam sút hơn nữa. Năm 2011 kim ngạch tăng lên 32,2 tỉ USD, trong chuyến thăm Trung Quốc cuối tháng 8 đầu tháng 9/2011 hai bên nhất trí nâng kim ngạch lên 60 tỉ USD vào năm 2016.

Mặc dù quan hệ buôn bán tăng lên, nhưng hai nước tồn tại nhiều mâu thuẫn, nhất là tranh chấp chủ quyền ở biển đảo và đánh bắt cá ở Biển Đông luôn là vấn đề gay gắt. Ông Khúc Tinh, Viện trưởng Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế Trung Quốc nói: “Hai nước hiện tồn tại nhiều mâu thuẫn và bất đồng. Nhưng vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông mới là mâu thuẫn trực tiếp lớn nhất hiện nay giữa hai nước.” Khúc Tinh cho rằng đây là vấn đề rất nhạy cảm và hiện nay chưa đủ điều kiện để giải quyết.

Nhà báo Michael Richardson viết trên tờ “Thời báo Eobiển Singapore: “Xét cả hai yếu tố kinh tế và chủ quyền thì Trung Quốc không thể đơn thuần dùng tiền mua được tình bạn và láng giềng thân thiện với các nước ASEAN, bởi vì các nước này sẽ không hy sinh chủ quyền để đổi lấy kinh tế.”

Do yếu thế hơn về các mặt, nên thời gian qua, Philippin đã tăng cường quan hệ với Mỹ, lấy đó làm chỗ dựa chống lại mối đe dọa của Trung Quốc đối với chủ quyền biển đảo và công cuộc khai thác dầu khí ngoài khơi. Còn Mỹ do lợi ích chiến lược Khu vực và toàn cầu, nhất là chiến lược quay lại Khu vực Châu Á –Thái Bình Dương, nên ra sức tranh thủ các nước ASEAN, trong đó dó Philippin, một đồng minh chiến lược trước đây của Mỹ. Báo chí Trung Quốc ngày 8/5 cho biết Mỹ cam kết tăng viện trợ quân sự cho Philippin gấp hai lần, từ 15 triệu USD lên 30 triệu USD, ưu tiên cấp cho Philippin tàu chiến và máy bay trinh sát. Đồng thời, quân đội Mỹ trở lại hơn 20 căn cứ quân sự và tăng cường các cuộc tập trận chung với Philippin. Năm 2012, hai bên đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chung các loại ở gần Khu vực có tranh chấp, riêng phía Mỹ đã đưa hơn 4.500 quân tham gia, nhiều gấp hai lần quân đội Philippin. Cuộc tập trận chung mang tên “Tình đồng đội” trên bãi Reefbank ở tây nam đảo Palawan 148 Km ngày 25/4/2012 nhằm chống lại mối đe dọa của Trung Quốc đối với khai thác mỏ dầu khí ngoài khơi ở Khu vực này với trữ lượng tới 20.000 tỉ khối, gấp 5 lần trữ lượng mỏ Tulipa đã phát hiện năm 2006 ở gần đó.

Để phán ứng lại, Trung Quốc đã đưa tàu sân bay chở máy bay tiêm kích Tiêm-15 khởi hành ngày 20/4/2012 từ quân cảng Đại Liên chạy thử nghiệm 11 ngày trên Biển Đông tới khu vực tranh chấp để răn đe Philippin, đồng thời tiến hành cuộc tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo ngay gần Khu vực bãi Reefbank của Philippin. Ngày 8/5/2012, Trung Quốc cho hạ thủy tàu cá “Hải Nam Bảo Sa-001” trọng tải 32.000 tấn, lớn nhất từ trước tới nay mà Trung Quốc cho biết hiện thế giới chỉ có 4 chiếc với mục đích đi vét cá ở Khu vực nam Biển Đông gần các nước ASEAN.

Ngày 7/5/2012, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh đã triệu Đại biện lâm thời Philippin tới để lên án cuộc tập trận chung với Mỹ và tiến hành khai thác khí đốt ở bãi Reefbank mà Trung Quốc cho là “lãnh thổ của mình”.

Tình hình hai nước đã trở nên căng thẳng hơn một tháng qua. Tờ “Hoàn cầu online” của Trung Quốc ngày 8/5/2012 cho biết Philippin sẽ phát động “Chiến dịch chống Trung Quốc” trên phạm vi toàn cầu vào ngày 11/5/2012, kêu gọi 12 triệu công dân Philippin đang làm việc sinh sống ở nước ngoài ủng hộ. Tờ báo cho biết, tại Philippin cuộc biểu tình tổ chức trước Sứ quán Trung Quốc ở Manila, ở nước ngoài biểu tình sẽ tổ chức trước Đại sứ quán Trung Quốc ở các nước, nhất là ở Mỹ (Washington, New York, Chicago, Los Angeles), Canada, Ôxtraylia, Italia, Roma, Nhật Bản... Tờ “Thời báo Châu Á” ngày 8/5/2012 cho biết: Quốc hội Philippin ngày 7/5/2012đưa ra kiến nghị trừng phạt và tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Philippin cho rằng thời gian qua, Trung Quốc ỉ thế nước lớn đã ăn hiếp các nước nhỏ ASEAN láng giềng, bởi vậy cần phải dấy lên “Chiến dịch chống Trung Quốc” trên toàn cầu.

Tờ “Tiền tệ quốc tế Trung Quốc” ngày 8/5/2012 cho biết trước tình hình quan hệ căng thẳng giữa hai nước, nên “Vấn đề xung đột với Philippin là một trong nghị trình quan trọng” của cuộc Đối thoại quân sự Trung –Mỹ tại Washington giữa Bộ trưởng quốc phòng Lương Quang Liệt và Bộ trưởng quốc phòng Leon Panetta.

Tờ báo viết: “Thời gian tới đây, đối đầu giữa hai nước Trung – Mỹ ở Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương không chỉ giới hạn ở lĩnh vực kinh tế, ngoại giao mà còn cả trên lĩnh vực quân sự. Philippin chỉ là con tốt nhỏ của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ hiểu rất rõ rằng để bảo vệ quyền lợi của mình ở Khu vực này, Trung Quốc không thể hy sinh lợi ích to lớn của mình để nhượng bộ Mỹ. Vì vậy, thời gian tới Trung Quốc sẽ tăng sức ép đối với Philippin trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự chứ quyết không thỏa hiệp với Philippin”.

Sóng gió lại nổi lên ở Biển Đông. Tình hình căng thẳng Trung Quốc – Philippin sẽ tác động như thế nào tới toàn cục ở khu vực này thời gian tới hiện là câu hỏi mà chưa có giải đáp.
K.Tỉnh


http://www.baomoi.com/Song-gio-lai-noi-len-o-Bien-Dong/119/8432393.epi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét