Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Mối đe dọa trên kinh tế Trung Quốc

Ngô Nhân DụngChính quyền Bắc Kinh cố che đậy những nhược điểm trên đây để dân không lo lắng, hoảng hốt. Ngay phương pháp làm thống kê cũng được sửa đi sửa lại để che giấu cảnh xuống dốc. Nhưng chỗ nhược nặng nề nhất là trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng quốc doanh lớn nhất (nhà nước nắm đại đa số cổ phần) đều chồng chất nợ xấu, khó đòi được. Nhưng họ tìm cách làm cho các tỷ số nợ xấu giảm đi bằng trò phù thủy...
*
Hiện giờ chắc ai cũng đang chú ý tới bản tin chính quyền Trung Quốc đưa chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất của họ vào diễu võ dương oai trong vùng Biển Ðông. 
Nhưng thực sự nó đáng sợ hay không? Nó có mạnh bằng đạo quân 100,000 binh sĩ với 10,000 ngựa giống Thiểm Tây, và 200,000 dân phu phục dịch mà Tống Thần Tông sai Quách Quỳ và Triệu Tiết đưa sang tấn công nước ta năm 1077 hay không? Ai cũng nhớ, sau khi gặp quân đội Việt Nam của Lý Thường Kiệt, hai tướng báo cáo về triều rằng: Binh sĩ và dân phu đã chết một nửa. Các ông tướng giải thích: Chúng chết vì bệnh tật. 
Một chiếc tàu sân bay đi giữa biển thì không lo lính tráng mắc bệnh dịch. Nhưng nó sẽ phải lo đối phó với phi cơ chiến đấu của những nước trong vùng (Phi Luật Tân và Việt Nam chẳng hạn). Nếu chẳng may có chiến tranh, những máy bay của các nước bị Trung Quốc đe dọa có thể cất cánh từ những phi trường trên đất liền, được tiếp tế nhiên liệu và bom đạn ngay gần nơi chiến trường, chắc không yếu sức hơn những máy bay trên chiếc tầu sân bay (chữ tầu sân bay nghe giản dị hơn chữ hàng không mẫu hạm, mà lại là chữ Việt, rất nên dùng). Một chiếc tầu sân bay mà không có đủ một hạm đội hộ tống thì giống như con vịt lênh đênh trên mặt hồ làm đích cho máy bay bên địch tập bắn hoặc thả bom! 
Chuyện tầu sân bay không đáng quan tâm. Cho nên muốn nói chuyện Trung Quốc bây giờ thì chuyện kinh tế đáng chú ý nhất; nó lớn hơn chuyện bà Cốc Khai Lai bị án tử hình treo! Kinh tế Trung Quốc đang chạy với tốc độ chậm chạp nhất kể từ 2009 đến nay. Với tình trạng kinh tế Mỹ vẫn chưa phục hồi sức khỏe, khu vực đồng euro đang khủng hoảng, hàng Trung Quốc bán ra chậm hơn, trong khi giới tiêu thụ trong nước vẫn chưa dư tiền tiêu xài. Kinh tế Trung Quốc đang trì trệ đáng lo ngại. Tuy hiện giờ tỷ lệ tăng trưởng vẫn là 7.6% một năm (trong ba tháng quý thứ nhì 2012), nhưng tốc độ giảm đột ngột nếu so sánh với tỷ lệ trên 10% trước đây khiến nhiều xí nghiệp xính vính. 
Các xí nghiệp không tuyển thêm nhân viên và công nhân nữa. Số xuất cảng gần như đứng khựng lại không lên được. Nhập cảng cũng xuống, đáng kể nhất là các nguyên liệu như sắt dùng để chế thép. Bởi vì các công ty chỉ mua nguyên liệu và bộ phận về khi tin rằng sẽ bán được hàng; nay viễn ảnh bán hàng đang đen tối. Giá nhà cửa đã xuống đều đều từ khi ông Ôn Gia Bảo đạp chân thắng, hạn chế không cho mua căn nhà thứ hai; vì ông muốn chặn đứng đầu cơ trong thị trường địa ốc. Mối lo lắng về kinh tế khiến nhiều người chuyển tiền ra nước ngoài. 
Một nguồn tăng trưởng quan trọng nhất của kinh tế Trung Quốc là nhờ xuất cảng. Trong Tháng Sáu, số xuất cảng đã tăng 11% so với tháng trước; sang Tháng Bẩy chỉ tăng 1% so với Tháng Sáu. Các công ty xuất cảng sử dụng hàng trăm triệu công nhân. Công nhân đang đòi lương cao hơn, trong khi hàng bán không tăng, nhiều xí nghiệp đã phá sản. Báo China Times (Trung Quốc Thời Báo) cho biết đang có 46 xưởng đóng tầu lo phá sản, vì số bán giảm mất một nửa. Sau tin báo động này, chắc chính phủ Bắc Kinh sẽ đem tiền ra cứu, nhưng cứu cho các xí nghiệp tiếp tục chạy mà hàng vẫn không bán được thì đúng là “Gánh vàng đi đổ sông Ngô!” 
Trung Quốc được gọi là “nhà sản xuất của thế giới” (trong khi dân Mỹ được gọi là nhà tiêu thụ của thế giới). Nhưng vì số giấy đặt hàng giảm, số hàng chế hóa ở Trung Quốc trong bẩy tháng qua tăng với tốc độ chậm nhất, và sang Tháng Tám thì không tăng nữa mà bắt đầu giảm bớt. Người ta đo lường sức khỏe của ngành chế hóa (manufacturing) bằng một chỉ số. Trong Tháng Năm, chỉ số PMI là 50.4, sang Tháng Sáu xuống 50.2; qua Tháng Bẩy xuống nữa, thành 49.3; nhưng chỉ số PMI Tháng Tám tụt xuống nữa, chỉ còn 47.8. Chỉ số PMI (Purchasing Managers Index), do Ngân Hàng Hồng Kông Thượng Hải (HSBC) tính toán, khi PMI xuống dưới 50 là dấu hiệu số sản xuất sắp xuống. 
HSBC là một ngân hàng tư quốc tế cho nên công bố các số thống kê. Chính phủ Bắc Kinh thì chỉ muốn che giấu. Ủy Ban An Ninh Công Cộng đã ra lệnh các thành phố không được công bố thống kê về số xe đăng bộ (car registration). Vì sợ người ta biết xe hơi đang ế hàng. Lần cuối cùng có số thống kê về các căn hộ trong chung cư (apartment) bỏ trống là năm 2008. Từ đó tới nay không có con số nào cả! Những các nhà báo ngoại quốc quen nghề điều tra kinh tế vẫn tiết lộ được tình cảnh trì trệ trong cả hai ngành, xe hơi và nhà cửa. Ðó là hai ngành ảnh hưởng mạnh nhất đến sức khỏe cả nền kinh tế (coi nước Mỹ thì biết). Bởi vì khi người ta mua xe mới thì không phải chỉ có các hãng xe kiếm lời mà tất cả các xí nghiệp lớn nhỏ cung cấp phụ tùng, bộ phận làm chiếc xe đều có cơm ăn. Mua nhà cũng vậy, ai cũng phải lo mắc điện, ống nước, sắm sửa đồ đạc và trang hoàng, tu bổ căn nhà. 
Các nhà báo đi thăm những sàn bán xe (car dealers), hỏi chuyện mấy câu cũng thấy được là số xe ế được nằm ụ lên cao. Làm tính cộng lại, người ta thấy từ Tháng Mười Hai năm ngoái đến Tháng Sáu năm nay, số xe nằm ụ tăng từ 1.3 triệu lên 2.2 triệu. Số “tồn kho” tăng thêm là 900,000 chiếc xe, đã tăng hơn 70%. Cho nên các công ty sản xuất xe hiện chỉ hoạt động 65% sức sản xuất bình thường. Một xưởng làm xe phải hoạt động 80% mới hy vọng có lời. Các đô thị lớn ở Trung Quốc đang lo nạn kẹt xe, đã đưa ra nhiều biện pháp hạn chế việc mua xe, góp phần vào cảnh trị trệ của thị trường bán xe. Giá nhà cửa xuống thì ai cũng biết từ lâu, và các công ty xây cất cũng giảm bớt hoạt động. Công nhân ngành xây dựng đang mất việc. 
Các công ty tư vấn kinh doanh đi nghiên cứu để cung cấp tài liệu cho giới đầu tư quốc tế cho biết kho chứa tất cả các thứ hàng hóa ở các nhà bán sỉ và bán lẻ đang tăng lên, vì hàng bán quá chậm; trong khi nhà sản xuất vẫn tống hàng đến cho họ. Số hàng tồn kho trong Tháng Tám tăng lên với một tốc độ cao nhất kể từ khi số thống kê này được chính phủ tính toán vào năm 2004. Phỏng vấn các nhà sản xuất và nhà buôn sỉ người ta được biết từ năm ngoái sang năm nay, số bán đã giảm trong nhiều mặt hàng: máy hút không khí ẩm (dehumidifiers), ống dẫn trong hệ thống quạt thông không khí (ventilation systems), bàn thu điện mặt trời (solar panels), đà thép làm trần nhà, và cả khăn vải trải giường nữa. Tất cả những món hàng trên liên hệ đến việc mua nhà hay xây nhà mới! 
Chính quyền Bắc Kinh cố che đậy những nhược điểm trên đây để dân không lo lắng, hoảng hốt. Ngay phương pháp làm thống kê cũng được sửa đi sửa lại để che giấu cảnh xuống dốc. Nhưng chỗ nhược nặng nề nhất là trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng quốc doanh lớn nhất (nhà nước nắm đại đa số cổ phần) đều chồng chất nợ xấu, khó đòi được. Nhưng họ tìm cách làm cho các tỷ số nợ xấu giảm đi bằng trò phù thủy. 
Thí dụ tại Ngân Hàng Công Thương (ICBC) năm 2004 có 21% số tiền cho vay được liệt kê là nợ xấu. Năm nay, tỷ lệ xuống chỉ còn 1%. Hai ngân hàng khác, Trung Quốc Ngân Hàng và Trung Quốc Kiến Thiết Ngân Hàng cũng có tỷ lệ 16% và 17% nợ xấu, nay chỉ còn 1% thôi? Làm cách nào các ngân hàng giảm bớt nợ xấu nhanh như vậy? 
Nhìn vào sổ sách của ICBC thì người ta thấy ngân hàng này có một món tài sản lớn 313 tỷ đồng Nguyên, gọi là “Trái phiếu Hoa Dong.” Ðó là những trái phiếu do công ty tài chánh Hoa Dong Tư Sản Quản Lý Công Ty phát hành. Tức là ICBC mua trái phiếu của Hoa Dong, đưa 313 tỷ Nguyên cho họ. 
Rồi sau đó, ngay lập tức công ty Hoa Dong bỏ tiền ra mua các món nợ xấu của ICBC. Thoáng một cái, số nợ xấu của ICBC biến gần hết. Hoa Dong mua của nợ về làm gì? Không ai cần biết, đòi nợ được thì đòi, không thì thôi. Vì đó là một công ty do Bộ Tài Chánh làm chủ quản! Tóm lại, đảng Cộng Sản Trung Quốc làm phép cho các món nợ xấu của các ngân hàng biến mất. Những nó chỉ chạy từ chỗ này sang chỗ khác mà thôi! Ðến khi các trái phiếu Hoa Dong đáo hạn, làm sao ICBC lấy lại được tiền đầu tư, sẽ tính sau! 
Một thứ nợ xấu không bao giờ đòi được nữa là do các ngân hàng cho các chính phủ địa phương vay, trong chương trình “kích thích kinh tế” của Bắc Kinh, từ năm 2009. Tổng số tiền kích thích lên tới $1,500 tỷ. Phần lớn là các ngân hàng đưa cho các tỉnh, các huyện xây cất gì đó, không cần biết có cần hay không, và có ích lợi gì hay không. Xây dựng xưa nay vẫn là món chi tiêu dễ rút ruột nhất! 
Cả nền kinh tế và hệ thống ngân hàng của Trung Quốc hiện nay như vậy đó. Ðó là một chiếc hàng không mẫu hạm đang bị lủng nhiều lỗ, không biết làm sao cứu. Tất nhiên, chính quyền cộng sản Trung Quốc vẫn còn tiền để bơm thêm cho kinh tế tiếp tục chạy, ít nhất từ đây cho đến cuối năm, khi Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo hết nhiệm kỳ. Nhưng sau đó, sẽ ra sao thì không biết được. 
Ðây không phải là một tin vui đối với người Việt Nam cũng như người Mỹ. Nếu kinh tế Trung Quốc xuống thì cả thế giới cũng sẽ xuống, vì kinh tế Mỹ cũng như Châu Âu vẫn phải xuất cảng. Mà một nước nhập cảng nhiều hạng nhất hiện nay là Trung Quốc! 
Ðiều người ta mong ước là kinh tế Trung Quốc sẽ xuống từ từ, đừng có sập nhanh quá. Chúng ta chúc dân Trung Hoa gặp nhiều may mắn. Và xin đừng giở trò đem tàu máy bay ra dọa láng giềng nữa. Dọa làm gì, vô ích. Năm 1078, sau khi một nửa số quân sĩ nhà Tống chết (vì bệnh thời khí!) và một nửa còn lại “khai bệnh,” Tống Thần Tông đã cho rút quân về ngay. Bởi vì lúc đó nhà Tống cũng đang lo quân nước Tây Hạ và nước Liêu tấn công. Ðảng Cộng Sản Trung Quốc nên để sức lo kinh tế hơn là đi hăm dọa các nước láng giềng!


http://danlambaovn.blogspot.com/2012/08/moi-e-doa-tren-kinh-te-trung-quoc.html#.UDo0c1L0THo

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Tầu ngầm Nga tại Việt Nam

Tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Algeri (nguồn: fr.wikipedia.org)
Tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Algeri (nguồn: fr.wikipedia.org)

Đức Tâm
Việt Nam sẽ nhận được chiếc tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên trong năm 2012. Trên tạp chí của Học viện Hải quân Hoa Kỳ (USNI), ngày 21/08/2012, giáo sư Carlyle A. Thayer có bài phân tích hiệu quả của hạm đội tàu ngầm trong việc bảo vệ biển đảo của Việt Nam. Sau đây là bản dịch.

Ngày 15/08/2012, báo Thanh Niên đã đưa tin là Việt Nam sẽ nhận chiếc tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên vào cuối năm nay. Việt Nam còn đặt hàng 5 tàu ngầm Kilo khác và dự kiến sẽ tiếp nhận mỗi năm một chiếc. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Việt Nam sẽ phát triển một hạm đội tàu ngầm hiện đại trong 5-6 năm tới (2016-2017).
Trong cuối những năm 1980, Việt Nam đã tìm cách mua chiếc tàu ngầm đầu tiên từ Liên Xô. Đoàn thủy thủ được lựa chọn và được đào tạo trên chiếc tàu ngầm diesel Project 641 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô. Chương trình này đã bị tổng bí thư Mikhail Gorbachev đình chỉ vì lo ngại làm cho Trung Quốc bực tức. Với sự sụp đổ của Liên Xô, hy vọng của Việt Nam có được tàu ngầm đã không thành hiện thực.
Trong thỏa thuận đổi gạo lấy vũ khí, năm 1997, Việt Nam đã mua hai chiếc tàu ngầm loại nhỏ, lớp Yugo của Bắc Triều Tiên. Các tàu này neo đậu tại Vịnh Cam Ranh để tu sửa. Trong 13 năm sau đó, các nhà phân tích không biết rõ khả năng hoạt động của các con tàu này. Tháng Giêng 2010, báo Tuổi Trẻ đã tiết lộ nhiều về sự tồn tại của M96, một đơn vị tàu ngầm bí mật của Việt Nam, với bức ảnh chụp chiếc tàu ngầm Yugo và đoàn thủy thủ. Các tàu ngầm Yugo đã được sử dụng cho các hoạt động dưới đáy biển. Theo một tùy viên quân sự phương Tây ở Matxcơva, "Kinh nghiệm từ tàu ngầm loại nhỏ cung cấp nền tảng cơ bản cho sự hiểu biết các hoạt động tàu ngầm và bảo trì."
Mong muốn của Việt Nam có được một chiếc tàu ngầm với kích cỡ thông thường đã tăng lên rõ rệt vào năm 1997 sau chuyến thăm cảng Cam Ranh của tàu ngầm Nga Project 636 lớp Kilo. Năm 2000, các thông tin, không được xác nhận, cho biết là Việt Nam và Nga đã ký biên bản ghi nhớ liên quan đến khả năng bán tàu ngầm. Cũng trong năm đó, Việt Nam và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận quốc phòng trong đó có một điều khoản liên quan đến việc hải quân Ấn Độ đào tạo thủy thủ cho Việt Nam, kể cả thủy thủ tàu ngầm.
Bối cảnh
Trong tháng 10/2002, Việt Nam đã yêu cầu Ấn Độ đào tạo về tàu ngầm, nhưng bốn năm sau, Ấn Độ mới thông báo bắt đầu đào tạo các sinh viên sĩ quan và sĩ quan hải quân Việt Nam. Hiện nay Ấn Độ đang huấn luyện các quy trình thoát hiểm ở tàu ngầm cho các thủy thủ Việt Nam.
Năm 2008 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng. Việt Nam không thành công trong việc tìm cách mua tàu ngầm kích cỡ thông thường từ Serbia. Sau đó, Việt Nam quay sang Nga và đã đạt được một thỏa thuận nguyên tắc để mua 6 tàu ngầm Project 636M lớp Kilo. Trong năm 2008, bộ trưởng Quốc phòng và chủ tịch nước Việt Nam đã có các chuyến công du Matxcơva để thúc đẩy thỏa thuận này.
Trong năm 2009, các nguồn tin từ giới công nghiệp Nga đã được công khai. Ngày 24/04, ông Vladimir Aleksandrov, tổng giám đốc Admiralteiskie Verfi (Nhà máy đóng tàu Admiralty) ở St Petersburg, thông báo là công ty của ông đã được chỉ định thực hiện hợp đồng chế tạo 6 tàu ngầm Project 636 lớp Kilo. Giá mỗi chiếc tàu ngầm này là 300-350 triệu đô la và tổng giá trị hợp đồng là 1,8 – 2,1 tỷ đô la.
Hợp đồng chính thức mua 6 tàu ngầm lớp Kilo đã được ký kết tại Matxcơva giữa công ty xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport và bộ Quốc phòng Việt Nam, trong tháng 12/2009. Tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chứng kiến lễ ký kết. Nhà máy Admiralty bắt đầu đóng chiếc tàu ngầm đầu tiên trong số 6 chiếc, trong lễ khởi công ngày 24/08/2010. Tàu ngầm này được hạ thủy ngày 28/08/2012, và trải qua một loạt thử nghiệm trên biển trước khi chuyển giao cho Việt Nam.
Hợp đồng bán mua tàu ngầm Nga-Việt Nam cũng bao gồm các điều khoản - ngoài việc cung cấp 6 tàu ngầm – liên quan đến việc đào tạo thủy thủ đoàn và xây dựng một cơ sở bảo trì trên bờ. Trong tháng 3/2010, Việt Nam chính thức yêu cầu Nga giúp đỡ xây dựng một căn cứ tàu ngầm ở vịnh Cam Ranh.
Tàu ngầm Project 636M – lớp Kilo
Tàu ngầm Project 636M chính là loại tàu ngầm lớp Varshavyanka của Nga, nhưng nó được biết đến nhiều hơn theo phân loại lớp Kilo mà NATO đưa ra. Kilo là một loại tàu ngầm phi hạt nhân tấn công nhanh (SSK). Nó có thể thực hiện các nhiệm vụ sau đây: Chống tàu ngầm và tàu chiến, bảo vệ duyên hải, rải thủy lôi, trinh sát và tuần tra.
Việt Nam đã đặt mua loại tàu 636MV mới nhất, được cải tiến, với phạm vi hoạt động, tốc độ, sự chắc chắn, độ bền vững, các đặc tính âm thanh, tiếng động và hỏa lực đều tốt hơn so với phiên bản trước đó.
Tàu ngầm Project 636 lớp Kilo đã được Hải quân Mỹ mệnh danh là "lỗ đen" do mức độ tĩnh lặng của nó khi hoạt động. Khả năng tàng hình của tàu ngầm Project 636 đã được cải tiến qua việc loại bỏ các van của khoang chứa nước và thân tàu được phủ nhiều lớp “ngói cao su” chống dội âm. Các lớp “ngói” này được gắn vào phần thân tàu và cánh ngầm nhằm hấp thụ sóng âm chủ động, qua đó, làm giảm và bóp méo các tín hiệu phản hồi. Các lớp “ngói chống dội âm” cũng ngăn chặn âm thanh phát ra từ trong tàu, làm giảm khả năng bị phát hiện bởi sóng âm thụ động.
Tàu ngầm lớp Kilo cải tiến dài 73,8 mét (242 ft), rộng 9,9 m (32,4 ft), với mức mớn nước là 6,2 m (20,34 ft). Lượng choán nước khi nổi là 2.350 tấn và có thể lặn sâu đến một phần tư dặm. Tàu lớp Kilo cải tiến được trang bị động cơ diesel-điện, có phạm vi hoạt động 9.650 km (5.996 dặm) và có thể lặn liên tục 700 km (434 dặm), với tốc độ 2,7 hải lý (5 km / giờ) ở tốc độ thấp, yên tĩnh. Tàu có thể đạt tốc độ tối đa 20 hải lý (37 km / giờ). Việt Nam dường như đã không chọn loại tàu trang bị hệ thống Air Propulsion độc lập có thể cho phép kéo dài thời gian hoạt động tuần tra. Thủy thủ đoàn của tàu lớp Kilo cải tiến có 57 người.
Tàu ngầm Project 636MV có 6 ống phóng ngư lôi 533 mm ở phía trước. Nó có thể mang tới 18 thủy lôi (6 nạp trong ống và 12 trên dàn phóng ) hoặc 24 thủy lôi ( mỗi ống có 2 quả và 12 quả trên dàn ). Hai trong số các ống phóng ngư lôi được thiết kế để điều khiển từ xa việc phóng ngư lôi với độ chính xác rất cao. Tàu lớp Kilo cải tiến cũng có thể bắn chặn tên lửa hành trình chống tàu với ống phóng ngư lôi. Tàu lớp Kilo cũng mang tên lửa phòng không MANPADS Strela-3.
Trong tháng 6/2010, có tin nói rằng tổng chi phí hợp đồng mua tàu ngầm của Việt Nam đã tăng từ ước tính ban đầu là 1,8 – 2,1 tỷ đô la lên thành 3,2 tỷ đô la. Các chi phí bổ sung bao gồm cả việc trang bị vũ khí và xây dựng cơ sở hạ tầng. Nguồn tin công nghiệp quốc phòng cho biết là các tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam sẽ được trang bị loại ngư lôi 53-56 hoặc loại TEST 76 hạng nặng. Nguồn tin này cũng dự đoán rằng tàu lớp Kilo của Việt Nam sẽ được gắn tên lửa chống tàu chiến, như 3M-54E hoặc 3M-54E1. Trong tháng 7/2011, ông Oleg Azizov, đại diện của công ty Rosoboronexport, khẳng định, Việt Nam sẽ nhận được loại tên lửa chống tàu chiến Novator Club-S (SS-N-27), với tầm bắn xa 300 km.
Môi trường hoạt động
Việt Nam mua tàu ngầm lớp Kilo phục vụ các hoạt động trong vùng nước tương đối nông ở Biển Đông. Khi được đưa vào hoạt động, tàu ngầm sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực giám sát các hoạt động của tàu thuyền bán quân sự nước ngoài và các tàu hải quân ở vùng biển ngoài khơi miền duyên hải Việt Nam và các vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, các tàu ngầm lớp Kilo sẽ tạo phương tiện răn đe chống lại khả năng Trung Quốc có ý định nhanh chóng đánh chiếm một hòn đảo hoặc bãi đá mà Việt Nam chiếm giữ ở Biển Đông. Tổng quát hơn, tàu lớp Kilo sẽ cung cấp một khả năng chống tiếp cận khu vực, tuy khiêm tốn nhưng đủ mạnh, trước sự đe dọa của các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc.
Trước khi có được những khả năng này, Việt Nam sẽ phải hội nhập được số tàu ngầm lớp Kilo này vào trong cơ cấu lực lượng quân sự và vào quá trình chuyển đổi lực lượng chiến đấu trên hai phương diện (trên mặt nước và trên không) sang ba phương diện (trên không, trên mặt nước và dưới mặt nước). Việt Nam cũng sẽ phải tìm kinh phí để bảo trì và sửa chữa cho phép các tàu lớp Kilo có thể hoạt động, và phát triển khả năng cứu hộ tàu ngầm. Các nhà phân tích công nghiệp quốc phòng dự báo là việc sử dụng và khai thác có hiệu quả loại tàu ngầm Kilo của Việt Nam sẽ ở trình độ nằm giữa Singapore và Indonesia. Các nhà phân tích này cho rằng việc Việt Nam phát triển một hạm đội tàu ngầm thực sự hiện đại trong những năm tới phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ lâu dài của Nga và Ấn Độ.

