Trang web Aviationist vừa thông báo một thành công lớn trong ngành chế tạo UAV Trung Quốc, Bắc Kinh đã sản xuất thành công phiên bản nhái mẫu UAV RQ-170 Sentinel Mỹ, một siêu phẩm của công nghệ hiện đại và có giá thành rất cao.
Nhưng chỉ sau đó ít lâu, lại xuất hiện một loạt các bài viết gây sôi động truyền thông đại chúng. Trung Quốc đã chế tạo thành công UAV, có những tính năng kỹ chiến thuật và cấp độ tàng hình tương tự như RQ-170. Đây thật sự là một thành quả lớn đối với ngành công nghiệp UAV đại lục.
Khoảng giữa tháng 5/2013, trên mạng Internet xuất hiện bức ảnh chiếc UAV tấn công Lệ Giang, theo các chuyên gia sẽ trở thành UAV tấn công chủ lực của PLA, có hình dáng bên ngoài tương đối giống với X-47 của Mỹ.
Ngày 21/11/2013 Trung Quốc đã thử nghiệm thành công chiếc UAV mới nhất có tên Lệ Giang, chuyến bay thử nghiệm kéo dài 17 phút. Đây cũng là chiếc máy bay sử dụng công nghệ hiện đại nhất theo nguyên mẫu RQ-170 của Mỹ, lắp động cơ tua bin phản lực và cũng là máy bay tàng hình đầu tiên được chế tạo theo công nghệ “stealth”.
Thiết kế theo phương án kỹ thuật hàng không Cánh bay, UAV có khả năng tiến hành chụp ảnh và quay video với chất lượng hoàn hảo trên trần bay rất cao, đồng thời rất khó bị phát hiện.
Chiếc UAV tuần thám tàng hình Lệ Giang đã tăng cường khả năng theo dõi, kiểm soát không gian trên các vùng nước đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và Biển Hoa Đông của Trung Quốc, hỗ trợ không quân và hải quân PLA có khả năng phản ứng kịp thời. Tăng cường thêm những tính năng kỹ chiến thuật, UAV Lệ Giang có thể mang theo vũ khí tấn công.
Mặc dù hoàn toàn là UAV nhái, nhưng tướng Xu Guang Yu đã hồi hữu vẫn phát biểu với niềm tự hào: "Chuyến bay thành công đã minh chứng một sự thật, Trung Quốc đã nhanh chóng đuổi kịp các nước phát triển trong tiến trình hiện đại hóa quân đội ".
UAV được thiết kế bởi tập đoàn chế tạo máy bay Thẩm Dương và chế tạo bởi tập đoàn Hund. Các tính năng kỹ chiến thuật, Trung Quốc hoàn toàn không công bố, đặc biệt là động cơ phản lực lắp đặt trên chiếc UAV tàng hình này. Đây cũng là nguyên mẫu UAV tàng hình thứ 4 được Trung Quốc sản xuất sau UAV Xianlong, máy bay tiêm kích hạng nặng J-20 và J-31.
Tải trọng cất cánh cực đại của Lệ Giang là 10 tấn, chiều dài 10,25 m, sải cánh 11,5 m, chiều cao 2,7 m, có thể lắp động cơ phản lực không có bộ phận tăng tốc RD-93 (động cơ này đã được lắp trên máy bay JF-17), có mã hiệu RB-500B và có lực đẩy phản lực tối đa là 5000 kg.
Tốc độ của UAV đạt 0,8М, tầm bay xa 4000 km, bán kính chiến đấu 1200 km, khối lượng vận tải hữu ích là 2000 kg (trong khoang vũ khí có thể mang theo 2 bom điều khiển laser 500 kg).
RQ-170 Sentinel, được sản xuất bởi hãng Lockheed Martin với một số lượng nhỏ do giá thành quá cao. UAV được trang bị các trang thiết bị rất hiện đại, hơn hẳn các UAV thông thường mà quân đội Mỹ sử dụng trong các chiến dịch quân sự và các trận đánh chống khủng bố.
Lực lượng không quân Mỹ chịu trách nhiệm trực tiếp mọi hoạt động của RQ-170, nhưng khai thác sử dụng UAV là CIA, tổng số có 20 chiếc RQ – 170 được xuất xưởng.
RQ-170 bị hạ ở Iran |
RQ-170 không có nhiệm vụ theo dõi các tổ chức khủng bố. Nhiệm vụ chính của UAV là xâm nhập và trinh sát lãnh thổ của các quốc gia có hệ thống phòng không mạnh. Chính vì vậy, máy bay được chế tạo và lắp đặt các trang thiết bị “stealth” đảm bảo khả năng tàng hình cao nhất đối với radar.
Hệ thống trang bị điện tử bao gồm có hệ thống trinh sát quang điện tử, hệ thống trinh sát radio và hệ thống phát hiện các bức xạ của các chất phóng xạ hạt nhân. Máy bay RQ-170 đã được triển khai ở Afghanistan và Hàn Quốc nhằm theo dõi các hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân ở Iran và Bắc Triều Tiên.
UAV bị hạ ở Iran, theo các chuyên gia phương Tây, do có trục trặc trong hệ thống điều khiển. Máy bay hạ cánh mà không có những hỏng hóc đáng kể và duy trì được khả năng hoạt động, kênh truyền hình Iran đã giới thiệu các video quay được của camera lưu trữ trong bộ nhớ của UAV.
Chiếc Dron RQ-170 hạ cánh ở Iran trong tình trạng hoàn toàn nguyên vẹn |
Chuyên gia Aviationist David Tsentsiotti khẳng định, một nhóm chuyên gia hàng không Trung Quốc lập tức đến thăm Iran và nghiên cứu kỹ càng chiếc máy bay này. Đây hoàn toàn tự nhiên do Trung Quốc thường xuyên nỗ lực tiếp cận các kỹ thuật quân sự Mỹ, bị thiệt hại trong các cuộc xung đột.
Cuộc chiến Nam Tư năm 1999, các chuyên gia quân sự Trung Quốc đã nghiên cứu rất chi tiết những mảnh vỡ của chiếc F-117 và từ đó hình thành lên công nghệ “stealth made in China”.
Nền khoa học công nghiệp Trung Quốc đã không dễ dàng nghiên cứu thiết kế chế tạo lại các trang thiết bị điện tử trinh sát và thông tin viễn thông cũng như chương trình đặc biệt điều hành hoạt động của RQ-170.
Do đặc thù hoạt động trong vùng trời lãnh thổ của đối phương, các nhà chế tạo đã tính đến khả năng UAV bị rơi vào tay kẻ thù. Do đó, trên thực tế việc chế tạo một UAV có những tính năng kỹ chiến thuật và cấp độ tàng hình tương tự như RQ-170, thật sự là một thành tựu đáng kể của hàng không Trung Quốc.
Kết quả thấp nhất mà Bắc Kinh có được là sử dụng ngay chiếc UAV mới để kiểm tra khả năng tác chiến của hệ thống phòng không đại lục trong cuộc chiến đấu với các máy bay tàng hình. Sau đó, công nghệ đạt được sẽ là nền tảng cho sự phát triển hàng loạt các máy bay UAV tàng hình đa nhiệm khác.
Hai nguyên mẫu máy bay J-20 và J-31, UAV trinh sát tầm cao Xianlong, UAV Dron Lệ Giang một lần nữa đã chứng minh sự bất lực của Mỹ và phương Tây trong phong tỏa và bao vây công nghệ chống lại sự sao chép ồ ạt của Trung Quốc.
Hệ thống tình báo công nghiệp, hệ thống nghiên cứu và ứng dụng công nghệ quân sự nước ngoài của Trung Quốc trong thời điểm này đã lách qua được các hàng rào phong tỏa công nghệ đại lục và có được những thành quả kinh ngạc.
Từ những kết quả đạt được, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh phát triển các UAV có tính năng kỹ chiến thuật tương tự như UAV Lệ Giang.
Những Dron Lệ Giang mới sẽ được sản xuất hàng loạt cho những nhiệm vụ như thâm nhập vào các nước và các khu vực đang có những tranh chấp chủ quyền, khám phá và theo dõi hệ thống phòng không của đối phương, thu thập thường xuyên các thông tin tình báo quang ảnh, radio và quay video mọi hoạt động quân sự của kẻ thù tiềm năng trong điều kiện thời bình và thời chiến.
Cũng sẽ không có gì là ngạc nhiên nếu những năm sau, Trung Quốc sẽ chào xuất khẩu các máy bay “RQ- 170 made in China” giá rẻ cho các đối thủ của Mỹ và phương Tây trên thị trường thế giới
Trịnh Thái Bằng (Nguồn: Aviationist)
http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/rq-170-sentinel-mon-qua-vo-gia-my-tang-trung-quoc-2361568/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét