Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Hồ sơ tranh chấp trên quần đảo Falkland

Xung đột giữa Anh và Argentina trên quần đảo Falkdland năm 1982 cảnh báo xu hướng các tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các nước trên thế giới.


Hồ sơ về quần đảo này để lại cho thế giới bài học lớn về cách hành xử giữa các cuộc gia, sự thiệt hại không đáng có nếu giải quyết tranh chấp bằng vũ lực.


Vị trí chiến lược của quần đảo Falkland


Quần đảo Falkland, có tên tiếng Tây Ban Nha là Malvinas, nằm ở phía Nam Đại Tây Dương, cách bờ biển Nam Mỹ khoảng 460 km. Quần đảo Falkland gồm hai đảo chính của Đông Falkland và Tây Falkland, cùng với hơn 776 hòn đảo nhỏ hơn. Hiện tại, Falkland là lãnh thổ tự trị của Anh với thủ phủ Stanley, Đông Falkland. Tổng diện tích của quần đảo là 12.173 km2. Cho đến nay, dân số đạt khoảng 2.379 người, phần lớn tập trung tại thủ đô Stanley.


Falkland có lịch sử khá phức tạp. Những nhà thám hiểm người Anh phát hiện ra hòn đảo vào năm 1592, nhưng nước này chưa tuyên bố chủ quyền với quần đảo. Mãi đến năm 1690, nơi đây được đặt tên theo một đô đốc Anh đầu tiên đặt chân tới đây.


Tuy nhiên, đến thế kỷ 18, một nhóm người Pháp tới đây khai hoang và cư ngụ tại đây trong một thời gian ngắn, tiếp sau là Tây Ban Nha với việc tuyên bố chủ quyền với hòn đảo.

Nằm ở gần Nam Mỹ, Falkland có vai trò chiến lược với Anh trong việc thực hiện nhiệm vụ ở Nam Cực và kiểm soát khu vực Nam Mỹ, cũng như khai thác nguồn lợi từ dầu mỏ tại đây.

Điểm nhấn chính là việc Argentina, lấy tư cách là người thừa kế của Tây Ban Nha để chiếm quyền sở hữu trên hòn đảo, nhưng quân đội Anh đã giành lại nó vào năm 1833.

Kể từ đó, người Anh định cư lâu dài ở đây với nghề nghiệp chính là sản xuất lông cừu. Mãi đến năm 1982, cuộc chiến Falkland nổ ra giữa Anh và Argentina trong vòng 2 tháng, rốt cuộc, Anh tiếp tục làm chủ quần đảo.

Vị trí chiến lược của quần đảo Falkland gần gũi với khu vực phía nam của Nam Mỹ và Nam Cực. Nó là bàn đạp cho bất kỳ lực lượng nào muốn tiến hành các nhiệm vụ quân sự và dân sự ở Nam Cực. Với riêng nước Anh, vị trí này rất quan trọng trong việc tăng cường kiểm soát ở khu vực Nam Mỹ.

Vai trò của Falkland được minh chứng trong chiến thắng của Quân đội Anh đối với Hạm đội châu Á của Đức năm 1914, trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ nhất. Đến năm 1939, quần đảo trở thành nơi đóng quân của Hải quân Hoàng gia Anh tham gia trận chiến River Plate.

Vai trò về giao thông và kinh tế cũng khẳng định tầm quan trọng của quần đảo Falkland. Ngoài những hoạt động truyền thống về khai thác than, đánh bắt cá và cảng biển, những giếng dầu phong phú trong vùng lãnh hải của quần đảo là nhân tố  giúp phát triển kinh tế cho bản thân người dân ở Falkland và Anh. Theo tính toán, trữ lượng của khu vực lên tới 60 triệu thùng (tương đương 9,5 tỷ mét khối).

Du lịch cũng dần trở thành thế mạnh của quần đảo này. Hàng năm, hàng chục nghìn du khách đến thăm quần đảo trên những chiếc tàu du lịch, hấp dẫn với hệ động/thực vật đa dạng cùng các cơ sở nghỉ dưỡng được đầu tư hiện đại.

Cuộc chiến Falkland năm 1982

Khơi mào chiến tranh:

Không phải ngẫu nhiên, Argentina khơi mào cuộc chiến và xung đột tại quần đảo Falkland. Nguyên nhân xuất phát từ sự thay đổi bộ máy cầm quyền của nước này.

Đầu năm 1982, sau cuộc đảo chính, Tổng thống Leopoldo Galtieri lên nắm quyền, là người đứng đầu nhóm sĩ quân quân sự cai trị đất nước Argentina. Ông này đã thông qua kế hoạch tấn công quần đảo Falkland.

Điều này sẽ gia tăng những giá trị quốc gia và có thể giành lại hòn đảo mà họ tuyên bố chủ quyền nắm giữ từ trước đó.
Bằng việc công khai đổ bộ trên một hòn đảo thuộc quần đảo Falkland, Argentina đã khơi mào cuộc chiến với Anh.

Đầu tiên, Argentina đưa 60 công nhân được đưa lên hòn đảo Nam Georgia (thuộc quần đảo Falkland) ngày 19/3/1982. Họ tháo dỡ một trại săn cá voi bỏ hoang, sau đó dựng ngọn quốc kỳ của Argentina, chính thức thách thức chủ quyền với Anh.

Nhà cầm quyền Anh đã tuyên bố về sự chiếm đóng phi pháp của Argentina và yêu cầu rút lui. Thủ tướng Anh, Magaret Thatcher công kích mạnh mẽ trên kênh ngoại giao.

Việc tuyên bố chủ quyền từ hành động nhỏ đã nổ ra cuộc chiến khốc liệt giữa quân đội Anh - Argentina trong vòng 2 tháng, cướp đi sinh mạng hàng trăm người. Mỗi bên tiêu tốn hàng tỷ USD. Cuộc chiến cũng đánh dấu những bước chuyển về kỹ thuật tác chiến quân sự, sử dụng vũ khí.

Cuộc chiến bắt đầu:

Đây là cuộc chiến lớn đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới 2 trên biển và trên không giữa hai lực lượng quân sự được trang bị hiện đại.

Trong khi Anh có lợi thế hơn về kinh nghiệm chiến đấu, còn Argentina có lợi thế về vị trí địa lý do ở gần quần đảo Falkland.

Về trang bị quân sự:


Anh: Hải quân hoàng gia Anh tham chiến 2 tàu sân bay là HMS Invincible và Hermes (tàu chỉ huy); 2 tàu đốc đổ bộ trực thăng (LPD) là HMS Fearless và Intrepid; các tàu khu trục HMS Bristol, Sheffield, Glasgow, Conventry…; tàu ngầm lớp Churchill như HMS Conqueror, Courageous; tàu phá băng Endurance…cùng hàng loạt tàu hỗ trợ khác.

Vũ khí trang bị chủ yếu là tên lửa đối không Sea Slug, Sea Cat, Sea Wolf; tên lửa đối hạm Exocet MM38, tên lửa diệt tàu ngầm Ikara; pháo Mark, Oelikon…; ngư lôi Mark 24 Tigerfish và Mark 8.

Lực lượng máy bay của Anh chủ yếu gồm máy bay chiến đấu Sea Harrier, Sea King, Wessex; Lynx; trực thăng Chinook; máy bay phản lực Phantom; máy bay ném bom chiến lược Vulcan, Victor; máy bay vận tải Hercules…

Ngoài ra, Anh đưa vào chiến trường 3 lữ đoàn biệt kích và 5 lữ đoàn bộ binh với trang bị vũ khí khá hiện đại như súng L1A1 SLR, súng phóng lựu M79…

Argentina:

Hải quân Argentina không có sức mạnh hùng hậu như Anh, chỉ có tàu sân bay duy nhất là Veinticinco de Mayo. Ngoài ra, là lực lượng tàu nhỏ hơn: 2 tàu khu trục Comodoro Py, Segui; tàu đổ bộ USS De Soto; tàu hộ tống Guerrico; nhiều tàu tuần tra; tàu ngầm Type 209

Sức mạnh chủ yếu của Argentina là lực lượng máy bay chiến đấu có khả năng tác chiến cao, gây ra thiệt hại đáng kể cho hạm đội tàu của Anh.

Một số máy bay chủ lực tham chiến của Argentina là máy bay chiến đấu Mirage  IIIEA, IAI Dagger (do Israel cung cấp), Douglas A-4 Skyhawk; máy bay trinh sát Boeing 707; máy bay vận tải C-130 Hercules; máy bay dân dụng Fokker F28…

Hỏa lực của Argentina bao gồm: tên lửa không đối không Sidewinder tầm ngắn (trang bị cho Skyhawk); Shafrir 2(trang bị cho IAI Dagger); Matra R550/R530 (trang bị cho Mirage); tên lửa không đối hạm Exocet 39; rocket MB339 và Pucaras…

Lực lượng tác chiến trên bộ của Argentina gồm 2 lữ đoàn bộ binh cơ giới chủ đạo với đội pháo binh; ngoài ra còn lực lượng quân đội hỗn tạp; lính thủy đánh bộ và hiến binh.


Cuộc tranh chấp về chủ quyền trên quần đảo Falkland đã gây ra những thiệt hại lớn cả về sinh mạng và của cải, nhưng vẫn không xóa đi được tranh cãi tiêp tục dai dẳng:



Con đường chuyển quân của quân đội Anh, với đảo Ascension làm điểm tập trung.
Các dấu mốc quan trọng của cuộc chiến:

Ngày 2/4/1982, Argentina mở màn cuộc chiến bằng việc sử dụng tàu đổ bộ đưa một đơn vị với quân số gần 1.000, tấn công bờ biển gần cảng Stanley. Lực lượng này đụng độ với đơn vị lính thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh khoảng 80 người. Kết quả, lính Anh bị bắt giữ toàn bộ còn Argentina đổ bộ tiếp 3.000 lính.

Ngày 3/4/1982, biệt kích Argentina tiếp tục tràn lên hòn đảo Nam Georgia, đụng độ với đơn vị thủy quân lục chiến khác của Anh đang làm nhiệm vụ đuổi các công nhân đã dựng cờ Argentina tại đây. Vì số lượng ít ỏi, quân Anh tiếp tục thất bại và bị bắt giữ toàn bộ nhưng không có thương vong.

Từ 5 – 22/4/1982, chính quyền Anh bắt đầu huy động lực lượng Hải quân và Lục quân hùng hậu tiến về phía Nam để giành lại quyền kiểm soát quần đảo Falkland, với hành trình dài hơn 12.800 km.

Điểm nhấn chính là 2 chiếc tàu sân bay HMS Invicible và Hermes, trung tâm của lực lượng; tất cả lực lượng đặt dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Hải quân Woodward.

Đảo Ascension, nằm ở giữa con đường từ Anh tới Falkland là điểm tập trung quân. Chiến thuật của Anh là phong tỏa vùng biển bán kính 320 km quanh quần đảo, sẵn sàng tiêu diệt bất cứ con tàu của Argentina xâm nhập vùng cấm.

Giai đoạn này, theo nhiều chuyên gia quân sự, các lãnh đạo quân đội Argentina đã mắc nhiều sai lầm chiến lược.

Thất bại tai hại nhất là việc người Argentina không nỗ lực xây dựng, mở rộng đường băng lớn để cho phép các máy bay Skyhawk, Mirage, Super Etendard cất hạ cánh trên các đảo. Từ đó, suy giảm về mặt sức mạnh chiến đấu cũng như không thể thực hiện không kích quy mô lớn vào hạm đội tàu của Anh.

Các máy bay của Argentina chỉ có thể xuất kích từ nội địa và sớm trở về đất liền với quãng đường gần 500 km, trong khi bị hạn chế nhiên liệu.

Trước tình hình nghiêm trọng, lãnh đạo Argentina đưa tàu sân bay Veinticinco de Mayo rời quân cảng Puerto Belgrano tiến về Falkland, cùng với 3 tàu ngầm, 1 tuần dương, 2 khu trục hạm và một số tàu khác. Tuy nhiên, tàu của Argentina chủ yếu ở ngoài khu vực phong toả của người Anh.

22-25/4/1982, quân đội Anh tiến hành tấn công chiếm lại đảo Nam Georgia, tiêu diệt tàu ngầm Santa Fe bằng 3 quả tên lửa diệt ngầm, bắt giữ gần 200 lính Argentina.

1/5/1982, chiến sự bước vào giai đoạn quyết liệt trên các đảo chính Đông và Tây Falkland. Dù máy bay chiến đấu của Argentina, bao gồm Mirage và máy bem ném bom Canberra làm hư hỏng 2 tàu chiến Anh, nhưng Harrier và máy bay ném bom Vulcan gây ra những tổn thất lớn hơn nhiều cho Argentina.

2/5/1982 diễn ra sự kiện đẫm máu nhất trong cuộc chiến, cũng như buộc hạm đội của Argentina bó buộc trong cảng trong suốt thời gian còn lại của cuộc chiến.

Tàu ngầm HMS Conquer của Anh đã phát hiện và tiêu diệt tàu tuần dương hạng nhẹ ARA General Belgro với 3 quả ngư lôi, khiến 320 lính Argentina thiệt mạng.
Tàu General Belgro dính ngư lôi và chìm dần, khiến 320 lính Argentina thiệt mạng. Ngay sau đó, Argentina trả thù bằng phá hỏng tàu Sheffield.

4/5/1982, quân đội Anh nếm đòn trả thù khi máy bay Argentina sử dụng tên lửa có điều khiển Exocet tấn công tàu khu trục Sheffield khiến chiếc tàu này hư hỏng nặng và 20 người chết.

Từ ngày 21/5, cục diện chuyển dần từ hải - không chiến sang chiến trường trên bộ khi quân đội Anh bắt đầu đổ bộ tái chiếm đảo. Tuy nhiên, cuộc đổ bộ khiến Anh tổn thất khá nặng với các tàu HMS Ardent, Antelope, Conventry bị đánh chìm…

Với 4.000 lính dưới sự chỉ huy Chuẩn tướng Thủy quân lục chiến Julian Thompson, quân đội Anh tiến hành giành lại nhiều chiến trường: chiếm lại Darwin và Goose Green ngày 27-28/5; đánh bại quân Argentina ở núi Kent. 5.000 quân Anh được bổ sung, đảm bảo lực lượng để tấn công vào thủ phủ Stanley.

Từ đầu tháng 6, phía Anh chuyển đại pháo, súng cối, và những thiết bị khác lên vùng đất cao gần Stanley. Tàu chiến liên tục tấn công vị trí của quân Argentina. Những đơn vị biệt kích tinh nhuệ của Anh di chuyển ngang qua hòn đảo từ Darwin, Goose Green tới chiếm lĩnh những vị trí gần Stanley.
Bản đồ các hướng tấn công của quân đội Anh vào thủ phủ Stanley.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng, củng cố lực lượng của Anh gặp phải sự công kích của Không quân Argentina. Ngày 8/6/1982, máy bay Skyhawk và Mirage liên tục dội bom khiến 2 chiếc tàu chở lính RFA Sir Galahad và Sir Tristam hư hỏng nặng, 56 lính thiệt mạng.

11-14/6/1982, cuộc chiến bắt đầu ngã ngũ. Những đơn vị Gurkha và Vệ binh cùng lính bộ binh, lính thủy đánh bộ Anh tiến vào thủ phủ Stanley. Hàng loạt các trận chiến dữ dội nổ ra giữa 2 bên. Các chiến trường chủ yếu là núi Harriet, Longdon, trận Wireless Ridge, Two Sisters.

Tuyến phòng thủ cuối cùng của quân đội Argentina tại núi Mount Tumbledown sụp đổ. Bị bao vây trên bộ và chặn đứng ở biển, tình thế này buộc chỉ huy quân đội Argentina, chuẩn tướng Mario Menendez phải đầu hàng cùng 9.800 lính của mình, chính thức kết thúc cuộc chiến trên quần đảo Falkland.

Hậu quả và thương vong

Tổng số, 907 người thiệt mạng trong 74 ngày diễn ra cuộc tranh chấp. Trong đó, con số bên Argentina là 649 người. Bên phía Anh, có 255 binh lính và sĩ quan thiệt mạng.

Số người bị thương lên tới 1.188 (phía Argentina) và 777 (phía Anh). Số người Argentina bị bắt làm tù binh là 11.313 người, còn phía Anh chỉ có 115 người.
Thiệt hại về khí tài:

Quân đội Anh mất 2 tàu khu trục (Conventry và Sheffield) và 2 tàu khinh hạm (Ardent và Antelope), 1 tàu đổ bộ, 1 tàu vận chuyển, 24 trực thăng và 10 máy bay chiến đấu.

Về phía Argentina, tàu tuần dương General Belgrano, tàu ngầm Santa Fe, 4 tàu chở 2 hàng, 2 thuyền tuần dương, 1 thuyền đánh cá do thám.

Tuy nhiên, thiệt hại nghiêm trọng nhất của Argentia là máy bay: mất 25 trực thăng, 35 máy bay chiến đấu, 2 máy bay ném bom, 4 máy bay vận tải, 9 máy bay huấn luyện có vũ trang, 25 máy bay.

Hệ quả gián tiếp giành cho 2 nước cũng khác biệt. Tại Argentina, 3 ngày sau thất bại tại Falkland, Tổng thống Galtieri bị hạ bệ, kết thúc giai đoạn lãnh đạo quân sự cầm quyền, phục hồi nền dân chủ.

Còn ở Anh, chiến thắng đã củng cố niềm tin quốc gia cũng như vị thế trên trường quốc tế, đảm bảo cho chiến thắng của chính quyền Thatcher trong kỳ bầu cử năm 1983.

Những tuyên bố hiện tại về chủ quyền của hai nước:

Tuyên bố từ phía Argentia:

Từ sau cuộc chiến Falkland, chính quyền Argentina vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Falkdland. Mới đây nhất, trong Hiến pháp sửa đổi, nước này coi đây là một phần của tỉnh Tiera del Fuego cùng với quần đảo Nam Georgia, Nam Sandwich. Những lý do mà Argentina đưa ra:

+ Chủ quyền được chuyển từ Tây Ban Nha sang Argentina sau khi giành độc lập với nguyên tắc “uti possidetis juris” (sở hữu cái hiện có). Trong khi, bản thân Tây Ban Nha chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền, ngay cả khi có sự thuộc địa hóa của người Anh.
+ Anh đã từ bỏ thuộc địa này năm 1776, chính thức trong Công ước Nootka Sound, trong khi Argentina thì không.
+ Việc Anh quay trở lại năm 1833 là bất hợp pháp theo luật quốc tế, nên Argentina luôn phản đổi hành động này từ 17/6/1833 đến nay.
+ Nguyên tắc tự định đoạt mà Anh đưa ra không thích hợp, khi mà những người dân hiện tại không phải là dân bản xứ. Thực chất, Anh đã đưa công dân của mình tới thay thế người Argetina sau năm 1883.
+ Quần đảo nằm trong thềm lục địa của Argentia tuân theo Hiệp ước Liên hiệp quốc về thềm lục địa năm 1958.

Tuyên bố từ phía Anh:


+ Người Anh đã tuyên bố chủ quyền từ năm 1690 và chưa bao giờ từ bỏ.
+ Quần đảo được người Anh xây dựng cơ sở hạ tầng, liên tục và hòa bình từ năm 1833, trừ 2 tháng xung đột với Argentia năm 1982.
+ Những cố gắng của Argentia trong việc thành lập thuộc địa trên quần đảo giai đoạn 1820-1833 là không liên tục và vô ích.
+ Bản thân quần đảo không có người bản xứ trước khi Anh khai hoang lập địa tại đây.
+ Trong cuộc bỏ phiếu do Argetina khởi xướng năm 1994, 87 % dân số đảo từ chối bất kỳ thảo luận về chủ quyền trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
+ Hiệp ước Lisbon phê chuẩn, quần đảo Falkland thuộc về Anh.


Mạnh Thắng (tổng hợp)
Nguon: http://quocphong.baodatviet.vn/Home/QPCN/Ho-so-tranh-chap-tren-quan-dao-Falkland-ky-2/20116/148508.datviet 

Xem them cung de tai: 
http://duongduc1000.blogspot.com/2011/06/quan-ao-malvinasfalklands-cuoc-chien.html


Bài học từ Falklands/Malvinas cho Trung Quốc

Từ tranh chấp chủ quyền ở Falklands/Malvinas, Trung Quốc đã rút ra được những bài học về lợi thế khu vực hay cái giá của cuộc chiến chống tàu ngầm...
 
Tác giả James Holmes.
(ĐVO) Phó Giáo sư James Holmes, chuyên gia về chiến lược thuộc ĐH Chiến tranh Hải quân Mỹ và biên tập viên của tác phẩm sắp ra mắt: “Chiến lược trong Kỷ nguyên Hạt nhân Thứ hai”. Ông vừa có bài viết liên hệ khả năng tác chiến của Hải quân Trung Quốc với cuộc xung đột ở Falklands/Malvinas.


Dưới đây là nội dung bài viết:

Thế giới sắp tiến tới kỷ niệm lần thứ 30 cuộc chiến Falklands/Malvinas (diễn ra từ tháng 4-6/1982) với kết quả: Quân đội Anh đã giành lại chủ quyền trên hòn đảo xa xôi phía Nam Đại Tây Dương từ tay Argentina.

Gần đây, Tướng Sir Michael Jackson, cựu tham mưu trưởng Lục quân Anh, đã gây xôn xao với dư luận với tuyên bố rằng, việc cắt giảm quốc phòng của Bộ Quốc phòng Anh sẽ khiến lực lượng Hải quân nước này “không đủ khả năng” để giành lại đảo Falklands nếu Argentina tiến hành chiếm lại nó một lần nữa.

Năm 2011, Hải quân Hoàng gia Anh  cũng đã cho nghỉ hưu tàu sân bay HMS Ark Royal, khiến nước này vắng bóng hoàn toàn tàu sân bay. Điều này đồng nghĩa với việc, Hải quân Anh mất đi khả năng chiến đấu từ máy bay chiến đấu cánh cố định trên các cuộc xung đột có thể trên biển cũng như khả năng tấn công từ tàu sân bay tới các mục tiêu trên bộ.

Hải quân phải trông  chờ vào dự án tàu sân bay lớp Queen Elizabeth mới đưa vào phục vụ (kế hoạch đến cuối năm 2020), một thời gian khá lâu trong khi tình hình bất ổn trên toàn thế giới gia tăng. Những trục trặc, trì hoãn và ngân sách vượt trội quá mức so với dự kiến ban đầu cũng làm đau đầu các nhà lãnh đạo Hải quân Anh.

Bên cạnh đó, toàn bộ lực lượng hào hùng một thời -  máy bay phản lực Harrier đã được Anh sang nhượng cho Thủy quân Lục chiến Mỹ lấy phụ tùng. Thế nên, khả năng không lực của Hải quân cũng về số 0 cho đến khi những chiến đấu cơ F-35 Joint Strike đưa vào phục vụ với kế hoạch cuối tới cuối thập kỷ này.

Argentina "đục nước béo cò"?

Trong tình thế “thảm hại” của Hải quân Anh, trò chơi chính trị quân sự lại được nhen nhóm lên trong lòng những nhà lãnh đạo của Argentina.

Nó là vấn đề thuộc về bản chất chứ không phải ngẫu nhiên nếu Buenos Aires đẩy mạnh các tuyên bố hay hành động thể hiện khao khát của mình trong việc chiếm lại  hòn đảo.


Tổng thống Argentina, Bà Cristina Fernández de Kirchner.
Vấn đề kinh tế trì trệ cũng là động lực thúc đẩy Argentina muốn khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên được phát hiện với trữ lượng dồi dào ở các vùng biển và đáy biển liền kề Falklands.

Một loạt phát hiện gần đây ở khu vực "Sư tử biển" cách 128 km về phía bắc đảo Falkland đã thúc đẩy "cơn sốt vàng đen" ở Nam Đại Tây Dương.

Tổng thống Argentina, bà Cristina Fernandez de Kirchner đã trách London làm kiệt quệ nguồn tài nguyên của Argentina và tuyên bố sẽ "lấy lại những hòn đảo".

Trước những tuyên bố từ phía Argentina, Chuẩn tướng Bill Aldridge, Tư lệnh Quân đội Anh ở Nam Đại Tây Dương, nhấn mạnh rằng: "Bất chấp những suy giảm trong khả năng viễn chinh trên biển, Anh sẽ không bao giờ đánh mất Falkland".

“Tôi không mong đợi trao các hòn đảo này cho bất kỳ ai và do đó, đặt chúng ta trong vị trí cần thiết để chiếm lại các đảo nếu cần", ông này tuyên bố.

Những động thái căng thẳng nói trên giữa Argentina và Anh chắc chắn sẽ lan xa và chắc chắn, các chiến lược gia Trung Quốc rất sát sao với tình hình ở đại dương cách xa hẳn một châu lục.

Giới tinh hoa lãnh đạo của Trung Quốc đã cố gắng tìm hiểm đầy đủ nhất những luận điểm của các bên, sự đồng tình và phản đối dư luận dành cho cả hai phía trong cuộc xung đột năm 1982. Đằng sau nó là rất nhiều bài học khác.

Một vài năm trước, một đồng nghiệp của tác giả đọc được những bình luận của giới nghiên cứu Trung Quốc về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Falklands/Malvinas và đã viết một bài mô tả lại những phát hiện của giới trên.

Trung Quốc đã học được gì?:

- Địa lý: Xa và gần


Theo đó, Bắc Kinh sẽ coi chiến dịch của 2 bên với Falklands/Malvinas là một nguồn hướng dẫn quan trọng cho chiến lược đương đại của nước này.

Nước Anh- một thế lực hùng mạnh trên biển của phương Tây đã phải tiến hành một cuộc chiến ngắn để giành lại quần đảo từ một thế lực khu vực yếu hơn.

Nhân tố “địa lý” buộc những thế lực nằm cách xa khu vực có xung đột phải tổ chức các hoạt động quân sự vượt qua khoảng cách hàng nghìn km đại dương.

Ngược lại, những thế lực trong khu vực lại hưởng lợi nhờ ở ngay sát khu vực xung đột, giao chiến, có nguồn nhân lực và tài nguyên dồi dào cũng như thân thuộc với môi trường xung quanh.

- Sức mạnh của tên lửa chống hạm:

Những bài học về chiến lược, chiến thuật và cơ cấu lực lượng là những gì Bắc Kinh có khả năng học hỏi từ kinh nghiệm của Anh bây giờ?

Tuy nhiên, vấn đề hàng đầu mà Trung Quốc tìm được hướng dẫn trong cuộc xung đột tương tự: một thế lực địa phương (khu vực) có thể vượt qua và chiến thắng quyền lực mạnh mẽ hơn từ bên ngoài nếu nó sẵn sàng hơn so với đối thủ trong việc chịu đựng các chi phí và rủi ro chiến tranh.

Đây là khái niệm sử dụng “lợi thế sân nhà” và đòi hỏi kho vũ khí chuyên biệt với số lượng thích hợp.

Ví dụ, các nhà bình luận Trung Quốc đã nhận ra và nhấn mạnh tới những thiệt hại gây ra do máy bay chiến đấu phản lực của Argentina – Super Étendard, sử dụng tên lửa hành trình đối hạm Exocet  (>> chi tiết).
Tàu HMS Sheffield trúng tên lửa Exocet.
Một số người nói rằng, cái chết của Sheffield (nạn nhân của tên lửa chống hạm Exocet) là đòn đánh chí mạng khẳng định, những tên lửa lướt trên biển có thể áp đảo hệ thống phòng thủ hiện đại của tàu với những thiệt hại chết người.

Điều này có thể khiến các nhà lãnh đạo Quân đội Trung Quốc có cảm hứng về một chiến thuật chống hạm mang tên “tấn công bão hòa”, áp đảo hệ thống phòng thủ của một hạm đội tàu. Tuy nhiên, đây vẫn là câu hỏi mở.

Theo các nhà quan sát Trung Quốc, nếu không lực Argentina có nhiều Exocet hơn, kết quả của cuộc xung đột có thể khác xa rất nhiều.


- Chống tàu ngầm: Cuộc chơi tốn kém

Một vấn đề khác là cuộc chiến ngầm dưới biển. Cả hai lực lượng hải quân đều đưa tàu ngầm vào cuộc chiến với hy vọng sẽ sử dụng hiệu quả như một vũ khí tấn công chiến lược. Thế nhưng rốt cuộc, cả hai bên đều có màn trình diễn thảm hại và nghèo nàn thể hiện qua hiệu suất tìm kiếm và đánh chìm tàu ngầm đối phương.

Việc tốt nhất của hạm đội tàu ngầm tấn công hạt nhân của Hải quân Hoàng gia Anh làm được là tấn công tàu tuần dương Belgrano của Argentina, buộc các hạm đội tàu nổi của Argentina phải giữ khoảng cách an toàn với khu vực đảo Falklands/Malvinas trong suốt phần còn lại của chiến tranh.

Điều tệ hại hơn dành cho lực lượng chống tàu ngầm của Anh khi họ không thể phân loại chính xác bạn/thù thông qua hệ thống liên lạc hay sonar. Do đó, giải pháp của họ là "bắn bừa" trước tất cả những dấu hiệu cảnh báo thu được.
Không có hệ thống phát hiện tàu ngầm hữu hiệu, Anh đã phí phạm vô số vũ khí chống tàu ngầm của mình.

Vấn đề nữa là Anh cạn kiệt kho vũ khí  và khí tài trinh sát chống tàu ngầm ngay tại thời điểm căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh.

Hải quân nước này đã không hoàn thành nhiệm vụ mà các đồng minh trong khối NATO giao cho là giám sát hoạt động của Hải quân Liên Xô ở vùng biển Bắc Đại Tây Dương.

Bài học mà Trung Quốc rút ra: Chống ngầm rất khó khăn và tốn kém, ngay cả đối với lực lượng hải quân tiên tiến nhất của thế giới.

- Đánh vào hậu cần:

Làm thế nào Hải quân Trung Quốc đưa những bài học đó trở thành công cụ hữu dụng trong các cuộc xung đột trong tương lai? Liệu các vị chỉ huy hiểu biết có thể tấn công, từ bờ biển châu Á nhằm đối phó quân tiếp viện của Hải quân Mỹ đang băng qua Thái Bình Dương.

Argentina bỏ lỡ nhiều cơ hội để làm gây khó khăn cho quân Anh từ xa kéo đến sau hành trình hàng nghìn kilomet. Trung Quốc sẽ khó có thể lập lại sai lầm này. Chiến lược lúc này của Trung Quốc, chắc chắn nhắm tới lực lượng tàu hậu cần thực hiện cung cấp, vận chuyển hàng hóa hoặc lực lượng đổ bộ. Đây là cách thông thường và thuận tiện nhất để phá vỡ bất kỳ hoạt động cứu trợ ra khỏi Đài Loan hoặc một số điểm nóng khác. Những đối tượng này thường được vũ trang kém và không có tàu hộ tống, dễ dàng trở thành con mồi cho tàu ngầm Trung Quốc.

Các chuyên gia tên lửa Trung Quốc có thể mường tượng về những vụ phóng tên lửa hành trình đa hướng tiêu diệt gọn ghẽ những mục tiêu trên. Thậm chí là cả các tàu chở dầu, tàu kho lạnh và tàu chở vũ khí sẽ là "chùm nho chín mọng" cho các tàu ngầm của Trung Quốc.

Mạnh Thắng (tổng hợp)

Nguon: http://quocphong.baodatviet.vn/Home/QPCN/Bai-hoc-tu-FalklandsMalvinas-cho-Trung-Quoc/20122/193041.datviet