(Carlyle A. Thayer là giáo sư danh dự về chính trị học, Đại học New South Wales tại Học viện Quốc phòng Úc, Canberra)

 http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120822-tau-ngam-nga-tai-viet-nam

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Nếu xảy ra chiến tranh Trung - Nhật?

SGTT.VN - Trước vụ các nhà hoạt động Nhật Bản đến một đảo đá thuộc quần đảo Senkaku để cắm cờ, tờ báo theo tinh thần chủ nghĩa dân tộc cực đoan Trung Quốc là Thời báo Hoàn Cầu đe dọa sẽ sử dụng vũ lực để phản kháng Nhật Bản. Phó giáo sư James Holmes của trường Cao đẳng Hải quân Mỹ bình luận về khả năng xảy ra một cuộc chạm trán trên biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản, đồng thời phân tích tương quan lực lượng hai nước.
Theo phó giáo sư James Holmes, trong cuộc chiến Trung - Nhật năm 1894-1895, hạm đội của Hải quân hoàng gia Nhật Bản vừa được thành lập dưới thời Minh Trị Duy Tân đã đập tan Hạm đội Bắc Dương của Trung Quốc được coi là vượt trội hơn về mặt trang thiết bị. Cuộc chiến này đã đảo ngược trật tự Trung Quốc là trung tâm của châu Á chỉ trong một buổi chiều. Nhật Bản giành chiến thắng trong trận chiến trên sông Áp Lục vào tháng 9-1984 nhờ nghệ thuật điều khiển tàu và thủy thủ trên biển, pháo binh và tinh thần. Ngày nay lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản vẫn duy trì thành tích về mặt con người này từ cuộc chiến.
Xét về các con số, hải quân Nhật Bản tự hào có 48 tàu chiến lớn trên mặt nước. Các tàu này được thiết kế để tấn công hạm đối chính của kẻ thù trong khi đang lãnh đòn. Cảnh sát biển Nhật Bản (JMSDF) còn có các tàu khu trục hạng nhẹ; các tàu khu trục có tên lửa dẫn đường được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis, một radar kết hợp, máy tính và hệ thống điều khiển hỏa lực; ngoài ra còn có một số ít tàu khu trục nhỏ, tàu hộ tống; một phi đội 16 tàu ngầm chạy bằng diesel-điện.
Trong khi đó, Hải quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có 73 tàu chiến lớn, 84 máy bay tuần tra trang bị tên lửa và 63 tàu ngầm. Về mặt số lượng thì phía Trung Quốc vượt trội Nhật Bản.
Tuy nhiên, những con số trên không bảo đảm một chiến thắng tuyệt đối vì 3 yếu tố.
Máy bay tuần tra của Nhật Bản canh gác quần đảo Senkaku. Ảnh: Reuters 
Đầu tiên, như nhà chiến lược quân sự Edward Luttwak (Trung tâm nghiên cứu chiến lược) nhận định, các vũ khí cũng giống như những “chiếc hộp bí ẩn” cho đến khi chúng được đem ra sử dụng thực sự. Một cuộc chiến, chứ không phải các cuộc thử nghiệm kĩ thuật, là trọng tài công bằng về giá trị của công nghệ quân sự.
Điều này đặc biệt đúng khi xung đột nổ ra giữa một quốc gia cởi mở với một quốc gia bí ẩn. Những quốc gia cởi mở thường công khai tranh luận về các thất bại quân sự của mình, trong khi những quốc gia khép kín sẽ tìm cách ém nhẹm nó đi.
Cuộc cạnh tranh giữa Hải quân Mỹ và Liên Xô (cũ) có thể áp dụng trong tình hình tương tự với Nhật Bản và Trung Quốc. Hải quân Liên Xô khi đó tỏ ra áp đảo trên mặt báo, nhưng tàu chiến Liên Xô trên những vùng biển nóng suốt cuộc Chiến tranh lạnh thì lộ nhiều dấu hiệu yếu kém như điều khiển tàu cẩu thả hoặc thân tàu bị gỉ. Tương tự vậy, chất lượng và nguồn nhân lực của JMSDF có thể bù đắp một phần trước lợi thế vượt trội về số lượng của Trung Quốc.
Điều thứ hai, trong cuộc chiến có những yếu tố con người không lường trước. Trong cuốn sách Trận chiến trên biển 1812 của Theodore Roosevelt, ông lí giải Hải quân Mỹ thành công trong cuộc đối đầu một - một với tàu của Hải quân Hoàng gia Anh nhờ các yếu tố về vật liệu và con người.
Nói về yếu tố con người, ở đây có nghĩa là bàn về các biện pháp điều khiển tàu biển, sử dụng pháo binh và vô số kĩ năng khác của hải quân. Lính thủy đính bộ trau dồi các kĩ năng này không phải bằng cách ngồi ở cảng và đánh bóng khí tài của mình, mà họ đi xuống biển và luyện tập. Các đội tàu của JMSDF thường tổ chức luyện tập một mình hoặc kết hợp với hải quân các nước khác, trong khi hải quân PLA thì trơ ra đó!
Trong năm 2009, hải quân Trung Quốc cũng có triển khai tàu đến vịnh Aden để tham gia chống cướp biển. Tuy nhiên hạm đội của Trung Quốc đến đó chỉ để “diễu” hoặc thao diễn, khiến thủy thủ trên tàu có rất ít thời gian để phát triển một nhịp hoạt động, học hỏi thêm về nghề nghiệp của mình hay xây dựng các thói quen lành mạnh. Ở yếu tố con người này thì Nhật Bản chiếm ưu thế.
Điều thứ ba, sẽ không chỉ có các tàu đối đầu với nhau. Một phần đất đai rộng lớn của Nhật Bản gần với Trung Quốc, ngoài ra còn có các đảo ở ngoại biên; Nhật Bản có các tàu sân bay trang bị nhiều tên lửa; các căn cứ trên mặt đất được trang bị và củng cố cũng đóng góp sức mạnh đáng gờm cho một cuộc chiến trên biển. Do vậy cũng cần phải tính đến yếu tố hỏa lực từ mặt đất của hai quốc gia.
Nhật Bản tạo thành vòng cung phía bắc của chuỗi đảo đầu tiên bao phủ bờ biển châu Á, tạo thành vùng biên giới phía Đông trên biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông. Trên eo biển Tsushima (ngăn cách Nhật Bản với Hàn Quốc) không có hòn đảo nào, còn Đài Loan thì nằm cách bờ biển Nhật Bản gần 805km. Trong vùng biển chật chội như vậy thì bất kỳ chiến trường nào cũng sẽ rơi vào tầm bắn của hỏa lực trên bờ. Quân đội cả hai nước đều sở hữu máy bay có bán kính chiến đấu không kích khắp các vùng biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông và đến tận phía Tây Thái Bình Dương. Cả hai nước đều sở hữu tên lửa chống hạm bắn từ bờ biển (ASCM), bổ sung cho sức mạnh hỗn hợp của mình.
Tuy nhiên vẫn có một số bất đối xứng. Tên lửa đạn đạo thông thường của PLA có thể không kích mặt đất trên khắp châu Á, đặt những tài sản của Nhật Bản và mối rủi ro trước khi có thể di dời. Nhánh pháo binh thứ hai của Trung Quốc được cho là có sở hữu tên lửa đạn đạn đạo chống hạm (ASBM) có thể bắn từ đất liền để hạ các mục tiêu tàu bè đang di chuyển trên biển. Với tầm bắn ước tính hơn 1400km, ASBM có thể tấn công bất cứ nơi nào trong vùng biển Trung Quốc, tại các cảng biển khắp những đảo của Nhật Bản và xa hơn thế.
Quần đảo Senkaku được xem là tài sản khó bảo vệ nhất trong quan điểm Nhật Bản. Quần đảo này nằm giữa cực tây nam của chuỗi quần đảo Ryukyu, gần với Đài Loan hơn tỉnh Okinawa hay các đảo lớn của Nhật Bản. Việc bảo vệ Senkaku từ các căn cứ ở xa không dễ dàng. Nhưng nếu Nhật Bản triển khai hệ thống tên lửa di động Type 88 ASCM tới những đảo nhỏ và các đảo gần chuỗi Ryukyu, đội quân mặt đất của Nhật Bản có thể tạo ra các chiến trường hỏa lực chồng chéo và biến các vùng biển gần đó thành vùng cấm đến đối với tàu Trung Quốc.
Bất kỳ quân đội nước nào kết hợp được sức mạnh lực lượng hải quân, bộ binh, không quân để trở thành vũ khí sắt bén nhất cho một cuộc đấu trên biển sẽ giành cơ hội chiến thắng. Cơ hội này có thể thuộc về Nhật Bản nếu giới lãnh đạo chính trị và quân đội nước này suy nghĩ sáng tạo, sắm sửa đúng loại vũ khí cần thiết và tận dụng được tối ưu các khả năng của chúng. Rốt cuộc, Nhật Bản không cần phải đánh bại quân đội Trung Quốc để giành chiến thắng trước một cuộc đối đầu trên biển, vì nước này đang kiểm soát quần đảo Senkaku là mục tiêu tranh chấp. Những gì Nhật Bản cần làm là chống Trung Quốc tiếp cận khu vực này.
Nhật Bản có lợi thế là mật độ tập trung các lực lượng của mình, trong khi Hải quân PLA thì phân tán thành ba hạm đội ra khắp bờ biển dài của Trung Quốc. Các tướng lĩnh Trung Quốc đối diện với một tình huống khó khăn: nếu họ huy động lực lượng để đạt số lượng lớn đè bẹp Nhật Bản trong thì những khu vực khác của Trung Quốc sẽ không được bảo vệ. Việc bỏ rơi biển Đông trong khi tham chiến ở Đông bắc á sẽ là điều nguy hiểm với Trung Quốc.
Cuối cùng, các lãnh đạo Trung Quốc buộc phải xem xét một cuộc chiến trên biển sẽ khiến sức mạnh hải quân của họ thụt lùi ra sao. Trung Quốc đã đặt cược tương lai kinh tế và ngoại giao của mình vào lực lượng hải quân. Tháng 12-2006, chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã chỉ thị PLA xây dựng “lực lượng hải quân hùng mạnh” để bảo vệ biên giới hàng hải quốc gia - đặc biệt là các tuyến đường trên biển kết nối giữa những nhà xuất khẩu năng lượng từ Ấn Độ Dương với Trung Quốc. Để thực hiện chỉ thị này cần rất nhiều tàu, và Bắc Kinh có thể thấy vị thế cường quốc của mình bị đảo ngược chỉ trong một buổi chiều sau khi đã mất nhiều đội tàu trong cuộc đụng độ với Nhật Bản, cho dù là giành chiến thắng.

C.T. (Foreign Policy)
http://www.baomoi.com/Home/TheGioi/sgtt.vn/Neu-xay-ra-chien-tranh-Trung--Nhat/9155748.epi

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

Biển Đông: Trung Quốc gia tăng chính sách “bên bờ vực chiến tranh” tới mức nguy hiểm

Tác giả: TS Subhash Kapila
Người dịch: Trần Văn Minh
09-08-2012
“Nhưng về một đối thủ dùng chiến thuật ‘tích gió thành bão’ – từ từ góp nhặt những hành động nhỏ, không có hành động nào được sử dụng để biện hộ cho chiến tranh, nhưng có thể tích lũy theo thời gian thành một sự thay đổi mang tính chiến lược quan trọng thì sao? 
Mục tiêu [chiến thuật] tích gió thành bão của Bắc Kinh là tích lũy từ từ bằng những cuộc tấn công nhỏ nhưng kiên trì, chứng minh sự có mặt lâu dài trên vùng lãnh thổ mà họ đòi chủ quyền, với chủ ý rằng, việc đòi chủ quyền đó sẽ làm suy yếu các quyền lợi kinh tế được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển công nhận và có lẽ ngay cả quyền của các tàu thuyền  và máy bay qua lại [trên Biển Đông] hiện được xem là luật lệ chung trên toàn cầu. Với ‘sự thật mới hiển nhiên’ một cách chậm rãi nhưng tích lũy dần, Trung Quốc hy vọng sẽ thiết lập việc chiếm hữu trên thực tế và hợp pháp đối với các tuyên bố chủ quyền của họ”. —– Theo Robert Haddick, báo Foreign Policy, ngày 3 tháng 8 năm 2012.   
Những quan sát khởi đầu
Tranh chấp Biển Đông đã dai dẳng kéo dài trong hàng thập niên qua giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á, đã trở lại tình trạng xung đột kể từ năm 2008-2009 sau khi Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là ‘lợi ích cốt lõi’ và sẵn sàng đi tới chiến tranh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà họ đã đơn phương tuyên bố.
Sự quyết đoán đó của Trung Quốc không làm cộng đồng quốc tế ngạc nhiên vì rất đồng điệu với những hành động trong quá khứ của Trung Quốc và xu hướng dựa vào xung đột để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thay vì những phương cách giải quyết ôn hòa.
Đáng chú ý là sau năm 2009, Trung Quốc đã tiến hành điều có thể được diễn tả là trong tiến trình nguy hiểm bên bờ vực chiến tranh quân sự, không những có thể làm mất cân bằng vùng châu Á –Thái Bình Dương, mà còn có thể kích động sự đối đầu và xung đột giữa quân đội Trung Quốc với Hoa Kỳ về sự phiêu lưu quân sự của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp này.
Tranh chấp Biển Đông đã được đề cập nhiều trong các bài phân tích của truyền thông báo chí, nên không cần nhấn mạnh trong bài viết này. Do chính sách đơn phương sử dụng quân sự để gây hấn và sự hiếu chiến sẽ dẫn đến nguy hiểm, có khả năng lan ra thành một cuộc tranh chấp rộng lớn hơn, nên điều cần tập trung là, vì sao Trung Quốc cảm thấy được khích lệ và thích thú với chủ nghĩa phiêu lưu quân sự trong các tranh chấp lãnh thổ với các nước làng giềng của họ, mà thông thường có thể được giải quyết ở các diễn đàn quốc tế và khu vực theo cơ chế đa phương.
Vì thế, bài viết này với mục đích xem xét những vấn đề liên quan như sau:
  • Sự gia chính sách bên bờ vực chiến tranh của Trung Quốc trong xung đột Biển Đông: mục tiêu nhắm tới là Hoa Kỳ.
  • Ý nghĩa của việc chọn thời điểm để gia tăng chính sách bên bờ vực chiến tranh của Trung Quốc.
  • Thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược của Hoa Kỳ trong việc đáp trả một cách hiệu quả đối với chính sách bên bờ vực chiến tranh của Trung Quốc trong xung đột Biển Đông.
  • Lựa chọn của các nước đòi chủ quyền để tranh đấu với Trung Quốc trong việc giải quyết xung đột ở Biển Đông: ASEAN không phải là sự lựa chọn, mà lựa chọn hữu hiệu là Hoa Kỳ.
  • Phản ứng của thế giới đối với việc gia tăng khiêu khích chiến tranh của Trung Quốc trong xung đột Biển Đông.
Sự gia tăng khiêu khích chiến tranh của Trung Quốc trong xung đột Biển Đông: mục tiêu nhắm tới là Hoa Kỳ.
Sự gia tăng chính sách bên bờ vực chiến tranh của Trung Quốc trong xung đột Biển Đông không còn giới hạn ở tham vọng kiểm soát khối nhiên liệu dầu hỏa mênh mông, không những nằm trong vùng Biển Đông mà còn ở cả khu vực Đông Hải và Hoàng Hải. Chiến lược phá hoại của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông giờ đây đã biến thành một cuộc tranh luận chiến lược lớn hơn, đó là đánh bại Hoa Kỳ và giữ vai trò thống trị ở châu Á.
Trung Quốc có thể đối xử tàn bạo với các đối thủ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông bằng sức mạnh quân sự bất cứ lúc nào, nhưng họ sẽ không làm thế, khi có thể đạt được kết quả sau cùng với sự lựa chọn ít tốn kém, bằng chiến lược tiến từng bước và tăng dần để giữ sự xung đột sôi động nhưng không bùng nổ. Với chiến lược như thế, Trung Quốc ra tay trước khi có sự can thiệp kịp thời của Hoa Kỳ và đạt được mục tiêu chiến lược như mô tả ở trên.
Các tuyên bố chủ quyền hung hăng [của Trung Quốc] ở Biển Đông chỉ là một tín hiệu báo trước cho sự hiếu chiến tương tự sẽ tiếp theo ở Đông Hải và Hoàng Hải, nơi mà Trung Quốc sẽ đối đầu với một đối thủ hùng mạnh hơn là Nhật Bản.
Tuy nhiên, để tiến dần lên vùng biển phía Bắc, đầu tiên Trung Quốc phải tranh thủ vượt qua Hoa Kỳ trong vùng Biển Đông, cả về mặt địa chính trị lẫn địa chiến lược.
Về địa chính trị, mục tiêu của Trung Quốc nhắm tới Hoa Kỳ là xem thường hình ảnh của Mỹ bởi Mỹ dường như bất động trong việc chống lại hành động phiêu lưu quân sự của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông. Chủ nghĩa biểu tượng ảnh hưởng ở mức độ nào đó và hình ảnh về một nước Mỹ bất lực trong việc kiềm chế Trung Quốc có thể gây tổn hại cho Hoa Kỳ.
Về địa chiến lược, mục đích của Trung Quốc là phô bày cho các nước Đông Nam Á thấy rằng sự thiếu vắng thái độ đáp trả mạnh mẽ của Hoa Kỳ chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc đến từ ý chí chính trị và chiến lược yếu kém của Mỹ khi đương đầu với Trung Quốc trong các vấn đề tranh chấp. Một cách rõ ràng hơn là Trung Quốc muốn cho các nước thấy Hoa Kỳ không thể là một đối tác chiến lược tin cậy của các nước châu Á trong việc chống lại Trung Quốc.
Chiến lược ba mũi nhọn của Trung Quốc mô tả ở trên là biểu hiện của những điều tôi đã diễn tả trong bài viết I (Paper I) trước đây về chiến lược làm hao mòn mất cân đối của Trung Quốc để làm tiêu hao ảnh hưởng quân sự của Hoa Kỳ ở châu Á – Thái Bình dương, để mở rộng phạm vi   cho Trung Quốc thống trị khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ý nghĩa của việc chọn thời điểm để gia tăng chính sách bên bờ vực chiến tranh của Trung Quốc
Việc chọn thời điểm để gia tăng khiêu khích chiến tranh của Trung Quốc trong vài tháng qua là quan trọng, nhất là nó đi ngược lại bản chất của bất cứ quy tắc chiến lược nào. Trung Quốc luôn luôn được cộng đồng thế giới tin tưởng là có sự kiên nhẫn chiến lược, có viễn kiến chiến lược và rằng Trung Quốc đang trở thành một thành viên có trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu. Nhưng trong tiến trình hiện nay về việc Trung Quốc gia tăng khiêu khích chiến tranh ở Biển Đông, những yếu tố này hoàn toàn vắng mặt.
Vậy thì, làm sao giải thích sự hiếu chiến quân sự hiện nay [của Trung Quốc] trong xung đột Biển Đông? Sự tính toán thời điểm trong việc gia tăng khiêu khích chiến tranh trong xung đột Biển Đông có thể dựa vào những yếu tố/ những sự tiến triển sau đây:
  • Trung Quốc hoảng sợ về việc thay đổi chiến lược và tái cân bằng lực lượng quân sự của Hoa Kỳ ở châu Á – Thái Bình dương. Trung Quốc hy vọng, bằng cách leo thang khiêu khích chiến tranh trong xung đột Biển Đông, họ có thể đổi hướng/ phá vỡ kế hoạch tái cân bằng lực lượng quân sự của Hoa Kỳ.
  • Trung Quốc tìm cách ngăn cản sự hấp dẫn chiến lược của Hoa Kỳ đối với các nước Đông Nam Á và buộc những nước này đi đến thỏa hiệp với Trung Quốc bằng tiến trình song phương mà trong tiến trình này, sự cưỡng ép chính trị và quân sự có thể có hiệu lực hoàn toàn.
  • Trung Quốc hiểu rằng Hoa Kỳ hoàn toàn bận rộn với chính trị trong năm bầu cử tổng thống, thời điểm hiện nay là cơ hội để khai thác những mục tiêu địa chính trị và địa chiến lược nêu ra ở trên.
Trung Quốc đã từng nhúng tay vào việc gây chia rẽ giữa các nước ASEAN như một phần của sự theo đuổi chính sách tổng thể để kéo các nước ASEAN ra khỏi ảnh hưởng của Hoa Kỳ và điều này có liên hệ trực tiếp tới thái độ hiếu chiến của Trung Quốc về xung đột ở Biển Đông với các nước ASEAN. Sự mất đoàn kết của ASEAN được thấy rõ tại Hội nghị các Bộ trưởng ASEAN hồi tháng trước ở Cambodia. Với sự kích động của Trung Quốc, Cambodia đã phá hoại sự đoàn kết của ASEAN với một hành động dễ thấy, khi Cambodia thích thú trong cuộc chiến ủy nhiệm (proxy war) [cho Trung Quốc] để chống lại các thành viên ASEAN khác.
Thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược của Hoa Kỳ trong việc đáp trả một cách hiệu quả đối với việc gia tăng chính sách bên bờ vực chiến tranh của Trung Quốc trong xung đột Biển Đông
Hoa Kỳ không phải là nước ngoài cuộc, thụ động đối với việc gia tăng chính sách bên bờ vực chiến tranh của Trung Quốc trong xung đột Biển Đông. Ngay cả trước khi đưa ra Học thuyết Obama về sự chuyển hướng chiến lược sang châu Á – Thái Bình dương, Mỹ đã thực hiện việc điều chỉnh quân lực Hoa Kỳ về phía nam, tới đảo Guam với mục đích đáp ứng kịp thời bất cứ sự bùng nổ xung đột nào trong khu vực Biển Đông.
Hoa Kỳ cũng đã cải tiến và tái xác định các học thuyết quân sự của họ, đặc biệt đối với bất cứ mối đe dọa quân sự nào mà Trung Quốc có thể áp đặt trong khu vực, cụ thể là học thuyết “không chiến trên biển” (Air-Sea Doctrine) nhằm vô hiệu hóa các chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc.
Tuy nhiên, dường như trong cách ứng phó các hành động gây hấn quân sự từng bước của Trung Quốc đối với các nước láng giềng ASEAN đang đòi chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, Hoa Kỳ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược.
Thế tiến thoái lưỡng nan của Hoa Kỳ được phản ảnh rõ nhất qua lời của tác giả [Robert Haddick] được trích dẫn ở trên, và ông nhận xét: “Nhưng các nhà hoạch định chính sách ở Washington sẽ bị kẹt khi cố gắng sử dụng sức mạnh quân sự để chống lại việc từ từ thực hiện những hành động nhỏ thành thạo của Trung Quốc. Nếu những hành động kia quá nhỏ, thì sẽ không có hành động nào đủ nghiêm trọng để biện hộ cho việc khởi sự chiến tranh”.
Ông nhận định thêm rằng: “Việc thực hiện những hành động nhỏ đó [của Trung Quốc] sẽ đặt gánh nặng lên vai các đối thủ của họ. Đối thủ đó sẽ ở vào vị thế bất ổn của những lằn ranh báo động dường như không thể xác định và bị lôi kéo vào tình thế bên bờ vực chiến tranh mà không thể cưỡng lại được. Đối với Trung Quốc có nghĩa là chỉ cần làm lơ Hạm đội Thái Bình dương của Hoa Kỳ và tiếp tục thực hiện các hành động nhỏ đó với sự tính toán hợp lý rằng, chẳng lẽ Hoa Kỳ lại đi gây hấn với một cường quốc vì một sự cố nhỏ nhặt ở một vùng biển xa xôi”.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ cần nhận ra rằng, trong lịch sử những khiêu khích quân sự nhỏ nhặt như thế có khuynh hướng tích tụ tới mức bùng nổ lớn, mà cách tốt nhất là có thể ra tay trước và bóp chết khi còn trong trứng nước.
Hơn nữa, Hoa Kỳ không nên để cho hình ảnh chiến lược và chính trị của mình và tư thế ở châu Á – Thái Bình Dương bị hủy hoại do những khiêu khích từ từ của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, để bảo vệ danh dự bằng cách bảo đảm Mỹ sẽ cung cấp an ninh cần thiết cho các nước đồng minh hiện tại của họ để chống lại Trung Quốc, và cho các đối tác chiến lược mà họ đang tìm kiếm như Việt Nam.
Lựa chọn của các nước đòi chủ quyền để tranh đấu với Trung Quốc trong việc giải quyết xung đột ở Biển Đông: ASEAN không phải là sự lựa chọn, mà lựa chọn hữu hiệu là Hoa Kỳ
Đối đầu với Trung Quốc về quyền kiểm soát các đảo/ bãi đá rải rác ở Biển Đông là các nước Đông Nam Á mà tất cả các nước đều là thành viên ASEAN. ASEAN với tư cách là một tổ chức, đã từng cố gắng kéo Trung Quốc vào đối thoại về xung đột Biển Đông, nhưng không thành công. Ngay từ đầu, Trung Quốc đã chống lại chuyện đó và rằng việc đối thoại để giải quyết tranh chấp phải là các thảo luận đa phương.
Hơn nữa, hầu hết các nước ASEAN vừa mới áp dụng chiến lược rào giậu đối với Trung Quốc không chắc chắn rằng Hoa Kỳ có giải pháp để đương đầu với Trung Quốc về các tranh chấp xung đột ở Biển Đông. Bối cảnh này dường như đã thay đổi sau sự ra đời của học thuyết Obama.
Phản ứng của Trung Quốc là giáng một đòn ly gián ASEAN, bằng cách sử dụng nước đại diện là Cambodia để thoát khỏi việc đưa ra một thông cáo sau Hội nghị các Bộ trưởng ASEAN ở Cambodia, mà bản thông cáo này sẽ chỉ trích các hành động hiện nay của Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông.
ASEAN có khả năng bị chia rẽ sâu sắc hơn khi chính sách bên bờ vực chiến tranh của Trung Quốc leo thang trong các tranh chấp lãnh thổ này. Tất cả những điều này báo hiệu rằng ASEAN không thể phối hợp như một nhóm, hy vọng là nền tảng hữu hiệu để chống Trung Quốc, đại diện cho các thành viên có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Ngay cả nếu ASEAN đoàn kết để chống lại sự áp chế của Trung Quốc, ASEAN vẫn không có đủ sức mạnh quân sự cần thiết để đối đầu với Trung Quốc. Đó là sự thật hiển nhiên.
Một sự thật hiển nhiên khác về ASEAN là Trung Quốc chống lại bất kỳ đàm phán đa phương nào với cả nhóm ASEAN và điều này được ông Haddick giải thích rõ nhất, ông phỏng đoán chính xác rằng: “Sự thất bại trong cố gắng của ASEAN trong việc thành lập bộ quy tắc ứng xử để giải quyết các tranh chấp trên biển (Biển Đông) có lợi cho chiến lược ‘tích gió thành bão’ của Trung Quốc. Một bộ quy tắc ứng xử đa phương sẽ tạo ra đòi hỏi chính đáng cho việc giải quyết tranh chấp và sẽ đặt tất cả các nước tranh chấp vào vị thế ngang nhau. Không có bộ quy tắc, Trung Quốc bây giờ có thể dùng lợi thế sức mạnh để áp đảo các tranh chấp song phương với những láng giềng nhỏ bé của họ và [Trung Quốc] làm thế mà không lãnh hậu quả chính trị nào về việc hành xử ngoài lề một bộ luật đã được thống nhất”.
Các nước ASEAN đối đầu với Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào Hoa Kỳ về mặt chiến lược, để có được sự che chở an ninh và sức mạnh đối trọng chống lại Trung Quốc. Để làm như thế, họ phải sẵn sàng thiết lập mối quan hệ an ninh với Hoa Kỳ.
Phản ứng của thế giới đối với việc gia tăng khiêu khích chiến tranh của Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông
Phản ứng của thế giới được mô tả tốt nhất trong các bài diễn văn phát biểu tại Đối thoại Shangri La hồi tháng 6 năm 2012 ở Singapore. Chủ đề thảo luận chung trong các bài diễn văn này là cộng đồng thế giới và các cường quốc cam kết an ninh trong “khu vực chung trên toàn cầu” và cam kết đối với “sự tự do đi lại trên biển” và không quốc gia nào có quyền tuyên bố chúng là lãnh thổ quốc gia.
Hoa Kỳ, Anh Quốc và tân ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh rằng họ giữ vững lập trường cam kết đối với an ninh và ổn định ở Đông Nam Á. Tân chính phủ Pháp thông qua ngoại trưởng nước này đã nói rõ rằng, Pháp và các nước châu Âu có lợi ích ở Đông Nam Á và sự ổn định và an ninh của khu vực là mối quan tâm chiến lược của họ. Ông nhấn mạnh thêm rằng, Pháp sẽ hỗ trợ bất cứ nhóm an ninh khu vực nào trong vùng.
Trung Quốc sợ bị mang ra để chỉ trích về các hành động của họ ở Biển Đông, thực sự đã tránh xa sự kiện thường niên ở Singapore và chỉ gửi đại diện cấp thấp.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đã hành động mang tính đe dọa ở Biển Đông như một kẻ độc hành với mục đích thiết lập quyền bá chủ trên Biển Đông và tiếp theo sẽ là các hành động gây hấn tương tự như thế ở Đông Hải và Hoàng Hải.
Do lo sợ những điều nói trên, Nhật Bản, đối thủ hùng mạnh của Trung Quốc trong vùng, đã đưa ra các cảnh báo trước. Trong khi Trung Quốc dường như thoát khỏi [sự trừng phạt] qua hành động bắt nạt các nước ASEAN nhỏ hơn đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, việc thoát khỏi sự trừng phạt tương tự sẽ không thể xảy ra cho Trung Quốc khi họ đối đầu với Nhật Bản trong các tranh chấp như thế ở phía bắc.
Kết luận
Gia tăng chính sách bên bờ vực chiến tranh thời gian gần đây của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông với các nước nhỏ ASEAN cần được xem như một thách đố quân sự và chiến lược nhắm vào Hoa Kỳ, với bản chất như một sự thử thách, sẽ cung cấp sức mạnh đối trọng hữu hiệu cho Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc và sự bảo đảm an ninh cho các nước Đông Nam Á, bị che đậy bằng các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.
Phản ứng của Hoa Kỳ đối với những kích động và khiêu khích chiến tranh của Trung Quốc đang được nghiên cứu kỹ lưỡng ở chính phủ các nước ASEAN và châu Á – Thái Bình Dương, để cuối cùng, sự thành công của thay đổi chiến lược sang châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ hầu hết sẽ dựa vào quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc đánh bại Trung Quốc một cách hữu hiệu và trước khi mối Họa Trung Quốc trở nên quá nóng để Hoa Kỳ không thể đối phó.
Hoa Kỳ tuyên bố trung lập trong các tranh chấp Biển Đông không còn là một sự lựa chọn khả thi cho Mỹ. Hoa Kỳ cần nhìn rõ “chiến lược tích gió thành bão” hiểm độc đang được Trung Quốc thực thi ở Biển Đông và chế ngự Trung Quốc một cách hiệu quả trước khi Trung Quốc thuyết phục Hoa kỳ thoát khỏi châu Á – Thái Bình Dương.
Tác giả là một nhà phân tích các vấn đề chiến lược và quan hệ quốc tế. Ông còn là cố vấn về các vấn đề chiến lược của Nhóm Phân tích Nam Á (South Asia Analysis Group- SAAG). Email: drsubhashkapila.007@gmail.com.
Nguồn: SAAG
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Bản tiếng Việt © Trần Văn Minh
http://anhbasam.wordpress.com/2012/08/17/tq-gia-tang-chinh-sach-can-chien-tranh-toi-muc-nguy-hie/

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

SỰ “SUY THOÁI” TRONG LỊCH SỬ VÀ HAI CHỮ “NGU TRUNG”.


SỰ “SUY THOÁI” TRONG LỊCH SỬ  VÀ HAI CHỮ “NGU TRUNG”.

 

HạĐình
Nguyên                                                                                                  
Tháng 8-2012

Lịch sử sinh mệnh VN qua mỗi triều đại đều có những thời khắc gay cấn. Mỗi lần gay cấn, dân tộc lại bị phân thân thành những xu thế khác nhau để đấu tranh cho sự sinh tồn, hao tốn nhiều sinh lực, thậm chí là máu xương  để tìm lối thoát, nếu lệch đường, thì lịch sử lại bước vào một trang đen tối.
Qua sáu triều đại lớn Đinh-Lê-Lý-Trần-Lê-Nguyễn, mổi triều đại đều kết thúc bằng sự suy thoái về “ Tư tưởng-Chính trị-Đạo đức-Lối sống” (tt-ct-đđ-ls), sau đó là rơi vào tình trạng rối ren, đấu tranh nội bộ, hoặc chuyển sang giai đoạn đối đầu chiến tranh xâm lược. Năm triều đại đầu chống giặc từ phương Bắc, trong trường đoạn lịch sử thịnh và suy nối tiếp nhau, kéo dài cả 1.000 năm. (968-1874).Triều đại sau là Nhà Nguyễn thì chống giặc từ phương Tây suốt 71 năm, từ 1874 đến 1945. Từ 1945, dưới triều đại Hồ Chí Minh và Đảng Lao Động VN thì chống Pháp, Tàu(Tưởng Giới Thạch) và Mỹ. Gối theo theo những thập niên cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, lại đan lồng theo cách song hành một cuộc chiến tranh khác, vừa công khai, vừa trong bóng tối chập chờn,  lúc nóng lúc lạnh, khi bạn khi thù của chính phương Bắc, chúng là kẻ thù dai dẳng nhất, suốt lịch sử Việt Nam !
Lịch sử cho thấy rõ, tình trạng suy thoái nội bộ là điều kiện chủ quan, tạo thời cơ cho bọn bành trướng Phương Bắc thực hiện tham vọng xâm lăng. Về phía ta, suy thoái là con đường có thể dẫn tới mất nước. Mà nguyên nhân suy thoái không ở đâu khác, nó nằm trên vai của tập đoàn lãnh đạo Quốc gia của triều đại đương thời.

                       I—SỰ SUY THOÁI TRONG LỊCH SỬ.
Một quốc gia suy thoái, không chỉ là suy thoái theo nghĩa thoáng qua một cách bình thường. Một cơ thể bị suy thoái là kéo theo cả lục phủ ngủ tạng trong quy trình Sinh-Thành-Hoại-Diệt. Sự suy thoái của một triều đại, thông thường là không gượng nổi, kéo theo sự sụp đổ triều đại đó, bởi một lực lượng mới, hoặc bởi một thế lực ngoại xâm, mà Việt Nam thì luôn nằm cạnh nanh vuốt của loài hổ báo. Chịu khó lướt qua lịch sử để thấy tầm vóc hiểm nguy của hai từ “suy thoái”.
1-Nhà Đinh  (968-980) . Đinh Bộ Lĩnh đấu tranh với 12 sứ quân, rồi chiến thắng và thống nhất dân tộc, lập nên Nhà Đinh, ( Đinh Tiên Hoàng), hiệu nước là Đại Cồ Việt. Việt Nam khai quốc chính danh từ đây. Đinh Tiên Hoàng mất sớm, vua con lên ngôi mới 6 tuổi, Thái hậu Dương Vân Nga nhiếp chính, triều đại đi vào suy thoái. tt-ct-đđ-ls nhanh chóng. Giặc Tống từ phương Bắc (Tàu) thấy thế tràn sang xâm lược. Vì coi sự tồn vong của dân tộc là trên hết, Thái Hậu và triều đình quyết định truyền ngôi vua cho Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn, để cầm quân đánh giặc.. Nhà Đinh chấm dứt sau 12 năm trị vì.
2-Nhà Tiền Lê-(980-1009). Lê Hoàng lên ngôi, cầm quân đánh tan giặc Tống, giữ được bờ cỏi. Nhà Tống nể nang, tôn trọng, quan h hòa bình, truyền đến đời thứ 3, là Lê Ngọa Triều thì bệ rạc, suy thoái tt-ct-đđ-ls và chấm dứt năm 1009, trị vì 29 năm.
3-Nhà Lý-(1009-1225). Lý Công Uẩn, quan đầu triều nhà Lê, có trí tuệ uyên bác, đứng ra lật đổ thối nát, chấn hưng quốc gia, lập nên nhà Lý, kéo dài 216 năm, đất nước hưng thịnh, đặt lại tên nước là Đại Việt, hai lần đánh thắng giặc Tống, giữ vững nền độc lập.(1) Đến đời vua Lý Anh Tông bắt đầu suy, kéo dài đến đời Lý Cao Tông (1210) thì suy thoái hoàn toàn về...tt-ct-đđ-ls. Sách chép : “Chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ ấy suy”.Lòng dân trái lìa, đó là triệu bại vong”. Từ 1210 đến 1225 triều chính nằm trong tay đại thần Trần Thủ Độ, nhà Lý chỉ còn cô con gái nhỏ Lý Chiêu Hoàng đứng danh nghĩa. Triều đại nhà Lý cũng đến đây là chấm dứt.
4-Nhà Trần.(1225-1400). Trần Thủ Độ, quan đầu triều, là một người mưu lược, độc ác, thanh toán các thế lực, giành ngôi và đứng ra chấn hưng đất nước. Để danh chính ngôn thuận, đưa cháu là Trần Cảnh, chồng tảo hôn với Lý Chiêu Hoàng, lên làm vua, lập nên Nhà Trần. Là một triều đại hùng mạnh kéo dài  175 năm, 3 lần lẫy lừng chống quân Nguyên Mông, để lại một trang sử vẻ vang của dân tộc Việt.(2) Nhưng đến đời vua cha của Trần Dụ Tông thì bắt đầu ăn chơi và triều đại suy thoái, đến khi Dụ Tông lên ngôi (1357) thì suy thoái càng thêm trầm trọng về… tt-ct-đđ-ls.  Sách nói : “ham mê tửu sắc, bỏ bê triều chính, gian thần lộng hành, sưu cao thuế nặng. Chí sĩ Chu Văn An dâng “Thất Điểu Trần” bị bỏ ngoài tai. (Vua trước  lấy gái làng chơi, đã sẳn có bầu, đem về sinh ra Dụ Tông nên ăn chơi là cũng phải !).  Suy thoái kéo dài, việc triều chính nằm trong tay đại thần Hồ Quý Ly. Đến 1400, nhà Trần chấm dứt vì Hồ Quý Ly cướp ngôi, cải tổ triều chính, nhiều sáng kiến chấn hưng, nhưng không kịp. 1406, nhà Minh tuy không hưng thịnh, nhưng thấy thế, liền kéo quân sang xâm lược, do Mộc Thạnh, Trương Phụ cầm đầu. Quý Ly chống không nổi, vì lòng dân không ủng hộ, bị giặc bắt cả vua cả tướng đem về Tàu. Giặc Minh biến Đại Việt thành Quận Giao Chỉ, (tổng cộng 21 năm), chúng thực hiện các biện pháp cai trị tàn ác, tìm mọi cách đồng hóa để xóa bỏ VN, triệt tiêu văn hóa, phong tục tập quán, xóa chữ viết, có cả việc đục văn bia( như Bắc Kinh đã sai làm vừa qua ở các chiến địa biên giới phía Bắc, sau trận xâm lăng thất bại năm 1979). Nhưng tinh thần Việt không khuất phục, ngay tử 1407 Trần Ngỗi nỗi lên cầm đầu cuộc kháng chiến, được 5 năm (1412) thì bị dập tắt, tiếp đến là cuộc chiến đấu của Lê Lợi.
5-Nhà Hậu Lê. (1418) Lê Lợi là bậc hào kiệt, cùng Nguyễn Trãi là bậc chí sĩ đã cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống quân Minh, 10 năm kháng chiến, từ 1418 đến 1427, quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cỏi, khôi phục giang sơn, lên ngôi Hoàng Đế, chấn hưng đất nước, kéo dài thời hưng thịnh gần một trăm năm, đến đời vua thứ 5, Lê Uy Mục (1527) thì …suy thoái tt-ct-đđ-ls, sinh nội loạn.  Mạc Đăng Dung dẹp nội loạn, chiếm ngôi nhà Lê, chấn hưng nhiều mặt, thực hiện nhiều chính sách cởi mở, có được một thời ngắn yên ổn, nhưng dưới sức ép mạnh mẽ của nhà Minh, xét thế cuộc còn chênh lệch không chọi nổi, lại vì chính nghĩa chưa tỏ rõ, lòng dânchưa thuận theo, nên Mạc Đăng Dung tự trói mình, lên cửa ải xin hàng nhà Minh,nhận tấn phong của Minh Triều chức An Nam Đô Thống, để mong giữ yên bờ cỏi. Như thế, Việt Nam không còn là một quốc gia độc lập. Hành động đối ngoại nầy của Mạc Đăng Dung còn để lại sự bàn cãi hai chiều của lịch sử.
6-Giai đoạnTrịnh -Nguyễn phân tranh.
Chúa Trịnh. Sự suy thoái cuối triều Lê, dẫn đến thời Mạc trở thành lệ thuộc nhà Minh trong quan hệ bang giao, nhà Lê còn tồn tại một thế lực tiếp tục chống Mạc, do võ tướng  Nguyễn Kim phò tá. Kim chết, rể là Trịnh Kiểm lên thay, dần hồi tiếm quyền, một mặt mưu ám hại con cái Nguyễn Kim, một mặt lợi dụng danh nghĩa phò Lê, diệt Mạc.Trịnh diệt được Mạc, lập nên Phủ Chúa, điều khiển quốc gia dưới danh ảo Vua Lê.
Chúa Nguyễn. Nguyễn Hoàng, con Nguyễn Kim, sợ anh rễ ám hại, lập kế xin trấn giữ phương Nam, dần hồi thoát được sự kèm chế của Trịnh, lập nên chính quyền phương Nam. Từ đó đất nước chia hai miền Nam, Bắc. Chúa Nguyễn trong Nam, chúa Trịnh phía bắc. Phía Nam có công mở mang bờ cỏi. Phía Bắc, dù vẫn suy thoái nhưng giữ được biên cương, chưa bị xâm lăng, vì lúc nầy Nhà Minh (Tàu) đang suy thoái, bị chìm đắm trong nội chiến, bởi bộ tộc Mãn nổi lên chống phá, nên sức chưa đủ mạnh để dòm ngó phương Nam.
Hai miền Đại Việt phân tranh. Năm 1627  hai bên lấy sông Gianh làm giới tuyến, kéo dài hơn 200 năm. Nhân dân Việt Nam với tấm lòng bao dung và coi Tổ Quốc là trên hết, không tán thành sự hận thù chia rẽ bởi chính quyền Nam hay Bắc, với một tâm thức tinh tế, gọi chính quyền phía Nam là Đàng Trong, gọi chính quyền phía Bắc là Đàng Ngoài, thể hiện ý chí duy trì một Quốc gia duy nhất.. Cuộc giằng co đôi bên chẳng đem lại sự hưng thịnh nào cho đất nước, con dân trong tình cảnh bèo dạt mây trôi. Năm 1771, ở vùng núi non miền Trung hoang vu, thuộc tỉnh Bình Định, xuất hiện một lực lượng mới, do anh em hào kiệt Nguyễn Huệ cầm đầu, vung gươm mấy trận, dẹp sạch Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài, cả vua Lê chúa Trịnh đều cho về vườn, lên ngôi Hoàng Đế, trực tiếp cầm quân chống giặc Mãn Thanh (Tàu), lúc nầy đã thanh toán xong nhà Minh, lập nên nhà Thanh, thế đang mạnh, hùng dũng tràn quân sang xâm lược VN. Nguyễn Huệ đánh quân Thanh  một trận tan tành, gò Đống Đa còn ghi dấu tích.  Trong Nam, quân Xiêm La kéo sang ăn có, chỉ một trận, nhận chìm cả đoàn quân viễn chinh ở sông Rạch Gầm. Giang sơn bắt đầu thu về một mối, khởi sự cuộc chấn hưng. Nhưng vận nước còn xui, người anh hùng bỗng dưng đột tử, mọi việc trở nên dở dang.
7-Nhà Nguyễn. Hậu duệ của chúa Nguyễn (Đàng Trong)- Nguyễn Ánh- chiếm lại giang sơn, thống nhất nước nhà từ Nam đến Bắc, dưng lên Nhà Nguyễn, kéo dài thịnh trị mấy trăm năm. Đến đời vua Tư Đức, thời đại thế giới đã chuyển mình, phương Tây phát triển khoa học kỹ thuật,, tạo nên một nền văn minh mới. Trong khi đó, Việt Nam cũng như Tàu và cả phương Đông đang chìm trong lạc hậu với hệ tư tưởng phong kiến cũ kỷ, bị các nước phương Tây xâm chiếm và đô hô, Pháp chiếm Việt Nam, có thể lấy mốc lịch sử từ năm ký Hiệp Ước 1874, bắt đầu nhận chịu sự bảo hộ của Pháp.. Đại thần Phan Thanh Giảng tuẩn tiết khi mất 3 tỉnh miền Đông Nam bộ. Từng bước, VN rơi vào cảnh mất nước và lầm than, nhưng lực lượng kháng chiến trong nhân dân không bao giờ ngừng. Các đời vua sau cùng của Nhà Nguyễn trong chế độ bảo hộ, liên tục bị thực dân Pháp bức hại trong bóng tối, bị bắt, bị giết, bị lưu đày. Đời vua bù nhìn cuối cùng là Bảo Đại lưu vong sang Pháp, đến cuối đời chết ở đấy. Nhà Nguyễn đã hoàn toàn chấm dứt từ 1945. (1874-1945=81 năm lệ thuộc Pháp). Hẳn nhiên trong bối cảnh trượt dài trong suy thoái không gượng nổi về ..tt-ct-đđ-ls của các thế hệ cầm quyền phong kiến nhà Nguyễn. Sự suy thoái lần nầy cực kỳ trầm trọng trong so sánh với sự biến chuyển mới của thời đại. Nhà Nguyễn có nhìn mà không thấy được thời đại mới, bỏ qua một cơ hội chuyển mình của dân tộc.
Xét qua các triều đại, mỗi lần suy thoái dẫn đến kết thúc một triều đại đều để lại nhiều bài học đáng giá, bộc lộ khả năng, đức độ của tập đoàn cầm quyền về phương diện nội trị và đối ngoại..Và có thể kết luận, bộ máy Nhà Nước có thể mất, thế lực cầm quyền có thể đầu hàng, ngu trung có thể không nhìn thấy, nhưng dân tộc không bao giờ mất, nhân dân không bao giờ đầu hàng, bậc trung quân ái quốc thì luôn nhìn thấy.
8-Triều Đại Hồ Chí Minh và Đảng Lao Động Việt Nam. Từ đây, cuộc kháng chiến trong nhân dân vẫn tiếp tục, dưới sự lãnh đạo của Đảng LĐVN, với chủ thuyết XHCN, 1945-1975=30 năm chiến đấu (chống Pháp 9 năm, chống Mỹ 21 năm) với cường độ khốc liệt, một giai đoạn lịch sử vô cùng bi tráng cho dân tộc, bởi sức ép trong bối cảnh hệ tư tưởng của thời đại chia thế giới chia thành hai cực.  Hiểm độc hơn nữa, lồng vào tình thế đó, là cuộc xâm lăng khi âm thầm, khi trắng trợn của TQ, dưới vỏ bọc cùng phe, cùng hệ tư tưởng XHCN. Sắp kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh với Mỹ, năm 1974, chúng chớp thời cơ, chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.. Năm 1975, kết thúc cuộc chiến với Mỹ, liền sau đó, 1977, chúng bắt đầu cho quân  Khơme Đỏ đánh phá biên giới Tây Nam, để tiến công qua, bị quân ta đập tan. Năm1979, chúng tiến hành công khai cuộc xâm lược, cho đại quân ào vào biên giới phía Bắc.  TBT Lê Duẫn tiếp tục lãnh đạo quân dân chống xâm lăng, làm chúng thất bại nặng nề, buộc phải rút quân về nước, mộng bành trướng bị chận đứng. Nhưng sau đó,cuộc chiến đấu vẫn âm thầm tiếp tục ở quy mô nhỏ dọc biên giới. Năm 1988, chọn lúc bất ngờ, chúng  tiến chiếm thêm 7 đảo đá ở Trường Sa. Từ 1975-2012 là 37 năm chưa lúc nào yên với phương bắc. Chúng không bao giờ muốn Việt Nam độc lập, luôn muốn kìm kẹp Việt Nam trong thế suy yếu. TBT Lê Duẫn, trước khi mất, căm giận không nguôi, khẳng định : “Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam”.
Đến tháng 3-1990 thì Lãnh đạo Đảng Việt Nam sang Tàu xin hòa hoãn, tái ban giao với biên bản ký kết 16 chữ vàng ở Hội nghị Thành Đô (TQ). Quá khứ đau thương còn nóng hổi được gác lại một cách tế nhị, và được đưa vào vùng “nhạy cảm”, không được nhắc tới. Từ đó sự suy thoái ngày càng diễn tiến phức tạp.
Dưới tấm màn xảo trá 16 chữ vàng, bọn chúng âm thầm tiến hành sách lược xâm lăng theo kế sách “sức mạnh mềm” với 5 bộc lộ mà người dân bình thường cũng thấy rõ :

 1* Lấy chất kết dính là CNXH để lung lạc lập trường của Lãnh đạo VN.
 2* Lấy sự tồn vong của “hai” Đảng làm bản lề để gây ảnh hưởng chính trị vào chính trường VN.
 3* Trói buộc vừa phá hoại nền kinh tế VN với nhiều mưu độc dưới dạng hợp tác thân thiện, hữu nghị.
 4* Kèm chế quan hệ Việt Nam-Mỹ, xúi dục VN đối đầu với Mỹ bằng phương châm “diễn biến hòa bình” hòng kéo VN vào thế  lệ thuộc chúng, đem khẩu hiệu nầy truyền bá, hòng làm lạc hướng nhận thức của cán bộ và nhân dân.
 5* Tham vọng nuốt Biển Đông. Thập niên đầu thế kỷ 21, kinh tế TQ phát triển nhanh, quân sự được hiện đại hóa, chúng cho rằng thế và lực đủ mạnh, sự suy thoái của VN - bàn đạp quan trọng để tiến vào Đông Nam Á –đã chín mùi trong thế kẹp toàn diện của 16 chữ vàng, chúng trắng trợn thách thức thế giới, tiến hành chiến dịch thôn tính toàn Biển Đông, tuyên bố bừa rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của chúng, công khai đe nẹt VN phải đi theo con đường “đại cuộc siêu cường” của chiến lược bành trướng, nếu không, thì bị trả thù !

Nhân dân Việt Nam đã đi suốt con đường đấu tranh không ngừng nghỉ 150 năm (81+30+37), nói riêng dưới triều đại Đảng CS và Chủ Nghĩa Xã Hội là 67 năm, để giành lại giang sơn và giữ giang sơn một cách bi tráng với tất cả phức tạp của tình hình thế giới, với tốc độ dồn dập những khoảnh khắc lóe sáng rồi chập tối của lịch sử cận đại quay cuồng mà dân tộc Việt nam phải đối phó, với những kẻ thù hùng mạnh gấp nhiều lần liên tiếp thay nhau, bạn thù tráo trở, trào lưu xoay vần : xong Pháp,Tàu, Mỹ, thì lập tức lại là Trung Quốc.
Trong tình hình mới hiện nay, Hệ tư tưởng đối lập mang tính toàn cầu chia đôi thế giới của thời chiến tranh lạnh, ngày nay không còn nữa, thay vào đó là sự khác biệt về hai cơ chế quản lý và điều hành xã hôi, một mang tên là cơ chế “dân chủ”,và một, mang tên là cơ chế “dân chủ gấp triệu lần”(lời bà PCT Nước, GS-TS Nguyễn Thị Doan)! Đó là bối cảnh tư tưởng cực kỳ hủ bại, lạc nhịp của một bên..Tại thời điểm hôm nay, và cả thế kỷ 21, tai họa lớn nhất đối với nền hòa bình thế giới là chủ nghĩa bành trướng hiếu chiến Bắc Kinh, đồng thời là kẻ thù trực diện, nham hiểm nhất đối với Việt Nam. Chúng bảo Việt Nam: “Muốn ổn định phải đổi đất”. (báo Hoàn Cầu). Ý chúng dọa nạt ai, và điều gì ? Đổi đất, tức là cắt giang sơn và để yên các Đảo và Biển Đông cho chúng, và ổn định là ổn định vai trò cầm quyền độc tôn của Đảng CSVN nếu theo chúng ?
Tuy nhiên, giang sơn không thể cắt bớt. Đất liền, biển, đảo đã được giữ gìn qua bao triều đại. Lại càng không có sự “ổn định” nào có giá trị hơn Độc Lập, Tự Do, không có sự “tồn tại” có giá trị của bất cứ đảng phái nào, khi không giữ được toàn vẹn lãnh thổ.
Trong 20 năm qua, từ hội nghị Thành Đô đến nay, ĐCS VN đã suy thoái và đang tiếp tục suy thoái, như Nghị Quyết 5 đã nêu: “ Sự suy thoái về Tư Tưởng, Chính Trị, Đạo Đức, Lối Sống” lên tới đỉnh điểm, chạm với “sự tồn vong” của Đảng. Nhưng đáng nói hơn, và đúng hơn, chính là sự tồn vong của đất nước.  Chúng ta biết rằngsự suy thoái không bắt đầu trong một đêm và không thể chấm dứt trong một ngày. Nó có nguyên nhân cốt lõi và kéo dài không chỉ 20 năm, mà có thể đến mấy đời vua, hay cả nửa thế kỷ, như lịch sử đã cho thấy. Sự suy thoái là quá trình tự hủy hoại nhiều mặt. Chúng ta biết lối sống là biểu hiện của nền tảng đạo đức và giáo dục. Suy đồi đạo đức là biều hiện của một nền cai trị không tốt. Cái gốc vấn đề chính là tư tưởng-chính trị, nó luôn ở vai trò nguyên nhân chủ đạo, mà tư tưởng là cốt lõi, tư tưởng có nhìn ra được trào lưu của thời đại hay không ? thấy rõ loại nào là đề án phát triển dân tộc nhắm đến văn minh, nhân bản, dân chủ, tiến bộ; và loại nào là đề án kìm hãm dân tộc trong độc tài, dã man, tụt hậu; để từ đó xác định hướng đi và chỉ rõ kẻ thù ?  Nhân dân Việt Nam thấy rõ ai đang chỉa súng, lưỡi lê, giáo mác vào ta , ai đang trừng mắt và sĩ nhục dân ta mỗi ngày ở đất liền, ở biển Đông ? Suy thoái lần nầy phải chăng có gắn liền với đặc điểm kiệt quệ về sức sống , thiếu vắng niềm tự tin của dân tộc, hay kiệt quệ về khả năng tư duy của cả dân tộc ? và đặc biệt của lãnh đạo đương thi  ?
Lướt qua bối cảnh suy thoái gắn liền với ngoại xâm của 7 triều đại và triều đại hôm nay, chúng ta thấy rõ sự suy thoái hay hưng thịnh của một chế độ, là vai trò của kẻ làm quan của triều đại đó, đặc biệt là các Quan Đại Thần, về chính sách nội trị đối với nhân dân, khả năng tư duy về thời đại, tư duy về học thuyết .Trong bối cảnh đó, ta nghĩ về tác hại của tư tưởng Ngu Trung .(còn tiếp)

(1) Năm 1075 quân Tống chuẩn bị đem quân thủy bộ sang đánh. Lý Thường Kiệt chủ động đưa quân sang Tống đánh phá châu Khâm, châu Liêm, vây châu Ung, chận đánh tan quân tiếp viện tại Côn Lôn, (Nam Ninh, khu tự trị Choang Quảng Tây), chém tướng tại trận, cả chiến dịch giết trên 100.000 người, rồi kéo quân về.  Năm 1076, để trả thù, Tống đem 10 vạn tinh binh, 20 vạn dân phu, 1 vạn ngựa, hợp cùng quân Chân Lạp, hai đường thủy bộ cùng tấn công. Quân Việt đánh tan đoàn quân thủy, ghìm chân đại quân bộ tại sông Như Nguyệt, đánh tiêu hao. Cuối cùng ta cho cầu hòa, ta chiếm giữ luôn đất Quảng Nguyên ( Lạng Sơn- Cao Bằng).
(2) { Lần 1: Quân Mông hùng mạnh, đánh đâu thắng đó, thế mạnh như chẻ tre, cả 40 nước trải dài từ bờ Thái Bình Dương đến Trung Đông, Đông Âu đều nằm rạp dưới vó ngựa của quân Mông. Năm 1258 chúng kéo sang VN, quân Trần dùng kế lui binh, bỏ kinh thành và mai phục. Chỉ một trận phản công, tập kích trong 15 ngày, quân Mông tan vỡ, hao binh tổn tướng kéo tàn quan chạy về nước. Lần 2,năm 1285, thái tử Thoát Hoan cầm 50 vạn binh chia 2 cánh quân bộ tiến qua biên giới Đông Bắc và Tây Bắc, một cánh thủy binh do Toa Đô từ Chân Lạp kéo lên. Quân Trần ứng chiến các mặt. Trần quốc Tuấn và Trần Nhật Duật đón đánh 2 cánh quân bộ do Thoát Hoan cầm đầu.Trận nầy tướng Tàu làToa Đô, Lý Hằng bị bắn chết, Chủ tướng Thoát Hoan phải trốn trong ống đồng để tránh tên cho lính khiêng chạy. Lần 3, lại là Thoát Hoan tổng chỉ huy, ba cánh đã hội quân được ở Vạn Kiếp…. Nhưng đoàn tàu lương bị Trần Khánh Dư nhận chìm toàn bộ trên con đường thủy đến nổi các chủ tướng không hay, Ô Mã Nhi bị ta chận bắt 300 chiến thuyền, Thoát Hoan đang nằm ở Tổng hành dinh nghe lửa cháy rực trời, lên ngựa không kịp thắng yên cương, chạy theo đường Lạng Sơn, liên tục bị chận đánh, cho đến năm sau mới về qua được biên giới. Ô Mã Nhi rút chạy theo sông Bạch Đằng, bị bắt sống cùng tướng Phàn Tiếp}
.


SỰ SUY THOÁITRONG LỊCH SỬ 
HAI CHỮ “NGU TRUNG”
 
 
                           
            II- “NGU TRUNG”

Hạ Đình Nguyên                                                                                                    (tiếp theo)

 “Ngu trung” có vai trò gì trong mỗi bước suy thoái ? 

Như đã thấy qua lịch sử, khi quốc gia suy thoái và bị ngoại xâm, hàng ngũ quan lại, là những người lãnh đạo đất nước, đều có dao động và biến động về lập trường tư tưởng, tựu trung theo hai xu thế : chiến hay hòa ? là chống giặc hay xuôi tay theo giặc ?. Trong suy thoái thì xu thế nào cũng có nhiều khó khăn và nhiều biện luận, làm phát sinh thêm các hệ quả khó lường, nó góp phần làm suy yếu nội lực của quốc gia, về sự lựa chọn, quật cường, hay hòa hoản, con đường nào để không bị nhận chìm trong lệ thuộc. Có một điều chắc chắn nhất là kẻ thù bao giờ cũng muốn tác động và ủng hộ phe “hòa” trong khi đó họ không ngừng “chiến” với ta. Thử hình dung, kẻ kia ôm ta, trong tư thế nhe răng với nụ cười đểu trên môi, mà mũi dao thì dí sát vào bụng ta! Thật đáng kinh tởm và hãi hùng !  Lịch sử cũng cho thấy, khi ta không chịu quỳ xuống mà đứng thẳng lên, thì tầm nhìn không còn ngang rốn của đối phương. Đứng hay quỳ là do tư tưởng trước hết. 
 
Trong sự rối ren của quốc gia, làm bộc lộ rõ các loại quan sau đây:
- Nịnh Thần, là loại quan không có lòng yêu nước, thiếu nhân cách, chỉ một lòng lo nịnh nọt kẻ bề trên, lợi dụng tình hình rối ren để tìm kiếm vật chất càng nhiều càng tốt cho thỏa lòng tham. Quan nầy xuất hiện ở nhiều cấp lớn nhỏ. Họ có thể nối giáo cho giặc để đoạt lợi lộc, hoặc vô tư với cái nội tâm không gắn gì với trách nhiệm họ đang nắm giữ. Nịnh thần không khác gì loại quan tham. Họ xuất thân từ cách mà nhà nước tuyển chọn họ vào hàng ngũ, theo cái cách không công bằng của một nhà nước kém tư cách ( thân thế, đút lót, mua bán chức, không căn cứ trên nền tảng văn hóa, như thi cử và tuyển chọn minh bạch…). Nhà nước càng thiếu tư cách, thì loại ngu thần nầy càng nhiều. Loại nầy càng nhiều, thì Nhà Nước càng thiếu năng lực và bệ rạc, lại đổ rằng nguồn nhân lực yếu kém, như con vịt tự than cái chân mình sao quá ngắn !. ..
- Gian Thần, là loại nịnh thần, nhưng giảo hoạt hơn, có nhiều tham vọng hơn về quyền lực, mánh khóe, thủ đoạn, coi khinh dân chúng, đẩy dân chúng về phía đối lập, trấn áp đối lập để lập công…họ có thể bán lợi ích của dân tộc, có thể liên kết với ngoại xâm, sẵn sàng làm quan bù nhìn để cai trị nhân dân theo sự điều khiển của kẻ thù, để hưởng được nhiều bổng lộc. Dĩ nhiên hai loại quan nầy, nịnh thần và gian thần, đều nguy hiểm cho quốc gia, làm cho quốc gia suy thoái theo tốc độ nhanh hơn, vì không thể có nổi một chính quyền văn minh, lại gây bất bình trong nhân dân, làm suy giảm sức đề kháng của dân tộc. Nịnh thần và gian thần có tâm lý sợ dân, là mặt trái của sự đàn áp dân. Loại nầy càng nhiều thì con đường dẫn đến thất bại và nô lệ càng nhanh hơn,
 
Tuy nhiên, trãi qua lịch sử cam go với nhiều minh chứng, cho phép ta lạc quan nghĩ rằng, hai loại quan trên thời nào cũng có, nhưng vẫn là số ít. Mặt khác, những người trung kiên và tai mắt của nhân dân, sẽ sớm phát hiện để loại trừ.
Vì thế, Việt Nam vẫn trường tồn.
- Trung thần. Đây mới là chủ đề đáng nói, vì là nơi đặt niềm tin của nhân dân. Trung thần chính là rường cột của quốc gia. Trung thần là những kẻ làm quan có phẩm chất tốt, hết lòng với vua, với triều đình ( thời Phong Kiến), và thời đại ngày nay, là hết lòng với lý tưởng về quốc gia dân tộc. Tuy nhiên qua mỗi nút thắt của lịch sử, là một chu kỳ của hưng thịnh và suy vong, vấn đề mới được đặt ra trong bối cảnh mới, nhất là thời đại ngày nay, không gian của một quốc gia bị tác động toàn cầu hóa, vận tốc thời gian dường như chạy nhanh hơn, cách tồn tại của nhân loại thay đổi nhiều mặt, tạo nên áp lực tư duy về lý tưởng của các Trung Thần, có chuyển hóa cho tương thích với thời đại hay một long bám giữ cái đã cũ, chung quy tạo thành hai dòng tư tưởng chính : bảo thủ và cấp tiến. Bảo thủ là trung thành với hệ thống giá trị cũ. Cấp tiến là tầm nhìn ra xu thế tất yếu của thời đại.
- Ngu Trung. Loại bảo thủ được gọi là tên là ngu trung, có thể cho là có phẩm chất tốt nhưng trí tuệ thì bất cập, không kịp thay đổi nhận thức theo tình hình mới, loại nầy bao giờ cũng đông hơn loại cấp tiến, có các đặc điểm sau đây :
1* Nhận thức (của họ) tồn tại lâu bền hơn đối với thực tiễn đã thay đổi. Sự thay đổi của thời đại thì đã rất hiển nhiên.
 2*Nhận thức đã xơ cứng và trở thành giáo điều, các giáo điều luôn được xưng tụng, thờ cúng như một điều thiêng liêng, học viện trở thành giáo đường, cái mới trở thành điều cấm kỵ. Đó là niềm tin vào một ông vua xấu (hôn quân), vào một giòng tộc (trở thành gia đình trị, thí dụ như Bắc Triều Tiên), vào một học thuyết không còn phù hợp thời đại.
3*Nhận thức của ngu trung còn được bao bọc và che lấp bởi vai trò của quyền lực đang nắm và quyền lợi đang có, kể cả những toan tính của sự “tồn vong” bản thân và con cái kế thừa. Ở đây có thể gọi là ngụy ngu trung.
Đầu thề kỷ 20, phương Đông đã tiếp cận với nền văn minh phương Tây, kèm theo đó là chính sách thực dân, nhưng Minh Trị Thiên Hoàng, vua nước Nhật, một nước đất không rộng, người không đông, đã sớm ý thức, từ bỏ hệ tư tưởng phong kiến, chuyển hóa và hội nhập với trào lưu mới, dẫn dắt nước Nhật tránh được con đường lệ thuộc , trong vài thập niên đã nhanh chóng trở thành một quốc gia hùng cường, có cơ chế dân chủ lành mạnh, mà ngai vàng vẫn không mất trong sự uyển chuyển và thay đổi tương thích, nhờ tầm nhìn sáng suốt vì dân tộc của một đấng Minh Quân. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia tiếp cận với trào lưu mới rất sớm sủa, nhưng vua quan nhà Nguyễn không có tư duy độc lập, vẫn khư khư trung thành theo bóng dáng mô hình Trung Quốc, mãi ôm một thể chế với hệ tư tưởng của thời kỳ phong kiến suy tàn, khi nhận ra thì đã quá muộn, nước mất, ngai vàng mất và thân phận giòng tộc cũng chẳng ra gì, mà từ đó nhân dân phải lầm than để thực hiện cuộc một cuộc chiến đấu cả một trăm năm chưa xong.!  Quá đúng và quá xứng đáng là một bài học lịch sử lớn lao cho các thế hệ hôm nay, về cách nhìn thời đại, để không vướng vào trọng tội đáng tiếc là ngu trung, hay ngụy ngu trung.
--Khi quân Nguyên Mông chuẩn bị lăm le bờ cỏi, tướng quân Trần Hưng Đạo đã làm trong sạch hậu phương, bằng cách đích thân đến tắm cho tướng quân Trần Quang Khải để xóa mối hiềm khích gia đình, và truyền “Hịch Tướng Sĩ”, nêu rõ : “Nếu giặc vào thì Thái Ấp của các ngươi cũng không còn…”. Mồ mã tổ tiên, biệt thự, nhà thờ hoành tráng mà các người đang xây, xe hơi BMW cũng không còn, các doanh nghiệp nghìn tỷ của các người cũng sẽ bị lấn ép và thôn tính., làm thân lưu vong chẳng vinh dự gì..  Mộng làm Thái Thú cũng không nên mơ màng tới, vì nhân dân sẽ chiến đấu. Vua Trần đã hiểu ý của nhân dân, biết khơi sức mạnh của nhân dân, thể hiện và tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân, nên đã triệu tập Hội Nghị Diên Hồng, nhằm cũng cố lòng dân bằng câu hỏi đanh thép ngắn gọn “hòa hay chiến ?” Đó là tấm gương dân chủ đầy nghệ thuật, rất độc đáo của tinh thần Việt Nam.
--Nhà Mạc, vì không hiểu sự suy vi nội bộ trầm trọng của nhà Minh, tưởng chúng mạnh, mà khấu đầu chịu trói tự nộp mình cho nhà Minh, gây nên nổi quốc nhục, nên sĩ phu và nhân dân chống đối. Cái nhìn của nhà Mạc không vượt qua được biên giới lãnh thổ, tạo thời cơ, mà không chê trách được, cho ngu trung nhà Lê nỗi lên chống lại.
--Trong hoàng cảnh lạc hậu và nhiểu nhương của thời Nam Bắc phân tranh, mà Nguyễn Huệ, với bản lĩnh và tinh thần bất khuất, nhìn thấu ruột gan kẻ địch, dám đánh và đã thổi bùng lên sức mạnh chiến đấu của nhân dân vì chính nghĩa, ngu trung không dám hé răng, chỉ còn biết thở than, mà đau lòng cho lắm,thì như đại thi hào Nguyễn Du là tột đỉnh. Truyện Thúy Kiểu, văn chương, tình ý tuy hay, nhưng đó là những trang kịch thơ bi thảm .
--Thời kỳ lệ thuộc Pháp, nhân dân lầm than đói khổ, nhưng Hồ Chí Minh với tư duy hợp thời đại lúc bấy giờ, nắm vững ngọn cờ dân tộc dân chủ, đã khơi dậy ý chí của toàn dân, đã đánh thắng các kẻ thù cướp nước, giành lại được độc lập, dù chưa được trọn vẹn, và thời gian cũng ngắn ngủi !…;  37 năm chưa hẳn gọi được là độc lập,vì đan xen chiến tranh (tự vệ), suy thoái và chập chờn đổi mới ; Đảng CSVN, tuy có công lao, nhưng chưa đủ để tự phong là “vĩ đại”, nên hạ nhiệt cái tầm cao “kiêu hãnh Cọng sản”, chuyển cái “dân chủ gấp triệu lần” biến vào lòng nhân dân để tạo nên sức mạnh chống ngoại xâm.
Cái ngu trung ngày nay là cuộc ăn nằm chung thủy với hệ thống tư duy lạc hậu, trong mớ chăn màn nhàu nát của hào quang cũ. Vượt qua cửa nhà, vượt qua “vinh thân phì gia”, vượt qua tư duy quen nếp, là vượt qua ngu trung để thấy thời đại.
Câu trả lời vĩnh viễn của dân tộc Việt là Quyết Chiến, là Đánh ! Đánh cho chúng không còn manh giáp, nếu không được, thì vẫn tiếp tục chiến đấu 10 năm, 50 hay cả trăm năm như cha ông đã từng làm, như lịch sử đã chứng minh. Nhưng đánh thế nào, đó là mưu lược, bản lãnh của người cầm quân, kẻ đang mang quân hàm, đeo lon tướng tá gi phần quan trọng, cùng với trí tuệ và tinh thần dũng cảm của nhân dân. Nhân dân chỉ có một câu trả lời duy nhất : Chiến ! Nhân dân Việt Nam đã trường chinh 150 năm chưa nghỉ, đã từng nằm gai nếm mật, đã có nhiều cách đánh. Nhưng trước hết, không mắt mưu chúng về hướng “diễn biến hòa bình”, hướng đó chính là từ phương Bắc, không thể mơ hồ. Sự mơ hồ lúc nầy là tạo thời cơ  cho giặc. Chủ đề lớn về tư tưởng của thế giới hiện nay: Kẻ thủ ác toàn cầu của thời đại ngày nay là chính Bắc Kinh , chúng đang đi trên con đường đẫm máu, khốc liệt hơn cả chủ nghĩa thực dân phát xít. Không có lý gì để kết thân với chúng. Thế mà...


HĐN

http://nguoilotgach.blogspot.com/2012/08/su-suy-thoai-trong-lich-su-va-hai-chu.html