Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Khi nào và Tại sao Trung Quốc sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ

..." khi ưu thế thương lượng suy giảm là lúc Trung Quốc thường sử dụng vũ lực nhất..."


-------------------------------------------------------------------------------------------

Tại sao và Khi nào Trung Quốc sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ là cơ sở quan trọng giúp dự đoán hành vi của nước này. Bài nghiên cứu của GS. Fravel Taylor, Viện Công nghệ MIT chỉ ra rằng: khi ưu thế thương lượng suy giảm là lúc Trung Quốc thường sử dụng vũ lực nhất.

Khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc gia tăng thì các quan ngại về khả năng Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ của các nước khác cũng gia tăng theo. Những quan ngại này cho thấy sự bất ổn và lo ngại luôn song hành cùng với sự dịch chuyển sức mạnh. Trong lịch sử, phát triển nhanh chóng bên trong thường thúc đẩy các nước xác định lại và mở rộng lợi ích của mình ra bên ngoài.[1] Hơn nữa, phát triển kinh tế giúp các nước đầu tư tăng cường tiềm lực quân sự để theo đuổi lợi ích của mình, đặc biệt là các yêu sách về lãnh thổ dài hạn. Phản ánh những lo ngại này, Ủy ban Đánh giá Quan hệ Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung của Quốc hội Mỹ, kết luận rằng Trung Quốc có thể “lợi dụng sức mạnh quân sự tiên tiến hơn để đe dọa sử dụng vũ lực, hoặc sử dụng vũ lực nhằm hỗ trợ các giải pháp giải quyết tranh chấp lãnh thổ theo hướng có lợi cho mình”.[2]
Tuy nhiên, cách thức Trung Quốc sử dụng vũ lực trong các tranh chấp lãnh thổ kể từ năm 1949 đến nay hết sức đa dạng. Trung Quốc có tổng cộng hai mươi ba tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia khác, nhưng cho đến nay họ mới chỉ sử dụng vũ lực trong sáu trường hợp.[3] Một số tranh chấp, đặt biệt là tranh chấp với Ấn Độ và Việt Nam, rất khốc liệt; những tranh chấp khác, như tranh chấp giữa Trung Quốc và Liên Xô, từng có nguy cơ chuyển thành chiến tranh hạt nhân. Mặc dù Trung Quốc luôn sẵn sàng sử dụng vũ lực trong một số xung đột, nhưng Trung Quốc chỉ chiếm thêm rất ít lãnh thổ mà Trung Quốc không kiểm soát trước khi xảy ra xung đột. Ngoài ra, Trung quốc thỏa hiệp nhiều hơn là sử dụng vũ lực, và đã nhượng bộ tới mười bảy trong số hai mươi ba tranh chấp lãnh thổ.[4]   
Nếu chiếu theo các lý thuyết chính về quan hệ quốc tế thì so với các quốc gia có đặc điểm tương tự, Trung Quốc là nước ít hiếu chiến hơn. Đối với các học giả theo thuyết chủ nghĩa hiện thực về gây chiến trước (offensive realism), Trung Quốc hiếm khi khai thác ưu thế quân sự của mình để mặc cả quyết liệt nhằm đòi các vùng lãnh thổ mà Trung Quốc có yêu sách hoặc dùng vũ lực chiếm các vùng lãnh thổ này. Mặc dù sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc đã mạnh hơn rất nhiều kể từ năm 1990, nhưng Trung Quốc cũng không tỏ ra hiếu chiến hơn khi xử lý các tranh chấp lãnh thổ. Đối với các học giả nghiên cứu các tác động của chủ nghĩa dân tộc, Trung Quốc sẵn sàng nhân nhượng về lãnh thổ. Điều này cho thấy không hẳn Trung Quốc lợi dụng quá khứ lịch sử là nạn nhân của nước ngoài và bị chia cắt lãnh thổ để có thái độ cứng rắn trong các tranh chấp về lãnh thổ. Các học giả chuyên nghiên cứu về vai trò của các thiết chế chính trị Trung Quốc cho biết Trung Quốc chỉ sử dụng vũ lực trong một số tranh chấp lãnh thổ, mặc dù hệ thống chính trị của Trung Quốc là độc tài, tập quyền và ít bị kiểm soát về sử dụng vũ lực.
Phân tích về việc Trung Quốc sử dụng vũ lực trong các tranh chấp lãnh thổ trong quá khứ sẽ là cơ sở giúp chúng ta đoán biết khả năng xảy ra các xung đột bạo lực ở Đông Á. Trong hệ thống quốc tế bao gồm các quốc gia có chủ quyền, hành vi của một quốc gia trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ là một yếu tố quan trọng để xác định quốc gia đó muốn duy trì nguyên trạng hay tìm cách thay đổi đường biên giới quốc gia của mình. Trong lịch sử, lãnh thổ là vấn đề dễ đẩy các quốc gia đi đến chiến tranh nhất.[5] Hiện nay, các tranh chấp của Trung Quốc đối với Đài Loan và quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) với Nhật đang làm tăng nguy cơ chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, vì Mỹ có quan hệ an ninh mật thiết với cả Đài Bắc và Tokyo. Mặc dù nhiều nghiên cứu chứng minh rằng Trung Quốc sử dụng vũ lực chủ yếu trong các tranh chấp lãnh thổ, nhưng chưa có một nghiên cứu mang tính hệ thống, phân tích kỹ lưỡng Trung Quốc thường sử dụng vũ lực trong những hoàn cảnh nào.[6]
Các nghiên cứu hiện tại mới chỉ xác định được những tranh chấp dễ có nguy cơ dẫn đến chiến tranh nhất. Các quốc gia theo chế độ dân chủ và đồng minh của họ ít có khả năng đánh nhau để tranh giành lãnh thổ hơn các quốc gia khác. Trái lại, các quốc gia có thiên hướng dùng sử dụng vũ lực để tranh giành lãnh thổ là các quốc gia được đánh giá cao về vị trí chiến lược, tiềm năng kinh tế và tính biểu tượng, hoặc mạnh hơn đối phương về mặt quân sự.[7] Nghiên cứu này đã giúp hiểu rõ hơn bản chất của tranh chấp lãnh thổ, nhưng lại không giải thích được về mặt lý thuyết quyết định sử dụng vũ lực của các quốc gia nhằm đạt được các mục tiêu về lãnh thổ. Các nghiên cứu này chủ yếu làm sáng tỏ biến số có tính quyết định trong việc giải quyết tranh chấp, xác định các tranh chấp dễ có khả năng bùng nổ thành chiến tranh. Mặc dù các yếu tố như giá trị của từng vùng lãnh thổ đang tranh chấp có khác nhau, nhưng trong hầu hết các tranh chấp cụ thể thì đó lại là những nhân tố bất biến và do điều này khiến cho việc lý giải quyết định sử dụng vũ lực của các quốc gia khó khăn hơn.
Tranh chấp Đài Loan của Trung Quốc là ví dụ cụ thể về hạn chế của phương pháp tiếp cận này. Các nghiên cứu hiện tại đều dự đoán tranh chấp Đài Loan rất dễ xảy ra xung đột. Tranh chấp Đài Loan là tranh chấp lãnh thổ quan trọng nhất của Trung Quốc, vừa gắn với chủ nghĩa dân tộc hiện đại của Trung Quốc và tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vừa có tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế. Kể từ sau năm 1949, Trung Quốc đã đủ mạnh về mặt quân sự để tấn công các đảo hoặc vùng lãnh thổ mà Trung Quốc kiểm soát, và trong chế độ độc tài của Trung Quốc chỉ có một số ít thiết chế có nhiệm vụ kiểm soát và cân bằng quyền lực liên quan đến việc sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, việc sử dụng vũ lực trong tranh chấp Đài Loan của Trung Quốc đã thay đổi theo thời gian, bắt đầu bằng việc Trung Quốc gây ra các cuộc khủng hoảng lớn vào tháng 9 năm 1954, tháng 8 năm 1958, và tháng 7 năm 1995. Các nhân tố như tầm quan trọng của Đài Loan, các biện pháp gây sức ép, và thể chế chính trị của Trung Quốc chỉ giải thích một phần câu chuyện này, và các nhân tố này không thể lý giải được nguyên nhân tại sao Trung Quốc lại sử dụng vũ lực ở ba thời điểm nêu trên, chứ không phải là những thời điểm khác.
Để giải thích tại sao và khi nào các quốc gia sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ, tôi chuyển trọng tâm phân tích từ kết quả giải quyết tranh chấp sang quyết định của từng quốc gia. Kết hợp các hiểu biết từ lý thuyết chiến tranh phòng ngừa, tôi cho rằng sự suy giảm sức mạnh của quốc gia nêu yêu sách, tạm gọi là sự suy giảm ưu thế thương lượng của quốc gia đó trong cuộc tranh chấp, là nguyên nhân chính giải thích cho việc quốc gia đó sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ. Ưu thế thương lượng này bao gồm hai thành tố: phần lãnh thổ tranh chấp mà quốc gia đó chiếm hữu và khả năng sử dụng sức mạnh quân sự chống lại đối thủ trong khu vực tranh chấp. Khi nhận thấy đối phương đang tăng cường vị thế trong cuộc tranh chấp, thì nhiều khả năng quốc gia kia sẽ sử dụng vũ lực để ngăn chặn hoặc đảo ngược sự suy giảm sức mạnh của mình, hoặc chiếm luôn lãnh thổ tranh chấp nếu họ thấy cần thiết.
Việc suy giảm ưu thế thương lượng lý giải chính xác nhất việc Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ. Trung Quốc đã từng sử dụng vũ lực để chống lại những địch thủ có đủ sức mạnh quân sự thách thức sự kiểm soát của Trung Quốc đối với lãnh thổ tranh chấp. Trung Quốc cũng từng sử dụng vũ lực trong các tranh chấp mà Trung Quốc chỉ chiếm rất ít hoặc không chiếm các vùng lãnh thổ mà họ có yêu sách. Khi Trung Quốc phải đương đầu với một đối thủ đang tìm cách mở rộng phần lãnh thổ tranh chấp mà nước đó chiếm giữ hoặc tìm cách thay đổi cán cân quân sự khu vực có lợi cho họ, thì Trung Quốc thường đáp trả bằng vũ lực để thể hiện quyết tâm duy trì các yêu sách của mình, hoặc cũng có lúc Trung Quốc chiếm luôn một phần lãnh thổ đó.
Các mô thức sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc có một số tác động đối với lý thuyết quan hệ quốc tế. Trước hết, việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc củng cố thêm lý thuyết chiến tranh phòng ngừa và chứng minh tính hữu dụng của lý thuyết này trong việc lý giải các xung đột lợi ích cụ thể, chẳng hạn như tranh chấp lãnh thổ. Thứ hai, hành vi của Trung Quốc thách thức các lý thuyết về dịch chuyển quyền lực trong thời kỳ quá độ, trong đó khẳng định rằng một quốc gia đang lên có nhiều khả năng sử dụng vũ lực hơn một quốc gia đang trên đà suy yếu.[8] Tuy nhiên, trong các tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc thường sử dụng vũ lực khi sức mạnh của mình yếu đi chứ không phải mạnh lên.
Bài viết này bắt đầu bằng lập luận cho rằng sự suy giảm ưu thế thương lượng khích lệ các quốc gia sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Sau đó bài viết phân tích các biến số về việc Trung Quốc sử dụng vũ lực sáu, trong tổng số hai mươi ba tranh chấp lãnh thổ và nhận thấy các biến số này cho kết quả giống nhau, đó là Trung Quốc chỉ sử dụng sức mạnh quân sự trong tranh chấp lãnh thổ khi họ yếu đi. Ba phần tiếp theo của bài viết xem xét vai trò của sự suy giảm sức mạnh đối với quyết định sử dụng vũ lực trong tranh chấp Đài Loan, biên giới Trung - Ấn, và quần đảo Hoàng Sa khi Trung Quốc suy yếu đi. Bài viết kết thúc bằng cách xem xét các tác động từ những kết quả của nghiên cứu này đối với sự ổn định ở Đông Á sau khi nghiên cứu một số trường hợp Trung Quốc sử dụng vũ lực, cũng như các cách giải thích khác về hành vi của Trung Quốc.
Suy giảm quyền lực và Sử dụng Vũ lực Trong Các Tranh chấp Lãnh thổ
Các nghiên cứu về tranh chấp lãnh thổ thường coi sức mạnh quân sự là một biến số quan trọng khi giải thích sự leo thang xung đột lên cấp độ bạo lực cao nhất là chiến tranh. Ở mức độ nào đó, phát hiện này không có gì mới vì một trong những mục đích của quân sự là để chiếm và bảo vệ lãnh thổ trước lực lượng đối phương. Chỉ các quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh mới có thể sử dụng vũ lực để chiếm lãnh thổ tranh chấp. Đồng thời, phát hiện này vẫn còn nhiều khúc mắc chưa lý giải được về nguyên nhân sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ. Mặc dù các quốc gia mạnh hơn có thể dễ dàng sử dụng vũ lực để đạt được các mục tiêu về lãnh thổ, nhưng cũng chưa rõ tại sao và khi nào họ lại làm điều đó và liệu có phải lòng tham hay mối bất an thôi thúc họ làm điều đó không.
Áp dụng kiên thức có được từ lý thuyết chiến tranh phòng ngừa, tôi cho rằng sự suy giảm sức mạnh của quốc gia nêu yêu sách, tạm gọi là sự suy giảm ưu thế thương lượng của họ trong tranh chấp, là nguyên nhân chính dẫn đến việc sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ. Chiến tranh phòng ngừa được định nghĩa là “cuộc chiến hiện tại nhằm tránh nguy cơ buộc phải tham chiến trong môi trường xấu hơn trong tương lai.”[9] Khi sức mạnh tổng thể của một quốc gia suy giảm, các nhà lãnh đạo quốc gia đó bắt đầu lo lắng về hậu quả lâu dài khi vị thế quốc gia họ bị suy yếu trong hệ thống quốc tế, ưu thế thương lượng trong tương lai suy giảm, và khả năng là họ buộc phải tham chiến trong những tình huống xấu hơn. Như Jack Levy đã chỉ rõ, những lo ngại này tạo ra “động lực phòng ngừa” bằng cách sử dụng vũ lực, tiến hành chiến tranh sớm còn hơn là muộn đã trở thành một giải pháp ngày càng hấp dẫn nhằm giảm bớt tác động của việc quốc gia đó yếu đi hoặc chỉ để duy trì ảnh hưởng của mình[10]. Quan trọng hơn, chiến tranh có thể xảy ra ngay cả khi không tồn tại bất cứ sự xung đột lợi ích cụ thể hoặc biến cố khai mào nào, mà có khi chỉ là sự bất an về tương lai. Trong nghiên cứu thực nghiệm, suy giảm sức mạnh khiến một bên dễ gây chiến trước thường được gọi là “lỗ hổng dễ tổn thương”.[11]
Để lý giải việc sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ, tôi chuyển trọng tâm từ sự mơ hồ chung chung về vị thế tương lai của một quốc gia trong hệ thống quốc tế sang mối quan tâm cụ thể về ưu thế thương lượng của một quốc gia khi xảy ra sự xung đột lợi ích. Ưu thế thương lượng này được cấu thành bởi hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất là phần lãnh thổ tranh chấp mà một quốc gia chiếm hữu được. Phần lãnh thổ tranh chấp mà quốc gia đó chiếm được càng lớn thì quốc gia đó càng có vị thế mạnh hơn, nếu tính đến cái giá mà đối phương phải trả để thay đổi hiện trạng lãnh thổ bằng vũ lực. Yếu tố thứ hai là khả năng mở rộng sức mạnh quân sự để chống lại đối phương trong các khu vực tranh chấp, gồm cả những khu vực mà quốc gia đó có yêu sách nhưng không cai trị. Ngay cả khi quốc gia đó chỉ nắm giữ một phần nhỏ của vùng lãnh thổ tranh chấp, thì họ vẫn có thể mở rộng sức mạnh ra toàn bộ khu vực tranh chấp và cả ngoài khu vực đó. Trong bối cảnh đó, việc mở rộng sức mạnh liên quan đến cân bằng quân sự khu vực, chứ không phải do vị thế tổng thể của quốc gia đó trong hệ thống quốc tế. Các quốc gia có rất nhiều mục tiêu an ninh khác nhau nên mỗi thành tố quân sự được gắn với một nhiệm vụ cụ thể, chẳng hạn như bảo vệ các yêu sách về lãnh thổ.


Việc Trung Quốc tiến hành sử dụng vũ lực liên quan đến tranh chấp biên giới Trung - Ấn, Hoàng Sa, Trường Sa và với Liên Xô đều tương ứng với các thời điểm ưu thế thương lượng của Trung Quốc bị suy giảm.


Leo thang căng thẳng ở dãy núi Hi-ma-lay-a
Tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở dãy núi Hi-ma-lay-a bắt đầu năm 1953. Tuy nhiên, đến cuối thập niên 1950 căng thẳng mới bắt đầu leo thang, mở đầu bằng việc hai bên triển khai quân đội mang tính “ăn miếng trả miếng” ở các khu vực tranh chấp và sau đó là cuộc tấn công quy mô lớn của Trung Quốc ngày 20 tháng 10 năm 1962 dọc tuyến biên giới tranh chấp. Trung Quốc lại sử dụng vũ lực vào các năm 1967 và 1986. Mặc dù Trung Quốc có yêu sách vững chắc, nhưng sự suy yếu của cả hai thành tố tạo nên ưu thế thương lượng của Trung Quốc đã lý giải việc nước này sử dụng vũ lực cũng như can thiệp trong giai đoạn ổn định.[1]
CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI NĂM 1962
Mấu chốt của cuộc chiến tranh 1962 là việc giành quyền kiểm soát vùng đất tranh chấp mà cả Trung Quốc và Ấn Độ chưa bên nào chiếm giữ từ khi Trung Quốc được thành lập vào năm 1949. Địa điểm tranh chấp là khu vực phía tây được biết đến với tên gọi Aksai Chin. Khi tranh chấp nổ ra năm 1953, biên giới Trung - Ấn về cơ bản không được canh gác và vị trí đóng quân của mỗi bên tương đối mỏng. Binh sĩ Quân đội Nhân dân Giải phóng đồn trú ở các thành phố chính của Tây Tạng cách xa khu vực biên giới, trong khi Ấn Độ chỉ có một số ít đơn vị được triển khai tiền trạm gần đường biên giới. Căng thẳng gia tăng năm 1958 khi Ấn Độ phát hiện Trung Quốc xây dựng một con đường chạy qua khu vực phía tây đang tranh chấp. Năm 1959, Trung Quốc đã bình định một cuộc nổi dậy quy mô lớn ở Tây Tạng khiến cả hai bên đều triển khai một lượng lớn binh sĩ tại vùng biên giới tranh chấp, dẫn đến một vài cuộc đụng độ nhỏ vào tháng 8 và tháng 10 năm 1959 tương ứng ở khu vực phía đông và phía tây.
Hai năm sau, Trung Quốc củng cố quyền kiểm soát của mình đối với những khu vực tranh chấp mà nước này chiếm được ở khu vực phía tây từ tay Ấn Độ. Cuối năm 1961, Cục Tình báo Ấn Độ đưa tin Trung Quốc đã xây dựng khoảng 21 đồn ở khu vực phía tây nhằm kiểm soát thêm một vùng tranh chấp rộng 4600 ki-lô-mét vuông[2]. Cục Tình báo kết luận Trung Quốc sẽ tiếp tục chiếm lĩnh các khu vực tranh chấp và chỉ có cách tăng cường sự hiện diện của quân đội Ấn Độ mới có thể ngăn được việc Trung Quốc lấn chiếm thêm nữa. Ngoài ra, xấp xỉ 9000 ki-lô-mét vuông ở phía tây vẫn chưa bị bên nào chiếm giữ[3].
Đối mặt với khả năng Ấn Độ giảm sự kiểm soát đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp, tháng 11 năm 1961, Thủ Tướng Jawaharlal Nehru đã ra lệnh tăng thêm số lượng các đồn tại vùng lãnh thổ tranh chấp với Trung Quốc, một động thái được mọi người gọi là “chính sách tiến về phía trước”. Vào mùa xuân và mùa hè năm 1962, Ấn Độ đã chiếm 3000 ki-lô-mét vuông diện tích đất tại khu vực phía Tây bằng việc thiết lập 36 đồn, phần lớn nằm gần hoặc có một số đồn được đặt sau các vị trí phòng thủ của Trung Quốc.[4] Ấn Độ đã xây dựng 34 đồn mới tại khu vực phía Đông, và một vài đồn được đặt tại phía Bắc của Đường McMahon, nơi mà Ấn Độ tuyên bố là đường biên giới của nước này tại khu vực, và Trung Quốc, trên thực tế cũng đã công nhận điều này trong các công hàm ngoại giao trao đổi giữa hai nước vào năm 1958 và năm 1959.[5] Hơn nữa, Ấn Độ đã chiếm thêm đất bất chấp việc Trung Quốc có những biện pháp đối phó mang tính chiến thuật và đã có chính sách thiết lập những vị trí phòng thủ tại các khu vực tranh chấp này từ tháng 7 năm 1962.[6]
Cuối tháng 8 năm 1962, các nhà lãnh đạo Trung Quốc kết luận rằng chỉ có sức mạnh quân sự mới có thể ngăn chặn áp lực quân sự đang ngày càng gia tăng của Ấn Độ tại vùng biên giới. Tướng Lôi Anh Phu, Cục phó Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu Trung Quốc, viết trong một bản báo cáo gửi tới Quân ủy trung ương rằng tình hình đã đạt đến điểm mà “chỉ có giao chiến thì mới ngăn chặn được sự xâm nhập của Ấn Độ”.[7] Cùng thời điểm, có thêm hai yếu tố làm cho Trung Quốc cảnh tỉnh về sự suy giảm vị thế của mình trong tranh chấp. Đầu tiên, Ấn Độ đã thực thi chính sách tiến về phía trước khi mà Trung Quốc đang phải đối mặt với những mối đe dọa khác đến sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này, gồm các bất ổn sắc tộc tại Tân Cương vào tháng 4 và tháng 5 năm 1962 Tưởng Giới Thạch động binh.[8]Ngoài ra, các áp lực từ phía Ấn Độ cũng gia tăng ngay thời điểm Trung Quốc vừa hoàn thành chiến dịch bình định tại Tây Tạng sau cuộc nổi dậy tại đây năm 1959.[9] Thứ hai, chính sách tiến về phía trước và các mối đe dọa khác đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc xảy ra trong bối cảnh đang có những bất ổn bên trong Trung Quốc, do kết quả của nạn đói và sự sụt giảm kinh tế từ cuộc Đại Nhảy Vọt. Năm 1960, Mao Trạch Đông từ bỏ việc điều hành chính sách nội trị hàng ngày trong khi các nhà lãnh đạo thực dụng hơn thì tìm cách giải quyết tình trạng thiếu lương thực và ổn định các khu vực đô thị.
