Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

Cách mạng khoa học trong quân sự và sự tác động đến phương thức tác chiến

QĐND - Sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ vào những năm cuối của thế kỷ 20 và thập niên đầu của thế kỷ 21 đã tác động mạnh mẽ, tạo ra một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực quân sự. Các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ triệt để ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ để phát triển hàng loạt các trang bị quân sự mới, vũ khí công nghệ cao (VKCNC).
Sự xuất hiện của các loại vũ khí “thông minh” được điều khiển từ xa, có tầm hoạt động xuyên quốc gia, có khả năng tự tìm mục tiêu với độ chính xác cao, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, được phóng đi từ ngoài vùng hỏa lực đánh trả của đối phương… trong chiến tranh vùng Vịnh-1991 được xem là sự mở đầu của kỷ nguyên chiến tranh VKCNC. Ngoài tên lửa Pa-tri-ốt, tên lửa Tô-ma-hốc là vũ khí phòng không mặt đất kiểu mới, trong chiến tranh vùng Vịnh, lần đầu tiên Mỹ cho “trình làng” loại tên lửa không đối đất Slam... Trong chiến tranh Nam Tư (1999), chiến tranh Áp-ga-ni-xtan (2001), chiến tranh I-rắc (2003) và hiện tại là cuộc chiến tranh Li-bi, các loại VKCNC, nhất là tên lửa hành trình liên tục được cải tiến. Sau cải tiến, mỗi loại tên lửa đều có những tính năng ưu việt hơn, được bổ sung thêm những đầu đạn mới, cự ly phóng xa hơn và độ chính xác cao hơn...
Tên lửa hành trình Tô-ma-hốc được phóng lên từ tàu nổi của Anh. Ảnh sưu tầm.
Đáng chú ý, trong số các tên lửa hành trình mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh I-rắc, đa số là mang đầu đạn xuyên phá các công trình ngầm, kiên cố và các phương tiện cơ giới bọc thép... Từ thế hệ tên lửa đầu tiên đến nay, đã xuất hiện nhiều loại tên lửa Tô-ma-hốc. Điển hình phải kể đến là tên lửa hành trình Tô-ma-hốc BGM-109 phóng từ tàu ngầm, tàu nổi dùng để tiến công các mục tiêu trên đất liền. Các tên lửa Tô-ma-hốc chiến thuật, mang nhiều loại đầu đạn khác nhau, được cải tiến và ký hiệu từ A đến D...
Trong các cuộc chiến tranh do Mỹ và liên quân tiến hành gần đây có sự xuất hiện của tên lửa hành trình Tô-ma-hốc nâng cấp từ Block-I đến Block-IV sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS, máy thu vệ tinh có khả năng kháng nhiễu cao, đầu đạn nhẹ hơn, tầm bắn xa hơn, độ chính xác cao hơn... Mặc dù phía liên quân xác nhận mục tiêu đánh phá không nhằm vào cá nhân nào, nhưng máy bay của họ đã không kích có định vị vào các căn cứ quân sự của chính quyền Ca-đa-phi. Các loại tên lửa được sử dụng trong các cuộc không kích của NATO vào Li-bi đều sử dụng hệ thống định vị GPS. Cuộc không kích trúng nhà con trai út của ông Ca-đa-phi đêm 30-4 vừa qua có thể xem là một minh chứng…
Ngoài tên lửa, một số nước còn nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí tiến công từ xa mới có khả năng tác chiến ban đầu tốt, nhất là độ chính xác và khả năng sát thương. Điển hình như thiết bị tung rải tự động AFDS do Đức và Mỹ phối hợp sản xuất; thiết bị tung rải DWS 24/39 trên máy bay do Đức và Thụy Điển hợp tác sản xuất… Sự ra đời của nhiều loại vũ khí mới đã tạo thành một hệ vũ khí với nhiều tính năng, tác dụng khác nhau.
Sự phát triển nhanh chóng của VKCNC đã tác động làm thay đổi hẳn phương thức tác chiến. Sau chiến tranh vùng Vịnh, Mỹ và một số nước đồng minh đưa ra khái niệm tác chiến mới: Tác chiến phi tiếp xúc. Khái niệm này được hiểu là: Tác chiến thoát ly tiếp xúc, đánh trả gián tiếp, bên tiến công có thể phá hủy các mục tiêu trên lãnh thổ đối phương mà không cần xâm phạm không phận và lãnh thổ của bên bị tiến công…
Qua các cuộc chiến tranh gần đây, tác chiến phi tiếp xúc đã thực sự trở thành biện pháp tác chiến chiến lược quan trọng, phổ biến và được vận dụng trong tất cả các giai đoạn chiến tranh, rõ nhất là trong giai đoạn tiến công hỏa lực. Trong tác chiến truyền thống, muốn tiêu diệt một chiếc xe tăng hoặc một khẩu pháo, một hầm ngầm… phải dội hàng chục tấn bom đạn, thì hiện nay bằng tác chiến phi tiếp xúc chỉ cần một quả tên lửa hoặc một quả đạn pháo được điều khiển với độ chính xác cao là có thể diệt gọn. Tương tự, nếu trong tác chiến truyền thống muốn phá hủy các mục tiêu chiến lược trên lãnh thổ đối phương, bên tiến công phải dùng không quân hoặc bộ binh xâm phạm không phận, lãnh thổ của đối phương. Nhưng trong tác chiến phi tiếp xúc, bằng các loại VKCNC, từ không phận, lãnh thổ của mình bên tiến công có thể tiêu diệt các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ của đối phương… Có thể thấy, ưu điểm nổi bật của tác chiến phi tiếp xúc là, áp dụng được nhiều thủ đoạn, tổn thất sinh lực thấp, nhờ tiến công đối phương từ xa. Mặt khác bằng tác chiến phi tiếp xúc, bên tiến công có thể thoải mái lựa chọn mục tiêu đánh phá, vì thế hiệu quả tác chiến rất cao, mà tổn thất phụ lại thấp; có thể đánh bất cứ lúc nào, trong mọi điều kiện thời tiết…
Tuy đánh trúng tất cả các mục tiêu quan trọng nhưng VKCNC vẫn có những sai số dù rất nhỏ (theo tổng kết của NATO từ 7 đến 9%). Trong cuộc chiến tranh Nam Tư năm 1999, không quân Mỹ và NATO đã tốn khá nhiều bom, đạn do oanh kích vào các mục tiêu giả, trận địa giả do Nam Tư tạo ra. Hay gần đây nhất trong cuộc chiến tranh Li-bi không dưới hai lần máy bay của liên quân không kích nhầm vào mục tiêu của lực lượng nổi dậy… Qua nghiên cứu các cuộc chiến tranh gần đây, đặc biệt là sự chống trả của Nam Tư, I-rắc; Áp-ga-ni-xtan… cho thấy phương thức tác chiến này cũng bộc lộ những hạn chế. Đáng chú ý là, tác chiến phi tiếp xúc khó đạt hiệu quả cao ở địa hình rừng núi; khó phân biệt thật giả nếu không có một hệ thống truyền tin, tình báo, trinh sát tốt, hệ thống định vị và tác chiến điện tử mạnh; các vũ khí, phương tiện tiến công phi tiếp xúc phải bay một quãng đường xa đến hàng nghìn km, tốc độ không lớn và quỹ đạo bay khá ổn định; công tác bảo đảm chiến đấu phức tạp v.v..
Khi đề cập đến giải pháp đối phó với VKCNC và tác chiến phi tiếp xúc, các quốc gia trên thế đã phân tích khá kỹ những hạn chế trên. Đặc biệt là kinh nghiệm phòng tránh, đánh trả của Nam Tư trong cuộc chiến tranh Cô-xô-vô. Bằng chủ động phòng tránh; tăng cường khả năng cơ động; thực hiện ngụy trang, nghi binh và gây nhiễu… kết hợp với tích cực đánh trả bằng màn hỏa lực dày đặc, quân đội Nam Tư đã bắn rơi hơn 40 máy bay, đánh chặn được hơn 180 tên lửa hành trình… của NATO. Khi mà các nước tiến công dựa vào VKCNC đã thay đổi phương thức tác chiến cũ bằng tác chiến phi tiếp xúc, thì các nước bị tiến công cũng phải nghiên cứu tìm phương thức tác chiến mới cho phù hợp với tình hình. Đó là quy luật tất yếu của chiến tranh.
Phùng Kim Lân

Trung Quốc đợi thời cơ kiểm soát nguồn dầu lửa ở Biển Đông?

Trung Quốc công khai cho biết đang tăng cường tuần tra tại Biển Đông, một động thái tiếp tục góp phần làm gia tăng căng thẳng Biển Đông, đặc biệt một số động thái  va chạm với một loạt quốc gia hồi năm ngoái cho đến nay. NCBĐ giới thiệu bài phỏng vấn ông Dylan Mair, Giám đốc Công ty tư vấn IHS Energy trên Radio Australia với nhan đề “China takes long view South China Sea resources .
Tuần này, Trung Quốc đã thông báo sẽ tăng cường tuần tra tại Biển Đông, nơi nhiều quốc gia đang tranh chấp chủ quyền. Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, Philíppin, Việt Nam, Malaixia, Brunây và Đài Loan cũng khẳng định có chủ quyền toàn phần hoặc một phần ở những nơi này. Mỹ đang theo dõi tình hình ở Biển Đông với nhiều quan ngại, đặc biệt khi thấy Trung Quốc tăng cường lực lượng hải quân ở Biển Đông sau một vài vụ đụng độ trên biển hồi năm ngoái.
Ông Dylan Mair, Giám đốc Công ty tư vấn IHS Energy có trụ sở tại Xinhgapo và cũng là chuyên gia về dầu lửa và khí đốt, cho biết ông không tin Trung Quốc sẽ vội vã tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông, nơi dồi dào hai loại tài nguyên thiên nhiên là dầu lửa và khí đốt. Ông Dylan Mair cũng nói rằng ông không nghĩ các xung đột tại khu vực này sẽ sớm leo thang. Ông cho biết nhiều chính phủ vẫn đang thực hiện các cuộc thăm dò để tìm hiểu tiềm năng tài nguyên ở Biển Đông, đặc biệt quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, chưa nước nào thực sự đẩy mạnh việc khoan tìm để tích cực khai thác. Mặc dù nói rằng tình trạng căng thẳng ở Biển Đông sẽ không leo thang, nhưng chuyên gia Dylan Mair nhận định tình trạng căng thẳng này sẽ vẫn tiếp tục kéo dài.
Trong lịch sử, khi một nước bị suy yếu thì nước khác sẽ lợi dụng tình hình. Có rất ít trường hợp tranh chấp được giải quyết êm thấm trong hòa bình như cách giải quyết mâu thuẫn giữa Malaixia và Brunây trước đây. Ông Dylan Mair cho rằng dù trong lúc này, Trung Quốc chưa vội tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng nước này sẽ làm mọi việc để bảo đảm rằng vào một lúc nào đó trong tương lai, họ có thể nắm trong tay số tài nguyên và vùng biển này. Quan sát động thái của Trung Quốc từ hàng chục năm qua, giới chuyên gia kết luận Trung Quốc rất có khả năng trong việc kiên nhẫn chờ đợi thời cơ chín muồi.
Trả lời câu hỏi liệu giá dầu sẽ còn tăng tới mức nào sau khi đã tăng vọt 35% kể từ giữa tháng 2/2011, chuyên gia Dylan Mair nói một khi tình hình thế giới còn bất ổn, giá dầu sẽ vẫn tăng. Hiện tại, nếu cuộc nội chiến tại Libi được giải quyết, giá dầu có thể giảm. Ông Dylan Mair cho biết rủi ro lớn nhất trong vấn đề an ninh năng lượng cho khu vực Đông Nam Á trong vài thập niên tới là con người không tìm được thêm nguồn dầu lửa và không tìm được phương thức hữu hiệu để sử dụng khí đốt.

Theo Radio Australia

Báo Nhật: Kịch bản Trung Quốc tấn công Senkaku

Theo báo "Sankei", dựa trên “Đại cương kế hoạch phòng vệ mới” được hoạch định tháng 12/2010, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã soạn thảo kịch bản quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) bị Trung Quốc chiếm đóng để thảo luận đối sách tăng cường năng lực tuần tra cảnh giới và triển khai cơ động lực lượng phòng vệ.
Nhật Bản đã giả định tình huống bắt đầu từ việc Trung Quốc cho các “ngư dân giả trang” đổ bộ bất hợp pháp lên quần đảo cho đến tấn công bằng vũ lực lên hai đảo Miyako và Ishigaki, đồng thời Nhật Bản cũng tính đến việc phản công chiếm lại các đảo này. Đây là lần đầu tiên nội dung toàn bộ kịch bản tình huống xảy ra chiến sự với Trung Quốc được tiết lộ
Sau khi có “Đại cương kế hoạch phòng vệ mới”, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thành lập “Ủy ban xúc tiến cải cách cơ cấu để nâng cao hiệu quả của lực lượng phòng vệ”. Các nhóm đã tiến hành thảo luận về thực trạng của lực lượng phòng vệ, tăng cường chức năng phối hợp giữa 3 lực lượng hải, lục, không quân, nêu lên các vấn đề về khả năng sẵn sàng triển khai cơ động, công tác chỉ huy, cảnh giới và giám sát tình hình. Sau khi thảo luận các vấn đề trên, đầu năm nay Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã bí mật soạn thảo kịch bản Trung Quốc chiếm quần đảo Senkaku, coi đó là tình huống mẫu. Kịch bản này được hình thành từ 3 tình huống sau:
1. "Ngư dân giả trang" của Trung Quốc đổ bộ bất hợp pháp lên quần đảo: Sau khi dân quân biển của Trung Quốc giả trang làm ngư dân đổ bộ lên quần đảo Senkaku, Trung Quốc tuyên bố rằng đó là do “tàu đánh cá của họ bị hỏng”. Lực lượng cảnh sát biển của tỉnh Okinawa lên đảo và bắt giữ tại chỗ các ngư dân giả trang này vì họ đã vi phạm Luật dân tị nạn nhập cảnh. Các tàu tuần tra của Cục bảo an biển cũng được triển khai quanh quần đảo
2. Lực lượng phòng vệ triển khai hoạt động cảnh giới, bảo vệ trên biển: Phản ứng lại các hành động trên của Nhật Bản, Trung Quốc phái tàu điều tra “Hải Giám” của Cục hải dương quốc gia đến vùng biển này. Nhật Bản phán đoán rằng tàu “Hải Giám” là tàu lớn, có tốc độ cao, không thể đuổi bằng tàu tuần tra của Cục bảo an biển, nên tàu chiến và máy bay của lực lượng phòng vệ trên biển sẽ xuất kích. Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố với cộng đồng quốc tế rằng “Nhật Bản đã bắt đầu hành động quân sự trái đạo lý”.
3. Trung Quốc tấn công vũ lực quần đảo Tây Nam: Trung Quốc đưa tàu chiến của hải quân vào cuộc. Tàu chiến của lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản lo ngại sự việc phát triển thành cuộc đụng độ vũ trang nên rút khỏi vùng biển này. Lực lượng cảnh sát biển cũng rút lui. Nhân cơ hội này, Trung Quốc tấn công lên đảo Miyako và Ishigaki để ngăn chặn sự can thiệp của tàu sân bay Mỹ. Đến giai đoạn này, Nhật Bản sẽ phát lệnh phòng vệ, tập trung tàu chiến và máy bay của lực lượng phòng vệ trên không và trên biển. Quân Mỹ cũng triển khai lực lượng. Lực lượng phòng vệ mặt đất của Nhật Bản sẽ tiến hành chiến dịch chiếm lại đảo Dựa trên kịch bản này, ba binh chủng của lực lượng phòng vệ sẽ xem xét lại năng lực của mình. Phía Nhật Bản cũng chú trọng đến việc tăng cường khả năng phối hợp đã được áp dụng trong đối phó với thảm họa động đất-sóng thần vừa qua. Ngoài ra, để đối phó với kịch bản trên, Nhật Bản không thể không tăng cường khả năng cảnh giới, giám sát, cũng như năng lực vận chuyển của lực lượng phòng vệ trên không và trên biển để triển khai các đơn vị phòng vệ mặt đất. Vấn đề trang bị máy bay do thám không người lái cũng trở thành chủ đề được tranh luận. Chính phủ Nhật Bản chủ trương đến tháng 6 năm nay sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống cần đối phó khẩn cấp và bắt tay chuẩn bị cho tình huống có thể xảy ra trong trung, dài hạn và sẽ đề cập đến trong dự thảo ngân sách tài khóa tới. 
Theo Sankei

Sự tự tin của quân đội Trung Quốc

Sách trắng quốc phòng Trung Quốc gần đây nhất cho thấy việc sẵn sàng sử dụng một quân đội đang được hiện đại họa để giải quyết các tranh chấp ngoại giao.
Tháng 10 năm ngoái, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nói với Uỷ ban trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng, nước này vẫn đang trong một giai đoạn "cơ hội chiến lược". Gần sáu tháng sau đó, điều này được sự nhất trí cao từ các nhà hoạch định quân sự khi thể hiện rõ ràng qua sách trắng quốc phòng.
Sách trắng nhấn mạnh tầm quan trọng từ sức mạnh kinh tế đang trỗi dậy của Trung Quốc và dĩ nhiên không thiếu những lời thanh phiền về việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, việc Mỹ dính dáng vào châu Á - Thái Bình Dương và quyết định củng cố các liên minh quân sự của mình trong khu vực. Tuy nhiên, sách đưa ra đánh giá hết sức lạc quan về sức mạnh quốc gia chính là "kinh tế". Cũng không hẳn Trung Quốc không ý thức đầy đủ về những nguy cơ bắt nguồn từ tăng trưởng. Nhưng cũng không hề thấy ngạc nhiên khi Trung Quốc cảm thấy tự tin hơn bao giờ hết sau thành công vượt bậc về mặt kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm trong những năm gần đây.
Sách trắng mới nhất lập luận rằng, "sức mạnh toàn diện của Trung Quốc đã bước sang một giai đoạn mới". Tuy nhiên, khác với cuốn sách trước, vốn chỉ đơn giản nhấn mạnh rằng, Trung Quốc "sẽ không tìm kiếm bá quyền hoặc tham gia mở rộng quân sự... bất kể phát triển thế nào". Tài liệu mới nhất nói rõ ràng hơn rằng: "Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm bá quyền, cho dù phát triển kinh tế ra sao".
Ảnh: Diplomat
Cho dù có những khẳng định rõ ràng như vậy, Trung Quốc vẫn có sự tự tin mạnh mẽ khi đối mặt với những hoài nghi gia tăng về chính họ. Sách trắng nhấn mạnh: "các động thái can thiệp và chống lại Trung Quốc từ bên ngoài và gây áp lực với Trung Quốc xảy ra khi họ tìm kiếm cách bảo vệ quyền và lợi ích trên vùng lãnh thổ, vùng biển rộng lớn".
Trước mắt, sách trắng đưa ra bốn sứ mệnh lớn với quốc phòng Trung Quốc:
- Bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia.
- Đảm bảo duy trì ổn định và hài hòa xã hội;
- Đẩy mạnh hiện đại hóa quốc phòng và các lực lượng vũ trang;
- Duy trì hòa bình và ổn định thế giới.
Mặc dù không xuất hiện nhiều điểm mới mẻ, nhưng ở đây có những sự khác biệt thú vị trong tài liệu mới nhất so với các sách trắng trước đây. Ví dụ, về vấn bảo vệ lợi ích an ninh đất nước, không gian mạng lần đầu tiên được xem xét như một trọng điểm quốc phòng. Với việc tạo lập một hệ thống hoạt động chung được coi như đặc điểm chính của hiện đại hóa quân đội Trung Quốc (PLA), sách trắng lần này nhấn mạnh đến phát triển công nghệ thông tin. Tài liệu cũng khẳng định, Trung Quốc đã có thành tựu đáng kể trong phát triển cơ sở hạ tầng thông tin trong các lực lượng vũ trang, với tổng chiều dài "mạng lưới cáp quang truyền thông quốc phòng đã có sự tăng trưởng lớn".
Theo sách trắng, PLA đã có tiến bộ lớn trong công cuộc hiện đại hóa và những gì họ mô tả là "thông tin hóa" các lực lượng của mình. Trong các năm trước, việc xây dựng các khả năng chiến đấu mới để thắng thế tỏng các cuộc chiến tranh địa phương - và tăng cường hỏa lực, tính linh động, khả năng bảo vệ và hỗ trợ cần thiết - được nhấn mạnh. Tài liệu mới nhất còn nhấn mạnh rằng, PLA đã phát triển những loại hình mới trong các lực lượng chiến đấu, tối ưu hóa tổ chức và cơ cấu, đẩy mạnh mã số hóa và nâng cấp vũ khí chiến đấu, triển khai những nền tảng vũ khí mới.
Về tình hình cụ thể của các lực lượng, sự chuyển dịch của không quân PLA được cho là tập trung vào phòng không và tên lửa, việc đào tạo trong môi trường điện từ và những tình huống chiến thuật phức tạp được thực hiện. Với Hải quân PLA, tài liệu nhấn mạnh, việc hiện đại hóa lực lượng dường như liên quan tới yêu cầu "chiến lược phòng thủ ngoài khơi". Nhưng có lẽ là để khiêu khích các đối thủ của Trung Quốc, không có chi tiết chính xác về chiến lược này. Dù sao cũng có một điều rõ ràng là, PLA đang hướng tới những hconj lựa hậu cần mới để đảm bảo cho các sứ mệnh hàng hải mở rộng, trong khi tiếp tục đầu tư vào hệ thống hỗ trợ trên bờ.
Với Lực lượng Nhị pháo PLA - trực tiếp dưới sự chỉ huy và kiểm soát của Quân ủy Trung ương và được xem là lực lượng nòng cốt cho răn đe chiến lược được gia tăng bốn khả năng gồm: phản ứng nhanh, thâm nhập, tấn công chính xác và gây tổn thất.
Vậy làm thế nào để báo cáo tin rằng, các nỗ lực hiện đại hóa đang diễn ra? Một lần nữa, đánh giá đưa ra khác lạc quan. Ví dụ, báo cáo nói rằng đã có sự "tham gia đáng kể các khả năng của PLQ trong các hoạt động diễn tập tầm xa, liên khu vực, các chiến dịch hộ tống ở những vùng biển xa và những môi trường chiến trường phức tạp".
Để né tránh những âm thanh báo động từ bên ngoài, lần đầu tiên, sách trắng giới thiệu một phần riêng biệt mang tên "Xây dựng lòng tin quân sự", tập trung vào sự tham gia của Trung Quốc trong các cuộc tham vấn chiến lược, những biện pháp xây dựng lòng tin ở các khu vực biên giới, hợp tác về an ninh hàng hải, tham gia các cơ chế an ninh khu vực và trao đổi quân sự. Đây không phải là lần đầu tiên những thông tin như vậy đưa ra trong một cuốn sách trắng, nhưng lần này, nó được trình bày một cách toàn diện.
Vậy những gì có thể rút ra từ sách trắng mới nhất? Có lẽ quan trọng nhất, một lần nữa cần nhấn mạnh rằng, Trung Quốc đang ngày một tự tin về sức mạnh kinh tế và quân sự của mình, và thấy trước một môi trường quốc tế có lợi cho sự phát triển các tài sản vô hình và hữu hình của họ. Thái hai, đó là các khả năng trình diễn lực lượng, cùng với việc làm rõ sự tham gia của Trung Quốc trong các sứ mệnh LHQ, về vai trò "xây dựng" của họ trong an ninh khu vực và chỉ ra rằng, mục tiêu quốc phòng là "duy trì hòa bình và ổn định thế giới, với tư tưởng ngày càng sẵn ssangf đảm nhận một vai trò lãnh đạo trong các công việc toàn cầu.
Thứ ba, tài liệu dường như nhấn mạnh quyền lực của đảng cầm quyền với các lực lượng vũ trang. Cuối cùng là đề cập cụ thể mang tên "Hệ thống luật pháp quân sự", nhấn mạnh tầm quan trọng của các hiệp ước quốc tế và các đạo luật nội địa liên quan với các lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Bất luận thế nào, báo cáo vẫn để lại ấn tượng rằng, Trung Quốc sẽ ngày càng dựa vào sức mạnh quân sự và kinh tế để giải quyết những tranh chấp ngoại giao. Và, thật mỉa mai, trong khi nỗ lực tăng cường lòng tin thông qua sự minh bạch hơn thì cuối cùng, Trung Quốc lại chỉ có thể đem lại một cái nhìn rõ ràng hơn về chính họ vốn khiến những nước khác lo lắng.
* Rukmani Gupta là một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng ở New Delhi.
Thụy Phương (Theo diplomat)

