Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Thông điệp của ông Tập Cận Bình qua cuộc duyệt binh "khác thường"


Điều đó có thể đặt các nước láng giềng có mâu thuẫn với Trung Quốc trước 
những thách thức mới từ sức ép quân sự to lớn của Bắc Kinh.

South China Morning Post, Hồng Kông ngày 30/7 có bài viết của nhà báo Choi Chi-yuk bình luận, cuộc duyệt binh khổng lồ của Trung Quốc hôm Chủ nhật mang thông điệp rõ ràng đến quân đội, dân chúng Trung Quốc và thế giới rằng:
Quân đội Trung Quốc dưới quyền chỉ huy của ông Tập Cận Bình đang nhanh chóng hiện đại hóa và cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Trung Quốc không tổ chức duyệt binh tại Thiên An Môn, Bắc Kinh như thường lệ, mà tổ chức ở Chu Nhật Hòa, khu tự trị Nội Mông dịp kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội.
Tuy nhiên không có các màn nghi lễ, thay vào đó cuộc duyệt binh được thực hiện dưới hình thức diễn tập, ông Tập Cận Bình mặc quân phục dã chiến, thay vì bộ đại cán màu rêu kiểu Mao Trạch Đông quen thuộc.
Ông Tập Cận Bình mặc quân phục dã chiến duyệt binh, ảnh: Sky News.
Ông Tập Cận Bình nói với quân đội Trung Quốc rằng: phải sẵn sàng nghe lệnh, có khả năng chiến đấu và chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến nào.
Cuộc duyệt binh biểu dương lực lượng này cho thấy những gì ông Tập Cận Bình đã làm để cải thiện năng lực tác chiến của quân đội Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền.
Đồng thời nó cũng cho thấy tầm nhìn của ông về vai trò của quân đội Trung Quốc trong tương lai, khi ông cố gắng xây dựng nước mình thành cường quốc khu vực và toàn cầu.
Từ Quang Dụ, một thiếu tướng Trung Quốc nghỉ hưu nói rằng, cuộc duyệt binh hôm Chủ nhật là một trận chiến thực sự mà ông Tập Cận Bình có thể phải kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội.
"Bạn không thể tạo ra một cuộc chiến tranh để kiểm tra khả năng của họ trên chiến trường.
Nhưng bạn cần phải xem các phi công đang lái máy bay của họ như thế nào, làm thế nào những người lính kiểm soát xe tăng của họ", ông Dụ nói.
Antony Wong Dong, nhà bình luận quân sự Ma Cao cho biết, vũ khí mà Trung Quốc trưng ra ở Chu Nhật Hòa đã cho thấy quân đội Trung Quốc có sức mạnh "ghê gớm". Theo ông:
"Sau năm năm cải cách to lớn và một chiến dịch chống tham nhũng đã làm giảm hàng chục, nếu không phải là hàng trăm các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao, giờ đây ông Tập Cận Bình có thể báo cáo công chúng Trung Quốc thành quả tốt đẹp dưới sự lãnh đạo của ông ta.".
Trung Quốc duyệt binh tại Nội Mông, thay vì Bắc Kinh. Ảnh: SCMP.
Quân đội Trung Quốc bị cản trở bởi lãnh đạo chia rẽ và tham nhũng tràn lan khi ông Tập Cận Bình nắm quyền Chủ tịch Quân ủy Trung ương từ ông Hồ Cẩm Đào cuối năm 2012.
Ông Hồ Cẩm Đào đã bị 2 viên tướng Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu "qua mặt" và tách khỏi các vấn đề quân sự.
Năm 2010 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nêu ra một câu hỏi với ông Hồ Cẩm Đào về việc Trung Quốc âm thầm phát triển máy bay chiến đấu J-20, ông Hồ Cẩm Đào dường như không ý thức được sự phát triển này.
Tập Cận Bình thì khác, ông không lãng phí thời gian để củng cố quyền lực của mình trong quân đội. 
Cả Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng đều bị lật đổ dưới thời Tập Cận Bình vì tham nhũng. Ông tái cấu trúc quân đội, đặc biệt là bộ máy chỉ huy gọn nhẹ và ông chính là Tổng chỉ huy, Tổng tư lệnh.
Tập Cận Bình đã cắt giảm 300 ngàn quân mà ông không gặp phải lực cản nào đáng kể, đồng thời tăng ngân sách phát triển vũ khí.
Zeng Zhiping, một chuyên gia Học viên Công nghệ Nam Xương cho hay, ông Tập Cận Bình đã làm nhiều hơn những người tiền nhiệm trong việc phát triển sức mạnh quân sự.

Tôn Chính Tài "vụt tắt vì dớp Bạc Hy Lai" và luật bất quy tắc Đại hội 19

Cuộc duyệt binh hôm Chủ nhật rất khác so với những gì được thực hiện dưới thời hai người tiền nhiệm, ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào.
Hai vị này chỉ tiến hành 1 cuộc duyệt binh duy nhất trong thời gian cầm quyền tại Thiên An Môn, ông Giang Trạch Dân năm 1999 và ông Hồ Cẩm Đào năm 2009.
Cả hai mặc bộ đại cán màu rêu kiểu Mao Trạch Đông, duyệt binh trên chiếc Limousine sang trọng. Còn Tập Cận Bình thì khác, ông mặc rằn ri dã chiến và duyệt đội ngũ trên chiếc xe Jeep.
Đi đến khối đội hình nào, sĩ quan binh lính đều chào ông là Chủ tịch, thay vì "chào thủ tưởng" như trước.
Thủ trưởng thì có nhiều, Chủ tịch chỉ có một. Điều này cho thấy Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo quân sự tối cao duy nhất hiện nay.
Những gì Tập Cận Bình kiểm tra khả năng tác chiến của quân đội Trung Quốc cũng giống như Đặng Tiểu Bình làm năm 1981 khi ông ta cố gắng cải thiện khả năng tác chiến cho quân đội cồng kềnh sau Cách mạng Văn hóa. [1]
Đa Chiều ngày 30/7 tường thuật lời ông Tập Cận Bình trong buổi duyệt binh này:
"Quân đội anh hùng của chúng ta có đủ tự tin, có đủ năng lực đánh bại bất kỳ kẻ địch nào đến xâm phạm.
Quân đội anh hùng của chúng ta có đủ tự tin, có đủ năng lực bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia.".
Tờ báo của người Hán tại hải ngoại này nhận định: 
"Hiện tại môi trường an ninh xung quanh Trung Quốc không mấy lạc quan.
Ngoài quan hệ Trung - Nga tương đối tốt và không có mối lo nào từ phía Bắc, còn lại các phương nguy cơ đầy rẫy.
Phía Đông là bán đảo Triều Tiên với ông Kim Jong-un bất chấp tất cả phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, cho đến Hàn Quốc bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.
Nhật Bản và Trung Quốc vẫn tiếp tục "cò cưa" ở Hoa Đông, với tranh chấp chủ quyền Senkaku / Điếu Ngư.
Ở Đài Loan tiến sĩ Thái Anh Văn đang cầm quyền, hai bờ eo biển đều có tính toán riêng.

Ông Tập Cận Bình sẽ học cách Tổng thống Putin duy trì quyền lực?

Phương Nam thì sóng gió không ngừng trên Biển Đông khi Việt Nam không cam chịu, Hoa Kỳ không rút lui, tương lai sẽ còn nhiều thứ khó có thể liệu trước.
Phía Tây hiện nay biên giới Trung - Ấn có thể bùng phát thành xung đột, chiến tranh bất cứ lúc nào...
Thế nên phát biểu của ông Tập Cận Bình khi duyệt binh còn mang ẩn ý khác, khi ông nói rằng dời núi thì dễ, lay động quân đội Trung Quốc thì khó.". [2]
Cá nhân người viết cho rằng, cuộc duyệt binh năm nay không chỉ là để thị uy trước dân chúng trong nước hay các đối thủ tiềm tàng, mà còn thể hiện quyền lực tuyệt đối của ông Tập Cận Bình.
Về mặt đối nội, Trung Quốc sắp tổ chức Đại hội 19 khi một Ủy viên Bộ chính trị đương nhiệm - Bí thư Trùng Khánh Tôn Chính Tài vừa bị bắt, một Ủy viên Bộ chính trị khác - Bí thư Quảng Đông Hồ Xuân Hoa lập tức lên tiếng tuyên bố ủng hộ "quyết định này của Trung ương".
Những tiếng nói nào đi ngược với quan điểm của ông Tập Cận Bình trong nội bộ sẽ khó có cơ hội được thể hiện khi chứng kiến màn duyệt binh thể hiện sức mạnh tuyệt đối này.
Về mặt đối ngoại, những quốc gia được Trung Quốc xem là "đối thủ tiềm tàng" hay có tranh chấp (có thể bao gồm tranh chấp do chính Trung Quốc tạo ra) cũng là đối tượng mà ông Tập Cận Bình nhắm tới qua cuộc duyệt binh này.
Như vậy, con đường phấn đấu trở thành siêu cường khu vực hoặc toàn cầu mà nhà lãnh đạo Trung Quốc theo đuổi, không chỉ bao gồm nguồn vốn giá rẻ và công nghệ thải loại cho các nước đang phát triển - mục tiêu của Một vành đai, một con đường.
Mà con đường ấy còn được bảo vệ bởi lực lượng quân sự hùng hậu và "sẵn sàng chiến đấu" nếu nói theo ngôn ngữ nhà binh.
Mới đây thôi, Trung Quốc đã khánh thành một căn cứ quân sự đầu tiên ở hải ngoại, tại Djibouti thuộc vùng Sừng châu Phi.
Những động thái mở rộng địa bàn cho quân đội nước này có lẽ sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.
Điều đó có thể đặt các nước láng giềng có mâu thuẫn với Trung Quốc trước những thách thức mới từ sức ép quân sự to lớn của Bắc Kinh.
Nhưng đồng thời, Trung Quốc cũng mang đến bài học quý cho nhiều nước.
Đặc biệt là việc ông Tập Cận Bình không nương tay với nạn tham nhũng và lợi ích nhóm từng thao túng quân đội nước này, một vấn đề quốc gia nào cũng có thể gặp phải và không dễ gì giải quyết.
Tài liệu tham khảo:
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Thong-diep-cua-ong-Tap-Can-Binh-qua-cuoc-duyet-binh-khac-thuong-post178553.g
d

Hợp tác khai thác Biển Đông với Trung Quốc, trò chơi nguy hiểm ?

Trong những ngày qua, cả Manila lẫn Bắc Kinh đều kẻ xướng người họa, ca ngợi lợi ích của việc cùng nhau khai thác Biển Đông. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 24/07/2017 hết sức lạc quan trước trước những lợi ích trông thấy, một quan điểm được ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ghé thăm Manila hoàn toàn tán đồng.

Kết quả hình ảnh cho Hợp tác khai thác Biển Đông với Trung Quốc

Tuy nhiên, trong một phân tích được công bố hôm 27/07/2017, báo mạng Nhật Bản The Diplomat cho rằng đối với Philippines, đồng khai thác Biển Đông với Trung Quốc là công việc đầy rủi ro.
Trong quá khứ, Manila và Bắc Kinh từng có đề án cùng hợp tác khai thác Biển Đông, cụ thể là đề án JSMU, tức là thỏa thuận cùng khảo sát địa chấn ngoài biển, ký kết năm 2005 giữa ba tập đoàn dầu khí quốc doanh PNOC của Philippines, CNOOC của Trung Quốc và PetroVietnam của Việt Nam.
Đề án này đã nhanh chóng bị dẹp bỏ vào năm 2008 sau khi chính quyền Philippines thời đó của bà Gloria Arroyo bị cáo buộc bán đứng quyền lợi đất nước để đổi lấy các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ.
Ngay sau khi đề án bị hủy bỏ, Philippines đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác nước ngoài giúp khai thác nguồn dầu khí ngoài khơi vì Trung Quốc đã tăng sức đe dọa các tập đoàn ngoại quốc, đồng thời cho tàu tuần tra hù dọa và cản trở các tàu khảo sát làm việc cho Philippines. Trong phán quyết vào tháng 7/2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye chỉ rõ là Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines bằng cách ngăn không cho Manila khai thác tài nguyên tại khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) ở Biển Đông bị Trung Quốc cho là của họ bất chấp việc khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý Philippines.
Quá khứ đã là như vậy, hiện tại, theo The Diplomat, cũng không sáng sủa hơn. Để biện minh cho chủ trương xích lại gần Trung Quốc, chính quyền Duterte đã nhấn mạnh đến lợi ích của việc đồng khai thác Biển Đông, nêu bật một số điểm như ngư dân Philippines đã được đến đánh bắt tại khu vực bãi Scarborough Shoal, và Trung Quốc cam kết không xây dựng gì trên bãi mà họ đã chiếm từ tay Philippines vào năm 2012.
Đối với The Diplomat, những lợi ích đó khá nhỏ nhoi so với những nhượng bộ đáng kể mà Manila đã phải chịu, trong đó có việc gác qua một bên phán quyết quốc tế về Biển Đông hết sức có lợi cho Philippines, cũng như là chiều lòng Trung Quốc để ra một tuyên bố chung yếu ớt một cách đáng hổ thẹn trong tư cách chủ tịch ASEAN hồi tháng 4/2017. Nếu theo đà này, chính quyền Duterte có nguy cơ sẽ bị lên án về tội không bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Rủi ro cũng tiềm ẩn trong tương lai gần, nhất là khi mà cách hành xử của Trung Quốc tại Biển Đông trong những năm gần đây cho thấy là Bắc Kinh sẵn sàng xóa bỏ mọi thỏa thuận và dùng đến biện pháp cưỡng chế thô bạo để đạt mục tiêu. Đối với Philippines chẳng hạn, Trung Quốc cho đến giờ vẫn chính thức cho rằng sở dĩ kế hoạch đồng khai thác hồi năm 2005 thất bại, đó là vì Manila thiếu quyết tâm thúc đẩy, chứ không hề nói gì về các hành động cưỡng chế bất hợp pháp của Bắc Kinh sau đó.
Căn cứ vào tiền lệ đó, nếu vì một lý do nào đó mà Philippines không thực hiện thỏa thuận đồng khai thác với Trung Quốc, Bắc Kinh hoàn toàn có thể dùng biện pháp quân sự gây áp lực trên Manila, trực tiếp tại khu vực đồng khai thác, hoặc gián tiếp với các hành động quyết đoán khác, như cho xây dựng cơ sở trên bãi Scarborough Shoal hoặc tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
Thậm chí, do việc chính quyền Duterte ngày càng bám vào Trung Quốc về kinh tế, để khỏi mang tiếng là hung bạo, Bắc Kinh còn có thể dùng đến vũ khí thương mại. Trong lãnh vực này, Trung Quốc cũng đã có rất nhiều tiền sự, như cấm xuất khẩu đất hiếm vào Nhật Bản trong năm 2010, hạn chế nhập chuối Philippines vào năm 2012, hoặc mới đây là những đòn trả đũa kinh tế chống lại Hàn Quốc vì đã cho Mỹ triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD.
Phân tích của The Diplomat đã tập trung vào vấn đề đồng khai thác Biển Đông trong quan hệ Philippines-Trung Quốc, nhưng đó cũng là vấn đề đặt ra cho các nước Đông Nam Á khác bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông như Việt Nam, Malaysia hay Brunei.
Đối với các nước này, Bắc Kinh cũng đưa ra chiêu bài gác tranh chấp, đồng khai thác. Vấn đề cốt lõi tuy nhiên vẫn là tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, và đề nghị đồng khai thác chỉ là một sách lược nhằm thực hiện tham vọng đó.
Vào năm 2013, khi ông Tập Cận Bình đưa ra lời kêu gọi đồng khai thác đối với các nước Đông Nam Á, trong một bài phỏng vấn trên báo Việt Nam, tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên Giới Chính Phủ Việt Nam, một chuyên gia nghiên cứu kỳ cựu về Biển Đông, đã không ngần ngại vạch trần ý đồ của Bắc Kinh là thông qua yêu sách chủ quyền vô lý trên 85% diện tích Biển Đông để « "nhảy vào xí phần" trong khu vực thềm lục địa của các nước ven Biển Đông… từ đó biến các vùng biển không tranh chấp thành các vùng biển tranh chấp… ».
Đối với các chuyên gia, việc đồng khai thác chỉ có thể được áp dụng trong trường hợp khai thác vùng trùng lắp giữa vùng đặc quyền kinh tế EEZ của hai nước, nhưng không thể nào áp dụng trong trường hợp như là Trung Quốc muốn thúc đẩy : Khoanh một vùng rất lớn ăn sâu vào thềm lục địa của các nước khác, tự nhận chủ quyền trên đó, rồi đòi đồng khai thác những vùng nằm trong EEZ của các láng giềng.

https://www.facebook.com/RFIvi/posts/2015485871810179

Vì sao đang "cứng giọng", Trung Quốc lại bất ngờ chìa cành ô liu với Ấn Độ?

Trong cuộc gặp với Cố vấn anh ninh quốc gia Ấn Độ, ông Dương Khiết Trì nói, Trung-Ấn cần tăng cường tin cậy lẫn nhau bởi hai nước "vốn không phải sinh ra là kẻ thù của nhau".

Vì sao đang "cứng giọng", Trung Quốc lại bất ngờ chìa cành ô liu với Ấn Độ?
Trong bối cảnh leo thang căng thẳng biên giới Trung-Ấn, chuyến thăm Bắc Kinh (27-28/7) của Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval đã nhận được sự quan tâm cao độ của tất cả các bên.
Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 27/7 đã tiến hành hội đàm với ông Doval. Trong hội nghị, ông Dương bày tỏ, hai bên Trung-Ấn cần tăng cường tin cậy lẫn nhau bởi hai nước "vốn không phải sinh ra là kẻ thù của nhau".
Phát biểu của quan chức Trung Quốc cho thấy, cuộc họp đã không xuất hiện diễn biến căng thẳng như những dự đoán trước đó và dường như Bắc Kinh đang có ý xoa dịu quan hệ Trung-Ấn, dù trước cuộc hội đàm với ông Doval, hai bên đều tỏ thái độ cứng rắn khi đề cập phương pháp giải quyết tranh chấp biên giới.
Ngoài gặp gỡ Dương Khiết Trì, ông Doval còn có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, điều này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của Bắc Kinh trước đó, "trước khi Ấn Độ rút quân, sẽ không có cuộc đàm phán nào".
Vì sao đang cứng giọng, Trung Quốc lại bất ngờ chìa cành ô liu với Ấn Độ? - Ảnh 1.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội kiến Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval hôm 28/8. Ảnh: Reuters
Trung Quốc "dịu giọng"
Cuộc tiếp xúc giữa hai ông Doval và Dương Khiết Trì cho thấy, Trung Quốc chưa hẳn nhượng bộ nhưng là một phương thức mềm mỏng thể hiện "thiện chí" của Bắc Kinh: Không mong muốn cuộc đối đầu này tiếp tục leo thang căng thẳng, gây ảnh hưởng tới quan hệ Trung-Ấn, ảnh hưởng tới tình hình biên giới xung quanh Trung Quốc và tạo bất lợi cho cục diện ngoại giao về sáng kiến Vành đai và con đường của ông Tập.
Giới chuyên gia cho rằng, thái độ cứng rắn của Trung Quốc trước chuyến thăm dù rất dễ khiến thế giới liên tưởng đến cuộc xung đột hay chiến tranh biên giới, thậm chí, một số kênh truyền thông thế giới không ngừng dự đoán về một cuộc chiến tranh có thể xảy ra trong tương lai nhưng kỳ thực, đây là kết quả Bắc Kinh không muốn chứng kiến.
Cuộc hội đàm giữa đội ngũ lãnh đạo cấp cao Trung Quốc với ông Doval lần này đã chứng minh điều này. Trong khi đó, New Delhi dù chưa rút quân nhưng cũng mong muốn mượn cơ hội này để dò la thái độ của Bắc Kinh, Đa chiều (Mỹ) nhận định.
Chiến tranh hay hoa bình?
Dù đối đầu biên giới đã kéo dài hơn một tháng nhưng hai bên đều cố gắng duy trì kiềm chế. Điều này phản ánh căng thẳng leo thang nhưng hai bên đều không mong muốn bị kéo vào một cuộc chiến thực sự bởi chiến tranh là kết quả hai nước muốn tránh, đồng thời cũng là điều hai nước không muốn chấp nhận.
Hơn nữa, với Trung Quốc, nước này hiện đang đối mặt với áp lực về cuộc cải cách kinh tế trong nước, như thế nào để duy trì tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập đang trở thành tâm điểm chú ý của các lãnh đạo Trung Quốc.
Đặc biệt, Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc khóa 19 sắp khai mạc vào mùa thu năm nay nên Bắc Kinh cũng cần duy trì một môi trường đối nội và đối ngoại ổn định. Môt trường đối nội-đối ngoại hòa bình là một đảm bảo cho sự phát triển của Trung Quốc.
Vì sao đang cứng giọng, Trung Quốc lại bất ngờ chìa cành ô liu với Ấn Độ? - Ảnh 2.
Theo giới quan sát, chiến tranh là điều cả Bắc Kinh và New Delhi đều không mong muốn. Ảnh: SCMP
Mặt khác, đối với biên giới Trung Quốc, nếu chiến tranh Trung-Ấn bùng nổ lúc này là điều vô cùng bất lợi cho Bắc Kinh.
Đầu tiên, vấn đề bán đảo Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết, Triều Tiên-Hàn Quốc đang ở trong mối quan hệ căng thẳng, thậm chí không loại trừ khả năng Mỹ có thể nhân xung đột Trung Ấn để tấn công Bình Nhưỡng. Nếu dự đoán trên xảy ra sẽ đem lại nhiều nhân tố bất ổn cho khu vực Đông Bắc Á khiến Trung Quốc không thể không đề phòng.
Ngoài ra, tuyến đường thương mại trên biển Ấn Độ Dương có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Bắc Kinh. Nếu Trung-Ấn thực sự bùng phát chiến tranh, hải quân Ấn Độ có thể cắt đứt tuyến đường hàng hải này, buộc Bắc Kinh phải phái lực lượng quân sự tới đối đầu.
Hiện nay, trên toàn thế giới chỉ có hải quân Mỹ đồng thời có sức mạnh cùng lúc đối mặt với hai mặt trận. Nếu hải quân Trung Quốc rơi vào cuộc chiến ở Ấn Độ Dương, biển Hoa Đông gần như trở thành "vườn không nhà trống".
Bên cạnh đó, mặc Trung-Ấn đã xảy ra một cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1962 nhưng tình hình hiện nay đã khác. Năm 1962, Mỹ-Liên Xô đang ở trong giai đoạn leo thăng căng thẳng nhất trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, nguy cơ tên lửa Cuba trở thành tiêu điểm quan tâm thời bấy giờ nên bất luận là Mỹ hay Liên Xô đều không có thời gian để can thiệp vào cuộc chiến Trung-Ấn năm 1962.
Quan hệ Trung-Ấn hòa bình mới là mong muốn của hai bên, có thể xuất phát từ quan điểm này, giới chức Bắc Kinh mới hội kiến quan chức Ấn Độ.
http://soha.vn/vi-sao-dang-cung-giong-trung-quoc-lai-bat-ngo-chia-canh-o-liu-voi-an-do-20170730123314053.htm

Tên lửa Triều Tiên mới phóng có thể thay đổi cơ bản cấu trúc an ninh Đông Bắc Á


Khi nào Nhà Trắng nhận thấy an ninh, an toàn của nước Mỹ thực sự bị đe dọa, 
thì khi đó chắc chắn sẽ không có giải pháp nào bị loại trừ, kể cả tấn công quân sự.


Tối 28/7, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên vừa phóng quả tên lửa đạn đạo liên lục địa thứ 2, sau vụ phóng ngày 4/7. Khác với lần trước, lần này Triều Tiên phóng tên lửa liên lục địa vào ban đêm.
Theo Lầu Năm Góc, quả tên lửa này được phóng từ Mupyong-ni và di chuyển khoảng 1000 km, đạt độ cao khoảng 3700 km, trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản trên biển Nhật Bản. [1]
Hàn Quốc hết kiên nhẫn theo đuổi đối thoại với miền Bắc
The New York Times ngày 28/9 đưa tin, Hàn Quốc tuyên bố nước này sẽ sớm đàm phán với chính phủ Tổng thống Donald Trump về việc cho phép Seoul xây dựng hệ thống tên lửa đạn đạo mạnh hơn, để chống lại nguy cơ từ Bình Nhưỡng. [2]
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi Washington nới lỏng các giới hạn về kho vũ khí tên lửa của Seoul sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa liên lục địa tối thứ Sáu 28/7.
Hàn Quốc mong muốn có được các tên lửa đạn đạo với tầm bắn xa hơn, ngoài khả năng tấn công sâu lên phía Bắc, còn có thể là một cách gây áp lực với Trung Quốc phải kiềm chế Bình Nhưỡng.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: The New York Times.
Cố vấn An ninh quốc gia hàng đầu của Tổng thống Hàn Quốc, Chung Eui-yong đã điện đàm với đối tác từ Nhà Trắng, Trung tướng HR McMaster vào hôm qua 29/7 để đề xuất đàm phán về việc cho phép Seoul phát triển khả năng tên lửa.
Trung tướng McMaster đồng ý với đề xuất này, trong đó bao gồm khả năng tăng tải trọng đầu đạn cho các tên lửa đạn đạo Hàn Quốc.
Theo các điều khoản của một hiệp định song phương ký năm 1970, Hàn Quốc cần sự chấp thuận của Hoa Kỳ để sở hữu các tên lửa mạnh hơn.
Thỏa thuận này cho phép Hàn Quốc phát triển tên lửa với tầm bắn khoảng 497 dặm, tương đương 800 km, nhưng cấm sử dụng chúng với đầu đạn nặng hơn 500 kg, vì Mỹ lo ngại chạy đua vũ trang trong khu vực.
Hàn Quốc đang muốn tăng gấp đôi giới hạn tải trọng đầu đạn tên lửa, lên 1 tấn.
Quốc gia này không có vũ khí hạt nhân riêng. Hàng thập kỷ trước, Mỹ đã can thiệp ngăn chặn một chương trình bí mật để phát triển thứ vũ khí này của Seoul.
Hôm qua Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng ra lệnh cho chính phủ của ông thúc đẩy hợp tác với Hoa Kỳ để cài đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, cái mà ông đã tạm đình chỉ khi nhậm chức hồi tháng Năm vừa qua. [2]
Nhật Bản trước đó cũng cho biết, Tokyo đang cân nhắc mua hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (THAAD) của Hoa Kỳ. [3]
Hàn Quốc lo sợ rằng, với việc phát triển tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân uy hiếp trực tiếp các thành phố lớn của Hoa Kỳ, Bình Nhưỡng đang cố gắng làm suy yếu quyết định của Washington can thiệp vào bán đảo, một khi chiến tranh bùng nổ.
Thứ Bảy 29/7, Tổng thống Moon Jae-in cảnh báo, cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất của Triều Tiên có thể dẫn đến những thay đổi cơ bản trong cấu trúc an ninh Đông Bắc Á.
Thay đổi trong phản ứng từ Trung Quốc
Đa Chiều ngày 29/7 cho biết, website Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày đăng nội dung họp báo thường kỳ, Bắc Kinh đã lên tiếng về vụ Triều Tiên phóng tên lửa hôm trước, với những điều chỉnh trong thái độ, ngôn từ.
Mô phỏng quỹ đạo quả tên lửa liên lục địa Triều Tiên phóng tối thứ Sáu 28/7, ảnh: CNN.
Vụ thử tên lửa ngày 4/7, Trung Quốc hối thúc Triều Tiên "không được tiếp tục có hành vi vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc".
Ngày hôm qua Bắc Kinh đôn đốc Bình Nhưỡng "tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc".
Đa Chiều cho rằng, cách dùng từ của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lần này "nghiêm túc hơn, mang tính ra lệnh nhiều hơn".
Ngoài ra, lần trước Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn hối thúc các bên tạo điều kiện cần thiết cho việc quay lại bàn "đối thoại" giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân trên bán đảo.
Nhưng lần này Trung Quốc không còn nhắc gì đến "đối thoại". [4]
Thời báo Hoàn Cầu ngày 29/7 cũng có bài xã luận: "Triều Tiên lại phóng tên lửa, kiên quyết phản đối thuyết trách nhiệm thuộc về Trung Quốc". [5]
Tờ báo này viết:
"Triều Tiên tiếp tục tin tưởng mù quáng rằng, cứ có tên lửa đạn đạo bắn sang được đất Mỹ là nắm chắc chìa khóa vận mệnh quốc gia, nên mới bất chấp tất cả để phát triển thứ vũ khí này, không coi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra gì.".
Thời báo Hoàn Cầu nhắc lại, Trung Quốc rất ít lựa chọn, vừa bất lực trong việc ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí này, vừa không thể thay đổi chính sách gây áp lực của Mỹ, không ngăn được Hàn Quốc bố trí THAAD.
Nhưng lợi ích quốc gia của Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên lại nằm ở 3 phương diện:
Một là, Triều Tiên hay Mỹ - Hàn không được làm ô nhiễm hạt nhân vùng Đông Bắc Trung Quốc.
Đây là giới hạn đỏ với Bắc Kinh, dù Bình Nhưỡng hay Washington-Seoul vượt giới hạn này, Trung Quốc sẽ đáp trả quyết liệt.
Hai là, Trung Quốc hiện nay và sau này đều không chấp nhận Mỹ bố trí THAAD ở Hàn Quốc.
Ba là, Trung Quốc phản đối việc làm loạn, gây chiến trên bán đảo Triều Tiên và sẽ có hành động, chứ không chỉ nói suông. [5]

Bình Nhưỡng đòi Mỹ quỳ xuống xin lỗi, Donald Trump úp mở khả năng chiến tranh

Người mở đường cho quan hệ Trung - Mỹ, cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger cũng lên tiếng về vấn đề bán đảo.
Ông được The New York Times dẫn lời nói rằng:
"Tôi tin rằng chúng ta có cơ hội tốt hơn để giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nếu trước hết chúng ta đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về những gì xảy ra sau khi chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ.
Điều đó có thể bao gồm một cam kết từ phía Hoa Kỳ, rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên sau khi chế độ tại nước này sụp đổ, để làm dịu lo ngại của Trung Quốc về việc quân đội Mỹ tiến sát biên giới.".
Kissinger đã gợi ý điều này với Ngoại trưởng đương nhiệm Rex Tillerson và các quan chức khác. [3]
Lựa chọn nào cho Tổng thống Donald Trump?
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã khẳng định lại, Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, Washington không từ bỏ cam kết với các đồng minh, đối tác trong khu vực.
Về vai trò - trách nhiệm của Trung Quốc và Nga, ông Tillerson nói:
"Với tư cách là cơ sở kinh tế chủ yếu cho Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Trung Quốc và Nga phải chịu trách nhiệm một cách duy nhất và đặc biệt, về mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với sự ổn định khu vực cũng như toàn cầu.". [3]
Vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên cũng là cú hích cho dự án xây dựng căn cứ mới cho khu gia binh Bộ chỉ huy liên quân trị giá 11 tỉ USD, cách vị trí hiện nay tại Yongsan khoảng 40 dặm (khoảng 64 km) về phía Nam.
Động thái này được cho là tránh tầm bắn của pháo binh Triều Tiên có thể đe dọa trực tiếp tính mạng của gia đình, vợ con chỉ huy và binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. [6]
CNN ngày 28/7 cũng nêu ra 6 giải pháp mà Tổng thống Donald Trump có thể lựa chọn, bao gồm:
Một là, tiếp tục gây áp lực kinh tế, cấm vận và trừng phạt Triều Tiên. Tuy nhiên giải pháp này tính khả thi không cao, vì Bình Nhưỡng vẫn có kênh riêng kiếm ngoại tệ.
Hai là, dùng chiến tranh thông tin để phá vỡ thế bế quan tỏa cảng của Bình Nhưỡng, làm suy yếu sự kiểm soát của nhà nước Triều Tiên.
Tuy nhiên dù có làm được, thì việc này cũng chỉ trì hoãn, chứ không đảm bảo khả năng Bình Nhưỡng dừng lại.
Ba là, đối thoại đàm phán ngoại giao. Đầu năm nay ông Donald Trump báo hiệu sẵn sàng gặp ông Kim Jong-un trong "hoàn cảnh thích hợp".

Triều Tiên có thể được đà lấn tới, Washington vẫn làm chủ cuộc cờ

Tuy nhiên dường như Bình Nhưỡng "rút kinh nghiệm" từ Lybia và Iraq và không chịu đàm phán lúc này.
Đặc biệt là khi chứng kiến số phận của Đại tá Gaddafi và Tổng thống Saddam Hussein, ông Kim Jong-un sẽ chỉ đàm phán khi nào cảm thấy tên lửa, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên "đủ sức răn đe" Mỹ.
Bốn là, thúc đẩy chiến dịch gây áp lực quốc tế.
Điều này đã được ông Rex Tillerson thông báo ngày 3/5 với các nhân viên Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên hiệu quả của nó đến đâu thì còn phải chờ.
Năm là, thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng. Điều này được Giám đốc CIA Mike Pompeo đề xuất.
Sáu là sử dụng vũ lực, cho dù đây là giải pháp vạn bất đắc dĩ, đặng chẳng đừng. Nhưng chính quyền của Tổng thống Donald Trump nói rằng phương án này luôn luôn có trên bàn làm việc của ông chủ Nhà Trắng.
Người viết cho rằng, những diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục phản ánh cục diện cạnh tranh địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bán đảo Triều Tiên hiện nay là con đẻ của Chiến tranh Lạnh do xung đột ý thức hệ, nhưng đã liên tục biến đổi và trở thành điểm nóng toàn cầu về lợi ích siêu cường.
Phát biểu của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger ở góc độ nào đó cũng cho thấy, thực ra cái lợi ích chiến lược mà Donald Trump nhắm tới là Trung Quốc chứ không phải Bình Nhưỡng.
Khi nào Nhà Trắng nhận thấy an ninh, an toàn của nước Mỹ thực sự bị đe dọa, thì khi đó chắc chắn sẽ không có giải pháp nào bị loại trừ, kể cả tấn công quân sự.
Tài liệu tham khảo:
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Ten-lua-Trieu-Tien-moi-phong-co-the-thay-doi-co-ban-cau-truc-an-ninh-Dong-Bac-A-post178532.g
d