Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

Việc Trung Quốc thể hiện sức mạnh quân sự tùy tiện: Lợi bất cập hại

Tờ "Bình quả" của Hồng Công số ra ngày 21/6 có bài bình luận về những động thái quân sự ngang ngược gần đây của Trung Quốc. Theo đó đánh giá, việc Trung Quốc chú trọng thể hiện sức mạnh quân sự, diễu võ dương oai là một điều đáng tiếc. Kiểu thể hiện sức mạnh quân sự tùy tiện này chỉ khiến cho tranh chấp ở Biển Đông ngày càng leo thang.

Nếu nói rằng cựu Thủ tướng Xinh-ga-po Lý Quang Diệu là bạn của Chính phủ Trung Quốc, về cơ bản sẽ không có ai phản đối. Dù là trong các buổi lễ chính thức hay khi diễn thuyết, ông Lý Quang Diệu đều đánh giá cao sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, cho rằng việc Trung Quốc trỗi dậy là lẽ đương nhiên. Về mặt chính trị, ông Lý Quang Diệu còn là một trong số ít các nhà lãnh đạo bảo vệ thể chế chuyên quyền của Trung Quốc. Ông Lý Quang Diệu luôn cho rằng Trung Quốc không thể đi theo kiểu chế độ chính trị của phương Tây. Tuy nhiên, người bạn Trung Quốc này lại tìm mọi cách để giữ chân quân Mỹ ở châu Á, mong muốn Mỹ duy trì ảnh hưởng lớn mạnh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hơn một năm trước, phát biểu tại cuộc họp thường niên Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, ông Lý Quang Diệu đã nhấn mạnh tới sự hiện diện của Mỹ ở châu Á đồng thời thuyết phục Mỹ xây dựng quan hệ toàn diện, chặt chẽ hơn với ASEAN. Theo ông Lý Quang Diệu, trong việc xây dựng bất cứ khung hợp tác Đông Á nào, Mỹ phải là bộ phận cấu thành quan trọng của nó. Tại sao người bạn Trung Quốc này lại khư khư “ôm chân Mỹ”, tìm mọi cách thuyết phục Mỹ, quân Mỹ lưu lại châu Á? Rất đơn giản, đó là bản năng sinh tồn của nước nhỏ, không muốn toàn bộ khu vực bị một nước lớn lũng đoạn, và hi vọng thông qua sự can dự của một nước lớn khác để bảo vệ thế cân bằng chiến lược, để nước nhỏ có không gian sinh tồn tương đối rộng rãi, để không bị nước lớn độc bá sai khiến.
Đối với tất cả các nước láng giềng của Trung Quốc, kể cả Nhật Bản, Hàn Quốc hay Xinh-ga-po, sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc kể từ khi bước vào thế kỷ 21 không chỉ là việc đáng chú ý, mà còn là chuyện chấn động. Xem xét ở khía cạnh dân số và diện tích, Trung Quốc đã là siêu cường của khu vực, khiến các nước khác cảm thấy bị đe dọa. Cộng thêm tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao trong 30 năm qua, Trung Quốc giờ đã trở thành “người khổng lồ” về khoa học công nghệ, quân sự, vốn và tài nguyên, đủ để thay đổi toàn bộ cán cân sức mạnh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đủ để làm cho tất cả các nước láng giềng lo lắng bất an. Hải quân Trung Quốc vốn chỉ hoạt động ở gần bờ nay đã có đủ năng lực tác chiếc xa bờ, có thể tùy ý hoạt động ở biển Hoa Đông, Biển Đông và thậm chí là Ấn Độ Dương. Vốn trước đây phải ra sức thu hút đầu tư nước ngoài để cải cách kinh tế trong nước, giờ đây Trung Quốc đã trở thành bá chủ về xuất khẩu vốn, mua doanh nghiệp và tài nguyên của các nước mới nổi. 
Việc nhiều quốc gia liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có thái độ đối kháng hơn, thù địch hơn với Trung Quốc thực chất là phản ứng lại sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc. Họ lo ngại thế cân bằng chiến lược ở Đông Nam Á sẽ rơi vào tình trạng mất kiểm soát và Trung Quốc sẽ tác oai tác quái. Nhằm đối phó với sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á càng trở nên tích cực hơn trong việc lôi kéo Mỹ, không những không tiếp tục chỉ trích Mỹ theo đuổi chủ nghĩa bá quyền, ngược lại cũng giống như ông Lý Quang Diệu, họ còn nhấn mạnh tới việc Mỹ cần tiếp tục đóng vai trò cân bằng chiến lược quan trọng trong khu vực. Ngay cả Việt Nam, nước cựu thù của Mỹ cũng tích cực thúc đẩy quan hệ với Mỹ để chống lại Trung Quốc. Thậm chí có thông tin rằng Việt Nam có thể cho phép Mỹ sử dụng căn cứ hải quân ở Vịnh Cam Ranh, vốn là cứ điểm quan trọng của quân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, để kiềm chế Trung Quốc.
Điều đáng tiếc là Trung Quốc đã không coi trọng sự lo lắng của các nước lân cận, ngược lại còn chú tâm hơn tới việc thể hiện sức mạnh quân sự, diễu võ dương oai mạnh mẽ hơn, nhiều lần cử tàu chiến đi tuần tra tại vùng biển và các đảo có tranh chấp chủ quyền. Gần đây, nhằm phản ứng lại việc Việt Nam tiến hành diễn tập bắn đạn thật, Trung Quốc đã cử tàu ngư chính lớn tới tuần tra tại Biển Đông nhằm cho thế giới thấy rõ rằng Trung Quốc có năng lực kiểm soát các đảo và tuyến đường biển liên quan. Kiểu thể hiện sức mạnh quân sự tùy tiện này của Trung Quốc không những khiến tranh chấp ở Biển Đông leo thang, mà còn khiến Mỹ cũng như quân Mỹ tăng cường can dự vào các vấn đề khu vực. Đối với Trung Quốc, nước đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á, đây rõ ràng là việc có hại nhiều hơn có lợi và những gì thu được không đủ để bù đắp cái mất đi.
  Theo Bình Quả
 Hiền Lương (gt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét