Giữa lúc cuộc Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ đang diễn ra gay gắt, ngày 28/7 vừa qua, Tiến sỹ Cao Thiện Văn, nhà phân tích hàng đầu của Công ty “An Tín Chứng khoán” (Essence Securities) đã có bài diễn thuyết trong hơn 70 phút tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Công ty “Sơn Tây Chứng khoán”.
Bài nói với chủ đề chính là quan hệ Trung – Mỹ và Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ này lập tức được đưa lên Youtube và tràn lan các trang mạng. Nhiều ý kiến đánh giá: mức độ bạo dạn của Cao Thiện Văn khiến người ta “há hốc miệng”, nội dung “kích thích” nhất là ông Văn cho rằng: “Chúng tôi thì đã già rồi, coi như không tính đến, nếu lần này xử lý không tốt quan hệ Trung – Mỹ thì những người trẻ 30 tuổi trở xuống hãy gội đầu cho tỉnh ngủ, chuẩn bị sống những ngày khốn khổ”.
Ngay sau khi buổi lễ này kết thúc, trên mạng lập tức xuất hiện các đoạn ghi âm cùng đủ loại bài tốc ký, phân tích về nội dung diễn thuyết của Cao Thiện Văn. Nhìn chung các ý kiến bình luận đều đánh giá Cao Thiện Văn đã nói ra những vấn đề mà mọi người đang lo ngại, hàm lượng thông tin rất cao...
|
Với việc D. Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi
|
Theo nhận xét của một người được nghe Cao Thiện Văn diễn thuyết hôm 28/7 thì bài nói của ông có thể tóm lại gồm mấy vấn đề chính:
Thứ nhất, tiến hành cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ” (phi nghĩa) với Việt Nam khi xưa là bản lập công về ngoại giao khiến Mỹ chấp nhận Trung Quốc;
Thứ hai, mở cửa đối ngoại, bản chất cốt lõi là mở cửa với Mỹ; đó là quyết sách quan trọng của Đặng Tiểu Bình vào thời kỳ then chốt;
Thứ ba, sau khi Liên Xô giải thể, giá trị chiến lược của Trung Quốc đối với Mỹ giảm thấp, Đặng Tiểu Bình đề ra Phương châm 16 chữ “Bình tĩnh quan sát, giữ vững trận địa, ẩn mình chờ thời, quyết không đi đầu”; thực ra một lãnh tụ khác cũng đã đưa ra đề nghị tương tự “silence makes big money”.
Thứ tư, năm 2001, Trung Quốc gia nhập WTO, Clinton khiến giới chủ chính trị Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia có nền kinh tế thị trường tự do và quan niệm giá trị cũng tiếp cận tự do dân chủ kiểu Mỹ.
Thứ năm, 17 năm sau tỷ trọng kinh tế quốc doanh trong nền kinh tế Trung Quốc liên tục gia tăng, hình thái ý thức cũng ngày càng xa dần sự kỳ vọng của người Mỹ; ngày càng nhiều người Mỹ cảm thấy Clinton lừa họ, Trung Quốc đã từ đối tác biến thành đối thủ của Mỹ.
Thứ sáu, giờ đây nước Mỹ khí thế cuồn cuộn, chúng ta (Trung Quốc) chuẩn bị không đủ, cuộc giao tranh Trung – Mỹ lần này sẽ gây nêm hậu quả sâu xa cho Trung Quốc trong 30 tới 50 năm sau.
Thứ bảy, Nga – Mỹ gần đây ngày càng gần nhau, điều này phải hết sức cảnh giác.
Dưới đây, Viettimes xin trích dịch một số đoạn trong bài diễn thuyết dài 1 giờ 12 phút của ông Cao Thiện Văn:
Về quan hệ Trung – Mỹ trước kia và hiện nay
Cơ sở chính trị của việc duy trì mối giao lưu bình thường trong quan hệ Trung – Mỹ 40 năm qua nay đã không còn nữa. Quan hệ Trung – Mỹ sẽ bước vào thời kỳ vô cùng bất ổn, không xác định, đầy sự đối kháng trong thời gian dài, trung ương cần chuẩn bị tốt, đầy đủ cho điều này. Quay đầu lại xem xét thì thấy trung ương thực ra chưa chuẩn bị tốt, cho đến tận bây giờ có lẽ sự chuẩn bị của chúng ta vẫn chưa tốt. Ổn định Quan hệ Trung – Mỹ là ổn định đại cục cải cách mở cửa; khi Quan hệ Trung – Mỹ ổn định thì mọi việc khác trong nước khỏi lo.
|
TS Cao Thiện Văn: Đặng Tiểu Bình đem vận nước đánh bạc, rất mạo hiểm.
|
Từ đầu năm nay, xét về góc độ chính phủ trung ương và kinh tế vĩ mô Trung Quốc thì thấy, chúng ta gặp phải vấn đề khá lớn trên hai mặt: một là Quan hệ Trung – Mỹ xuất hiện cục diện chưa bao giờ có từ khi hai nước bắt đầu giao lưu năm 1972 đến nay; hai là chống đỡ giữ thăng bằng, may mà trong 2-3 tuần qua, trên tầng chính sách đã có sự điều chỉnh mạnh mẽ, tạm ổn định được thị trường, nhưng vẫn tồn tại tính không xác định rất lớn.
Năm nay là tròn 40 năm Trung Quốc cải cách mở cửa. Nhìn lại 40 năm qua, sự tiến bộ về phát triển kinh tế và kỹ thuật là điều ai cũng thấy rõ, nhưng rất ít người nghĩ kỹ lại cuối năm 1978 khi ông Đặng Tiểu Bình mới chủ trì công tác đã nghĩ gì, làm những gì ảnh hưởng đến quyết sách chiến lược lâu dài; những quyết sách đó đã đặt cơ sở quan trọng cho 40 năm phát triển tốc độ cao của chúng ta.
Đặng Tiểu Bình sau khi được phục hồi đã làm một việc, đó là quyết định tấn công Việt Nam, ảnh hưởng đến mấy chục năm lịch sử sau đó của Trung Quốc. Trước năm 1979, Trung Quốc đã bỏ nhiều công sức giúp Việt Nam đấu tranh chống Mỹ; trong một thời gian dài quan hệ Trung – Việt như anh em một nhà. Đặng Tiểu Bình từng nói, Trung Quốc mở cửa đối ngoại là mở cửa với Mỹ, chứ không với Liên Xô, không với châu Âu cũng không với Mỹ La tinh. Vấn đề là ở chỗ, tiền đề mở cửa với Mỹ là để Mỹ chấp nhận. Giữa Trung Quốc và Mỹ tồn tại rất nhiều vấn đề, bao gồm viện Triều chống Mỹ, giúp Việt Nam, làm sao Mỹ có thể chấp nhận Trung Quốc?
Đặng Tiểu Bình gây chiến tranh biên giới 1979 chính là lập công dâng lên Mỹ, khiến Mỹ vui vẻ giang rộng vòng tay và chấp nhận Trung Quốc. Sau khi Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ và hội đàm với Tổng thống Jimmy Carter, đã nói với Carter: chúng tôi quyết định đánh Việt Nam; sau đó Mỹ đưa cho một bản danh mục liệt kê những thứ trang bị quân sự Mỹ cung cấp cho Trung Quốc để gây chiến. Đẳng cấp của số viện trợ quân sự Mỹ giành cho Trung Quốc khi đó vượt quá đẳng cấp Mỹ dành cho các đồng minh của họ; Mỹ nhanh chóng nâng cấp Trung Quốc thành quan hệ hữu hảo phi đồng minh, cho Trung Quốc được hưởng đãi ngộ cao hơn cả các nước đồng minh trên nhiều phương diện.
Vì sao Mỹ lại làm như thế? Có hai nguyên nhân: Một là, Mỹ bị xơi quả đắng ở Việt Nam nên căm thù; hai là, Mỹ và Liên Xô nước lửa không dung nhau về ý thức hệ, Việt Nam là anh em của Liên Xô; Trung Quốc phát động cuộc chiến biên giới năm 1979 cho thấy sự cắt đứt của Trung Quốc với Liên Xô và chuyển hướng sang Mỹ. Điều này đã đặt cơ sở nền móng cho cải cách mở cửa của Trung Quốc; vì vậy cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình không phải được quyết định sau khi suy nghĩ giản đơn, mà là xem xét toàn diện cục diện toàn cầu và có sự mạo hiểm nhất định.
|
Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ năm 1979
|
Liên Xô không động binh với Trung Quốc bởi vì binh lực của họ bố trí ở biên giới Trung – Xô rất mỏng; kỳ thực Liên Xô không hiểu rõ về quan hệ Trung – Mỹ, sợ ném chuột vỡ bình quý, không dám ra tay hành động. Về phía Trung Quốc mà xét, đó là Đặng Tiểu Bình đem vận nước đánh bạc, rất mạo hiểm.
Việc khôi phục sự giao lưu Trung – Mỹ là sự lựa chọn được đưa ra dưới thời Mao Chủ tịch, nhưng Trung – Mỹ không bước vào thời kỳ trăng mật. Bàn tay của Đặng Tiểu Bình đã nhanh chóng thúc đẩy Quan hệ Trung – Mỹ tới mức độ rất cao. Nếu nhìn nhận lại 40 năm bang giao Trung – Mỹ, chúng ta có thể thấy có 2 bước ngoặt quan trọng đều liên quan chặt chẽ đến Đặng Tiểu Bình.
Bước ngoặt thứ nhất là lập quan hệ Trung – Mỹ, Trung Quốc và thế giới phương Tây đều khôi phục được giao lưu, bao gồm cử lưu học sinh, mua kỹ thuật tiên tiến, Với sự giải thể Liên Xô, Mỹ giành được thắng lợi triệt để trong Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc là quân cờ của Mỹ để đối phó Liên Xô, tính chiến lược quan trọng nhanh chóng giảm đi, quan hệ Trung – Mỹ lại đứng trước sự lựa chọn mới, Trước sự tan vỡ của Liên Xô, Đặng Tiểu Bình đã đề ra chỉ thị 16 chữ quan trọng cho trung ương “Bình tĩnh quan sát, giữ vững trận địa, ẩn mình chờ thời, quyết không đi đầu”.
Sách lược đó đã làm cho Trung Quốc trong suốt thời gian dài không bị trở thành đối thủ cạnh tranh của Mỹ; nếu đặt 16 chữ đó vào tình thế hiện nay mà xem xét thì cũng đặc biệt có ý nghĩa. Bước ngoặt thứ hai là, năm 1992, Đặng Tiểu Bình tuần thị phía Nam đã mở ra chương mới cho cải cách mở cửa, công cuộc cải cách mở cửa này có tác dụng rất quan trọng cho việc thúc đẩy quan hệ Trung – Mỹ.
Giở lại lịch sử nước Mỹ mà xem xét thì thấy, Mỹ có tình tiết truyền giáo thâm căn cố đế, nước Mỹ được lập nên bởi các tinh anh người da trắng. Mỹ hy vọng quảng bá quan niệm giá trị và lối sống của họ ra phạm vi toàn cầu; nếu quốc gia nào chấp nhận, ít nhất muốn tiếp cận hình thái ý thức của Mỹ, Mỹ sẽ vui lòng coi họ là bạn và giao lưu bình thường và giúp đỡ nước đó.
Sau đó chúng ta tiếp tục tìm hiểu chuyến Nam tuần của Đặng Tiểu Bình, xác lập mục tiêu của kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, phóng tay phát triển và khuyến khích kinh tế phi công hữu, cho chủ thể kinh tế được sự tự do lựa chọn lớn hơn. Điểm này, xét từ phía các chiến lược gia nước Mỹ và các tinh anh người da trắng thì là sự tiếp cận hình thái ý thức của Mỹ. Điều này khiến quan hệ Trung – Mỹ bước vào thời kỳ trăng mật mới, đó là sự lựa chọn trọng đại do Đặng Tiểu Bình quyết định.
|
TS. Văn: Nếu hôm nay Mỹ không áp dụng biện pháp trừng phạt, thì sau này có lẽ Mỹ sẽ mất cả cơ hội lẫn năng lực kiềm chế Trung Quốc.
|
Năm 2001, khi Mỹ quyết định để cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, Tổng thống Clinton nói: với việc Trung Quốc tiếp cận kinh tế thị trường, nhân dân Trung Quốc không những có quyền mơ ước mà còn có cơ hội và con đường để thực hiện ước mơ đó; sự thay đổi này tất sẽ mang lại kinh tế phồn vinh; sau khi kinh tế phồn vinh, về chính trị họ cũng sẽ đòi hỏi quyền phát ngôn lớn hơn; đó là mục tiêu mà Mỹ kiên định thúc đẩy.
Quan điểm đó của Clinton đại diện cho quan điểm của giới tinh anh da trắng Mỹ, quan hệ Trung – Mỹ ở vào thời kỳ hòa hợp chưa từng thấy. Sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, quan hệ thương mại với Mỹ mật thiết như thế, nhưng không xảy ra những va chạm, chủ yếu là vì giới tinh anh Mỹ vẫn có hy vọng đối với Trung Quốc; trong số hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ có rất nhiều thứ do các công ty Mỹ ở Trung Quốc sản xuất; các chiến lược gia Mỹ đều nói hãy cho Trung Quốc chút thời gian.
Thế nhưng hiện nay, nhận thức chung của giới tinh anh chính ở Mỹ là: khi xưa Clinton đã hứa hẹn và dao động quá nhiều. Đặc biệt là mấy năm qua, với sự chi phối của thành phần kinh tế quốc doanh ngày càng gia tăng ở Trung Quốc. Dưới con mắt họ, những lời hứa của ông Clinton khi trước đã không thực hiện được, trái lại còn tạo nên một kẻ thù đáng sợ cho nước Mỹ; kẻ thù đáng sợ này về chính trị đang mạnh bước đi về hướng ngược lại với người Mỹ đã chọn; nếu hiện nay không áp dụng biện pháp, thì sau này có lẽ Mỹ sẽ mất cả cơ hội lẫn năng lực kiềm chế Trung Quốc.
Lúc này các thương gia Mỹ đang làm gì? Họ đều chú ý vào văn phòng đại diện đàm phán mậu dịch Mỹ, yêu cầu áp dụng biện pháp cứng rắn với Trung Quốc; họ đề xuất đòi thoát khỏi tình trạng cạnh tranh không công bằng, họ không được đối xử công bằng ở Trung Quốc, thậm chí các xí nghiệp 100% vốn cũng bị cưỡng chế yêu cầu thành lập tổ chức đảng, họ không có khả năng đối kháng chính phủ Trung Quốc.
Gây chiến tranh thương mại, lợi ích của Mỹ cũng bị thiệt hại, người phụ trách Hiệp hội đậu tương Mỹ nói có thể hiểu được sự lựa chọn của Tổng thống, có thể hy sinh vì lợi ích quốc gia. Ai nói dân chúng Mỹ đều là nhà buôn? Ai nói họ không có tình cảm? Ai nói họ không có trách nhiệm?
Cả Thượng và Hạ nghị viện Mỹ đều thông qua Luật Du lịch Đài Loan với 100% số phiếu thuận, khuyến khích chính phủ Mỹ có sự giao lưu chính thức cấp cao với Đài Loan. Nghe nói, cuộc diễn tập quân sự Vành đại Thái Bình dương của Mỹ đã nghiêm túc xem xét việc mời quân đội Đài Loan tham gia. Hiện nay Mỹ dùng Đài Loan để đánh ta mà ta không có cách gì.
Vào tuần trước, các ông Donald Trump và Putin đã có cuộc hội đàm bí mật, sau khi kết thúc thì nhanh chóng lan truyền tin nói Mỹ rất có thể sẽ “Liên Nga chế Trung”. Các tinh anh của Nga khi suy nghĩ về việc vì sao Liên Xô tan rã đều có một nhận thức chung rất quan trọng là: sở dĩ Liên Xô tan vỡ là do Trung Quốc phản bội, Trung Quốc đã đâm sau lưng Liên Xô, nhận thức chung này là rất chính xác; tổng lượng kinh tế của Nga chỉ có 1 ngàn tỷ USD, không bằng tỉnh Quảng Đông.
Quan hệ Trung – Mỹ là vấn đề toàn cục, e rằng sẽ ảnh hưởng tới 30 – 50 năm sau. Mỹ đã dùng khoảng 50 năm từ 1945 tới 1991 để đánh sụp Liên Xô, giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh. Mỹ cũng có quyết tâm dành ra 50 năm để dìm Trung Quốc khi ta chưa có đủ năng lực thách thức Mỹ. Lúc này không dìm Trung Quốc thì sau này Mỹ chẳng còn có cơ hội; 20 năm sau tổng lượng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ gấp Mỹ 1,5 lần; đến 2028, tổng lượng kinh tế Trung – Mỹ khoảng 30 ngàn tỷ USD; theo quy hoạch “Made in China 2025”, rất nhiều kỹ thuật của chúng ta sẽ rất tiếp cận Mỹ; cho nên Mỹ phải nhân lúc này để dìm Trung Quốc.
|
Cao Thiện Văn: Đối với những người trẻ từ 30 tuổi trở xuống, nếu lần này sai thì chỉ còn cách gội đầu cho tỉnh ngủ rồi chuẩn bị sống những ngày khốn khổ.
|
Các chiến lược gia của lãnh đạo Trung Quốc lúc này cần thể hiện được đảm lược, kiến thức và bàn tay của Đặng Tiểu Bình 40 năm trước. Trung Quốc có lựa chọn đúng đắn hay không cần phải chờ đợi. Nhớ lại từ Chiến tranh Thuốc phiện tới nay, các bước ngoặt lịch sử liên tiếp xuất hiện, Trung Quốc toàn lựa chọn sai lầm (năm 1949 cùng Liên Xô hay Phong trào theo Tây thời Mãn Thanh), ngoại trừ 2 lần đúng do Đặng Tiểu Bình lựa chọn (tức đề ra Phương châm 16 chữ và Cải cách mở cửa). Đối với những người trẻ từ 30 tuổi trở xuống, nếu lần này sai thì chỉ còn cách gội đầu cho tỉnh ngủ rồi chuẩn bị sống những ngày khốn khổ.
Trong lịch sử lâu dài của mình, Trung Quốc từng sáng tạo nền văn minh cổ đại sán lạn; cho đến 1842 khi tiếp xúc toàn diện với thế giới phương Tây và định du nhập hiện đại hóa thế giới phương Tây thì con đường này vô cùng gian nan. Vì sao vậy? Tôi cho rằng có một điểm liên quan đến phương thức tư duy của người Trung Quốc và cách nhìn nhận thế giới của người Trung Quốc không giống như cách nhìn nhận thế giới của người phương Tây.
Người phương Tây nhìn nhận thế giới có hai công cụ cơ bản. Một là, quan sát và đánh giá thế giới một cách khách quan; hai là, trên cơ sở đó suy ra để hiểu thế giới một cách nghiêm cẩn và logic. Còn người Trung Quốc hiểu thế giới, bao gồm cả tầng lớp tinh anh được giáo dục, thì nhận thức thế giới qua hai cột trụ: một là thuyết âm mưu, không tĩnh tâm bình khí xem xét thế giới một cách khách quan; thứ hai là dùng so sánh để lý giải thế giới, giống như cân đo. Các quan chức thị trường thì hiểu như nhận nước và xả nước, dùng cách đó để lý giải thế giới có vấn đề rất lớn là rất không chính xác, bỏ qua nhiều tình tiết phức tạp, nhiều lúc chắp vá, râu ông nọ cắm cằm bà kia…
Trong danh sách bị áp thuế có những sản phẩm Trung Quốc căn bản không xuất khẩu sang Mỹ, ví dụ như máy bay loại lớn, Mỹ đánh thuế thì có thể hiểu được; nhưng Trung Quốc hãy còn chưa chế tạo được máy bay của mình thì Mỹ đã bắt đầu tăng thuế. Vì vậy, chiến lược “Made in China 2025” khiến lợi ích quốc gia Mỹ cũng bị Trung Quốc thách thức.
Tiến sỹ Cao Thiện Văn, kinh tế gia của Công ty “An Tín Chứng khoán” (Essence Securities). (Ảnh: Internet)
Nỗi lo sâu sắc về va chạm mậu dịch Trung – Mỹ
Với việc gia tăng về thực lực nền kinh tế và sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc, kinh tế thế giới đang không tránh khỏi việc xuất hiện cục diện G2 (tức 2 siêu cường kinh tế Mỹ và Trung Quốc). Điều này hình thành thách thức lớn đối với hệ thống quản lý kinh tế toàn cầu hiện nay; sự va chạm giữa Trung – Mỹ và nguy cơ tiềm tàng về một cuộc xung đột giữa hai nước khó tránh khỏi.
Lợi ích quốc gia của Mỹ có lẽ được phân chia và hiểu theo 3 tầng thứ sau: một là, bảo vệ và mở rộng ý thức hình thái, quan niệm giá trị và lối sống Mỹ; hai là, luôn giữ vững địa vị dẫn đầu, thậm chí duy trì ưu thế áp đảo của Mỹ về kỹ thuật cốt lõi và năng lực quân sự; ba là, bảo vệ và thúc đẩy trên toàn cầu hoạt động thương mại của các công ty Mỹ.
Về mặt hình thái ý thức, Trung Quốc dần dần xa rời sự kỳ vọng của Mỹ; chiến lược “Made in China 2025” đã thách thức ưu thế của Mỹ trên lĩnh vực kỹ thuật cốt lõi; mô thức hoạt động kinh tế do chính phủ chủ đạo của Trung Quốc ngày càng uy hiếp mô thức kinh tế tự do của Mỹ và cạnh tranh địa vị của các công ty Mỹ. Đó chính là nguyên nhân sâu xa khiến sự va chạm trong lĩnh vực kinh tế, mậu dịch giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gay gắt.
Tương lai của quan hệ kinh tế, mậu dịch Trung – Mỹ ngày càng theo hướng không xác định, viễn cảnh đáng lo ngại là đang chuyển từ toàn cầu hóa sang vỡ vụn hóa; là chuyển từ cục diện hòa hợp trên các lĩnh vực đầu tư, chuyển nhượng kỹ thuật, lưu chuyển nhân tài giữa hai bên, sang cục diện không ngừng tách xa trong tương lai.
Cảnh báo nguy cơ: va chạm mậu dịch Trung – Mỹ gia tăng, phục hồi kinh tế toàn cầu bị đình trệ
Quan hệ Trung – Mỹ là mối quan hệ phức tạp nhất trên thế giới hiện nay. Va chạm mậu dịch Trung – Mỹ liên quan đến vấn đề pháp luật, vấn đề kinh tế mậu dịch và toàn cục quan hệ hai nước. Trong đó bất cứ lĩnh vực nào cũng cần phải tích lũy kiến thức lâu dài, cần phải có chuyên môn cao mới có thể đi sâu phân tích và bình luận được.
Đối với tôi (Cao Thiện Văn), khi nghiên cứu trong thời gian dài về thương nghiệp trong lĩnh vực vĩ mô kinh tế kinh tế thị trường tư bản, không có đủ tích lũy kiến thức về những mặt đó, đột nhiên gặp phải vấn đề này, bản thân tôi tựa hồ rất bỡ ngỡ.
Có một dịp quan trọng là vào đầu năm nay, nhận lời mời của Diễn đàn 40 nhân sỹ giới tiền tệ Trung Quốc (CF40), tôi cùng họ tiến hành một chuyến đi tới Washington. Trong chuyến đi này, tôi đã đến thăm các cơ quan nghiên cứu độc lập chủ yếu và những cơ quan quyết sách kinh tế Mỹ. Cũng trong chuyến đi này chúng tôi thấy việc Mỹ quyết sách tiến hành chiến tranh thương mại đánh Trung Quốc đã đi đến giai đoạn cuối cùng, Nhận thức chung của mọi người không phải là liệu có xảy ra một cuộc xung đột mậu dịch không, mà là quan tâm xem Trung Quốc sẽ phản kích thế nào.
Thế nhưng, khi xuất phát từ Bắc Kinh, tôi đã lưu ý thấy truyền thông và các quan chức trong nước đã công khai cho thấy có vẻ họ không hề chuẩn bị tư tưởng cho va chạm mậu dịch hay cuộc chiến tranh thương mại đã cận kề. Mọi người phổ biến cảm thấy quan hệ Trung – Mỹ tuy không phải là tốt, nhưng về tổng thể vẫn có thể quản lý và ở trong quỹ đạo bình thường.
Điều này khác hẳn những tình hình và thông tin chúng tôi thấy được ở Washington và mặc dù hiện nay tiêu điểm của báo chí và dư luận Trung Quốc đều tập trung vào vấn đề thuế quan và mậu dịch, nhưng thực tế khi đó ở Washington chúng tôi đã thấy một loạt hành động mà Mỹ ra tay với Trung Quốc lần này rõ ràng không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế.
Quốc hội Mỹ gần đây đang tiến hành một loạt cuộc biện luận về Ủy ban đầu tư nước ngoài Mỹ (Committee on Foreign Investment in the United States – CFIUS) và đang tiến hành hàng loạt sửa đổi quan trọng về dự luật đầu tư của công ty nước ngoài tại Mỹ. Các cơ quan nghiên cứu và quan chức Mỹ đều không giấu diếm: những sửa đổi của CFIUS đều nhằm vào Trung Quốc. Ngoài CFIUS, trong một số lĩnh vực nhạy cảm khác trong quan hệ Trung – Mỹ, trên thực tế Mỹ đều có hành động đụng chạm đến lằn ranh giới hạn của Trung Quốc, ví dụ việc ban hành Luật du lịch Đài Loan chẳng hạn.
Những điều đó hoàn toàn khác với những thông tin về va chạm giữa hai nước Trung – Mỹ chủ yếu là thuế quan mà chúng tôi biết được qua báo chí khi còn ở trong nước. Về nguyên nhân, chúng tôi xin thảo luận trên một số vấn đề cơ sở nhất trong quan hệ mậu dịch Trung – Mỹ sau:
1. Nguồn gốc va chạm mậu dịch quốc tế (……)
2. Nhìn lại lịch sử phát triển mậu dịch toàn cầu (…….)
3. Hệ thống quản lý kinh tế toàn cầu lấy Mỹ làm trung tâm (…….)
4. Thời đại G2, nguyện vọng và năng lực của Mỹ tiếp tục duy trì hệ thống quản lý kinh tế toàn cầu đều đang suy giảm
Hiện nay toàn cầu đã bước vào thời đại G2. Đến sau năm 2030, tổng lượng kinh tế Trung Quốc sẽ lớn hơn Mỹ, sự thay đổi đó tựa hồ không thể đảo ngược được. Ảnh hưởng quan trong nhất của việc thế giới bước vào thời đại G2 là: cả nguyện vọng và năng lực của Mỹ đối với việc tiếp tục duy trì hệ thống quản lý kinh tế toàn cầu hiện nay đều đang suy giảm, chí ít là về giới hạn.
Trung Quốc có cách nghĩ độc đáo về hệ thống quản lý kinh tế toàn cầu hiện nay và ở mức độ nhất định cũng có năng lực, chí ít là có thể thay đổi về giới hạn thực tế. Ví dụ: lập Ngân hàng đầu tư phát triển châu Á, ra chiến lược “một vành đai, một con đường”, quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ…đều muốn thay đổi hệ thống quản lý kinh tế toàn cầu, chí ít là về giới hạn.
|
TS. Cao Thiện Văn. (Ảnh: Internet)
|
Cho nên cốt lõi của xung đột Trung – Mỹ là ở chỗ tổng lượng kinh tế Trung Quốc gần tương đương Mỹ; đặc biệt là chúng ta nhìn về tương lai 20 năm sau, tổng lượng kinh tế Trung Quốc sẽ còn lớn hơn Mỹ. Năng lực và nguyện vọng của Mỹ duy trì giới hạn đang giảm sút trong khi nguyện vọng và năng lực của Trung Quốc muốn thay đổi hệ thống này đang tăng lên; hơn nữa phương hướng thay đổi hệ thống quản lý của Trung Quốc rất khác phương hướng lạc quan nhất của người Mỹ.
Trong bối cảnh đó, đã xuất hiện một loạt vấn đề mà chúng ta đang nhìn thấy và sẽ tiếp tục tồn tại trong cuộc tranh chấp Trung – Mỹ suốt thời gian dài tới đây… ….
Tôi cho rằng, lợi ích quốc gia của Mỹ có thể phân làm 3 tầng.
Tầng thứ nhất là bảo vệ hình thái ý thức, quan niệm giá trị và lối sống của Mỹ và mở rộng quảng bá ra phạm vi toàn cầu. Chính sách ngoại giao của Mỹ có mặt thực dụng, cũng có mặt lý tưởng, tóm lại là dao động giữa chủ nghĩa thực dụng và lý tưởng, nhưng phần lớn thời gian là thực dụng; nhưng khi thực dụng chiếm ưu thế thì sẽ biến thành lý tưởng…
Tầng thứ hai, là bảo đảm để Mỹ dẫn đầu, thậm chí là ưu thế mang tính áp đảo về kỹ thuật hạt nhân và sức mạnh quân sự. Chỉ khi Mỹ có được ưu thế đó thì họ mới có năng lực bảo vệ hình thái ý thức của họ và mới quảng bá được hình thái ý thức của họ.
Tầng thứ ba, là để thương gia Mỹ được tự do làm ăn trên phạm vi toàn cầu, được các nước đối xử công bằng, bảo đảm cho lợi ích của họ được bảo vệ đầy đủ. Lợi ích của thương gia Mỹ ở nước khác bị xâm hại thì có thể tìm đến lãnh sự quán hay hội kinh doanh Mỹ, chính phủ Mỹ sẽ đứng ra can thiệp, mục đích là đảm bảo cho thương gia Mỹ được đối xử công bằng ở đó. Nếu họ không được đối xử công bằng, thì Mỹ sẽ khuyên bảo chính phủ quốc gia đó; nếu không sẽ dùng phương pháp khác để trừng phạt hoặc trả thù.
Sau khi đã hiểu về 3 tầng lợi ích này, chúng ta quay lại tranh chấp Trung – Mỹ trong cục diện G2 toàn cầu thì có thể nói rằng: trong 3 tầng đó, dưới con mắt người Mỹ, Trung Quốc đều đã hình thành những thách thức không thể xem thường đối với Mỹ.
Ở tầng thứ nhất, tức hình thái ý thức, người Mỹ cho rằng, với việc gia nhập WTO, kinh tế Trung Quốc ngày càng thị trường hóa và tăng trưởng rất nhanh, Trung Quốc sẽ trở nên ngày càng tiếp cận, tôn trọng và chấp nhận hình thái ý thức của Mỹ. Đó là điều bí mật được công khai của người Mỹ. Thế nhưng hiện nay giới tư tưởng chiến lược Mỹ bắt đầu nhận thấy, mặc dù kinh tế Trung Quốc sau khi gia nhập WTO ngày càng lớn mạnh, nhưng Trung Quốc không tiếp thụ và chấp nhận hình thái ý thức của Mỹ; trái lại, đang dần dần xa rời phương hướng mà Mỹ kỳ vọng. Điều này khiến họ cảnh giác, suy nghĩ lại và bắt đầu ảnh hưởng đến nhiều mặt trong chính sách đối với Trung Quốc.
Trong tầng thứ 2, tức bảo đảm kỹ thuật để Mỹ có được địa vị dẫn đầu và ưu thế áp đảo, Mỹ cũng đang bị thách thức mạnh mẽ. Chiến lược “Made in China 2025” liệt kê ra những ngành nghề mới, bao gồm người máy cơ khí, ô tô điện, hàng không…đều là liên quan đến kỹ thuật mới tương lai, là phương hướng chiến lược quan trọng nhất dẫn dắt kinh tế tăng trưởng.
Trong những lĩnh vực này, Mỹ có được những thứ của các nước khác trên thế giới và hy vọng tiếp tục có được ưu thế có tính áp đảo. Đó là cơ sở kỹ thuật để Mỹ có thể hùng mạnh. Nhưng Mỹ nhận thấy Trung Quốc thông qua chiến lược “Made in China 2025” đang dần dần nhanh chóng tăng tốc đuổi và thách thức ưu thế kỹ thuật của Mỹ; họ lo ngại Trung Quốc trong tương lai sẽ đạt được điểm này, cho nên bắt đầu tăng thuế, xem xét hạn chế đầu tư và chuyển nhượng kỹ thuật quanh danh sách “Made in China 2025”, rồi hoạch định chính sách bao vây, chèn ép thêm.
Trong danh sách đó có những sản phẩm Trung Quốc căn bản không xuất khẩu sang Mỹ, ví dụ như nếu xuất máy bay loại lớn, Mỹ đánh thuế thì có thể hiểu được; nhưng Trung Quốc hãy còn chưa chế tạo được máy bay của mình thì Mỹ đã bắt đầu tăng thuế. Vì vậy trong tầng thứ 2, chiến lược “Made in China 2025” khiến lợi ích quốc gia Mỹ cũng bị Trung Quốc thách thức.
Trong tầng thứ 3, cũng là tầng thực dụng chủ nghĩa nhất, Trung Quốc cũng bắt đầu xâm nhập đe dọa và thách thức lợi ích thương mại của Mỹ. Ví dụ, điển hình là thái độ của các Hiệp hội thương nhân Mỹ và cả châu Âu đối với Trung Quốc cũng oán trách môi trường kinh doanh của Trung Quốc thay đổi; từ đó thúc đẩy chính phủ Mỹ đưa ra một loạt yêu cầu về chính sách với Trung Quốc, như cạnh tranh công bằng, bình đẳng, cùng có lợi…
Chế độ kinh tế Mỹ là một loại chế độ kinh tế tự do, chính phủ là người canh giữ cho thị trường, duy trì trật tự; công ty sản xuất gì, sản xuất bao nhiêu, dùng kỹ thuật gì sản xuất đều là việc của nhà tư bản và hệ thống ngân hàng, chính phủ không can dự vào. Kinh tế Mỹ, Anh đã hình thành, phát triển dưới mô thức đó trong mấy trăm năm qua.
Mô thức kinh tế thị trường của Trung Quốc là chế độ kinh tế thị trường dưới sự chủ đạo của chính phủ. Học giả Mỹ chụp cho Trung Quốc một cái mũ gọi là “Chủ nghĩa tư bản nhà nước”. Hai chế độ này (tức kinh tế thị trường và chính phủ giữ vai trò chủ đạo) rất không ăn nhập với nhau. Với việc kinh tế Trung Quốc về mặt kỹ thuật ngày càng phức tạp hóa, quy mô ngày càng rộng lớn, thì sự xung đột giữa hai bên sẽ ngày càng ác liệt./.
Nguyên nhân căn bản của cuộc xung đột Trung – Mỹ ngày càng gay gắt là bởi: dưới con mắt các công ty Mỹ, chính phủ Trung Quốc đã đứng sau các công ty nước mình, chính phủ và công ty buộc chặt vào nhau, không thể tách rời.
TS Cao Thiện Văn: Tương lai của quan hệ kinh tế mậu dịch Trung – Mỹ chứa đầy tính không xác định
Xung đột giữa hai mô thức kinh tế
Trong cạnh tranh, chính phủ Trung Quốc thông qua chính sách nghề nghiệp, trợ cấp, hạn chế nhập khẩu, cho vay lãi suất thấp, thậm chí cả trực tiếp đặt hàng để ủng hộ công ty của mình. Điều này khiến các công ty Mỹ ở vào địa vị cạnh tranh bất lợi trong thị trường Trung Quốc và cả thế giới.
Ví dụ rõ nhất là trong ngành sản xuất điện mặt trời. Ban đầu cả Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều bắt đầu thử làm tấm pin mặt trời, cùng nhau cạnh tranh. Nhưng khi các công ty Mỹ và châu Âu làm, các chủ công ty phải bỏ tiền túi ra để đầu tư, thì phía sau công ty Trung Quốc có chính sách sản nghiệp, được chính phủ trợ cấp nhiều tiền lại còn được ngân hàng cho vay với lãi suất thấp. Kết quả là, do chính phủ trợ cấp quá lớn nên hình thành số lượng quá dư thừa.
|
TS Cao Thiện Văn: Nếu chính sách sản nghiệp của Trung Quốc làm sai thì các công ty Trung Quốc sẽ chết
|
Sau khi nền kinh tế lớn như Trung Quốc sản xuất dư thừa ắt sẽ xuất khẩu ra toàn cầu; các nhà chế tạo Mỹ phải đương đầu với các sản phẩm giá rẻ cạnh tranh. Cứ như thế, sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc đã đánh bật các hãng sản xuất pin mặt trời của Mỹ và châu Âu ra khỏi thị trường. Mặc dù thua trong cạnh tranh, nhưng họ cho rằng đó là do cạnh tranh không công bằng, dù thua nhưng họ không tâm phục khẩu phục.
Không ai nói trước được sự phát triển của kỹ thuật trong tương lai sẽ ra sao. Trong quá trình cạnh tranh đó, nếu chính sách sản nghiệp của Trung Quốc làm đúng thì các công ty Mỹ, châu Âu không có cửa cạnh tranh được với Trung Quốc vì họ đã chậm hơn ngay từ tuyến xuất phát.
Trung Quốc có đủ các sản phẩm giá rẻ xuất ra thị trường quốc tế khiến các công ty Mỹ, Âu phá sản, các công ty Trung Quốc đã lũng đoạn thị trường. Đợi đến khi đạt tới quy mô đầy đủ, các công ty Trung Quốc bắt đầu hốt tiền thì các công ty Âu, Mỹ chả còn cửa mà bước vào thị trường nữa.
Nếu chính sách sản nghiệp của Trung Quốc làm sai thì các công ty Trung Quốc sẽ chết; nhưng khi các công ty này của Trung Quốc chết thì cũng đồng thời kéo các công ty liên quan của Âu, Mỹ sụp đổ theo…
Một ví dụ nữa là ngành công nghiệp sắt thép. Sản lượng sắt thép Trung Quốc quá dư thừa, nghiêm trọng nhất trong mọi ngành nghề. Năng lực sản xuất sắt thép của Trung Quốc chiếm khoảng một nửa của thế giới. Ngành sản xuất sắt thép Trung Quốc tồn tại vấn đề sản xuất quá dư thừa, kết quả khiến giá sắt thép toàn thế giới bị đẩy xuống mức rất thấp, các hãng sản xuất sắt thép Mỹ, Nhật đều rất khó sống.
|
Tương lai quan hệ Trung - Mỹ trở nên khó đoán định
|
Nhưng vì sao sản lượng sắt thép Trung Quốc lại quá dư thừa như vậy? Đó là vì trong lĩnh vực này Trung Quốc có quá nhiều xí nghiệp quốc doanh. Kinh doanh của các xí nghiệp loại này khó duy trì, nhưng thông qua sáp nhập hoặc rót vốn vẫn tiếp tục sống được, tuy khá yếu ớt so với sự trói buộc của thị trường; cho dù nguồn tài chính của chúng không phải là vô hạn, nhưng cũng vượt xa phạm vi vốn của một công ty bình thường.
Do đó tuy sản lượng quá thừa nhưng các công ty này vẫn miễn cưỡng tồn tại được. Sắt thép Trung Quốc bán giá rất rẻ khiến sản phẩm của các công ty Mỹ không thể tiêu thụ được, đành phải đóng cửa sụp đổ. Các hãng Mỹ bị đóng cửa không cam chịu, vì họ thua không phải do ưu thế kỹ thuật hay quản lý, mà do chính phủ Trung Quốc đứng sau ủng hộ các công ty Trung Quốc dẫn đến việc các công ty Mỹ phá sản. Họ cho rằng mình đã bị cạnh tranh không công bằng.
Ví dụ nữa là máy bay loại lớn. Hiện nay Trung Quốc chưa có được giấy phép (chế tạo) máy bay khách loại lớn, nhưng đã có hơn 800 đơn đặt hàng. Nếu máy bay C919 của Trung Quốc là sản phẩm của một công ty tư nhân hoàn toàn hay một công ty cạnh tranh theo quy tắc thị trường Âu, Mỹ thì liệu có nhận được nhiều đơn đặt hàng như thế không? Đối với các công ty Boeing và Airbus họ có thể coi hành vi giành được đơn đặt hàng đó của C919 là cạnh tranh không công bằng.
Nếu Trung Quốc có thể xuất khẩu số lượng lớn máy bay chở khách lớn giá rẻ ra thị trường quốc tế thì Boeing và Airbus có thể phải đóng cửa vì bị cạnh tranh về giá cả. Cả Boeing và Airbus đều cảm thấy đó là sự cạnh tranh không công bằng; nhưng nếu họ kiện Trung Quốc ra WTO thì sẽ thấy Trung Quốc không vi phạm bất cứ quy tắc nào trong hiệp nghị của WTO.
|
Công nghiệp điện mặt trời Trung Quốc đã bức tử các công ty cùng loại của Âu, Mỹ
|
Khi Trung Quốc gia nhập WTO chưa có bất cứ quy định nào về xí nghiệp quốc doanh, chính sách sản nghiệp, chính phủ trợ cấp; vì khi đó trong ý thức của người Mỹ chưa hề có khái niệm thể chế kinh tế thị trường dưới sự chủ đạo của chính phủ. Cho nên, ở tầng thứ thấp, hạt nhân của xung đột Trung – Mỹ, tôi cho rằng chính là sự xung đột giữa hai mô thức kinh tế.
Kinh tế Mỹ là kinh tế thị trường tự do, WTO được xây dựng trên các quy tắc của kinh tế thị trường tự do; Trung Quốc là kinh tế thị trường dưới sự chủ đạo của chính phủ. Sự vận hành của hai chế độ này không giống nhau và không dung hòa nhau. Trong cạnh tranh, bất cứ một công ty đơn lẻ nào (của Mỹ) bị công ty quốc doanh Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp cũng đều sẽ lâm vào địa vị rất bị động…
Xu hướng quan hệ Trung – Mỹ tới đây
Sau khi thảo luận xong những vấn đề này, chúng ta có thể dễ dàng biết và hiểu được: thực thi đường lối cứng rắn về kinh tế mậu dịch với Trung Quốc là nhận thức chung của cả 2 đảng (Cộng hào và Dân chủ) trên chính trường Mỹ, được sự ủng hộ rộng rãi trong Quốc hội và ngày càng nhận được sự ủng hộ rộng lớn trong xã hội Mỹ.
Nhìn lại lịch sử hơn 40 năm khôi phục giao lưu Trung – Mỹ thì thấy: từ 1972 – 1992, cơ sở chính trị của quan hệ Trung – Mỹ là đối kháng Liên Xô, cho nên giữa hai nước dù tồn tại bất đồng trong nhiều lĩnh vực, nhưng quan hệ hai nước đến rất gần nhau, rất nhiều lưu học sinh tới Mỹ học tập, kinh tế có thể giao lưu bình thường.
|
Sắt thép Trung Quốc dư thừa quá nhiều đã khiến nhiều công ty Âu, Mỹ phá sản
|
Từ 1992 đến 2012, giới tư tưởng chiến lược Mỹ hy vọng lôi kéo Trung Quốc vào hệ thống kinh tế do Mỹ chủ đạo và nuôi hy vọng Trung Quốc sẽ biến đổi trở nên thị trường hóa hơn, tiếp cận hình thái ý thức Mỹ hơn. Đối với các thương gia Mỹ, thị trường Trung Quốc rộng lớn, có thể khiến họ giành được lợi ích thương mại lớn; đồng thời khi đó kỹ thuật của Trung Quốc hoàn toàn không thể trở thành mối đe dọa đối với Mỹ; cho nên giới tư tưởng chiến lược và giới công thương Mỹ đều ủng hộ tiếp xúc với Trung Quốc; Hội thương gia Mỹ có thái độ hữu nghị với Trung Quốc, quan hệ kinh tế mậu dịch là hòn đá tảng trong quan hệ Trung – Mỹ.
Từ năm 2012 đến nay, những hòn đá tảng đó đã lung lay, chống Trung Quốc đang trở thành nhận thức chung của giới chính trị Mỹ. Tóm lại, 3 thế lực chính trị trong nước Mỹ đều nhất trí cao trong việc phản đối Trung Quốc.
Thế lực chính trị thứ nhất là giới tư tưởng chiến lược Mỹ. Họ cho rằng hình thái ý thức của Trung Quốc ngược với Mỹ, chính sách đối với Trung Quốc trước đây đã thất bại. Thế lực thứ hai là công nhân công nghiệp vùng Rust Belt (khu vực tập trung ngành công nghiệp chế tạo ở Mỹ); họ cho rằng sau khi Trung Quốc gia nhập hệ thống kinh tế toàn cầu đã nhận được số lượng lớn công việc chế tạo khiến họ bị thất nghiệp. Thế lực thứ 3 là giới công thương; họ cho rằng chế độ kinh tế Trung Quốc tạo thành sự cạnh tranh không công bằng, gặm nhấm phá hoại lợi ích của họ.
Giới tư tưởng chiến lược, công nhân ngành chế tạo vùng Rust Belt và giới công thương là 3 lực lượng chính trị tương đối độc lập, nhưng cả 3 đều nhất trí cao trong vấn đề chống Trung Quốc, hình thành nên sự cộng hưởng rộng rãi. Xét từ quang phổ chính trị Mỹ, đó chính là hiện trạng hiện nay.
Tương lai của quan hệ kinh tế mậu dịch Trung – Mỹ chứa đầy tính không xác định, hai bên cần phải đi cùng hướng, tìm kiếm và mở rộng gắn kết lợi ích; cần thiết phải thỏa hiệp với nhau về mô thức kinh tế và các vấn đề then chốt, hình thành sự sắp xếp chế độ hóa, cần thiết tìm thấy bạn bè đáng tin cậy dưới quang phổ chính trị của mỗi bên.
Viễn cảnh đáng lo ngại là, nếu những thỏa hiệp này không thể đạt được, cộng với sự đối kháng về kỹ thuật và hình thái ý thức, hai bên sẽ chuyển từ sự hòa hợp về đầu tư, chuyển nhượng kỹ thuật và trao đổi nhân tài trước đây, sang cục diện không ngừng rời xa nhau; tiến trình toàn cầu hóa mấy chục năm qua sẽ trở thành quá trình vỡ vụn hóa, quan hệ Trung – Mỹ sẽ trở nên ngày càng không ổn định.
https://viettimes.vn/bai-3-chong-trung-quoc-dang-tro-thanh-nhan-thuc-chung-cua-gioi-chinh-tri-my-300383.html