Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Cuộc tấn công bất ngờ của người láng giềng


Láng giềng hữu nghị là mong muốn của nhiều quốc gia. Nhưng, có không ít các quốc gia bên ngoài thì nói rất nhiều lời tốt đẹp ca ngợi quan hệ song phương, thực chất bên trong thì tìm đủ mọi cách gây hấn, mục đích là giành lợi ích lớn nhất về phía mình. Với những cuồng vọng cao hơn, họ sẵn sàng tung ra một cuộc xâm lược bất ngờ. Xung quanh cuộc tấn công Liên Xô của nước Đức rạng sáng ngày 22 tháng 6 năm 1941 đã chứng minh, nếu một đất nước không chuẩn bị đầy đủ, sáng suốt, bản lĩnh, suy xét đúng tình hình thì bi kịch lớn cho một đất nước – dù là đất nước hùng mạnh, vẫn có thể sẽ xẩy ra.
Khi quân Đức đã vượt biên giới Liên Xô, vào lúc 4h30 ngày 22.6.1941, tất cả các Ủy viên Bộ Chính trị có mặt tại phòng Stalin. Stalin hướng về phía Ngoại trưởng Molotov, nói:
- Cần gọi điện ngay cho sứ quán Đức.
Molotov lập tức bước về phía điện thoại và điện cho sứ quán Đức. Sau một hồi trao đổi rất lâu, thông báo:
- Ngài Đại sứ Schulenburg đề nghị được gặp ngay.
- Hãy đi tiếp ông ta đi, sau đó quay lại đây ngay. Stalin ra lệnh.
Đại sứ Đức Schulenburg nói với Molotov:
Tôi vừa nhận được điện từ Berlin. Chính phủ Đức ủy nhiệm cho tôi thông báo với Chính phủ Xô Viết như sau:
“Do không dự đoán được các nguy cơ uy hiếp nước Đức từ biên giới phía Đông trong động thái tổng động viên và chuẩn bị chiến đấu cao của các lực lượng vũ trang của Hồng quân, Chính phủ Đức cho rằng buộc phải triển khai các hành động quân sự ngay.
Cùng thời gian này, tại Berlin, thông điệp sẽ được chuyển chính thức theo đường ngoại giao”.
Đó là tuyên bố chiến tranh của nước Đức Hitler.
Vì sao Liên Xô hầu như đã biết trước từ lâu ý đồ tấn công của nước Đức láng giềng, mà vẫn bị bất ngờ khi chiến tranh Xô – Đức nổ ra rạng sáng ngày 22 tháng 6 năm 1941? Có thể nói, về chiến lược, ban lãnh đạo Liên Xô đứng đầu là Stalin đã dự đoán đúng, song họ bị bất ngờ về chiến thuật, tức là thời gian nổ ra cuộc tấn công. Nói cách khác, Hitler đã giành được bất ngờ về chiến thuật trong cuộc tấn công Liên Xô.
Stalin đã nhận được rất nhiều tin tình báo về việc Đức sẽ tấn tấn công Liên Xô. Vào những ngày sát chiến tranh, tin tức đến càng dồn dập. Ngày 21.6, Đại sứ Nga ở Đức thông báo về là cuộc tấn công Liên Xô của Hitler sẽ bắt đầu vào sáng mai. Tùy viên quân sự tại Berlin cũng khẳng định là ba tập đoàn quân được tập trung để tấn công Moscow, Leningrad và Kiep. Cũng ngày 21.6, tùy viên quân sự ỏ Pháp thông báo là cuộc tấn công sẽ bắt đầu vào ngày 22.6. Tổng Bí thư Ban chấp hành Quốc tế cộng sản Georghi Dimitorov cũng nhận được tin rằng Đức đang chuẩn bị tấn công Liên Xô và ông gọi điện cho Molotov. Molotov trả lời, “tình hình còn phức tạp nhưng một cuộc chơi lớn đang được tiến hành”.
Trong một diễn biến khác, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai cũng nhận được tin tình báo là Đức chuẩn bị tấn công Liên Xô và lập tức thông báo tin này với Stalin. Còn có một điều khá ngạc nhiên là tướng Lâm Bưu, lúc ấy đang dưỡng bệnh ở Moscow, hàng ngày ngồi trong phòng theo dõi tin tức, đã đi đến kết luận rằng Đức sắp tấn công Liên Xô. Ông ta liền đến gặp Stalin trình bày, nghe xong, Stalin nói, “xem ra  vấn đề này không thể nói vài lời là xong được, thế này nhé, chúng ta mời Jukov đến cùng bàn bạc”. Molotov hỏi : “Đồng chí Jukov, đồng chí có cho rằng Hitler sắp sửa tấn công chúng ta không?”. Julov đáp:”Vâng, tôi cho rằng sẽ rất nhanh đấy”. Lâm Bưu im lặng nhìn Julov và gật đầu. Lúc bấy giờ, Jukov là Đại tướng, Tổng tham mưu trưởng Hồng quân Liên Xô, vị tướng huyền thoại mà sau này là Nguyên soái, bốn lần anh hùng Liên Xô.
Vì sao một con người bản lĩnh, quyết đoán, thông minh như Stalin mà với những thông tin như thế, vẫn không tin là chiến tranh nổ ra?
Đến tháng 6.1941, Stalin và Molotov vẫn hy vọng không bị Hitler qua mặt. Hai ông nghĩ rằng, sớm muộn thế nào cũng phải đánh nhau với Đức, song có thể vào năm 42, 43, khi lợi ích của hai cường quốc nhất định xung đột với nhau.
Trước đó, ngày 23.8.1939, Ngoại trưởng Đức Ritbenxtrốp đến Moscow và lập tức có cuộc gặp ba tiếng đồng hồ với Stalin và Molotov. Tiếp đó là lễ ký kết hiệp ước nổi tiếng về “không tấn công lẫn nhau giữa Liên Xô và Đức”. Thật là kỳ lạ, Hiệp ước này có lẽ có giá trị cao hơn các chữ vàng nhiều lắm!
Ngày 13.4.1941, Stalin làm một động tác bất ngờ, ông ra ga để tiễn Bộ trưởng Ngoại giao Nhật, nhưng thực tế là để toàn thể Đoàn ngoại giao nhìn thấy ông đặt tay lên hai vai Đại sứ Đức dặn dò rằng Đức và Liên Xô cần tiếp tục là bạn.
Nhưng rốt cuộc, chiến tranh Xô – Đức đã nổ ra.

http://lemaiblog.wordpress.com/2009/10/16/cu%E1%BB%99c-t%E1%BA%A5n-cong-b%E1%BA%A5t-ng%E1%BB%9D-c%E1%BB%A7a-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-lang-gi%E1%BB%81ng/
Nguồn

Đánh lừa Saddam trong chiến dịch Bão táp sa mạc


Không có gì cay đắng hơn khi một chỉ huy quân sự bị đối phương đánh lừa trong một trận đánh quyết định – hơn thế, trong một cuộc chiến tranh. Tất nhiên, đánh lừa một người như Saddam Hussein dày dạn kinh nghiệm, có sự mẫn cảm đặc biệt, không hề dễ dàng. Chiến thắng của Hoa Kỳ và đồng minh trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 cho thấy chiến thuật nghi binh độc đáo, thành công ngoài tưởng tượng của nghệ thuật quân sự Hoa Kỳ và phương Tây.
Bộ máy chiến tranh của Iraq lúc bấy giờ thật đáng sợ, nó không còn đối thủ ở vùng Trung Cận Đông. Vào đầu tháng 1.1991, tổng số quân Iraq tại chiến trường Kuwait đã lên tới 43 sư đoàn, được tổ chức thành 4 quân đoàn và các lực lượng Vệ binh cộng hòa. Lực lượng này bao gồm: 7 sư đoàn thiết giáp, 4 sư đoàn cơ giới, 29 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn tác chiến đặc biệt và vài lữ đoàn độc lập khác. Iraq có hơn 4.500 xe tăng, 2.800 xe thiết giáp chở quân, 3.200 khẩu pháo. Lúc này, Iraq không còn có thể triển khai lực lượng có ý nghĩa về sức mạnh chiến đấu tới chiến trường Kuwait nữa, do các vấn đề về hậu cần và ngoài ra, nó làm mỏng lực lượng bảo vệ an ninh nội địa.  
Vì sao Iraq bố trí quân đội như vậy? Điều đáng nói, vấn đề bố trí quân của Iraq đã bị Hoa Kỳ và liên quân đánh lừa rất công phu, ngoạn mục.
Do tính chất gây hấn của Saddam, cuộc xâm lược Kuwait của Iraq đã bị quốc tế tức khắc phản ứng gay gắt, kể cả Liên Xô – đồng minh thân cận của Iraq. Chiến tranh lạnh vừa kết thúc. Gorbachev không tin là Iraq có thể thắng Mỹ. Ông ta nhiều lần phái Đặc phái viên đến Iraq nhằm thuyết phục Saddam. Đây là một đoạn trong cuộc nói chuyện của Primakov – đặc phái viên của Gorbachev, người mà sau này từng là Thủ tướng Nga. Ông này nói với Saddam bằng thứ ngôn ngữ khác với ngôn ngữ ngoại giao mà ông thường dùng:
- Thưa ngài Tổng thống, nếu ngài cố chấp, người Mỹ sẽ tiến hành chiến tranh với ngài, lúc đó chúng tôi sẽ không thể can ngăn.
Saddam trả lời bằng một giọng gần như lạnh nhạt:
- Tôi hiểu.
- Nhưng ngài sẽ thua trận.
- Có thể.
Chắc hẳn Saddam đã có sự chuẩn bị và tính toán sâu xa nào đấy mới có thể bình tĩnh và tự tin đến thế!
Các chỉ huy Hoa Kỳ – đối thủ của Saddam, trong quá trình vạch kế hoạch, nhấn mạnh tới sự cần thiết của một kế hoạch tác chiến tổng hợp nhằm đánh lừa các lực lượng Iraq về các ý định và giữ kín kế hoạch vận động của liên quân. Kế hoạch nghi binh nhằm làm cho Iraq tin rằng hướng tấn công chủ yếu của liên quân là sẽ đánh thẳng vào Kuwait, với sự yểm trợ của cuộc tấn công đổ bộ đường biển. Kế hoạch này còn nhằm đánh lạc hướng các lực lượng Iraq khởi xướng tấn công chủ yếu và kìm chân các lực lượng Iraq tại miền Đông Kuwait và dọc theo bờ biển Kuwait.
Các yêu cầu của kế hoạch nghi binh gồm: (a) Nghi binh chiến lược để làm cho đối phương tưởng là liên quân đang ở thế phòng thủ; (b) Nghi binh chiến dịch để kìm chế hoặc đánh lạc hướng lực lượng vệ binh cộng hòa và các đơn vị hạng nặng khác khỏi hướng tấn công chủ yếu và (c) Nghi binh chiến thuật để tạo thuận lợi cho việc vượt qua các chướng ngại vật.
Chiến thuật nghi binh đánh lừa Saddam gồm các điểm chủ yếu sau:
- Bố trí lực lượng mạnh dọc theo biên giới Kuwait – Arab Saudi, tổ chức diễn tập quân sự cố ý làm các động thái ra vẻ như các lực lượng liên quân sẽ xuất phát từ  Arab Saudi đánh thẳng vào Kuwait.
Nhằm mục đích đó, ngay từ tháng 12.1990, đã điều Quân đoàn 7 từ Cộng hòa LB Đức sang Arab Saudi; quân Mỹ dàn lực lượng chủ công suốt dải biên giới Kuwait và liên tiếp tổ chức tập trận, nhử cho Iraq tăng quân ồ ạt đến miền Nam Kuwait. Quả nhiên, Iraq đã mắc lừa, vội vàng điều một lực lượng khá lớn vào miền Nam Kuwait.
- Hạm đội Mỹ, sau khi hoàn toàn giành quyền khống chế trên biển, đã bố trí dọc bờ biển Kuwait 17 ngàn lính thủy đánh bộ và cố ý làm ra vẻ sắp sửa đổ bộ lên Kuwait.
Ta hãy nghe phân tích rất hay của Đại tướng H.Norman Schwarkopf, Tổng chỉ huy, Bộ Tư lệnh Trung tâm:
“Chúng ta tiếp tục tiến hành những hoạt động tàu chiến ngoài khơi vì chúng ta muốn Iraq tin rằng chúng ta đang tiến hành một cuộc hành quân thủy bộ ồ ạt. Iraq nghĩ rằng chúng ta sắp sửa chạm trán với chúng trong vùng được phong thủ kiên cố nhất của chúng. Chúng ta đã tung ra những đòn nhử và bắn hỏa lực của hải quân để chúng cứ tưởng là ta chuẩn bị tấn công dọc bờ biển và vì vậy đã chốt các lực lượng của chúng ở đây. Hy vọng của chúng ta là bằng việc chôn chân các lực lượng địch ở vị trí này và với cuộc tấn công trên bộ từ phía nam, chúng ta sẽ cơ bản kìm chân được các lượng lượng của địch ở miền nam Kuwait…Chúng ta đã rất thành công trong hoạt động này”.
- Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, Hoa Kỳ cố ý tung ra những tin tức giả mạo, loan tin lính thủy đánh bộ sắp tràn lên chiếm Kuwait, khéo léo tạo ra những hiện tượng giả làm Iraq bối rối, không biết đâu mà lần.
Kế hoạch nghi binh, đánh lừa Saddam của Hoa Kỳ và liên quân đã rất thành công. Saddam gần như đui mù, không thể đoán ra ý định của liên quân. Trinh sát đường không của Saddam hoàn toàn bất lực. Việc bố trí quân đội sai lệch, hậu cần cồng kềnh, khả năng tấn công rất hạn chế, hệ thống chỉ huy cứng nhắc càng làm cho Iraq nhanh chóng thua trận.
Trong một thế giới đầy bấp bênh, việc chuẩn bị ứng phó với các cuộc xung đột bất ngờ là hết sức cần thiết. Hoa Kỳ thì như vậy, còn Trung Quốc thì sao? Nghi binh, đánh lừa đối phương (“thuật dùng mẹo”) là một chiến thuật rất hay được người Trung Quốc ưa dùng và họ thường rất thành công. Nghệ thuật dùng “mẹo” của họ thật đa dạng, khó lường. Chúng ta không thể bị mắc mưu – trừ phi “tự nguyện” mắc mưu họ? Xưa nay ông cha ta chưa bao giờ mắc mưu họ, chỉ khi đang yếu thế thì lui quân để bảo toàn lực lượng và tìm kế khác!
Cuộc chiến vùng Vịnh được các đối thủ nghiên cứu kỹ càng chẳng kém Hoa Kỳ. Và bài học Saddam bị đánh lừa vẫn luôn là đề tài nóng hổi của các nhà nghiên cứu quân sự thế giới!


Nguồnhttp://lemaiblog.wordpress.com/2010/10/05/danh-l%E1%BB%ABa-saddam-trong-chi%E1%BA%BFn-d%E1%BB%8Bch-bao-tap-sa-m%E1%BA%A1c/

Một mùa mưa chưa từng có!


Như tự ngàn đời nay, không một mùa mưa nào mà không gây ra nhiều thiệt hại cho người dân VN nói chung – người dân miền Trung nói riêng. Song, mùa mưa năm nay thật dữ dội – một mùa mưa chưa từng có! Sự biến đổi khí hậu toàn cầu đã tác động mạnh mẽ tới VN. Điều đáng nói, thiên tai cộng với “nhân tai” đã làm người dân miền Trung kiệt sức. Liên tục các đợt lũ. Suốt ngày, bầu trời xám xịt, đầy mây mù và những cơn gió lạnh từ biên giới phía Bắc vẫn đang rình rập chúng ta!
Nhìn xa hơn về đất nước, về địa lý quân sự VN. Điều đầu tiên ta thấy, địa hình VN nói chung rất dễ bị chia cắt chiến lược và chia cắt từng vùng – khi bão lụt cũng như khi xẩy ra chiến tranh. Dải đất VN kéo dài, ngoằn nghèo như một con rắn mà miền Trung là khúc giữa. Nếu đánh vào khúc giữa ấy, con rắn khó mà cựa quậy! Các quân sư “quạt mo” Tàu đã từng bàn luận điều đó. Dù sao, với các yếu tố về địa hình, thời tiết, khí hậu VN, cần lưu ý luận điểm này.
Đất nước VN kéo dài theo hướng Bắc – Nam, từ điểm cực Bắc Lũng Cú đến điểm cực Nam xóm Rạch Tàu trên đất Mũi Cà Mau dài 1.650 km. Chỗ rộng nhất, từ Móng Cái đến mỏm núi Khoan La San, Lai Châu dài 500 km; chỗ hẹp nhất, đoạn cắt ngang Đồng Hới, Quảng Bình chỉ có 50 km.
Ba phần tư địa hình VN là rừng núi. Lịch sử VN cho thấy các trận đánh lớn thường diễn ra trên dạng địa hình này. Còn Tây Nguyên là mái nhà của đất nước. Ai làm chủ được Tây Nguyên, người đó sẽ làm chủ Đông Dương. Tất cả các nhà chỉ huy quân sự từ Ta, Tàu, Tây đều đi đến kết luận đó.
Như vậy, đặc điểm giao thông, địa hình VN không thuận lợi, thường gây trở ngại cho việc cơ động; ảnh hưởng lớn đến sự bố trí lực lượng trên các hướng và việc đảm bảo hậu cần để tác chiến cho các vùng khác nhau trong hoàn cảnh bị chia cắt. Việc bố trí lực lượng đúng hết sức quan trọng. Nếu bố trí lực lượng đúng, đã giành 70 % thắng lợi – đó là nhận xét của Lê Duẩn mà Trần Văn Trà rất tán thành trong hồi ký của mình.
Về phía Đông, VN có bờ biển dài hơn 3.000 km với nhiều đồng bằng nằm sát biển, thường bị ngăn cách bởi những dãy núi nhô ra biển, những con sông. Hai con đường lớn, huyết mạch chạy từ Bắc vào Nam là Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh có đặc điểm lớn là Quốc lộ 1A chạy sát ven biển miền Trung, dễ bị ngập lụt khi mưa lớn, còn đường Hồ Chí Minh men theo sườn núi cao, quanh co, lại dễ bị sạt lở, gây tắc đường. Mặt khác, trên đường có rất nhiều cầu, cống. Đứng về quân sự mà nói, trong tình hình đó, không quân và hải quân đối phương có điều kiện thuận lợi để khống chế, ngăn chặn cơ động Bắc Nam. Việc cơ động theo chiều ngang Đông Tây lại càng khó khăn hơn.
Lịch sử cũng như trong tương lai cho thấy, hướng đường biển phía Đông là một hướng chiến lược mà đối phương có thể dùng để tổ chức những chiến dịch đổ bộ bằng đường biển để đánh chiếm các đảo, các bờ biển xung yếu như vịnh Bắc Bộ, bờ biển miền Trung nhằm chia cắt chiến lược, chiến dịch, buộc VN phải đối phó trên nhiều hướng và phải phân tán lực lượng. Do đó, các đảo gần bờ, các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Trong điều kiện chiến tranh hiện đại, công nghệ cao, không quân và hải quân đối phương rất mạnh, hướng chiến lược phía Đông là không thể xem thường.
Lịch sử cũng cho thấy, ở VN, các hoạt động tác chiến lớn thường theo mùa khí hậu. Bởi vì, chiến tranh bao giờ cũng diễn ra trong một không gian và thời gian nhất định. Không gian rộng hay hẹp, thời gian dài hay ngắn là tuỳ thuộc vào ý định và so sánh lực lượng của hai bên. Nhưng không gian, thời gian nào trong năm thuận lợi cho việc tác chiến lại còn do mùa khí hậu quyết định.
Khí hậu là một trong những yếu tố quan trọng nhất của địa lý tự nhiên, nó tác động sâu sắc đến địa hình. Hai yếu tố địa hình và khí hậu luôn ảnh hưởng lớn đến hoạt động tác chiến của quân đội – đặc biệt đối với VN.
Khí hậu VN là khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa, có thể chia VN làm ba miền khí hậu lớn. Miền khí hậu phía Bắc từ đèo Ngang trở ra Bắc có hai mùa nóng, lạnh rõ rệt ứng với hai mùa: mùa mưa và mùa ít mưa, thời tiết rất không ổn định. Miền khí hậu phía Đông Trường Sơn từ đèo Ngang vào Khánh Hoà, có mùa mưa ẩm lệch pha so với cả nước. Miền khí hậu phía Nam bao gồm Tây Nguyên và Nam Bộ quanh năm hầu như chỉ có mùa nóng, khí hậu ít biến động hơn. Tuy nhiên, với sự biến đổi khí toàn cầu hậu hiện nay thì việc nghiên cứu sâu thời tiết VN không những có ý nghĩa xã hội mà về quân sự lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Phân tích về đặc điểm khí hậu VN cho thấy, mùa khô là thời kỳ thuận lợi nhất cho các hoạt động tác chiến lớn trên không, trên biển, trên đất liền. Ta thấy, phần lớn những trận tiêu diệt đối phương có ý nghĩa chiến lược của ông cha ta đều diễn ra vào mùa khô như các trận Bạch Đằng, cuối năm 938 (Ngô Quyền) và tháng 4 năm 1288 (chống quân Nguyên – Mông lần thứ 3); trận Như Nguyệt, tháng 2 năng 1077 (Lý Thường Kiệt đánh Tống); Rạch Gầm – Xoài Mút, tháng 1 năm 1785; Quang Trung đại phá quân Thanh, tháng 1 năm 1789…Các chiến dịch lớn trong cuộc chiến với người Pháp cũng diễn ra vào mùa khô: Chiến dịch Việt Bắc, tháng 12 năm 1947; chiến dịch Biên Giới, tháng 10 năm 1950; chiến dịch Hòa Bình, tháng 12 năm 1951; chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 3 đến tháng 5 năm 1954…
Nghiên cứu địa lý quân sự VN không phải là vấn đề mới, đã được các tướng lĩnh VN bàn đến rất nhiều. Vấn đề là, qua một mùa mưa chưa từng có như năm nay, mối lo ngại về an ninh VN càng trở nên sâu sắc. Yếu tố địa hình, thời tiết càng không cho phép VN phạm sai lầm. Đối phương có thể bao vây VN từ phía Bắc, phía Tây, phía Tây Nam và cả phía Đông! Không thể quên bài học năm 1979! Lưu ý, từ khá sớm, TQ đã “mua” một khu vực lớn của Lào giáp Tây Nguyên. Bây giờ, thêm “bùn đỏ” nằm yên chờ cơ hội! Phía Tây Nam giáp Cambodia càng đáng lo ngại hơn. Rồi các đập thuỷ điện trên sông Mê Kông đã làm Nam Bộ khô kiệt. Các mùa mưa tiếp theo đưa đến hậu quả ra sao, là điều có thể dự đoán được!
Nói là địa hình rừng núi nhưng giờ đây chủ yếu là núi, rừng còn lại rất ít. Miền Trung với hàng trăm dự án thuỷ điện đưa đến kết quả nhãn tiền: điện vẫn cứ thiếu ngay trong mùa mưa và việc xả lũ tuỳ tiện đã góp phần nhấn chìm người dân.
Một mùa mưa chưa từng có và nhiều sự kiện, nhiều trăn trở, nhiều day dứt, nhiều suy nghĩ của rất nhiều người VN cũng chưa từng có! “Cố rán sức qua mùa đông lạnh lẽo thì ta sẽ gặp mùa xuân” – Hồ Chí Minh.


Nguồnhttp://lemaiblog.wordpress.com/2010/11/10/m%E1%BB%99t-mua-m%C6%B0a-ch%C6%B0a-t%E1%BB%ABng-co/

Hòa hay chiến?


“Hoà hay chiến” là một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc VN ta. Đối mặt với kẻ thù tàn bạo, vấn đề “hoà hay chiến” được ông cha ta cân nhắc, phân tích, đánh giá hết sức kỹ càng. Năm 1284, khi quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ hai, vua Trần đã mời các bô lão trong cả nước về họp để bàn về chủ trương “hoà hay chiến” – Hội nghị Diên Hồng. Hội nghị Diên Hồng nổi tiếng nhất trong lịch sử dân tộc không bàn về vấn đề chiến lược hay chiến thuật quân sự mà chỉ bàn một vấn đề duy nhất: nên đánh hay nên hoà? Và tất cả các bô lão đã đồng thanh hô to “Quyết đánh”! “Ý triều đình và lòng dân là một” đã tạo nên sức mạnh vô địch, là nguyên nhân đưa đến chiến thắng tất cả các kẻ thù hùng mạnh, bất kể từ đâu tới.
Gần đây hơn, năm 1858, người Pháp chiếm Đà Nẵng, mở đầu cho hơn 80 năm đô hộ đất nước ta. Nhưng trước đó 10 năm, hải quân Pháp đã nổ súng cũng ngay tại Đà Nẵng rồi bỏ đi, vì tình thế cách mạng ở Pháp chưa cho phép tư bản Pháp hành động lớn ở Viễn Đông. Vậy mà, trong 10 năm ấy, nhà cầm quyền không thấy được cái nguy sắp tới, không biết nhìn xa trông rộng, rút cuộc không làm được gì nhiều để phòng thù đất nước. Hay họ chỉ lo làm thơ phú, viết văn tự ca ngợi mình, dành tiền để xây cung điện thôi?
Sau khi chiếm đóng Đà Nẵng, người Pháp chiếm đóng Gia Định rồi chiếm đóng luôn ba tỉnh miền đông Nam Bộ. Triều đình Huế không có tư tưởng phản công, tiến công địch, mà chỉ có tư tưởng phòng ngự, biểu hiện trong việc lập một vài phòng tuyến. Vấn đề lớn đặt ra trước triều đình Huế là: chiến hay hòa?
Ta hãy xem triều đình Huế giải quyết vấn đề lớn, quan trọng bậc nhất này như thế nào?
Nhóm thứ nhất, ba ông đại thần, trong đó có Phan Thanh Giản cho rằng, bãi việc binh đao, cho dân nghỉ ngơi, liệu thời nuôi sức, thì chiến không bằng hòa, nhưng cần thủ cho chắc rồi sau sẽ bàn.
Ba ông đại thần cao chức nhất, ngay khi Pháp mới đặt chân lên Đà Nẵng, đã chủ trương chiến không bằng hòa! Ba ông đại thần tâu với Tự Đức rằng: “giặc lấy thuyền bền súng nhạy làm nghề giỏi ở ngoài biển rộng sóng gió, thế ta cũng khó tranh đua với họ. Về kế sách thì hiện giờ nên lấy thủ làm chính. Giữ có vững vàng rồi sau mới có thể nói đánh hay hòa được”.
Họ sợ sóng to gió lớn ngoài biển cả. Chưa đánh, họ đã muốn hòa, mà nào có phải kéo quân đi đến nước nào xa xôi đâu, đánh giặc ngay trên đất nước mình kia mà!
Nhóm đình thần thứ hai cho rằng: “Họ và ta vốn không gần nhau, không thể thôn tính nhau, họ chỉ đòi bồi thường lớn vô biên để no cái sở dục của họ mới thôi. Chuyến này chúng đến chẳng qua là vì lợi. Nay chúng đã đắc chí ở Trà Sơn, lại đắc chí ở Gia Định; vậy ta phải làm cho cái bình thế kéo dài…Lấy ngu ý mà suy, họ muốn hai việc: một là muốn lập phố xá ở Trà Sơn, thu tô lấy lợi; hai là muốn tung người nước họ vào truyền tà giáo…”.
Đó là những nhận định rất sai về ý đồ của người Pháp, quá xem nhẹ nguy cơ xâm lược. Nhóm này nghĩ rằng, nước Pháp ở xa nước ta quá, không thể thôn tính nước Nam được.
Giáo sư Trần Văn Giàu bình luận: Dốt quá! Hà Lan đã thôn tính Ja-va và cả quần đảo Nam Dương từ lâu rồi, Anh đã thôn tính Ấn Độ từ lâu rồi, Lữ Tống đã bị Y-pha-nho thôn tính từ lâu rồi. Mà Y-pha-nho, Anh, Hà Lan đều cách xa Lữ Tống, Ja-va, Ấn Độ cũng như ta cách xa Pháp vậy. Làm quan đại thần ở triều đình chẳng biết việc đó thì biết việc gì?
Nhóm đình thần thứ ba xin vua chỉ thị cho quân thứ Quảng Nam “liệu viết thư trách Pháp, hãy lấy nghĩa lý là nói, xem họ nếu chỉ muốn thông thương như cũ hoặc xin bỏ cấm đạo mà họ tự rút lui thì ta cho giảng hòa cũng chẳng hại gì. Nếu họ dối trá, chẳng đánh cũng chẳng hòa thì ta chỉ cố sức thủ mà thôi”.
Giáo sư Trần Văn Giàu bình luận: Viết thư trách địch! Lấy nghĩa lý mà giảng giải cho chúng! Mong chúng tự rút lui thì ta cho giảng hòa! Còn có khờ khạo nào hơn? Mà đó lại là tư tưởng, chủ trương của một nhóm tả hữu nhà vua!
Nhóm đình thần thứ tư lại còn xin phải nghị hòa gấp nữa kia. Họ nói: “Phép dụng binh phải lấy mình nhàn rỗi để đối phó với quân địch mệt nhọc. Nay giặc nhàn rỗi mà ta thì mệt nhọc nên việc đánh giữ rất khó. Hòa vẫn là hạ sách nhưng hiện nay chính là lúc cho quân nghỉ để nuôi dân. Nếu dằng dai hàng tháng hằng năm, sợ có bất ngờ xẩy ra”.
Giáo sư Trần Văn Giàu bình luận: Sao lại bảo giặc nhàn rỗi? Cả quan văn võ, há chẳng một ai biết rằng từ tháng 4.1859 quân Áo kéo vào bắc Ý, khiến quân Pháp cũng phải gấp rút kéo quân sang đối phó. Liên quân Anh – Pháp đang bị sa lấy ở sông Bạch Hà, vì vậy Pháp không tăng viện được ở Gia Định mà còn phải rút bớt quân đi. Vậy mà bảo là địch nhàn? Còn bảo ta mệt cũng sai. Mấy năm nay nước Nam có phải đánh đấm với ai đâu? Việc tranh chấp với Cao Miên xong từ lâu rồi.
Chỉ có một nhóm đình thần dâng sớ bàn đánh là thượng sách, hòa thì nguy cơ không lường được. Họ lập luận: “Quảng Nam, Gia Định, thế đất và tình hình giặc đại thể giống nhau nhưng cũng có chỗ khác nhau một chút. Ở Quảng Nam, số tàu thuyền của Tây còn ít, chúng vào sâu trong sông trong làng thì ta có thể đánh úp được. Ở Gia Định, thuyền địch nhiều, gần mặt biển, quân ta khó đến gần. Vậy xin cho quân thứ Quảng Nam phòng bị nghiêm, đợi chúng vào sâu trong đất, ta đánh chúng trên bộ để thu toàn thắng. Quân thứ ở Gia Định hợp với các tỉnh cố đốt phá tàu địch. Thế quân ở Gia Định đã thắng thì Đà Nẵng có thể lần lượt dẹp tan quân địch”.
Nếu tại triều đình, khuynh hướng hòa và thủ mạnh hơn công và chiến thì trái lại, trong nhân dân, khuynh hướng chủ chiến mạnh hơn. Ông Nghị đốc học Nam Định đem 300 quân đi bộ vào Quảng Nam đánh giặc, giặc rút khỏi Đà Nẵng, họ xin đi thẳng vào Gia Định; vua không cho, bảo trở về. Khắp nơi nhân dân chống nghị hòa, gửi kiến nghị lên triều đình, đòi phải đánh. Nhà vua bảo Trương Đăng Quế: “Lời bàn của công chúng sôi nổi như thế, thì làm sao?” Ông này tâu: “Một chữ hòa, xưa có làm; nhưng đó là sự quyền nghi một thời gian, không phải không thường có”. Tự Đức lại hỏi ý kiến của Nguyễn Tri Phương, ông này cũng có tư tưởng thất bại chủ nghĩa: ” Họ thủy lục nương tựa, súng tinh, người liều, quân ta nhát, thành ra thua, thủy bộ đều không bì với quân địch. Quân thứ chỉ có 3.200 người, không đủ dùng, giữ cũng chẳng nổi, nói gì đánh”.
Giáo sư Trần Văn Giàu bình luận: Kẻ cầm quân mà nói như thế đó! Đình thần, quan võ, nhà vua đều sợ địch, không dám đánh, không quyết thắng, thì bảo binh sỹ đánh thắng làm sao? Quân thứ có 3.200, dân quân các tỉnh kéo về Gia Định hàng mấy vạn, trong lúc quân Pháp nhiều lúc dưới một phần mười cái số 3.200 đó!
Lịch sử cho thấy, quyết sách “hòa nghị” của triều đình Huế đã đưa đến sự đầu hàng và mất nước vào tay người Pháp trên 80 năm.
Để kết thúc, tôi lại nhớ chuyện xưa, đời Tam Quốc, Tào Tháo đem 100 vạn quân sang đánh Giang Đông. Trong khi nội bộ chia làm hai phe chủ chiến và chủ hòa, Tôn Quyền vốn là người do dự, không quyết bề nào, may có Khổng Minh Gia Cát Lượng nói khích, Tôn Quyền mới quyết đánh. Và trận đại chiến Xích Bích nổi tiếng trong lịch sử đánh tan trăm vạn quân Tào vẫn còn vang vọng.
Chuyện xưa thì như vậy, còn chuyện ngày nay…


Nguồnhttp://lemaiblog.wordpress.com/2011/01/07/hoa-hay-chi%E1%BA%BFn/

Quyết tâm và sự dũng cảm của hải quân VNCH trong trận đánh Hoàng Sa


Ngày 19.1 hàng năm lại đến. Nó là cái mốc thời gian, ít nhất cũng nhắc nhở mỗi người dân VN không được quên thời điểm quần đảo Hoàng Sa của Tổ quốc mất vào tay TQ, chưa biết bao giờ mới lấy lại được. Càng đáng lo ngại hơn khi nhiều ngư dân VN bây giờ không thể, không dám ra khơi nữa – một cách trực tiếp buông trôi chủ quyền. Điều đó đòi hỏi đất nước cần có những quyết sách phù hợp, chủ động đương đầu với tình hình trên biển Đông – tất nhiên, với một phong cách VN, phong thái VN từng được thế giới vị nể.
Năm mươi lăm năm trước, ngày 26.5.1956, Chính phủ VNCH chính thức ra tuyên bố trước thế giới nêu rõ, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của Nam VN. Ba ngày sau đó, Chính phủ TQ ủy nhiệm Bộ Ngoại giao ra tuyên bố, “quyết không cho phép xâm phạm chủ quyền của TQ đối với quần đảo Tây Sa và các đảo khác thuộc về TQ, yêu cầu Nam VN phải đình chỉ ngay tất cả mọi hoạt động khiêu khích”.
Tuy nhiên, Chính phủ VNCH tiếp tục có nhiều tuyên bố cũng như hành động để bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi đã đóng quân tại 6 đảo đá (TQ gọi là đánh chiếm), cuối tháng 8.1973, VNCH lại tuyên bố sẽ đưa hơn 10 đảo đá vào địa phận quản lý của tỉnh Phước Tuy. Hải quân VNCH thực hiện tuần tra vùng biển Hoàng Sa, ngăn cản ý định của TQ đòi chiếm quần đảo này.
Mâu thuẫn ngày một dâng cao tất yếu sẽ đưa đến hành động quân sự. Chúng ta biết, bối cảnh quốc tế khi đó rất phức tạp. Cuộc nội chiến đã kéo dài, gây nhiều đau thương. Lợi ích của nước nhỏ đã bị các nước lớn mang ra đổi chác. Bài học về độc lập, tự chủ không bao giờ cũ. Lịch sử đã chứng minh, trong trận đánh Hoàng Sa, TQ đã đi đêm với Hoa Kỳ để Hoa Kỳ đứng ngoài cuộc. Điều này là rõ ràng, không thể tranh cãi.
Chỉ huy cao nhất của trận đánh Hoàng Sa phía TQ là Đặng Tiểu Bình, người vừa được khôi phục công tác.
Tháng 12.1973, Mao Trạch Đông triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị tại phòng đọc sách của mình, quyết định bổ nhiệm Đặng Tiểu Bình làm Tổng Tham mưu trưởng.
Mao nói:
“Nay tôi mời đến một quân sư, tên là Đặng Tiểu Bình. Ông này có nhiều người sợ, nhưng làm việc tương đối quả đoán. Tôi xin tặng đồng chí hai câu: trong nhu có cương, trong bông có kim, bên ngoài hòa khí một chút mà bên trong là cả một công ty gang thép”.
Đặng là người có uy vọng rất cao trong quân đội TQ. Rõ ràng, trận đánh Hoàng Sa đã được TQ trù tính và chuẩn bị rất kỹ. Họ có cả tàu khu trục Komal và tên lửa Ukhơ. Ngược lại, phía Nam VN lại bị bất ngờ lớn. Và, phía Bắc VN cũng vậy.
Tuy nhiên, sự chỉ huy quyết đoán, từ cấp cao nhất của VNCH, sự dũng cảm của hải quân VNCH thì ngay cả TQ cũng phải công nhận.
Đây là mô tả của họ:
“Sáng ngày 18.1, tàu Trần Khánh Dư và Trần Bình Trọng của Nam VN trong mấy ngày qua vẫn lởn vởn ở vùng biển gần đảo Cam Tuyền, lại đến gần tàu cá số 407 của TQ, dùng loa gào thét, buộc tàu cá TQ phải ra khỏi vùng biển này. “Không đi, chúng ta sẽ tiêu diệt cả tàu lẫn người bây giờ” – sỹ quan Nam VN nói.
Trong không khí đe dọa không có kết quả, tàu Trần Khánh Dư mở hết tốc lực, lao thẳng vào tàu cá 407, phá hủy buồng lái của tàu.
Đêm 18.1, sóng gió ầm ầm.
Hải quân Nam VN quyết tâm đọ sức với hải quân TQ bảo vệ Tây Sa, đã cử thêm tàu hộ vệ mang tên Sóng Gầm (chắc là họ chỉ hộ tống hạm Nhật Tảo) đến vùng biển cụm đảo Vĩnh Lạc, hội tụ với 3 tàu khu trục mang tên Trần Khánh Dư, Lý Thường Kiệt, Trần Bình Trọng đã xâm nhập trước đó.
Sáng sớm ngày 19.1, sau một ngày “thi gan” với hải quân TQ, hải quân Nam VN quyết tâm lợi dụng tàu chiến hòng nuốt chửng các tàu tuần tiễu có trang bị kém hơn của hải quân TQ (?), tiến tới chiếm cả cụm đảo Vĩnh Lạc.
Hai tàu Lý Thường Kiệt và Sóng Gầm giàn sẵn thế trận từ vùng biển phía bắc đảo Quảng Kim tiếp cận biên đội tàu hải quân TQ. Còn hai tàu Trần Khánh Dư và Trần Bình Trọng thì từ phía Nam tiếp cận hai đảo Tham Hàng và Quảng Kim.
Tàu Lý Thường Kiệt giương cao nòng pháo, lao thẳng vào biên đội hải quân TQ. Ỷ vào thế có lớp vỏ thép dày, tàu Lý Thường Kiệt không những không thay đổi hướng đi, ngược lại còn dùng mũi tàu húc thẳng vào tàu 396, làm hỏng cột đài chỉ huy, lan can mạn trái và máy quét mìn.
Tàu Lý Thường Kiệt  ngang nhiên đi giữa 2 tàu hải quân TQ, lao về phía đảo Tham Hàng, Quảng Kim, sau đó thả 4 xuồng cao su, chở hơn 40 tên sỹ quan binh sỹ Nam VN đổ bộ lên đảo ngay trước mặt tàu chiến TQ.
Sau khi chiếm lĩnh vị trí có lợi ở vòng ngoài, cả 4 tàu chiến hải quân Nam VN bỗng nhiên đồng loạt nổ súng vào 4 tàu chiến của biên đội hải quân TQ. Dưới làn pháo dày đặc của tàu địch, tàu chiến của hải quân TQ liên tiếp bị trúng đạn, một số nhân viên bị thương”…
Sau khi kết thúc trận đánh Hoàng Sa, Nam VN dồn dập điều động máy bay, tàu chiến sẵn sàng phục thù. Hải quân Nam VN ngoài việc cử 2 tàu khu trục từ Vũng Tàu và Nha Trang ra tập kết Đà Nẵng, còn cử 6 tàu chiến từ Đà Nẵng cơ động về hướng Hoàng Sa, đồng thời lệnh cho không quân và hải quân ở khu vực này chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tiếc rằng, bối cảnh khi đó không cho phép tiếp tục trận đánh.
Được thua trong một trận đánh là chuyện bình thường. Nhưng trong trận hải chiến Hoàng Sa, ta thấy quyết tâm và sự dũng cảm rất cao của sỹ quan và binh sỹ VNCH. Họ đã làm theo lời tiền nhân, đối với một tấc đất của Tổ quốc, phải kiên quyết giữ gìn. Đó là một bài học lớn – bài học lịch sử mà không một ai được phép quên.


Nguồnhttp://lemaiblog.wordpress.com/2011/01/16/quy%E1%BA%BFt-tam-va-s%E1%BB%B1-dung-c%E1%BA%A3m-c%E1%BB%A7a-h%E1%BA%A3i-quan-vnch-trong-tr%E1%BA%ADn-danh-hoang-sa/

Cảm xúc tháng Hai


Có những ngày tháng Hai được nói đến rất nhiều, ca ngợi rất nhiều, cờ đỏ bay khắp nơi và cũng có những ngày tháng Hai rất đáng nhớ, cần phải nhớ thì lại đang chìm dần vào quên lãng. Bến Lú – sông Tương? “Sông Tương Tư suốt đời anh sẽ nhớ. Bến Lú mà, em sẽ chóng quên thôi”?
Cảm xúc tháng Hai? Trên đất nước VN nầy, nói đến ngày nào, tháng nào, năm nào mà lại không cảm xúc? Chúng ta không nói đến tháng Tư hay tháng Tám, tháng Năm hay tháng Mười. Thời gian đang tiến dần đến ngày 17.2, đánh dấu 32 năm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Thời gian có thể làm cho lịch sử hiện lên rõ nét hơn, sống động hơn và thời gian cũng có thể làm phai nhòa lịch sử, song chắc chắn không một ai có thể xóa bỏ được lịch sử.
Trước mắt tôi là các tác phẩm bàn về quân sự của Võ Nguyên Giáp và Trường Chinh. Vào thời điểm nổ ra cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979, Võ Nguyên Giáp vẫn là Bộ trưởng Quốc phòng. Đáng tiếc là vai trò của ông trong cuộc chiến này chưa được nói đến nhiều. Còn Trường Chinh, bấy giờ là Chủ tịch Quốc hội, đến năm 1986, ông trở lại làm Tổng Bí thư, sau khi Lê Duẩn mất.
Khi cuộc chiến nổ ra, như chiến thuật ông cha ta thường dùng, VN trước tiên tìm cách ngăn cản bước tiến của quân TQ bằng các lực lượng tại chỗ như dân quân, du kích, cố gắng kìm chân các lực lượng TQ càng lâu càng tốt. Đồng thời, cấp tốc điều các sư đoàn chủ lực từ phía Tây Nam về. Liệu chiến tranh có “hạn chế về không gian và thời gian” như TQ rêu rao hay không? Thử hỏi, nếu 60 vạn TQ không bị tổn thất nặng nề, họ có tự nguyện dừng lại ở mấy tỉnh biên giới rồi rút lui?
Giờ đây, nguyên nhân của cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 giữa VN và TQ phần nào đã được làm rõ. Mới đây, phát biểu của tướng Lưu Á Châu càng cho chúng ta thấy tính toán sâu xa của TQ và Đặng Tiểu Bình. Gạt ra ngoài tính chất phi nghĩa của cuộc xâm lược, có thể nói tầm nhìn của họ Đặng đặc biệt xa rộng.
Ngay từ những năm tám mươi, phân tích nguyên nhân vì sao TQ đánh VN, Trường Chinh đã chỉ rõ, một số giới phương Tây cho rằng đây là “cuộc đánh nhau giữa các nước cộng sản”, nó chừng tỏ “những mâu thuẫn về lợi ích dân tộc đã vượt lên trên sự thống nhất về hệ tư tưởng trong các nước XHCN”. Không! Vấn đề là ở chỗ âm mưu và hành động của TQ chống VN từ trước đến nay, TQ đang thực hiện “chủ nghĩa Mao sau Mao” hay là “chủ nghĩa Mao không có Mao”. Mà biểu hiện nổi bật nhất của chủ nghĩa Mao là chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa bá quyền đại Hán tộc.
Giữa lúc quân TQ đang ào ạt tấn công trên toàn tuyến biên giới, quân đội VN đang cố gắng ngăn cản bước tiến của quân TQ, Võ Nguyên Giáp đã khẳng định “Nhân dân VN nhất định thắng lợi, giặc TQ xâm lược nhất định thất bại”.
Võ Nguyên Giáp đã phân tích rất sâu sắc dã tâm và mưu đồ đen tối của nhà cầm quyền phản động TQ đối với VN. Chính sách của họ chính là sự kế tục ở một thời kỳ mới của chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc đã từng ngự trị trong lịch sử lâu đời của các triều đại phong kiến TQ. Nó là sự biểu hiện tập trung tất cả những gì độc ác nhất, nham hiểm nhất trong quốc sách thôn tính VN mà các hoàng đế TQ đã từng theo đuổi mấy ngàn năm qua. Rõ ràng, phân tích đó đã chiếu một cái nhìn toàn diện vào chiều sâu lịch sử của VN và TQ, cho thấy sự am hiểu và đánh giá đúng đối phương, từ đó đề ra đường lối đúng. Võ Nguyên Giáp là một nhà quân sự nhưng trước hết, ông là một nhà chính trị có cái nhìn toàn cục, biện chứng.
Từ rất sớm, VN đã phát hiện và đề phòng dã tâm của TQ – luôn muốn VN suy yếu, bắt buộc lệ thuộc vào TQ, thần phục TQ, đi vào quỹ đạo của TQ. Họ đã lợi dụng cuộc chiến của VN với người Mỹ nhằm thu lợi cho họ. Những nhà lãnh đạo TQ quả là không “hổ thẹn” với tiền nhân của họ!
Có một chi tiết đặc biệt, Võ Nguyên Giáp nêu rõ: “với sự thỏa thuận ngầm của Mỹ, họ đã thừa lúc ta dồn sức vào kháng chiến, ngang nhiên đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của nước ta”.
Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp đặc biệt phân tích về chiến lược hai gọng kìm và chiến lược đánh vòng của TQ. Mỗi khi các triều đại phong kiến phương Bắc muốn đánh nước ta, họ thường đánh chiếm Lâm Ấp, Chiêm Thành để tạo nên thế trận bao vây từ hai hướng. Thế kỷ XI, đời nhà Lý, nhà Tống cấu kết với vua Chămpa quấy phá biên giới phía Nam VN để chuẩn bị cho quân nhà Tống từ phía Bắc đánh xuống. Thế kỷ XIII, đời nhà Trần, để xâm lược nước ta lần thứ hai, nhà Nguyên dùng một lực lượng khá mạnh do Toa Đô chỉ huy, liên minh với quân Chămpa đánh vào miền Nam VN, phối hợp với đại quân do Thoát Hoan chỉ huy từ phía Bắc đánh xuống.
Song, tất cả mưu đồ đó của các triều đại phong kiến TQ đều thất bại và lần này lịch sử cũng sẽ lặp lại. Quả nhiên, điều đó đã xẩy ra. Khẳng định TQ sẽ thất bại trong cuộc xâm lược VN của Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp đã được chứng minh là chính xác.
Bây giờ nhìn lại, ta càng thấy sự phân tích của hai ông ngày càng có tính tiên tri hơn. Hiện nay, VN có thể bị bao vây từ phía Bắc, phía Đông, phía Tây và phía Tây Nam. Đó là chưa kể hàng loạt kiểu “bom nổ chậm” khác. Trường Chinh đã chỉ ra vai trò của lưới gián điệp cài sẵn của TQ, vấn đề sử dụng người Hoa…
Là một nhà quân sự, dĩ nhiên Võ Nguyên Giáp bàn sâu về những biện pháp quân sự trong cuộc chiến với TQ – tất nhiên, không để lộ ý đồ chiến lược. Ông nhấn mạnh, bộ đội thường trực phải thật tinh. Lực lượng hậu bị phải thật mạnh, vừa chiến đấu vừa rèn luyện, làm chủ mọi thứ binh khí kỹ thuật hiện đại, nâng cao trình độ hiệp đồng tác chiến, tạo nên chất lượng chiến đấu thật cao, sức mạnh và hiệu lực chiến đấu thật lớn. Nhanh chóng phát hiện và nắm vững quy luật của chiến tranh, nhanh chóng phát hiện chỗ yếu cơ bản và chỗ mạnh tạm thời của địch. Kiên quyết và linh hoạt, giỏi đánh địch bằng mọi hình thức, tiến công dũng mãnh, phản công kiên quyết, phòng ngự kiên cường.
Có một điều khá lý thú, lập luận của Võ Nguyên Giáp về “làm chủ đất nước để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để giữ vững quyền làm chủ đất nước; làm chủ chiến trường trong từng trận chiến đấu…”, phải chăng là vì cái lý thuyết “làm chủ tập thể” của Lê Duẩn lúc bấy giờ đang được tung hô, đề cao? Hẳn vậy? Nghiên cứu các tác phẩm quân sự của Võ Nguyên Giáp trước đó, chúng ta có thể trả lời được câu hỏi này.
Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp đều nhấn mạnh phải làm cho đất nước ta mạnh lên trong mọi hoàn cảnh. Ta mạnh lên thì buộc địch phải cân nhắc trong các tính toán quân sự phiêu lưu của chúng, do đó, có điều kiện đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, giữ vững hòa bình lâu dài.
Đây lại là một bài học thời sự nóng hổi đối với chúng ta.
TQ từ trước đến nay vẫn nói rất nhiều đến cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 với VN. Họ luôn khẳng định họ là chính nghĩa. Họ ca ngợi các tướng lĩnh và quân đội TQ trong cuộc chiến. Còn VN thì sao?
Đây là lời của Trường Chinh, nhân kỷ niệm ba năm ngày xẩy ra cuộc chiến:
“Thắng lợi của nhân dân VN đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền TQ cách đây ba năm mãi mãi được ghi vào lịch sử như một cái mốc quan trọng của phong trào đấu tranh của nhân dân VN và nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.


Nguồnhttp://lemaiblog.wordpress.com/2011/02/08/c%E1%BA%A3m-xuc-thang-hai/

Trung Quốc trỗi dậy hòa bình hay trỗi dậy chiến tranh?


Sự kiện “tàu Bình Minh 2″ xẩy ra ngay trước thềm Đối thoại Shangri-La làm chúng ta dễ dàng nhận thấy đó là một tính toán chiến thuật nằm trong chiến lược độc chiếm biển Đông của Bắc Kinh. Tướng Lương Quang Liệt, người dẫn đầu đoàn đại biểu hùng hậu của TQ – vốn rất nổi tiếng với tuyên bố về Đài Loan ngay sau khi ông ta nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng: Đối với Đài Loan, đánh chậm không bằng đánh sớm, đánh nhỏ không bằng đánh lớn, đánh chiến tranh thường qui không bằng đánh chiến tranh hạt nhân, chỉ đánh Đài Loan không bằng lôi cả Nhật Bản vào cùng đánh”.
Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi các bên tham dự Đối thoại Shangri-La hồi hợp chờ đợi “giọng lưỡi” của Lương.
Thế nhưng, các bên tham dự Đối thoại Shangri-La lại bất ngờ lắng nghe bài phát biểu đầy “nhã nhặn” của Lương. Có người làm một bản thống kê cho thấy, trong bài phát biểu ấy, có 3 từ “hữu nghị”, 6 từ “đối thoại”, 47 từ “hợp tác” và 34 từ “hòa bình”! Không phải ngẫu nhiên mà TQ luôn nói đến chiến lược “trỗi dậy hòa bình” của TQ – nhất là trong thời gian gần đây, trong khi việc làm của họ thì ngược lại. Không cần phải chờ đợi đâu xa, sự kiện tàu Viking 2 ngày 9.6.2011 tiếp ngay sau sự kiện tàu Bình Minh 2 đã làm cho những người luôn tin tưởng vào mối quan hệ Việt – Trung cũng bừng tỉnh, hiểu rõ TQ muốn gì và chắc chắn TQ sẽ không dừng lại ở đó. Thế giới có quyền đặt câu hỏi, vậy TQ áp dụng chiến lược trỗi dậy hòa bình hay trỗi dậy chiến tranh?
Thập kỷ sáu mươi, xuất phát từ bối cảnh quốc tế lúc bấy giờ, nhận định chiến tranh thế giới có thể sẽ xẩy ra, Mao đề ra chiến lược “đánh mạnh, đánh sớm, đánh chiến tranh hạt nhân”. Thế là không biết bao nhiêu nhân tài, vật lực của quốc gia đổ vào việc chuẩn bị chiến tranh, TQ gần như kiệt sức. Cuối thập kỷ bảy mươi, Đặng nhận định: Chiến tranh lớn không xẩy ra, đừng sợ. Tôi thấy chí ít mười năm nữa cũng không đánh nhau đâu. Chúng ta phải bình tĩnh đưa ra phán đoán mới, phán đoán này là vô cùng quan trọng để chúng ta có thể yên tâm chuyển trọng điểm sang xây dựng kinh tế. Không có phán đoán này, hàng ngày cứ lo sợ hốt hoảng, làm sao có thể yên tâm xây dựng được?
Chiến lược “thu mình, dấu tài” của Đặng ra đời – tất nhiên chúng ta thừa hiểu, chiến lược ấy ra đời trong điều kiện TQ còn yếu về mọi mặt. TQ lớn tiếng tuyên bố với thế giới: TQ vĩnh viễn không xưng bá, không đứng đầu, không cầm cờ, không đối kháng, không thách thức trật tự thế giới đang tồn tại. Đặng lại nói, mặc dù một số nước thế giới thứ ba mong muốn TQ đứng đầu, song TQ nhất thiết không nên đứng đầu, đứng đầu không có ích gì, mọi cái chủ động đều mất hết. Không đứng đầu không phải là lời nói khách sáo mà là một suy nghĩ chính trị, một suy xét chiến lược của TQ.
Ý nghĩa của “thu mình, dấu tài” của TQ là gì? Giấu tài là che giấu tài năng, không bộc lộ ra ngoài. Nó xuất phát từ tình hình thực tiễn TQ và so sánh lực lượng quốc tế, trước hết TQ chỉ có thể làm tốt công việc của mình trong nước. TQ cố hết sức tránh huênh hoang, tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi để tập trung sức xây dựng kinh tế. Mục tiêu là tranh thủ thời cơ, thực hiện bốn hiện đại hóa, tạo ra một sự phát triển  vượt bậc cho TQ.
Chiến lược ấy đã tỏ ra có hiệu quả. Năm 2010, tổng GDP của TQ đã vượt Nhật Bản, đạt 5,88 nghìn tỷ USD, chỉ đứng sau Hoa Kỳ với 14,66 nghìn tỷ USD.
Đến đây, chúng ta hãy nhìn tổng quát một chút “mối đe dọa” của TQ. Theo một số nguồn tin phương Tây, tổng quân số thường trực hiện nay của 4 quân chủng Quân đội TQ vào khoảng 2,3 triệu người; trong đó Lục quân có 1.560.000 quân, Không quân có 385.000 quân và Hải quân có 255.000 quân, lực lượng tên lửa chiến lược có 100.000 quân. Ngoài ra, Trung Quốc còn duy trì một lực lượng cảnh sát vũ trang với 660.000 người để bảo đảm an ninh nội địa.
TQ có 9.480 chiếc xe tăng các loại, trong đó 8.180 xe tăng hạng nhẹ, 5.000 xe thiết giáp, 58.450 khẩu pháo, cối và rốc két các loại. Vũ khí phòng không của Lục quân gồm 10.300 pháo phòng không và 1.600 tên lửa. Lục quân cũng được trang bị 384 máy bay trực thăng các loại.
Không quân có 4.486 máy bay các loại, gồm máy bay ném bom, máy bay tiêm kích bom, cường kích, tiêm kích và nhiều loại khác. Lực lượng phòng không có 1.578 tên lửa phòng không, 16.000 pháo cao xạ các loại.
Hải quân TQ có tổng số 1.503 tàu, xuồng các loại, trong đó có tàu ngầm, tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu phóng lôi, tàu tên lửa, tàu tuần tiễu trang bị pháo, tàu xuồng đổ bộ và tàu phục vụ. Lực lượng không quân của hải quân có 956 máy bay các loại gồm: máy bay ném bom, rải lôi, máy bay cường kích, tiêm kích, máy bay trinh sát chống ngầm, máy bay vận tải và máy bay trực thăng.
TQ có 609 tên lửa chiến lược trên đất liền với các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo tầm trung, tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Ngoài ra, lực lượng này còn có 13 tên lửa trang bị trên tàu ngầm và 326 bom và đầu đạn hạt nhân trên máy bay.
Thống kê nêu trên khó mà đầy đủ và chính xác, song cũng cho chúng ta thấy sức mạnh quân sự của “chiến lược trỗi dậy hòa bình” của TQ. TQ thường nhấn mạnh, chính sách quốc phòng “phòng ngự” và chiến lược quân sự “phòng ngự tích cực” của mình. Rằng số vũ khí hạt nhân “ít ỏi” mà TQ có chỉ là để tự vệ. TQ không khiêu khích quân sự với bất cứ nước nào. Tuy nhiên, nếu ai cố tình gây chiến tranh với TQ, TQ sẽ tiến hành phản kích để tự vệ.
Với việc triển khai các chính sách đối nội và đối ngoại, sự phát triển “mối đe dọa” của TQ, thế giới ngày càng e ngại TQ. Thứ nhất, TQ phát triển nhanh chóng tất nhiên sẽ dẫn đến việc bành trướng ra bên ngoài bằng vũ lực và xâm lược. Điều này lịch sử đã chứng minh. Thứ hai, TQ với dân số 1,3 tỷ người, trình độ khoa học kỹ thuật, trình độ quản lý lạc hậu sẽ tiêu hao quá mức tài nguyên nhân loại, làm rối loạn thị trường thế giới, phá hoại cân bằng sinh thái toàn cầu, tạo thành mối đe dọa cho thế giới. Thứ ba, sự phát triển của TQ sẽ gặp nhiều mâu thuẫn do chế độ chính trị, khó khăn sẽ ngày càng gay gắt, tất yếu dẫn đến rối loạn chính trị, gây mất ổn định cho khu vực cũng như thế giới. Thứ tư, mô hình TQ phát triển thành công sẽ có ảnh hưởng chính trị to lớn, tạo nên mối đe dọa vai trò chủ đạo thế giới của các nước phương Tây và Hoa Kỳ.
Chiến lược trỗi dậy hòa bình của TQ ra đời là để đối phó và hóa giải sự lo ngại đó của thế giới. Chiến lược này có thể xóa hết mối nghi ngại đó của thế giới hay không, điều này phụ thuộc vào TQ. Đó là trong hành xử, TQ phải tỏ ra là một nước lớn có trách nhiệm, nói đi đôi với làm.
Với các nước láng giềng, TQ thường nói, “làm bạn với láng giềng, thân thiện với láng giềng, yên ổn với láng giềng, trợ giúp láng giềng, hỗ trợ láng giềng, làm giàu láng giềng”. Thế ư? Cứ xem những hành động của TQ – nhất là thời gian gần đây về tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, sẽ hiểu lời nói của TQ có giá trị đến đâu. Chiến lược trỗi dậy hòa bình của TQ liệu có thuyết phục được thế giới hay không?
Và như thế, TQ trỗi dậy hòa bình hay trỗi dậy chiến tranh – câu trả lời thật quá dễ dàng.
Nguồnhttp://lemaiblog.wordpress.com/2011/06/12/trung-quốc-trỗi-dậy-hoa-binh-hay-trỗi-dậy-chiến-tranh/