Theo quan điểm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, áp lực quân sự của Ấn Độ và các thách thức khác không hề tách biệt với nhau. Họ coi chính sách tiến về phía trước, các bất ổn tại Tân Cương, và mối đe dọa từ phía Đài Loan là những nỗ lực của ngoại bang lợi dụng các vấn đề nội trị của Trung Quốc. Như nhận xét của Vương Ân Mậu về tình trạng bất ổn tại Tân Cương, những sự kiện này “hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên”.[10] Tương tự như vậy, Chu Ân Lai cũng nhấn mạnh trong bài phát biểu vào đầu tháng 6 rằng “hiện giờ người Mỹ và Tưởng Giới Thạch đang lợi dụng tình cảnh khó khăn của chúng ta để thực hiện các hành động khiêu khích, trong khi ban lãnh đạo Liên Xô cũng khai thác các khó khăn của chúng ta tạo thêm các khó khăn mới”.[11]
Căng thẳng leo thang vào đầu tháng 9 năm 1962, sau khi một đại đội thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc phong tỏa một vị trí phòng thủ gần Dloha, một đồn của Ấn độ được đặt dưới sườn núi Thag La trong khu vực phía Đông. Về phía Ấn Độ, hành động này là minh chứng cho hành vi vi phạm đường ranh giới thực tế trong khu vực, mặc dù chính đồn này của họ cũng được đặt tại phía Bắc Đường McMahon. Sau khi có các báo cáo cố tình phóng đại về số lượng quân đội Trung Quốc, phía Ấn Độ đã bắt đầu tăng cường lực lượng tại các khu vực xung quanh và công khai kêu gọi Trung Quốc rút quân, hệ quả là đã xảy ra các cuộc đụng độ thường xuyên vào cuối tháng 9.[12]
Vào đầu tháng 10, các nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết định phát động một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn. Bước ngoặt quan trọng ở đây là việc Ấn Độ thành lập Quân đoàn 4 để tiến hành các chiến dịch chống lại Trung Quốc cũng như lần thứ 3 chỉ trong vài ngày đầu tháng Ấn Độ từ chối tổ chức các cuộc đàm phán vô điều kiện với Trung Quốc.[13] Ngày 8 tháng 10, Bộ Tổng tham mưu Trung Quốc ra lệnh trước việc thực hiện chiến dịch quân sự.[14] Ngày 18 tháng 10, trong cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị Trung Quốc để thảo luận các phương án hành động, Mao Trạch Đông đã tóm tắt các lí do phía Trung Quốc tham chiến, nhấn mạnh những hậu quả tiềm tàng trong dài hạn nếu Trung Quốc không sử dụng vũ lực. Theo hồi ức của một người tham gia cuộc họp này, Mao Trạch Đông nói rằng “các vụ việc cố tình khiêu khích hoạt động vũ trang của Ấn Độ đang ngày càng tăng lên và quyết liệt hơn. Điều này rõ ràng là đã đi quá xa… Như một câu nói thông tục rằng ‘xung đột tạo ra sự giao thiệp’. Nếu chúng ta phản công, thì sau đó vùng biên giới sẽ trở nên ổn đinh, và vấn đề biên giới có thể được giải quyết một cách hòa bình.”[15] Một nhà ngoại giao Trung Quốc nhớ lại rằng, để thể hiện cho mục tiêu răn đe của mình, Mao Trạch Đông tin tưởng một cuộc tấn công sẽ “tạo ra mười năm của sự ổn định khu vực biên giới”.[16]Sau khi Ấn Độ từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán, Trung Quốc đã phát động một cuộc tấn công chớp nhoáng trong tháng 11 và sau đó thông báo đơn phương rút quân vào cuối tháng đó.
XUNG ĐỘT VÀ SỰ ỔN ĐỊNH SAU NĂM 1962
Sau hành động rút quân đơn phương của Trung Quốc vào tháng 11 năm 1962 khỏi các khu vực tranh chấp mà nước này đã chiếm đóng trong cuộc tấn công Ấn Độ, vùng biên giới tranh chấp vẫn còn ở trong tình trạng căng thẳng. Trung Quốc có sử dụng sức mạnh quân sự hai lần nữa chống lại quân đội Ấn Độ, lần đầu tiên là tại Nathu La năm 1967 và lần thứ hai là khi Trung Quốc chiếm giữ một đài quan sát của Ấn Độ gần Thag La năm 1986. Sự suy giảm ưu thế thương lượng của Trung Quốc lý giải cho những lần sử dụng sức mạnh quân sự trên và việc Trung Quốc can thiệp vào những giai đoạn tình hình khu vực ổn định.
Ngày 11 tháng 9 năm 1967, lực lượng quân sự của Trung Quốc đóng tại trung tâm của Natha Lu đã mở một cuộc tấn công trừng phạt nhằm vào quân đội Ấn Độ. Khi cuộc đụng độ kết thúc 2 ngày sau đó, 32 binh sĩ Trung Quốc và 65 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng.[17] Do các nguồn tài liệu về cuộc đụng độ này không có nhiều, nên những kết luận cuối cùng về động cơ của Trung Quốc vẫn còn rất mơ hồ. Tuy nhiên, những nguồn này cho chúng ta biết được Trung Quốc đã phải đối mặt với áp lực quân sự mới của Ấn Độ tại khu vực trung tâm. Đầu tiên, sau thất bại trong cuộc chiến 1962, lục quân Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi về quân số. Trong kế hoạch mở rộng này, mười sư đoàn có nhiệm vụ hoạt động tại các vùng núi đã được thiết lập để bảo vệ biên giới phía Bắc của Ấn Độ. Thứ hai, do sự lớn mạnh của lục quân Ấn Độ, nên mỗi bên đều tìm cách để củng cố quyền kiểm soát Nathu La, một ngọn đèo quan trọng và là một trong số ít các khu vực dọc đường biên giới tranh chấp mà quân đội của cả hai bên vẫn triển khai gần nhau sau cuộc chiến năm 1962. Việc Ấn Độ xây dựng các hàng rào chắn và những công trình quốc phòng khác xung quanh khu vực Nathu La vào tháng 8 và tháng 9 cũng có thể là một nguyên nhân khiến Trung Quốc tấn công.[18] Thứ ba, cuộc Cách mạng Văn hóa đã tạo nên tình trạng bất ổn lớn ở Trung Quốc, đặc biệt là trong năm 1967.[19] Do căng thẳng trên biên giới và những áp lực từ phía Ấn Độ trong việc bảo vệ các yêu sách của mình, các nhà lãnh đạo Trung Quốc chắc đã quyết định rằng họ cần phải phản ứng mạnh.
Sau cuộc đụng độ tại Nathu La, vùng biên giới Trung-Ấn khá ổn định, và không bên nào khởi xướng việc sử dụng vũ lực trong gần hai thập kỷ qua. Quân đội Ấn Độ vẫn được triển khai ở xa vùng biên giới. Quân đội Trung Quốc tập trung vào việc chống lại khả năng bị Liên Xô tấn công từ phía Bắc. Các khu vực mà Trung Quốc đã bỏ trống sau năm 1962 tại khu vực phía Đông và phía Tây vẫn duy trì tình trạng trung lập và chưa bị bên nào chiếm. Trong năm 1981, hai bên bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức đầu tiên để giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Tháng 7 năm 1986, tin từ New Dehli cho biết việc Trung Quốc trước đó đã chiếm giữ một đài quan sát mà Ấn Độ bỏ trống trong mùa đông đã phá vỡ sự ổn định này. Trong mười hai tháng tiếp theo, cả hai phía đều triển khai một số sư đoàn bộ binh đến phía Đông của Thag La. Điều này đã làm dấy lên những lo ngại về một cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn lần thứ hai.
Có ba yếu tố lý giải việc Trung Quốc chiếm đài quan sát Ấn Độ được đặt tại khu vực Sumdurong Chu.Đầu tiên, Ấn Độ thiết lập đài quan sát này vào năm 1984 tại một khu vực trung lập gần Thag La. Đây là khu vực nằm giữa Đường McMahon và đường sườn núi cao, nơi mà không bên nào duy trì thường xuyên sự hiện diện của mình sau cuộc chiến 1962. Theo quan điểm của Trung Quốc, hành động của Ấn Độ là một sự thách thức rõ ràng đối với nguyên trạng.[20] Thứ hai, động thái tiến về phía Đường McMahon gần Thag La của Ấn Độ xảy ra trong bối cảnh nước này đang tìm cách củng cố vị thế quân sự tại khu vực phía Đông. Với “chiến dịch Falcon”, chỉ huy quân đội Ấn Độ Khrisna Rao đã dự báo cố gắng chiếm các cao điểm chiến lược thuộc phần đường Ấn Độ kiểm soát “càng gần Đường McMahon càng tốt.”[21] Thứ ba, các cuộc đàm phán về vấn đề biên giới được bắt đầu vào năm 1981 đã bị đình trệ. Cho dù Trung Quốc đã đồng ý với yêu cầu của Ấn Độ về cách tiếp cận theo khu vực để giải quyết tranh chấp, thì tại vòng đàm phán thứ 6 tháng 11/1985, mỗi bên lại đưa ra lập trường không thể dung hòa được về vị trí của Đường McMahon theo cách hiểu của mình.[22]
Đọc toàn bộ bản dịch tại đây
Fravel, M. Taylor
Tuấn Anh (dịch)
Thái Giang (hiệu đính)



[1] Cách giải thích này khẳng định diễn giải của Allen S. Whiting về những toan tính đặc trưng hiện nay của giới ra quyết sách Trung Quốc. Xem Whiting, The Chinese Calculus of Deterrence. Xem thêm  John W. Garver, “China’s Decision for War with India in 1962,” trong Johnston and Ross, New Directions in the Study of China’s Foreign Policy,trang 86–130.
[2] D.K. Palit, War in High Himalaya: The Indian Army in Crisis, 1962 (New Delhi: Lancer, 1991), trang 97.
[3] B.N. Mullik, My Years with Nehru: The Chinese Betrayal (New Delhi: Allied Publishers, 1971), trang 309.
[4] Jiang Siyi và Li Hui, eds., ZhongYin bianjing ziwei fanji zuozhan shi [An operational history of the Chinese-Indian border counterattack in self-defense] (Beijing: Junshi kexue chubanshe, 1994), trang  154; và P.B. Sinha and A.A. Athale, History of the Conflict with China (New Delhi: History Divi-sion, Ministry of Defence, Government of India, [restricted], 1992), trang 70.
[5] Mullik, My Years with Nehru, p. 136; and Sinha and Athale, History of the Conflict with China, p. 71.
[6] Jiang and Li, ZhongYin bianjing ziwei fanji zuozhan shi, trang 143.
[7] Trích từ Xu Yan, ZhongYin bianjie zhizhan lishi zhenxiang [The true history of the Chinese-Indian border war] (Hong Kong: Cosmos Books, 1993), trang 91–92.
[8] Về việc hoạch định chính sách của Trung Quốc trong thời kì này, xem Yang, Wang Shangrong jiangjun, trang 484–492.
[9] Jiang and Li, ZhongYin bianjing ziwei fanji zuozhan shi, trang 463.
[10] Wang Enmao wenji [Wang Enmao’s collected works] (Beijing: Zhongyang wenxian chubanshe, 1997), trang 389.
[11] Zhou Enlai junshi wenxuan [Zhou Enlai’s selected military writings] (Beijing: Renminchubanshe, 1997), trang 435.
[12] Sinha and Athale, History of the Conflict with China, trang 77, 92.
[13] Jiang and Li, ZhongYin bianjing ziwei fanji zuozhan shi, p. 179; and Xu, ZhongYin bianjie zhizhan
lishi zhenxiang, trang 106, 108.
[14] Jianmie ruqin kejielang Yinjun yuxian haoling [Advanced order to destroy the Indian Army’s in-vasion of Kejielang (Namka Chu)], in Jiang and Li, ZhongYin bianjing ziwei fanji zuozhan shi, trang 472.
[15] Trích từ Lei, Zai zuigao tongshuaibu dang canmou, trang 210
[16]  Zhang Tong, “DuiYin ziwei fanji zhan qianhou de huiyi” [Recollections of the counterattack inself-defense against India], in Pei Jianzhang, ed., Xin Zhongguo waijiao fengyun [New China’s diplo-matic storms] (Beijing: Shijie zhishi chubanshe, 1990), trang 75.
[17] Sinha and Athale, History of the Conflict with China, p. xxiv; and Wang Chenghan,Wang Chenghan huiyilu [Wang Chenghan’s memoirs] (Beijing: Jiefangjun chubanshe, 2004), trang  482.
[18] G.S. Bajpai, China’s Shadow over Sikkim: The Politics of Intimidation (New Delhi: Lancer, 1999), trang 156–195.
[19] Roderick MacFarquhar and Michael Schoenhals, Mao’s Last Revolution(Cambridge: Belknap,2006).
[20] Garver,Protracted Contest,p. 97; and Pravin Sawhney, The Defence Makeover: 10 Myths That
Shape India’s Image (New Delhi: Sage, 2002), trang  30
[21] Mira Sinha Bhattacharjea, “India-China: The Year of Two Possibilities,” in Satish Kumar, ed., Yearbook on India’s Foreign Policy, 1985–86(New Delhi: Sage, 1988), pp. 152, 156; T. Karki Hussain, “India’s China Policy: Putting Politics in Command,” in Satish Kumar, ed., Yearbook on India’s For-eign Policy, 1989 (New Delhi: Sage, 1990), trang. 121; và Sawhney, The Defence Makeover, trang 29.
[22] “Red Heat,” Force(New Delhi), December 2004, FBIS, No. SAP20041209000096

Tin cũ hơn:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét