Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Đây là những vũ khí "sát thủ" Hải quân Quốc gia X cần: Bầy sói săn trên biển rình mồi

Nếu có đường bờ biển dài với vùng biển rộng lớn, Quốc gia X bất kỳ sẽ phải ưu tiên xây dựng lực lượng hải quân mạnh, đủ sức bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.


Đây là những vũ khí "sát thủ" Hải quân Quốc gia X cần: Bầy sói săn trên biển rình mồi
Tác chiến không gian 3 chiều và hơn thế nữa
Gần đây, hầu hết các quốc gia có biển đều đẩy mạnh hiện đại hóa hải quân theo tiềm lực của mình.
Giả sử như một Quốc gia X bất kỳ nếu có đường bờ biển dài với vùng biển rộng lớn, họ sẽ phải ưu tiên xây dựng lực lượng hải quân mạnh, đủ sức răn đe, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Để đảm bảo phòng thủ tốt trên biển trong môi trường tác chiến hiện đại trong không gian 3 chiều (trên mặt nước, dưới mặt nước và trên không), thậm chí 4 chiều (thêm không gian mạng) trên biển, nếu như Hải quân quốc gia X chỉ có tàu ngầm, tàu mặt nước, tên lửa bờ không thôi thì có lẽ vẫn chưa đủ.
Bởi lẽ vẫn còn có khoảng trống, đó là lực lượng phản ứng nhanh, có thể tung phóng những đòn trả đũa bất ngờ một khi bị tấn công.
Khoan chưa nói đến máy bay chiến đấu của không quân hải quân mà chỉ có những quốc gia lớn, giàu tiềm lực cả về kinh tế và quân sự như Mỹ, Nga,... mới đủ sức kham nổi, thì Quốc gia X với điều kiện hạn hẹp sẽ không thể nào mơ ước xa đến vậy.
Đây là những vũ khí sát thủ Hải quân Quốc gia X cần: Bầy sói săn trên biển rình mồi - Ảnh 1.
Xe bệ phóng của tổ hợp tên lửa bờ Bal-E do Nga chế tạo.
Để bổ sung cho tàu ngầm, tàu mặt nước, tên lửa bờ, có lẽ Quốc gia X nên sở hữu trong tay những loại trực thăng tấn công có khả năng mang tên lửa diệt hạm, nhằm tạo ra những đòn đánh bí mật bất ngờ.
Bởi lẽ, trực thăng tấn công mang tên lửa chống hạm có thể tạo ra những cú đánh bất ngờ và uy lực theo phương châm "đánh nhanh, rút gọn" nhờ khả năng bí mật xuất kích từ những sân bay dã chiến được ngụy trang tốt hoặc thậm chí là từ những vị trí không cần chuẩn bị trước, khiến đối phương rất khó phát hiện.
Tất nhiên, để thành công chúng phải được cung cấp, chỉ thị mục tiêu chính xác từ các khí tài trinh sát khác như radar bờ, máy bay trinh sát (gồm cả loại không người lái) để chọn thời cơ xuất kích, bay thấp trên đỉnh sóng, tiếp cận cự ly phóng đạn hiệu quả, khai hỏa rồi quay về ngay.
Chỉ cần vài ba chiếc trực thăng loại này bất ngờ xuất kích cùng lúc từ nhiều hướng khác nhau bắn đồng thời nhiều đạn tên lửa vào nhóm tàu mục tiêu, có thể khiến phòng không trên hạm của đối phương bị bất ngờ, không kịp trở tay hoặc đánh chặn không xuể, bị tổn thất lớn.
Trên thực tế chi phí ban đầu để mua và sau đó là duy trì hoạt động những trực thăng loại này không quá lớn.
Đây là những vũ khí sát thủ Hải quân Quốc gia X cần: Bầy sói săn trên biển rình mồi - Ảnh 2.
Tiêm kích đa năng Su-34 mang tên lửa diệt hạm Kh-35U.
Ka-52K là ứng viên sáng giá nhất?
Quốc gia X đứng trước khá nhiều sự lựa chọn khi trên Thế giới sẵn có nhiều loại máy bay trực thăng và tên lửa diệt hạm đồng bộ đi kèm đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, phải chăng dòng trực thăng tấn công Ka-52K cùng tên lửa diệt hạm Kh-35UE của Nga là ứng viên sáng giá nhất?
Thứ nhất, đây là cặp đôi hoàn hảo được Nga phát triển từ lâu, trước cả khi họ có dự định mua 2 tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral của Pháp. Trực thăng tấn công Ka-52K đã được phòng thiết kế Kamov hoàn thiện thiết kế, bay thử lần đầu tháng 3/2015.
Mặc dù thương vụ mua tàu đổ bộ trực thăng Mistral của Pháp không thành công, nhưng Nga vẫn mua sắm hàng loạt để trang bị cho Không quân Hải quân và xuất khẩu.
Khách hàng nước ngoài đầu tiên của Ka-52K là Ai Cập khi họ ký hợp đồng mua tới 46 trực thăng loại này và đến tháng 7/2018, ước tính đã có 12 chiếc được Nga bàn giao.
Ka-52K kế thừa toàn bộ những ưu điểm vượt trội của dòng trực thăng tấn công Ka-52 - loại vốn đã thể hiện được uy lực chiến đấu ở chiến trường khốc liệt Syria. Chúng được ứng dụng những tiêu chuẩn mới nhất của cả quốc tế lẫn của Nga về đặc tính kỹ thuật hoạt động của trực thăng quân sự.
Đây là những vũ khí sát thủ Hải quân Quốc gia X cần: Bầy sói săn trên biển rình mồi - Ảnh 3.
Trực thăng tấn công Ka-52K với tên lửa Kh-35UE.
Trong khi đó, Kh-35UE là vũ khí răn đe đầy uy lực nhờ những đặc điểm vượt trội, kế thừa những thế mạnh tuyệt hảo của dòng tên lửa diệt hạm Kh-35 như kích thước nhỏ, gọn, diện tích phản xạ radar cực thấp cộng với khả năng bay siêu thấp, bám đỉnh sóng khiến cho các hệ thống phòng thủ đối phương khó phát hiện và đánh chặn.
Tuy nhỏ bé, nhưng với tầm bắn tới 260km và khả năng xuyên thủng các lớp phòng thủ tên lửa, chúng cũng có thể loại khỏi vòng chiến đấu các các tàu chiến có lượng giãn nước tới 5.000 tấn với chỉ một phát bắn
Còn với tàu sân bay lớp Nimitz hay lớp Ford choán nước tới hơn 100.000 tấn mới nhất của Mỹ nếu như bị chiến thuật "mưa tên lửa" theo kiểu "sói bầy" bắn trúng nhiều đạn vào những vị trí hiểm yếu thì hàng không mẫu hạm có thể không chìm nhưng cũng trở nên vô dụng.
So với các loại tên lửa diệt hạm cận âm tương tự như Harpoon, Exocet, C-802 thì Kh-35U vượt trội hơn nhiều. Nó được đánh giá là hoạt động hiệu quả hơn hẳn so với tên lửa chống hạm Exocet mà Argentina sử dụng để chống lại hạm đội tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh trong cuộc chiến ở quần đảo Falkland.
Đây là những vũ khí sát thủ Hải quân Quốc gia X cần: Bầy sói săn trên biển rình mồi - Ảnh 4.
Trực thăng tấn công Ka-52K thử nghiệm trên tàu sân bay.
Kh-35U đã được các nhà thiết kế Nga tích hợp thành công không chỉ trên các loại máy bay tiêm kích đa năng như Su-30, Su-34, Su-35, mà còn trở thành vũ khí tiêu chuẩn của trực thăng tấn công Ka-52K, để tạo thành bộ đôi sát thủ cho bất cứ quốc gia nào sở hữu chúng.
Ngoài ra, Ka-52K cũng có thể mang được tên lửa Kh-38MLE có đầu tự dẫn laser bán chủ động với tầm bắn khoảng 40 - 50 km, để tiêu diệt hầu như tất cả các mục tiêu mặt đất (tăng thiết giáp, các công trình quân sự), các phương tiện mặt nước hoạt động ven biển.
Loại tên lửa này sẽ là vũ khí tiêu chuẩn của tiêm kích tàng hình Su-57 mà Nga sắp đưa vào trang bị hàng loạt.
Thứ hai, giá mua ban đầu rẻ, chi phí vận hành thấp, hoạt động tin cậy là những ưu điểm lớn của trực thăng tấn công Ka-52K, phù hợp với túi tiền của những quốc gia có tiềm lực kinh tế hạn chế.
Thứ ba, sẽ là rất thuận lợi nếu Quốc gia X đang sử dụng dòng trực thăng săn ngầm Ka-27 cũng do Kamov chế tạo. Điều đó sẽ giúp không chỉ về chi phí, mà còn rút ngắn thời gian đào tạo chuyển loại, huấn luyện làm chủ vũ khí mới đối với đội ngũ phi công, kỹ thuật viên mặt đất,...
Đồng thời, họ có thể tận dụng được các khí tài đảm bảo mặt đất đi kèm Ka-27 để chuyển sang phục vụ Ka-52K mà không phải bỏ thêm tiền mua mới, tiết kiệm được một lượng lớn ngoại tệ trong khi điều kiện kinh tế không quá dư dả.
Tóm lại, với bán kính tác chiến 460km của Ka-52K cộng với tầm bắn tối đa 260km của tên lửa Kh-35UE, bộ đôi sát thủ này có thể khiến các biên đội/nhóm tác chiến hải quân/nhóm tác chiến đổ bộ của đối phương phải dạt ra rất xa khỏi bờ biển nếu không muốn bị đánh chìm.
Chỉ cần vài chiếc trực thăng loại này xuất kích bí mật, bất ngờ cùng lúc có thể bẻ gãy hoặc gây thiệt hại nặng cho nhóm tác chiến đổ bộ của đối phương.
Vì thế, với quốc gia X bất kỳ, bộ đôi "sát thủ" trực thăng tấn công Ka-52K và tên lửa Kh-35UE tỏ ra hết sức đáng giá, có thể tạo ra những bất ngờ lớn, xoay chuyển tình thế trên biển.
http://soha.vn/day-la-nhung-vu-khi-sat-thu-hai-quan-quoc-gia-x-can-bay-soi-san-tren-bien-rinh-moi-20181026153553751.htm

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

Washington vượt lằn ranh đỏ, Trung-Mỹ sắp lao vào cuộc chiến kép?

Dù cuộc chiến thương mại chưa kết thúc nhưng hai nước Trung-Mỹ có khả năng sẽ bước vào cuộc đối đầu thứ 2 nếu Washington kích hoạt 1 "ngòi nổ" quan trọng khác.


Hai tàu chiến Hải quân Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 22/10. Bộ Quốc phòng Mỹ và chính quyền Đài Loan đều xác nhận thông tin này. Vào tháng 7 vừa qua, hải quân Mỹ cũng đã thực hiện một nhiệm vụ tương tự.
Giới quan sát nhận định, vấn đề Đài Loan có thể trở thành "ngòi nổ" tiếp theo trong mối quan hệ Trung-Mỹ vốn đang căng thẳng vì cuộc chiến thương mại.
Giáo sư Tả Hy Nghinh, thuộc Viện Nghiên cứu phát triển quốc gia, Đại học nhân dân Trung Quốc trả lời phỏng vấn Cankao xiaoxi cho rằng, Mỹ hiện đang suy xét về hai phương diện, gồm đánh giá lại chính sách của Nhà Trắng với Đài Loan và cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ.
Ngòi nổ kế tiếp
"Kể từ sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền, khi đánh giá lại chính sách với Đài Loan, [Nhà Trắng] thường đưa ra kết luận chung là: sức mạnh hai bờ eo biển đã mất cân bằng nghiêm trọng, nước Mỹ cần điều chỉnh chiến lược đối với chính sách Đài Loan.
Vì thế, kể từ cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump - khi mới đắc cử - với bà Thái Anh Văn diễn ra đến nay, Mỹ đã tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan, sau đó thông qua Đạo luật lữ hành Đài Loan, thúc đẩy các cuộc trao đổi giữa đội ngũ quan chức cấp cao.
Washington vượt lằn ranh đỏ, Trung-Mỹ sắp lao vào cuộc chiến kép?  - Ảnh 1.
Đài Loan có thể trở thành ngòi nổ tiếp theo, dù cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: Getty
Logic căn bản đằng sau chuỗi sự kiện này chính là Mỹ bắt đầu điều chỉnh quan hệ ba bên Bắc Kinh-Washington-Đài Loan về chiến lược vĩ mô, ủng hộ Đài Loan về quân sự và chính trị, gây áp lực lên Đại lục", ông Tả nói.
Giáo sư Trung Quốc chỉ ra, để thách thức Trung Quốc và tiếp tục lợi dụng "lá bài Đài Loan", Mỹ đã dùng các phương thức khác nhau như cử tàu chiến đi qua eo biển, cho tàu nghiên cứu khoa học hải quân cập cảng Đài Loan...
Theo ông này, những động thái trên phán ánh sự chuyển hướng của chính phủ Mỹ về chính sách đối với Trung Quốc cũng như vùng lãnh thổ Đài Loan.
Tả Hy Nghinh đánh giá, chính sách của Mỹ với Đài Loan hiện gồm 4 nội dung: Thứ nhất, Washington đã ký ba hiệp ước chung với Bắc Kinh, trong có đề cao nguyên tắc Một Trung Quốc. Thứ hai, Đạo luật quan hệ với Đài Loan, coi việc sử dụng vũ lực để quyết định tương lai của Đài Loan là một vấn đề lo ngại sâu sắc của Mỹ, cung cấp vũ khí phòng thủ nhằm đảm bảo an ninh cho Đài Loan.
Thứ ba, 6 đảm bảo với Đài Loan, bao gồm cam kết không đặt thời hạn bán vũ khí cho Đài Loan, không sửa đổi Đạo luật quan hệ Đài Loan. Thứ tư, Đạo luật lữ hành Đài Loan vừa được thông qua vào năm nay, cho phép hai bên tiến hành các cuộc trao đổi cấp cao.
"Bốn nội dung kết hợp lại mới là chính sách hoàn thiện đối với Đài Loan của Mỹ. Cho nên, Mỹ khẳng định không thay đổi chính sách Một Trung Quốc thì chỉ là họ tái khẳng định sự nhất quán của bản thân chính sách này.
Nói cách khác, sự nhất quán của Mỹ về vấn đề Đài Loan chính là, thừa nhận chính sách Một Trung Quốc nhưng không thỏa hiệp [với Bắc Kinh] về cam kết [đảm bảo an ninh] và hợp đồng mua bán vũ khí với Đài Loan", chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh.
Cankao xiaoxi cáo buộc, cục diện eo biển Đài Loan leo thang căng thẳng vì sự can thiệp của Mỹ đã từng có tiền lệ. Trong những năm 90 của thế kỷ 20, mâu thuẫn giữa hai bờ đã từng bùng nổ khi Tổng thống Mỹ bấy giờ là Bill Clinton cử hai tàu sân bay tới Tây Thái Bình Dương.
Trong những năm gần đây, việc Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật lữ hành Đài Loan và Đạo luật ủy quyền Quốc phòng cho năm tài khóa 2019 một lần nữa phản ánh ý đồ của Washington. Khi tài liệu đầu cho phép quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ và vùng lãnh thổ Đài Loan thăm viếng lẫn nhau, tài liệu thứ hai cho phép Mỹ có thể tiến hành hợp tác quân sự với Đài Loan.
Ông Tả Hy Nghinh cho rằng, động cơ sử dụng "lá bài Đài Loan" của chính phủ Tổng thống Trump ngày càng rõ rệt, thông qua các cam kết và thương vụ mua bán vũ khí với đảo này.
Giáo sư Trung Quốc dự đoán, nước Mỹ đã coi vấn đề Đài Loan là "lá bài" nghiêm túc và quan trọng, cục diện tương lai của eo biển Đài Loan sẽ nóng dần lên, độ căng thẳng trong ván cờ chiến lược của hai nước Trung-Mỹ cũng sẽ leo thang, Đài Loan rất có thể sẽ trở thành "ngòi nổ" tiếp theo trong mối quan hệ Trung-Mỹ.
Đối với Mỹ, lá bài Đài Loan có hai chức năng: thứ nhất, là tính chiến thuật, buộc Trung Quốc nhượng bộ trong chiến tranh thương mại; thứ hai, là tính chiến lược, vừa đảm bảo an ninh quân sự và chính trị cho chính quyền Đài Loan, vừa gây áp lực cho Bắc Kinh để tạo nên cục diện mà Mỹ coi là "cân bằng hơn".
Trong khi đó, theo ông này, Trung Quốc công khai lập trường, cảnh báo lằn ranh đỏ và tiếp tục ăn miếng trả miếng với Mỹ.
http://soha.vn/washington-vuot-lan-ranh-do-trung-my-sap-lao-vao-cuoc-chien-kep-2018102415274287.htm

Kinh tế Trung Quốc “thấm đòn” sau 3 tháng chiến tranh thương mại


Cuộc chiến mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài tới nay đã hơn 3 tháng và tác động rất lớn đến kinh tế Trung Quốc. Các nhà đầu tư nước ngoài đua nhau “tháo chạy”. Đầu tư ra nước ngoài bị hạn chế, thị trường chứng khoán lao dốc, tốc độ tăng trưởng giảm lại. Dự báo có thể tới đây kinh tế Trung Quốc sẽ bước vào “mùa đông giá lạnh".
Ngày càng có nhiều công ty nước ngoài đã và đang xem xét để di chuyển các dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc.
Ngày càng có nhiều công ty nước ngoài đã và đang xem xét để di chuyển các dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc.

Các công ty nước ngoài tới tấp rời bỏ Trung Quốc
Sau hơn 3 tháng, chuỗi cung ứng toàn cầu đã có sự thay đổi lớn. Hiện tại, xuất hiện xu thế các nhà đầu tư nước ngoài triệt thoái khỏi Trung Quốc. Các công ty nước ngoài đã và đang xem xét việc di chuyển các dây chuyền sản xuất khỏi vùng đất từng được coi là “công xưởng của thế giới”, để sản phẩm của họ tránh được mức thuế cao khi xuất sang Mỹ do có nguồn gốc sản xuất tại Trung Quốc.
Trong làn sóng các công ty nước ngoài tháo chạy khỏi Trung Quốc đó, các nước Đông Nam Á đã “ngư ông đắc lợi”, nhiều công ty đã chọn nơi này để đặt các dây chuyền sản xuất mới.
Đối với các công ty Mỹ, một cuộc điều tra được tiến hành từ ngày 29.8 đến 5.9 cho thấy, cho tới thời điểm tác động của chiến tranh thương mại và quan hệ căng thẳng về mậu dịch giữa hai nước, có tới 1/3 trong số hơn 430 công ty Mỹ có dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc đã và đang xem xét di chuyển ra nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Trinh Nguyen của Ngân hàng Ngoại thương Pháp Natixis Asia nói: “Cục diện căng thẳng về thương mại không ngừng leo thang chỉ có thể đẩy nhanh hơn xu thế này”. Ông nói: “Do giá thành sản xuất thấp và tự do hóa mậu dịch cùng với việc tránh được mối nguy hiểm về địa chính trị, Đông Nam Á vừa là một thị trường rộng lớn đang tăng trưởng, cũng là một căn cứ địa gia công sản xuất đầy tiềm năng”.
Hãng Bloomberg hôm 22.10 đưa tin, theo báo cáo của Ngân hàng Malaysia Maybank Kim Eng Research Pte., trong 9 tháng đầu năm 2018, lượng vốn của ngành chế tạo nước ngoài đổ vào Việt Nam đã tăng thêm 18%. Công ty Hàn Quốc Hyosung đã đầu tư tới 1,2 tỷ USD để triển khai dự án sản xuất Polypropylen.

Kinh tế Trung Quốc “thấm đòn” sau 3 tháng chiến tranh thương mại - ảnh 1
Đông Nam Á là nơi được nhiều công ty nước ngoài nhắm tới để chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang. 
Ông Jim Weber, Chủ tịch điều hành Công ty Brooks Running của trùm tài chính Warren E. Buffett hôm 22.10 cho biết, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, ông đang xem xét di chuyển một số nghiệp vụ của công ty từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nếu ở lại Trung Quốc, các sản phẩm của công ty sẽ phải đối mặt với việc bị đánh thuế tới 45%. Ông nói, nếu việc di dời xảy ra thì nó sẽ là vĩnh viễn vì “chuỗi cung ứng của chúng tôi không thể lâu lâu lại đột ngột thay đổi”.
Trong khi đó, số liệu của Ngân hàng Thái Lan cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, số vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp (FDI) vào Thái Lan đã tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 7,6 tỷ USD, số lượng ngành chế tạo đổ vào tăng 5 lần. Tại Philippines, đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào ngành chế tạo đã tăng từ 144 triệu USD lên 861 triệu USD từ năm ngoái sang năm nay (trong cùng thời điểm).
“Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ thu hút ngày càng nhiều công ty tới các nước Đông Nam Á mở nhà máy để tránh thuế quan” – hai nhà kinh tế học của ngân hàng Malaysia là Chua Hak Bin và Lee Ju Ye nói trong báo cáo – “Giới chế tạo sản phẩm công nghiệp, hàng tiêu dùng, công nghệ và phần cứng về viễn thông, xe hơi và hóa chất đều đã thể hiện sự hứng thú lớn của họ đối với khu vực Đông Nam Á”.
Theo báo cáo của Maybank Kim Eng Research Pte., các công ty dưới đây đã có kế hoạch chuyển các dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc tới Đông Nam Á hoặc mở rộng, tăng thêm cơ sở thiết bị đã có ở đây:
Công ty sản xuất giày và phụ kiện thời trang Steven Madden Ltd. của Mỹ sẽ chuyển dời dây chuyền sản xuất túi xách từ Trung Quốc tới Campuchia.
Công ty thiết bị mạng Kayamatics hiện có 2 nhà máy ở Trung Quốc, nhưng dự kiến sẽ chuyển dời sang Kuala Lumpur và Penang thuộc Malaysia.

Kinh tế Trung Quốc “thấm đòn” sau 3 tháng chiến tranh thương mại - ảnh 2
Các Adapter, bộ nguồn của Delta Electronics, Inc. tới đây sẽ không còn ghi "Made in China" nữa.
Delta Electronics, Inc., công ty sản xuất điện tử của Đài Loan, nhà cung ứng phụ kiện về nguồn cho hãng Apple, hồi tháng 7 đã chi 2,1 tỷ USD thu mua công ty con Delta Thái để mở rộng dây chuyền sản xuất thay cho dây chuyền tại Trung Quốc.
Công ty Merry Electronics Co. Ltd. chuyên sản xuất sản phẩm tai nghe cho hãng Bose cũng có kế hoạch chuyển một phần dây chuyền sản xuất từ Nam Trung Quốc tới Thái Lan.
Các công ty Đài Loan cũng đang đua nhau “về quê”. Theo Radio of Australia, ngay từ trước tháng 10, quan chức Đài Loan đã tiết lộ, do ảnh hưởng của Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, gần 30 công ty Đài Loan đã từ bỏ các nhà xưởng ở Đại Lục để di chuyển về Đài Loan.
Ông Jason Wu, người sáng lập tổ chức nghiên cứu Golden Rock nói, rất nhiều công ty Đài Loan muốn rời khỏi Trung Quốc không chỉ vì chiến tranh thương mại mà còn cả vì các lý do khác như không khí chính trị và tình hình kinh tế . “Nhiều công ty còn lại đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở đây”. Theo ông, những năm qua, các công ty Đài Loan, nhất là các ngành chế tạo và điện tử đã đóng góp rất lớn đối với Trung Quốc.
Mới đây, Công ty Apple có kế hoạch chi 600 triệu USD tiền mặt để thu mua một bộ phận của hãng chế tạo chip châu Âu Dialog Semiconductor. Hôm 19.10, chủ tịch điều hành Dialog Semiconductor, ông Jalal Bagherli cho biết, công ty ông đang “thận trọng theo dõi xung đột mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Tình hình căng thẳng về mậu dịch Mỹ - Trung vẫn đang leo thang, hai bên tiếp tục gia tăng việc đánh thuế sản phẩm của nhau. Một số nhà quan sát bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của cuộc chiến thuế quan đối với các sản phẩm bán dẫn nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ. Ông Jalad Bagherli nói, nhiều công ty trong lĩnh vực điện tử đều có chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Hiện nay, chiến tranh thương mại vẫn còn chưa ảnh hưởng đến việc vận hành nghiệp vụ kinh doanh của công ty ông. Ông nói: “Hiện nay, xu thế mậu dịch chưa ảnh hưởng lớn đến chúng tôi, nhưng giống như các nghiệp vụ quốc tế khác, chúng tôi cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình gia tăng về thuế quan”.
Tạp chí Nhật Nikkei Asian Review trước đây đưa tin, nhân sĩ trong chuỗi cung ứng cho biết, GoerTek Inc., công ty Trung Quốc ở Sơn Đông lắp ráp tai nghe không dây AirPod của Apple cũng đã dự định di chuyển dây chuyền sản xuất tai nghe không dây. GoerTek đã yêu cầu tất cả các nhà cung ứng tham gia sản xuất AirPod trực tiếp vận chuyển các nguyên vật liệu và phụ kiện cần thiết tới Việt Nam.
Radio of Australia có được bản báo cáo 2 năm một lần phát hành năm 2018 cho thấy, lãi ròng của công ty năm nay đã giảm 38,11% so với mức 140 triệu USD của năm 2017. Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này nói trong báo cáo: “Do nhân tố kinh tế vĩ mô, ví dụ biến động của thị trường bên ngoài và tranh chấp mậu dịch Trung – Mỹ, hoạt động kinh doanh và quản lý của công ty càng trở nên khó khăn”.
Từ ngày 6.7 đến nay, chính phủ của ông Donald Trump đã đánh thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong đó mức thuế đối với 200 tỷ hàng hóa từ ngày 1.1.2019 sẽ tăng từ 10% lên 25%. Còn Trung Quốc thì đánh thuế đối với 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Ông Donald Trump đã nhiều lần cảnh báo, nếu Trung Quốc không có thành ý thay đổi điều mà ông gọi là “hành vi mậu dịch không công bằng với Mỹ” thì ông sẽ tiếp tục đánh thuế đối với toàn bộ số hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.
.

Kinh tế Trung Quốc “thấm đòn” sau 3 tháng chiến tranh thương mại - ảnh 3
Chính phủ Đức đã ngăn chặn Tập đoàn Đài Hải của Trung Quốc ở Sơn Đông, thu mua Công ty thép Leifeld Metal Spinning.
Các nước tới tấp hạn chế đầu tư của Trung Quốc
Theo số liệu mới nhất, nửa đầu năm 2018, đầu tư của Trung Quốc đối với châu Âu nhiều gấp 9 lần sang Mỹ. Nhưng 3 nền kinh tế lớn nhất EU là Đức, Pháp và Anh đều đã áp dụng biện pháp hạn chế đầu tư của Trung Quốc. Hè vừa qua, chính phủ Đức đã ngăn chặn Tập đoàn Đài Hải ở Sơn Đông, Trung Quốc thua mua Công ty thép Leifeld Metal Spinning. Tiếp đó, Đức lại dình chỉ việc cho phép Công ty điện lưới quốc gia Trung Quốc tham gia cổ phần vào Hãng điện 50Hz của Đức.
Chính phủ Anh đã ngăn chặn hoặc hủy bỏ các dự án thu mua công ty Anh của nước ngoài. Họ đã ngăn chặn việc Trung Quốc đầu tư xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point ở bờ biển phía Tây nước Anh.
Nước Pháp vào tháng 7 đã quyết định tạm thời quốc hữu hóa Nhà máy đóng tàu Saint-Nazaire STX để ngăn chặn Trung Quốc thu mua. Theo Bloomberg, có ít nhất 15 trong số 28 quốc gia thành viên EU đang tích cực ủng hộ việc soạn thảo một dự luật hạn chế đầu tư của nước ngoài. Nếu được Nghị viện châu Âu thông qua thì đó sẽ trở thành đạo luật, đối tượng nhắm tới được cho là Trung Quốc.
Ngoài ra Australia và Nhật cũng đã cự tuyệt việc Trung Quốc bỏ vốn đầu tư vào mạng lưới điện và ngành IT. Hồi tháng 8, chính phủ Australia tuyên bố sẽ ngăn chặn Trung Quốc bỏ tiền thuê mạng lưới phân phối điện Ausgrid trong 99 năm. Đây là lần đầu tiên một kế hoạch thu mua của Trung Quốc ở Australia bị chặn đứng. Trước đó, vào tháng 6, Australia còn thông qua Luật chống gián điệp và sự can dự của nước ngoài, cấm mọi khoản quyên tiền vào chính trị của nước ngoài để tránh thế lực bên ngoài can thiệp vào chính trị nội bộ. Giới quan sát bên ngoài cho rằng luật này nhằm vào Trung Quốc.
Ngoài ra, theo mạng Nikkei, chính phủ Nhật đã ban hành quy định hạn chế việc các công ty IT của Trung Quốc tham gia bỏ thầu các dự án của nước này để tránh nguy cơ bị lộ bí mật.

Kinh tế Trung Quốc “thấm đòn” sau 3 tháng chiến tranh thương mại - ảnh 4
Ngày 1.10 vừa qua,ông Donald Trump tuyên bố đạt được Hiệp định mậu dịch tự do Mỹ - Mexico - Canada trong đó có điều khoản "thuốc độc" nhằm vào Trung Quốc 
Đáng chú ý nhất là việc hôm 1.10, ông Donald Trump đã tuyên bố đạt được Hiệp định mậu dịch tự do Mỹ - Mexico – Canada mới (USMCA) trong đó có điều khoản được ví như “viên thuốc độc” nhằm chống Trung Quốc khi quy định nếu thành viên nào có hiệp ước mậu dịch với “quốc gia không có nền kinh tế thị trường” thì các thành viên khác sẽ rút khỏi USMCA.
Bên cạnh đó là việc hàng hoạt dự án thuộc chiến lược “vành đai - con đường” của Trung Quốc liên tiếp gặp trở ngại ở châu Á, châu Phi và Trung Đông. Hồi cuối tháng 8, Tổng thống Mahathir Mohamad của Malaysia đã hủy bỏ các dự án xây dựng tuyến đường sắt và đường ống dẫn khí đốt trị giá hơn 20 tỷ USD. Pakistan sau khi hủy bỏ dự án xây dựng đập nước 14 tỷ USD năm ngoái, mới đây lại cắt giảm kế hoạch đường sắt 2 tỷ USD. Hồi tháng 9, Nepal cũng đã hủy bỏ một dự án xây dựng đập nước. Còn Sierra Leone vừa tuần trước đã tuyên bố từ bỏ một dự án xây dựng sân bay với vốn Trung Quốc.
Kinh tế Trung Quốc sẽ bước vào thời kỳ “băng giá”?
Ông Leland Miller, một chuyên gia phân tích số liệu, phụ trách CBB International – một tổ chức độc lập nghiên cứu về Trung Quốc của Mỹ cho rằng, với đà tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng gia tăng, kinh tế Trung Quốc có thể sẽ bước vào “mùa đông khắc nghiệt”. Phát biểu với phóng viên Đài CNBC hôm 22.10, ông nói, đòn đánh thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa mới đây đã khiến Trung Quốc lâm vào tình cảnh khó khăn. Cho đến nay, biện pháp Trung Quốc trả đũa chính sách thuế quan của ông Trump là áp thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Leland Miller cho rằng, cục diện giằng co về chiến tranh thương mại đã mang tới cho kinh tế Trung Quốc vấn đề rất tồi tệ trong quý 4, sang năm vẫn tiếp tục ảnh hưởng. Cho dù chiến tranh thương mại được giải quyết vào ngày 1.1.2019 thì kinh tế Trung Quốc cũng bị trọng thương.
Vào tuần trước, báo cáo của Trung Quốc cho biết tăng trưởng kinh tế quý 3 đã giảm xuống 6,5%, thấp hơn mức 6,7% của quý 2 và không đạt được mức dự kiến. Trái lại, kinh tế Mỹ quý 2 đã tăng 4,2%. Trong tuần này Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố số liệu của quý 3, dự kiến GDP quý 3 sẽ tăng trưởng 3,3%.
Leland Miller cho rằng, kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại không chỉ do chiến tranh thương mại với Mỹ mà còn bởi một số nhân tố trong nước. Ông nói, các số liệu của Trung Quốc cho thấy, trước khi ông Trump phát động việc đánh thuế, ngành chế tạo Trung Quốc đã lâm vào tình trạng tồi tệ. Sau 2 năm tăng trưởng nhanh, kinh tế Trung Quốc bắt đầu suy thoái.
Leland Miller nói, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến Hội nghị cấp cao G20 tổ chức tại Argentina vào tháng tới trở nên “vô cùng then chốt”. Nếu hội nghị kết thúc với sự đột phá thì kinh tế Trung Quốc mới có thể tránh khỏi suy thoái. Các quan chức cả hai bên đang nỗ lực thu xếp để 2 ông Donald Trump và Tập Cận Bình có cuộc hội đàm riêng bên lề hội nghị G20.
https://viettimes.vn/kinh-te-trung-quoc-tham-don-sau-3-thang-chien-tranh-thuong-mai-306489.html

Vũ khí cực hiểm của Nga: Chỉ một đòn đánh, cả QĐ Mỹ tê liệt, đất nước chìm trong đêm tối!

Theo một báo cáo giải mật mới được tiết lộ thì Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên đang nỗ lực phát triển vũ khí xung điện từ để chuẩn bị cho các cuộc tấn công hủy diệt nước Mỹ.


Vũ khí cực hiểm của Nga: Chỉ một đòn đánh, cả QĐ Mỹ tê liệt, đất nước chìm trong đêm tối!

Tờ The Washington Free Beacon ngày 23/10 dẫn thông tin từ một báo cáo mới được giải mật gần đây cho biết, ít nhất 4 đối thủ của Mỹ đang phát triển các khả năng thực hiện đòn tấn công bằng vũ khí xung điện từ (EMP) cực kỳ nguy hiểm nhằm vào nước này.
Cụ thể, từ hơn một thập kỷ qua, Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên đã và đang phát triển các khả năng về vũ khí xung điện từ để chuẩn bị cho các cuộc tấn công nước Mỹ trong tương lai.
Theo báo cáo giải mật mà The Washington Free Beacon có được thì 4 nước này đang chuẩn bị sẵn các khả năng thực hiện những đòn tấn công bằng xung điện từ hạt nhân từ trên vũ trụ có thể làm tê liệt quân đội Mỹ và đánh sập toàn bộ mạng lưới điện khiến nước Mỹ chìm trong bóng tối.
"Tấn công bằng vũ khí EMP hạt nhân là một phần trong các học thuyết, kế hoạch và các cuộc diễn tập quân sự mà Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran đang chuẩn bị cho một cuộc các mạng mới trong phát động chiến tranh chống lại các lực lượng quân sự và cơ sở hạ tầng trọng yếu của đối phương bằng tấn công mạng, phá hoại và EMP," báo cáo trên nhấn mạnh.
Đây là tài liệu giải mật vừa mới được công bố bởi Ủy ban Đánh giá về Mối đe dọa Đối với nước Mỹ từ Tấn công bằng Xung Điện từ (EMP) của Quốc hội Mỹ. Báo cáo sử dụng các thông tin thu thập được đến tháng 6/2017 và được chắp bút bởi William R. Graham, Chủ tịch Ủy ban chuyên trách trên, đồng thời cũng là một chuyên gia danh tiếng về lĩnh vực EMP.
Vũ khí cực hiểm của Nga: Chỉ một đòn đánh, cả QĐ Mỹ tê liệt, đất nước chìm trong đêm tối! - Ảnh 1.
EMP là quá trình giải phóng năng lượng điện từ từ một cơn bão Mặt Trời hoặc từ một vụ nổ hạt nhân có khả năng làm tê liệt hoặc phá hủy các hệ thống truyền tải điện trên diện rộng.
"Một vụ tấn công như vậy sẽ cho phép các quốc gia dù chỉ sở hữu một số lượng nhỏ vũ khí hạt nhân cũng có khả năng gây ra thiệt hại lới trên diện rộng và tác động lâu dài tới các cơ sở hạ tầng quốc gia trọng yếu của Mỹ cũng như sự tồn vong của đa số dân cư", bản báo cáo viết.
Do những thiệt hại do EMP gây ra chỉ giới hạn ở các hệ thống điện nên lãnh đạo các quốc gia thù địch không coi đó là một hành động của cuộc chiến tranh hạt nhân dẫn tới việc bị Mỹ đáp trả bằng vũ khí tương ứng.
Tuy nhiên, bản báo cáo giải mật cũng thúc giục Lầu Năm Góc đầu tư phát triển vũ khí EMP cho chính cơ quan này từ những tên lửa tấn công chính xác và đầu đạn hạt nhân có sức công phá tương đối thấp.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng yêu cầu Tổng thống Mỹ cần xem xét đưa lựa chọn tấn công hạt nhân ở quy mô hạn chế vào các kế hoạch phản công hạt nhân để ngăn chặn các quốc gia nước ngoài phát triển EMP.
Năm 2013, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc từng cho biết, Triều Tiên đã mua công nghệ EMP từ Nga để phát triển vũ khí xung điện từ cho chính nước này.
Theo báo cáo giải mật mà The Washington Free Beaconđược tiếp cận, cả Nga và Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến triển trong các kế hoạch chế tạo vũ khí EMP, giúp những nước này có thể đồng thời sử dụng cả EMP cùng với các vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân khác.
Báo cáo trên cũng tiết lộ, Trung Quốc, Nga và Iran có khả năng sử dụng các vụ nổ hạt nhân từ trên cao như một "cuộc chiến thế hệ 6" khiến quân đội Mỹ tê liệt khả năng phát động chiến tranh bằng các hệ thống điện tử tiên tiến dùng cho nhiệm vụ tình báo, dẫn đường và chỉ thị mục tiêu cho vũ khí tấn công chính xác.
http://soha.vn/vu-khi-cuc-hiem-cua-nga-chi-mot-don-danh-ca-qd-my-te-liet-dat-nuoc-chim-trong-dem-toi-20181024163059386.htm

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

Bài nói của Phó TT Mỹ Mike Pence tại Viện Hudson ngày 4/10/2018

Ngay từ đầu, TT Trump đã ưu tiên mối quan hệ với Trung Quốc và Tập Chủ tịch. Tháng tư năm ngoái, TT Trump đã đón Tập Chủ tịch tới Mar-a-Lago. Tháng 11 năm ngoái, TT Trump sang Bắc Kinh và được lãnh tụ Trung Quốc đón tiếp thịnh tình. Trong hai năm qua, TT chúng ta đã xây dựng mối quan hệ thân tình với Chủ tịch nước CHNDTH và hai bên đã làm việc chặt chẽ trong các vấn đề cùng quan tâm, quan trọng nhất là việc phi hạt nhân hoá bán đảo Triều tiên.

Image may contain: 1 person, suit

Nhưng người Mỹ chúng ta cần phải biết rằng ngay lúc này, Bắc Kinh đang thực hiện chiến dịch tổng lực mạnh mẽ của nhà nước sử dụng toàn bộ các phương tiện chính trị, kinh tế và quân sự và cả tuyên truyền rộng rãi nhằm tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc và triệt để khai thác lợi ích của Trung Quốc ở Mỹ.
Trung Quốc cũng đang sử dụng sức mạnh theo nhiều cách chưa từng có nhằm gây ảnh hưởng và can thiệp vào chính sách đối nội và chính trị nước Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của TT Trump, Mỹ đã có những hành động quyết đoán để ứng phó với Trung Quốc. Trong Chiến lược An ninh Quốc gia được TT Trump công bố hồi đầu tháng 12, TT nêu lên thời đại hiện nay là thời đại “cạnh tranh giữa các cường quốc”. Các quốc gia đã bắt đầu “khẳng định lại ảnh hưởng ở khu vực và toàn cầu” và họ đang “thử sức với Mỹ, khai thác thế mạnh địa chính trị và muốn thay đổi trật tự thế giới có lợi cho họ.”
TT Trump nói rõ rằng Mỹ đã thực thi chính sách mới đối với Trung Quốc. Chúng ta muốn có mối quan hệ trên cơ sở công bằng, có đi có lại, và tôn trọng chủ quyền và chúng ta sẽ hành độnh tức thời và mạnh mẽ.
Khi thăm Trung Quốc năm ngoái, TT nói rõ “chúng ta đang có cơ hội tăng cường mối quan hệ giữa hai nước và nâng cao đời sống cho công dân nước mình.” Viễn cảnh về tương lai của chúng ta được xây dựng trên những điều tốt đẹp nhất của lịch sử hai nước, khi Mỹ và Trung Quốc hướng tới nhau chân thành và hữu nghị.
Khi quốc gia chúng ta còn non trẻ còn đang tìm kiếm thị trường mới để xuất khẩu, người Trung hoa đã chào mời bán cho thương nhân Mỹ món nhân sâm và da thú. Mỹ đã không dính líu khi Trung Quốc mang nỗi nhục “một thế kỷ bị bóc lột” và Mỹ áp dụng chính sách “mở cửa” để chúng ta buôn bán tự do hơn với Trung Quốc trong sự tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc.
Khi các nhà truyền giáo người Mỹ đặt chân tới Trung Quốc, đã có những ấn tượng tốt đẹp về nền văn hoá sâu sắc của một dân tộc lâu đời và cư dân năng động. Các vị đã không chỉ làm việc truyền giáo mà đã lập ra một số trường đại học đầu tiên, ngày nay đã trở thành các trường đại học danh tiếng nhất của Trung Quốc.
Khi xảy ra Thế Chiến thứ hai, chúng ta là đồng minh sát cánh với nhau trong cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa đế quốc. Khi kết thúc chiến tranh, Mỹ cố gắng mọi mặt để đảm bảo Trung Quốc trở thành quốc gia thiết lập Liên Hiệp Quốc, nơi định hình thế giới thời hậu chiến. Nhưng không bao lâu sau khi chiếm quyền năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu chính sách bành trướng độc tài. Thật là khó tin, mới đó là đồng minh với nhau mà chỉ năm năm sau chúng ta lại cầm súng ở hai chiến tuyến ở bán đảo Triều tiên. Cha tôi đã tận mắt chứng kiến cuộc chiến nơi biên giới của tự do.
Nhưng cuộc chiến Triều Tiên tàn khốc dường ấy cũng không ngăn trở mong muốn của cả hai bên muốn khôi phục mối quan hệ hai nước đã có từ lâu. Sự cách biệt của Trung Quốc với Mỹ đã chấm dứt vào năm 1972 và không lâu sau chúng ta lập lại quan hệ ngoại giao và các trường đại học Mỹ bắt đầu đào tạo một thế hệ mới người Trung Quốc là các kỹ sư, doanh nhân, học giả và viên chức chính phủ.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, chúng ta đã tưởng rằng một nước Trung Quốc tự do sẽ là điều tất yếu. Đầy lạc quan với viễn cảnh tương lai vào thời điểm bước sang thế kỷ 21, Mỹ đã đồng ý cho Bắc Kinh được tiếp cận với nền kinh tế của chúng ta, chính chúng ta đã mở đường cho Trung Quốc tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới.
Nước Mỹ thời đó thực thi chính sách với Trung Quốc trong niềm hi vọng rằng Trung Quốc sẽ cho tự do ở mọi lĩnh vực đời sống – không chỉ về mặt kinh tế mà cả về mặt chính trị trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc về tự do kinh điển, tôn trọng sở hữu cá nhân, tự do của con người, tự do tín ngưỡng - là tập hợp các quyền của con người. Nhưng niềm hi vọng ấy của chúng ta đã tan thành mây khói.
Ước mơ về tự do vẫn còn quá xa vời cho người Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc vẫn khua môi múa mép về cái gọi là chính sách “cải cách và mở cửa” nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình thì nay tất cả những điều đó chỉ là nói suông.
Sau 17 năm phát triển, thu nhập quốc dân của Trung Quốc đã tăng gấp chín lần, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Phần quan trọng nhất đem lại thành công này cho Trung Quốc là nhờ vào đầu tư của Mỹ. Đồng thời Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã áp dụng mọi mánh lới xa lạ với thương mai tự do và bình đẳng, như là chính sách áp thuế, áp dụng hạn mức sản xuất, can thiệp đồng tiền, cưỡng bức chuyển giao công nghệ, ăn cắp bản quyền và sở hữu trí tuệ và đãi ngộ các nhà đầu tư công nghiệp nước ngoài bởi các chính sách y như đem kẹo ngọt ra ban phát. Nhờ vậy mà Trung Quốc đã xây dựng thành công cơ sở hạ tầng về chế tạo. Cái được của Trung Quốc là nhờ vào cái mất của các các đối thủ cạnh tranh – nhất là cạnh tranh từ Mỹ.
Hành động của Trung Quốc đã góp phần tạo ra cán cân thương mại thâm hụt về phía Mỹ - năm ngoái con số này lên tới 375 tỷ đô la – gần bằng nửa thâm hụt thương mại toàn cầu. Đúng như TT Trump vừa nói tuần trước rằng trong 25 năm qua “Chúng ta đã xây dựng lại Trung Quốc.”
Bây giờ với chương trình “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”, Đảng Cộng sản Trung Quốc tham vọng sẽ kiểm soát 90 phần trăm các ngành công nghiệp hiện đại nhất, bao gồm các ngành sản xuất người máy, công nghệ sinh học, thông minh nhân tạo. Nhằm thắng thế để lên tới đỉnh cao ở nền kinh tế thế kỷ 21, Bắc Kinh đã ra chỉ thị cho tất cả công chức chính phủ và doanh nhân doanh nghiệp Trung Quốc phải chiếm được các sở hữu trí tuệ của Mỹ bằng mọi giá, bằng mọi cách có thể làm được - mà đây chính là nền tảng của sự lãnh đạo thế giới của Mỹ về mặt kinh tế.
Bắc Kinh đòi hỏi rất nhiều doanh nghiệp Mỹ phải giao bí quyết công nghệ để đổi lấy giấy phép được làm ăn ở Trung Quốc. Trung Quốc cũng phối hợp và bảo trợ việc mua lại các công ty Mỹ nhằm chiếm các sở hữu trí tuệ của các công ty đó. Xấu xa nhất chính là việc các cơ quan an ninh Trung Quốc là đầu sỏ chỉ đạo việc thực hiện việc ăn cắp công nghệ của Mỹ trên tất cả mọi lĩnh vực – kể cả bản đồ thiết kế quân sự tối tân nhất. Bằng cách khai thác công nghệ ăn cắp được như thế, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang biến lưỡi cày thành thanh gươm ở quy mô khủng nhất.
Bắc Kinh đang sử dụng sức mạnh một cách chưa từng có. Trong khi lãnh tụ Trung Quốc đứng tại Nhà Trắng năm 2015 phát biểu rằng quốc gia của ông ta “không có ý định quân sự hoá biển Đông (South China Sea), thì tới nay Bắc Kinh đã triển khai tên lửa tối tân đối biển và đối không trên các cơ sở quân sự xây dựng trên quần đảo, trên các bãi đá và các đảo nhân tạo.
Sự hiếu chiến của Trung Quốc vừa diễn ra ngay trong tuần này, tầu quân sự Trung Quốc cứ thế lao vào chiến hạm US Decatus, chỉ còn cách ta có 45 yards khi chiến hạm chúng ta đang thực thi hải trình trên vùng tự do đi lại trên biển ở biển Đông, buộc chiến hạm của ta phải đổi hướng để tránh đâm nhau. Dù Trung Quốc giở trò quấy nhiễu, Hải quân Mỹ sẽ vẫn tiếp tục bay trên vùng trời, chạy tầu trên vùng biển nơi luật pháp quốc tế cho phép, đáp ứng đòi hỏi chính đáng về lợi ích quốc gia của chúng ta. Không kẻ nào có thể làm chúng ta sợ hãi. Không kẻ nào có thể làm chúng ta lùi bước.
Mỹ đã từng mong rằng sự tự do hoá nền kinh tế sẽ dẫn Trung Quốc tới quan hệ đối tác bền vững hơn với chúng ta và với thế giới. Thế nhưng, Trung Quốc đã làm điều ngược lại, đã chọn cách hiếu chiến cả trong kinh tế để nhờ đó mở rộng quân sự.
Chúng ta cũng từng mong rằng Trung Quốc sẽ hướng tới tự do hơn cho người dân. Cũng đã có lúc Bắc Kinh cũng có vẻ nới ra để người dân được tự do hơn và có những cử chỉ như là tôn trọng nhân quyền. Nhưng mấy năm nay, Trung Quốc đã chọn lối đi ngược hẳn lại, siết chặt sự kiểm soát và đàn áp công dân mình còn ghê gớm hơn. Ngày nay Trung Quốc đã xây dựng một nhà nước có mạng lưới theo dõi con người ở mức chưa từng thấy, càng ngày càng bao rộng hơn và càng ngày càng theo dõi đời sống người ta sâu hơn – Trung Quốc làm được điều đó lại chính là nhờ có trong tay công nghệ của Mỹ.
Nhà cầm quyền Trung Quốc đang nhắm tới năm 2020 sẽ thực hiện việc kiểm soát mọi mặt đời sống con người – như kiểu mà tác giả Orwell đã từng nêu - bằng cái gọi là “Chấm điểm Xã hội Công dân” nhằm “cho phép ai đạt điểm mới được đi đó đây dưới bầu trời này, còn ai không đủ điểm thì không được đi đâu dù chỉ là một bước”. Hiện nay cũng đang diễn ra làn sóng đàn áp tôn giáo, bắt bớ người theo đạo công giáo, đạo Phật và đạo Hồi. Ở khắp nơi đang xảy ra việc đập thánh giá, đốt Kinh thánh và bỏ tù người có đạo. Bắc Kinh cũng đã lấy được thoả thuận với Vatican, để Vatican cho phép kẻ vô thần Đảng Cộng sản được quyền bổ nhiệm Hồng y. Tăm tối thay cái thời như thế này đối với người công giáo Trung hoa.
Bắc Kinh cũng đàn áp người Phật giáo. Trong mười năm qua, hơn 150 vị sư Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối sự đàn áp của Trung Quốc về tín ngưỡng và văn hoá. Ở Tân Cương, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giam cả triệu người Uốcđu theo đạo Hồi vào các trại tập trung nơi họ hàng ngày hàng giờ bị chính quyền cải tạo.
Lịch sử đã có bài học, quốc gia nào tàn ác với người dân mình thì sự dã man không dừng nơi nội địa. Bắc Kinh còn nhắm tới việc kiểm soát thế giới rộng hơn nữa. Như Tiến sĩ Michael Pillsbury ở chính Viện Hudson từng nêu “Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại mọi hành động và mục tiêu của chính phủ Mỹ.”
Trung Quốc còn áp dụng cái gọi là chính sách “ngoại giao xiết nợ” để mở rộng ảnh hưởng. Trung Quốc đem tiền cho thiên hạ vay tới cả hàng trăm tỷ đô la để xây dựng công trình hạ tầng. Trung Quốc đưa lời mời cho vay tới tất tật các chính phủ các quốc gia từ châu Á tới châu Phi, không ngại gì cả với châu Âu và còn với tới tận châu Mỹ Latinh. Điều kiện các khoản vay tưởng là ngon lành, nhưng lợi thế bao giờ cũng nằm trong tay Bắc Kinh là kẻ nắm đằng chuôi.
Hãy nhìn hoàn cảnh của Sri Lanka đã rơi vào cái bẫy nợ khủng với Trung Quốc để rồi cho phép các công ty Tàu vào xây dựng một công trình cảng biển với giá trị thương mại đáng ngờ. Cách đây hai năm, Sri Lanka mất khả năng trả nợ, thế là Bắc Kinh gây sức ép buộc Sri Lanka phải giao sở hữu cảng vừa xây xong cho Trung Quốc. Chắc không bao lâu nữa nơi này sẽ trở thành căn cứ quân sự với vị trí mở ra cho Hải quân Trung Quốc khả năng triển khai tấn công trên biển.
Ở ngay gần chúng ta đây ngay tại Venezuela, Bắc Kinh đã mua chuộc để thao túng cả hệ thống cầm quyền làm cho chế độ Maduro trở nên tham nhũng và bất lực nhưng giữ chặt quyền lực bằng cách đàn áp người dân. Bắc Kinh đã hứa cho Venezuala vay tới 5 tỷ đô la thông qua các khoản vay mờ ám, điều kiện nghe đơn giản chỉ là cứ cầm tiền đi rồi trả nợ bằng dầu mỏ. Từ từ rồi Trung Quốc trở thành chủ nợ lớn nhất của nước này, để cho người dân bị tròng vào cổ sợi dây buộc nợ lên tới 50 tỷ đô la. Kết quả là quốc gia bị phá sản và nền cộng hoà cũng mất tích. Bắc Kinh cũng tác động tới chính trị nước này bằng cách trực tiếp tài trợ cho các đảng phái nào cam kết tuân theo các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc.
Trung Quốc thao túng nhằm tăng cường lợi ích chiến lược toàn cầu càng ngày càng ghê gớm và tinh vi. Vậy mà chính quyền trước đã không làm gì mà còn làm ngơ. Đó là chưa nói trong nhiều trường hợp còn tiếp tay. Nhưng ngày ấy đã qua rồi.
(KC dịch bài này vì các bạn yêu cầu. Bài dài lắm, tới đây mới khoảng một nửa thôi ạ!)

https://www.facebook.com/bui.k.chi.1/posts/10217674895732072