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

Cuộc viễn chinh của quân đội Trung Quốc

Hãy nhìn vào các khả năng viễn chinh ngày một lớn mạnh của quân đội Trung Quốc (PLA) và những ảnh hưởng to lớn của nó.

Quân đội Trung Quốc đang ở giai đoạn ban đầu để bắt đầu trở thành một lực lượng viễn chinh. Việc triển khai quân tham gia sứ mệnh chống hải tặc tại Vịnh Aden và sử dụng các tài sản hải quân, không quân để hỗ trợ sơ tán công dân Trung Quốc từ Libya hồi tháng 2, tháng 3 năm nay đã minh chứng khả năng thực sự của họ trong lĩnh vực này.
Thế nào là một cường quốc viễn chinh? Bộ Quốc phòng Mỹ định nghĩa nó như một "lực lượng vũ trang được tổ chức để hoàn thành mục tiêu cụ thể ở nước ngoài". Thêm vào đó, một lực lượng như vậy nên có thể vận chuyển, duy trì và tự bảo vệ mình để tự do thực hiện các sứ mệnh độc lập cần thiết nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia.
Cuộc cách mạng dần dần nhưng rất quan trọng của PLA hướng tới khả năng viễn chinh lớn hơn trùng khớp với sự trỗi dậy nhanh chóng của sức mạnh kinh tế Trung Quốc và việc ngày càng có nhiều người Trung Quốc tìm kiếm vận may ở những khu vực nhạy cảm nhưng phát triển nhanh chóng như châu Phi, Trung Á và Trung Đông. Họ là nhân công của cả các tập đoàn lớn hay doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, hiện tại do chi phí và những lý do nhận thức, các khả năng viễn chinh của Trung Quốc hầu như được tạo dựng để xử lý các mối đe dọa với công dân và các lợi ích kinh tế của nước này ở nước ngoài. Trước tiên là các mối đe dọa phi truyền thống với an ninh tài nguyên, như hải tặc hay khủng bố, cũng như những nguy cơ với công dân Trung Quốc ở nước ngoài kiểu như tại Libya.
Hãy so sánh điều này với quân đội Mỹ - vốn sở hữu các khả năng viên chinh ổn định cao có thể giúp tham gia các cuộc chiến lớn trên thế giới và đồng thời xử lý các vụ việc, sự cố khác. Các nền tảng và cơ sở hạ tầng hoạt động đảm nhận sứ mệnh cường độ cao cũng có thể được thu nhỏ để đối phó với các sứ mệnh an ninh phi truyền thống như cứu trợ nhân đạo sau Sóng thần Ấn Độ Dương 2004 hay ngăn chặn hải tặc ngoài khơi Somalia. Vì thế, có thể đánh giá, các khả năng hải quân, không quân và bộ binh của PLA trong những lĩnh vực hoạt động tương tự sẽ cần thêm 15 năm - thậm chí là nhiều hơn - để đạt được khả năng xử lý đa dạng nhiệm vụ - giống như các khả năng mà quân đội Mỹ sở hữu ngày nay.
Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc đang cải thiện khả năng để giải quyết những nguy cơ có quy mô nhỏ hơn để không liên quan tới việc sử dụng vũ lực ở một khu vực xung đột, nhưng lại có thể dính dáng vào các kế hoạch triển khai dài hạn. Nâng cao các khả năng để thể hiện vị thế và hỗ trợ các sứ mệnh nhân đạo cũng như các hoạt động quân sự khác hơn là chiến tranh có thể cho phép một khả năng viễn chinh hạn chế mang lại lợi ích ngoại giao cho Trung Quốc.
Triển khai các sứ mệnh
Sứ mệnh chống hải tặc của hải quân PLA tới Vịnh Aden giờ đây đã trải qua hai năm, và đang minh chứng thành công cao độ. Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc 2010 nhấn mạnh rằng, vào cuối năm này, Hải quân PLA (gọi là PLAN) đã thực hiện bảy chuyến "xuất quân" với 18 tàu triển khai, 16 trực thăng yểm trợ và 490 lính đặc nhiệm. Thực hiện các nhiệm vụ hộ tống, tuần tra, PLAN đã đảm bảo an toàn cho 3.139 tàu mang cờ Trung Quốc và nước ngoài, giải cứu 29 tàu khác khỏi các vụ tấn công của cướp biển và tìm lại 9 tàu bị cướp biển chiếm giữ.
Sứ mệnh tại Vịnh Aden đổi lại đã góp phần cải thiện tính sẵn sàng của quân đội Trung Quốc trong khi tham gia hoạt động sơ tán 30.000 công dân Trung Quốc khỏi Libya vào tháng 2 và 3 năm nay. Trong khi đa số người dân sơ tán thông qua các tàu, máy bay thuê hay bằng đường bộ, thì chiến dịch này lần đầu tiên đã đánh dấu việc Trung Quốc triển khai tài sản quân sự để bảo vệ công dân ở nước ngoài. Bắc Kinh đã điều động Tô Châu - một trong những tàu khu trục trang bị tên lửa hiện đại nhất của Trung Quốc, cũng như gửi bốn máy bay vận chuyển quân sự đường dài IL-76 để sơ tán công dân bị mắc kẹt gần Sabha thuộc miền trung Libya.
Một lý do chính để Tô Châu trở thành tài sản hữu ích trong sự việc Libya là bởi nó đã sẵn sàng được triển khai trong một phần sứ mệnh chống hải tặc của Trung Quốc tại vịnh Aden. Quan chức cấp cao PLAN và các nhà lãnh đạo dân sự nhận được bài học trực tiếp về việc sử dụng tài sản quân sự thế nào để gia tăng các lợi ích toàn cầu. Trong cuộc sơ tán công dân ở Libya, có dấu hiệu cho thấy rằng, PLAN sẽ tìm kiếm sự hiện diện lâu dài hơn tại khu vực Ấn Độ Dương.
Hải quân PLA dẫn đầu con đường viễn chinh đầu tiên của Trung Quốc (triển khai chống hải tặc), nhưng Không quân PLA (PLAAF)cũng đã góp nhặt được nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động tầm xa thông qua các cuộc tập trận giúp họ cải thiện các khả năng liên quan như tiếp dầu trên không hay tấn công tầm xa. Tháng 9/2010, PLAAF điều SU-27 tham gia cuộc tập trận không quân mang tên Đại bàng Thổ Nhĩ Kỳ tại Thổ Nhĩ Kỳ và các máy bay đã báo cáo thực hiện việc tiếp dầu tại Pakistan và Iran (theo tin tức Hurriyet). Hơn thế nữa, trong cuộc diễn tập đa quốc gia mang tên Sứ mệnh Hòa bình tháng 9/2010 với Kazakhstan và Nga, các máy bay J-10 của Trung Quốc từ căn cứ ở Tân Cương , được tiếp dầu trên không, đã thực hiện sứ mệnh tấn công giả định nhằm vào các mục tiêu ở Kazakhstan.
Các hoạt động viễn chinh quân sự đòi hỏi sự tiếp cận những cơ sở cung cấp, sửa chữa khu vực. Các cuộc diễn tập tầm xa của PLA và việc triển khai đến vịnh Aden đang củng cố sự tiếp cận của chính họi với các hải cảng, sân bay khu vực - những nơi có thể được sử dụng để đảm bảo hỗ trợ hậu cần cho những sứ mệnh tương lai. Trung Quốc dường như theo đuổi một mô hình "chỗ đứng, không căn cứ", vào lúc các trải nghiệm của Mỹ cho thấy, duy trì căn cứ lớn ở nước ngoài thường mang lại nhiều thách thức về ngoại giao cũng như an ninh.
Những khu vực có tiềm năng thành điểm hỗ trợ hậu cần và tiếp cận của PLA trong trường hợp xảy ra khủng hoảng gồm: Tanzania, Kenya, Madagascar, Djibouti, Salalah (Oman), Aden (Yemen), Gwadar và Karachi (Pakistan), Chittagong (Bangladesh), Hambantota (Sri Lanka), Mauritius, Sittwe (Myanmar) và Singapore.
Khi Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng ngoại giao và hậu cần thích hợp để hỗ trợ các hoạt động viễn chinh, họ cũng coi trọng việc nhìn nhận các nền tảng mà PLAN và PLAAF đang theo đuổi để có thể góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động viễn chinh quân sự ở "những sân khấu ngoài Đài Loan".

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

Bắc Kinh gặp rắc rối trong chính sách Biển Đông

Trung Quốc đã là một trong những nhà sản xuất năng lượng ngoài khơi lớn nhất thế giới. Nhưng họ vẫn mong muốn mở rộng quy mô hơn bằng việc tìm kiếm thêm nhiều tài nguyên dầu khí ở vùng biển nội địa và các khu vực gần với Trung Quốc, để tránh phụ thuộc quá mức vào nguồn năng lượng nhập khẩu.
Tuy nhiên, chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng của Trung Quốc có thể làm phức tạp hóa mối quan hệ giữa họ với Đông Nam Á, với các quốc gia khác như Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc vốn quan tâm và coi Biển Đông như một "lộ trình quốc tế" cho thương mại và hoạt động tự do của tàu thuyền và máy bay quân sự.
Một trong những tâm điểm của việc nghiên cứu năng lượng ngoài khơi mà Bắc Kinh tiến hành nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởngkinh tế nhanh chóng nằm ở Biển Đông, nơi Trung Quốc có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 19/4 đưa ra một báo cáo đặc biệt về Biển Đông, trong đó mệnh danh vùng biển này là "Vịnh Ba Tư thứ hai". Tờ báo cho biết, Biển Đông chứa đựng hơn 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20 nghìn tỉ mét khối khí. Con số này gấp khoảng 25 lần trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí của Trung Quốc đã được chứng minh.
Thời báo Hoàn cầu không trích dẫn nguồn nào của ước tính trữ lượng dầu và khí tự nhiên nằm dưới đáy Biển Đông. Tuy nhiên, tờ báo dẫn lời Trương Đại Vệ - một quan chức cấp cao thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, khi nói rằng, việc tăng cường thăm dò tìm kiếm ngoài khơi là "chìa khó" để giải quyết cơn khát năng lượng của Trung Quốc.
Cơn khát dầu của Trung Quốc để phục vụ hệ thống vận chuyển, giao thông và phát triển kinh tế đã thay đổi từ việc tự cung tự cấp dầu vào đầu những năm 1990 sang phụ thuộc tới 55% nguồn dầu nhập khẩu trong tiêu dùng vào năm 2010, vượt quá những gì mà Thời báo Hoàn cầu gọi là: "mức báo động an ninh năng lượng toàn cầu được công nhận ở con số 50%".
Không chỉ có tỉ lệ nhập khẩu dầu của Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng, mà sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt nước ngoài cũng tăng không kém khi Bắc Kinh khuyến khích việc chuyển sang sử dụng nguồn khí đốt sạch hơn so với than đá để cắt giảm ô nhiễm khong khí và khí thải nhà kính. Than đá là nguyên nhiên liệu chủ yếu của Trung Quốc sử dụng để phát điện.
Một báo cáo gần đây của ngân hàng đầu tư Macquarie dự báo rằng, tỉ lệ tự túc khí đốt của Trung Quốc sẽ sụt giảm từ 90% trong năm 2010 xuống 65% trong năm 2020. Các công ty năng lượng nhà nước đang chuẩn bị tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở đáy biển ngoài khơi Trung Quốc và thậm chí là ở những vùng biển sâu hơn, xa hơn kể từ bờ biển nước này.
Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc - một nhà sản xuất dầu khí ngoài khơi - nhấn mạnh rằng, các vùng nước sâu của Biển Đông vẫn chưa được "khám phá, thăm dò" và có "tiềm năng to lớn". Tập đoàn này đã phác thảo những kế hoạch để thâm nhập lớn ở khu vực này khi họ học cách vận hành các thiết bị khoan sâu trong vài năm tới.
Các lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển kỹ năng, cải tiến trang bị để phô trương sức mạnh ở Biển Đông và bảo vệ các công ty năng lượng Trung Quốc hoạt động ở đây.
Cho tới nay, việc tìm kiếm và sản xuất năng lượng của Trung Quốc vẫn giới hạn tại khu vực phía bắc của Biển Đông gồm ngoài khơi Hong Kong và đảo Hải Nam. Tuy nhiên, trong tháng này, Bắc Kinh nhiều lần quả quyết rằng họ kiểm soát hơn 80% Biển Đông và tất cả các đảo, vỉa đá ngầm trong một bản đồ hình chữ U mà chính họ công bố. Động thái của Trung Quốc lại càng làm nóng thêm những tranh cãi hàng hải.
Philippines đã gửi công hàm chính thức đến Liên Hợp Quốc để phản đối Trung Quốc về vấn đề chủ quyền Biển Đông. Philippines cho rằng, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với các đảo và vùng biển lân cận tại Biển Đông là không có cơ sở luật pháp quốc tế. Hãng tin AP đã thấy bản copy công hàm phản đối Trung Quốc mà Philippines gửi tới LHQ. Sự phản đối của Philipplines xuất hiện sau khi một tàu tìm kiếm thăm dò dầu khí nước này thông tin về việc bị hai tàu tuần tra của Trung Quốc "quấy nhiễu". Quân đội Philippines đã triển khai hai máy bay chiến đấu tới khu vực xảy ra vụ việc và tàu Trung Quốc sau đó rời đi mà không có đụng độ gì.
Đáp trả lại, Trung Quốc cũng gửi thư phản đối Philippines lên LHQ. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc làm như vậy. Bắc Kinh khẳng định họ có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Trường Sa mà Manila "đã bắt đầu xâm chiếm" từ những năm 1970.
Trong lá thư gửi ngày 14/4, Trung Quốc tuyên bố: "Kể từ những năm 1970, Philippines đã bắt đầu xâm lấn và chiếm đóng một số đảo cũng như vỉa đá ngầm tại quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi tên quần đảo Trường Sa) và đưa ra các tuyên bố chủ quyền liên quan, điều mà Trung Quốc mạnh mẽ phản đối". Thư phản đối của Trung Quốc nhấn mạnh: "Sự chiếm đóng của Philippines với một số đảo và vỉa đá ngầm của quần đảo Nam Sa cũng như các hành vi liên quan khác đã cấu thành việc vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc".
Tháng 5/2009, một ngày sau khi Trung Quốc đưa ra bản đồ chín đoạn (còn gọi là đường lưỡi bò hay bản đồ hình chữ U) lên một ủy ban của LHQ, Việt Nam và Malaysia đã đệ đơn phản đối. Indonesia, tuy không phải là bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, cũng phản đối bản đồ của Trung Quốc trong năm ngoái. Tuy nhiên, trong cả bốn thư ngoại giao đệ trình lên LHQ chống lại bản đồ chín đoạn của Trung Quốc, chỉ có thư phản đối của Philippines khiến Bắc Kinh gửi công hàm đáp trả lên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon.
Lá thư của Bắc Kinh khẳng định quả quyết rằng, quần đảo Trường Sa "hoàn toàn thuộc về" lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ, cho dù nó gồm phần lớn các đảo không người ở và thường không thể nhìn thấy được khi thủy triều lên.
Không có cách nào khác ngoài việc Trung Quốc có thể sử dụng luật pháp quốc tế hiện hành để chứng minh cho tuyên bố chủ quyền của họ với vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với các nguồn tài nguyên thủy sản, năng lượng và khoáng sản.
Tuy nhiên, trong bức thư gửi LHQ, Trung Quốc lại biện minh cho tuyên bố chủ quyền dựa trên hai đạo luật hàng hải gây tranh cãi của chính họ ngoài Công ước LHQ về Luật biển. Luật pháp nội địa công nhận chủ quyền của Trung Quốc; công ước LHQ lại không như vậy.
Và, nếu cuộc vật lộn để giành quyền kiểm soát Biển Đông dựa trên quyền lực chính trị thay vì luật pháp quốc tế hiện hành, thì Bắc Kinh dường như có lợi thế so với các đối thủ yếu hơn.
* Michael Richardson là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore.

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Hàng không mẫu hạm Trung Quốc: Dụng ý đe dọa?

Ngày 27-4-2011
Lịch sử vẫn vang tiếng ở châu Á. Tiến lên, Đài Loan!
BOSTON — Quân đội Trung Hoa đang hoàn tất những khâu cuối cùng trên chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của họ, chuẩn bị cất cánh trong nửa cuối năm 2011.
Nhiệm vụ đầu tiên của nó sẽ là gì? Giới chức Trung Quốc không cho biết. Nhưng các nước láng giềng thì lo sợ rằng cái tên mà người ta vẫn dùng để gọi nó có thể mang hàm ý không chỉ là một cái tên.
Nghe đồn con tàu sân bay này sẽ được gọi là Thi Lang (Shi Lang), theo tên một đô đốc hải quân thời nhà Thanh, người mà năm 1681 đã chinh phục Vương quốc Đông Ninh (The Kingdom of Tungning) – lãnh thổ ngày nay được biết đến với tên gọi Đài Loan.
Nếu hàng không mẫu hạm mang tên như thế thì hàm ý chính trị của nó đã quá “rõ ràng” – ông Tsai Der-sheng, người đứng đầu Phòng An ninh Quốc gia thuộc chính quyền Đài Loan, nhận định.
Những nét tương đồng lịch sử với chuyện Thi Lang thể hiện rất rõ.
Một trong những ưu tiên chiến lược mạnh mẽ của Trung Quốc là đưa Đài Loan – nơi mà họ coi là một tỉnh lỵ lêu lổng – trở về với đại gia đình Trung Hoa. Hòn đảo này về căn bản đã độc lập từ năm 1949 khi đoàn quân cộng sản khố rách áo ôm của Mao Trạch Đông lật đổ chính quyền Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc. Phe ủng hộ Tưởng Giới Thạch chạy trốn qua eo biển Trung Hoa (mang theo một lượng đáng kể ngân khố quốc gia), và nhìn chung đã cai quản hòn đảo kể từ đó.
Cũng vậy, vào thế kỷ 17, Đài Loan đã là nơi ẩn náu của tàn quân nhà Minh sau khi nhà Minh bị đánh bại bởi một tầng lớp nông dân nghèo đói vốn bị họ bỏ mặc. Cuối cùng, đô đốc Thi Lang hoàn thành nhiệm vụ, hạ được những tôn thất còn lại của nhà Minh và tuyên bố chủ quyền của Trung Hoa đối với Đài Loan.
Vậy liệu hàng không mẫu hạm này có giúp Bắc Kinh lặp lại chiến công của vị đô đốc trong lịch sử không? Hay là những kẻ chiến thắng thật sự lại là các lái buôn vũ khí, khi mà cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á đang nóng dần lên?
Một điều chắc chắn là: Trung Quốc dồn hết sức cho cái dự án mà tính đến nay đã kéo dài hai thập kỷ này. Năm 1998, Bắc Kinh mua thân tàu từ Ukraine, chỉ phải trả có 20 triệu USD. Trước đó, công trình đóng thân tàu của Ukraine đã phải ngừng vì sự cố Liên Xô sụp đổ.
Các quan chức đề nghị sử dụng hàng không mẫu hạm để mở một sòng bạc nổi trong thánh địa cờ bạc Macau, dọc bờ biển phía nam Trung Quốc. Do tàu thiếu cả động cơ, bộ lái lẫn thiết bị điện tử, nghe nói người ta đã lai dắt thân tàu xuyên qua eo biển Bosporus đầy bất trắc của Thổ Nhĩ Kỳ, và vòng qua mũi Hảo Vọng ở châu Phi, trong một hành trình nhiều năm, đầy chất anh hùng ca, để trở về Trung Quốc. Cuối cùng chiếc tàu sân bay tìm được đường tới một vũng tàu cạn ở Đại Liên, phía bắc Thượng Hải. Tại đó, nó được sơn lại màu xám và hiện đang được tu sửa tân trang với các phần cứng quân sự hiện đại.
Vấn đề là liệu có đáng phải như thế không, với tính chất chiến tranh và vũ khí thế kỷ 21 như hiện nay.
Thật vậy. Con tàu sân bay cuối cùng có thể cho phép Trung Quốc thực thi sức mạnh không quân trên toàn thế giới. Mỹ đang vận hành 11 cái sân bay nổi như thế – giúp họ có thể từ Địa Trung Hải mà tấn công Lybia. Lầu Năm Góc bị dư luận trong nước lên án vì đã vừa đặt thêm tới 7 chiếc hàng không mẫu hạm mới trong ba thập niên tới, với chi phí hơn 12 tỷ USD mỗi chiếc. Vài nước khác, như Pháp, Anh và Nga, vẫn dùng tàu lớn. Nhưng một số ý kiến cho rằng tàu nhỏ hơn, lanh lẹ hơn (và rẻ hơn), thậm chí máy bay ném bom tầm xa, có khả năng vươn ra toàn cầu, sẽ hiệu quả hơn.
Vận hành tàu sân bay vừa tốn kém vừa phức tạp. Trước mắt, Trung Quốc sẽ phải triển khai và thử nghiệm máy bay có thể hoạt động trên hàng không mẫu hạm. Gần đây Bắc Kinh có hé lộ một số bức ảnh chụp máy bay phản lực tấn công J-15 mới của họ, đã tích hợp được những đặc tính cần thiết, như cánh gấp và đuôi ngắn hơn để tiết kiệm diện tích phần mạn tàu hơn. Tờ New York Times đưa tin là máy bay này sẽ sớm sẵn sàng để đem ra bay thử nghiệm.
Tuy nhiên đó mới là bước đầu tiên. “Hàng không mẫu hạm đòi hỏi không chỉ một hệ thống trang thiết bị hàng không – bản thân nó bao gồm không chỉ máy bay chiến đấu và máy bay tấn công – mà còn cả thiết bị chống tàu ngầm, hệ thống cảnh báo sớm trên máy bay, thiết bị bảo vệ bề mặt và dưới bề mặt” – Dean Chang, một nhà nghiên cứu ở Quỹ Heritage, viết như vậy. Theo Cheng, phải mất tới một thập niên nữa, Trung Quốc mới có thể triển khai được một hệ thống tàu sân bay hoàn chỉnh.
Còn có những giới hạn về kỹ thuật khiến cho tàu sân bay phần nào lạc hậu so với các siêu cường. Trung Quốc ý thức rất rõ về điều này: Hiện họ đang phát triển tên lửa đạn đạo chống tàu biển, có thể đe dọa các tàu sân bay của Mỹ.
Các quan chức hải quân cao cấp của Mỹ và châu Á “coi hàng không mẫu hạm Trung Quốc là một nguy cơ có thể kiểm soát được” – ông Douglas H. Paal, Phó Chủ tịch bộ phận nghiên cứu ở quỹ Carnegie thuộc tổ chức Hòa bình Quốc tế, viết. Ông nguyên là đại sứ không chính thức của Mỹ ở Đài Loan (không chính thức bởi vì Bắc Kinh ngăn trở, không cho Mỹ chính thức công nhận chính quyền ở đảo Đài Loan).
“Một số chuyên gia quân sự còn nói đùa rằng họ hy vọng Trung Quốc sẽ kiếm thêm 5 hệ thống vũ khí chiến đấu nữa, và thế là sẽ tốn thậm chí còn nhiều tiền hơn, mà số tiền đó thì có thể được rót vào những hệ thống khác nguy hiểm hơn thế” – Paal viết.
Đài Loan, lãnh thổ mà bề ngoài có lẽ là tọa độ trực tiếp nhất của bom đạn Trung Quốc, không tìm kiếm một cơ hội nào. Tờ Defense News đưa tin cho biết, năm tới, quân đội Đài Loan sẽ bắt tay vào xây dựng 10 chiến hạm tàng hình, trang bị tên lửa điều khiển, đề phòng bị hàng không mẫu hạm Trung Quốc đe dọa.
Theo Đài Phát thanh Quốc tế Đài Loan, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Đài Loan, bà Lo Shau-ho, đã tuyên bố: “Bộ Quốc phòng đã và đang theo dõi chặt chẽ việc xây dựng hàng không mẫu hạm, do đó tất nhiên chúng tôi theo kịp với các diễn biến mới nhất và mối đe dọa tiềm tàng mà hàng không mẫu hạm gây ra đối với Cộng hòa Trung Hoa (tức Đài Loan). Đáp lại, chúng tôi đã xây dựng nhiều chiến lược, nhưng đó là bí mật quân sự, tôi e là không thể cung cấp cho quý vị thông tin chi tiết”.
Quân đội ở các nước châu Á khác chắc chắn sẽ phải quyết định củng cố quốc phòng của chính mình để chống lại sức mạnh không quân ngày một linh hoạt hơn của quốc gia láng giềng khổng lồ. Nếu không thế, thì lựa chọn duy nhất còn lại của họ để tự vệ là trông cậy vào con nợ lớn nhất của Trung Quốc: Hoa Kỳ.
Người dịch: Đan Thanh
Nguồn: Basam.info 01.05.2011

Chiến lược lớn của Trung Quốc

 29-04-2010
Ông Robert Kaplan đã viết một bài xuất sắc, có ý khiêu khích đăng trên Foreign Affairs. Ông lập luận rằng nhu cầu không thể thỏa mãn của Trung Quốc về năng lượng và tài nguyên thiên nhiên đang tạo nên chính sách chiến lược của họ, như việc mở rộng sự tiếp cận quân sự và ảnh hưởng của Trung Quốc lên cả đất liền lẫn trên biển ở Châu Á. Không phải Trung Quốc có một kế hoạch tổng thể nhằm thống trị thế giới, thay vào đó, như tất cả các cường quốc đang lên, (gồm cả Mỹ hồi thế kỷ 19) logic của sự tăng trưởng đòi hỏi nước này đóng một vai trò quốc tế lớn hơn.
Ở phía Tây, Trung Quốc tăng cường kềm kẹp Tân Cương và Tây Tạng. Chẳng bao lâu nữa, họ sẽ hoàn thành hai đường ống dẫn dầu chính kéo dài từ Trung Á đến Tân Cương. Ở Tây Tạng họ đang xây dựng các đường giao thông và đường sắt để lấy tài nguyên, bình định đám dân cứng cổ, và giữ không rơi vào tay Ấn Độ.
Trung Quốc cũng đang hành quân về phía nam như, gia tăng sự kiểm soát Miến Điện, điều này có thể cung cấp cho Bắc Kinh một hải cảng và việc sử dụng hàng hải ở vịnh Bengal. Và họ đang cố gắng, như ông Kaplan nói, “chia để trị” các nước ASEAN khác, những nước hưởng ứng sự lơ là của Mỹ, đang bắt đầu họp lại thành nhóm đối lập với ảnh hưởng của Trung Quốc.
Theo ông Kaplan, mục đích chính của Bắc Kinh ở bán đảo Triều Tiên là giúp Bắc Hàn phát triển thành một nhà nước “độc tài hiện đại” hơn, để Bắc Hàn vẫn là đối thủ chống lại Nam Hàn – liên minh của Mỹ. Dù vậy, ông Kaplan viết, Trung Quốc không nhất thiết phản đối một Triều Tiên thống nhất, vì lý do kinh tế, sẽ là một phần của tầm ảnh hưởng của “Trung Quốc lớn mạnh”, và cuối cùng dẫn đến việc loại bỏ quân đội Mỹ ở Nam Hàn.
Theo ông Kaplan, khi Trung Quốc trông về vùng biển dọc bờ biển phía Đông, họ cảm thấy bị bao vây. Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Indonesia, và Úc là tất cả, ở các mức độ khác nhau, các đồng minh của Mỹ không chấp nhận sự đột phá của Trung Quốc vào Thái Bình Dương. Trung Quốc đang cố gắng để thoát ra ra khỏi cái hộp này bằng việc gia tăng hạm đội tàu ngầm và hành trình thường lệ với sức mạnh tên lửa đạn đạo. Cuối cùng, theo ông Kaplan, Đài Loan là chìa khóa để hải quân Trung Quốc vượt rào. Kiểm soát Đài Loan sẽ cho phép Trung Quốc phô trương sức mạnh vượt ra khỏi chuỗi “đảo đầu tiên” (1).
Ở phía nam, Trung Quốc cố gắng kiểm soát Biển Đông, với hai lý do, thứ nhất đó là cửa ngõ vào Ấn Độ Dương và thứ hai là đó là vùng biển này rất giàu tài nguyên thiên nhiên. Để đạt được mục đích đó, Trung Quốc đã xây một căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam tại Biển Đông. Đảo Hải Nam có thể cho phép hải quân Trung Quốc không bị cản trở khi đi vào các vùng trở ngại chính trên biển.
Trong khi đánh giá của ông Kaplan về địa chiến lược của Trung Quốc nghe có lý đối với tôi, Trung Quốc cũng đã thực hiện công việc của mình với vài ý khiêu khích. Tôi sẽ cung cấp ba ý nghĩ:
Trước tiên, tôi không đồng ý rằng Trung Quốc có thể đạt được việc củng cố lục địa của họ qua nỗ lực dân số – dân số Tây Tạng, Tân Cương, người Nga ở Viễn Đông – hoặc chỉ riêng các mối quan hệ thương mại. Để làm được điều ông Kaplan đưa ra, rằng Bắc Kinh đang cố gắng – củng cố biên giới đất liền của họ, mở rộng việc vươn tới Trung Á, Miến Điện và Nam Hàn – Trung Quốc cũng cần phải phát triển lực lượng đất đai viễn chinh. Tại sao? Để đáp trả các cuộc tấn công khủng bố, để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh biên giới có thể xảy ra với Ấn Độ, và để nâng các mục tiêu trên bán đảo Triều Tiên trong trường hợp sụp đổ và hỗn loạn [xảy ra]  ở miền Bắc.
Thứ hai, ông Kaplan dường như xác nhận “kế hoạch của Garret”, đó là tìm cách đi vòng quanh Lầu Năm Góc, một kế hoạch mà trong bối cảnh các mục tiêu chính trị khu vực của Mỹ có vẻ như ương ngạnh. Ý kiến cơ bản là “bỏ các căn cứ chủ chốt” ở Nhật Bản và Nam Hàn và thay vào đó, tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở Châu Đại Dương (2) – đảo Guam và Caroline, Bắc Mariana, Solomon, và các đảo Marshal – trong khi cùng lúc mở rộng sự hiện diện bao la của hải quân Mỹ ở Ấn Độ Dương. Chiến lược này đòi hỏi Washington phải nâng cấp quan hệ quốc phòng với Ấn Độ – để sử dụng một số hòn đảo bên ngoài của họ, cũng như với Brunei, Malaysia, và Singapore. Hải quân Hoa Kỳ vẫn sẽ hợp tác với lực lượng tự vệ hàng hải Nhật Bản. Kế hoạch này, theo ông Kaplan, sẽ ít khiêu khích Trung Quốc trong khi cùng lúc vẫn cho phép Hoa Kỳ có cái gì đó để chơi, hơn là vai trò của một nước giữ cân bằng ngoài khơi.
Kế hoạch này gặp một số trở ngại. Không rõ liệu các nước mà chúng ta cần cho kế hoạch làm việc sẽ hợp tác [với chúng ta không], đặc biệt là sau khi chúng ta rút ra khỏi Nhật Bản và Nam Hàn. Việc rút khỏi các “căn cứ chính” được xem như là cam kết của Hoa Kỳ đã không còn đối với các đồng minh của mình. Và trong khi đúng là “chuỗi đảo thứ nhất” ngày càng ít phòng thủ hơn, không phải là quá muộn để thực hiện các bước cẩn trọng nhằm đảo ngược tình thế nguy hiểm này. Chúng ta vẫn chưa cứng rắn với các căn cứ không quân ở Nhật Bản, đẩy mạnh các nỗ lực phòng thủ tên lửa, hoặc tìm các lựa chọn tốt hơn trong việc chống lại lực lượng tên lửa của Trung Quốc (Việc triển khai tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của Nhật dọc theo Ryukus (3) nhắm tới các giàn phóng của Trung Quốc thì sao?)
Thứ ba, ông Kaplan nhấn mạnh tầm quan trọng của Đài Loan về vị trí địa chiến lược, thay vì địa chính trị, là [điểm cần] tranh cãi. Đài Loan sẽ cung cấp cho Trung Quốc các cảng hiện đại và Trung Quốc có thể mở rộng khả năng giám sát hàng hải của mình. Nhưng trừ khi chúng ta phát triển hệ thống phòng thủ thích hợp, tên lửa của Trung Quốc sẽ làm cho hoạt động quân sự Hoa Kỳ quá tốn kém tại chuỗi đảo thứ nhất, cho dù Trung Quốc có sở hữu Đài Loan hay không.
Trong khi những người Mahanians (4) trong và ngoài Trung Quốc sẽ tranh luận rằng có được thêm lãnh thổ sẽ mở rộng tiếp cận hàng hải của Trung Quốc, các nhà phân tích tập trung vào sức mạnh tên lửa của Trung Quốc sẽ không đồng ý. Với khả năng hướng dẫn chính xác hơn và ở tầm xa hơn, sức mạnh tên lửa của Trung Quốc có thể, qua thời gian, sẽ cung cấp cho Quân đội Giải phóng Nhân dân (5) tính ưu việt của không lực trên chuỗi đảo thứ nhất, cũng như cho phép họ nhắm vào bất kỳ con tàu nào nổi trên mặt nước hướng về Trung Quốc từ phía Tây Thái Bình Dương.
Chúng ta vẫn có thể thực hiện các bước (các căn cứ khó bị tấn công, tìm kiếm các căn cứ mới, triển khai tên lửa phòng thủ tốt hơn, đầu tư nhiều hơn vào tàu ngầm và máy bay chiến đấu tàng hình tầm xa và máy bay ném bom) sẽ làm cho các hoạt động trong chuỗi đảo thứ nhất ít rủi ro hơn, nhưng nếu các khuynh hướng hiện tại vẫn tiếp tục, Trung Quốc sẽ không cần Đài Loan để phô trương sức mạnh ở Thái Bình Dương.
Từ quan điểm địa chiến lược, Đài Loan chỉ quan trọng nếu chúng ta quyết định sử dụng nước này để chặn và đánh trả tên lửa của Trung Quốc hoặc lực lượng tàu ngầm. Nhưng chúng ta không làm điều đó bây giờ không có nghĩa là chúng ta không có khả năng thực hiện trong tương lai. Vì chúng ta quyết định không sử dụng Đài Loan như “tàu sân bay nổi” của chúng ta, Trung Quốc không cần phải xem xét nó như một rào cản đối với kế hoạch quân sự hiện tại của họ. Vị trí địa lý quan trọng của Đài Loan đối với Trung Quốc có thể bị thổi phồng.
Điều đó đưa tôi trở lại mục tiêu rộng lớn của Hoa Kỳ. Tầm quan trọng của Đài Loan cũng giống như tầm quan trọng của các đồng minh của chúng ta: Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippine – quan trọng về địa chính trị hơn là địa chiến lược. Những nước này đã nhận hệ thống quốc tế mà Hoa Kỳ đã tạo ra và bảo vệ sau Đệ nhị Thế chiến. Đây là những nước dân chủ với nền kinh tế thị trường tự do mà tất cả [các nước này] muốn là một phần của những gì đã từng được gọi là “phương Tây”, câu lạc bộ hiện đại trên thế giới, nền dân chủ công nghiệp tiên tiến. Lợi ích của Washington được phục vụ tốt hơn khi nền dân chủ mạnh mẽ được tự do, không bị các cường quốc khác kiểm soát -  Điều này bảo đảm hệ thống quốc tế vẫn chào đón chúng ta.
Theo tôi, về lý do địa chính trị cũng như địa chiến lược, quân đội Hoa Kỳ nên duy trì sự hiện diện (phòng thủ hơn) ở lãnh thổ của nhiều đồng minh Hoa Kỳ ở châu Á mà Hoa Kỳ được chào đón, ít nhất là cho đến khi mọi thứ có thể bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ là một cường quốc có trách nhiệm và dân chủ, không quan tâm đến việc tạo ra đặc quyền kinh tế riêng hoặc tạo ra phạm vi ảnh hưởng về kinh tế hay quân sự. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải làm việc nhiều hơn để giúp các đồng minh của chúng ta xây dựng khả năng nhằm phản đối các kế hoạch quân sự của Trung Quốc hơn là siết lại và chủ yếu dựa vào các căn cứ nước ngoài.
Người dịch: Ngọc Thu
Ghi chú:
(1) First island chain: một dãy đảo trải dài từ Nhật Bản ở phía Bắc tới Đài Loan và Philippines ở phía Nam.
(2) Oceania: tức Châu Đại Dương là một khu vực địa lý, gồm các vùng đất chủ yếu là các hòn đảo nằm trong khu vực Thái Bình Dương và khu cận kề.
(3) Ryukus: tức Ryukyu Islands, là dãy đảo phía Nam Nhật Bản, phía Tây Thái Bình Dương.
(4) Mahanians: những người theo chủ thuyết của ông Alfred Thayer Mahan, ông là một nhà chiến lược, nhấn mạnh tầm quan trong về sức mạnh trên biển.
(5) PLA: Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, gồm có: PLA Ground Force (Lục quân?), PLA Navy (Hải quân) và PLA Air Force (Không quân).
http://shadow.foreignpolicy.com/posts/2010/04/29/china_s_grand_strategy
Nguồn: Basam.info 01.05.2011