Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

Sóng căm hờn trong vùng Biển Đông

19-06-2011 03:35
Sóng căm hờn trong vùng Biển Đông
Ảnh minh họa
Tình hình leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khiếu nại chủ quyền quần đảo Trường Sa đang đe dọa sẽ dâng trào đến một cuộc xung đột toàn diện. Philippines và Việt Nam đặc biệt bất mãn Bắc Kinh sau một loạt các hành động khiêu khích mà một số người tin rằng đang cho thấy Trung Quốc tham gia vào một lập trường quyết đoán hơn trong sự khẳng định chủ quyền của mình tại vùng biển phong phú khả năng dầu khí.
Tuần trước, Việt Nam đã tố cáo Trung Quốc “cố ý” tấn công một tàu khảo sát của mình ngay trong khu vực thuộc phạm vi đặc quyền kinh tế của mình. Sự cố này là lần thứ hai mà một tàu Trung Quốc đã đối đầu với một tàu Việt Nam trong khu vực này trong hai tuần qua. Theo một nhật báo chính thức ở Bắc Kinh, hôm thứ Năm, Trung Quốc đã đưa tàu tuần tra vào vùng biển để “bảo vệ an ninh hàng hải”.
Sự căng thẳng đã làm gia tăng nỗi oán hận Trung Quốc trên khắp cõi Việt Nam, với hàng ngàn người tràn xuống đường tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để phản đối các hoạt động của hải quân Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp và các tin tặc Việt Nam phát động những cuộc tấn công không gian mạng vào các trang web chính thức của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đã tranh cãi với Philippine qua việc lặp đi lặp lại các hành động xâm nhập các khu đảo của Phi trong quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đã bác bỏ những tố cáo này như là những “tin đồn”, trong một cuộc họp báo, Jinchao Liu, đại sứ Trung Quốc tại Philippine còn cảnh báo các nước láng giềng châu Á không được thăm dò dầu mỏ khí đốt trong khu vực Bắc Kinh xem như một phần của lãnh thổ có chủ quyền của mình.
Hai nước đã trao đổi những cuộc phản đối ngoại giao cấp cao để bảo vệ những khiếu nại về chủ quyền của mình. Trong một hồ sơ khiếu kiện nộp cho Liên Hiệp Quốc hồi đầu tháng này Philippines trích dẫn sáu lần xâm nhập của Trung Quốc từ tháng Hai đến tháng Năm. Các sự cố ấy bao gồm việc hải quân Trung Quốc bắn vào ngư dân Philippines, tàu Trung Quốc đe dọa tàu thăm dò dầu Philippines và Bắc Kinh dựng lên các cọc, phao trong khu vực biển do phía Manila khẳng định là chủ quyền của mình.
Manila cũng phản đối việc Trung Quốc xây dựng các kiến trúc mới trong khu đảo chủ quyền của mình. Thượng nghị sĩ Francis Pangilinan chỉ trích hành động của Trung Quốc là “không thích hợp với một cường quốc thế giới”. Về phần mình, Trung Quốc đã gửi một lưu ý ngoại giao tại Liên Hợp Quốc tuyên bố rằng Philippines đã xâm chiếm quần đảo Trường Sa vào những năm 1970 – một tuyên bố mà nhà phân tích về an ninh cho là vô lý căn cứ vào thực trạng tiết lộ của hải quân Philippines.
Đại sứ Liu cho biết, tàu Trung Quốc đã hành động để ngăn các ngư dân Philippines ra khỏi khu vực “thẩm quyền” của mình, bất chấp thực tế là các khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền rất gần với Philippine về mặt địa lý.
Chẳng hạn như, khu vực Bãi cỏ Rong, nơi một sự cố va chạm đã diễn ra chỉ cách Palawan, tỉnh cực tây của Philippine 80 hải lý (148 km) nhưng cách xa gần 500 dặm (800 km) từ Trung Quốc.
Cả hai quần đảo Kalayaan và vũng cạn Scarborough đều gần Palawan hơn so với bất kỳ phe tranh chấp nào khác và nằm trong khuôn khổ cơ sở quần đảo của Palawan – vốn là nguyên đơn duy nhất có thể khiếu nại căn cứ vào yêu cầu địa dư.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates, đã ở Philippines ngày 30 tháng Năm tham dự các cuộc đàm phán liên quan đến quan hệ quốc phòng song phương, cảnh cáo rằng cuộc tranh chấp có thể dẫn đến những xung đột nếu các quốc gia khiếu kiện không áp dụng được một cơ chế giải quyết tranh chấp trong hòa bình .
Quần đảo Trường Sa, được đặt tên theo danh tính của một thủy thủ người Anh Richard Spartly, là một phần của một nhóm nhóm 650 đảo, cù lao, đá ngầm, đảo nhỏ và đảo san hô ở vùng Biển Nam Trung Hoa. Quần đảo này gồm ít hơn 540 cây số vuông diện tích đất trải rộng trên hơn 400.000 cây số vuông biển.
Khu quần đảo tranh chấp chủ yếu là không có người ở nhưng nằm trong tuyến đường biển quan trọng và được cho là có lượng dự trữ dầu và khí đốt lớn. Khu vực này được khiếu nại là một phần hoặc toàn bộ bởi các nước Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam, được tình báo Hoa Kỳ coi là một trong tám điểm nóng hàng đầu của thế giới.
Căng thẳng có thể leo thang hơn nữa sau một cuộc tập trận bằng đạn thật vào đầu tuần này của Việt Nam và một cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines trước đó trong vùng biển tranh chấp. Philippines cũng gia tăng việc các chống lại Trung Quốc với các kế hoạch của quốc hội nhằm đổi tên vùng biển từ danh xưng biển Nam Trung Hoa trở thành biển Tây Phi Luật Tân.
Trong việc đệ trình nghị quyết này, đại biểu Walden Bello của đảng Akbayan cho biết danh xưng biển Nam Trung Hoa là một cái tên nhầm lẫn mà Trung Quốc đang sử dụng vì đã mang lại lợi thế vô lý cho họ trong việc tranh cãi chủ quyền lãnh thổ của mình. Bằng cách đổi tên vùng biển này, “chúng ta đang xử dụng một động thái chủ động tăng cường được khẳng định chủ quyền của mình”, Bello tuyên bố.
Chính phủ Philippines đã chính thức xử dụng địa danh mới này lần đầu tiên vào thứ sáu tuần trước trong một cuộc họp báo về vấn đề này. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Eduardo Malaya giải thích rằng tên biển Tây Phi phản ánh vị trí thích hợp về địa lý. Các tổ chức truyền thông báo chí ở Philippine cũng đã bắt đầu sử dụng tên mới này.
Ed Dagdag, nhà phân tích chính trị thuộc Đại học Trung tâm Châu Á của Philippines cho rằng các quan chức chính phủ bao gồm cả phát ngôn viên tổng thống nên cố kềm chế không nên đưa ra các tuyên bố có tính kích động nếu họ muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Dagdag tin rằng nếu một cuộc đối đầu quân sự nổ ra, Hoa Kỳ, một đồng minh quân sự chính Philippines, có thể sẽ không thể đứng về phe Philippine vì nguy cơ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột tiềm năng lớn hơn với Trung Quốc. Gates nhấn mạnh trong chuyến thăm Philippines của ông rằng Mỹ “không có vai trò” trong các tranh chấp ở Trường Sa.
Dù với các luận điệu hùng hồn, Philippines vẫn khó có thể ngăn cản được những cuộc tấn công và các công trình xây dựng của Trung Quốc sắp tới trong khu vực tranh chấp. Tổng thống Philippines Benigno Aquino, cùng các nước Đông Nam Á đang khiếu nại, đã cho biết họ thích hướng đến một giải pháp đa phương cho cuộc tranh chấp – trái ngược hoàn toàn với quan điểm của Trung Quốc vốn kiên quyết nhắm đến các cuộc đàm phán song phương. Nhưng vì Trung Quốc đã lẩn tránh các đề xuất muốn đóng một vai trò trung gian của Mỹ, sự căng thẳng ở vùng biển nam Trung Hoa đang trở nên nóng hơn trước khi có thể dịu xuống.
Joel D Adriano
Lê Quốc Tuấn. X-CàfeVN chuyển ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét