Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Sáu nguyên tắc gắn kết của đồng minh

Sau đây là sáu nguyên tắc có thể hướng dẫn Hoa kỳ và các đồng minh Châu Á hợp tác hiệu quả hơn.
Thứ nhất, mô hình "trục bánh xe và nan hoa" cần phải được thay thế bằng mô hình "Điểm đối điểm" hay còn gọi là mô hình "mạng lưới các đồng minh". Tất cả các đồng minh đều phải có phương tiện để tự phòng vệ ít nhất là trong một giai đoạn ngắn hoặc cùng tự bảo vệ trong một giai đoạn dài hơn, và nếu như Hoa kỳ không thể tới ứng cứu thì các đồng minh khác vẫn có thể hỗ trợ.
Thứ hai, các nước đồng minh cần hỗ trợ nhau giám sát mọi sự dịch chuyển gây mất ổn định của TQ trên biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Thứ ba, các nước đồng minh phải có đủ khả năng đảm bảo quyền tiếp cận các tuyến hàng hải quốc tế Đông - Tây và chế ngự được nó khi cần thiết.
Thứ tư, các đồng minh phải đủ khả năng để trợ giúp Hoa Kỳ triển khai lực lượng.
Thứ năm, chính phủ Mỹ cần phải thay đổi tư duy về vấn đề những hệ thống vũ khí nào thì Mỹ sẽ trực tiếp sản xuất và những công nghệ nào Mỹ có thể chuyển giao cho đồng minh. Trong một kỷ nguyên mà bất kể kẻ thù hay đối thủ nào cũng có thể thu thập được hầu như là mọi loại công nghệ mà chúng muốn có từ một hoặc vài nguồn cung cấp thì những ai trong chính phủ Hoa Kỳ xưa nay vẫn phản đối việc chuyển giao một số công nghệ cần thiết cho các nước đồng minh cần phải suy nghĩ lại.
Cuối cùng, hiện nay  một số quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có thể trở thành những đối thủ (hoặc kẻ thù) tiềm năng nên các nước đồng minh phải phát triển  nhiều phương án (trong phạm vi công ước quốc tế) để đáp trả kẻ xâm lược gây hấn nhằm ngăn chặn sự leo thang hạt nhân. Các đồng minh mạnh nhất của Hoa kỳ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ đã có đủ năng lực để thực hiện tất cả 6 mục tiêu quân sự nêu trên.
Các đồng minh nhỏ hơn hoặc yếu hơn như: Philippines và Indonesia sẽ đặt mối quan tâm hàng đầu vào năng lực chống trả sự cưỡng bức, bắt nạt, cá lớn nuốt cá bé và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. (Thái Lan có thể chưa thể tham gia vào liên minh trong tương lai gần do còn quá bận bịu về vấn đề ổn định trong nước cũng như tình hình chính trị hỗn loạn hiện nay). Hãy cùng tham khảo một trường hợp tỏ ra rất xác đáng, đó là Đài Loan:
Trong những giai đoạn hòa bình, Đài Loan dễ bị lầm tưởng như là một vùng đất có những mối quan tâm và đặc thù riêng,  bị lãng quên từ thế kỷ trước, tuy nhiên nó sẽ rất khác một khi bị tấn công. Chiến lược đe dọa quân sự của TQ chống Đài Loan, tuy nhiên có thể được áp dụng đối với các quốc gia đồng minh khác của Mỹ. Thực tế là gần đây mối quan hệ Trung - Việt trở nên căng thẳng hơn thì TQ có thể đã điều thêm nhiều lữ đoàn binh chủng tên lửa vào vị trí ngắm bắn Việt Nam. (2).
Ảnh minh họa: BBC
Trong suốt mấy thập kỷ trước Bắc kinh luôn thể hiện rõ chiến lược quân sự được ưu tiên của mình là không ngừng hăm dọa Đài Loan. Đây cũng sẽ là một cơ hội để các quốc gia đồng minh suy nghĩ một cách nghiêm túc liệu chiến lược quân sự của TQ sẽ được áp dụng ra sao để chống lại bất kỳ ai trong số họ.
Tuy nhiên đã qua rồi cái thời mà các nước đồng minh cần thảo luận về sự đe dọa Đài Loan từ phía TQ và cách ngăn chặn điều đó hiệu quả nhất ra sao; hay tránh một cuộc chiến hạt nhân mà TQ dự tính như thế nào. Đồng minh đều hiểu rằng nếu Đài Loan rơi vào tay TQ thì Châu Á sẽ bị cắt mất một nửa; sự điều hành của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương sẽ ngày càng trở nên bất lực tới mức nguy hiểm, biển Đông sẽ chỉ là cái ao nhà của TQ và Nhật Bản sẽ mất đi vị trí có tầm chiến lược.
