Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Cuộc đua vũ khí hủy diệt vệ tinh của các cường quốc

Là những cường quốc quân sự trên thế giới, cả Mỹ, Nga và Trung Quốc đang tăng cường phát triển vũ khí công nghệ cao của mình, trong đó có vũ khí chống vệ tinh.

Hồi năm 2008, một vệ tinh hỏng chứa hóa chất độc hại đã được quân đội Mỹ bắn hạ, để hóa chất và các mảnh vỡ của nó không gây hại cho trái đất. Nhưng sự kiện này làm dấy lên mối lo ngại rằng các chương trình chống vệ tinh có thể biến vũ trụ thành bãi chiến trường.
Chương trình phát triển vũ khí vũ trụ của Mỹ

Ngay từ năm 1997, từ bang New Mexico, quân đội Mỹ đã phát chùm tia laser vào chiếc tàu vũ trụ của Mỹ. Năm 2001, một hội đồng do Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld lãnh đạo đã cảnh báo rằng, nếu không đẩy nhanh nhịp độ phát triển vũ khí trên vũ trụ, Mỹ rất có thể phải đối mặt với “Sự kiện Trân Châu cảng trên vũ trụ”.
Sau đó, Mỹ đã khởi động chương trình nghiên cứu và phát triển vũ khí trên vũ trụ mang tên “Hỏa tinh”. Được biết, mục đích của chương trình này là nhằm “có được kỹ thuật đặc biệt về chế tạo vũ khí tia laser năng lượng cao”. Tia laser với sức công phá mạnh có thể phá hủy vệ tinh nhân tạo. 
 
Quan chức cấp cao chuyên trách giám sát phát triển vũ khí laser trên vũ trụ của Lầu Năm Góc cho biết, “Hỏa tinh” là chương trình thận trọng và cần thiết, bởi vì kể từ nay đến mấy chục năm tới, Mỹ cần phải bảo vệ vệ tinh của mình khỏi bị tấn công. 
 
Tháng 10/2006, “Chính sách vũ trụ Quốc gia” được Tổng thống Mỹ Bush ký thông qua, đã cho thấy một cách rất rõ ràng rằng Mỹ sẽ loại bỏ thế lực “thù địch” và nắm quyền kiểm soát vũ trụ. “Chính sách vũ trụ Quốc gia” đã "bật đèn xanh" cho kế hoạch quân sự hóa trên vũ trụ của Mỹ.
 
Bước sang năm 2007, quân đội Mỹ tích cực ấn định kế hoạch tác chiến trên vũ trụ, cơ quan nghiên cứu khoa học bắt đầu thúc đẩy triển khai trang bị quân sự trên vũ trụ. Quân sự hóa vũ trụ do Mỹ sắp đặt đã từ kế hoạch trở thành hiện thực.
 
Hành động tích cực thúc đẩy kế hoạch vũ khí trên vũ trụ của Mỹ đã thu hút sự quan tâm của các cường quốc vè vũ trụ không giạn. Tính tới tháng 12/2013, tàu không gian không người lái X-37B của Mỹ đã có trọn một năm hoạt động trong không gian.
 
Đến nay, nhiệm vụ và chức năng của con tàu vẫn được giữ tuyệt mật, làm nảy sinh rất nhiều đồn đoán. Theo chuyên trang Space.com, tàu này có thể cho phép quân đội Mỹ nhanh chóng thay thế những vệ tinh bị tiêu diệt trong trận chiến không gian.
 
Đồ họa vũ khí tấn công vệ tinh
Đồ họa vũ khí tấn công vệ tinh
 
Kẻ hủy diệt vệ tinh của Nga
 
Trước sự tiến bộ về chương trình khoa học không gian, đặc biệt là những nghi ngờ về chương trình phát triển vũ khí tấn công vệ tinh của Mỹ, Nga không muốn mình là kẻ đứng ngoài cuộc.
 
Tính đến năm 2006, Nga đã công bố “Chương trình vũ trụ liên bang 10 năm” nhằm tăng cường thực lực vũ trụ của Nga. Căn cứ vào chương trình này, vũ khí phòng chống vệ tinh là dự án phát triển trọng điểm của Nga. Hiện nay, Nga chủ yếu nghiên cứu chế tạo hai loại vũ khí phòng chống vệ tinh lớn. Năm 2007, dự toán ngân sách tài chính dành cho dự án vũ trụ Liên bang của Nga sẽ vượt 50 tỉ rúp.
 
Căn cứ vào chương trình hữu quan, trong 10 năm tới, vốn đầu tư vào lĩnh vực vũ trụ của Nga sẽ vượt mức kỷ lục, 486,8 tỉ rúp. Ngoài ra, Nga còn đề ra nhiều chương trình tác chiến khác trên vũ trụ nhằm đánh trả vệ tinh quân sự trong tương lai.
 
Sau sự kiện Liên Xô bắn rơi máy bay do thám U-2 của Mỹ vào năm 1960, nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev quyết định phải tìm cách dập tắt mối nguy hiểm đến từ vệ tinh do thám trên không gian, đặc biệt là chương trình SAINT của Mỹ, vốn được bí mật phát triển vào cuối những năm 1950 và công khai vào năm 1960, theo trang tin Popular Mechanics.
 
Ban đầu, các chuyên gia cân nhắc thử nghiệm tàu không gian được trang bị tên lửa, nhưng lúc đó ý tưởng này quá khả năng thực tiễn. Tiếp theo, cha đẻ của chương trình không gian Liên Xô là Sergei Korolev đề nghị dự án phóng tên lửa liên lục địa R-7 mang theo thiết bị đánh chặn có thể phóng thẳng vào mục tiêu đã định tầng địa tĩnh, còn chuyên gia Vladimir Chelomei cho rằng nên triển khai một thiết bị tự hành trên quỹ đạo, tự động áp sát vệ tinh địch, phát nổ ở cự ly gần và phá hủy hoàn toàn mục tiêu.
 
Vào năm 1960, Điện Kremlin quyết định chọn ý tưởng của Chelomei. Mang tên Istrebitel Sputnikov (tức Kẻ hủy diệt vệ tinh, viết tắt IS), phi thuyền được gắn 17 thiết bị đẩy và được hỗ trợ bởi một hệ thống phức tạp gồm các trạm trải khắp lãnh thổ Liên Xô để dò tìm dấu vết các vệ tinh địch và phát lệnh dẫn đường. 
 
Sau nhiều cuộc thử nghiệm, đến tháng 11/1968, Liên Xô đánh chặn thành công và phá hủy mục tiêu đặt sẵn trên quỹ đạo, theo trang Russiaspaceweb.com. Tuy nhiên, phải mất thêm hơn 10 năm để hoàn chỉnh hệ thống. Năm 1978, một tên lửa liên lục địa R-36 mang theo thiết bị IS được phóng lên từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan đến thẳng mục tiêu chỉ trong vòng 1 giờ rưỡi.
 
Từ đó, kế hoạch “sát thủ vệ tinh” của Liên Xô liên tục được nâng cấp với các ý tưởng đột phá như thiết lập các trạm chiến đấu trên quỹ đạo và vũ khí laser. Đầu thập niên 1990, Liên Xô rồi sau đó là Nga bắt tay vào dự án IS-MU nhằm xây dựng khả năng đuổi theo vệ tinh địch. Nhưng do tình hình Nga lúc đó, Tổng thống Boris Yeltsin tuyên bố chấm dứt dự án.
 
Đến năm 2000, chương trình chống vệ tinh Nga cuối cùng có dấu hiệu hồi sinh, khi Mỹ và Trung Quốc liên tục phô diễn khả năng tấn công và hủy diệt vệ tinh. 
 
RIA Novosti dẫn lời Tổng giám đốc Cơ quan Không gian liên bang Vladimir Popovkin tuyên bố Nga vẫn duy trì năng lực bảo vệ không gian với hệ thống Naryad-V. “Chúng tôi không thể ngồi yên và nhìn những nước khác hành động. Tôi chỉ có thể nói rằng các dự án tương tự cũng đã được Nga hoàn tất”, ông Popovkin nói.
 
Russiaspaceweb.com dẫn các nguồn tin cấp cao cho hay, Naryad-V nói nôm na là một loại vũ khí diệt vệ tinh kế thừa của IS thời Liên Xô. Nhờ thiết bị vận hành hiện đại mang tên Briz-K, vũ khí này có thể “lờ lững” trong thời gian dài trên quỹ đạo để chờ lệnh. Sau khi nhận chỉ thị từ mặt đất, Naryad-V sẽ đặt mục tiêu vào tầm ngắm rồi phóng đầu đạn tấn công tiêu diệt. 
 
Naryad-V được phóng lên bằng tên lửa đẩy Rockot, phiên bản điều chỉnh của tên lửa đạn đạo UR-100NU. Ngoài ra, theo tờ Izvestia, Nga cũng đang tìm cách khôi phục lại chương trình phát triển tên lửa phá hủy vệ tinh chở trên máy bay mang tên Kontakt, vốn đã bị ngưng từ năm 1989.
 
Giới phân tích lo ngại rằng, cuộc đọ sức giành “quyền kiểm soát trên vũ trụ” rất có thể dẫn tới sự đối đầu quân sự trên vũ trụ giữa các nước, trong khi đó việc triển khai vũ khí trên vũ trụ sẽ đe dọa tới hòa bình và an ninh thế giới. 
 
 Tên lửa Trường Chinh-3B mang tàu vũ trụ Hằng Nga-3 rời bệ phóng ngày 2/12
Tên lửa Trường Chinh-3B mang tàu vũ trụ Hằng Nga-3 rời bệ phóng ngày 2/12
 
Trung Quốc không đứng ngoài cuộc
 
Là một cường quốc quân sự mới nổi, Trung Quốc cũng không muốn đứng ngoài cuộc đua phát triển vũ khí tấn công vệ tinh. Chương trình phát triển vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc được đánh dấu sau vụ thử tên lửa chống vệ tinh hồi năm 2007, quân đội Trung Quốc đã lên kế hoạch phát triển từ 20-30 tên lửa chống vệ tinh nhằm cạnh tranh với Mỹ trong cuộc chiến vũ trụ, trang Strategy Page đưa tin. 
 
Trong một bài viết mang tựa đề "Âm mưu của Trung Quốc trong vũ trụ", Strategy Page cho hay Trung Quốc sẽ có trên 200 vệ tinh đến năm 2020. Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã tiến hành khoảng 30 vụ phóng vệ tinh thương mại, đưa 36 vệ tinh lên quỹ đạo cho tới nay.
 
Strategy Page cho biết thêm, từ nay đến năm 2020 Trung Quốc sẽ có trên 200 vệ tinh. Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã tiến hành khoảng 30 vụ phóng vệ tinh thương mại, đưa 36 vệ tinh lên quỹ đạo cho tới nay. 
 
Do sự tiến bộ về công nghệ, Trung Quốc giờ đây có thể phóng số vệ tinh đó chỉ trong 18 tháng. Đến năm 2020, Trung Quốc sẽ phóng 30 vệ tinh mỗi năm.
 
Hiện nay, trong số 900 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo, gần một nửa trong số đó là của Mỹ. 25 trong số các vệ tinh đó được sử dụng cho mục đích quân sự. Để ngăn chặn sự độc quyền của Mỹ trên vũ trụ, quân đội Trung Quốc đã phát động hàng loạt chương trình để phá hủy hoặc chặn các vệ tinh đối phương bằng tên lửa và laser.
 
Đặc biệt là vào ngày 2/12, Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Hằng Nga-3 để đưa xe thám hiểm tự hành Thỏ Ngọc lên mặt trăng. Theo Tân Hoa xã, đây là những bước đầu tiên của Bắc Kinh tiến tới mục tiêu xây dựng trạm nghiên cứu trên mặt trăng vào năm 2020. 
 
Trang tin Breitbart dẫn lời giới quan sát tỏ ra lo ngại rằng từ trạm nghiên cứu đến căn cứ quân sự không phải là con đường quá dài, trong khi việc phóng thành công Hằng Nga-3 chứng tỏ Trung Quốc có khả năng phóng tên lửa mang nhiều đầu đạn cùng tấn công một nhóm mục tiêu.
 
Vụ phóng tên lửa chống vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc vào năm 2007 và tàu tàu vũ trụ Hằng Nga-3 lên Mặt trăng thành công đã cho thấy quyết tâm của Trung Quốc nhằm đóng một vai trò lớn trong các hoạt động vũ trụ quân sự và để chứng tỏ với thế giới, mà đặc biệt là Mỹ, rằng Bắc Kinh có khả năng đánh chặn bất kỳ vệ tinh nào trên vũ trụ. 
 
Báo chí Nga nhận định, chương trình vũ khí laser trên vũ trụ của Mỹ và đặc biệt là Trung Quốc hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu, nếu muốn hoàn thành, có lẽ còn phải bỏ ra nhiều năm nữa. Nhưng vũ khí trên vũ trụ là một vấn đề có thể đe dọa tới hòa bình và an ninh toàn cầu. Vì vậy, cộng đồng quốc tế cần phải sớm đi đến nhận thức chung, cấm triển khai vũ khí và chạy đua vũ khí trên vũ trụ.
 
N.Phương (Tổng hợp TNO, Dân trí, TTT)
http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/cuoc-dua-vu-khi-huy-diet-ve-tinh-cua-cac-cuong-quoc-2362777/

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Tổng quan sức mạnh không quân Trung Quốc

VietnamDefence - Không quân Trung Quốc trên đường hiện đại hóa và phát triển.
Phi công Trung Quốc muốn bay cao hơn, xa hơn và nhanh hơn tất cả (Reuters) 
Phần nhiều nhờ máy bay do Nga cung cấp hoặc triển khai sản xuất theo giấy phép, sau đó là tự lực sản xuất máy bay thế hệ 4 và 4+ do Nga thiết kế, quá trình hiện đại hóa không quân Trung Quốc vào cuối thế kỷ XX-đầu thế kỷ XXI đã được thực hiện với tốc độ nhanh hơn và với hiệu quả cao nhất.

Trong tương lai ngắn hạn và trung hạn, Trung Quốc sẽ hạn chế đội máy bay của không quân ở mức tối ưu cho một cường quốc công nghiệp lớn có tổng số lượng 1.000 máy bay chiến đấu. Trong đó, Trung Quốc chủ yếu tập trung nâng cao tỷ lệ máy bay thế hệ 4+ và 5 trong biên chế không quân lên đến 70-80%.
Hệ thống chỉ huy và cơ cấu tổ chức

Đứng đầu không quân Trung Quốc là tư lệnh, người đồng thời là một trong các thứ trưởng bộ quốc phòng Trung Quốc. Tổng quân số không quân Trung Quốc là khoảng 330.000 người.

Các binh chủng chính của không quân là tiêm kích, tiêm kích-bom, ném bom, vận tải quân sự và trinh sát. Thuộc biên chế không quân Trung Quốc còn có các lực lượng phòng không mặt đất, bao gồm các đơn vị tên lửa phòng không và pháo phòng không, cũng như bộ đội đổ bộ đường không(*).

Đơn vị cấp chiến dịch của không quân Trung Quốc là tập đoàn không quân, bao gồm một số binh đoàn và đơn vị. Đơn vị cấp chiến thuật là sư đoàn không quân, gồm 3 trung đoàn không quân, một trung đoàn không quân gồm 3 phi đội, một phi đội gồm 3 biên đội, một biên đội gồm 4-5 máy bay.

Không quân Trung Quốc được chia thành các lực lượng không quân trực thuộc 7 đại quân khu. Số lượng sư đoàn trong biên chế đại quân khu phụ thuộc vào quy mô của đại quân khu. Ví dụ, trong các đại quân khu lớn nhất là Quảng Châu và Thẩm Dương, có 7 sư đoàn không quân trong mỗi đại quân khu.

Cơ cấu lực lương máy bay

Trong giai đoạn từ năm 1995-2012, quân số của không quân Trung Quốc đã giảm từ 400.000 xuống còn 330.000 người. Tổng số máy bay chiến đấu đã giảm từ 5.300 xuống còn 1.693 chiếc. Số lượng máy bay ném bom đã giảm từ 630 xuống còn 82 chiếc. Những thay đổi lớn về số và chất lượng đã diễn ra trong không quân tiêm kích-bom và không quân cường kích. Các máy bay chi viện đường không (chi viện đường không trực tiếp) Q-5 mà vào năm 1995 có 500 chiếc, còn vào năm 2005, vẫn còn đến 300 chiếc thuộc các biến thể Q-5C/D/E, đã bị loại khỏi biên chế. Năm 2012, không quân Trung Quốc có 99 máy bay trinh sát JZ-8F.

Trong giai đoạn từ năm 1985-2012, không quân tiêm kích chiến thuật Trung Quốc đã bị cắt giảm từ 4.000 xuống còn 890 chiếc. Các máy bay thế hệ 2 và một phần thuộc thế hệ 3 đã bị rút khỏi biên chế chiến đấu. Không quân Trung Quốc có trong biên chế tổng cộng 33 sư đoàn không quân: 3 sư đoàn không quân ném bom, 4 sư đoàn không quân tiêm kích-bom, 24 sư đoàn không quân tiêm kích và 2 sư đoàn không quân vận tải.

Không quân tiêm kích

Mặc dù trong lực lượng máy bay của không quân tiêm kích còn khá nhiều tiêm kích thế hệ 3 như J-8 (552 chiếc), nhưng nền tảng sức mạnh chiến đấu của nó là các tiêm kích đa năng hạng nhẹ J-10 và hạng nặng Su-27 do Nga và Trung Quốc sản xuất. Loại do Trung Quốc sản xuất được đặt tên J-11. Cũng như các máy bay đa năng Su-30MKK và Su-30MK2 mua của Nga. Su-27SK (J-11) thuộc các biến thể khác nhau là các máy bay thuộc thế hệ 4, còn Su-30MKK và Su-30MK2 là các máy bay thế hệ 4+.

Vào năm 2012, các loại tiêm kích này, Trung Quốc có 340 chiếc, trong đó có: J-10А/S (hơn 200 chiếc), J-11В/ВS (hơn 70), Su-30MKK mua từ Nga (73), Su-27SK mua từ Nga (43 chiếc). Xét về số lượng tiêm kích thế hệ 4+, Trung Quốc đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ, đứng trên Nga chỉ với không quá 230 chiếc.

Tiêm kích đa năng J-10 và J-11

Vào giữa thập niên 1980, Trung Quốc đã thông qua chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 4. Sau đó, nhiệm vụ kỹ thuật được điều chỉnh đã hướng các nỗ lực của các công trình sư Trung Quốc theo hướng nghiên cứu chế tạo một máy bay đa năng.

Các chuyên gia Nga cũng đã được huy động tham gia dự án. Tiếp đó, Nga đã bắt đầu cung cấp cho Trung Quốc các động cơ cải tiến AL-31FN có lực đẩy 12.700 kg để trang bị cho J-10 và các biến thể của nó. J-10А thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 22/3/1998.

Sau khi hoàn thành toàn bộ chu trình thử nghiệm nhà nước vào tháng 7/2004, J-10 bắt đầu được nhận vào trang bị của không quân Trung Quốc.

Các tính năng kỹ-chiến thuật và tính năng bay cơ bản của tiêm kích đa năng J-10: Trọng lượng cất cánh tối đa 19.277 kg; tốc độ tối đa 2,2M, bán kính chiến đấu khi được tiếp dầu trên không 1.600 km, khi không được tiếp dầu trên không 550 km. Máy bay có 11 điểm treo, được trang bị nhiều loại vũ khí, có thể mang tải trọng chiến đấu đến 6.000 kg. Được trang bị 1 khẩu pháo tự động lắp trong 30 mm. Máy bay có hệ thống avionics hiện đại: hệ thống điều khiển vũ khí, gồm tổ hợp radar ngắm bắn tích hợp NPIET KL-10 với radar anten mạng pha, một trạm định vị quan gọc. Máy bay có thể được lắp các thùng thiết bị dưới thân có chức năng khác nhau.

Hiện đại nhất trong không quân Trung Quốc là các máy bay họ Su-27 và Su-30 do Nga cung cấp hay được sản xuất theo giấy phép của Nga.

Việc Trung Quốc làm chủ được công nghệ sản xuất các máy bay này đã rút ngắn một thập kỷ chu trình chế tạo máy bay thế hệ 4. Năm 1998, với sự giúp đỡ của chuyên gia Nga và theo thiết kế của Nga, các xưởng của nhà máy chế tạo máy bay ở Thẩm Dương đã được trang bị lại để lắp ráp theo giấy phép các máy bay loại này. Một số nhóm kỹ sư và kỹ thuật viên Trung Quốc đã qua thực tập ở Liên hiệp sản xuất máy bay mang tên Yu.A. Gagarin ở thành phố Komsomolsk trên sông Amur.

Chương trình lắp ráp theo giấy phép dự tính kéo dài 10 năm và lắp ráp 200 máy bay tại Trung Quốc, 105 chiếc trong số đó được lắp ráp bằng các bộ linh kiện do Nga cung cấp. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã vi phạm cam kết trong hợp đồng, sau khi lắp ráp xong lô máy bay đầu tiên, đã từ chối sản xuất tiếp máy bay từ các linh kiện Nga mà triển khai sản xuất hoàn toàn nội địa các máy bay này.

Biến thể sản xuất trái phép này của Su-27SK được Trung Quốc đặt tên là J-11. Tiếp đó, Trung Quốc, sau khi từ chối sự giúp đỡ của chuyên gia Nga, đã bắt đầu phát triển và hiện đại hóa J-11. Tất cả những cải tiến mới cho phép thoạt nhìn liệt tiêm kích đa năng J-11В vào thế hệ 4+.

Từ năm 2007, Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất loạt nhỏ J-11B và đưa vào trang bị của không quân Trung Quốc. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề khi khai thác máy bay, chủ yếu liên quan đến động cơ nội địa WS-10 vốn có dự trữ làm việc an toàn cực thấp, Trung Quốc đã quyết định trang bị lại cho cả các máy bay J-11B đã sản xuất trước đó, cũng như đang sản xuất bằng động cơ AL-31F của Nga.

Việc nghiên cứu chế tạo J-10, cũng như triển khai sản xuất J-11A theo giấy phép tại Trung Quốc và sau đó là tự phát triển mẫu máy bay cơ sở đã tạo ra nền tảng vững chắc, cho phép họ bắt đầu nghiên cứu thiết kế tiêm kích đa năng thế hệ 5. Thực hiện thành công dự án này sẽ giúp Trung Quốc có cơ hội lọt vào nhóm các đại cường hàng không thế giới.

Mẫu chế thử tiêm kích thế hệ 5 đã lần đầu tiên được giới thiệu công khai vào tháng 1/2011 trong thời gian chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates. Theo các chuyên gia hàng không, bề ngoài và cấu tạo của tiêm kích đa năng mới J-20 của Trung Quốc rất giống tiêm kích đa năng MFI 1.42 của Tổng công ty chế tạo máy bay Nga RSK MiG.

Người ta dự đoán rằng, các chuyên gia của hãng MiG tham gia chương trình phát triển các tiêm kích FC-1 và J-10 của Trung Quốc, có thể đã để lộ thông tin về MFI 1.42 cho Trung Quốc.

Ngày 31/10/2012, mẫu chế thử của tiêm kích thế hệ 5 loại nhẹ hơn và tương tự F-35 Lightning của Mỹ là J-31 đã lần đầu tiên cất cánh. Máy bay này dùng để giành ưu thế trên không và tiêu diệt mục tiêu mặt đất và trên biển. Dự ssoand, trên cơ sở J-31, Trung Quốc sẽ chế tạo biến thể trên hạm để triển khai trên các tàu sân bay.

Hiện nay, Bắc Kinh đang đàm phán mua một lô 26 tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-35 của Nga, vốn là mẫu quá độ giữa biến thể cuối cùng của Su-30 và tiêm kích thế hệ 5 tương lai Т-50. Sau khi có được Su-35, Trung Quốc sẽ có thể giải quyết được hai bài toán: một mặt là trước khi nhận J-20 vào trang bị, xây dựng được một lực lượng không quân có khả năng đối kháng gần như ngang ngửa với F-22 và F-35 của Mỹ, mặt khác là sao chép những hệ thống và tổng thành của Su-35 vốn giúp máy bay này tiếp cận thế hệ 5.

Không quân tiêm kích-bom

Sau khi loại khỏi biên chế các máy bay tiêm kích-bom (cường kích) đã lạc hậu cả vô hình và vật chất Q-5 của Nhà máy chế tạo máy bay Nam Xương, đại diện duy nhất của loại máy bay này trong không quân Trung Quốc còn lại là máy bay thế hệ 3+ JH-7 tồn tại ở vài biến thể của nó.

Máy bay này được phát triển và nhận vào trang bị không quân Trung Quốc trong giai đoạn hợp tác kỹ thuật-quân sự với phương Tây phát triển mạnh nhất. Xét về bề ngoài, cấu tạo và vũ khí, biến thể cơ sở của máy bay này tương tự loại Jaguar của liên doanh Pháp-Anh SEPECAT. Mẫu thử nghiệm đầu tiên của máy bay cất cánh vào tháng 12/1988. Năm 2003, sau khi được hoàn thiện lớn, các máy bay loại này cải tiến có ký hiệu Block 2 đã được nhận vào trang bị của không quân Trung Quốc.

Biến thể mới nhất là JH-7А có khả năng sử dụng vũ khí chính xác cao, được đưa vào biên chế các đơn vị thường trực không quân Trung Quốc vào năm 2004. Xét về khả năng chiến đấu, JH-7А gần tương đương Tornado của hãng Panavia. Người ta cho rằng, JH-7 không thể đối địch ngang ngửa các tiêm kích hiện đại. Chúng tham gia hầu như tất cả các cuộc tập trận “Sứ mệnh hòa bình” của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, trong đó có cuộc tập trận gần nhất diễn ra vào tháng 8/2013.

Không quân trinh sát

Binh chủng này của không quân Trung Quốc được đại diện bởi loại máy bay trinh sát duy nhất JZ-8F. Năm 2012, số lượng các máy bay này là 99 chiếc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng nhận vào trang bị 8 máy bay chỉ huy/báo động sớm, cụ thể là 4 chiếc KJ-2000 và 4 chiếc KJ-200. Hệ thống KJ-200 sử dụng phương tiện mang là máy bay vận tải quân sự Il-76MD của Liên Xô.

Không quân ném bom

Không quân ném bom là phương tiện tiến công chủ yếu của không quân Trung Quốc. Sau khi rút khỏi biên chế chiến đấu các máy bay ném bom chiến thuật H-5 của hãng chế tạo máy bay Tây An (bản sao chép máy bay Liên Xô Il-28 của Trung Quốc), đại diện duy nhất của không quân ném bom là máy bay ném bom hạng trung H-6 của hãng Tây An, mà một cách ước lệ có thể gọi là máy bay ném bom tầm xa. H-6 đã bị dừng sản xuất vì lý do không có khả năng đột phá hệ thống phòng không hiện đại và đưa bom đến mục tiêu một cách chắc chắn. Một phần các máy bay H-6 ở các biến thể ném bom đã được cải tiến để sử dụng làm máy bay tiếp dầu.

Cùng với việc Trung Quốc phát triển các loại tên lửa hành trình, các máy bay H-6 đã có thêm khả năng sử dụng làm phương tiện mang tên lửa hành trình, có khả năng phóng tên lửa mà không phải bay vào khu vực hoạt động của phòng không và tiêm kích của đối phương. Ở phương án chống hạm, các máy bay này có thể tấn công các hạm tàu nằm trong thành phần cụm tàu sân bay xung kích.

Năm 2006, Trung Quốc đã triển khai sản xuất loạt các máy bay chống hạm có ký hiệu H-6М. Chúng được trang bị radar sục sạo Type 245 và 4 điểm treo dưới cánh để lắp tê lửa chống hạm YJ-83/YJ-62 (C-803/C-602). Theo một số nguồn tin, máy bay loại này được trang bị hệ thống bay bám địa hình và có khả năng bay ở độ cao cực nhỏ để đột phá hệ thống phòng không. Để tăng bán kính chiến đấu, H-6M được lắp thêm một thùng nhiên liệu ở vị trí khoang bom. Ở biến thể H-6Н, máy bay có thể được trang bị 2 tên lửa chống hạm KD-63 hay các tên lửa hành trình tương lai KD-88.

Tháng 1/2007, máy bay ném bom mang tên lửa hành trình mới nhất H-6K cất cánh với 6 điểm treo dưới cánh. Nhờ lắp 2 động cơ turbine phản lực D-30KP-20 do Liên hiệp NPO Saturn (Nga) sản xuất, máy bay có bán kính chiến đấu lớn hơn, lên tới 3.500 km, cũng như tải trọng chiến đấu lớn hơn.

Các máy bay mang tên lửa H-6K và H-6М dùng để thực hiện 2 nhiệm vụ chính: tấn công hạt nhân vào các mục tiêu chiến lược nằm trong phạm vi chiến trường; và tiêu diệt các cụm tàu sân bay tiến công của Hải quân Mỹ trên các đường tiếp cận xa đến vùng biển Đài Loan. Trung Quốc dự tính, các máy bay này sẽ tấn công đối phương theo đội hình tốp có số lượng từ một phi đội đến một trung đoàn. Hoạt động của chúng sẽ được bảo đảm bởi các máy bay chỉ huy/báo động sớm và được yểm trợ bởi các máy bay gây nhiễu. Các tên lửa hành trình trên máy bay sẽ được phóng từ ngoài tầm hoạt động của các phương tiện phòng không và không quân tiêm kích đối phương.

Vào cuối năm 2012, trong biên chế không quân Trung Quốc có 82 chiếc H-6 thuộc các biến thể mới nhất. Song song với việc hiện đại hóa và phát triển H-6, các chuyên gia Trung Quốc đang ráo riết nghiên cứu chế tạo các máy bay chiến lược mang tên lửa H-8 và H-10. Theo các nguồn tin Mỹ, trong thiết kế của cả 2 loại máy bay ném bom này có vay mượn nhiều yếu tố của các máy bay B-2 Spirit và F-117 của Mỹ. Đó là vì các công trình sư Trung Quốc đã sao chép được một số nghiên cứu công nghệ tàng hình Stealth của Mỹ, nhờ các tài liệu thiết kế, bản vẽ của B-2 mà tình báo và các đơn vị tình báo mạng Trung Quốc thu thập được В-2, cũng như nghiên cứu các mảnh xác máy bay tiêm kích tàng hình F-117 mà phòng không Nam Tư bắn rơi, sau đó được chuyển cho Trung Quốc.

Không quân vận tải
Các nhà lý luận quân sự Trung Quốc đã đi đến kết luận rằng, cùng với sự gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc trên thế giới, các lợi ích quốc gia của nước này cũng có phạm vi toàn cầu. Và vai trò của quân đội Trung Quốc cũng mở rộng tương ứng, ngoài việc bảo đảm an ninh quốc gia Trung Quốc bằng các phương tiện quân sự, còn phải có khả năng bảo vệ các lợi ích này cả ở những khu vực xa xôi trên địa cầu. Ngoài ra, Trung Quốc cần có những khả năng đó còn để thực hiện các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và các nhiệm vụ khác. Có thể bảo đảm giải quyết tất cả các nhiệm vụ này trong thời hạn nhanh nhất chủ yếu với sự hỗ trợ của máy bay vận tải mà một phần đáng kể nằm trong biên chế không quân vận tải Trung Quốc.

Vào giữa năm 2012, không quân vận tải Trung Quốc có hơn 320 máy bay. So với năm 1995, khi lực lượng này có nhiều máy bay nhất, 600 chiếc, số lượng máy bay của không quân vận tải đã giảm đi 280 chiếc do loại bỏ các máy bay thế hệ 1 và 2 đã quá cũ kỹ như An-12, Li-2, Il-14, Il-18 của Liên Xô, BAe Trident 1E/2E của Mỹ. Do đó, trong biên chế không quân vận tải Trung Quốc chủ yếu còn lại các máy bay thế hệ 3 do Nga và Trung Quốc sản xuất, trong đó có các máy bay vận tải hạng nặng Il-76 (10 chiếc), Y-8 các kiểu loại (53 chiếc); hạng trung Tu-154 (12 chiếc), Tu-154MD (4 chiếc); hạng nhẹ Y-11 (20 chiếc), Y-12 (8 chiếc), Y-5 (17 chiếc).

Trung Quốc đang rất chú trọng việc chế tạo các máy bay vận tải quân sự hạng nặng, máy bay tiếp dầu đa nhiệm và máy bay chuyên dụng tự phát triển và sản xuất. Để chế tạo các máy bay này, họ đã huy động các chuyên gia của hãng ANTK mang tên O.K. Antonov (Ukraine), họ đang hỗ trợ kỹ thuật cho chuyên gia Trung Quốc trong việc phát triển máy bay vận tải quân sự hạng nặng Y-9. Máy bay này có tính năng bay và chiến-kỹ thuật cao hơn nhiều các máy bay hiện có trong không quân Trung Quốc và được xuất khẩu là họ Y-8 trang bị 4 động cơ turbine cánh quạt WJ-6C, cũng như các máy bay C-130 Hercules của Mỹ vốn vẫn còn được sử dụng rộng rãi trên thế giới.
Các trung đoàn trực thăng là sự tăng cường mạnh mẽ cho không quân Trung Quốc (Reuters)
Các nhà thiết kế Trung Quốc đã đạt được những thành công lớn trong phát triển máy bay vận tải quân sự dùng động cơ turbine phản lực lưỡng mạch. Họ đã bắt đầu thử nghiệm mẫu chế thử đầu tiên của máy bay vận tải quân sự hạng nặng Y-20, máy bay này thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 26/1/2013. Y-20 có trọng lượng cất cánh hơn 200 tấn, tải trọng hữu ích 66 tấn, chiều dài thân 47 m, sải cánh 45 m, chiều cao 15 m.

Thiết kế của máy bay có sự tương đồng nhất định với С-17 Globemaster của Boeing (Mỹ) và Il-76 (Nga). Trên nhiều báo chí phương Tây có đăng tải thông tin nói rằng, cấu trúc cánh của Y-20 và công nghệ sản xuất cánh là do hãng Antonov của Ukraine phát triển. Theo các chuyên gia Nga, cơ sở để phát triển Y-20 là dự án máy bay vận tải quân sự hạng nặng không được thực hiện của Liên Xô An-170.

Theo báo chí Trung Quốc, Y-20 vượt trội các máy bay Il-76MD của Nga về tất cả các tham số, và tương đương máy bay hiện đại hóa sâu Il-76MD-90А của Nga về các tính năng chính, thậm chí vượt trội về một số tính năng.

Đồng thời, các chuyên gia Trung Quốc cũng đang tích cực nghiên cứu chế tạo các động cơ turbine phản lực lưỡng mạch mới có lực đẩy mạnh hơn như WS-18 và WS-20. Cho đến khi chế tạo được các động cơ đó, Y-20 sẽ được trang bị động cơ D-30KP2 của Nga.

Vũ khí hàng không

Quá trình nghiên cứu phát triển và sản xuất các tên lửa không đối không nội địa khá hiện đại có được xung lực mạnh khi các chuyên gia Trung Quốc được tiếp cận các loại vũ khí tên lửa trang bị cho các tiêm kích Su-27 lắp ráp ở Trung Quốc theo giấy phép của Nga và các máy bay đa năng Su-30MKK và Su-30MK2 nhập khẩu từ Nga mà cụ thể là tên lửa không đối không R-27R1 (ER1), R-27P (EP), R-27T1 (ET1), R-27P (EP), R-73E và RVV-АE (R-77).

Bằng cách tổng hợp các công nghệ phương Tây có được từ trước và các sản phẩm của Nga, các công trình sư Trung Quốc đã chế tạo được một series các tên lửa hàng không nội địa hiện đại tầm ngắn, tầm trung và tầm xa như PL-5 với các biến thể А, D, C, E có tính năng chiến-kỹ thuật tương đương các tên lửa Mỹ AIM-9H, AIM-9L hay AIM-9P, PL-8. Tên lửa có thiết kế và tính năng chiến-kỹ thuật giống với AIM-132 của Mỹ do МВDА sản xuất.

Đặc điểm của tên lửa này là nhiên liệu hầu như không khói và không để lại dấu vết nê rất khó phát hiện tên lửa bằng mắt. Thuộc loại tên lửa không đối không tầm trung có PL-11 và biến thể cải tiến của nó PL-11B dùng đầu tự dẫn radar chủ động AMR-1, cũng như PL-12 với các biến thể khác nhau. Biến thể cơ sở của PL-12 có hệ dẫn giai đoạn cuối radar chủ động và tầm bắn tối đa đến 60-80 km.

PL-12 có các biến thể B/C/D. PL-12D là biến thể hoàn thiện nhất và là tên lửa tự dẫn radar chủ động, được tối ưu hóa để lắp trên các mấu treo bên trong các máy bay tàng hình thế hệ 5 tương lai đang được nghiên cứu phát triển.

Về tên lửa tầm xa có tên lửa đa nhiệm không đối không và chống radar PL-15. Tên lửa này có các thông số kích thước-trọng lượng giống như các biến thể mới nhất của PL-12, được trang bị đầu tự dẫn chủ động-thụ động và thiết bị bảo đảm truyền dữ liệu hai chiều với máy bay mang. PL-15 có tầm bắn tối đa gần 100 km. Đang ở giai đoạn phát triển cuối cùng là tên lửa tầm siêu xa PL-21 lắp động cơ tên lửa dòng thẳng tiên tiến, cho phép đạt tầm bắn đến 150-200 km.

Vũ khí không đối diện trang bị cho các tiêm kích đa năng J-11В có tên lửa có điều khiển KD-88, vốn là sự phát triển của tên lửa Nga cùng loại Kh-29TE. Thuộc về các vũ khí tiêu diệt mục tiêu mặt đất còn có bom không điều khiển và bom có điều khiển cỡ đến 500 kg dùng hệ dẫn laser và các loại bom chùm nằm trong hệ thống vũ khí của J-11.

Vũ khí tên lửa của không quân ném bom gồm có các loại tên lửa chống hạm YJ-6 (С-601), KD-63, С-301, С-101, YJ-82, YJ-83/YJ-62 (C-803), C-602 dùng để trang bị cho các máy bay ném bom H-6 thuộc các đời cuối. Các nhà thiết kế Trung Quốc rất chú trọng phát triển tên lửa hành trình các loại phóng từ máy bay. Hiện đại nhất trong số đó hiện là tên lửa hành trình tầm xa phóng từ máy bay CJ-10A (tầm bắn 2.500 km). Tên lửa này có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Huấn luyện chiến đấu
Các mục đích và nhiệm vụ đào tạo và huấn luyện chiến đấu trong các điều kiện mới đã được cụ thể hóa “Các nội dung chính huấn luyện quân sự và đánh giá” được thông qua năm 2009. Trong văn kiện này, nhấn mạnh rằng, công tác huấn luyện chiến đấu cán bộ quân sự dựa chủ yếu vào việc tiến hành các chiến dịch phối hợp, với sự tham gia cảu các đơn vị thuộc tất cả các quân/binh chủng/lực lượng, đào tạo chung, tập luyện chung, nhằm đào tạo các quân nhân (chỉ huy) kiểu mới, có tư duy chiến lược linh hoạt và tài năng chiến thuật, cho phép tiến hành các chiến dịch phối hợp hiệu quả trong các cuộc chiến tranh lấy mạng làm trung tâm.

Trong văn kiện “Các nội dung chính” có nêu ra 4 nguyên tắc chỉ đạo: thích ứng với các thay đổi có tính cách mang đang diễn ra trong lĩnh vực quân sự; chuẩn bị cho nhiệm vụ ngăn cản bằng vũ lực việc Đài Loan tuyên bố độc lập; tích cực tích hợp các vũ khí trang bị tiên tiến; trong quá trình lập kế hoạch, tổ chức và tiến hành tập trận (tập luyện), không được giảm tính thực tế của chúng để bảo đảm an toàn hơn.

Người ta đã soạn thảo các chương trình đào tạo mới cho các học viện không quân và trường bay, cũng như các khóa ngắn hạn nâng cao trình độ mà hiện có tới 60% quân số theo học. Theo các chương trình này, thời gian dành cho huấn uyện bay, cũng như độ dài các bài tập chiến thuật trong một chuyến bay được tăng lên.

Số lượng các máy bay huấn luyện và huấn luyện-chiến đấu từ năm 2005 đã tăng khoảng 2,5 lần. Trong quá trình huấn luyện bay, đã bắt đầu tích cực sử dụng máy bay huấn luyện-chiến đấu mới L-15 được phát triển với sự tham gia của chuyên gia Nga. Giờ bay hàng năm của phi công trong các đơn vị thường trực của không quân tiêm kích, tiêm kích-bom và ném bom đã lên tới 150 giờ, còn của không quân vận tải là hơn 200 giờ bay. Đồng thời, số lượng bài tập thực hiện trong một chuyến bay tập cũng tăng lên. Nếu như trước đây chỉ đặt ra 1-2 bài tập thì nay là 3-4 bài tập. Chẳng hạn, tập dượt các khoa mục của trận không chiến tầm xa bằng tên lửa và không chiến cơ động tầm gần bằng tên lửa và pháo; tập dượt các kỹ năng đối phó các phương tiện phòng không bằng hỏa lực, nhiễu và cơ động; thao luyện các kỹ năng sục sạo, phát hiện các mục tiêu mặt đất (trên biển) cơ động và cố định, thực hiện ngắm bắn và sử dụng vũ khí hàng không có điều khiể và không điều khiển.

Để huấn luyện chiến đấu và đào tạo, không quân Trung Quốc còn tích cực sử dụng các cuộc tập trận chung với các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, cũng như các cuộc diễn tập, tập trận song phương. Trong tất cả các cuộc tập trận “Sứ mệnh hòa bình” của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, kể từ năm 2003, Trung Quốc đã huy động tham gia lực lượng không quân, ngoài các trực thăng lục quân Z-9 và Mi-17, một đơn vị tiêm kích-bom JH-7А Flying Leopard. Trong cuộc tập trận gần đây nhất diễn ra ở Nga từ ngày 27/7-15/8/2013, còn có sự tha gia của các máy bay tiêm kích-bom JH-7A của trung đoàn không quân số 31 thuộc sư đoàn không quân 11 của đại quân khu Thẩm Dương.

Hệ thống sân bay, căn cứ
Không quân Trung Quốc có mạng lưới sân bay rộng khắp, gồm hơn 400 sân bay, trong đó có 350 sân bay có mặt đường băng cứng. Lưu lượng hoạt động của chúng cho phép bảo đảm dư thừa việc trú đóng thường xuyên của các đơn vị/binh đoàn không quân phiên chế và phân tán chúng khi có nguy cơ địch tấn công, mà còn cho phép phân tán các cụm không quân sau khi triển khai tác chiến chúng. Ở mỗi sân bay thường trú đóng 1 trung đoàn không quân, ít hơn là một sư đoàn không quân được biên chế phần lớn một loại máy bay. Điều đó giúp đơn giản hóa công tác bảo dưỡng máy bay và chuẩn bị trước khi bay.

Một sân bay chính và 2-3 sân bay sơ tán cùng với hạ tầng của chúng cấu thành một căn cứ không quân, đồng thời là bộ phận cấu thành của hệ thống bảo đảm hậu cần. Lực lượng nhân sự của các căn cứ bảo đảm khả năng sẵn sàng hoạt khai thác của các sân bay, giải quyết các nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và các loại hình bảo đảm chiến đấu.

Với mạng lưới sân bay rộng khắp, cho phép các lực lượng và phương tiện không quân cơ động, hiện nay, Trung Quốc đã có ưu thế không quân gấp hơn 2 lần về số lượng trước bất cứ đối thủ tiềm tàng nào và trên bất kỳ hướng chiến lược nào dọc theo chu vi đường biên giới quốc gia.
Nguồn: Trung Quốc đấu tranh giành quyền thống trị bầu trời / Aleksandr Shlyndov // NVO, 13.12.2013.
http://vietnamdefence.com/Home/quandoi/trungquoc/Tong-quan-suc-manh-khong-quan-Trung-Quoc/201312/53133.vnd

Tàu sân bay Mỹ vô dụng trong hải chiến hiện đại?

Theo đánh giá của cựu cố vấn quân sự Mỹ, với sự ra đời của mẫu tiêm kích ném bom Tupolev Tu-22 Backfire và tên lửa hành trình Raduga KH-22 do Nga sản xuất, các siêu tàu sân bay Mỹ sẽ hoàn toàn mất tác dụng nếu xảy ra một cuộc hải chiến trong tương lai.
Tiêm kích Tupolev Tu-22 Backfire mang theo tên lửa hành trình Raduga KH-22 của Nga.
Phát biểu trên mạng tin DodBuzz (Mỹ), chuyên gia Mark Jacobson – cựu cố vấn của Đại tướng Stanley McChrystal (Chỉ huy Lực lượng Hỗ trợ an ninh Quốc tế (ISAF) và Chỉ huy Lực lượng Hoa Kỳ tại Afghanistan) đồng thời cũng là cố vấn của cựu Giám đốc CIA, tướng David Petraeus – cho biết, các đối thủ tiềm năng của hải quân Mỹ đang không ngừng tìm cách đánh bại quân đội nước này bằng những ý tưởng và các loại vũ khí mới vô cùng lợi hại nhưng dường như Lầu Năm Góc vẫn quá tự tin vào năng lực của mình trong quá khứ nên đang tỏ ra rất chủ quan.
“Các lực lượng (quân đội) của chúng ta không hề thay đổi. Không không dám chắc các chỉ huy của quân đội có nhận ra nguy cơ này hay không… Chúng ta đang tập trung vào phát triển các mẫu tàu khu trục mới? Nhưng liệu có ai đặt ra câu hỏi này với đội tàu sân bay của nước Mỹ hay không? Nếu bạn nhìn vào quá khứ và tưởng tượng những trận hải chiến đó lặp lại bạn sẽ thấy chúng ta không có đủ các loại vũ khí hiệu quả cho nó. Lấy ví dụ như ở eo biển Đài Loan, đã 15 năm nay chúng ta không có gì mới bất chấp hàng loạt quốc gia khác đã hoàn thiện hệ thống tên lửa siêu thanh của mình”, chuyên gia Mark Jacobson nói.
“Trên thực tế ngày nay, các hàng không mẫu hạm của chúng ta đã trở nên vô dụng mặc dù trong một số cuộc chiến gần đây, nó vẫn là nền tảng chủ chốt của các đợt tấn công. Không có chúng, quân đội Mỹ chắc chắn sẽ không thể triển khai các phi đội tiêm kích tại hàng loạt địa điểm khác nhau. Sở dĩ, quân đội Mỹ có thể làm điều nó là vì các tàu sân bay này chưa phải đối mặt với tên lửa hành trình KH-22 của Nga hay các loại vũ khí tương tự”, Mark Jacobson nói tiếp.
Lý do từ đâu mà một chuyên gia cao cấp của quân đội Mỹ lại tỏ ra sợ hãi tên lửa KH-22 đến vậy? Phải chăng đây là một sự thổi phồng nguy cơ để “khích” chính phủ Mỹ rót tiền cho hải quân mạnh hơn nữa?
Câu trả lời là không. Sự lợi hại của KH-22 là hoàn toàn có thật.
Mẫu tiêm kích ném bom Tupolev Tu-22 Backfire 
KH-22 là mẫu tên lửa hành trình siêu thanh được các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng có thể đánh chìm một chiếc siêu hàng không mẫu hạm từ khoảng cách rất xa, với tốc độ bay lên tới Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh). Đây là sản phẩm được quân đội Nga nghiên cứu và phát triển sau khi phân tích các trận hải chiến trong thời kỳ đại chiến thế giới thứ 2. Câu hỏi mà các nhà khoa học quốc phòng Nga đặt ra là: Nếu chúng ta có thể tấn công những chiếc hàng không mẫu hạm từ khoảng cách rất xa, liệu chúng ta có còn phải lo lắng đến năng lực không quân của họ nữa không?
Câu trả lời là rất rõ ràng. Nếu như một chiếc chiến hạm trở nên vô dụng bởi những chiếc tàu sân bay thì đối phương hoàn toàn có thể khiến lực lượng trở nên cân bằng hơn bằng một mẫu tên lửa có tốc độ cực nhanh và không thể bị đánh chặn, được phóng đi từ khoảng cách rất xa. Và thế là KH-22 được ra đời.
Với phiên bản mới nhất, một chiếc tiêm kích có thể phóng tên lửa KH-22 từ khoảng cách lên tới 372 dặm (600 km), phát nổ và tạo ra một lỗ thủng có đường kính lên tới 5m và sâu vào bên trong thân tàu hàng chục mét, bất kể đó là loại tàu nào.
Hàng không mẫu hạm USS George Washington của Mỹ.
Trong hiện tại và tương lai, rất khó có khả năng Nga và Mỹ sẽ giao chiến với nhau vì họ đều hiểu đó là một cuộc đối đầu khiến cả hai cùng “lụn bại” nhưng điều mà Mỹ cần phải lo lắng là Nga đã sản xuất KH-22 để xuất khẩu. Và mặc dù phiên bản xuất khẩu chỉ mang đầu đạn thông thường nhưng nó vẫn đủ sức giáng cho các tàu sân bay Mỹ một đòn chí tử.
Phát hiện được lợi thế này, Trung Quốc đã lập tức “nhái” KH-22 trong khi các nước khác sẵn sàng móc hầu bao mua sắm.
Liệu đã đến lúc nước Mỹ cần phải lo lắng cho số phận của các hạm đội tàu sân bay của mình chưa? – chuyên gia Jacob đặt câu hỏi.
Lương Minh
http://infonet.vn/Quan-su/Cong-nghe-quan-su/Tau-san-bay-My-vo-dung-trong-hai-chien-hien-dai/127271.info

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Mua BrahMos, Việt Nam muốn có vũ khí răn đe chiến lược?

Lời bình:
Về loại tên lửa chiến thuật này, Blogger đã có bài viết và đề xuất trong bài viết dưới đây:
http://duongduc1000.blogspot.com/2011/03/truong-sa-khoang-lang-truoc-con-bao.html

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
VietnamDefence - Việt Nam muốn mua thật nhanh tên lửa hành trình BrahMos. Nhưng đó là biến thể tấn công mặt đất hay chống hạm?
Trang Indrus.in, ngày 3/12/2013, cho hay, trong chuyến thăm Ấn Độ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chính thức yêu cầu Ấn Độ cung cấp cho Việt Nam tên lửa hành trình siêu âm uy lực khủng khiếp BrahMos, cùng với việc cung cấp tàu chiến, huấn luyện thủy thủ tàu ngầm và phi công Su-30.
 
Việt Nam hy vọng mua được thật nhanh BrahMos (Boris Egorov / RIR). Trên ảnh là maket BrahMos phóng từ Su-30MKI

Các nguồn thạo tin cho biết, Việt Nam đã chính thức yêu cầu Ấn Độ cung cấp loại tên lửa hành trình  siêu âm BrahMos do Nga-Ấn hợp tác phát triển và sản xuất tại một cuộc gặp ở New Delhi. Yêu cầu được đưa ra khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm thủ đô Ấn Độ, Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ quốc phòng với Ấn Độ.

Việt Nam và Ấn Độ đã đàm phán không chính thức về việc mua bán BrahMos. Việt Nam nhấn mạnh sự quan tâm tới tên lửa này khi mà kế hoạch hợp tác với Nga sản xuất tên lửa chống hạm dưới âm cải tiến dựa trên tên lửa Kh-35 Uran tiến triển chậm, trong khi hiệp định liên chính phủ Nga-Việt phát triển tên lửa Kh-35EV đã được ký vào tháng 10/2010.

Việt Nam hy vọng Ấn Độ cung cấp BrahMos để đáp ứng ngay nhu cầu trước mắt. Hiện chưa rõ Ấn Độ có khả năng cung cấp tên lửa này trong tương lai gần hay không. Các quan chức Ấn Độ từ chối bình luận về việc đàm phán bán BrahMos cho Việt Nam.

Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phía Việt Nam cũng đặt vấn đề Ấn Độ giúp huấn luyện thủy thủ tàu ngầm và phi công lái Su-30.

Tờ The Diplomat (Nhật Bản) bình luận, chuyến thăm New Delhi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy, Việt nam muốn giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp vũ khí Nga và mở rộng danh mục các nước hỗ trợ phát triển quân đội Việt nam. Có tin, đáp lại yêu cầu của Việt nam về việc cung cấp tàu chiến, Ấn Độ đã có bước đi chưa từng có là đề nghị cấp tín dụng 100 triệu USD để Việt Nam mua 4 tàu tuần tra. Không lâu sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, báo chí đưa tin, Ấn Độ sẽ đào tạo đến 500 thủy thủ Việt nam để “thực hiện đầy đủ các hoạt động tác chiến dưới mặt nước” tại căn cứ huấn luyện tàu ngầm INS Satavahana của Ấn Độ.

Các nguồn tin cho biết, Ấn Độ sẽ sẵn sàng cung cấp tên lửa vì họ đang tìm kiếm khách hàng mua BrahMos và các nước như Malaysia và Indonesia đã tỏ ý quan tâm đến BrahMos. New Delhi cũng sẵn sàng huấn luyện phi công cho Việt Nam, nhưng tỏ ra thận trọng trong việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác quân sự do yếu tố Trung Quốc. Bắc Kinh đang quan sát sự hiện diện gia tăng của Ấn Độ tại Việt Nam với sự ngờ vực. Ấn Độ và Việt Nam vốn có truyền thống quan hệ hữu nghị lâu đời.

Các biến thể phóng từ mặt đất, tàu chiến mặt nước của tên lửa hành trình BrahMos đã được Lục quân, Hải quân và Không quân Ấn Độ nhận vào trang bị. Trong một vài năm tới, các biến thể phóng từ máy bay Su-30MKI và tàu ngầm sẽ được thử nghiệm và đưa vào sản xuất, trang bị.

Nhân đây, VietnamDefence xin bình luận đôi lời về hoạt động mua sắm vũ khí của Việt Nam. Trước hết, phải khẳng định, chúng ta mua vũ khí hiện đại là việc làm tự nhiên vì mục đích chính đáng là tăng cường khả năng phòng thủ, răn đe xâm lược, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Gần đây, có những ý kiến cả ở trong và ngoài nước nói đến gánh nặng tài chính của việc mua sắm vũ khí đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Đúng là trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, Việt Nam phải giảm đầu tư cho một số mục tiêu phát triển để có tiền mua sắm vũ khí, nhất là những binh khí kỹ thuật tiên tiến và đắt tiền, là việc miễn cưỡng, chẳng đặng đừng. Nhưng mặt khác, một câu hỏi đặt ra, vì mục đích bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ những đầu tư đó có đắt không?

Cổ nhân nói: “Muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh” và “Vũ khí là trụ cột của hòa bình” hay “Không có quân đội mạnh thì không được tôn trọng”. Chiến lược quốc phòng tự vệ của chúng ta là răn đe chống xâm lược, bắt các kẻ thù tiềm tàng trả giá đắt khi đụng vào lợi ích quốc gia, chủ quyền, lãnh thổ của chúng ta. Yếu ớt là mời chào xâm lược. Chúng ta tăng cường quân bị là để tránh chiến tranh, bảo vệ hòa bình. Như thế thì những đầu tư đó có đắt không? Có phải làm không? Không! Đó là một trong những cách làm thông minh, ít tốn kém nhất, đó là sự đầu tư hiệu quả nhất cho lợi ích của dân tộc, đất nước và nhân dân!

Cũng có ai đó ngây thơ và mơ hồ hy vọng người Nga, người Mỹ, người Nhật, người Ấn sẽ đổ máu bảo vệ chủ quyền biển đảo cho chúng ta chăng? Không! Chỉ có người Việt Nam sẽ phải đổ máu trên chiến trường một khi chiến tranh xâm lược nổ ra mà thôi. Giống như nước Nga, chúng ta cũng chủ yếu và trước hết phải trông cậy vào quân đội và hạm đội của mình. Chúng ta muốn hòa bình, muốn lấy hợp tác, tôn trọng, hòa hiếu để hóa giải binh đao. Nhưng chỉ muốn là không đủ. Chúng ta còn nhất định phải có năng lực để đối phương tôn trọng, hợp tác và cùng tránh nguy cơ binh đao.

Bàn về giác độ chiến lược và kỹ thuật quân sự, việc mua sắm và xây dựng tiềm lực tên lửa hành trình là hoàn toàn đúng đắn. Trong bối cảnh các nước xung quanh tăng cường tiềm lực tên lửa tấn công mặt đất: Trung Quốc có hàng ngàn tên lửa đường đạn, hành trình, rocket phóng loạt có tầm bắn hàng trăm, hàng ngàn kilômet, Đài Loan đã phát triển tên lửa hành trình tầm bắn hàng ngàn kilômet, Thái Lan, Indonesia cũng đang hợp tác, phát triển hay mua sắm tên lửa có tầm bắn hàng trăm kilômet. Việt Nam tất yếu phải có tiềm lực tên lửa tấn công mặt đất để phòng thủ, phải mua sắm hoặc phát triển các loại vũ khí này, dù đó là các tên lửa đường đạn chiến thuật Iskander (Nga), Extra (Israel), Prithvi, Pragati (Ấn Độ) hay các tên lửa hành trình Club-S, Club-K/Kh-35UE (Nga) và BrahMos (Ấn Độ).

Tuy nhiên, nếu chỉ đi mua mãi thì vô cùng tốn kém và phụ thuộc. Mỗi quả tên lửa hành trình chống hạm Yakhont mà Indonesia mua (Yakhont cũng chính là cơ sở để phát triển BrahMos) có giá hơn 1 triệu USD, mỗi quả tên lửa chống hạm dưới âm Kh-35 chắc cũng có giá mấy trăm ngàn đô la. Vì thế, chúng ta cần phải đi từ liên doanh sản xuất tiến đến tự chủ về công nghệ vũ khí tối quan trọng này. Một cách hợp pháp, Việt Nam có thể mua sắm công nghệ tên lửa đường đạn có tầm bắn đến 300 km.

Như vậy, theo báo chí nước ngoài, Việt Nam quan tâm đến cả hai hướng: mua sắm tên lửa đường đạn tầm ngắn (Iskander, Extra, Prithvi, Pragati) và sản xuất tên lửa hành trình (Kh-35UE) có tầm bắn tối đa 300 km trở lại.

Về mặt luật pháp quốc tế, việc chuyển giao công nghệ tên lửa hành trình đỡ khắt khe hơn so với công nghệ tên lửa đường đạn, trong khi chi phí sản xuất tên lửa hành trình lại rẻ hơn, việc cải tiến để có khả năng tấn công mặt đất và tăng tầm cho tên lửa hành trình có thể dễ dàng hơn. Không phải ngẫu nhiên mà tuy có hàng ngàn tên lửa đường đạn tầm trung và tầm ngắn, Trung Quốc gần đây rất chú trọng phát triển tiềm lực tên lửa hành trình tấn công mặt đất (CJ-10).

Trở lại với câu chuyện mua BrahMos, ta cần phải biết rằng, đây là tên lửa hành trình vạn năng về mặt phương tiện mang (máy bay, tàu nổi, tàu ngầm, xe bệ phóng mặt đất), về mặt mục tiêu (hạm tàu mặt nước và mục tiêu mặt đất) và về đầu đạn (thông thường và hạt nhân). Hơn nữa, Nga và Ấn Độ còn đang phát triển tên lửa siêu vượt âm BrahMos II có tốc độ 7M (khoảng 8.000 km/h).
Biến thể BrahMos phóng từ mặt đất
Theo báo chí nước ngoài, các tàu ngầm lớp Projekt 636.1 của Việt Nam sẽ được trang bị hệ thống tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm 300 km Club-S.

Vậy nếu mua BrahMos, Việt Nam sẽ mua biến thể chống hạm (đất đối hạm, hạm đối hạm, tàu ngầm đối hạm, không đối hạm) hay tấn công mặt đất (đất đối đất, không đối đất, hạm đối đất, tàu ngầm đối đất)?

Đó là câu hỏi rất thú vị mà ta sẽ được trả lời nếu thương vụ mua BrahMos thành công.

Tuy nhiên, có thể Việt Nam sẽ cân nhắc lựa chọn mua BrahMos thuộc các biến thể đất đối đất và đặc biệt là không đối đất và không đối hạm (việc này đòi hỏi phải cải tiến Su-30MK2V). Với tầm bay, tốc độ và tính cơ động tác chiến linh hoạt, của Su-30MK2V, BrahMos sẽ trở thành vũ khí răn đe có uy lực chiến lược.

http://vietnamdefence.com/Home/phantich/Mua-BrahMos-Viet-Nam-muon-co-vu-khi-ran-de-chien-luoc/201312/53107.vnd

'Chiến tranh' Đông Bắc Á: Dự đoán kịch bản

Khi châu Á - Thái Bình Dương ngày càng trở thành trung tâm chính trị và kinh tế của thế giới thì sức hút bên trong khu vực này lại đang dịch chuyển tới Đông Bắc Á, nơi lợi ích của các cường quốc - Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, và Nga - gặp gỡ và va chạm nhau.
Phần 1: Nguy cơ cuộc chiến trên biển Hoa Đông
Vấn đề chiến tranh và hòa bình ở Đông Bắc Á có tầm quan trọng không chỉ trong khu vực mà cả trên toàn cầu. Nếu một cuộc chiến bùng nổ ở Đông Á, nhiều khả năng nó sẽ diễn ra chủ yếu trên biển. Điều này là do địa lý khu vực, nơi các chủ thể chính ngăn cách nhau bởi những vùng biển rộng.
Đông Bắc Á, chiến tranh, kịch bản, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Đông
Một khía cạnh quan trọng của sự kình địch Trung - Mỹ ở Đông Bắc Á là nguy cơ tiềm tàng một sự đối đầu hải quân (Ảnh: AP)
Một cuộc chiến quy mô lớn trên mặt đất, như ở châu Âu, Trung Đông hay trên bán đảo Triều Tiên, có thể dẫn tới sự tổn thất nhân mạng to lớn và rất nhiều thiệt hại về vật chất, do vậy các chính trị gia phải hành động cẩn trọng hơn.
Còn ở biển, nơi không có con người sinh sống trong phạm vi hàng trăm dặm, những nguy cơ kể trên thấp hơn nhiều và điều đó có thể làm giảm giới hạn của việc ra quyết định lao tới chiến tranh.
Ở Đông Bắc Á, khả năng tiềm tàng xung đột chủ yếu tập trung ở biển Hoa Đông, với Trung Quốc và Nhật Bản là hai đối thủ chính. Mục đích tranh cãi của họ là chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và sự phân ranh các vùng đặc quyền kinh tế.
Dấu hiệu căng thẳng
Những dấu hiệu báo động, cho thấy một sự gia tăng căng thẳng nguy hiểm, hiện tại rất rõ ràng. Năm 2012, Trung Quốc đã có nhiều phản ứng mạnh mẽ trước việc Nhật Bản quyết định quốc hữu hóa chuỗi đảo Senkaku (bằng cách mua chúng từ một chủ sở hữu tư nhân).
Các máy bay và tàu Trung Quốc tiến vào vùng thực thi pháp lý của Nhật Bản ở khu vực tranh chấp ngày càng thường xuyên hơn.
Ở Nhật Bản cũng có một sự dịch chuyển trong tâm lý của dân chúng, hướng tới một lập trường cứng rắn hơn trong quan hệ với Trung Quốc.
Điều này thấy rõ qua cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 12/2012. Một trong những đề xuất trước bầu cử của Thủ tướng Shinzo Abe (hiện vẫn chưa được thực thi) là đảm bảo sự hiện diện liên tục của các quan chức và lính tuần duyên Nhật Bản trên quần đảo Senkaku.
Chính phủ Nhật Bản cũng tuyên bố tăng cường chi tiêu quân sự trong năm 2013, lần tăng ngân sách quốc phòng đầu tiên của nước này trong 11 năm qua. Điều này đúng như những cam kết trước bầu cử của ông Abe nhằm tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với "mối đe dọa Trung Quốc".

Chủ nghĩa biểu tượng của xung đột
Nhiều nhà phân tích tin rằng một cuộc chiến ở biển Hoa Đông - mà mới chỉ cách đây vài năm còn là điều gần như không thể - giờ đây có thể trở thành hiện thực. Gốc rễ xung đột không chỉ nằm ở tầm quan trọng chiến lược quân sự của những hòn đảo nhỏ bé không người, cũng không chỉ vì dầu lửa và các nguồn tài nguyên của vùng biển này. Mà tranh chấp Senkaku đã phát triển thành một ý nghĩa mang tính biểu tượng, trở thành vấn đề căn nguyên giữa một Trung Quốc đang lớn mạnh và ngày càng dân tộc chủ nghĩa với Nhật Bản, nước đang cố gắng duy trì các vị thế suy yếu của mình.
Mỹ sẽ can dự?

Chính quyền Mỹ đã nhiều lần tuyên bố, trong vấn đề chủ quyền đối với Senkaku, nước này không đứng về phía nào của tranh chấp nhưng cùng lúc đó, họ lại công nhận quyền kiểm soát hành chính của Tokyo đối với chuỗi đảo. Bởi vậy, vùng lãnh thổ này được hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật bảo vệ (1, 2).
Bên cạnh đó cũng cần nhớ rằng người Mỹ chưa bao giờ tỏ rõ họ sẵn sàng can thiệp và dùng vũ lực ủng hộ đồng minh Nhật Bản của mình. Washington ý thức rất rõ về các nguy cơ xuất phát từ sự kình địch giữa Nhật Bản và Trung Quốc, và từ các nghĩa vụ đồng minh của mình với Nhật Bản.
Vì lý do đó mà cách Mỹ tiếp cận cuộc tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày càng có gì đó giống với chính sách "mập mờ chiến lược" mà Washington áp dụng cả một thời gian dài đối với "vấn đề Đài Loan".
Theo nhận định của một số chuyên gia phân tích uy tín tại Mỹ, nếu Tokyo khới ra một cuộc khủng hoảng thì Mỹ có thể từ chối hành động ủng hộ người Nhật trong một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc.
Bất chấp những e dè kể trên, nhiều khả năng nhất là Mỹ sẽ dành cho Nhật sự trợ giúp quân sự trong trường hợp một cuộc khủng hoảng nổ ra ở biển Hoa Đông, nếu Tokyo tự thấy mình không đương đầu nổi một mình. Tuy nhiên, dự đoán này chỉ có lý trong ngắn hạn và trung hạn, khi Mỹ vẫn chiếm ưu thế quân sự rõ ràng trước Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương.
Đông Bắc Á, chiến tranh, kịch bản, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Đông
Ảnh: RIA Novosti
Lập trường của các nước
Các quốc gia khác ở Đông Bắc Á sẽ làm gì trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Nhật Bản?
Hàn Quốc tự thấy mình lâm vào một tình cảnh tương đối khó. Một mặt, người Hàn Quốc có các vấn đề với người Nhật mà theo nhiều cách thì tương tự với các vấn đề của Trung Quốc. Mặt khác, Seoul cũng nằm trong mối quan hệ liên minh chính trị - quân sự với Mỹ. Vì vậy, Hàn Quốc có thể sẽ chọn lập trường trung lập, mặc dù nhiều người ở đất nước này muốn Tokyo bị đánh bại.
Triều Tiên, dù là một đồng minh của Trung Quốc, ít có khả năng sẽ dính vào xung đột. Các lợi ích tức thời của nước này không có gì liên quan đến biển Hoa Đông, và Bình Nhưỡng không có sức mạnh quân sự đủ để gây ảnh hưởng thực sự đến kết quả xung đột.
Đài Bắc coi các đảo tranh chấp là của người Trung Quốc. Tuy nhiên, khó mà có chuyện Đài Loan sẽ tham gia một cuộc chiến chống lại Mỹ và Nhật Bản, hai nước chính đảm bảo cho sự độc lập trên thực tế của hòn đảo này.
Nếu đối đầu trên không với Nhật Bản, ban đầu Không quân Trung Quốc sẽ chịu những thất bại đáng kể.
Không quân Nhật Bản
Nếu Bắc Kinh sử dụng các vũ khí hạt nhân của nước này (bất chấp tuyên bố không bao giờ sử dụng chúng chống lại các quốc gia phi hạt nhân), Mỹ sẽ thực hiện cam kết hỗ trợ tích cực với Nhật Bản.
Nga chắc chắn sẽ không ủng hộ Trung Quốc bằng một cuộc tấn công vào lãnh thổ Mỹ: điều này nằm ngoài quan hệ đối tác chiến lược của hai nước. Do vậy, hãy loại bỏ khả năng Trung Quốc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Nhật Bản có một căn cứ hải quân và không quân vững chắc ở Okinawa, đặt nước này vào một vị trí thuận lợi vì có thể tập trung được các lực lượng chủ chốt và thiết lập một đầu cầu trên đảo này, biến nó thành một "hàng không mẫu hạm không bao giờ chìm".
Hơn nữa, Okinawa được bảo vệ chắc chắn trước các cuộc không kích (bao gồm các cuộc tấn công tên lửa hành trình) nhờ hệ thống tên lửa Patriot, các chiến đấu cơ và các hệ thống phòng không hải quân.
Máy bay chiến thuật của Nhật Bản không có khả năng tiếp nhiên liệu trên không, nhưng do thời gian bay ngắn từ Okinawa, chúng có thể đảm bảo tuần tra không ngừng nghỉ và tiêu diệt các mục tiêu cả trên biển lẫn trên không.
Khó có khả năng Không quân Nhật Bản tấn công ồ ạt vào các mục tiêu trên mặt đất ở Trung Quốc, vì những sứ mệnh như vậy chỉ có thể thực hiện bằng các các vũ khí trọng lượng nhỏ, tấn công các mục tiêu đã định.
Khả năng về một cuộc tấn công trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng được loại trừ: chúng quá nhỏ và sẽ cực kỳ khó để đảm bảo một cú hạ cánh an toàn xuống đó.
Nhật Bản có thể tập trung 1/3 phi đội của Không quân nước này (khoảng 100 máy bay) vào vùng xung đột mà không gây tổn hại đến nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ chính.
Sức mạnh Không quân Nhật Bản bao gồm các máy bay hiện đại có thể tấn công các mục tiêu trên biển bằng bom và tên lửa dẫn đường mà không cần tiến vào vùng ảnh hưởng của phần lớn các hệ thống phòng không hải quân Trung Quốc, và cũng có thể tiêu diệt các mục tiêu trên không từ một khoảng cách đáng kể.
Tokyo cũng có các máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không (AWACS) và các nguồn lực chiến tranh điện tử, giúp nước này khá dễ dàng kiểm soát tình hình trên không và trên biển, điều khiển các nhóm bay và can thiệp vào hoạt động của các hệ thống điện tử Trung Quốc.
Trung Quốc, Nhật Bản, chiến tranh, Đông Bắc Á
Máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản
Không quân Trung Quốc
Hiện không có dữ liệu xác thực về quy mô radar Trung Quốc kiểm soát không phận nước này. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra xung đột, năng lực radar tất yếu sẽ được tăng cường ở các khu vực trung tâm. Điều tương tự cũng sẽ được áp dụng cho các hệ thống phòng không từ mặt đất.
Do diện tích quá rộng lớn, Trung Quốc sẽ khó thực hiện việc bố trí lại các khí tài và vũ khí quân sự hạng nặng trên quy mô lớn. Tương tự, Trung Quốc cũng không thể bỏ mặc đường biên giới của mình với "nước láng giềng phía bắc", Nga, trong tình trạng hoàn toàn không được bảo vệ, hoặc làm suy yếu đoạn biên giới giáp Ấn Độ.
Huấn luyện chuyên môn và kinh nghiệm của các phi công Trung Quốc cũng là một vấn đề cần lo ngại. Vì vậy, ít có khả năng Trung Quốc huy động một dàn chiến đấu cơ quá 15% (khoảng 20 máy bay) ngay từ ban đầu.
Một lần nữa, giao tranh hai nước Trung - Nhật nhiều khả năng sẽ là cuộc đụng độ giữa chiến đấu cơ của Mỹ và Nga, vì Trung Quốc chắc chắn sẽ thử nghiệm các chiến đấu cơ đa năng thuộc thế hệ Su-27 của họ (do cả Nga và Trung Quốc chế tạo). Về đặc điểm bay, những máy bay này vượt trội so với các chiến đấu cơ của đối thủ và hiệu quả khi tấn công các mục tiêu trên biển và trên không.
Tuy đối với các máy bay Trung Quốc, khoảng cách từ các sân bay của họ đến quần đảo Senkaku sẽ xa hơn so với các máy bay Nhật Bản, nhưng về kỹ thuật, họ sẽ có thể duy trì sự hiện diện thường xuyên ở khu vực tranh chấp.
Tuy nhiên, do vị trí địa lý, việc Nhật kiểm soát các đường bay của máy bay Trung Quốc trên biển Hoa Đông từ trên biển và trên không sẽ dễ hơn so với việc Trung Quốc kiểm soát sự di chuyển của máy bay Nhật tới và rời khỏi Okinawa.
Không quân của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc chỉ có rất ít máy bay AWACS. Họ cũng không có kinh nghiệm thực tế về điều khiển và hướng dẫn máy bay, cũng như về phối hợp tác chiến với các lực lượng hải quân.
Vì vậy, nếu đối đầu trên không với  Nhật Bản, ban đầu Không quân Trung Quốc sẽ chịu những thất bại đáng kể.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ có thể khắc phục những yếu điểm đó bằng cách triển khai các đơn vị quân đội từ các khu vực khác trong nước và, trong tương lai, bằng cách tích cực sản xuất vũ khí mới (100 máy bay mới mỗi năm).
Nếu Trung - Nhật xung đột quy mô lớn gần Senkaku/ Điếu Ngư và không có bên thứ 3 tham gia, nhiều khả năng TQ sẽ thắng, nhưng tổn thất rất nặng.
Hải quân Nhật Bản
Lực lượng Phòng vệ biển của Nhật Bản rất đông và hiện đại. Ở khu vực Senkaku/ Điếu Ngư, Nhật có thể triển khai ít nhất 4 tàu khu trục Aegis từ các căn cứ ở Yokosuka, Sasebo và Kure. Năng lực của chúng bao gồm khả năng kiểm soát các lực lượng hải quân và hoạt động trên không, tỷ lệ phát hiện mục tiêu cao và có thể vận hành tất cả các vũ khí trên tàu.
Nhật Bản cũng có thể sử dụng hàng chục tàu khu trục có khả năng chiến đấu khiêm tốn hơn để thực hiện việc phòng thủ chống ngầm và phòng thủ trên không.
Đối với các mục tiêu của nhiệm vụ chiến đấu chống Trung Quốc, chủ yếu là giám sát các tàu ngầm hạt nhân của nước này, Nhật Bản có thể điều động tới 8 tàu ngầm hiện đại chạy bằng diesel. Một tàu chở trực thăng lớp Hyuga mới cũng có thể được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ chống ngầm.
Nhật Bản còn có nhiều tàu đổ bộ. Tuy nhiên, một chiến dịch đổ bộ lên Senkaku/ Điếu Ngư có thể chỉ thực hiện được bằng các nhóm quân nhỏ không trang bị vũ khí hạng nặng, đổ bộ từ các trực thăng hoặc tàu đệm khí.
Hơn nữa, một chiến dịch đổ bộ chỉ có thể thành công nếu chiếm uy thế cả trên biển lẫn trên không, điều mà không bên nào trong hoàn cảnh hiện nay có thể.
chiến hạm, hải quân, Hoa Đông, Trung Quốc, Nhật Bản, Senkaku, Điếu Ngư, ADIZ
Chiến hạm của Lực lượng Phòng vệ biển của Nhật Bản. Ảnh: AP Photo/Kyodo News
Cần lưu ý rằng, nếu Nhật Bản thiết lập một tiền đồn ở Okinawa, nước này sẽ phải vận chuyển một lượng lớn vũ khí hạng nặng, đạn dược và vật liệu bằng đường biển. Ngay cả khi đi theo "hải trình Thái Bình Dương", với biển Hoa Đông chỉ là chặng cuối, thì những hoạt động vận chuyển đó vẫn dễ bị tấn công. Do vậy, Nhật Bản sẽ phải đảm bảo các đoàn tàu của họ có đầy đủ năng lực phòng thủ chống ngầm.
Nhưng có một thực tế, các tàu của Nhật không có khả năng tấn công các cơ sở ven biển trên lãnh thổ Trung Quốc do không được phép sở hữu các loại hệ thống tên lửa liên quan.
Hải quân Trung Quốc
Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có tiềm lực chiến đấu đáng nể. Hạm đội Đông Hải (với các căn cứ chính ở Ninh Ba và Thượng Hải) được triển khai trực tiếp ở vùng xung đột.
Sức mạnh chiến đấu thực sự có thể thấy rõ ở 4 tàu khu trục do Nga chế tạo được trang bị các vũ khí uy lực. Hạm đội Đông Hải còn có 7 tàu ngầm hiện đại chạy bằng diesel (trong đó có 4 tàu của Nga), có khả năng thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ chiến đấu, gồm lần tìm kẻ thù trên mặt biển và cả dưới nước, tiêu diệt kẻ thù bằng các tên lửa chống tăng và ngư lôi, và đặt mìn.
Tuy nhiên, Hạm đội Đông Hải vẫn thiếu các lực lượng chống ngầm hiệu quả. Cần nhớ rằng các tàu mang tên lửa của Trung Quốc (không rõ số lượng trong khu vực là bao nhiêu, nhưng chắc chắn không dưới con số 20) sẽ không cho phép các tàu nổi của Nhật tiếp cận bờ biển.
Nhiều người sẽ cho rằng trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột liên quan đến Senkaku/ Điếu Ngư, một phần Hạm đội Nam Hải cũng sẽ tham gia tác chiến, và làm suy yếu hoàn toàn sức mạnh có vẻ như vượt trội của Nhật Bản trên biển. Các tàu tân tiến nhất của hạm đội này được trang bị các hệ thống tương đương hệ thống đa năng Ageis và có khả năng tiêu diệt các mục tiêu kẻ thù cả trên không lẫn trên biển ngoài tầm bắn của vũ khí Nhật.

Cân bằng hải quân 

Tính tổng cộng, hai hạm đội có 20 tàu đổ bộ gồm các loại khác nhau, tuy nhiên, triển vọng về một chiến dịch độ bộ quy mô lớn lên quần đảo Senkaku/ Điếu ngư là ít có khả năng.
Về các tàu thuộc Hạm đội Bắc Hải, Trung Quốc có thể sẽ quyết định giữ nguyên chúng trong căn cứ. Ngoại lệ duy nhất là các tàu ngầm hạt nhân đa năng.
Hiện không có dữ liệu chính thức về số lượng tàu ngầm hạt nhân mới mà Hải quân Trung Quốc đang có trong tay (có lẽ là 3 chiếc) và mức độ sẵn sàng chiến đấu của 4 tàu ngầm cũ. Tuy nhiên, có thể đoán ít nhất 2 tàu ngầm sẽ tham gia vào một nỗ lực nhằm phá vỡ các hoạt động tiếp tế cho Okinawa.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc hiện nay vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và vẫn chưa thể được xem như đã tham gia nhiệm vụ chiến đấu.
Vì vậy, trong một cuộc xung đột quy mô lớn giữa Trung Quốc và Nhật Bản gần Senkaku/ Điếu Ngư, nếu không có bên thứ 3 tham gia, chiến thắng gần như sẽ về tay Trung Quốc, nhưng tổn thất sẽ rất cao.
Kết luận này có thể được đưa ra chủ yếu dựa trên lợi thế của Trung Quốc về số lượng cả trên biển lẫn trên không, cũng như các nguồn dự phòng lớn của nước này, với các vũ khí và hệ thống chiến đấu có năng lực tương đương hoặc vượt trội hơn. Tất cả những lợi thế trên vượt xa khả năng tổ chức và quản lý vốn rất xuất sắc của người Nhật.  
Nếu chiến tranh Đông Bắc Á nổ ra, một trong những kịch bản được dự đoán là Nhật thất bại, chấp nhận Bắc Kinh là bá chủ mới và quay lưng với Mỹ.
Nếu Mỹ can dự?
Nếu một cuộc xung đột nổ ra ở Đông Bắc Á, khả năng lớn nhất là Mỹ sẽ hỗ trợ quân sự cho Nhật Bản. Vấn đề quan trọng chủ chốt ở đây là Mỹ sẽ can thiệp vào xung đột như thế nào?
Trước hết, có thể Washington sẽ có một lựa chọn chừng mực hơn và phái một "lực lượng kiểm soát" tới khu vực, chứ không can thiệp trực tiếp và làm Trung Quốc nguôi đi đôi chút. Cùng lúc đó, bằng cách thực hiện một cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông, Hải quân Mỹ sẽ ngăn được Hạm đội Nam Hải tiến vào khu vực Senkaku. Điều này sẽ mang lại lợi thế cho Nhật, thậm chí cân bằng cơ hội hai bên.
Nếu các biện pháp trên tỏ ra không hiệu quả và phía Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế, thì Washington sẽ phải chọn cách can thiệp quân sự trực tiếp để giúp Nhật khỏi thua. Một quyết định như thế sẽ cần đến Hạm đội 7 của Mỹ, vốn đã được triển khai ở Yokosuka, Sasebo và Guam, cũng như Căn cứ Không quân Andersen (trên đảo Guam).
Do đang có ưu thế vũ trang chiến lược tuyệt đối so với Trung Quốc, Mỹ có thể viện đến một hành động chứng tỏ họ không dễ bị đánh bại, bao gồm các cuộc không kích và tấn công bằng tên lửa hành trình nhằm vào các sân bay và căn cứ hải quân.
Tiềm lực hiện nay của Không quân và Hải quân Trung Quốc rõ ràng là chưa đủ để đương đầu với một cuộc tấn công chung Nhật - Mỹ.
Hải quân và Không quân Mỹ rất dày dạn kinh nghiệm chiến đấu; vũ khí hạng nặng của Nhật có tiêu chuẩn tương đương Mỹ; hai nước thường xuyên tập trận chung. Vì vậy, cả hai sẽ không gặp khó khăn khi phối hợp hành động trên chiến trường.
Ngoài ra, Mỹ cũng có thể áp các đòn trừng phạt chính trị - ngoại giao và nhất là kinh tế lên Trung Quốc, tới quy mô một lệnh cấm vận chính thức về thương mại và sự bao vây trên biển.
Vì kinh tế Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào thương mại với Mỹ, đặc biệt là vào các nguồn cung dầu lửa và khí đốt bằng đường biển, bao vây kinh tế có thể trở thành công cụ hiệu quả. Tuy nhiên, nếu chọn cách này, người Mỹ có thể sẽ gặp khó khăn hơn nhiều so với việc tham gia một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc.
Do tầm quan trọng của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu và với Mỹ, một lệnh cấm vận thương mại theo thời gian có thể biến thành con dao hai lưỡi.
Hoa Đông, Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Bắc Á, hải quân, không quân, cường quốc, ADIZ
Binh sĩ Mỹ - Nhật trong một cuộc tập trận chung. Ảnh: Kyodo
Các viễn cảnh trung hạn
Sẽ vô cùng khó đoán định về các viễn cảnh của một cuộc xung đột Trung - Nhật (với khả năng Mỹ can dự) trong khoảng thời gian 10 hoặc 15 năm nữa. Đến lúc đó, Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi tiềm lực quân sự của nước này (cả về số lượng lẫn chất lượng).
Còn quân đội Nhật Bản có thể sẽ vẫn giậm chân tại chỗ.
Nhiều khả năng nhất là Mỹ sẽ cải thiện ở một mức độ nào đó năng lực quân sự của họ ở tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, do hạn chế ngân sách, nước này sẽ khó mà nâng cao các năng lực quân sự của mình.
Vì vậy, về dài hạn, cán cân quyền lực rõ ràng sẽ thay đổi có lợi cho Trung Quốc.
Rốt cuộc sẽ thế nào?
Có thể sẽ có rất nhiều hậu quả của xung đột, nhưng bài viết này tập trung vào 5 viễn cảnh cơ bản:

1. Trung Quốc thất bại và bắt đầu sự đối đầu lưỡng cực
Nếu vậy, chủ nghĩa dân tộc cũng như tâm lý chống Nhật và bài Mỹ trỗi dậy thậm chí mạnh mẽ hơn ở Trung Quốc. Tìm cách trả thù, Trung Quốc sẽ bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc chiến mới. Trật tự quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ hình thành một hệ thống lưỡng cực đối đầu (Trung Quốc chống lại khối Mỹ, Nhật Bản và các đồng minh), cân bằng bên bờ vực một cuộc chiến.
2. Trung Quốc thất bại và thay đổi chế độ. Một sự thất bại quân sự chí mạng sẽ đóng vai trò như chất xúc tác, dẫn tới sự chuyển đổi hoàn toàn chế độ chính trị và sẽ hình thành một chính quyền gồm các lực lượng chính trị mới gắn với các quan điểm dân chủ hơn, tuy không kém phần dân tộc chủ nghĩa.
3. Kéo theo một cuộc chiến mới
Nhật Bản sẽ tiếp tục nắm quyền kiểm soát đối với quần đảo tranh chấp, nhưng Hải quân và Không quân Trung Quốc sẽ gây tổn thất đáng kể cho quân liên minh Nhật - Mỹ mà vẫn tránh được những thiệt hại thảm khốc. Với kịch bản này, các bên đều có thể tuyên bố chiến thắng. Sau đó, nhiều khả năng nhất là thế lưỡng cực đối đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ càng lớn và cả hai phía bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc xung đột mới.
4. Trung Quốc thắng và Nhật Bản bại. Viễn cảnh này có thể trở thành hiện thực nếu Mỹ từ chối hỗ trợ quân sự cho Nhật Bản, và Trung Quốc tiếp quản quyền kiểm soát đối với quần đảo tranh chấp.
Sau đó thì có 3 lựa chọn có thể:
Thứ nhất. Thất bại sẽ càng tiếp sức cho chủ nghĩa dân tộc và tâm lý trả thù ở Nhật Bản. Tokyo sẽ rút khỏi liên minh với Mỹ vì quan hệ này chứng tỏ vô dụng. Họ cũng sẽ giải phóng mình khỏi những hạn chế quân sự tự áp đặt, có thể tới mức độ chế tạo vũ khí hạt nhân và sẽ bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc đối đầu khốc liệt và dài hơi với Trung Quốc. Một hệ thống tam cực sẽ nổi lên ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, với Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ chốt giữ mỗi cực.

Thứ 2. Thất bại này khiến Nhật Bản thấy đối đầu tiếp là vô ích. Giống như thất bại trong cuộc chiến với Mỹ ở Thái Bình Dương buộc Nhật phải công nhận uy thế của Washington, Nhật Bản sẽ chấp nhận Bắc Kinh là bá chủ mới của mình và sẽ quay lưng với Mỹ. Một số thành viên trong tầng lớp tinh hoa Nhật Bản hiện đã nói đến việc tham gia quỹ đạo ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc.
Thứ 3. Chịu cú sốc thất bại, Nhật Bản sẽ mất những gì còn sót lại trong niềm tin của nước này về sức mạnh của một nước và sẽ đặt mình vào sự bảo hộ của Mỹ. Khả năng lớn nhất là điều này sẽ góp phần vào thế lưỡng cực "Bắc Kinh vs Washington" ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tương tự viễn cảnh thứ nhất.

5. Cộng đồng an ninh
Xung đột - vốn gây thiệt hại vật chất to lớn cho tất cả các bên - sẽ hóa ra chỉ là một kinh nghiệm cho tất cả, không quan trọng ai đã tuyên bố chiến thắng.
Tokyo và Washington sẽ nhận ra rằng Trung Quốc đã trở thành một nước thực sự hùng mạnh và có thể gây thiệt hại lớn cho kẻ thù, ngay cả nếu họ không sử dụng tối đa năng lực quân sự.
Bắc Kinh sẽ nhận ra họ không nên đánh giá thấp quyết tâm của Nhật Bản (với sự hỗ trợ của Mỹ) trong việc bảo vệ các lợi ích quốc gia của nước này.
Cả hai bên đều sẽ nhận ra xung đột có thể dễ dàng leo thang, thậm chí tới mức độ sử dụng vũ khí hạt nhân, ranh giới đặt sự tồn tại của chính họ vào nguy hiểm.
Cuộc khủng hoảng ở biển Hoa Đông sẽ đóng vai trò như một bước ngoặt, giống như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba giữa Mỹ và Liên Xô, và sẽ đẩy nhanh sự xuất hiện của một "cộng đồng an ninh" hòa bình trong khu vực.

Sam Nguyễn(Theo RBTH)
-----
Về các tác giả bài viết:
Andrey Gubin: Tiến sĩ về Các nghiên cứu Chính trị, Giám đốc Các chương trình Nghiên cứu tại Trung tâm châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Các nghiên cứu chiến lược Nga, Phó Giáo sư thuộc Khoa Quan hệ Quốc tế trường Đại học Liên bang viễn Đông.
Artem Lukin: Tiến sĩ về Các nghiên cứu Chính trị, Phó Giáo sư tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Phó Hiệu trưởng trường Các nghiên cứu Quốc tế và Khu vực thuộc Đại học Liên bang Viễn Đông. 
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/153308/neu-nhat-ban-nhan-bac-kinh-lam--ba-chu--moi.html