Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Quân lực Trung Quốc qua góc nhìn của Mỹ

Cập nhật lúc 24-09-2010 03:18:28 (GMT+1)


Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đang chủ động nghiên cứu và phát triển hàng không mẫu hạm. Nước này đặt mục tiêu chế tạo hàng không mẫu hạm đa năng có tàu hộ tống trong thập kỷ tới.

LTSGiữa tháng 8/2010, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố bản báo cáo về quân sự Trung Quốc theo đó, Trung Quốc đang âm thầm xây dựng lực lượng quân sự để vươn tầm ảnh hưởng.
Ngay lập tức, Bắc Kinh chỉ trích báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về khả năng quân sự Trung Quốc là "hành động tấn công phiến diện, bất chấp thực tế khách quan" và có thể làm tổn hại đến quan hệ quân sự Trung - Mỹ vốn đang căng thẳng. Trung Quốc cho rằng, bản thân bản báo cáo là một sự cường điệu thái quá.
Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam xin lược đăng bản báo cáo này.
Quy mô, vị trí và tiềm năng
Kể từ khi ông Mã Anh Cửu lên nắm quyền tại Đài Loan tháng 3/2008, Trung Quốc đại lục đã đẩy mạnh các cam kết hai bờ eo biển. Cả Bắc Kinh và Đài Bắc đều nhấn mạnh các cuộc tiếp xúc từ cấp bán chính thức, đến trao đổi nhân dân và gặp gỡ giữa hai đảng, đồng thời mở rộng các quan hệ kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên, Đại lục không có hành động nào đáng kể nhằm giảm sự hiện diện quân sự chống lại hòn đảo này.
Nhằm mục tiêu ngắn hạn là chuẩn bị cho những diễn biến bất thường tại eo biển Đài Loan, Trung Quốc tiếp tục huy động phần lớn các hệ thống tối tân của mình tới các khu vực quân sự đối diện với Đài Loan.
Tên lửa đạn đạo và hành trình: Trung Quốc có chương trình tên lửa đạn đạo và hành trình phóng từ mặt đất năng động nhất thế giới. Họ đang chế tạo và thử nghiệm một số lớp mới và các dạng tên lửa tấn công mới, thành lập các đơn vị tên lửa mới, nâng cấp chất lượng của một số hệ thống tên lửa và phát triển phương pháp đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đang sở hữu một lượng lớn tên lửa hành trình có độ chính xác cao, như tên lửa phóng từ mặt đất DH-10 (LACM) do nước này tự chế tạo; tên lửa hành trình chống tàu YJ-62 phóng từ mặt đất và tàu ngầm, cũng tự chế tạo và phù hợp với tàu khu trục (DDG) lớp LUYANG-II của họ; hệ thống tên lửa siêu thanh của Nga SS-N-22/SUNBURN, phù hợp với các DDG lớp SOVREMENNYY cũng mua của Nga; và hệ thống tên lửa ASCM của Nga phù hợp với tàu ngầm chạy bằng động cơ điện diesel lớp KILO do Nga chế tạo.
Đến tháng 9/2009, PLA đã đưa khoảng 1.050 - 1.150 tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) loại CSS-6 và CSS-7 đến các doanh trại quân đội đối diện với Đài Loan. Họ đang nâng cấp khả năng hỏa tiễu của lực lượng này với các loại tên lửa có tầm bắn xa hơn, chính xác hơn và có độ công phá mạnh hơn.
Trung Quốc đang phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) từ một biến thể của tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) CSS-5. Loại tên lửa này có tầm bắn 1.500km, được trang bị đầu đạn có thể điều khiển từ xa nhờ gắn với các hệ thống kiểm soát và điều khiển thích hợp. Kế hoạch này nhằm tạo cho PLA khả năng tấn công các loại tàu, kể cả hàng không mẫu hạm, tại Tây Thái Bình Dương.
Trung Quốc cũng đang hiện đại hóa các sức mạnh hạt nhân của mình. Những năm gần đây, các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) loại DF-31 và DR-31A đã sẵn sàng được sử dụng. Loại DF-31A với tầm bắn tối đa 11.200km, có thể nhắm tới những mục tiêu nằm sâu trong nước Mỹ. Trung Quốc cũng có thể đang phát triển các loại ICBM mới được trang bị phương tiện phân phối mục tiêu độc lập (MIRV).
Hải quân: PLA có lực lượng hải quân lớn nhất châu Á với hơn 60 tàu ngầm, 55 thủy phi cơ cỡ vừa và lớn, cùng khoảng 85 tuần dương hạm được trang bị tên lửa.
Quá trình xây dựng một căn cứ hải quân mới ở đảo Hải Nam đã cơ bản hoàn thành. Căn cứ này đủ lớn để tiến hành một cuộc tấn công hỗn hợp và chứa các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và các tàu nổi tân tiến. Với các cơ sở ngầm dưới đất, căn cứ này giúp Hải quân của PLA tiếp cận trực tiếp với các tuyến đường biển quốc tế quan trọng và mở ra khả năng huy động bí mật tàu ngầm tới biển Đông.
Trung Quốc đang chủ động nghiên cứu và phát triển hàng không mẫu hạm. Nước này đặt mục tiêu chế tạo hàng không mẫu hạm đa năng có tàu hộ tống trong thập kỷ tới. Ngành công nghiệp đóng tàu của họ sẽ bắt đầu xây dựng một nền tảng nội địa từ cuối năm nay.
Hải quân Trung Quốc đã quyết định khởi xướng một chương trình huấn luyện 50 phi công vận hành máy bay cánh cứng từ hàng không mẫu hạm. Sau đó 4 năm, dự kiến sẽ là chương trình huấn luyện trên boong, với sự hỗ trợ của hàng không mẫu hạm lớp Kuznetsov của Liên Xô cũ mang tên ex-VARYAG, mà Trung Quốc đã mua của Ukraine năm 1998 và cải tiến tại xưởng đóng tàu ở thành phố Đại Liên.
Hải quân Trung Quốc cũng đang nâng cấp radar tầm xa ngoại biên (OTH) sao cho có thể sử dụng kết hợp với các vệ tinh hình ảnh giúp định vị mục tiêu ở khoảng cách lớn từ bờ biển Trung Quốc để hỗ trợ cho các cuộc tấn công chính xác tầm xa, bao gồm cả các tên lửa đạn đạo chống hạm.
Trung Quốc tiếp tục sản xuất các tàu ngầm có trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân (SSBN) lớp JIN mới nhất (Type 094). Nước này có thể chế tạo tới năm chiếc SSBN mới. Một SSBN lớp JIN đã được đưa vào sử dụng cùng với hai tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) lớp SHANG (Type 093), bốn SSN khác lớp HAN, và chiếc SSBN lớp XIA duy nhất của họ. Trung Quốc đang mở rộng sức mạnh hiện nay của các SSN và có thể tăng thêm năm SSN Type 095 trong những năm tới.
Trung Quốc hiện có 13 tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ điện - diesel (SS) lớp SONG (Type 039). Các SS lớp SONG của họ được thiết kế để mang tên lửa ASCM YJ-82. Kế cận của lớp SONG là các SS lớp YUAN. Hiện nước này có bốn tàu SS lớp YUAN đang được sử dụng và có thể lên kế hoạch sản xuất thêm 15 tàu nữa. Các SS lớp YUAN được trang bị vũ khí giống như lớp SONG, ngoài ra còn có một hệ thống đẩy khí độc lập. Các tàu SS lớp SONG, lớp YUAN và các tàu SSN lớp SHANG sẽ có thể được trang bị tên lửa ASCM CH-SS-NX-13 mới ngay khi loại này được chế tạo xong và thử nghiệm thành công.
Hải quân PLA tiếp tục trang bị các tàu chiến nội địa, trong đó có hai DDG lớp LUYANG II (Type 052C) phù hợp với tên lửa đất đối không tầm xa HHQ-9 do nước này tự chế tạo; hai DDG lớp LUZHOU (Type 051C) được trang bị tên lửa SAM tầm xa SA-N-20 của Nga; bốn (và sắp tới là sáu) tàu khu trục nhỏ có trang bị tên lửa dẫn đường (FFG) lớp JIANGKAI II (Type 054A) phù hợp với tên lửa hải quân tầm trung SAM phóng thẳng đứng HHQ-16 hiện đang chế tạo. Các tàu này cho thấy ưu tiên của giới lãnh đạo Trung Quốc là Hải quân có khả năng phòng không tối tân, vốn trước nay là điểm yếu của lực lượng này.
Trung Quốc đã huy động khoảng 60 tàu cao tốc tấn công lớp HOUBEI (Type 022). Mỗi tàu loại này có thể mang theo 8 tên lửa ASCM YJ-83.
Phòng không và Không quân: Trung Quốc hiện có 490 máy bay chiến đấu có thể hoạt động trong chiến dịch tới Đài Loan mà không cần tiếp nhiên liệu, cùng hàng trăm sân bay. Rất nhiều trong số máy bay này đã được nâng cấp.
Không quân PLA (PLAAF) vừa kỷ niệm 60 năm ngày thành lập hôm 11/10/2009. Trong lễ mừng sinh nhật này, Phó Tổng phụ trách Quân ủy trung ương Guo Boxiong đã kêu gọi PLAAF đẩy nhanh sự phát triển các hệ thống vũ khí mới, cải thiện hệ thống hậu cần và công tác huấn luyện chiến đấu chung. Trong khi đó, Tổng tư lệnh PLAAF Xu Qiliang cho biết xu hướng cạnh tranh quân sự trên không gian là "không tránh khỏi", đồng thời nhấn mạnh đến sự biến đổi PLAAF từ nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc tới nhiệm vụ "kết hợp vùng trời với không gian ngoài Trái đất", đòi hỏi cả khả năng "tự vệ và tấn công".
Trung Quốc đang nâng cấp máy bay ném bom B-6 (vốn xuất phát từ Tu-16 của Nga) thành một dạng được trang bị một tên lửa hành trình tầm xa mới khi tham gia chiến đấu. PLAAF đã tiếp tục mở rộng số lượng các hệ thống SAM tầm xa tân tiến và hiện đang sở hữu một trong những hệ thống SAM lớn nhất trên thế giới. Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã tăng cường mua một số tiểu đoàn SA-20 PMU2, hệ thống SAM tối tân nhất hiện nay, do Nga chào hàng; đồng thời đưa vào sử dụng các tên lửa HQ-9 do Trung Quốc tự sản xuất.
Ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc đang tập trung chế tạo một số dạng hệ thống máy bay tuần tra và cảnh báo sớm trên không (AEW&C). Trong số này có hệ thống KJ-200, và KJ-2000.
Lục quân: PLA có khoảng 1,25 triệu bộ binh, trong đó khoảng 400.000 lính đóng tại ba khu vực quân sự đối diện với Đài Loan. Trung Quốc đang nâng cấp lực lượng lục quân của mình với các xe tăng hiện đại, xe tải bọc thép và pháo binh. Trong số các khí tài quân sự mới mua hoặc đang chế tạo, lục quân của PLA có các xe tăng chiến đấu thế hệ ba Type 99, một loại xe tăng lội nước tân tiến, cùng các hệ thống phóng đa tên lửa 200-mm, 300-mm và 400-mm.
Năm 2009, PLA tập trung huấn luyện và thực tập điều khiển và kiểm tra, hợp tác lục - không quân, chiến tranh thông tin và các chiến dịch tấn công.
Bên cạnh lực lượng lục quân năng động, Trung Quốc còn có một lực lượng dự bị khoảng 500.000 người (tính đến năm 2008) và một lực lượng dân quân tự vệ đông đảo có thể được huy động tham gia chiến đấu bất cứ lúc nào tại địa phương.
Dù Bắc Kinh dự định giảm quy mô của lực lượng dân phòng từ 10 triệu xuống còn 8 triệu người vào năm 2010 - khi kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ 11, nhưng tất cả nam thanh niên từ 18-35 tuổi nếu không đang đi nghĩa vụ quân sự cũng đều tham gia về mặt kỹ thuật trong hệ thống dân phòng.
Học thuyết quân sự của PLA
Năm 2009, PLA tiếp tục tăng cường huấn luyện chiến tranh trong điều kiện phi thực thế và công nghệ cao. Nỗ lực này của PLA đã được nhấn mạnh trong Sách trắng Quốc phòng 2008 của Trung Quốc và là sự tiếp nối các nỗ lực thực hiện Đề cương huấn luyện và đánh giá quân sự (OMTE) sửa đổi, được công bố giữa năm 2008 và trở thành tiêu chuẩn cho toàn PLA từ ngày 1/1/2009.
OMTE mới nhấn mạnh các điều kiện huấn luyện phi thực tế, huấn luyện trong điều kiện môi trường điện từ phức tạp và kết hợp các công nghệ cao mới vào cấu trúc quân sự.
Các lực lượng của PLA đa dạng hóa công tác huấn luyện để bao gồm cả các hoạt động quân sự ngoài chiến đấu, như chống khủng bố, đối phó trong tình trạng khẩn cấp, hỗ trợ phòng chống thiên tai và các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.
PLA tiếp tục tăng cường các chiến dịch chung như thành lập Tổ chức tổng điều khiển chiến trường Jinan, kết hợp mọi cơ quan, trong đó có lực lượng điều khiển tên lửa chiến lược (SAC) cũng như giới lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các tổ chức khác.
Các nỗ lực chế tạo, mua mới hoặc tiếp cận với các công nghệ tân tiến nhằm nâng cao các khả năng quân sự
Trung Quốc vừa dựa trên công nghệ nước ngoài, mua các thành phần quan trọng có thể sử dụng hai mục đích, đồng thời tập trung tự nghiên cứu và chế tạo để hiện đại hóa quân đội. Nước này tận dụng một mạng lưới lớn và có tổ chức tốt, gồm các doanh nghiệp, xưởng sản xuất vũ khí và các viện nghiên cứu, cùng các chiến dịch mạng máy vi tính để đơn giản hóa việc thu thập thông tin nhạy cảm và công nghệ kiểm soát xuất khẩu. Rất nhiều trong số này tạo thành các khu phức hợp công nghiệp quân sự, trong đó nghiên cứu nhằm mục đích dân sự và quân sự, đồng thời chế tạo vũ khí. Mạng lưới các công ty thương mại có liên hệ với chính phủ và các viện nghiên cứu này thường giúp PLA tiếp cận với các công nghệ hai mục đích và nhạy cảm, hoặc với các chuyên gia đầu ngành dưới dạng các nghiên cứu và phát triển vì mục đích dân sự. Các doanh nghiệp và viện nghiên cứu thực hiện việc này thông qua các cuộc hội thảo và hội nghị chuyên đề về công nghệ; các hợp đồng hợp pháp; các công ty liên doanh thương mại; đối tác với các công ty nước ngoài; và cùng phát triển các công nghệ đặc biệt.
Khả năng chiến tranh không gian và chiến tranh mạng
Trung Quốc đang mở rộng hệ thống vệ tinh thông tin, tình báo, do thám, dẫn đường của mình trong không gian. Đồng thời, nước này đang phát triển một chương trình đa chiều nhằm cải thiện khả năng của các vệ tinh này trong việc ngăn chặn hoặc hạn chế mọi đối thủ tiềm tàng sử dụng các loại máy móc trong không gian nếu xảy ra khủng hoảng hoặc xung đột. Chương trình thương mại trong không gian của Trung Quốc rất có lợi cho nghiên cứu phi quân sự, song cũng chứng tỏ khả năng phóng vệ tinh và kiểm soát không gian nhằm mục đích quân sự của nước này.
Bắc Kinh đã phóng một vệ tinh dẫn đường hôm 15/4/2009, và dự kiến vào năm 2015 - 2020 sẽ hình thành một mạng lưới đầy đủ nhằm cung cấp định vị toàn cầu cho người sử dụng là dân sự hay quân sự.
Trung Quốc đã phóng vệ tinh Giao Cảm-6 hôm 22/2/2009, seri thứ sáu trong các vệ tinh do thám trên quỹ đạo từ năm 2006.
Nga đã phóng một vệ tinh viễn thông thương mại (COMSAT) mang tên Asiasat-5 cho Trung Quốc vào ngày 11/9/2009. Bắc Kinh cũng phóng một COMSAT thương mại mang tên Palapa-D cho Indonesia vào ngày 31/8/2009.
Trung Quốc tiếp tục chế tạo và thử nghiệm tên lửa Trường Chinh V. Dự định mang lượng lớn đầu đạn vào không gian, dự kiến hơn gấp đôi số đầu đạn mà nước này đã mang vào không gian. Để hỗ trợ cho các tên lửa mới này, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một cơ sở phóng vệ tinh gần Wenchang trên đảo Hải Nam từ năm 2008.
Năm 2009, nhiều hệ thống vi tính trên toàn thế giới, trong đó có của Chính phủ Mỹ, tiếp tục bị xâm nhập. Các vụ xâm nhập này dường như có nguồn gốc từ Trung Quốc, tập trung đánh cắp thông tin, trong đó có những thông tin phục vụ mục đích chiến lược hoặc quân sự. Cách tiếp cận cũng như các kỹ xảo để thực hiện các vụ xâm nhập này tương tự như các kỹ thuật cần thiết để tiến hành các vụ tấn công mạng vi tính. Hiện vẫn chưa rõ liệu các vụ xâm nhập này có phải do PLA hay các cơ quan nào khác của Chính phủ Trung Quốc tiến hành hay không. Tuy nhiên, các khả năng chiến tranh mạng ngày càng phát triển nói trên rất phù hợp với những văn bản quân sự chính thức của PLA.
Tháng 3/2009, các chuyên gia nghiên cứu Canada đã phát hiện một mạng tình báo điện tử, nhiều khả năng đặt căn cứ chính tại Trung Quốc, đã xâm nhập các cơ quan chính phủ của Ấn Độ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Hơn 1.300 máy vi tính tại 103 quốc gia đã được nhận dạng.
Cam kết quân sự tại nước ngoài
Cam kết quân sự của Trung Quốc với các nước khác nhằm nâng cao sức mạnh quốc gia của Trung Quốc bằng việc cải thiện quan hệ đối ngoại, làm đẹp hình ảnh quốc tế của mình và giảm bớt lo ngại của các nước khác về sự nổi lên của Trung Quốc. Các hoạt động của PLA cũng được hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc thông qua việc mua các hệ thống vũ khí tối tân, nâng cao kinh nghiệm chiến đấu cả trong và ngoài châu Á, và tiếp cận với thực tế điều hành quân sự nước ngoài, học thuyết chiến tranh, cũng như các phương pháp huấn luyện.
Trung Quốc tiếp tục tham gia chống hải tặc ở vịnh Aden, từ tháng 12/2008. Hải quân nước này vào tháng 12/2009 đã huy động lực lượng bốn lần, gồm ba tàu khu trục nhỏ và một tàu tiếp tế. Bên cạnh các chuyến thăm trong những dịp đặc biệt, đây là loạt huy động lực lượng chiến đấu đầu tiên của Hải quân Trung Quốc bên ngoài khu vực Tây Thái Bình Dương.
Bộ Quốc phòng hồi tháng 8/2009 đã khai trương một website chính thức bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh để nâng cao hình ảnh tích cực của quân đội Trung Quốc với thế giới. Trước đó hồi tháng 7, Bộ này thông báo rằng Trung Quốc sẽ mở rộng toàn diện các quan hệ quân sự với nước ngoài thông qua các sáng kiến như: duy trì cơ quan đại diện quân sự tại 109 quốc gia; cử phái đoàn quân sự thường niên gồm hơn 100 người ra nước ngoài và tiếp đón hơn 200 phái đoàn quân sự đến thăm; tiến hành các cuộc tham vấn chiến lược cấp cao và các trao đổi chuyên môn cũng như kỹ thuật quân sự; và tổ chức trao đổi nghiên cứu với nước ngoài ở cấp sĩ quan bậc trung.
Các cuộc diễn tập phối hợp
Sự tham gia của PLA trong các cuộc tập trận song phương và đa phương đang ngày càng gia tăng. PLA được hưởng lợi về chính trị thông qua việc tăng cường ảnh hưởng và nâng cấp quan hệ với các quốc gia và các tổ chức đối tác. Các cuộc tập trận như vậy cũng góp phần hiện đại hóa PLA bằng cách tạo nhiều cơ hội để nâng cao khả năng trong những lĩnh vực như chống khủng bố, các chiến dịch di động và hậu cần. PLA cũng tăng cường hiểu biết chiến đấu khi quan sát các chiến thuật, cách ra quyết định quân sự và các trang thiết bị được sử dụng trong các lực lượng vũ trang tân tiến hơn.
Hải quân PLA hồi tháng Ba đã tham gia các chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ trong cuộc tập trận hải quân đa phương mang tên "AMAN 2009" do Pakistan đăng cai. Trung Quốc và Gabon cũng đã tiến hành cuộc tập trận y tế quân sự tại Gabon mang tên "Thiên thần Hòa bình 2009". Đây là cuộc diễn tập đầu tiên kiểu này mà Trung Quốc tham gia.
Bên cạnh đó, Trung Quốc và Singapore cùng tiến hành tập trận "Hợp tác 2009" hồi tháng Sáu, giả định đáp trả một âm mưu tấn công khủng bố bằng vũ khí hạt nhân. Cuối tháng Bảy đầu tháng Tám, Trung Quốc và Mông Cổ đã tập trận huấn luyện chung mang tên "Nhiệm vụ gìn giữ hòa bình 2009". Ngoài ra, cuộc tập trận chống khủng bố "Sứ mệnh hòa bình 2009" giữa Trung Quốc và Nga đã diễn ra tháng Bảy với sự tham gia của khoảng 1.300 binh lính PLA. Cuộc tập trận này nhằm vào một cuộc tấn công trên không giả định và các chiến dịch đặc biệt.
Từ năm 2002, Trung Quốc đóng góp ngày càng nhiều cho các hoạt động gìn giữ hòa bình do Liên hợp quốc tài trợ. Hiện, hơn 2.100 binh lính Trung Quốc đang phục vụ trong các phái bộ của LHQ, trong khi tổng số hơn 12.000 binh lính nước này đã được huy động tham gia 22 phái bộ của các tổ chức khác trên thế giới. Hiện Trung Quốc đang dẫn đầu trong năm thành viên thường trực HĐBA LHQ về số binh lính gìn giữ hòa bình. Sự đóng góp của Trung Quốc bao gồm các kỹ sư, hậu cần, quân y, cảnh sát và quan sát viên.
Tháng 3/2009, lực lượng gìn giữ hòa bình của Trung Quốc với các robot thăm dò và các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến đã được huy động tới biên giới Nam Lebanon để dò mìn. Giới lãnh đạo quân sự và dân sự của Trung Quốc xác định nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo và cứu hộ thiên tai (HA/DR) là lĩnh vực mà Trung Quốc sẽ hợp tác với các đối tác trong khu vực và trên thế giới.
Tháng 5/2009, HĐBA đã công bố sách trắng mang tên "Các hành động của Trung Quốc nhằm phòng tránh và giảm thiểu thiên tai", trong đó kêu gọi tăng cường khả năng cứu hộ và cứu trợ khẩn cấp trong nước và ở nước ngoài, đồng thời thiết lập một hệ thống điều phối hiệu quả chống thảm họa. Cũng trong tháng này, tàu y tế lớp ANWEI nặng 10.000 tấn của Trung Quốc mang tên "Tàu Hòa bình", đã thực hiện cuộc tập huấn đầu tiên. Đây cũng là lần đầu tiên con tàu chào đón các lực lượng hải quân nước ngoài.
  • Quốc Thái (lược dịch từ Báo cáo của Lầu Năm Góc về quân lực Trung Quốc)
  • Theo Tuanvietnam

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Cán cân sức mạnh trên biển Hoa Đông


VietnamDefence Hiện thời, Trung Quốc trì hoãn việc giao chiến vì quần đảo Senkaku, nhưng vào cuối thập niên này, họ sẽ có khả năng đánh thắng cuộc chiến tranh không-biển với Nhật Bản.

Mâu thuẫn giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang ngày càng có tính chất của những cuộc xung đột gay gắt. Do đó, tình hình hiện nay xung quanh quần đảo Senkaku không có gì quá khác thường.

Đáng chú ý là mặc dù kim ngạch thương mại song phương (hơn 300 tỷ USD/năm) và đầu tư lớn, quan hệ chính trị giữa Tokyo và Bắc Kinh vẫn không ổn do trở ngại là những ký ức về những cuộc chiến tranh cực kỳ tàn bạo của quân đội Nhật.
Sức mạnh hải quân và không quân chưa cho phép Trung Quốc chiếm giữ Senkaku bằng vũ lực
Thực chất cuộc tranh chấp
Ngoài ra, khía cạnh kinh tế trong quan hệ Nhật-Trung cũng chắc chắn cản trở quan hệ này phát triển, bởi lẽ các công ty của cả Trung Quốc và Nhật Bản đều hướng vào xuất khẩu hàng công nghiệp và nhập khẩu nguyên liệu. Kết quả là cả hai nước đang trở thành đối thủ cạnh tranh của nhau trong những lĩnh vực rất khác nhau. Do tất cả những nguyên nhân này, mọi sự va chạm lợi ích đều gây ra phản ứng cực kỳ gay gắt ở Trung Quốc và Nhật Bản trên cấp độ chính quyền, cũng như xã hội.

Một yếu tố phụ khác là các mục tiêu đối nội của giới lãnh đạo hai nước. Đảng Dân chủ Nhật Bản hiện đang ngày càng mất tin tưởng vào triển vọng chính trị sắp tới của mình, bởi vậy, họ cho rằng, cần thể hiện mình càng nhiều càng tốt ở vai trò người bảo vệ lợi ích quốc gia. Trong giới chóp bu đảng cộng sản Trung Quốc cũng đã mấy năm thảo luận tích cực về việc Trung Quốc cần định vị mình đến cấp độ nào trên trường quốc tế như một siêu cường mới với những tham vọng và lợi ích tương ứng. Mặc dù chưa có quyết định cuối cùng được đưa ra cho vấn đề này, Bắc Kinh đang thể hiện lập trường ngày càng cứng rắn về tất cả các vấn đề đụng chạm đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc, nhất là khi nói về các sự kiện gần biên giới của họ.

Quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư đảo) mà tranh chấp chủ quyền ở đây là nguyên nhân chính cho quan hệ căng thẳng Trung-Nhật hiện nay (cũng như trong đa số các trường hợp tương tự trước đó), tự thân nó là không cần thiết cho cả hai bênm do diện tích nhỏ (gần 7 km2) và không thể tiến hành hoạt động kinh tế gì ở đó được. Nhưng chủ quyền quốc gia đối với quần đảo lại quan trọng từ góc độ phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của hai nước. Trên thềm lụa địa ở khu vực quần đảo có thể có trữ lượng dầu lớn, vùng biển xung quanh quần đảo có tài nguyên sinh học phong phú. Như vậy, cả hai nước đều có lợi ích hoàn toàn thực tế đối với quần đảo. Ngoài ra, có những lý do rất mạnh về thể diện quốc gia, không cho phép cả Tokyo, lần Bắc Kinh có những nhượng bộ.

Đồng thời, cả hai bên đều cực kỳ không muốn đưa sự việc đến đụng độ vũ trang thật sự, bởi lẽ, nó sẽ dẫn đến những tổn thất kinh tế và quân sự rất lớn, có khả năng xóa sạch mọi lợi ích từ sự kiểm soát đối với quần đảo này.

So sánh lực lượng
Để đánh giá kết cục của một cuộc xung đột có thể xảy ra, cần so sánh tiềm lực quân đội Trung Quốc và Nhật Bản. Đồng thời, cần loại bỏ ngay không xem xét lục quân, bởi lẽ lục quân chẳng có chỗ để giao chiến ở quần đảo tranh chấp, còn việc đổ bộ các đơn vị lục quân của Nhật lên đất Trung Quốc hay của Trung Quốc lên đất Nhật hoàn toàn bị loại trừ bởi vì khả năng đổ bộ không thể bảo đảm được. Thậm chí nếu giả thiết rằng, lực lượng đổ bộ của Trung Quốc hay Nhật Bản sẽ đến được bờ biển đối phương, lực lượng này sẽ bị các đơn vị mặt đất và không quân đối phương tiêu diệt hoàn toàn trong nhiều lắm là vài ngày đêm.

Vì thế mà chỉ nên so sánh sức mạnh không quân và hải quân của hai bên đối địch. Cần nhấn mạnh rằng, Hải quân Nhật Bản và hải quân Trung Quốc xét về sức mạnh tổng hợp hiện đứng thứ hai và thứ ba thế giới, chỉ thua Hải quân Mỹ (về số lượng tàu ngầm hạt nhân thì thua cả Hải quân Nga, nhưng xét chung, hạm đội hai nước này mạnh hơn Hải quân Nga).

Không quân Nhật hiện có 202 máy bay tiêm kích F-15J và DJ (157 và 45), 67 F-4EJ, 93 F-2А và В (62 và 31), 13 máy bay trinh sát RF-4EJ, tức là 375 máy bay chiến đấu.

Các máy bay Phantom lạc hậu (F-4EJ và RF-4EJ) đang bị loại bỏ dần, ngoài ra, Không quân Nhật chắc cũng sẽ loại bỏ 12 máy bay F-2В do những hư hỏng trong vụ sóng thần năm ngoái. Bởi vậy, tổng số tiêm kích Nhật sẽ giảm đi.

Trong tương lai, Nhật dự định mua 42 tiêm kích thế hệ 5 F-35 của Mỹ, nhưng hiện chưa rõ bao giờ việc này diễn ra.

Trong biên chế Hải quân Nhật Bản hiện có 17 tàu ngầm (4 chiếc lớp Sōryū, 11 chiếc lớp Oyashio, 2 chiếc lớp Harushio), 4 tàu khu trục chở trực thăng (2 chiếc lớp Hyūga và 2 chiếc lớp Shirane), 38 tàu khu trục (4 chiếc lớp Kongō, 2 chiếc lớp Atago, 5 chiếc lớp Takanami, 9 chiếc lớp Musarame, 6 chiếc lớp Asagiri, 10 chiếc lớp Hatsuyuki, 2 chiếc lớp Hatakaze), 6 frigate (lớp Abukuma), 6 tàu tên lửa nhỏ (lớp Hayabusa), 3 tàu đổ bộ xe tăng (lớp Ōsumi), đến 30 tàu quét lôi (các lớp khác nhau). Ngoài ra, Hải quân Nhật đang sử dụng vào mục đích huấn luyện 3 tàu ngầm lớp Harushio, 2 tàu khu trục lớp Asagiri và 2 tàu khu trục lớp Hatsuyuki.

Hiện đại nhất trong số tàu trên là các tàu ngầm Sōryū (tổng cộng sẽ có 7 chiếc) và Oyashio, các tàu khu trục (thực ra là tàu sân bay hạng nhẹ) Hyūga, Kongō và Atago (thực chất là tàu tuần dương tên lửa trang bị hệ thống Aegis), Takanami và Murasame.

Quân đội Trung Quốc có máy bay chiến đấu trong cả không quân Trung Quốc và không quân hải quân (số lượngchỉ thua kém không quân hải quân Mỹ).

Đó là khoảng 140 máy bay ném bom tầm trung Н-6 và Н-6М, 150-200 máy bay ném bom chiến thuật JH-7, 150-550 cường kích Q-5, không dưới 100 tiêm kích Su-30 và J-16, 200-350 Su-27 và J-11 các đời khác nhau, 200-250 J-10, gần 200 J-8 và 700-800 J-7.

Sự khác biệt đáng kể trong những con số không chỉ bởi sự đóng kín thông tin của Trung Quốc mà còn bởi họ đang dần loại bỏ các máy bay Q-5, J-7 và J-8 thuộc những biến thể đầu, đồng thời sản xuất JH-7, J-16 (sao chép trái phép Su-30), J-11B (sao chép trái phép Su-27), J-10 và Q-5 các biến thể sau.

Không có gì ngạc nhiên về chuyện số lượng máy bay cực kỳ không ổn định, nhưng rõ ràng là việc sản xuất các máy bay mới hoàn toàn bù đắp được việc loại bỏ các máy bay cũ.

Nhìn chung, quân đội Trung Quốc có ưu thế ít nhất gấp 5 lần về số lượng máy bay chiến đấu so với Không quân Nhật Bản, xét về tất cả các thành phần riêng lẻ (máy bay tiến công, tiêm kích hạng nặng, tiêm kích hạng nhẹ), ưu thế cũng ở phía Trung Quốc.

Tuy nhiên, xét về mặt chất lượng, tiêm các kích hạng nặng hiện đại họ Su-27/Su-30/J-11/J-16 cũng không hề thua kém F-15, tiêm kích hạng nhẹ J-10 của Trung Quốc không thua kém F-2 của Nhật.

Trung Quốc còn có thêm ưu thế là hàng trăm, nếu không nói là hàng ngàn tên lửa đường đạn tầm trung và chiến dịch-chiến thuật các loại, mà nay còn thêm cả các tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến, máy bay và mặt đất. Bằng các tên lửa này, Trung Quốc có thể tiêu diệt nhiều mục tiêu tĩnh trên lãnh thổ Nhật, mà trước hết là các cơ sở công nghiệp quốc phòng. Nhật Bản thì không hề có tên lửa đường đạn lẫn tên lửa hành trình.

Các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn của Trung Quốc đương nhiên sẽ không được huy động tham chiến chống Nhật Bản, nhưng ngay cả không tính các tàu ngầm này, hạm đội tàu ngầm Trung Quốc vẫn là đông đảo nhất thế giới.

Lực lượng tàu ngầm Trung Quốc gồm có 8 tàu ngầm hạt nhân tiến công (4 tàu lớp 091 và 4 tàu lớp 093) và không dưới 60 tàu ngầm thông thường (đến 10 chiếc lớp 041А, 8 chiếc lớp Projekt 636EM, 2 chiếc lớp Projekt 636 và 2 lớp Projekt 877, 13 chiếc lớp 039G, 5 chiếc lớp 035G, 13 chiếc lớp 035, đến 8 chiếc lớp 033). Tất cả các tàu ngầm hạt nhân tiến công và tàu ngầm thông thường thuộc các lớp 041А, Projekt 636EM và 039G đều mang tên lửa chống hạm. Các tàu ngầm cũ thuộc các lớp 033 và 035 đang bị loại bỏ, để thay cho chúng, Trung Quốc đang đóng là các tàu ngầm lớp 041А, bắt đầu đóng tàu ngầm hạt nhân tiến công lớp 095 và tàu ngầm lớp 043.

Chiếc tàu sân bay Varyag của Liên Xô trước đây, sau đó có tên không chính thức của Trung Quốc là Thi Lang và nay được đặt tên chính thức là Liêu Ninh thu hút nhiều sự chú ý của các chuyên gia nước ngoài. Nhưng do đặc thù thiết kế và không có máy bay trên hạm, tàu sân bay này sẽ mãi mãi chỉ là tàu huấn luyện-thực nghiệm, chứ không phải là một tàu chiến đấu thực sự. Các tàu sân bay nội địa thực sự của Trung Quốc sẽ ra đời ít ra là sau 10 năm nữa.

Hải quân Trung Quốc hiện có 27 tàu khu trục: 2 chiếc lớp Projekt 956, 2 chiếc lớp Projekt 956EM, 5 chiếc lớp 052С, 2 chiếc lớp 052В, 2 chiếc lớp 052, 2 chiếc lớp 051С, 1 chiếc lớp 051В, 2 chiếc lớp 051 Lữ Đại III, 1 chiếc lớp 051 Lữ Đại II và 8 chiếc lớp 051 Lữ Đại I. Tất cả các tàu Lữ Đại đang dần bị loại bỏ, đang được đóng để thay thế cho chúng là các tàu khu trục lớp 052С. Các tàu kể từ chiếc thứ ba của lớp 052C có thể được coi là thiết kế mới (một số nguồn gọi là lớp 052D). Hải quân Trung Quốc sẽ có ít nhất 10 chiếc 052D.

Hạm đội Trung Quốc hiện có 48 frigate: 11 chiếc lớp 054А, 2 chiếc lớp 054 và 35 chiếc lớp 053 thuộc 6 biến thể khác nhau (10 chiếc 053Н3, 4 chiếc 053Н2G, 6 chiếc 053Н1G, 3 chiếc 053Н2, 6 chiếc 053Н1, 6 chiếc 053Н). Ngoài ra, còn có 2 frigate cũ 053Н, nhưng đã được chuyển cho lực lượng bảo vệ bờ biển, 1 frigate tương tự được cải hoán thành tàu hỗ trợ đổ bộ (trang bị hệ thống rocket phóng loạt), còn 1 frigate khác (053НТ-Н) được sử dụng làm tàu huấn luyện.

Các frigate lớp 053 thuộc các biến thể đầu đang dần dần bị rút khỏi biên chế hải quân Trung Quốc, thay vào đó họ đóng các tàu lớp 054А (hiện có không dưới 5 tàu đang nằm ở các xưởng đóng tàu, chắc chắn sau khi hạ thủy các tàu này thì các tàu mới sẽ được khởi đóng).

Hạm đội “tàu muỗi” (tàu nhỏ, xuồng chiến đấu), theo truyền thống, rất phát triển ở Trung Quốc. Hiện nay, lực lượng này gồm 119 tàu tên lửa nhỏ (83 tốc hạm hai thân lớp 022, 6 tàu tên lửa nhỏ lớp 037-II và 30 tàu tên lửa nhỏ lớp 037-IG) và đến 250 tàu tuần tra nhỏ. Trung Quốc đã bắt đầu đóng các tàu corvette tên lửa lớp 056 với số lượng sẽ không dưới 16 chiếc.

Các lực lượng đổ bộ của hải quân Trung Quốc khá lớn, gồm 3 tàu đốc đổ bộ chở trực thăng lớp 071, 30 tàu đổ bộ cỡ lớn và đến 60 tàu đổ bộ cỡ vừa. Tuy nhiên, để tổ chức được cuộc đổ bộ quân thực sự lên lãnh thổ Nhật Bản thì đó hoàn toàn chưa đủ, còn ở quần đảo tranh chấp thì thực chất không thể đổ bộ lên đâu được, bởi vậy lực lượng đổ bộ chẳng để làm gì cả.

Cũng cần nhắc đến không dưới 100 tàu quét lôi.

Thay đổi trong tương lai

Như vậy, hải quân Trung Quốc có ưu thế số lượng đáng kể đối với Hải quân Nhật, nhất là về lực lượng tàu ngầm và lực lượng nhẹ. Tuy nhiên, ưu thế chất lượng lại ở bên phía người Nhật. Điểm yếu nhất của các tàu chiến Trung Quốc là phòng không, ngoại lệ chỉ có các tàu khu trục thuộc các lớp 051С và 052С/D, nhưng ngay cả các tàu này cũng thua kém các tàu khu trục Nhật trang bị hệ thống Aegis. Hơn nữa, Nhật Bản có truyền thống hải quân đáng nể hơn nhiều, điều có ý nghĩa không kém phần quan trọng trong chiến tranh.

Cũng cần lưu ý rằng, Trung Quốc cũng sẽ khó mà hiện thực hóa đầy đủ ưu thế trên không, bởi lẽ chiến trường biển tiềm năng nằm khá xa bờ biển của cả hai nước. Điều đó hạn chế vai trò của không quân và đặt hải quân vào vị trí hàng đầu, mà ở đây thì ưu thế của hải quân Trung Quốc hoàn toàn không rõ ràng.

Trong trường hợp nổ ra cuộc chiến tranh không-biển quy mô lớn, cả hai phía sẽ gánh chịu tổn thất lớn về tàu và máy bay, có nghĩa là về những loại vũ khí trang bị tinh vi và đắt tiền nhất. Điều đó tự thân nó làm cho việc đối kháng vũ trang trở nên bất lợi đối với cả Bắc Kinh và Tokyo, tổn thất kinh tế từ những tổn thất quân sự thuần túy (bao gồm cả tiêu hao nhiên liệu và đạn dược) có thể cao hơn cả lợi ích từ việc chiếm giữ quần đảo Senkaku. Tổn thất do hoạt động thương mại bị phá vỡ sẽ cực lớn.

Đối với Trung Quốc, tổn thất một bộ phận lớn và ưu tú nhất của không quân và hải quân mà họ đã bỏ hàng trăm tỷ đô la để phát triển trong thập kỷ rưỡi qua sẽ là một đòn cực kỳ đau đớn. Hơn nữa, vì thế mà Trung Quốc sẽ mất hoàn toàn khả năng gây áp lực bằng sức mạnh đối với Đài Loan và hòn đảo này sẽ có thể tuyên bố độc lập mà hầu như không bị trừng phạt.

Một cách riêng rẽ, cần nói về lập trường của Washington, bởi vì từ lâu đã tồn tại hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Nhật. Hiển nhiên là Mỹ không muốn đánh nhau với Trung Quốc, nhưng Nhà Trắng không thể không thực hiện các cam kết đối với Tokyo, nếu không Mỹ sẽ mất đi lập tức và hoàn toàn vị thế địa-chính trị ở châu Á và trên thế giới nói chung.

Nếu như vì Đài Loan, bất chấp mọi tuyên bố, Mỹ đến 95% sẽ không đánh nhau với Trung Quốc, nhưng bảo vệ Nhật Bản thì Mỹ sẽ buộc phải làm dù muốn hay không. Chính các quan chức Mỹ cũng đã tuyên bố rằng, họ coi quần đảo Senkaku là thuộc về Nhật, bởi vậy, quần đảo này nằm trong phạm vi hiệu lực của hiệp ước phòng thủ chung Nhật-Mỹ. Điều đặc biệt đáng chú ý là, trong đợt căng thẳng quan hệ Nga-Nhật về vấn đề quần đảo Kuril, Washington lại tuyên bố rằng, mặc dù họ ủng hộ lập trường của Nhật Bản trong vấn đề này, nhưng Nhật không kiểm soát trên thực tế các hòn đảo Nam Kuril nên hiệu lực của hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ không mở rộng đến khu vực lãnh thổ này, và như vậy Mỹ đã lập tức làm cho Nhật quên đi những ảo tưởng không cần thiết.

Hơn nữa, chỉ cần có 1-2 cụm tàu sân bay của Hải quân Mỹ sẽ là đủ để quyết định dứt khoát kết cục cuộc chiến có lợi cho Nhật Bản, thậm chí nếu như Mỹ không chịu tấn công vào lãnh thổ Trung Quốc mà chỉ hạn chế ở các hành động chống không quân và hải quân Trung Quốc ở vùng biển quốc tế và trên không.

Như vậy, cả đối với Nhật Bản, và ở mức độ lớn hơn là cả với Trung Quốc, cuộc chiến tranh giành quần đảo Senkaku lúc này hoàn toàn bất lợi. Về thực chất, nó sẽ là thất bại nặng nề đối với cả hai bên, bất kể tương quan tổn thất cục thể ra sao. Vì thế, cả Tokyo và Bắc Kinh sẽ làm mọi cách để tránh đụng độ vũ trang mà chỉ hạn chế ở việc gây áp lực về tâm lý (kiểu như biểu tình, cướp phá cửa hàng hay phái hàng ngàn tàu cá đến quần đảo tranh chấp) và có thể cả áp lực về kinh tế đối với nhau. Chiến tranh sẽ chỉ bùng nổ do tình hình leo thang không thể kiểm soát vì một sự cố bất ngờ nào đó, điều rất khó có khả năng xảy ra.

Tuy nhiên, trong tương lai, tình hình có thể thay đổi bởi vì cán cân sức mạnh trên không, cũng như trên biển đang thay đổi nhanh chóng theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Nhịp độ sản xuất máy bay và tàu chiến mới ở Trung Quốc cao hơn không chỉ mấy lần mà là hàng chục lần so với Nhật Bản, hơn nữa là mỗi năm một tăng lên. Thậm chí, ngay cả Mỹ cũng không có khả năng cùng lúc đóng hơn 10 tàu chiến nổi cỡ lớn như đang diễn ra ở Trung Quốc hiện nay.

Chính vì thế mà vào cuối thập niên này, tình thế có thể là Trung Quốc sẽ có khả năng thực sự đánh thắng cuộc chiến tranh không-biển với Nhật Bản, đồng thời vô hiệu hóa Hạm đội 7 của Mỹ, điều sẽ mang lại cho Bắc Kinh cơ hội gây áp lực chính trị hiệu quả hơn nhiều đối với Tokyo trong vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku.
Nguồn: Aleksandr Khramchikhin, Phó Giám đốc Viện Phân tích chính trị và quân sự (Nga) // VPKN, N.38(455), 26.9.2012.
LAST UPDATED ( 2:56 PM, 09/10/2012)
http://vietnamdefence.com/Home/phantich/Can-can-suc-manh-tren-bien-Hoa-Dong/201210/52040.vnd