Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Trung Quốc tập trận sát Việt Nam: Hù dọa trên bộ để áp lực trên biển ?

Trong hơn một tháng gần đây, báo giới quốc tế đã bình luận rất nhiều về căng thẳng Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, với sự kiện Bắc Kinh dọa tấn công các cơ sở Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu Hà Nội không đình chỉ việc cho khoan dò tìm trong khu vực lô 136-06 gần bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng nằm trong đường lưỡi bò của Trung Quốc.





media
Việt Nam đã tuyên bố có toàn quyền trong vùng biển của mình, nhưng trong thực tế thì một công ty con của tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol được giao phó việc thăm dò đã cho tàu khoan của mình rút ra khỏi vùng khai thác và trở lại Malaysia hôm 14/08/2017. Đối với giới quan sát, dù Việt Nam không chính thức nói gì về vụ này, nhưng đã phải lùi bước trước sức ép quá mạnh của Trung Quốc, và nhất là khi Bắc Kinh đe dọa dùng võ lực.
Khả năng Bắc Kinh dùng võ lực đối với Việt Nam mới đây đã được trang blog Pháp East Pendulum chuyên về Trung Quốc, gợi lên trong một bài phân tích về một tháng tập trận rầm rộ của Trung Quốc trong tháng 8 gần biên giới trên bộ với Việt Nam. Bài viết đăng ngày 22/08/2017 mang tựa đề : « Sắp tròn một tháng tập trận đổ bộ ngay trước cửa ngõ Việt Nam - Bientôt un mois d’exercice amphibie devant la porte du Vietnam ».
Bài viết của tác giả Henri Kenhmann trước hết phân tích về thời gian và địa điểm của cuộc tập trận do lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Trung Quốc tiến hành: Đó là từ đầu tháng 8, ở khu vực phía bắc Vịnh Bắc Bộ, gần biên giới Trung-Việt, với một loạt bài tập đổ bộ, bắn đạn thật.
Phân tích các thông báo từ phía giới chức hữu trách Trung Quốc, quy định thời hạn mà một số khu vực trên biển được dành riêng cho quân đội nước này, cấm mọi tàu thuyền không phận sự qua lại, tác giả bài viết cho rằng cuộc tập trận đổ bộ này có dấu hiệu là đã bắt đầu vào ngày 01/08 và có lẽ kéo dài ít ra là cho đến ngày thứ Tư 23/08 vừa qua, tức là hai hôm sau khi bài báo được công bố.
Huy động lực lượng rầm rộ, thị uy sát bờ Việt Nam
Về địa điểm, người ta có thể ghi nhận là các vùng tập trận di chuyển từ từ về phía Tây, nghĩa là về hướng Việt Nam. Thoạt đầu là ở khu vực đảo Tà Dương ở chếch về phía đông, gần bán đảo Lôi Châu, sau đó chuyển qua phía tây, vượt quá đảo Vi Châu, đến khu vực gần thành phố Bắc Hải ở Quảng Tây, rồi đi xa hơn nữa về vùng biển ngoài khơi Phòng Thành Cảng, một huyện giáp giới với tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam, trước khi ngược đường trở lại khu vực phía đông.
Cho dù Quân Đội Trung Quốc không muốn tiết lộ vị trí chính xác của các cuộc tập trận,nhưng theo tính toán của East Pendulum, vùng diễn tập của Thủy Quân Lục Chiến Trung Quốc có lúc chỉ cách bờ biển Việt Nam 50 cây số!
Theo hình ảnh và tài liệu công bố chính thức của Quân Đội Trung Quốc, lực lượng Thủy Quân Lục Chiến của họ đã triển khai những đơn vị phòng không, trọng pháo và xe thiết giáp, như loại súng cối PLZ-07B, xe tăng lội nước ZTD-05, và cả loại chiến xa lội nước của bộ binh ZBD-05.
Theo bình luận trong một bài phóng sự trên đài truyền hình CCTV-7, thì đó là một “chiến dịch tập luyện đổ bộ” xoay quanh khoảng 30 đề mục khác nhau, trong đó có việc phá hủy tàu ngầm đối phương, tấn công đổ bộ, tấn công những mục tiêu trên biển và đất liền.v...v…
Theo East Pendulum, ngoài lực lượng Thủy Quân Lục Chiến và các đơn vị cơ giới bọc thép của họ, Hải Quân và Lục Quân Trung Quốc có dấu hiệu cũng tham gia thao diễn, nhưng cho dù thông tin này cần xác minh thêm.
Tác giả bài viết giải thích: Những hình ảnh đăng hôm 21/08 cho thấy một lữ đoàn không quân của Lục Quân Trung Quốc, thuộc Bộ Tư Lệnh Miền Đông, được đưa đến một chiếc tàu chở phương tiện đổ bộ trong một chiến dịch hổn hợp.
Một cách cụ thể, người ta thấy loại trực thăng chiến đấu Z-10, xuất hiện bên cạnh chiếc 998 Côn Lôn Sơn (Kunlun Shan), chiếc tàu đổ bộ cực lớn đầu tiên của lớp 071, trực thuộc Hạm Đội Nam Hải.
Đối với tác giả bài viết trên trang blog Pháp, cho đến giờ này, người ta không biết là đó quả đúng là một chiến dịch tập huấn bình thường như phóng sự trên đài truyền hình Trung Quốc cho thấy, hay là đó là loạt tập trận có liên hệ đến việc Việt Nam thăm dò dầu khí ở trên Biển Đông với sự hợp tác của các tập đoàn nước ngoài.
Trung Quốc : Quan ngại ở đâu thì tập trận Hải Quân ở đó
Trong những tuần lễ gần đây, Trung Quốc đã liên tục tổ chức những cuộc tập trận quy mô tại khu vực Hoàng Hải. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của báo giới. Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post có bài phân tích  ngày 18/08/2017 mang tựa đề “Trung Quốc đang lo ngại điều gì? Đáp án nằm ở nơi Trung Quốc tập trận hải quân - What’s China worried about? Clue lies in where it’s holding navy drills”, tờ báo này đã cho rằng nỗi lo của Trung Quốc được thấy rõ qua việc chuyển trọng tâm chú ý từ Biển Đông lên Hoàng Hải.
Trung Quốc đã chuyển hướng thao diễn Hải Quân từ vùng Biển Đông ở phía nam, lên vùng biển Hoàng Hải ở phía đông bắc, trong bối cảnh căng thẳng hạt nhân Bắc Triều Tiên, theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự.
“Căng thẳng ở Biển Đông đã giảm do quan hệ Trung Quốc Philippines đã cải thiện” như nhận định của Nghê Nhạc Hùng (Ni Lexiong), một bình luận gia về quân sự ở Thượng Hải. Theo chuyên gia này, dù có thắng ở Tòa Trọng Tài La Haye vào năm ngoái trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nhưng giờ đây Manila quan tâm hơn đến hợp tác kinh tế với Bắc Kinh.
Đầu tuần trước, ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano thông báo là Trung Quốc đảm bảo với Philippines sẽ không chiếm thêm vùng biển đảo mới nào nữa ở Biển Đông, theo một thỏa thuận giữ ‘nguyên trạng’mà Manila đã chuẩn bị.
Tuy nhiên, theo lời ông Nghê Nhạc Hùng, “khu vực đông bắc đang gặp nguy hiểm sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng [đối với Bắc Triều Tiên] súng ống của quân đội Mỹ giờ đã “lên nòng”.
“Nếu Mỹ tấn công Bắc Triều Tiên, Trung Quốc sẽ khó xử, vì cả hai quốc gia [Trung Quốc và Bắc Triều Tiên ] đã ký Hiệp Định Hữu Nghị, Hợp Tác và Hỗ Tương năm 1961, qua đó Bắc Kinh cam kết trợ giúp Bình Nhưỡng trong trường hợp bị tấn công.”
Vào đầu tháng này Hải Quân Trung Quốc đã tiến hành 4 ngày thao diễn ngoài khơi bán đảo Triều Tiên ở biển Bột Hải và Hoàng Hải, huy động tàu chiến, tàu ngầm, cũng như Thủy Quân Lục Chiến của 3 hạm đội Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải, cũng như lực lượng bộ binh thuộc Quân Khu Phương Bắc. Đây là cuộc tập trân bắn đạn thật lớn nhất được tiến hành trong khu vực này, theo truyền thông Trung Quốc, với hàng chục loại hỏa tiễn được phóng đi.
Một tuần trước đó,khi tổ chức kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Giải Phóng Quân Trung Quốc, Hải Quân Trung Quốc cũng đã thực hiện 3 ngày tập trận ở Hoàng Hải. Cuộc thao diễn được tiến hành ở phía tây bán đảo Triều Tiên, ở vùng biển nằm giữa Thanh Đảo và Sơn Đông và Liên Vân Cảng, ở tỉnh Cam Túc ở phía đông.
Chuyên gia về Hải quân Lý Kiệt (Li Jie) ở Bắc Kinh, cho rằng việc chuyển trọng tâm thao diễn từ Biển Đông lên Hoàng Hải là câu trả lời của Trung Quốc trước loạt tập trận chung tiến hành từ năm 2013 giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo ông Lý Kiệt: “Trung Quốc muốn cho Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc thấy sức mạnh hải quân của mình và cảnh báo đối thủ là đừng gây hấn với Bắc Triều Tiên với nhiều đợt tập trận như vậy và không được phá vỡ hiệp định đình chiến của cuộc chiến tranh Triều Tiên’’. Bắc Kinh cũng muốn nhắc nhở Hoa Kỳ là ‘‘không nên tổ chức tập trận quá gần Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên.’’
Tần số tập trận Mỹ, Nhật, Hàn ngoài khơi bán đảo Triều Tiên gia tăng theo nhịp độ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên và từ khi ông Moon Jae In lên nắm quyền vào tháng 5.
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc còn cho biết  là họ vẫn tiếp tục các cuộc tập trận ở quy mô lớn, trên biển; trên bộ và trên không vào hạ tuần tháng này.
Bắc Kinh dĩ nhiên không thể để yên cho tiến hành những hành động quân sự kiểu này mà không phản ứng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170830-trung-quoc-tap-tran-sat-viet-nam-hu-doa-tren-bo-de-ap-luc-tren-bien-ok

Hải quân Mỹ bắn chặn tên lửa tầm trung thành công

Các lực lượng Hoa Kỳ đã bắn hạ một tên lửa đạn đạo tầm trung ngoài khơi Hawaii hôm thứ Tư 30/8 trong một cuộc thử nghiệm thực hiện giữa lúc căng thẳng khu vực đang gia tăng.

Tàu USS John Paul Jones đã "thực hiện thành công một cuộc thử nghiệm phòng thủ phi đạn phức tạp" vào sáng thứ Tư 30/8.

Theo một thông báo của Cơ quan Tên lửa Quốc phòng Hoa Kỳ, một cơ quan thuộc Ngũ giác đài, các thủy thủ của Hải quân Hoa Kỳ trên tàu USS John Paul Jones đã "thực hiện thành công một cuộc thử nghiệm phòng thủ phi đạn phức tạp" vào sáng thứ Tư 30/8.
Trung tướng Sam Greaves, Giám đốc cơ quan Tên lửa Quốc phòng Hoa Kỳ phát biểu:
"Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với hạm đội để phát triển năng lực mới quan trọng này, đây là một mốc điểm quan trọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các công nghệ phòng thủ tên lửa đạn đạo để đi trước một bước trong việc đối phó với mối đe doạ giữa lúc nó đang tiếp tục biến đổi."
Báo The Hill cho biết chiến hạm USS John Paul Jones đã phát hiện và truy tầm tên lửa từ một căn cứ trên đảo Kauai ở Thái Bình Dương, trước khi phóng các tên lửa dẫn đường SM-6 để đánh chặn tên lửa tầm trung này.
Đây không phải là lần đầu tiên lực lượng Hoa Kỳ tiến hành phóng thử tên lửa đánh chặn loại này.
Hoa Kỳ thực hiện vụ đánh chặn hôm 30/8 sau một loạt vụ phóng thử tên lửa đi kèm với những lời đe dọa của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Hôm thứ Hai 28/8, Bình Nhưỡng bắn một tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản. Tổng thống Trump nói rằng Hoa Kỳ "ủng hộ Nhật Bản100%."
Thứ Tư 30/8, ông Trump viết trên Twitter:
"Mỹ đã đàm đạo với Bắc Triều Tiên, đã để cho Bắc Triều Tiên tống tiền mình trong suốt 25 năm qua. Bây giờ thì đối thoại không phải là câu trả lời!"
Mỹ và Hàn Quốc đang xúc tiến các cuộc diễn tập quân sự, Bắc Hàn thường phản ứng giận dữ về các cuộc tập trận như vậy.
Bắc Triều Tiên muốn xây dựng một kho vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công Hoa Kỳ. Thêm vào đó, lãnh tụ nước này, ông Kim Jong Un đã thực hiện một số vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa trong năm nay, kể cả 2 vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

https://www.facebook.com/VOATiengViet/posts/10154912421933008

Quân đội Mỹ đã bất lực trước tên lửa Triều Tiên, nhưng tài phiệt Mỹ sẽ kiếm bộn tiền từ đó

Sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo bay qua vùng trời Nhật Bản thì chính phủ Mỹ - Nhật - Hàn đều lên tiếng đe dọa Triều Tiên và lý giải vì sao không bắn hạ tên lửa này.

Tư lệnh lực lượng phòng không Nhật Bản Hiroaki Maehara cho biết Nhật Bản không bắn hạ tên lửa Triều Tiên bởi chính phủ đánh giá tên lửa này không đe dọa đến lãnh thổ Nhật Bản.
Trong khi đó, hãng tin ABC News dẫn lời một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết, các vệ tinh quân sự của nước này đã phát hiện và theo dõi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngay từ khâu chuẩn bị. Tuy nhiên, Mỹ quyết định không bắn hạ vì có thể cho rằng nó không đe dọa đến khu vực Bắc Mỹ.
Thực chất có phải như vậy không?
Quân đội Mỹ đã bất lực trước tên lửa Triều Tiên, nhưng tài phiệt Mỹ sẽ kiếm bộn tiền từ đó - Ảnh 1.
Hình ảnh đồ họa của báo The Sun (Anh) về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên - Ảnh: THE SUN
Mỹ-Nhật-Hàn không có khả năng đánh chặn tên lửa Triều Tiên
Trước tiên, phải khẳng định vụ bắn thử lần này là bước nhảy vọt trong kỹ thuật tên lửa của Triều Tiên và cũng là bước đột biến trong sự leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Xét về lợi ích an ninh cũng như cơ sở pháp lý thì liên minh Mỹ-Nhật-Hàn có thể bắn tên lửa Triều Tiên vì nó đã xâm phạm không phận của của một nước trong liên minh là Nhật Bản.
Cũng may, Triều Tiên phóng thành công, còn nếu nhỡ ra gặp sự cố và tên lửa rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản thì sẽ như thế nào? Ngay quốc gia kỳ cựu sở hữu tên lửa như Nga, mỗi lần phóng thử tên lửa cũng không dám phóng qua bầu trời Trung Quốc, mặc dù điều đó có lợi cho Nga về mặt kỹ thuật.
Tuy nhiên, thực chất là trong tình hình hiện nay, liên minh Mỹ-Nhật-Hàn không có khả năng đánh chặn tên lửa Triều Tiên phóng theo kiểu đó. Các nhà kỹ thuật quân sự không dại gì phóng tên lửa đánh chặn nếu thấy chắc chắn (hay thậm chí lưỡng lự) rằng họ không tiêu diệt được tên lửa đối phương. Còn các nhà chính trị thì họ nói bất cứ điều gì họ muốn.
Quân đội Mỹ đã bất lực trước tên lửa Triều Tiên, nhưng tài phiệt Mỹ sẽ kiếm bộn tiền từ đó - Ảnh 2.
Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đăng tải một loạt hình ảnh về vụ thử tên lửa sáng sớm 29/8. (Ảnh: KCNA)
Ta biết tên lửa đạn đạo có thể được đánh chặn ở 3 giai đoạn mặc dù rất khó khăn. Trong trường hợp cụ thể này, khi bay đến giai đoạn cuối, tên lửa Triều Tiên sẽ không gặp lực lượng phòng thủ giai đoạn cuối nào vì họ chỉ thử nghiệm và không bắn vào mục tiêu phòng thủ nào cả.
Hơn nữa, ở giai đoạn cuối, họ có thể cho tên lửa tự hủy trên không trung để tránh gây sát thương cho mục tiêu không mong muốn.
Ở giai đoạn giữa, Nhật Bản và Mỹ có trang bị hệ thống đánh chặn tầm cao Aegis cả trên bộ và trên các hạm đội tàu chiến. Tuy nhiên, hệ thống này chỉ có thể cảnh báo, bởi vũ khí của nó chỉ với được tầm cao 160 km trong khi tên lửa Triều Tiên bay ở độ cao 560 km.
Còn ở giai đoạn đầu, nói cách khác là giai đoạn tên lửa đang nằm trên bệ phóng hay vừa rời khỏi bệ phóng thì đây là giai đoạn dễ tổn thương nhất của hệ thống tên lửa Tiều Tiên. Với những nước kỳ cựu sở hữu tên lửa đạn đạo, ở giai đoạn này họ phải giữ bí mật tuyệt đối và bệ phóng thường được bố trí sâu dưới hầm ngầm, địa điểm phóng cũng luôn thay đổi.
Đối với Triều Tiên, các vệ tinh viễn thám của Mỹ luôn treo lơ lửng trên đầu nên mọi động thái của Triều Tiên đều không thể qua mắt họ. Ngoài ra, theo các video đã được công bố, bệ phóng tên lửa của Triều Tiên là bệ phóng lộ thiên, dường như họ muốn để cho đối phương thấy và thách thức vậy.
Về mặt kỹ thuật quân sự, Mỹ thừa khả năng đánh chặn tên lửa Triều Tiên ở giai đoạn này như dùng máy bay ném bom, bắn tên lửa hành trình hay dùng đặc nhiệm…Song về mặt chính trị, Mỹ có thể chưa dám leo thang tấn công Triều Tiên vì điều này rất nghiêm trọng, nó có thể là cớ để Bình Nhưỡng trút hận thù lên đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.
Quân đội Mỹ đã bất lực trước tên lửa Triều Tiên, nhưng tài phiệt Mỹ sẽ kiếm bộn tiền từ đó - Ảnh 3.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trực tiếp quan sát vụ thử tên lửa cùng với một số quan chức quân đội. (Ảnh: Reuters)
Vụ thử tên lửa của Triều Tiên đang được triệt để lợi dụng
Tóm lại, ở thời điểm cụ thể liên minh Mỹ-Nhật-Hàn chẳng thể làm gì ngoài ngồi nhìn Triều Tiên thử tên lửa. Và rồi, Triều Tiên lại cứ tiếp tục thử tên lửa.
Nhưng nếu nhìn ở một khía cạnh khác thì các vụ thử tên lửa của Triều Tiên đang được triệt để lợi dụng.
Truyền thông quốc tế đang đồng loạt thổi phồng mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên. Nhân cơ hội đó về mặt đối ngoại, các nhóm tài phiệt của Mỹ và đồng minh sẽ gây sức ép buộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra những nghị quyết trừng phạt Triều Tiên hà khắc hơn, rồi dựa vào đó để có sức mạnh hơn khi ép Trung Quốc trong chiến tranh thương mại và kinh tế.
Về mặt đối nội, Mỹ và đồng minh sẽ làm cho người dân của họ lo sợ, bất an trước mối đe dọa của Triều Tiên và thấy rằng các hệ thống phòng thủ hiện nay không đủ mạnh để đánh trả Bình Nhưỡng, từ đó họ thúc đẩy các nghị viện tăng ngân sách quốc phòng và dân lại mở rộng hầu bao đóng thuế.
Dòng tiền khổng lồ lại chạy vào túi của các tài phiệt lái súng. Đồng minh của Mỹ buộc phải trang bị các hệ thống vũ khí ngày càng hiện đại hơn và phải chia sẻ gánh nặng chi phí quân sự cùng với Mỹ.
Các nước đối thủ tiềm năng như Nga và Trung Quốc buộc phải chạy đua vũ trang. Vành đai bao vây Nga-Trung ngày càng xiết chặt hơn. Lực lượng Nga-Trung phải phân tán hơn để đối phó trên nhiều mặt trận. Người dân Triều Tiên và Hàn Quốc lại chia rẽ sâu sắc hơn, đời sống của họ lại càng khó khăn hơn. Không có THAAD hay bất cứ thứ gì có thể bảo đảm anh ninh cho họ!
Triều Tiên lại sẽ tiếp tục thử tên lửa và thậm chí là cả vũ khí hạt nhân.
http://soha.vn/quan-doi-my-da-bat-luc-truoc-ten-lua-trieu-tien-nhung-tai-phiet-my-se-kiem-bon-tien-tu-do-20170830165610553.htm

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Báo TQ: 'Đừng để phương Tây phá hỏng quan hệ Việt-Trung'

Tờ Hoàn cầu Thời báo hôm 29/8 vừa đăng một bài xã luận tiêu đề: "Việt Nam không nên để phương Tây làm ảnh hưởng quan hệ với Trung Quốc".
Ngô Xuân Lịch
Bài xã luận nói Trung Quốc biết nhiều nước phương Tây đang rất mong Việt Nam đóng một vai trò chính trong việc chống Trung Quốc ở Biển Đông và cho rằng Hoa Kỳ có lợi khi Hà Nội chống lại Bắc Kinh.
"Các nước phương Tây vốn không thích thể chế của việt Nam sẽ rất nóng lòng muốn thấy sự mâu thuẫn giữa hai quốc gia Cộng sản.
"Và nếu Việt Nam làm vậy thì sẽ trở thành một quân cờ của Hoa Kỳ và Nhật Bản để đạt lợi thế địa chính trị, đổi lại chút hỗ trợ tinh thần và viện trợ ít ỏi," tác giả viết.
Bài của báo có quan điểm cứng rắn từ Bắc Kinh cho rằng Việt Nam đã "thông minh" khi ngừng khoan dầu tại Biển Đông, và điều này thể hiện sự "trưởng thành" trong mối quan hệ Việt-Trung.
"Trung Quốc chưa hề đe dọa bất kì quốc gia láng giềng nào hay đề xướng sự bá chủ khu vực. Các quốc gia trong khu vực không có lí do gì để chống lại Trung Quốc," bài này nhấn mạnh.
Tuy vậy, mới chỉ một tháng trước đây, Việt Nam đã phải ngưng khoan thăm dò khí đốt tại khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, sau khi bị Trung Quốc đe dọa dùng vũ lực tại Trường Sa.
Một nguồn tin trong ngành dầu khí châu Á nói với BBC rằng Repsol, công ty của Tây Ban Nha đứng sau dự án khoan thăm dò, được lệnh phải rời khỏi khu vực.
Bài xã luận của Hoàn cầu Thời báo còn lấy Philippines làm ví dụ, nói rằng "Philippines là một trong những quốc gia từng đối đấu với Trung Quốc, Philippines đã tự nhấc tảng đá lên chỉ để làm rơi xuống chân mình. Kết cục là, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã quyết định ngừng lại vai trò mà Hoa Kỳ và Nhật Bản đã dựng sẵn cho họ.
Việt Nam và Trung QuốcBản quyền hình ảnhAFP
Image captionViệt Nam và Trung Quốc có thời kỳ căng thẳng năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển tranh chấp
"Việc Philippines quay đầu hợp tác với Trung Quốc đã đem lại nhiều lợi ích thực tiễn cho quốc gia này. Việt Nam đã có một quyết định đúng đắn khi ngừng khai thác dầu sau khi cân nhắc kĩ lượng lợi hại trong việc hợp tác với Bắc Kinh."
"Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng tốt. Về mặt kinh tế, Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Hà Nội. Về chính trị, cả hai quốc gia xã hội chủ nghĩa đều được dẫn dắt bởi Đảng Cộng Sản và có rất nhiều điểm tương đồng."
Và "Việt Nam không nên vì tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông mà để ảnh hưởng đến hợp tác thương mại và trao đổi văn hóa" giữa hai nước.
Tác giả kết luận bằng cách lặp lại rằng hai quốc gia nên đừng để các thế lực bên ngoài ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác song phương thân thiện.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41092031

Thấy gì từ vụ thăng chức ‘anh hùng chiến tranh Việt – Trung’?

Các chuyên gia quân sự nhận định việc Tướng Lý Tác Thành được thăng chức tổng tham mưu trưởng cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh cải cách năng lực tác chiến cho quân đội Trung Quốc, theo báo của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Ông Lý Tác Thành.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận chức vụ mới của Tướng Lý Tác Thành, người từng chiến đấu trong chiến tranh biên giới Việt – Trung, là Tổng tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc, thay cho ông Phòng Phong Huy.
Ông Li Jie, một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh nói với tờ Hoàn cầu Thời báo hôm 28/8 rằng việc thăng chức cho ông Lý cho thấy rằng “Chủ tịch Tập Cận Bình tin tưởng và quyết tâm giao trọng trách cho một vị tướng trẻ, giàu kinh nghiệm chiến đấu lãnh đạo quân đội.”
Ông Lý, năm nay 63 tuổi, chỉ huy trưởng một đại đội Trung Quốc trong cuộc chiến Trung – Việt năm 1979. Ông bị thương trong cuộc chiến và sau đó được Quân ủy Trung ương phong “anh hùng.”
VTC News của Việt Nam trích đăng báo chí Trung Quốc nói rằng ông Lý Tác Thành trở thành một “hiện tượng,” và đầu thập niên 1980 ông đi tuyên truyền khắp Trung Quốc để kể lại trận đánh trong cuộc chiến tranh 1979. Năm 1982, ông Lý được bầu vào đoàn chủ tịch của Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 12 khi ông 29 tuổi. Và đến năm 2015, ông lên chức thượng tướng và được phong làm Tư lệnh lục quân Trung Quốc.
Chuyên gia Li Jie nhận định tiếp rằng “một số quan chức trong quân đội có những thành tích và kinh nghiệm như ông Lý theo trông đợi sẽ được bổ nhiệm vào những chức vụ trọng yếu.”
“Quân đội đã có những thay đổi lớn về trang thiết bị, vũ khí và huấn luyện trong tiến trình cải cách. Thay đổi nhân sự cùng với việc cải tiến vũ khí và khả năng tác chiến của quân đội sẽ bảo đảm rằng các lực lượng quân sự của chúng ta có đủ khả năng bảo vệ biên cương và tấn công không khoan nhượng một khi xảy ra chiến tranh,” theo nhận xét của Đề đốc hồi hưu Xu Guangyu, hiện là một cố vấn cấp cao của Hiệp hội giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí của Trung Quốc.
Trung Quốc đã nỗ lực rất nhiều trong việc cải tiến chất lượng hơn là số lượng vũ khí. Ông Xu nhận định rằng cũng tương tự như vậy, quân đội cần phải có một lãnh đạo có đủ năng lực.
Ông Xu nhấn mạnh rằng huấn luyện quân đội là việc làm quan trọng và cần thiết để tăng cường khả năng tác chiếc của lục quân. Ông nói: “Quân đội Trung Quốc cần phải thường xuyên thao dượt tác chiến bằng súng đạn thật, và cần phải tích cực tham gia các sứ mạng gìn giữ hòa bình. Zhutihe, căn cứ quân sự lớn nhất của Trung Quốc đặt trong Khu Tự trị Nội Mông sẽ giữ một vai trò lớn hơn trong công cuộc rèn luyện cho quân đội.”
Chủ tịch Nước Tập Cận Bình, cũng là Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Trung Quốc và là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, trong cuộc duyệt binh hồi tháng 7 đã ra lệnh cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc phải nêu cao tính hiệu quả trong tác chiến, hiện đại hóa quốc phòng và các lực lượng vũ trang.
https://www.facebook.com/VOATiengViet/posts/10154906167498008

Pháp có thể chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa Exocet cho Việt Nam

Triển lãm quốc tế về an ninh quốc phòng (Homeland Security Expo 2017) đang diễn ra từ ngày 29 đến 30/8 tại Hà Nội.



Quy mô Triển lãm Homeland Security Expo 2017 (HSE 2017) bao gồm 80 gian hàng với 50 đơn vị trưng bày tới từ những tập đoàn quốc phòng lớn, có danh tiếng trên thế giới của Pháp, Belarus, Hàn Quốc và Israel.
Tại đây, nhiều thiết bị, khí tài phòng vệ cá nhân, tiêu diệt máy bay không người lái, thậm chí cả mô hình nhiều loại vũ khí tối tân cũng được mang ra giới thiệu.
Pháp có thể chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa Exocet cho Việt Nam - Ảnh 1.
Ông Daniel Petit - Giám đốc tiếp thị Tập đoàn MBDA của Pháp, ảnh chụp tại Triển lãm IMDEX ASIA 2015
Trong đó đáng chú ý nhất có thể kể đến gian hàng của Tập đoàn công nghiệp quốc phòng MBDA đến từ Pháp.
Giám đốc tiếp thị của MBDA - ông Daniel Petit cho biết, họ sẵn sàng bán cho chúng ta những loại tên lửa chiến thuật hiện đại nhất phục vụ quá trình hiện đại hóa Quân đội Việt Nam, bao gồm tên lửa hành trình chống hạm MM40 Exocet Block 3, hay tên lửa phòng không phóng thẳng đứng VL-MICA (có thể triển khai cả trên bộ lẫn trên tàu chiến).
Pháp có thể chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa Exocet cho Việt Nam - Ảnh 2.
Tên lửa hành trình chống hạm MM40 Exocet Block 3 do Tập đoàn MBDA sản xuất
Đặc biệt hơn khi nhận được câu hỏi về khả năng chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa, người đại diện của MBDA đã cho biết quyết định cuối cùng phụ thuộc vào mong muốn của Việt Nam.
Ông Daniel Petit khẳng định, "Mọi chuyện đều có thể, chúng tôi coi Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng hợp tác".
Pháp có thể chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa Exocet cho Việt Nam - Ảnh 3.
Mô hình tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 9814 của Việt Nam trưng bày tại Triển lãm Vietship 2014
Tên lửa hành trình chống hạm MM40 Exocet Block 3 cùng hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn VL-MICA-M sử dụng đạn MICA/RF và MICA/IR từng được coi là ứng viên sáng giá nhất để lắp đặt trên các tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 9814 do Tập đoàn Damen thiết kế theo yêu cầu của Việt Nam.
Exocet Block 3 là biến thể hiện đại nhất của dòng tên lửa chống hạm lừng danh được tin dùng trên khắp thế giới và đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, nó có tầm bắn lên tới 180 km; tốc độ Mach 0,9; mang theo đầu đạn trọng lượng 155 kg.
Ưu điểm của MM40 nằm ở khả năng vận động vô cùng linh hoạt, tính năng tàng hình rất cao, gần như "miễn nhiễm" trước mọi hệ thống đối kháng điện tử.
Pháp có thể chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa Exocet cho Việt Nam - Ảnh 4.
Tên lửa MICA/RF (phiên bản radar chủ động) và MICA/IR (phiên bản đầu dò ảnh nhiệt) do Tập đoàn MBDA sản xuất
Trong khi đó tên lửa phòng không MICA chính là bản sửa đổi từ tên lửa không đối không, việc làm này tương tự như cách Israel thực hiện với tổ hợp SPYDER khi tích hợp cho chúng tên lửa Python-5 cùng Derby.
Nếu được bắn đi từ chiến hạm hoặc bệ phóng di động trên mặt đất, tên lửa MICA sẽ đạt tới tốc độ Mach 3, tầm bắn tối đa 20 km với độ cao lớn nhất là 9 km, giãn cách bắn giữa hai loạt bắn cách nhau chỉ 2 giây.
http://soha.vn/phap-co-the-chuyen-giao-cong-nghe-san-xuat-ten-lua-exocet-cho-viet-nam-20170829154945866.htm

Tokyo báo động vì hỏa tiễn Bắc Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật

Lần đầu tiên từ 2009, Bắc Triều Tiên ngày 29/08/2017 bắn hỏa tiễn đạn đạo, bay qua không phận Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương. Đây là một bước leo thang mới, trong bối cảnh căng thẳng quân sự tại bán đảo Triều Tiên.

media

Hàng triệu người dân Nhật tại các thành phố mà hỏa tiễn bay qua, từ sáng sớm đã được báo động với những hồi còi hụ kéo dài, tin nhắn điện thoại và bảng cảnh báo tại các nhà ga. Theo quân đội Hàn Quốc, hỏa tiễn này được bắn đi vào khoảng 6 giờ sáng địa phương (21 giờ quốc tế ngày thứ Hai 28/8) từ Sunan, gần Bình Nhưỡng.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lập tức tố cáo vụ bắn tên lửa « không thể chấp nhận được, gây tổn hại trầm trọng cho hòa bình và an ninh khu vực ». Tuy nhiên phía Nhật không khai hỏa để phá hủy, vì nhận định hỏa tiễn này không rơi xuống đất Nhật.
Từ Tokyo, thông tín viên RFI Frédéric Charles gởi về bài tường trình :
« Nếu thủ tướng Shinzo Abe tỏ ra bàng hoàng sau khi hỏa tiễn Bắc Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản, đó là vì ông nghĩ rằng nước Nhật dễ bị tổn thương hơn so với Hàn Quốc và Hoa Kỳ, trước sự tấn công của Bình Nhưỡng.
Căn cứ quân sự lớn nhất ở nước ngoài của Mỹ là trên đất Nhật. Theo cố vấn của thủ tướng, Bắc Triều Tiên sẽ ngần ngại khi đánh vào Hàn Quốc, người anh em phương nam, và không dám tấn công nước Mỹ. Còn an ninh của Nhật Bản thì lệ thuộc vào lá chắn nguyên tử của Hoa Kỳ. Nhưng Nhật tự hỏi, liệu Hoa Kỳ có bảo vệ mình trong trường hợp Bắc Triều Tiên tấn công hay không.
Hôm nay Lầu Năm Góc xác nhận việc một hỏa tiễn Bắc Triều Tiên bay ngang qua Nhật Bản, nhưng nhanh chóng cho biết hỏa tiễn này không hề đe dọa lãnh thổ Hoa Kỳ. Điều này không làm Nhật Bản an tâm chút nào. Đặc biệt là đối với thủ tướng Shinzo Abe, người đang tìm cách sửa đổi Hiến Pháp chủ hòa để nước Nhật cũng tự vệ được như những nước khác, và trong trường hợp cần thiết có thể sở hữu vũ khí nguyên tử. »

Theo RFI

Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Trung Quốc : « Người hùng » chiến tranh chống Việt Nam 1979 làm tổng tham mưu trưởng

Chính quyền Trung Quốc bổ nhiệm tướng Lý Tác Thành (Li Zuocheng) làm tổng tham mưu trưởng. Nguyên là tư lệnh lục quân, viên tướng này từng được phong làm « anh hùng », vì các chiến tích trong cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi, nhưng đẫm máu, chống Việt Nam năm 1979.




media
Theo Reuters, trong một thông báo ngắn được đưa ra vào cuối ngày hôm qua, 26/08/2017, tướng Lý Tác Thành lần đầu tiên được gọi là « tổng tham mưu trưởng ». Bộ Quốc Phòng Trung Quốc không hề thông tin về việc bổ nhiệm, mà chỉ đơn giản thông báo tổng tham mưu trưởng Lý Tác Thành có cuộc tiếp xúc với đồng nhiệm Pakistan Qamar Javed Bajwa tại Dushanbe, thủ đô Tadjikistan.
Trước đó, ngày 24/08, hãng tin Mỹ Bloomberg lần đầu tiên nói đến vụ thăng chức này, sau khi tướng Lý Tác Thành được cử thay thế tổng tham mưu trưởng Quân Đội Trung Quốc lúc đó, ông Phòng Phong Huy (Fang Fenghui), để tiếp đồng nhiệm Hoa Kỳ Joseph Dunford hồi đầu tháng.
Theo các nhà quan sát, việc bổ nhiệm viên tướng Lý Tác Thành làm tổng tham mưu trưởng nằm trong kế hoạch cải tổ toàn diện quân đội của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước thềm Đại Hội 19. Viên tướng này được coi là một trong những sĩ quan chỉ huy hiếm hoi có kinh nghiệm chiến tranh.
Việc bổ nhiệm tân tổng tham mưu trưởng Quân Đội Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng biên giới Trung - Ấn gia tăng, đặc biệt tại khu vực cao nguyên Doklam, ngã ba biên giới Ấn-Trung-Bhutan, từ ba tuần nay. Kể từ đó, Trung Quốc nhiều lần tổ chức tập trận bắn đạn thật tại quân khu miền Tây, và tìm cách siết chặt quan hệ quân sự và an ninh với Pakistan, láng giềng và cũng là đối thủ của Ấn Độ.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, hôm nay, nhấn mạnh rằng viên tướng từng bị thương trong chiến tranh này được phong làm « anh hùng », vì gan dạ trong chiến đấu. Nhật báo Bắc Kinh ấn bản Anh ngữ trước đó nói rõ là tướng Lý Tác Thành được thưởng huân chương cao nhất của Quân Đội Trung Quốc, vì thành tích trong cuộc chiến chống Việt Nam. Đơn vị lục quân của ông Lý Tác Thành đã tiêu diệt 294 bộ đội Việt Nam, trong thời gian gần bốn tuần chiến sự. Một thành tích khiến viên sĩ quan này được mệnh danh là « anh hùng chiến tranh đáng sợ nhất ».
Ngày 17/02/1979, Trung Quốc tấn công các tỉnh biên giới Việt Nam, để trả đũa Hà Nội đã đưa quân lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ tại Cam Bốt, được Bắc Kinh hậu thuẫn. Cuộc chiến biên giới 1979 với Việt Nam được coi là chiến tranh lớn gần đây nhất của quân đội Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170827-trung-quoc-bo-nhiem-%C2%AB-nguoi-hung-%C2%BB-chien-tranh-bien-gioi-chong-viet-nam-1979-lam-ton

Mỹ thừa nhận lợi thế của Nga khi có tên lửa BrahMos-II

Tạp chí Business Insider thừa nhận, nếu phát triển thành công phiên bản BrahMos II, Nga và Ấn Độ sẽ có những lợi thế mà Mỹ không thể.


Thừa nhận của người Mỹ được đưa ra khi liên doanh Nga - Ấn tuyên bố quyết thực hiện dự án tên lửa hành trình siêu vượt âm BrahMos II. Hãng Sputnik dẫn lời Giám đốc điều hành Tập đoàn liên doanh giữa Nga và Ấn Độ, ông Praveen Pathak cho biết hai nước quyết thực hiện nghiên cứu phát triển phiên bản BrahMos II có thể đạt tốc độ Mach 7.

Theo vị giám đốc này, phiên bản BrahMos-II dự kiến sẽ được phát triển trong vòng 7 năm. Trong khi đó, phiên bản BrahMos-II tầm trung có khả năng đạt tốc độ Mach 4 dự kiến sẽ được sản xuất trong vòng 4-5 năm.

My thua nhan loi the cua Nga khi co ten lua BrahMos-II 
Nguyên mẫu tên lửa BrahMos-II.

Ông Pathak cho biết thêm, quá trình phát triển chương trình này sẽ được bắt đầu với sự tham gia của Viện Hàng không Moskva với một viện nghiên cứu ở Bangalore, Ấn Độ.

Trước tuyên bố cực ấn tượng của Nga về bản BrahMos-II, tạp chí Business Insider thừa nhận, một khi phát triển thành công phiên bản hoàn toàn mới của tên lửa BrahMos-II, Nga có nhiều lợi thế mà Mỹ không thể có được.

Theo những thông tin ban đầu đượcc ông khai, dòng tên lửa BrahMos-II được giới thiệu có tính năng độc đáo đạt tốc độ siêu thanh, đa phương thức dẫn đường và điều khiển, tính linh hoạt và khả năng cơ động cao. BrahMos-II có uy lực xuyên phá rất mạnh, khả năng chống nhiễu và đối phó với tên lửa đánh chặn rất tốt.

Hiện BrahMos-II là loại tên lửa được giới quân sự đánh giá là độc nhất vô nhị trên thế giới, được người Ấn Độ yêu mến đặt cho biệt danh là "Tên lửa ma thuật".

Được biết, dự án tên lửa BrahMos II này nhằm phát triển một loại tên lửa có tốc độ vượt khoảng 5 lần so với các loại tên lửa hiện có của quân đội Mỹ, đảm bảo trong khoảng thời gian hơn 1 giờ có thể tấn công tới bất cứ địa điểm nào trên Trái đất.

Với tốc độ Mach 7, tạp chí Business Insider khẳng định, BrahMos II sẽ tạo lợi thế rất lớn trước Mỹ bởi cơ bản, các loại tên lửa của quân đội Mỹ hiện nay đều có tốc độ hạ âm hoặc chạm siêu âm như vũ khí tấn công liên hợp ngoài khu vực phòng không JSOW C-1 có vận tốc hạ âm 0,86 Mach, tên lửa hành trình Tomahawk cũng chỉ đạt vận tốc 0,8 Mach.

Trong khi đó, X-51A dù đã thử nghiệm 3 lần nhưng chỉ có 1 lần thành công trong khoảng thời gian ngắn và chưa chứng minh được độ tin cậy về động cơ và điều khiển trong hành trình dài.

Thậm chí X-51A mới chỉ bay đơn thuần với quỹ đạo bất biến chứ chưa được trang bị bất cứ tính năng kỹ chiến thuật gì. Vì vậy, một khi phiên bản BrahMos II được thử nghiệm thành công và ứng dụng trong thực tế Ấn Độ - Nga sẽ tạo được lợi thế rất lớn trước Mỹ trong lĩnh vực tên lửa hành trình siêu thanh.

http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-thua-nhan-loi-the-cua-nga-khi-co-ten-lua-brahmos-ii-3341944/

Robot sát thủ : Nguy cơ chiến tranh người máy đã cận kề

Trên lãnh vực khoa học quân sự, Libération hôm nay báo động « Robot sát thủ không còn là khoa học viễn tưởng ». Trong một lá thư ngỏ gởi Liên Hiệp Quốc, hơn một trăm doanh nghiệp và nhà nghiên cứu gióng lên tiếng chuông cảnh báo về cuộc chạy đua vũ khí sát thương tự động của các cường quốc quân sự.




media
Báo động về nguy cơ robot tự ý giết người
Trong bài xã luận mang tựa đề ngắn gọn « Khẩn cấp », tờ báo đặt câu hỏi : Liệu ý định tiết kiệm sinh mạng có dẫn đến việc chúng ta trao quyền cho các cỗ máy ? Vấn đề này ngày nay không còn là giả tưởng nữa. Ý thức được sự cần thiết duy trì tối đa mạng sống của các chiến binh, và được cổ vũ qua các tiến bộ về trí thông minh nhân tạo, các đại cường quân sự đang chuẩn bị cho một tương lai trong đó một robot có thể tự ý giết người. Khi biết được những tác hại của các máy bay không người lái do con người điều khiển từ xa, người ta dễ dàng hình dung ra tác động của các robot sát thủ tự hành, với các vấn đề đạo đức đặt ra.
Tương lai gần đáng lo ngại này khiến giới chủ các doanh nghiệp về trí thông minh nhân tạo và robot vào đầu tuần này phải gởi thư ngỏ lên Liên Hiệp Quốc. Điều đáng bàng hoàng là họ đã từng báo động vào năm 2015 nhưng không được ai chú ý. Trong khi đó, với quá trình tái quân sự hóa hiện nay của các quốc gia lớn nhỏ và số lượng những nhân vật « điên khùng » - theo Libération - lên nắm quyền, hồ sơ này cần được khẩn trương xét đến.
Nếu các robot bạn và thù sát hại lẫn nhau dưới cái nhìn thương hại của các sĩ quan cao cấp, thì chỉ đắt hơn các trò chơi video một chút. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một hôm các cỗ máy này rơi vào tay bọn khủng bố hoặc các nhà độc tài như Kim Jong Un, hay bị tấn công tin học ? Sẽ ra sao nếu một ngày nào đó robot sát thủ không tuân lệnh con người nữa ? Libération cho rằng, chiến tranh là một chủ đề quá quan trọng để có thể giao phó cho các cỗ máy.
Chiến tranh robot : Mỹ tiên phong, Nga và Trung Quốc theo chân
Trong bài « Quân đội Mỹ đi tiên phong », Libération cho biết, Washington đang đầu tư nhiều cho các loại vũ khí tự động, tin rằng nhờ đó sẽ thắng các cuộc chiến tranh trong tương lai. Bắc Kinh và Matxcơva cũng theo chân.
Có thể nói cuộc chạy đua vũ trang lần này cũng quy mô như dự án Manhattan đã khai sinh ra bom nguyên tử trước đây. Trung tướng Sean MacFarlend hồi cuối tháng Bảy giải thích : « Chúng ta đang ở thời kỳ khởi đầu của một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử chiến tranh ». Vị tướng từng tham gia cuộc chiến Irak dự báo các « hệ thống tự hành » sẽ được triển khai trên chiến trường bên cạnh các đạo quân « để mang vác các thiết bị và kích hoạt các loại vũ khí ». Liệu điều cấm kỵ là việc trao quyền cho robot tự quyết định xử lý một mục tiêu, có đang bị xóa nhòa ?
Nếu tin vào Lầu Năm Góc, thì hiện không có một robot sát thủ nào thuộc loại này được triển khai. Nhưng kể từ khi một máy bay không người lái Predator do một phi công Mỹ điều khiển đã đi vào lịch sử qua việc bắn hỏa tiễn làm tan thây Hellfire Mohammed Atef, một trong những cánh tay đắc lực của trùm khủng bố Ben Laden, vào tháng 11/2001, cỗ máy chiến tranh của Mỹ đã lao vào một chương trình tự động hóa chưa từng thấy.
Tại Irak và Afghanistan, quân đội Mỹ vốn tìm cách giảm thiểu tối đa thiệt hại nhân mạng, đã triển khai rộng rãi các robot điều khiển từ xa. Đó là những robot phá mìn loại Pack Bot, hay vũ trang như Sword hay Maar, những con quái vật di chuyển bằng bánh xích, đầy những thiết bị cảm thụ và trang bị súng trường tự động hay súng phóng lựu.
Lợi ích từ những chiến binh người máy vô cảm
Hiện nay Hoa Kỳ đang phát triển các « LAWS », tức « Lethal autonomous weapons systems » (Hệ thống vũ khí sát thương tự động). Đây là những chiến binh máy được trí thông minh nhân tạo (IA) hướng dẫn, hoạt động trên mặt đất, trên không và trên biển ; luôn tuân lịnh cấp trên, chẳng bao giờ mệt mỏi hay đau đớn, không bao giờ có vấn đề lương tâm, cũng chẳng có gia đình để phải chi trợ cấp…
Ngân sách được Lầu Năm Góc dành cho chiến tranh robot từ đây cho đến năm 2018 lên đến 18 tỉ đô la, trong tổng số chi quân sự thường niên 600 tỉ đô la. Chính tại phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos ở vùng sa mạc New Mexico, mà Darpa, cơ quan bí mật chuyên nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến, đang chuẩn bị « một bất ngờ chiến lược ». Và theo New York Times, thì bộ Quốc phòng đã thử nghiệm các máy bay không người lái có thể tự quyết định mục tiêu tấn công mà không hề có sự hỗ trợ của con người. Phi cơ tàng hình không người lái X-47B do Hải quân chế tạo sẽ là hình mẫu đầu tiên của các thiết bị bay sát thủ.
Một điều chắc chắn là với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong hàng ngũ cường quốc quân sự, và sự quay lại trên trường quốc tế của Nga, Hoa Kỳ đang tiến nhanh về chiến tranh tương lai loại này. Tuy nhiên tướng không quân Mỹ Paul Selva dự báo « phải ít nhất một thập niên nữa mới có được công nghệ robot hoàn toàn tự quyết », có thể quyết định giết ai và khi nào.
Người Nga bèn cố theo chân, mới đây đã công bố một video cho thấy robot mang tên Fedor đang khai hỏa với hai khẩu súng máy. Và người ta không rõ Trung Quốc đang chuẩn bị những gì qua việc chi ra trên 180 tỉ euro một năm để hiện đại hóa quân đội. Còn nước Pháp với ngân sách quốc phòng chỉ có 32 tỉ euro, chú trọng vào chương trình « robot chiến thuật đa năng », các thiết bị bay cho Hải quân và máy bay không người lái như Neuron của Dassault. Theo các nhà quân sự, không có việc các cỗ máy này trở thành các sát thủ tự thân vận động.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170825-robot-sat-thu-nguy-co-chien-tranh-nguoi-may-da-can-ke

Kinh ngạc vũ khí năng lượng định hướng của Quân đội Mỹ

Vũ khí năng lượng định hướng (Directed Energy Weapon - DEW) 
đang là xu thế trong các chương trình phát triển vũ khí tương lai 
của nhiều nước, trong đó dẫn đầu là Mỹ.


Công nghệ DEW được phân chia thành các loại: Laser năng lượng cao (HEL) và sóng siêu cao tần công suất cao (HPM). Trong đó, hiện nay các cường quốc quân sự trên thế giới đang tập trung phát triển vào một số loại vũ khí DEW cụ thể, tuy nhiên Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới đưa DEW vào thực chiến và bước đầu đã chứng minh được tính hiệu quả của loại vũ khí này. Và dưới đây là một số hệ thống DEW hay còn được gọi là vũ khí laser đang được Quân đội Mỹ nghiên cứu và trang bị trong thời gian gần đây.
Tổ hợp ngăn chặn chủ động (Active Denial System - ADS): Là một tổ hợp vũ khí năng lượng định hướng DEW vừa được Lục quân Mỹ kết thúc giai đoạn thử nghiệm và sẵn sàng đưa vào chiến đấu. Tổ hợp ADS do hãng Raytheon phát triển để thực hiện các nhiệm vụ ngăn chặn diện và kiểm soát đám đông không gây sát thương. Tổ hợp được đặt trên xe dã chiến cách khu vực cần tác chiến khoảng 1km. ADS phát ra một chùm sóng vô tuyến cao tần và tập trung khoảng 95GHz hướng vào một người hoặc một nhóm người gây đau đớn. Năng lượng làm cho nhiệt độ bề mặt da người tăng lên và tới mức không chịu được trong vài giây, buộc người ta phải rời khỏi khu vực mục tiêu. Tổ hợp ADS đã được Lục quân Mỹ triển khai thử nghiệm tại Afghanistan năm 2010 và tại Quantico năm 2012.
Kinh ngac vu khi nang luong dinh huong cua Quan doi My
Tổ hợp ADS. Ảnh: Flightglobal.com
Hệ thống chống đạn phòng thủ diện (ADAM): Hệ thống này được hãng Lockheed Martin nghiên cứu chế tạo, nhằm đối phó với các phương tiện bay không người lái và đạn pháo phản lực. Hệ thống laser và điều khiển bắn của ADAM được đưa vào một Container đặt trên một khung gầm đặc chủng dặc biệt có thể di chuyển linh hoạt tới mọi khu vực tác chiến. Khi hệ thống ADAM được đưa đến vị trí triển khai và cấp nguồn, nó sẽ tiếp nhận thông tin từ một mạng lưới radar trinh sát để cập nhật dữ liệu về mục tiêu. Sau khi tiếp nhận thông tin cảnh báo, hệ thống ADAM có thể bám theo các mục tiêu ở cự ly tới 5km và phá hủy chúng ở cự ly 2km bằng chùm tia lade có công suất 10kW. 
Tại cuộc thử nghiệm vào tháng 11/2015, Lockheed Martin  thông báo hệ thống ADAM đã phá hủy thành công 4 đạn rốc két đang bay từ cách xa 2km và đã đánh chặn một phương tiện bay không người lái từ cự ly 1,5km. Trong thử nghiệm tiếp theo vào tháng 3 và tháng 4/2016, hệ thống ADAM đã phá hủy 8 đạn rốc két đường kính nhỏ từ khoảng cách 2km. 
Vũ khí phá hoại điện - từ công suất cao: Loại vũ khí này được hãng Diehl nghiên cứu phát triển. Vũ khí này được chế tạo dựa trên nguyên lý nguồn phát xạ siêu cao tần với nhiều biến thể gồm: Biến thể xách tay (làm việc ở dải tần 375MHz) và biến thể cố định (làm việc ở các dải tần 50 MHz, 60 MHz và 100MHz) - tất cả đều ở tần số lặp xung (PRF) 50Hz. Trong đó, các hệ thống xách tay phát ra điện áp từ 400kV - 700kV, còn các khối máy cố định phát ra điện áp có thể đạt 1MV. 
Kinh ngac vu khi nang luong dinh huong cua Quan doi My-Hinh-2
 Hệ thống ADAM. Ảnh: Daylimail.com
Việc sử dụng các vũ khí phá hoại điện - từ công suất cao mang lại cho Quân đội Mỹ khả năng mới, cho phép quân đội và cảnh sát loại bỏ các hệ thống chỉ huy, thông tin và giám sát của đối phương. Các nguồn phát công suất cao này có thể gây quá tải và gây hỏng hóc vĩnh viễn đối với hệ thống kích nổ dựa trên sóng vô tuyến của đối phương từ đó vô hiệu hóa chúng. Trong các nhiệm vụ tác chiến đặc biệt, hệ thống vũ khí này còn có tác dụng chế áp các thiết bị truyền thông của đối phương làm rối loạn các hệ thống trinh sát, thông tin, vô hiệu hóa các công cụ gây nổ IED được chôn dấu ở khoảng cách an toàn mà không gây hại đến sự sống của con người và môi trường. Thậm chí còn khiến các xe của đối phương có thể bị chết máy bất thường. Công nghệ mới này của Diehl được hy vọng sẽ góp phần bảo vệ các đoàn xe chống lại các công cụ gây nổ IED, có thể  chặn các xe và ngăn cản việc xâm nhập bất hợp pháp vào những khu vực giới hạn. 
Vũ khí laser trên tàu LaW : Hệ thống vũ khí laser bán dẫn lắp đặt trên tàu LaW được thiết kế bởi hãng Raytheon với mục đích chủ yếu là bảo vệ tàu tầm gần. Hệ thống vũ khí năng lượng định hướng này kết hợp 6 nguồn phát tia laser năng lượng cao (HEL) vào một chùm duy nhất để hướng vào mục tiêu di chuyển tốc độ chậm. Hệ thống được kết nối với hệ thống rađa điều khiển để định vị và bám theo các mục tiêu di động. LaW có thể đối phó được với các loại mục tiêu khác nhau như: Máy bay không người lái, tên lửa chống hạm, tên lửa đối không, tàu mặt nước không người lái. Trong cuộc thử nghiệm gần đây, khi LaW sử dụng lade công suất 40kW, hệ thống có thể tiêu diệt mục tiêu là máy bay không người lái ở độ cao từ 1.000 đến 2.000m.
Kinh ngac vu khi nang luong dinh huong cua Quan doi My-Hinh-3
Vũ khí lade trên tàu LaW. Ảnh:  Unitedstatenavy.com
Giới chuyên gia quân sự Mỹ hy vọng, LaW sẽ bổ sung cho các hệ thống vũ khí động năng phòng thủ tầm gần thông thường và có thể được định hướng để tiêu diệt mục tiêu theo đường bám rađa của hệ thống vũ khí tầm gần Phalanx Mk 15 hoặc từ các nguồn chỉ thị mục tiêu khác. 
http://kienthuc.net.vn/quan-su/kinh-ngac-vu-khi-nang-luong-dinh-huong-cua-quan-doi-my-849824.html