TQ đã xây dựng tiềm lực đủ để trừng phạt năng nề Đài Loan bằng những đợt tấn công từ trên không và bằng tên lửa cũng như phong tỏa đường biển, đồng thời đang phát triển năng lực để triển khai chiến lược dùng không quân và hải quân  chống lại các cứ điểm tiền tiêu của Hoa kỳ và Nhật bản cũng như lực lượng tiếp viện được gửi đến khu vực.
Đài Loan, Nhật Bản và Hoa Kỳ là những nước giữ trọng trách chính trong việc làm thất bại nỗ lực này. Tuy nhiên Australia, Ấn Độ và có thể một số quốc gia ASEAN có thể được kêu gọi tham gia hỗ trợ thực hiện việc bao vây, phong tỏa, dọn dẹp đường hàng hải khỏi các chiến hạm TQ hoặc thực hiện các mệnh lệnh phân công khác.
Đài Loan sẽ cần bản lĩnh kiên cường để đối đầu với những đợt tấn công như vậy để chứng tỏ  rằng họ vẫn còn có thể điều hành nền kinh tế. Đài Loan cũng sẽ cần phải thể hiện một số phương tiện đánh trả vào các mục tiêu quân sự TQ như máy bay chiến đấu, tàu ngầm chạy Diesel, pháo binh và tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Cũng giống như những người khởi nghĩa đánh trả quân chiếm đóng, Đài Loan sẽ phải cho TQ thấy rằng không thể bắt hòn đảo này quỳ gối chỉ  bằng những đợt ném bom.
Để hỗ trợ Hoa Kỳ tham gia bảo vệ Đài Loan thì Nhật Bản cần trang bị thêm vũ khí hạng nặng trên chuỗi đảo Ryuku, xây thêm căn cứ không quân, nâng cấp những cái sẵn có và hình thành hàng rào chống tàu ngầm để chặn đường ra Thái Bình Dương của TQ khi hải quân TQ tìm cách ngăn chặn các lực lượng Hoa kỳ. Cuối cùng thì Nhật Bản cần xem xét việc triển khai bố trí các loại vũ khí thông thường, tàu đổ bộ và tên lửa đạn đạo của riêng mình để trả đũa TQ khi bị tấn công.
Với nhiều căn cứ không quân và quân cảng đã hoạt động nhiều năm ở Nhật Bản chính phủ Mỹ khi cần có thể gửi máy bay đến Đài Loan để thực hiện tuần tiễu trên không và đưa tàu chiến tới giúp bảo vệ hòn đảo này. Hoa Kỳ và Nhật có thể sử dụng đội tàu ngầm tấn công để bắn phá đường hàng hải và bẻ gãy mọi ý đồ bao vây eo biển Đài Loan đồng thời "đào bới" các cảng biển của TQ để kìm chân lực lượng hải quân quân giải phóng nhân dân.
Các nước đồng minh cần phát triển cách bài binh bố trận luôn biến hóa để đáp lại cuộc tấn công vào Đài Loan trước khi phải dùng đến các biện pháp kể cả các hành động bằng không quân hạn chế nhằm chống lại phần Đại lục có vũ khí hạt nhân. Nếu các lực lượng quân đội thông thường của Hoa Kỳ và Nhật Bản tỏ rõ rằng họ sẵn sàng tự đặt mình vào giữa Đài Loan và quân đội TQ bằng những đội hình phi cơ chiến đấu tuần tiễu trên không cùng sự có mặt trên hòn đảo và hoạt động chống trả lại sự bao vây, phong tỏa  thì khi đó, TQ sẽ phải suy nghĩ hai lần trước khi tấn công hòn đảo. Sự dịch chuyển nhanh chóng các lực lượng chiến đấu tới eo biển Đài Loan sẽ gửi tới TQ một thông điệp rõ ràng: nếu TQ tấn công Đài Loan, TQ sẽ sa lầy trong một cuộc xung đột dai dẳng và đau đớn.
Còn một phương án nữa đó là bao vây, phong tỏa từ xa con đường giao thương  hàng hải của TQ  trên Ấn Độ dương , điều này cũng tương đương với việc đóng cửa một ngả giao thương trọng yếu của TQ. Các hành động này chỉ có thể được tiến hành khi Nhật, Mỹ, Australia và Ấn Độ cùng hợp tác. Hình thức dụng binh theo lối "leo thang bề ngang" này có thể buộc TQ từ bỏ việc tấn công Đài Loan và Nhật Bản mà không cần tới Hoa kỳ phải gia tăng sự đánh trả bằng vũ khí thông thường.
Có thể Đài loan luôn đứng đầu bảng  bị đe dọa của TQ, tuy nhiên Bắc kinh cũng chứng tỏ rằng họ không do dự đe dọa các láng giềng khác. Do vậy các quốc gia đồng minh cần phải lấy Đài loan như một bài học thực tế về cách chống lại các loại chiến lược đe dọa láng giềng của TQ. Chỉ tính có 2 năm gần đây, Bắc Kinh đã  gia tăng các cuộc tranh chấp  với Nhật ở biển Đông Trung hoa, với Việt Nam ở biển Đông, với Ấn Độ ở Arunal Pradesh và với Indonesia ở quần đảo Natuna.
Một số chiến lược mà Nhật đã chuẩn bị để dùng vào việc bảo vệ Đài Loan bị tấn công cũng có thể sẽ hữu ích cho những trường hợp khác xảy ra. Nếu Nhật quân sự hóa đảo Ryuku và mở rộng căn cứ tàu ngầm cũng như tăng cường năng lực tấn công bằng vũ khí thông thường thì sẽ là bước chuẩn bị tốt nhằm chống trả lại những ý đồ tàn phá của TQ nhằm gây áp lực cho những yêu sách của họ ở biển Đông Trung Hoa.
Bằng việc nâng cấp các căn cứ quân sự sẽ có nhiều lực lượng không quân hơn có thể xuất phát trên vùng trời bán đảo và Nhật bản sẽ tham gia nhiều hơn vào việc bảo vệ Hàn quốc. Sự hợp tác chặt chẽ hơn với hải quân Hàn Quốc sẽ giúp lực lượng hải quân phòng vệ Nhật bản giữ gìn những hành lang trên biển bao quanh Hàn quốc luôn được thông thoáng.
Cuối cùng, với lực lượng tàu ngầm mạnh, các tàu khu trục trang bị hệ thống bảo vệ Aegis có tên lửa chống hạm , các chiến đấu cơ tàng hình và các loại tàu nhỏ tấn công nhanh, Nhật Bản có khả năng giữ cho thông thoáng (hoặc phong tỏa lại khi cần) con đường hàng hải huyết mạch nối với biển biển Đông- ND), eo biển Malacca và  Lombok.
Với những khả năng như vậy Nhật bản có thể ngăn chặn hải quân TQ không cho tiếp cận một số tuyến hành lang huyết mạch trên biển trong trường hợp xảy ra xung đột (tất cả những hoạt động nêu trên của Nhật chỉ có thể thực hiện được nếu những nỗ lực chính trị nội bộ nhằm bãi bỏ những ràng buộc tự đặt ra về hoạt động tự phòng vệ tập thể thành công, tất nhiên đây là một bài toán không dễ).
Việc Ấn Độ và Australia tiến hành phong tỏa và xua đuổi tầu ngầm và tàu chiến TQ tại các điểm trung chuyển hàng hải ở khu vực Đông Nam Á sẽ nâng cao lợi ích chiến lược của họ ngoài phạm vi câu chuyện về kịch bản  Đài Loan. Ấn Độ rõ ràng không muốn sự có mặt của TQ ở Ấn Độ Dương. Với hạm đội tàu ngầm, các khu trục hạm, tàu sân bay, chiến đấu cơ và các phương tiện C4ISR đã triển khai tại các đảo Nicobar và Andaman Ấn Độ có thể hợp tác với Nhật bản, Mỹ và Australia để ngăn chặn mọi mưu đồ  của TQ nhằm bao vây hoặc khống chế trên biển. Canbera cũng mong muốn củng cố vị trí chiến lược của mình khi có được hiệu quả cao hơn trong việc khống chế, phong tỏa và tấn công trên biển.
CÁC TRƯỜNG HỢP CÓ THỂ XẢY RA KHÁC
Một Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân đang đặt ra cục diện đe dọa chủ yếu đối với Hàn quốc. Trong những hoàn cảnh nhất định thì bán đảo lại có thể trở thành bãi chiến trường nơi các sức mạnh khủng khiếp gặp nhau. Căn cứ vào sự kiện gần đây quân đội bắc Triều Tiên bất ngờ pháo kích giết hại binh lính và dân thường vô tội Nam Hàn chính phủ nước này sẽ phải phục hồi lại hệ thống phòng thủ và tấn công đáp trả Bình Nhưỡng trang bị vũ khí thông thường. Hàn Quốc không nhất thiết phải xin phép Hoa Kỳ để triển khai các hoạt động trả đũa cường độ thấp dưới nước, trên không, có sử dụng các lực lượng bí mật và đặc nhiệm (tất nhiên do Washington đảm bảo vấn đề hạt nhân nên Sêul cần thỏa thuận về những động thái mang tính rủi ro cao).
Có hai kịch bản liên quan đòi hỏi sự trao đổi bàn bạc giữa các đồng minh.
Thứ nhất, đó là trường hợp tấn công Hàn Quốc và Nhật Bản với cường độ mạnh hơn các lần trước. Tình thế này đòi hỏi Washington và Tokyo phải hợp tác nhằm đánh đuổi sự xâm phạm lãnh thổ, đáp trả lại hàng phòng ngự bằng tên lửa, đảm bảo việc ngăn ngừa vũ khí hạt nhân và ngăn cản con đường giao thương của bắc Triều Tiên trên biển.
Trong kịch bản thứ hai, đó là chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ khiến Bắc Kinh phải đơn phương gửi quân tới bán đảo Triều Tiên. Kịch bản này có thể dẫn tới việc nhiều nước đồng minh phải gửi một thông điệp rõ ràng, không mập mờ rằng họ mong muốn một bán đảo Triều Tiên thống nhất dưới sự điều hành của Sêul. Một mạng lưới được phối hợp nhịp nhàng giữa các quốc gia đồng minh sẽ huy động lực lượng một cách hiệu quả và cho TQ thấy rằng những hành động thiếu tính toán sẽ phải trả giá đắt.
Việc TQ quấy rối  các tàu của Việt Nam trên biển Nam Trung Hoa (biển Đông - ND ) và các tàu đánh cá của Indonesia trong  hải phận Indonesia đã cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng gây áp lực để thỏa mãn những đòi hỏi ngông cuồng về biển, đảo. Việt Nam có thể đối phó với sự đe dọa này bằng cách vũ trang cho hải quân nhiều tàu chiến loại nhỏ và các tàu ngầm có lắp tên lửa đối hạm, đồng thời nâng cao tính kết nối giữa hỏa lực phòng không và tấn công trên biển.
Trong khi mối quan tâm chính của Indonesia là vấn đề toàn vẹn lãnh thổ và sự an toàn của các hành lang giao thương trên biển , chẳng hạn như eo biển Malacca và Lombok thì những vụ cướp bóc, đột nhập của TQ ngay bên trong và  lân cận lãnh hải Indonesia đang làm cho cuộc sống của quốc gia này càng thêm khó khăn. Như Nhật bản và Việt Nam đã trải nghiệm , sự đột nhập và cướp bóc của TQ sẽ nhanh chóng xoay chuyển thành thái độ ép buộc và đe dọa.
Trước khi điều đó xảy ra,  Washington và Jakarta cần phải lên kế hoạch để làm sao cơ quan tình báo Indonesia có một bức tranh chính xác hơn về vùng biển và vùng trời của mình. Từ đó mới có thể tổ chức bảo vệ hải phận bằng tàu khu trục,  tàu hộ tống và các lực lượng tấn công đường biển khác. Indonesia có đầy đủ tiềm năng để trở thành một thế lực xứng tầm nhất Đông Nam Á , tuy nhiên những thói quen cũ rất khó mất đi.
Mặc dù chính quyền Obama đã hứa hẹn dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Jakarta nhưng quá trình này vẫn diễn ra với những bước tiến như sên bò. Do hệ thống hộ trợ an ninh trục trặc của Mỹ mà cho tới giờ Indonesia vẫn chưa thể có được các phương tiện để lập cầu hàng không - một thứ rất cấn thiết cho đất nước bao gồm tới 17.000 hòn đảo. Điều này đã khiến cho chính sách hỗ trợ an ninh và công nghiệp quốc phòng của Mỹ bị mắc kẹt trong trạng thái của thời dĩ vãng.
CHÍNH SÁCH CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG VÀ HỖ TRỢ AN NINH
Để Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu , điều cần phải làm là thay đổi chính sách phát triển ngành công nghiệp  và công nghệ phục vụ quốc phòng. Những nhiệm vụ chung sẽ được thực hiện tốt hơn nếu như các nước đồng minh có những năng lực tương đương và được hỗ trợ bởi những hình ảnh hướng dẫn vận hành thống nhất. Hoa Kỳ có khả năng trợ giúp to lớn trong cả hai lĩnh vực, tuy nhiên để thành công việc đầu tiên phải làm là đổi mới cơ bản chính sách.
Ngày nay, các đối thủ (hoặc kẻ thù) có thể tìm kiếm được hầu như mọi loại công nghệ mà chúng muốn, do đó tính cân bằng rủi ro trong quản lý xuất khẩu đã thay đổi tận gốc rễ. Sẽ rủi ro hơn không phải là vì không bán F- 22s cho Nhật hay F- 16s cho Đài Loan và do không có một liên minh rộng rãi cho chương trình C4ISR. Trong môi trường mới hôm nay, điều giả định về mua bán vũ khí luôn nghiêng về câu " YES' (có- ND) thay cho câu " NO" (không- ND ) một cách thuyết phục.
Chính phủ Mỹ cũng cần sẵn sàng tiếp nhận và bán cho các nước đồng minh những phương tiện  phù hợp với khả năng sử dụng và nhu cầu của họ. Ví dụ như chương trình trang bị chiến hạm vùng duyên hải cần phải tách ra từng phần cho phù hợp với từng quốc gia đồng minh Châu Á. Các chiến hạm phải nhỏ hơn, ít "mạ vàng" hơn và có khả năng linh hoạt hơn.
Hoa Kỳ cũng nên xem xét lại quyết định từ bỏ hoàn toàn  việc sản xuất tàu ngầm chạy Diesel , đặc biệt là khi tất cả các đồng minh đều đang sử dụng chúng và đội tàu ngầm chạy Diesel của TQ vẫn là một mối rủi ro to lớn đối với lực lượng hải quân Mỹ ở vùng Thái Bình Dương. Từ bỏ loại chiến đấu cơ cất cánh ,hạ cánh mà chỉ  cần đường băng ngắn F-35 cũng là một điều không khôn ngoan và thiếu thận trọng. Ở khu vực Châu Á nơi mà hỏa lực tên lửa của TQ có thể cắt ngang tầm cất cánh-hạ cánh thì rõ ràng cần phải có những phương tiện khác nữa. Hiện nay đang có nhu cầu rất lớn đối với các công nghệ do thám mới và tên lửa phòng thủ, từ máy bay do thám không người lái tới các loại vũ khí năng lượng cao.
Á Châu là một trong những thị trường vũ khí lớn nhất thế giới và cũng là nơi Hoa Kỳ có lợi ích chiến lược khi ở vị trí chiếm ưu thế vượt trội. Không có thế lực nào trong khu vực Châu Á - Thái bình dương có lợi khi nước Nga vượt trội hơn Hoa Kỳ về bán vũ khí. Điều này dễ hiểu vì nó không thúc đẩy các hoạt động tác chiến của liên minh hoặc củng cố khả năng tự vệ trong khu vực.
Quá trình hiện đại hóa quân đội TQ  cho thấy chiến lược quân sự của Hoa Kỳ sau Thế chiến II ở Châu Á nay đã lỗi thời. Chiến lược đó nhìn nhận các đồng minh như những đại diện của phe thiểu số, ngoại trừ Australia. Trong quá khứ Hoa Kỳ chỉ cần các đối tác chủ yếu về căn cứ đóng quân mà không phải là một bộ phận gắn kết hữu cơ của một liên minh. Tuy vậy, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là những ví dụ  thành công cho quan điểm truyền thống của Mỹ. Các quốc gia đó nay đã trở thành những thế lực mạnh có đủ khả năng độc lập tự bảo vệ mình và đóng góp cho an ninh khu vực. Cả hai quốc gia đó cần có sức mạnh và tư duy mới để có thể hành động độc lập về vấn đề phòng thủ của mình trong khi vẫn tận dụng được sự bảo trợ mang tính nền tảng của Hoa Kỳ.
Sêul và Tokyo do đó cần hình thành một liên minh 3 bên với Washington đóng vai trò như viên gạch làm nền móng cho mạng lưới an ninh Á Châu mới. Nên nhớ lại rằng Pháp và Anh đã tiếp nhận Đức vào NATO  chỉ có vài năm sau khi chủ nghĩa phát xít  bị đánh bại. Nước Nhật quân phiệt, đế quốc đã lùi vào dĩ vãng nhiều thập kỷ nên chắc chắn là Nam Hàn có thể vứt bỏ những nghi kỵ về người hàng xóm của mình và giúp Nhật tham dự vào hệ thống đồng minh Châu Á. Một khi Hàn Quốc đi theo hướng đó thì các quốc gia đồng minh Á Châu khác sẽ noi theo.
Tất nhiên sẽ có nhiều cản trở khi hình thành một liên minh vừa mang tính độc lập lại vừa mang tính  gắn kết giữa các thành viên. Napoleon đã từng nói :" người lính cần phải cùng nhau ăn súp đủ lâu trước khi họ có thể cùng nhau chiến đấu ". Nói như vậy để thấy các quốc gia đồng minh phải cùng xây dựng những thói quen của sự hợp tác, khắc phục những sự nghi kỵ và tập trung ý chí để vượt qua sự chống đối của TQ (có lẽ  yêu cầu cuối này cần phải áp dụng nhiều nhất cho chính Washington). Các nhà lãnh đạo của Hoa kỳ cần thay đổi những giả định đã lỗi thời của mình về việc cần sản xuất phương tiện quân sự nào, mua và bán cái gì cho đồng minh. Sách lược quân sự của Mỹ cần phải được điều chỉnh. Quá trình hiện đại hóa quân đội của TQ đang cho thấy một điều là tất cả chúng ta sẽ gặp nhiều rủi ro hơn nếu những lợi ích đáng kể của trật tự hình thành sau thế chiến II vẫn được bảo lưu.
Có lẽ trở ngại lớn nhất lại là chính việc chính quyền Hoa Kỳ đã bị xúi giục rút bớt quân ở nước ngoài về trong khi TQ lại tăng cường sự hiện diện. Không có gì lại có thể làm thương tổn an ninh Châu Á hơn thế. Các đồng minh sẽ bị xúi giục trang bị vũ khí hạt nhân và Mỹ sẽ khó khăn hơn khi muốn tiếp cận khu vực Châu Á trong những giai đoạn có  khủng hoảng xảy ra. Và, nếu như quá tự tin vào chiến lược tấn công tầm xa thì Washington sẽ tự thấy bị bó tay trong trường hợp TQ tấn công hạn chế mang tính chất "phẫu thuật".
Đúng ra, Mỹ cần tiếp tục cam kết và các lực lượng Hoa Kỳ vẫn phải ở nguyên vị trí như họ đã làm ở Châu Âu trong thời kỳ chiến tranh lạnh, bất chấp chiến lược không tiếp cận gần nhưng với những đồng minh có năng lực hơn và khả năng phòng vệ mạnh mẽ hơn.
Chính sách của Washington từ thời chính quyền Nixon đã chào đón Bắc Kinh tham gia vào hệ thống quốc tế. Điều đáng buồn là Bắc kinh nhận lời mời, nhưng ngay lập tức đã tham gia vào một cuộc chạy đua quân sự với Hoa kỳ (thời gian đầu còn kín đáo theo lối "ẩn mình chờ thời" như binh pháp Tôn Tử vẫn dạy - ND).
Hành động này rõ ràng đã phá hoại ngầm hệ thống an ninh hình thành sau thế chiến II mà chính TQ đã được hưởng lợi rất nhiều. Cạnh tranh hay chạy đua quân sự không nên dẫn tới xung đột và ưu thế lớn nhất của Washington chính là tập hợp được các nước đồng minh có năng lực đáng kể. Giờ đây là lúc cần phải giúp đỡ họ trở nên mạnh mẽ hơn như một tổng thể gắn kết chứ không phải là tổng của những phần rời rạc.
--------------------
Tài liệu tham khảo:
"1Blair, "Military Power Projection in Asia", in Ashley J. Tellis, Mercy Kuo and Andrew Marble, eds.,Strategic Asia 2008: Challenges and Choices (National Bureau of Asian Research, September 2008).2See Mark Stokes and Tiffany Ma, "Second Artillery Anti-Ship Ballistic Missile Brigade Facilities under Construction in Guangdong?" Asia Eye, Project 2049, August 3, 2010.
  • TS. Phạm Gia Minh dịch từ American Interests" số tháng 5-6 /2011 


Nguồnhttp://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-06-28-sau-nguyen-tac-gan-ket-cua-dong-minh-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét