Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

FBI: Trung Quốc là mối đe dọa nhiều tầng cho an ninh kinh tế Mỹ

Toàn bộ 56 cơ quan thuộc Cục Điều tra liên bang (FBI) đều xác nhận hoạt động do thám của Trung Quốc là “mối đe dọa nhiều tầng cho an ninh kinh tế Mỹ, và cho cả an ninh quốc gia”, theo tuyên bố của Giám đốc FBI Christopher Wray.


FBI: Trung Quốc là mối đe dọa nhiều tầng cho an ninh kinh tế Mỹ

Toàn bộ 56 cơ quan thuộc Cục Điều tra liên bang (FBI) đều xác nhận hoạt động do thám của Trung Quốc là “mối đe dọa nhiều tầng cho an ninh kinh tế Mỹ, và cho cả an ninh quốc gia”, theo tuyên bố của Giám đốc FBI Christopher Wray.
Ngày 26.4 (giờ Mỹ), ông Wray dự một hội thảo của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), một tổ chức nghiên cứu bất vụ lợi của Mỹ chuyên về chính sách đối ngoại của Mỹ và các vấn đề quốc tế. Ông chỉ ra “các mối đe dọa nhiều tầng” là Trung Quốc sử dụng các chiến thuật lén lút để vực dậy nền kinh tế của họ và giành lợi thế trước các nước khác.
Ông Wray nhắc lại cáo buộc lâu nay của Washington, rằng Bắc Kinh sử dụng các chiến thuật lén lút như “ăn cắp” quyền sở hữu trí tuệ để giành lợi thế kinh tế: “Nói thẳng ra, xem ra Trung Quốc quyết tâm ăn cắp để vượt lên cao, để chúng ta chịu thiệt hại. Mà Mỹ không là đối tượng duy nhất để họ ăn cắp. Họ có chiến lược, có kế hoạch chính thức thực hiện trong 5 năm để giành ưu thế tối thượng ở nhiều lĩnh vực nhạy cảm”.
Ông Wray nhấn mạnh: “Để đạt mục tiêu, họ dùng nhiều giải pháp phi truyền thống, kết hợp những thứ như đầu tư nước ngoài và mua lại công ty, xâm nhập mạng. Chính quyền Trung Quốc có tầm nhìn dài hạn, có lẽ là một tuyên bố ngầm, biến tầm nhìn này thành một hình thức nghệ thuật. Họ có tính toán, rất tập trung, kiên nhẫn và bền bỉ”.
Chính phủ Mỹ thời Tổng thống Donald Trump đã liên tục chỉ trích các chính sách thương mại của Trung Quốc. Theo Newsweek, ông Trump cùng các trợ lý đã chỉ trích chính phủ Trung Quốc có quan hệ thân cận với các công ty tư nhân, và cáo buộc Bắc Kinh “chống lưng” cho các nỗ lực do thám các đối thủ cạnh tranh của các công ty tư nhân này.
Hồi tháng 7.2018, khi áp mức thuế trừng phạt trị giá 250 tỉ USD lên các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Tổng thống Mỹ đã dẫn việc Trung Quốc “ăn cắp” quyền sở hữu trí tuệ, buộc các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc, đồng thời đòi Trung Quốc phải ngưng trợ cấp cho các công ty, tập đoàn nhà nước, điều đã khiến các công ty Mỹ bị kém sức cạnh tranh với các công ty Trung Quốc.
Các quan chức Trung Quốc phủ nhận rằng Bắc Kinh không “ăn cắp”, không gây sức ép để các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ và các bí mật thương mại. 
Trung Quốc cũng áp mức thuế trả đũa trị giá 110 tỉ USD lên hàng hóa Mỹ.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới kéo dài, gây tốn kém hàng tỉ USD, làm rúng động thị trường tài chính thế giới và gây đình trệ cho nguồn cung ứng hàng hóa.
Cuộc đàm phán Mỹ-Trung sẽ được nối lại từ ngày 30.4 ở Bắc Kinh và ngày 8.5 ở Washington, nhằm kết thúc cuộc chiến thương mại này. 
Người phát ngôn Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói các cuộc đàm phán đã đạt được vài tiến bộ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét