Không quân Triều Tiên (KPAAF) xét về quy mô thì chẳng thua kém gì Lục quân, có trong biên chế hàng trăm máy bay chiến đấu các loại, tuy nhiên đa phần đều đã lạc hậu.
Trong số hơn 450 tiêm kích của họ, chiếm số lượng đông đảo nhất là 60 MiG-21 cùng 120 J-7 (phiên bản sao chép MiG-21 do Trung Quốc sản xuất), bên cạnh đó là hơn 200 chiếc J-5 và J-6 (biến thể MiG-17/19). Dễ nhận thấy những phi cơ trên đã quá cũ kỹ, gần như không thể phát huy vai trò trong chiến tranh hiện đại.
Đáng chú ý nhất trong trang bị của KPAAF là 40 tiêm kích thế hệ 4 MiG-29SE cùng gần 100 MiG-23 (số lượng còn bay được ước tính chỉ vài chục chiếc), tuy nhiên đây là thế hệ MiG-29 đã cũ, năng lực không chiến ngoài tầm nhìn khá hạn chế.
Không quân Hàn Quốc mặc dù quy mô nhỏ hơn nhưng chất lượng vẫn được đánh giá vượt xa Triều Tiên. Trong tay họ có 60 chiếc F-15K Slam Eagle (biến thể F-15E chế tạo theo yêu cầu của Seoul) cùng 118 máy bay F-16. Bên cạnh đó, Hàn Quốc vẫn duy trì phi đội hơn 150 tiêm kích F-5E/F cùng 70 F-4 Phantom II đã cải tiến nhẹ.
Theo nhận xét, tiêm kích chủ lực F-15K với radar APG-63 nâng cấp, bổ sung thiết bị tìm kiếm và định vị mục tiêu bằng hồng ngoại AAS-42, buồng lái tương thích tốt với môi trường tác chiến đêm có thể thực hiện đòn tấn công tầm xa cả với mục tiêu trên không cũng như mặt đất, mặt biển trong mọi điều kiện thời tiết... là quá đủ để Seoul áp đảo Bình Nhưỡng ở trên không.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với Hải quân Triều Tiên (KPN), họ sở hữu nhiều chiến hạm nhưng phần lớn có lượng giãn nước nhỏ, tuổi đời hàng chục năm. Mạnh nhất trong đội tàu mặt nước của KPN là 2 khinh hạm lớp Najin được đóng theo thiết kế tàu Kola của Liên Xô, ra đời từ thập niên 1950.
Vũ khí và hệ thống điện tử của chiến hạm trên cực kỳ lạc hậu, chỉ có tên lửa chống hạm P-15 Termit tính năng thấp cùng pháo hạm B-34 100 mm model 1940 tốc độ bắn chậm, thiếu chính xác. Năng lực phòng không của tàu phải trông chờ vào pháo cao xạ ZIF-31 57 mm nòng kép, hoàn toàn không có khả năng bắn hạ tên lửa chống hạm bay bám biển.
Đứng cạnh những chiến hạm tàng hình công nghệ cao của Hàn Quốc, bao gồm lớp khu trục hạm Aegis 10.000 tấn Sejong Đại đế, Gwanggaeto (KDX-1), Chungmugong Yi Sun-shin (KDX-II); khinh hạm lớp Ulsan, Incheon; tàu hộ vệ lớp Pohang... thì chênh lệch lực lượng là không thể phủ định.
Tiếp theo, mặc dù Hải quân Triều Tiên sở hữu hạm đội tàu ngầm đông đảo hàng đầu thế giới nhưng chất lượng thực tế của lực lượng này lại thấp nhất hành tinh.
Các tàu ngầm diesel-điện cỡ lớn của Triều Tiên (như Type 033 hay Sinpo) đều mang trong mình công nghệ từ thời Chiến tranh thế giới II, chúng quá lạc hậu, độ ồn rất cao và thiếu tin cậy; còn những tàu ngầm mini (bao gồm Yugo, Sang-O) lại đơn giản đến mức bị so sánh như "những chiếc thùng phuy biết lặn".
Do vậy, tuy rằng Hải quân Hàn Quốc chỉ có hơn 10 tàu ngầm Type 209/214 nhưng tất cả đều là loại hiện đại, hiệu suất chiến đấu cao, hoạt động gần như tàng hình trong lòng biển sâu, được trang bị vũ khí rất uy lực, thừa khả năng đè bẹp hạm đội tàu ngầm đông nhưng không tinh của Triều Tiên.
Nếu chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên nổ ra, với ưu thế áp đảo về công nghệ, lại nhận sự trợ giúp tích cực của đồng minh, có thể dự đoán rằng Không quân và Hải quân Hàn Quốc sẽ chiếm ưu thế rõ rệt, thậm chí còn đủ sức tiêu diệt nhanh chóng đối thủ.
Tiềm lực quân sự trên không, trên mặt biển và trong lòng biển hùng mạnh của Seoul chắc chắn sẽ khiến Bình Nhưỡng phải đau đầu tìm phương án tối ưu để đối phó.
http://soha.vn/neu-tuyen-chien-khong-quan-va-hai-quan-trieu-tien-se-bi-han-quoc-diet-trong-nhay-mat-20170425142812704.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét