Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

Donald Trump bài binh bố trận quyết buộc Trung Quốc “đầu hàng”


“Đã đến lúc chúng ta phải ra tay với Trung Quốc. Họ trước nay vẫn làm hại chúng ta trong thời gian rất dài rồi”. Hôm 20/9, ông Donald Trump đã tuyên bố như trên khi trả lời báo chí. Tiếp sau tuyên bố quyết định tăng thuế giai đoạn 2 đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu áp dụng từ ngày 24/9 và đe dọa sẽ thực thi giai đoạn 3 đối với 267 tỷ còn lại...
Ông Donald Trump đang bài binh bố trận, phản công Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực
Ông Donald Trump đang bài binh bố trận, phản công Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực

Ngày 21/9, Nhà Trắng lại ra tuyên bố trừng phạt Bộ Phát triển thiết bị Quân ủy Trung Quốc (EDD) và người đứng đầu cơ quan này về việc mua máy bay SU-35 và tên lửa phòng không S-400 của Nga. Cùng ngày, ông Trump khi phát biểu trước cử tri bang Missouri còn lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc rằng Mỹ “còn rất nhiều đạn” nếu Trung Quốc lại có biện pháp đáp trả…Tất cả những động thái này cho thấy Mỹ đang áp dụng nhiều biện pháp, sử dụng nhiều chiến thuật để “truy kích” Trung Quốc đến cùng…
Từ đầu năm 2018, chính phủ của ông Donald Trump tập trung vào việc thay đổi điều mà họ gọi là “tình trạng mậu dịch không công bằng tồn tại nhiều năm qua giữa hai nước Mỹ - Trung”. Giữa hai bên đã và đang diễn ra cuộc đọ sức kịch liệt, không khoan nhượng.
Hồi cuối tháng 1/2018, trong văn bản báo cáo về tình hình đất nước đầu tiên sau khi lên cầm quyền, Donald Trump nói: “Trên toàn thế giới, chúng ta phải đối phó với các tổ chức khủng bố và các đối thủ như Trung Quốc và Nga đang thách thức lợi ích, nền kinh tế và quan niệm giá trị của chúng ta”. Donald Trump đã xác định rõ Trung Quốc là đối thủ thách thức của Mỹ.
Trong cuộc Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, Trump luôn giữ quyền chủ động, liên tiếp tung ra những đòn mạnh khiến Trung Quốc bị động đối phó. Thực tế cho thấy, chính quyền Donald Trump đã và đang thực hiện chiến thuật bài binh bố trận bao vây và tấn công toàn diện trên nhiều lĩnh vực nhằm dồn Bắc Kinh đến chỗ phải chấp nhận mọi yêu cầu của Mỹ.
Trên cơ sở những gì đã và đang diễn ra, các nhà phân tích đã tổng hợp chiến thuật bày binh bố trận của Mỹ trên các lĩnh vực, bao gồm:
Thứ nhất: “Mậu dịch chiến” (chiến tranh thương mại)
Sau khi chính thức khai hỏa cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung hôm 6/7, ông Trump không ngừng gia tăng thế tấn công. Ngoài việc chia 2 đợt thực hiện gia tăng 25% thuế đánh vào 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ, ngày 24/9 ông tiếp tục áp thuế giai đoạn 2, tăng thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nữa. Từ ngày 1/1/2019, mức thuế đối với 200 tỷ USD này sẽ được tăng lên thành 25%.

Donald Trump bài binh bố trận quyết buộc Trung Quốc “đầu hàng” (Kỳ 1) - ảnh 1
Cuộc chiến mậu dịch bùng phát từ ngày 6/7 đang có nguy cơ mở rộng quy mô và kéo dài 
Chính phủ của Donald Trump còn nói rõ: nếu Trung Quốc tiến hành trả thù đối với nông dân và các ngành chế tạo Mỹ thì Mỹ sẽ tiếp tục thực thi gia tăng mức thuế cao đối với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa. Điều này có nghĩa là tất cả mọi sản phẩm của Trung Quốc nhập vào Mỹ từ thứ lớn như xe hơi đến nhỏ như gói tăm đều sẽ bị đánh thuế cao. Theo Tập đoàn Goldman Sachs phân tích, năm ngoái Trung Quốc xuất khẩu hơn 500 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ, kiếm được 130 tỷ USD, muốn đạt được mục đích tìm kiếm nền mậu dịch công bằng, trong thời gian ngắn ông Trump phải đánh thuế đối với tất cả hàng hóa nhập của Trung Quốc. Hãng này phân tích, dự đoán khả năng để ông Trump tăng thuế đối với 267 tỷ USD còn lại là tới 60%.
Gần đây, ông Trump còn tung ra video clip, đích thân giải thích với dân chúng Mỹ về tình trạng mậu dịch “không công bằng” của Trung Quốc đối với Mỹ; ví như xe hơi Mỹ nhập vào Trung Quốc bị Trung Quốc đánh thuế 25%, còn xe hơi Trung Quốc nhập vào Mỹ chỉ chịu thuế 2,5%...
Mặc dù ngay từ khi bắt đầu nổ ra chiến tranh thương mại, Bắc Kinh đã cao giọng “sẵn sàng theo đuổi đến cùng”, “sẽ ăn miếng trả miếng”…nhưng ngay sau khi nó bùng phát, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã sụt giảm, đồng nhân dân tệ mất giá, vật giá gia tăng, tiền vốn chạy ra ngoài. Nhiều công ty của nước ngoài, Đài Loan và thậm chí cả tư nhân Trung Quốc cũng nối nhau triệt thoái khỏi Trung Quốc hoặc chuyển bớt năng lực sản xuất sang các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, châu Âu và Mỹ. Chính phủ Trung Quốc cũng lo ngại xảy ra nạn “thất nghiệp mang tính quy mô”, nguy cơ nợ nần cũng sẽ dần xuất hiện tại các địa phương.
“Mỹ nhất định sẽ thắng trong cuộc cạnh tranh mới này vì Mỹ có thực lực kinh tế mạnh mẽ, tính đa dạng kinh tế phong phú, năng lực sáng tạo linh hoạt, sự ỷ lại vào thị trường nước ngoài lại khá thấp” – ông Mohamed A. El-Erian, cựu chủ tịch Công ty quản lý đầu tư Thái Bình Dương (PIMCO), hiện đang là cố vấn Tập đoàn bảo hiểm Allianz SE – phân tích.
Chiến thuật mậu dịch liên tục truy kích của ông Trump là đòn nặng nhất trong số “liên hoàn quyền” mà ông áp dụng, đã làm bộc lộ những tệ đoan trong xã hội Trung Quốc hiện nay.
Thứ hai: Chiến tranh kinh tế
Chiến tranh kinh tế là chiến thuật bổ trợ cho chiến tranh thương mại; nhưng là lưỡi kiếm sắc…
Chiến tranh kinh tế có thể chia thành hai mặt: một, Mỹ mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những thủ đoạn phát triển kinh tế bị coi là không đạo đức như “lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ”, “cưỡng ép chuyển giao công nghệ”, bảo vệ công nghệ then chốt và khả năng cạnh tranh cốt lõi của các công ty Mỹ.
Bằng cách này, Mỹ sẽ khiến Trung Quốc mất đi nguồn công nghệ cao của chiến lược “Made in China 2025” mà Trung Quốc kỳ vọng là “Cỗ xe siêu tốc”; sự nâng cấp nghề nghiệp sẽ bị đình trệ toàn diện. Cộng thêm với việc bùng nổ chiến tranh thương mại, đẩy nhanh sự triệt thoái của các ngành nghề chế tạo, tiêu dùng sụt giảm, kinh tế Trung Quốc trong tương lai có thể sẽ thiếu mất cột trụ chính.
Một mặt khác của chiến tranh kinh tế là Mỹ đã tiến hành giảm thuế trong nước, giảm bớt sự quản chế, bồi dưỡng sức lao động chất lượng cao, tạo ra môi trường thân thiện có lợi cho sự đầu tư, phát triển xí nghiệp; đẩy nhanh hiệu quả chấn hưng kinh tế của ông Trump, thêm cơ hội việc làm, tăng tiền lương, niềm tin tiêu dùng của người dân Mỹ đạt mức cao nhất trong 17 năm qua. Với môi trường kinh tế như thế sẽ tạo thành động lực mạnh mẽ cho các công ty, thu hút các công ty nước ngoài và cả của Trung Quốc tới đầu tư, thúc đẩy thêm sự phát triển của kinh tế Mỹ và thị trường việc làm.
Thứ ba: Cuộc chiến quân sự
Mặc dù hai bên Mỹ - Trung chưa khai chiến về quân sự, nhưng trước mối uy hiếp tiềm tàng về quân sự của Trung Quốc, ông Trum đã tích cực chuẩn bị ứng phó, uy hiếp phản công.
Ông Trump tuân theo nguyên tắc chính sách quân sự của cựu Tổng thống Ronal Reagan “Peace through strength” (dùng sức mạnh đổi lấy hòa bình), theo đuổi chính sách cường quân, mở rộng tuyển mộ thêm quân, nâng cấp trang thiết bị quân sự, nâng cao đãi ngộ cho binh sĩ, tăng cường chăm sóc lính xuất ngũ, đưa lực lượng quân thường trực quay trở lại mức 1,28 triệu quân và 800 ngàn quân thuộc lực lượng dự bị. Ông Trump thề sẽ xây dựng nên một quân đội tinh nhuệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Donald Trump bài binh bố trận quyết buộc Trung Quốc “đầu hàng” (Kỳ 1) - ảnh 2
Mỹ loại Trung Quốc ra khỏi cuộc diễn tập Vành đai Thái Bình Dương 2018 mặc dù trước đó đã có lời mời tham dự 
Ông Trump cũng cho quân đội Mỹ thông qua hành động chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và núp danh cái gọi là “hành động không kích trừng phạt chính quyền Assad dùng hơi độc tấn công dân thường” để tỏ cho thế giới biết khả năng tác chiến ưu việt của quân đội Mỹ, đe dọa những chính phủ mà họ gọi là “chính quyền lưu manh và các phần tử khủng bố đe dọa quyền lợi của Mỹ”.
Hồi tháng 8/2018, ông Trump đã ký “Luật ủy quyền quốc phòng 2019”. Ngoài việc tăng cường ủng hộ Đài Loan, đi sâu quan tâm đến việc Trung Quốc phát triển lực lượng quân sự ở Biển Đông, Mỹ còn cấm Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập quân sự chung “Vành đai Thái Bình Dương” có 26 quốc gia tham dự.
Ngoài ra, ông Donald Trump còn nhằm tới việc phát triển quân sự trong tương lai, tuyên bố sẽ thành lập quân chủng “tác chiến không gian” trước năm 2020 để đối phó với mối đe dọa quân sự của Trung Quốc và Nga trong không gian.
Mới đây, hôm 21/9, Mỹ còn tuyên bố trừng phạt Bộ Phát triển thiết bị Quân ủy (EDD) Trung Quốc và người đứng đầu cơ quan này là Trung tướng quân đội Lý Thượng Phúc vì quân đội Trung Quốc liên quan đến việc mua trang bị quân sự của Nga, vi phạm Luật “Luật trừng phạt chống đối thủ nước Mỹ” nhằm vào Nga. Hành động này cũng có thể được xem là động thái trong chiến tranh quân sự nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Thứ tư: Chiến tranh ngoại giao 
Chiến tranh Ngoại giao là chiến thuật quan trọng của chính quyền Donald Trump liên kết với cộng đồng quốc tế, bao vây phong tỏa Trung Quốc. Đại thể có thể chia thành hai loại “ngoại giao  kinh tế” và “ngoại giao  quân sự”.
Về ngoại giao kinh tế, ông Trump đã cùng EU, Mexico đạt được hiệp định mậu dịch tự do. EU cũng lên tiếng là nạn nhân của chính sách mậu dịch “không công bằng, thiếu đạo đức kinh tế” của Trung Quốc nên họ bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Mỹ để phản công Trung Quốc. Còn trong Hiệp định mậu dịch tự do Mỹ - Mexico cũng có điều khoản loại bỏ những linh, phụ kiện xe hơi giá rẻ nhập từ Trung Quốc. Bởi vậy, sau khi 2 thị trường lớn EU và Bắc Mỹ liên kết thì tất sẽ gây nên áp lực rất lớn với các sản phẩm do Trung Quốc chế tạo.
Điều quan trọng hơn là liên minh ngoại giao kinh tế bao vây Trung Quốc do Mỹvà EU đứng đầu đó vẫn đang tiếp tục mở rộng.

Donald Trump bài binh bố trận quyết buộc Trung Quốc “đầu hàng” (Kỳ 1) - ảnh 3
Mỹ đã thành công trong việc lôi kéo EU cùng chống Trung Quốc trong cuộc chiến mậu dịch  
Về ngoại giao quân sự, ông Trump không những chỉnh đốn lại NATO, yêu cầu các quốc gia tích cực gánh vác trách nhiệm, chi thêm ngân sách quân sự; mà còn tích cực bố trí “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Tăng cường ngoại giao quân sự và hợp tác đa phương với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương. Vì vậy, Mỹ và các đồng minh có thể thực thi phong tỏa, giáp công Trung Quốc từ hai khu vực lục địa châu Âu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ngăn chặn Trung Quốc phát triển ảnh hưởng ra bên ngoài.
Thứ năm: Chiến tranh phản gián
Chiến tranh chống chính sách “mặt trận thống nhất” và gián điệp của Trung Quốc là một chiến thuật trọng điểm gần đây của chính phủ Donald Trump. Ủy ban thẩm định kinh tế và an ninh Mỹ - Trung của Quốc hội Mỹ (USCC) mới đây đã công bố bản báo cáo về “Công tác mặt trận thống nhất ở hải ngoại của Trung Quốc”, vạch rõ và chi tiết về cơ cấu tổ chức của Ban Mặt trận thống nhất Trung ương Trung Quốc (Thống chiến bộ) và công tác thâm nhập, hoạt động gián điệp của Trung Quốc ở nước ngoài.
Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray gần đây công khai nói tại một diễn đàn: “Trung Quốc là mối đe dọa rộng lớn nhất, có tính thách thức nhất và nghiêm trọng  nhất của Mỹ”, các gián điệp kinh tế của Trung Quốc đã thâm nhập tới 50 bang của Mỹ.
Tổng giám đốc Trung tâm An ninh và phản gián quốc gia Mỹ Christopher Wray gần đây nói với báo chí: Trung Quốc lâu nay khóa chặt các ngành nghề công nghệ cao của Mỹ để lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ và các bí mật thương mại, “họ (Trung Quốc) là mối uy hiếp lớn nhất đối với an ninh quốc gia của chúng ta”. Ông tiết lộ và cáo buộc hiện Trung Quốc đang can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.

Donald Trump bài binh bố trận quyết buộc Trung Quốc “đầu hàng” (Kỳ 1) - ảnh 4
Một nhà khoa học gốc Hoa bị bắt vì chuyển bí mật công nghệ của Mỹ cho Trung Quốc  
Không chỉ ra sức phanh phui những thủ đoạn tình báo cài cắm, thâm nhập vào nước Mỹ của Trung Quốc, trong “Luật ủy nhiệm Quốc phòng 2019” do ông Trump ký cũng hàm chứa những điều khoản chống Trung Quốc, bao gồm: cấm bất cứ cơ quan chính phủ nào sử dụng các sản phẩm của các công ty ZTE và Huawei để tránh bị lấy cắp bí mật. Hạn chế việc Bộ Quốc phòng tài trợ cho các hạng mục Viện Khổng Tử của các trường đại học Mỹ; mở rộng quyền thẩm tra các hạng mục đầu tư nước ngoài của Ủy ban đầu tư nước ngoài Mỹ (CFIUS), siết chặt việc thẩm tra các vụ giao dịch, thu mua dùng vốn Trung Quốc tại Mỹ, ngăn chặn họ thâm nhập kinh tế.
Thứ sáu: Chiến tranh tiền tệ
Chiến tranh tiền tệ là một đòn nặng mà ông Donald Trump tung ra sau chiến tranh thương mại.
Ngày 20/9, ông Trump ký mệnh lệnh hành chính ủy quyền cho Chính phủ, Bộ Tài chính thực thi Luật trừng phạt các đối thủ của nước Mỹ (Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act, CAATSA). Từ nay về sau, được tiến hành trừng phạt ở mức mạnh nhất các cơ cấu, cá nhân theo lệnh của tổng thống; bao gồm: cấm giao dịch tiền tệ và chuyển tiền, phong tỏa tài sản ở Mỹ và tiến hành trừng phạt những người chủ quản, lãnh đạo những cơ cấu vi phạm…
Nói một cách khác, ông Trump đã phát đi lời cảnh báo tới Trung Quốc: nếu chiến tranh thương mại trở thành cuộc chiến lâu dài, hoặc Trung Quốc tiến hành trả thù những nông dân và các công ty Mỹ, thì họ không những phải đối mặt với đợt “pháo kích thuế quan” với hỏa lực 267 tỷ USD, mà còn có thể bị trừng phạt về mặt tài chính, tiền tệ.
Phạm vi trừng phạt về tài chính, tiền tệ rất rộng. Nhỏ là đóng băng tài khoản cá nhân, tài sản công ty; lớn đến mức cấm các cá nhân và thực thể nước ngoài giao dịch với Trung Quốc; thậm chí hủy bỏ việc thanh toán bằng đồng USD giữa Trung Quốc với các nước, ảnh hưởng và tác hại của nó khó có thể tính hết được, sẽ là nối đau “cắt da cắt thịt” chính quyền và các tập đoàn quyền quý Trung Quốc.

 Donald Trump bài binh bố trận, dồn dập ra đòn quyết buộc Trung Quốc “đầu hàng” (Kỳ 2) - ảnh 1
Chiến tranh tiền tệ là một đòn nặng mà ông Donald Trump tung ra sau chiến tranh thương mại. 
Thứ bảy: Chiến tranh nhân tài
Nhân tài là tài sản cốt lõi của việc vận hành công ty và lớn hơn là sự phát triển quốc gia. Sở hữu những nhân tài có tố chất cao, kỹ thuật giỏi thì mới có được sức cạnh tranh mạnh mẽ trong tương lai.
Là một đại gia lão luyện trong giới kinh doanh, ông Trump hiểu rất rõ giá trị, tầm quan trọng của nhân tài. Vì vậy, ông tích cực cải cách chính sách di dân để chiêu mộ, cho nhập quốc tịch Mỹ những nhân tài cao cấp có kỹ thuật, có chuyên môn,có học lực; tích lũy nguồn nhân lực tinh hoa cho cho Mỹ để có thể thực hiện “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again).
Mặt khác, chính phủ Donald Trump cũng tiến hành phản kích lại việc Trung Quốc "cướp đoạt" nhân tài của Mỹ; gần đây đã tiến hành các chiến dịch “càn quét, triệt phá” chương trình “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc nhằm chiêu mộ, thu hút các nhân tài ưu tú trong người Hoa ở Mỹ về nước phục vụ.
Thông qua “Kế hoạch ngàn người”, Trung Quốc đã chiêu mộ được mấy ngàn nhà khoa học gốc Hoa ở nước ngoài về Trung Quốc làm việc. Mỹ cáo buộc Trung Quốc tiến hành dụ dỗ, mua chuộc họ trở thành gián điệp thương mại; chỉ thị họ lấy cắp các công nghệ cao và cơ mật trong các cơ quan chính quyền, công ty, phòng thí nghiệm của nước ngoài chuyển về Trung Quốc, coi đó là vốn quý cho cỗ “siêu xe đường vòng” chuyển đổi ngành nghề.
Ví dụ, Trịnh Tiểu Thanh, Kỹ sư chủ nhiệm công trình của Tập đoàn GE bị FBI bắt giữ hôm 1/8 đã dính líu đến việc lấy cắp bí mật về công nghệ của động cơ turbine của hãng; Trương Dĩ Hằng, nguyên giáo sư khoa Công trình hệ thống sinh vật Đại học Khoa học tự nhiên Virginia bị bắt tháng 9/2017 cũng bị khởi tố về 7 tội danh như lừa dối chính phủ, làm chứng cứ giả…
Hiện nay, do lo ngại ảnh hưởng lan rộng, nên Trung Quốc đã ra lệnh cấm truyền thông không được đề cập đến “Kế hoạch ngàn người” nữa. Việc mất đi những tinh hoa người Hoa hải ngoại cung cấp công nghệ hoặc lấy cắp bí mật thương mại rất có thể sẽ gây tổn hại đến chiến lược chuyển đổi ngành nghề của Trung Quốc.

 Donald Trump bài binh bố trận, dồn dập ra đòn quyết buộc Trung Quốc “đầu hàng” (Kỳ 2) - ảnh 2
Tiến hành chiến tranh mạng với Trung Quốc, Mỹ lựa chọn cách "Tiến công để phòng ngự" 
Thứ tám: Chiến tranh mạng
Tấn công mạng được coi là kiểu “chiến tranh phi truyền thống” mới nổi lên, nhưng sức phá hoại và tính chất nghiêm trọng của nó thì không thể xem nhẹ.
Trước đây, Mỹ lớn tiếng kêu ca họ bị các hacker của Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên tấn công, thậm chí can dự cả vào cuộc bầu cử tổng thống. Giờ đây, ngay trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, ông Trump đã ra lệnh tăng cường, đẩy mạnh phòng chống và phản kích.
Ngày 20/9, ông Donald Trump ký và công bố “Chiến lược mạng quốc gia” (National Cyber Strategy), trong đó nêu rõ: đối với các cuộc tấn công mạng của các hacker đến từ nước ngoài, Mỹ không những tiến hành phản kích, thậm chí có thể chủ động tấn công trước, quét sạch những mối đe dọa về mạng để đảm bảo cho an ninh quốc gia của Mỹ.
“Chúng ta sẽ đáp trả lại bằng cách tấn công để phòng ngự” – ông John Bolton, Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng nhấn mạnh – “Điều quan trọng là để cho mọi người thấy chúng ta không phải chỉ biết phòng ngự mà thôi”.
Vì vậy, nếu Trung Quốc vẫn có ý đồ dùng cách tấn công mạng để can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ, hoặc xâm nhập vào cơ quan chính quyền hoặc công ty Mỹ để lấy cắp bí mật thì họ sẽ không những bị truy cứu, phản kích, thậm chí có thể bị Mỹ ra đòn “tấn công để phòng ngự”, trước khi họ phát động tấn công.
Thứ chín: Chiến tranh tâm lý
“Giao dịch là hình thức nghệ thuật của tôi. Người khác có thể vẽ ra những bức tranh đẹp, làm ra những bài thơ hay, tôi lại thích đàm phán giao dịch, đặc biệt là những vụ làm ăn lớn”. Trong cuốn “Nghệ thuật giao dịch” ông đã viết ra những câu có tính kinh điển đó, thể hiện đầy đủ đời sống chính trị của mình.
Trước đây, trên thương trường, Donald Trump nổi tiếng bởi tài đàm phán, thương lượng xuất sắc. Khả năng đàm phán mạnh mẽ hơn người ông có được có liên quan đến đặc tính giỏi nắm bắt tâm lý người khác, khéo dự đoán, bất ngờ ra tay giành thắng lợi. Cả đời trên thương trường, ông đã nắm chắc mọi chiêu trò lừa lọc, nên tự nhận là một chính khách “mưu sâu tính giỏi”.
“Đàm phán không có quy tắc đã định trước, hoàn toàn liên quan đến việc lợi dụng tâm trí và sách lược khơi thông” - George Ross, Phó chủ tịch Tập đoàn Trump, người có mấy chục năm cộng tác với ông Donald Trump nói – ông Trump rất giỏi nắm bắt tâm lý đối thủ để khơi thông, “kỹ xảo đàm phán của Donald Trump là nguyên nhân quan trọng khiến ông trở thành nhà tỷ phú”.
Nhìn lại đời sống chính trị của ông Trump trong gần 2 năm qua, dù là vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp định mậu dịch Mỹ - EU, Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay trong cuộc đọ sức nội bộ quốc hội, ông Trump đều thể hiện rõ sách lược đàm phán và chiến thuật tâm lý độc đáo của riêng ông.
Đặc biệt là trong cuộc Chiến tranh thương mại với Trung Quốc, khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin vừa đạt được hiệp nghị “không khai chiến” thì Donald Trump đã ra đòn “hồi mã thương”, tuyên bố sẽ gia tăng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu, khiến phía Trung Quốc không kịp trở tay.
Trước khi Chiến tranh thương mại nổ ra, Trung Quốc tràn đầy tự tin, lầm tưởng rằng Donald Trump chỉ là thương gia giỏi kinh doanh, nhưng là chính khách thiếu kinh nghiệm thực tế. Nào ngờ, ông đã tiến hành cuộc chiến mậu dịch khiến họ “tối tăm mặt mũi, rối loạn phương hướng”. Ông Trump cứ “tiến công lại tiến công”, “gia tăng lại gia tăng”, liên tục xuất chiêu, gây áp lực mạnh, khiến Trung Quốc không thể dự đoán, chống đỡ yếu ớt.

 Donald Trump bài binh bố trận, dồn dập ra đòn quyết buộc Trung Quốc “đầu hàng” (Kỳ 2) - ảnh 3
Scott Clemons: “Tôi cho rằng Bắc Kinh sẽ thỏa hiệp. Kết cục không thể tránh được là Trung Quốc và Mỹ xây dựng một môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn” 
Có ý kiến phân tích cho rằng, trong vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc có ý định dùng Triều Tiên để dụ ông Trump sa vào bẫy trói buộc Mỹ, Hàn, Nhật trước đây, như “hai tạm dừng” (Triều Tiên tạm dừng các hoạt động hạt nhân, Mỹ - Hàn tạm dừng diễn tập quân sự chung) và “hội đàm 6 bên”. Không ngờ Donal Trump chẳng những không trúng kế mà còn tương kế tựu kế, không chỉ dùng “trọng pháo mậu dịch” oanh tạc Trung Quốc, mà còn liên kết quốc tế cô lập họ. Đồng thời, ông còn nắm chắc tâm lý nhà lãnh đạo Kim Jong Un, thực thi vừa thi ân vừa đe dọa, dùng thiện chí thay thù địch, từ đó mở ra, làm kết cấu Trung – Triều hợp mưu trở nên lỏng lẻo.   
Mặc dù Trung Quốc vốn nổi tiếng về giỏi tâm lý, nhưng lần này đã gặp ông Trump cao tay hơn hẳn nên sa vào thế bị động, bị Trump nắm thóp, dùng chiến tranh tâm lý làm cho không biết đường ra, tiến thoái lưỡng nan.
Tóm lại, từ sau khi lên nắm quyền, Donald Trump không những đã thay đổi toàn diện chính sách đối với Trung Quốc, từ tiêu cực nhân nhượng chuyển thành tích cực truy kích. Ông Trump còn có chiến lược rộng lớn và chiến thuật đa dạng, gây sức ép và đối phó Trung Quốc.
 Ông Scott Clemons, chiến lược gia về sách lược đầu tư của Ngân hàng Brown Brothers Harriman & Co. (BBH) nhận định về tương lai của cuộc chiến mậu dịch hiện nay: “Tôi cho rằng Bắc Kinh sẽ thỏa hiệp. Kết cục không thể tránh được là Trung Quốc và Mỹ xây dựng một môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn”. Đây cũng chính là mục tiêu mà ông Donald Trump công khai bày tỏ.
https://viettimes.vn/donald-trump-bai-binh-bo-tran-don-dap-ra-don-quyet-buoc-trung-quoc-dau-hang-ky-2-304060.html 


Thực hư chuyện ‘Trung Quốc vượt Mỹ’

Năm 2010 tổng sản phẩm quốc dân của Trung Quốc vượt Nhật, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu chỉ sau Mỹ, và tăng trưởng tiếp với tốc độ nhanh hơn Mỹ. Dư luận bắt đầu bàn về thời điểm kinh tế Trung Quốc sẽ soán ngôi số một. Theo một dự báo của phương Tây, đó là khoảng năm 2030. Nhật báo Kinh tế Trung Quốc ngày 13/12/2017 đưa ra dự đoán lạc quan hơn: trước năm 2028.
Khoảng hơn chục năm nay dư luận Trung Quốc ngày càng bàn thảo sôi nổi về vấn đề vượt Mỹ. Dường như từ sau ngày Tập Cận Bình lên cầm quyền, một số học giả và viện nghiên cứu chính sách nhà nước Trung Quốc càng hăng hái đưa ra các kết quả nghiên cứu khoa học chứng minh sức mạnh của Trung Quốc trên một số mặt đã vượt Mỹ từ rất sớm. Những công bố đó làm nức lòng dân chúng trong nước, hình thành “Thuyết Trung Quốc vượt Mỹ”. Nhân vật tiêu biểu của thuyết này là Giáo sư Hồ An Cương, một trong các học giả khoa học xã hội uy tín nhất ở Trung Quốc hiện nay.
Hồ An Cương hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu tình hình Trung Quốc [“Quốc tình Nghiên cứu Viện”, National Conditions Institute, NCI] thuộc Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh – một cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu Trung Quốc. Năm 2012 ông được bầu là đại biểu Đảng thành phố Bắc Kinh đi dự Đại hội 18 Đảng CSTQ. Tháng 1/2018 ông được ĐH Thanh Hoa trao danh hiệu “Giáo sư cấp cao khoa Văn”, còn gọi là GS-Viện sĩ, trong đợt bình chọn đầu tiên 18 GS cấp này.[1]
Trong bài “Những thành tựu mới của lý luận trị quốc Tập Cận Bình kể từ Đại hội 18 tới nay” công bố tháng 12/2016, Hồ An Cương viết: Năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nước lớn nhất thế giới trong ngành chế tạo, năm 2013 là nước xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất, năm 2014 là nền kinh tế lớn nhất toàn cầu…Trung Quốc đã tiến vào trung tâm vũ đài thế giới, phát huy tác dụng lãnh đạo toàn cầu.
Tháng 1/2018, GS Hồ công bố Báo cáo khoa học tổng kết đánh giá tình hình mọi mặt của Trung Quốc và so sánh với Mỹ, đưa ra nhận định:
Thực lực kinh tế, thực lực KHKT và quốc lực tổng hợp của Trung Quốc đã lần lượt vượt Mỹ vào các năm 2013, 2015 và 2012. Đến 2016, ba sức mạnh này của Trung Quốc so với Mỹ bằng 1,15 lần, 1,31 lần và 1,36 lần, đứng thứ nhất thế giới. Ngoài ra về sức mạnh quốc phòng, ảnh hưởng quốc tế và sức mạnh mềm về văn hóa, Trung Quốc cũng đang tăng tốc đuổi và vượt Mỹ.
Nhận định trên ăn nhập với trào lưu sùng bái Tập Cận Bình đang dâng cao và được dư luận quảng bá rùm beng đã nâng cao tinh thần dân tộc và tâm lý tự hào của dân chúng.
Truyền thông Mỹ cũng quan tâm tới vấn đề Trung Quốc vượt Mỹ, chủ yếu để giới thiệu sự tiến bộ của Trung Quốc mà không tranh cãi đúng sai.
Mặt khác, “kết quả nghiên cứu khoa học” của GS Hồ đã gây ra sự phản cảm ở một số học giả và quan chức, những người hiểu rõ hiện tình lạc hậu của Trung Quốc , nhất là về văn hóa và KHKT. Tiếng nói phản biện của họ tuy nhỏ bé nhưng được các mạng xã hội truyền đi rộng rãi đã thức tỉnh dân chúng. Cuối cùng lãnh đạo cấp cao cũng nhận thấy cách tuyên truyền thổi phồng thành tựu của Trung Quốc thực ra là phản tác dụng.
Tháng 11/2015, khi giải thích kế hoạch “Made in China 2025” tại hội nghị Ủy ban thường vụ Chính Hiệp, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thông tin Miêu Vu [Miao Wei] nói:
Trung Quốc cần 30 năm để trở thành cường quốc chế tạo. Hiện nay ngành chế tạo toàn cầu gồm 4 thê đội. Thê đội thứ nhất là Mỹ, trung tâm sáng tạo đổi mới KHKT toàn cầu; thê đội thứ hai gồm EU và Nhật, thuộc lĩnh vực chế tạo cấp cao; thê đội thứ ba thuộc lĩnh vực chế tạo cấp trung và thấp, chủ yếu là các nước mới nổi, trong đó có Trung Quốc; thê đội thứ tư là các nước xuất khẩu tài nguyên, gồm OPEC, châu Phi, Mỹ Latin. Về sức mạnh KHKT, số một là Mỹ, sau đó đến Anh, Nhật, Pháp, Đức, Phần Lan, Israel, Thụy Điển, Ý, Canada, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Australia, Na Uy, Bỉ, Nga, Singapore, Hàn Quốc. Trong Top 20 này không có Trung Quốc. Trong 5 cấp bậc về sức mạnh KHKT toàn cầu, Trung Quốc ở vào cấp 4.
Theo Báo cáo Sức cạnh tranh toàn cầu năm 2017-2018, do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố, Trung Quốc xếp thứ 27 trong số 137 nước được xét; riêng về KHKT, Mỹ đứng thứ nhất, tiếp sau là Anh, Nhật; Trung Quốc thậm chí chưa lọt vào Top 20.
Một công bố cuối 2017 của công ty Chứng khoán Đông Hưng cho biết:
  • Xét theo GDP bình quân đầu người (là chỉ tiêu phổ biến nhất đánh giá trình độ phát triển kinh tế) thì sau đây 32 năm Trung Quốc vẫn chưa đuổi kịp Mỹ;
  • Năng suất lao động của Trung Quốc năm 2017 chỉ bằng chưa đến 10% của Mỹ….
Ngày 21/6/2018, Lưu Á Đông Tổng biên tập “Nhật báo Khoa học và Kỹ thuật” (của Bộ KHKTTQ) nói trong một cuộc họp:
Ai cũng biết Trung Quốc còn cách Mỹ và các nước phát triển khác một khoảng cách rất lớn về KHKT. Những thành tựu KHKT khiến chúng ta vui mừng khôn xiết, như làm được máy bay cỡ lớn…, thì người ta đã có từ nửa thế kỷ trước. Một số dự án lớn ta đang gian khổ tiến hành, như đưa người lên Mặt Trăng thì nước Mỹ từ năm 1969 đã thành công lớn… Thế mà ở ta vẫn có một số người lúc thì nói “4 Tân đại phát minh”, lúc thì nói “Đuổi và vượt [Mỹ] toàn diện”, trở thành “Nhất thế giới”… Nếu Trung Quốc cho rằng mình có thể sớm thay thế Mỹ, trở thành quốc gia dẫn đầu KHKT thế giới thì đó chỉ là sự tự lừa dối.
Phát biểu này được dư luận khen là “dám nói thật”:
Phái bênh vực Thuyết Trung Quốc vượt Mỹ cũng viện dẫn nhiều tư liệu để chứng minh họ đúng. Ví dụ họ cho rằng cách tính GDP hiện nay là chưa hợp lý, nếu tính GDP theo sức mua ngang giá thì một báo cáo của IMF năm 2014 cho biết ngay năm đó, GDP Trung Quốc đã vượt Mỹ… Trung Quốc còn nhất thế giới về nhiều mặt, ví dụ cuối 2016 có 22.340 km đường sắt cao tốc (ĐSCT) chiếm 60% tổng chiều dài ĐSCT toàn cầu; trong khi Mỹ chưa hề có ĐSCT. Trung Quốc có vệ tinh lượng tử, vệ tinh thăm dò vật chất tối, tàu ngầm Giảo Long lặn sâu nhất thế giới, dẫn đầu về nghiên cứu phản ứng nhiệt hạch kiểm soát được….
Cuộc tranh cãi nói trên lắng dần sau khi Tổng thống Trump “nâng cấp” các tranh chấp buôn bán Trung-Mỹ thành chiến tranh thương mại, bắt đầu với vụ trừng phạt Tập đoàn ZTE (Trung Hưng), gã khổng lồ công nghệ thông tin của Trung Quốc, có doanh thu 17 tỷ USD (2017).
Do ZTE vi phạm lệnh cấm bán cho Iran các sản phẩm dùng công nghệ Mỹ, ngày 7/3/2016 Mỹ ra lệnh hạn chế bán sản phẩm cho ZTE. Lệnh này có thể sẽ làm ZTE bị phá sản, vì mọi sản phẩm của họ đều dùng sản phẩm và dịch vụ của Mỹ, như chip của Qualcomm và Intel, hệ điều hành của Apple và Google. Vì thế tháng 3/2017 ZTE ký thỏa thuận hòa giải, nhận tội, chịu nộp phạt 892 triệu USD và ký quỹ 300 triệu USD, thay các cán bộ có lỗi. Phía Mỹ gửi cho ZTE bản tổng kết “5 bài học xương máu”, trong đó hai bài học đầu là không được dối trá và không được hủy chứng cứ phạm pháp.
Ngày 16/4/2018, với lý do ZTE vẫn lừa dối, bịa đặt và tái phạm thỏa thuận hòa giải, Mỹ tuyên bố cấm các công ty Mỹ giao dịch với ZTE trong 7 năm (tới 13/3/2025). Lệnh cấm này làm tê liệt hoạt động của 75.000 nhân viên ZTE và ZTE phải ngừng giao dịch cổ phiếu trên các sàn chứng khoán. 8 tuần sau, để đổi lấy sự dỡ bỏ lệnh cấm, ZTE chịu nộp phạt 1 tỷ USD, ký quỹ 400 triệu USD và chịu thuê cán bộ quản lý người Mỹ. Khi giao dịch trở lại, cổ phiếu ZTE rớt giá 39%. Ngày 7/6 Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt. ZTE ước tính vụ này bị lỗ hơn 3 tỷ USD.
Một nhà báo Trung Quốc viết “Nếu không vì lão điên Trump gây ra cuộc chiến tranh thương mại này thì có lẽ chúng ta vẫn còn say sưa với ‘Kỳ tích kinh tế 40 năm qua’ và vòng hào quang ‘Nước lớn trỗi dậy’, tới mức chưa tỉnh”.
Vì sao một đại gia công nghệ lớn nhất nhì Trung Quốc như ZTE mà chỉ một đòn đã gục ngã? Đó là vì họ phụ thuộc vào nguồn chip cấp cao của Mỹ. Chip Mỹ chiếm 60% vật liệu làm bộ xử lý trong điện thoại di động (ĐTDĐ) của ZTE. Mạch tích hợp là “lương thực” của công nghiệp điện tử, không có lương ăn thì sao sống được. Trung Quốc tiêu thụ sản phẩm bán dẫn nhiều nhất thế giới, hàng năm nhập 230 tỷ USD chip (hơn cả tiền nhập dầu mỏ). Công nghệ chip của Trung Quốc quá lạc hậu, chủ yếu chế tạo chip theo kiểu gia công và chỉ dùng cho sản phẩm cấp thấp. Mỹ, Nhật, châu Âu sản xuất nhiều chip nhất. Trung Quốc chế tạo 77% lượng ĐTDĐ toàn cầu nhưng chỉ 3% dùng chip Trung Quốc… Giờ đây người ta mới thấy cái hại của “chủ nghĩa lấy về” rất phổ biến ở Trung Quốc — chỉ sao chép công nghệ nước ngoài mà không sáng tạo đổi mới. Tập Cận Bình lập tức chỉ thị phải dồn sức đầu tư cho công nghệ chip đuổi kịp trình độ quốc tế. Một nguồn tin nói việc này cần 10 năm.
Trước khả năng thiệt hại cực lớn từ vụ ZTE, Trung Quốc lập tức đàm phán với Mỹ. Ngày 20/5, hai bên đồng ý ngừng chiến tranh thương mại và tiếp tục thương lượng. Website Hội các doanh nghiệp bán dẫn Trung Quốc viết: Tin này làm mọi người từ nhà lãnh đạo ở Trung Nam Hải cho tới người thợ trên dây chuyền sản xuất thở phào; giờ đây chúng ta có một phát hiện bất ngờ nhất: Thực lực của Trung Quốc còn kém Mỹ một khoảng cách lớn khó tưởng tượng!
Dư luận Trung Quốc dấy lên phong trào chống tuyên truyền khoa trương [anti-hype movement]. Đầu tháng 8, một nhóm cựu sinh viên tốt nghiệp ĐH Thanh Hoa gửi thư ngỏ đòi Hiệu trưởng trường này sa thải Hồ An Cương. Ngay cả Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập “Thời báo Hoàn cầu” sặc mùi chủ nghĩa dân tộc cũng viết: “Một học giả nổi tiếng tuyên truyền rằng quốc lực tổng hợp của Trung Quốc đã vượt Mỹ. Tôi cảm thấy lo lắng sâu sắc về phán đoán ấy.” Xã luận ngày 1/8 của báo này nêu ra 8 điều Trung Quốc cần làm, trong đó điều thứ nhất là Về chiến lược phải giữ thái độ khiêm tốn và thế thủ, trong bất kỳ tình thế nào cũng không được chủ động khiêu khích Mỹ và thể hiện cho Mỹ thấy mặt mạnh của Trung Quốc.
Dân mạng Trung Quốc “moi” ra nhiều tin về sự lạc hậu của nước mình. Như Mỹ có 10 tàu sân bay hạt nhân, Trung Quốc có 2 tàu loại nhỏ chạy diesel, hỏa lực của chiếc “Liêu Ninh” chưa bằng 1/4 chiếc Kitty Hawk đóng năm 1960, nghỉ hưu 2009. Tướng Trung Quốc Trương Triệu Trung nói: Giả thử về quân sự Mỹ cứ đứng yên thì chúng ta cũng cần 24 năm mới đuổi kịp.
Trung Quốc đi sau Mỹ rất xa trong lĩnh vực tập trung nhiều KHKT đỉnh cao là thám hiểm vũ trụ. Các năm 1969-1972 Mỹ đã đưa 12 người đáp xuống Mặt Trăng rồi trở về. Tàu không người lái Chang E 5 của Trung Quốc dự kiến phóng cuối 2017 để lượm đất Mặt Trăng đem về, nhưng đến nay vẫn trục trặc chưa phóng. Tên lửa Trường Chinh 5 mạnh nhất Trung Quốc có sức chở 25 tấn, còn tên lửa Falcon Heavy của một công ty tư nhân Mỹ chở được 63,8 tấn…
Báo cáo (6/2018) của Viện Khoa học Trung Quốc nói Mỹ dẫn đầu thế giới 87 trong 143 điểm nóng nghiên cứu tuyến đầu (Trung Quốc dẫn đầu 24 điểm) và 8 trong 10 lĩnh vực khoa học lớn.
So bì về sức mạnh mềm thì Trung Quốc càng lép vế. Văn hóa lễ giáo đạo Khổng hạn chế sức sáng tạo, tính độc lập. Văn hóa doanh nghiệp Trung Quốc vẫn còn chỗ cho sự dối trá. Trung Quốc đầu tư lớn lập cả nghìn Viện và lớp học Khổng Tử khắp toàn cầu nhưng kết quả quảng bá văn hóa Trung Quốc rất hạn chế. Văn học Trung Quốc đương đại không có tác phẩm nào gây tiếng vang trên thế giới. Hán ngữ không thể nào được hoan nghênh và phổ cập toàn cầu như tiếng Anh…
Một nhà báo Trung Quốc viết: Cái đáng sợ nhất của nước Mỹ là họ có sức sáng tạo rất mạnh mẽ.
Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ đang tiếp diễn ngày càng găng, mỗi bên đều sẽ trổ hết tài, vận dụng mọi ưu thế của mình. Chưa biết cuối cùng ai sẽ thắng, nhưng có thể nói Trung Quốc đã “thắng” ở chỗ nhận ra cách tuyên truyền phô trương quá đáng thành tựu và thế mạnh của mình chỉ có hại, chẳng có lợi. Có lẽ Tập Cận Bình nên trở lại chiến lược khôn ngoan “Giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình, chớ nên khích lệ tâm lý tự hào dân tộc biến ra thành tự kiêu, chủ quan; nên chú trọng sáng tạo đổi mới chứ không nên mải mê theo “chủ nghĩa lấy về” — một thứ chủ nghĩa cơ hội rất tai hại.
Tóm lại, cú gục ngã của ZTE trở thành liều thuốc thử chứng tỏ “Thuyết Trung Quốc đã vượt Mỹ” thiếu căn cứ đứng vững, qua đó Trung Quốc bắt đầu thấy họ cần tỉnh táo nhận rõ các mặt mạnh yếu của mình.
http://nghiencuuquocte.org/2018/09/23/thuc-hu-chuyen-trung-quoc-vuot-my/

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

Tàu ngầm Trung Quốc và chiến thuật "vùng xám": Đòn hiểm khiến Mỹ không thể nổ súng

Trong bối cảnh nhu cầu hoạt động của Hải quân Trung Quốc đang gia tăng, tàu ngầm trở thành ưu tiên hàng đầu – nó là phương tiện để đối phó với ưu thế trên biển của Hải quân Mỹ.


Tàu ngầm Trung Quốc và chiến thuật "vùng xám": Đòn hiểm khiến Mỹ không thể nổ súng
Mỹ và các nước xung quanh Thái Bình Dương đã thận trọng theo dõi khi Trung Quốc tăng cường lực lượng tàu ngầm trong hơn 20 năm qua. Bắc Kinh đã xây dựng một lực lượng hiện đại, linh hoạt với tổng số tàu ngầm giờ đây còn vượt cả Mỹ.
Các tàu ngầm Mỹ vẫn ưu việt hơn nhiều so với các tàu ngầm Trung Quốc nhưng trong một cuộc xung đột, số lượng và vị thế địa lý vẫn có thể giúp Trung Quốc hạn chế được những lợi thế của Mỹ cùng các đối tác.
Trong bản báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, hiện đại hóa hải quân là một khía cạnh đang được Bắc Kinh ngày càng chú trọng trong lĩnh vực hàng hải.
Mối đe dọa từ tàu ngầm Trung Quốc
Trong bối cảnh nhu cầu hoạt động của Hải quân Trung Quốc đang gia tăng, tàu ngầm trở thành ưu tiên hàng đầu – nó là phương tiện để đối phó với ưu thế trên biển của Hải quân Mỹ.
Lực lượng tàu ngầm Trung Quốc hiện có 56 tàu, trong đó có 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược, 5 tàu ngầm tấn công hạt nhân, 47 tàu ngầm tấn công diesel-điện. Theo Lầu Năm Góc, con số này có thể tăng lên 69-78 tàu vào năm 2020.
Tàu ngầm Trung Quốc và chiến thuật vùng xám: Đòn hiểm khiến Mỹ không thể nổ súng - Ảnh 1.
Tàu ngầm Trung Quốc trong cuộc tập trận chung với Nga trên biển Hoàng Hải năm 2012. Ảnh: Reuters
Trung Quốc đã chế tạo được 10 tàu ngầm hạt nhân trong 15 năm qua. Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết, 4 tàu ngầm mang tên lửa lớp Jin "là đại diện cho phương tiện răn đe hạt nhân trên biển đáng tin cậy đầu tiên của Trung Quốc".
Theo chuyên gia Bryan Clark tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường đang "đóng vai trò quan trọng hơn trong lực lượng tàu ngầm [của Trung Quốc]", đặc biệt là những tàu có khả năng phóng tên lửa chống tàu và những tàu được trang bị động cơ đẩy không khí độc lập (AIP).
Hệ thống AIP cho phép tàu ngầm phi hạt nhân hoạt động mà không cần sử dụng oxy lấy từ không khí, chúng sẽ thay thế hoặc tăng cường cho các hệ thống diesel-điện thông thường.
Kể từ giữa những năm 1990, Trung Quốc đã đóng 13 tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Song và mua 12 tàu ngầm lớp Kilo [do Nga sản xuất], trong đó có 8 tàu có thể bắn tên lửa hành trình chống tàu.
Kilo là tàu ngầm diesel, vì thế chúng cần phải nổi lên theo định kỳ để lấy oxy, chạy máy phát điện, sạc ắc-quy.
"Tuy nhiên, ngay cả khi như vậy, chúng [tàu ngầm Kilo] vẫn là một mẫu tàu ngầm ưu việt, vững chắc và đáng tin cậy", ông Clark nói, "Trong một chiến dịch ngắn, khi tàu ngầm Kilo không cần dùng tới ống lấy không khí, thì chúng có thể… gây bất ngờ bằng một cuộc tấn công tầm xa, và điều đó là mối lo ngại đối với Mỹ".
Trung Quốc cũng đã đóng 17 tàu ngầm tấn công phi hạt nhân AIP lớp Yuan. Theo Lầu Năm Góc, con số này có thể tăng lên 20 tàu vào năm 2020.
Tàu ngầm Trung Quốc và chiến thuật vùng xám: Đòn hiểm khiến Mỹ không thể nổ súng - Ảnh 2.
Bộ trưởng hải quân Mỹ Ray Mabus rời tàu ngầm Hai Jun Chang, lớp Yuan ở Ningbo tháng 11/2012. Ảnh: Reuters
"Tàu ngầm AIP lớp Yuan rất ưu việt" – ông Clark nhận định – "Chúng có thể tiến hành đợt triển khai kéo dài 2-3 tuần, có thể duy trì hoạt động nhờ động cơ AIP, và không cần phải nổi lên lấy không khí. Tôi cho rằng đó là mối lo ngại lớn đối với các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và Nhật Bản".
Tàu ngầm lớp Yuan có thể tấn công lực lượng tàu mặt nước của đối phương bằng cả ngư lôi và tên lửa chống tàu.
Theo ông Clark, đối với lực lượng thực hành tác chiến chống ngầm của Mỹ ở tây Thái Bình Dương, "tàu ngầm lớp Yuan thường được xem là mục tiêu đáng ngại, bởi nó có khả năng tấn công các tàu chiến Mỹ, trong khi khó bị phát hiện. Có rất ít cơ hội để tấn công nó".
Tàu ngầm Trung Quốc đã thực hiện các chuyến hải trình vào Ấn Độ Dương và tham gia hoạt động chống cướp biển tại Đông Phi nhưng phần lớn thời gian chúng hoạt động quanh chuỗi đảo thứ nhất – các đảo lớn ở phía tây lục địa Đông Á và bao quanh Biển Đông, Biển Hoa Đông.
Tàu ngầm Trung Quốc còn liễu lĩnh đi vào biển Philippine, nơi chúng có thể tấn công các tàu chiến Mỹ.
Phần lớn chuỗi đảo thứ nhất nằm trong tầm ngắm của các loại tên lửa và máy bay triển khai từ căn cứ trên bộ của Trung Quốc – những nhân tố cốt yếu trong chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận của Bắc Kinh. Đó là khu vực mà Mỹ và các đối tác có thể nhận thấy lợi thế của họ bị ngăn trở.
Tàu ngầm Trung Quốc và chiến thuật vùng xám: Đòn hiểm khiến Mỹ không thể nổ súng - Ảnh 3.
Tàu ngầm tấn công lớp Yuan của Trung Quốc. Ảnh: Congressional Research Service
"Hiện Trung Quốc đang có lợi thế về số lượng, họ có một lượng lớn tàu ngầm có thể hoạt động, trong khi chỉ phải bao quát một khu vực nhỏ" – ông Clark cho hay.
Trung Quốc có thể triển khai ồ ạt vào khu vực này những chiếc tàu ngầm đủ ưu việt để "khiến khả năng tác chiến chống ngầm của Mỹ-Nhật bị choáng ngợp", thậm chí bị chế ngự.
Các tàu ngầm Mỹ có vẻ sẽ được giao phó nhiều nhiệm vụ, như tấn công mặt đất và do thám, thay vì chỉ tập trung vào việc tấn công các tàu ngầm Trung Quốc.
Do đó, phần lớn nhiệm vụ săn tàu ngầm sẽ được giao cho lực lượng không quân và tàu mặt nước, song đây lại là những phương tiện tác chiến dễ bị bộc lộ trước các loại tên lửa và máy bay Trung Quốc.
Tàu ngầm Trung Quốc và chiến thuật vùng xám: Đòn hiểm khiến Mỹ không thể nổ súng - Ảnh 4.
Bên trong máy bay tuần tra săn ngầm P-8A của Hải quân Mỹ. Ảnh: USNI News
Những hạn chế
Bất chấp những lo ngại mà các tàu ngầm diesel-điện của Trung Quốc mang lại, chúng vẫn có những hạn chế nhất định.
Tàu ngầm Trung Quốc không êm ái bằng tàu ngầm hạt nhân Mỹ [khi chúng hoạt động ở chế độ yên lặng nhất]. Chúng cũng không có khả năng hoạt động dài ngày như tàu ngầm Mỹ, và phải nổi lên mặt nước theo định kỳ. Bên cạnh đó, các kíp thủy thủ của Trung Quốc cũng thiếu kinh nghiệm hơn so với thủy thủ Mỹ.
"Những con tàu này khá ồn ào, rất dễ bị phát hiện, không có những khả năng mạnh mẽ khác ngoài bắn tên lửa hành trình tấn công mặt đất... Cho đến thời điểm hiện tại, tàu ngầm Trung Quốc vẫn chưa được ưu việt như tàu ngầm Mỹ" – ông Clark nói.
Xung đột vùng xám
Song, số lượng và vị trí địa lý có thể mang lại cho Trung Quốc lợi thế tiềm năng trong cuộc xung đột "vùng xám" (hung hăng dưới ngưỡng để tránh bị trả đũa quân sự). Giới lãnh đạo Hải quân Mỹ cho rằng lực lượng của họ cần chuẩn bị cho tình huống này.
Các tàu ngầm Trung Quốc đang đặt ra một thách thức mà các quan chức Mỹ tự đặt câu hỏi rằng, "Sẽ thế nào nếu chúng ta [Mỹ] dấn thân vào một cuộc xung đột vùng xám với Trung Quốc, và Bắc Kinh quyết định triển khai các tàu ngầm của họ vượt qua chuỗi đảo thứ nhất ra ngoài đại dương xa xôi để chúng khó có thể bị khắc chế hơn?" – ông Clark nói.
"Nếu rơi vào tình huống ‘vùng xám’, chúng ta không thể bắn tàu ngầm Trung Quốc, trong khi lại không có năng lực cần thiết để theo dõi hết chúng, vì thế giờ đây mới có chuyện những chiếc tàu ngầm lớp Yuan [không rõ vị trí] đang quanh quẩn ở biển Philippine.
Các vị có thể rơi vào tình huống mà trong đó nếu quyết định làm theo thang tình hình, các vị sẽ phải lo ngại về những chiếc tàu ngầm lớp Yuan này và khả năng chúng bắn tên lửa hành trình vào tàu chiến của các vị".
"Bên cạnh đó, do ở trên sân nhà nên về cơ bản Trung Quốc có thể kiểm soát được tốc độ và cường độ của họ" – ông Clark cho hay.
Đây là chiến thuật mà Mỹ và các đối tác đã từng gặp phải. Bắc Kinh thường triển khai lực lượng hải cảnh để củng cố tuyên bố bành trướng ở Biển Đông và xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp với các tiền đồn quân sự trên đó để củng cố vị thế.
Tàu ngầm Trung Quốc và chiến thuật vùng xám: Đòn hiểm khiến Mỹ không thể nổ súng - Ảnh 6.
Tàu hải cảnh Trung Quốc đe dọa tàu cá Philippines hồi năm 2015. Ảnh: AP
Khi những con tàu này chạm trán Hải quân Mỹ, Trung Quốc thường lên tiếng chỉ trích Mỹ là bên gây hấn.
Tại vùng biển ngoài khơi Trung Quốc và xung quanh các đảo nhân tạo này, "Trung Quốc áp dụng chiến thuật này rất nhiều lần vì họ đang ở trên sân nhà và được bảo vệ bởi các cảm biến, cùng tên lửa của mình".
Những tình huống này có thể mang lại cho Trung Quốc lợi thế, nhưng sẽ không thay đổi được năng lực công nghệ của họ - đây là một thiếu sót có thể bị bộc lộ trong cuộc xung đột kéo dài.
"Liệu các tàu ngầm Trung Quốc, tương tự như tàu ngầm lớp Yuan với thời gian hoạt động hạn chế của động cơ AIP – có thể làm được điều gì đó trước khi cạn kiệt đạn dược, oxy và bắt đầu phải nổi lên hay không?" – Clark đặt câu hỏi.
Theo vị chuyên gia, nếu Mỹ và Nhật Bản có thể kiên nhẫn chờ đợi thì khi các tàu ngầm lớp Yuan buộc phải nổi lên hoặc di chuyển về cảng, chúng sẽ dễ bị tấn công hơn.
http://soha.vn/uu-viet-hon-tau-ngam-trung-quoc-nhung-tau-ngam-my-van-co-the-bi-danh-bai-20180912163204288.htm