Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Quân đội Trung Quốc nhận lệnh sẵn sàng chiến đấu

(VnMedia) - Các quan chức ngoại giao và quốc phòng cấp cao của Mỹ và Philippines mấy ngày nay đang bàn bạc về việc tăng số lượng tàu chiến, máy bay và binh lính Mỹ đóng luân phiên tại Philippines. Trong khi đó, Trung Quốc ra lệnh cho quân đội chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đấu tranh. Các động thái trên của Manila và Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh hai nước đang có cuộc tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng ở Biển Đông.

Các quan chức cấp cao Mỹ và Philippines hôm qua (12/12) đã có cuộc gặp ở thủ đô Manila để thảo luận về việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác hàng hải, quốc phòng, an ninh và kinh tế. Giới quan chức quân sự và ngoại giao Philippines cho biết, họ chờ đợi thêm nhiều tàu, máy bay và binh lính Mỹ đến nước họ tập trận và tham gia các chiến dịch nhân đạo cũng như cứu trợ thảm họa.

"Những gì mà chúng tôi đang thỏa luận là tăng cường sự hiện diện luân phiên của các lực lượng Mỹ”, ông Carlos Sorreta – Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, cho các phóng viên biết. Theo tiết lộ của ông Sorreta, Mỹ và Philippines sẽ phê chuẩn một kế hoạch tập trận chung 5 năm trong tuần này.

Hiện tại, quy mô của việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Philippines vẫn chưa được quyết định. Thứ trưởng Quốc phòng Philippines – ông Pio Lorenzo Batino cho biết, hai nước sẽ có “nhiều cuộc thảo luận” về một khung quy chế mới cho phép Washington đưa thêm nhiều thiết bị quân sự vào Philippines.
 
 Ảnh minh họa
 Từ năm ngoái đến nay, Mỹ đang tăng cường sự hiện diện quân sự ở Châu Á.

"Hiện chúng tôi chưa thảo luận những chi tiết cụ thể... Những vấn đề đó sẽ được quyết định bởi các nhóm làm việc”, Thứ trưởng Batino cho biết tại một cuộc họp báo.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell cho biết, mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines đang trong “thời kỳ phục hưng”.

Philippines cho biết, họ muốn được chuẩn bị ở một tư thế tốt hơn để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Một quan chức ngoại giao Philippines hồi đầu tuần này đã khẳng định, Manila coi Mỹ như là một bên có thể giúp họ có được vị thế, tư thế tốt hơn như mong muốn. Trong khi Mỹ tuyên bố duy trì lập trường trung lập trong các tranh chấp ở Biển Đông thì nước này vẫn đưa ra những tư vấn về quốc phòng cho Philippines theo Thỏa thuận Quốc phòng Chung mà hai nước đã ký với nhau.

Việc Mỹ đẩy mạnh sự hiện diện quân sự ở Philippines diễn ra trong bối cảnh Australia và nhiều khu vực khác ở Châu Á đã và đang chứng kiến sự xuất hiện dày đặc hơn của tàu chiến, máy bay và binh lính Mỹ dưới cái gọi là chiến lược “chuyển hướng trọng tâm” về khu vực. Mỹ đã tuyên bố quay trở lại Châu Á-Thái Bình Dương từ hồi cuối năm ngoái.

Ông Tập Cận Bình ra lệnh cho quân đội sẵn sàng chiến đấu

Lo ngại về những ý định của Washington, Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh của quân đội nước này.

Mặc dù không ám chỉ trực tiếp đến các tranh chấp lãnh thổ hiện này ở Biển Đông nhưng tân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc – ông Tập Cận Bình mới đây đã kêu gọi quân đội chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến đấu.

Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã ra lệnh cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) tăng cường ý thức “chiến đấu thực sự” để duy trì khả năng sẵn sàng.
 
 Ảnh minh họa
 Ông Tập Cận Bình trong chuyến đi thị sát đến căn cứ quân sự ở Quảng Châu.

Theo một thông cáo báo chí được giới chức quân sự Trung Quốc phát đi ngày hôm qua (12/12), ông Tập Cận Bình đã đưa ra mệnh lệnh trên trong chuyến đi thị sát từ ngày 8 đến 10/12 đến một căn cứ quân sự ở tỉnh Quảng Châu.

Là Chủ tịch Ủy ban Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cũng chính là Tổng Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang Trung Quốc. Với 2,3 triệu binh lính, quân đội Trung Quốc là lực lượng lớn nhất thế giới.

Ông Tập Cận Bình kêu gọi các sĩ quan PLA áp dụng các tiêu chuẩn chiến đấu thật sự trong đào tạo binh lính đồng thời tăng cường sự sẵn sàng cũng như nhận thức của các binh lính.

Tân Tổng Bí thư Trung Quốc cũng tái khẳng định, nhiệm vụ then chốt của PLA là củng cố khả năng phát động các cuộc chiến tranh khu vực trong Thời đại Thông tin và tiến hành các chiến dịch quân sự đa dạng.

"Hãy khắc ghi trong tâm trí một điều, việc tuân theo sự chỉ đạo của Đảng là linh hồn của quân đội. Ưu tiên hàng đầu của quân đội là có thể chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến. Điều cơ bản là quân đội phải củng cố sức mạnh thông qua việc quản lý binh lính trong sự khắc nghiệt và theo luật pháp để tăng cường sự phát triển của lực lượng, củng cố lòng trung thành với đảng, đẩy mạnh hiện đại hóa và tính chính quy trong quân đội", ông Tập Cận Bình đã phát biểu như vậy với các sĩ quan ở căn cứ Quảng Châu.

Trong chuyến đi thị sát nói trên, ông Tập Cận Bình đã ăn trưa trên tàu khu trục Haikou cùng với các thủy thủ. Ông này cũng kiểm tra một xe thiết giáp và thị sát một cuộc tập trận.

Việc Philippines hối hả thúc đẩy các hoạt động thắt chặt mối quan hệ quân sự với Mỹ, mở rộng cánh cửa cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở nước này, và sự kiện ông Tập Cận Bình kêu gọi quân đội sẵn sàng chiến đấu diễn ra trong cùng một thời điểm khi mà Manila và Bắc Kinh đang đối đầu căng thẳng với nhau vì tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Cả Philippines và Trung Quốc đều không ám chỉ gì đến những tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông hiện nay nhưng giới phân tích tin rằng, các động thái của họ đều liên quan đến vấn đề này.

Kiệt Linh - (theo Reuters, THX

Bài học chiến tranh không quân NATO ở Libya


VietnamDefence - Phân tích hoạt động tác chiến của NATO trong chiến dịch không kích ở Bắc Phi.

Một năm đã trôi qua kể từ khi cuộc can thiệp quân sự vào Libya bắt đầu, nên ta đã có thể phân tích chiến thuật của liên quân NATO. Nhất là khi thấp thoáng phía trước còn hai điểm nóng nữa là Iran và Syria, nơi cũng có thể lặp lại các thủ đoạn đã được kiểm nghiệm thực tế.

Đóng vai trò then chốt trong chiến dịch Libya là các cuộc không kích của máy bay NATO. Mỹ và NATO trong 40 năm qua đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm tác chiến chống các hệ thống phòng không được xây dựng trên cơ sở các hệ thống tên lửa phòng không Liên Xô cũ kỹ S-75, S-125, S-200 và Kvadrat. Một hệ thống phòng không như thế đã bị chế áp ngon lành bởi Israel ở Li-băng, cũng như bởi lực lượng Mỹ và NATO ở Iraq và Nam Tư. Hiện nay, một hệ thống phòng không như vậy có thể coi hầu như vô dụng chống lại các quân đội hiện đại của phương Tây và nhanh chóng bị chế áp.

Lực lượng không quân NATO

Trước khi mở màn chiến dịch, NATO đã tập kết một lực lượng không quân và hải quân lớn ở tương đối gần bờ biển Libya. 25 tàu chiến và tàu ngầm của liên minh phương Tây, trong đó có 3 tàu Hải quân Mỹ trang bị tên lửa hành trình Tomahawk và các tàu hỗ trợ của các hạm đội 2 và 6 của Mỹ, bao gồm tàu sân bay USS Enterprise (CVN-65), các tàu đổ bộ chở trực thăng USS Kearsarge (LHD-3) và USS Ponce (LPD-15), kỳ hạm (tàu tham mưu) USS Mount Whitney (LCC/JCC 20). Đã thành lập một lực lượng máy bay trinh sát và tác chiến điện tử hùng mạnh.

Chiến dịch Bình minh Odyssey (Odyssey Dawn) mở đầu đêm 20, rạng sáng 21.3.2011 bằng các cuộc tấn công ồ ạt của máy bay, tên lửa vào các mục tiêu đơn lẻ trên lãnh thổ Libya.

Cuộc tấn công đầu tiên tiến hành thành 3 đợt. Trong cuộc tấn công tiếp theo, các đòn không kích chuyển thành từng loạt thực hiện cả ban đêm lẫn ban ngày. Mục tiêu chính của đồng minh NATO là các hệ thống tên lửa phòng không S-200 của quân đội Gaddafi có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở tầm 300 km và gần 50 tên lửa phòng không Kub, loại đã được phòng không Serbia sử dụng bắn rơi một tiêm kích F-16 của Mỹ năm 1995.

Hệ thống phòng không tích hợp của Libya, cũng giống như ở Iraq, có gần 30 bệ phóng tên lửa đất đối không, được kết nối với 15 hệ thống radar cảnh báo sớm trên bờ Địa Trung Hải.

Theo Lầu Năm góc, chúng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với máy bay quân sự nước ngoài ở trong không phận Libya hoặc ở gần đó.

Đặc điểm tác chiến của không quân NATO

Ngày 31.3.2011, chiến dịch Odyssey Dawn đã kết thúc khi chiến dịch United Protector (Người bảo vệ thống nhất) bắt đầu. Trên thực tế, Libya đã biến thành trường thử để các vũ khí mới của NATO thử nghiệm chiến đấu. Ví dụ, lần đầu tiên được thử nghiệm là tên lửa hành trình chiến thuật Tomahawk Block IV, tiêm kích đa năng Eurofighter Typhoon của Không quân Anh, một trong những máy bay hiện đại nhất hiện nay.

Các máy bay Tornado đã tấn công bằng các tên lửa hành trình Storm Shadow. Ngày 29.3, đã lần đầu tiên sử dụng trong điều kiện chiến đấu máy bay chi viện hỏa lực cho lục quân được vũ trang hạng nặng АС-130U. Lần đầu tiên thể hiện mình là máy bay tác chiến điện tử trên hạm EA-18G Growler của Hải quân Mỹ khi tham gia rải nhiễu chống các radar của Libya.

Các đòn không kích của NATO (ảnh chụp từ một tiêm kích Tornado)

Đêm mồng 3, rạng sáng mồng 4.6, lần đầu tiên các trực thăng Apache của Không quân Anh triển khai trên tàu sân bay trực thăng HMS Ocean (L12) và các trực thăng Pháp Tiger và Gazelle tham chiến.

Một đặc điểm khác sử dụng chiến lược không quân NATO là vũ khí xuyên giáp có uranium nghèo. Các loại đạn này đã được sử dụng chủ yếu trong ngày đêm đầu tiên của chiến dịch ở Libya. Một số quả bom ném xuống Libya có trọng lượng gần 2 tấn. Các tên lửa chính xác cao AASM của Pháp đã được sử dụng để tiêu diệt một đoàn xe thiết giáp ở khu vực Benghazi, miền đông Libya. Chúng cũng được dùng để tiêu diệt một hệ thống tên lửa phòng không S-125. Hơn nữa, tên lửa được phóng từ ngoài tầm bắn hiệu quả của S-125.

Sử dụng tên lửa hành trình
Tên lửa hành trình Tomahawk
Cuộc tấn công vào Libya mở màn bằng các tên lửa hành trình phóng từ biển và từ máy bay.

Ngày 19.3, các tàu hải quân Mỹ và Anh đã phóng tổng cộng 112 tên lửa hành trình Tomahawk và theo thông báo đã tiêu diệt 20/22 mục tiêu bị tấn công.

Sau đó, tên lửa hành trình được phóng với số lượng ít hơn nhiều. Được chọn làm mục tiêu cho tên lửa hành trình tấn công tiêu diệt là các sở chỉ huy quân chính phủ, dinh thự của ông Muammar Gaddafi, Bộ Tư lệnh Không quân Libya ở Mitiga ở phía đông Tripoli, căn cứ không quân Ghardabiya, các đầu mối thông tin và căn cứ hải quân, các rada phòng không và các cơ sở thông tin liên lạc, các vị trí đóng quân và triển khai quân đội trung thành với ông Gaddafi, các đại đội tên lửa chống hạm cơ động.

Các tên lửa Tomahawk đã được phóng từ 5 tàu Mỹ, trong đó có 2 tàu tuần dương và 3 tàu ngầm thuộc lực lượng Hải quân Mỹ hoạt động ở Địa Trung Hải (cách đường bờ biển 50-150 km).

Hoạt động không kích của máy bay ném bom chiến lược Mỹ

Các máy bay ném bom chiến lược tàng hình В-đã không kích sân bay chính của Libya, cách không xa Tripoli, tiêu diệt các hăng-ga kiên cố chứa các máy bay tiêm kích và máy bay ném bom của Không quân Libya bằng bom có điều khiển.

B-2 đã thả 40 quả bom xuống mục tiêu chiến lược này. Các máy bay ném bom đã bay liên tục 25 giờ, 4 lần được tiếp dầu trên không.

Các máy bay В-2 được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu quan trọng nhất ở Libya. Chúng đã không kích bằng các quả bom có điều khiển cỡ 2.000 bảng (907 kg) GBU-31B/ JDAM. Theo Bộ Chỉ huy Không quân Mỹ, tất cả các mục tiêu dự định đã bị tiêu diệt với độ chính xác yêu cầu.

Các máy bay B-2 có hiệu quả sử dụng cao nhờ khả năng điều chỉnh nhiệm vụ bay ngay khi đang bay trên không và khả năng lập trình lại cho các quả bom mang theo để tấn công các mục tiêu khác mà chúng được chỉ định trong thời gian thực.

Tính chất hoạt động tấn công của không quân
Hoạt động tấn công của Không quân Pháp và Không quân Mỹ diễn ra theo đúng quy trình chuẩn. Trinh sát sơ bộ - lập khu vực kiểm tra thường xuyên bằng các máy bay chỉ huy/báo động sớm - tiến vào khu vực mục tiêu - rải nhiễu tại các tuyến hỏa lực hiệu quả của phòng không Libya - phân phối các mục tiêu - tấn công - rút lui.

Trong chiến dịch ở Libya, người ta đã thao dượt các kịch bản chiến thuật khác nhau cho máy bay Typhoon, rèn dũa việc bảo đảm chỉ thị mục tiêu bằng laser đối với các mục tiêu mặt đất được chọn để tiêu diệt. Mặc dù các phi công lái loại máy bay này có khả năng độc lập chỉ thị mục tiêu bằng laser, nhưng đa số các phi vụ chiến đấu được thực hiện bằng các biên đội 2 máy bay: một chiếc Typhoon cộng với một chiếc Tornado, khi một máy bay tiến hành dẫn vũ khí bằng laser, còn chiếc thứ hai tấn công vào mục tiêu đã định. Điều đó đã cho phép bộ chỉ huy không quân huy động nhiều loại vũ khí hàng không, trong khi giữ lại được các vũ khí chính xác đắt tiền nhất để thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi bảo đảm gây tổn thất phụ nhỏ nhất.

Các mục tiêu tấn công của không quân NATO là: các trận địa quân đội chính quy Libya, các sở chỉ huy và đầu mối thông tin của quân đội Libya, các phương tiện phòng không, các lực lượng quân đội rút về các khu vực miền bắc Libya, các bệ phóng tên lửa chiến dịch-chiến thuật, các cơ sở sản xuất và cất giữ vũ khí, đạn dược thông thường, tòa nhà trung tâm thông tin và khu nhà chính phủ ở Tripoli, tòa nhà nghị viện, tình báo quân sự, đài phát thanh quốc gia và hãng thông tấn, tổ hợp khu dinh thự kiên cố Bab al-Azizia, các sân bay, hệ thống radar của sân bay Tripoli, trạm radar gần thành phố Marsa al-Brega, các hệ thống cấp điện. Rõ ràng là không phải ngẫu nhiên mà tòa nhà đại sứ quán CHDCND Triều Tiên đã bị tấn công.

Hoạt động của máy bay trinh sát
Máy bay trinh sát điện tử RC-135Rivet Joint
Ở giai đoạn đầu chiến dịch, người ta đã huy động ít nhất là 5 máy bay trinh sát của các nước NATO.

Các máy bay trinh sát điện tử RC-135 Rivet Joint làm nhiệm thu chặn thu các cuộc gọi của quân đội Libya và truyền thông tin nhận được tới máy bay không người lái (UAV) Global Hawk đang tuần tiễu ở độ cao lớn.

Chiếc UAV chĩa khí tài theo dõi vào địa điểm đóng quân của các đơn vị tăng-thiết giáp và xác định các tọa độ tương đối của nó, sau đó truyền thông tin tọa độ cho các chuyên gia phân tích ở trung tâm mặt đất, rồi họ gửi thông tin đến sở chỉ huy để đưa ra thông tin chỉ thị mục tiêu.

Từ đó, các tọa độ được gửi lên một máy bay chỉ huy/báo động sớm E-3 Sentry, để máy bay này dẫn các tiêm kích F-16, Harrier và các máy bay chiến đấu khác hay các UAV tiến công đến các mục tiêu.

Chưa bao giờ có một số lượng trang bị kỹ thuật không quân đủ loại và hiện đại như thế được sử dụng với cường độ cao như vậy và đồng thời trong một chiến dịch quân sự, điều đó đặt ra những yêu cầu cực kỳ cao về chất lượng hoạt động của các hệ thống chỉ huy, và trước hết là các hệ thống, tự động hóa chỉ huy, thông tin và trinh sát cấp chiến thuật.

Đánh nhầm quân nhà và dân thường Libya
NATO trong những năm gần đây đã chú trọng ứng dụng các phương tiện kỹ thuật để loại trừ tổn thất bởi hỏa lực quân nhà. Vì thế việc xảy ra các cuộc không kích vào dân thường và quân nhà trong điều kiện gần như hoàn toàn không có đối kháng là điều kỳ lạ và không thể tha thứ đối với liên quân được trang bị những phương tiện trinh sát hiện đại nhất.

Dưới đây là một số ví dụ. Nạn nhân của bom đạn NATO ở khu vực thành phố Marsa al-Brega nằm cách Tripoli 800 km về phía đông là hai tay súng nổi dậy và hai bác sĩ, 14 người bị thương và 6 người mất tích. “Chúng tôi đã cảnh báo trước NATO là chúng tôi đưa các xe tăng từ Benghazi tiến đến Ajdabiya, còn sau đó là đến Marsa al-Brega. Nếu đây là cuộc tấn công của NATO, thì đó là sai lầm, mà đúng hơn là “hỏa lực quân nhà””, một đại diện quân nổi dậy phát biểu sau cuộc tấn công.

Trong một cuộc tấn công bằng tên lửa của trực thăng NATO ở ngoại ô Benghazi, hạ tầng của một công ty quân sự tư nhân Pháp mà quân nổi dậy thuê mướn đã bị tiêu diệt. Người ta không nói có bao nhiêu người chết do cuộc tấn công này, chỉ biết rằng xác của họ đã lập tức được một trực thăng quân sự chuyển về Pháp.

Ngày 6.8, các đại diện quân nổi dậy Libya tuyên bố rằng, các lực lượng NATO đã tiêu diệt một đoàn vận tải vũ khí chạy từ nước Chad láng giềng. Đoàn vận tải gồm 100 lạc đà và đang chở các súng máy hạng nặng, cối và đạn dược. Đòn không kích nhằm vào đoàn vận tải xảy ra trong sa mạc, cách biên giới Chad 100 km. “Những con lạc đà cháy thui, tất cả vũ khí bị hủy diệt” - quân nổi dậy cho biết.

Ngày 8.8, tên lửa đã rơi xuống các nhà ở và một bệnh viện ở làng Madjer gần Zlitan (cách Tripoli 160 km về phía đông). Tổng cộng, đã có 20 đàn ông, 32 phụ nữ và 33 trẻ em thiệt mạng trong vụ này.

Theo Hội Chữ thập Đỏ Libya, hơn 1.100 dân thường đã bị giết bởi các vụ oanh kích của NATO, trong đó có 400 phụ nữ và trẻ em. Từ ngày 19.3, khi không kích bắt đầu, đến ngày 26.3, đã ghi nhận có 718 dân thường bị chết và 4.067 người bị thương, 433 người trong số đó bị thương nặng.

Bộ trưởng y tế trong Hội đồng dân tộc chuyển tiếp Libya thừa nhận mới đây, trong cuộc nội chiến vừa qua, hai phía đã có không dưới 30.000 người thiệt mạng (theo các đánh giá khác là 50.000), hơn 50.000 người bị thương, gần 4.000 người bị coi là mất tích. Tất cả những con số này là rất tương đối và chúng sẽ được điều chỉnh dĩ nhiên là theo hướng tăng lên.

Kết quả chiến dịch không kích
Trong chiến dịch United Protector từ ngày 31.3 đến 1.10.2011, tổng số phi suất của máy bay liên minh quốc tế trên bầu trời Libya là 23.938. Trong số đó có 8.941 phi vụ chiến đấu. Tức là để bảo đảm cho một phi vụ của máy bay tấn công, đã có 2 máy bay khác xuất kích để bảo vệ và bảo đảm cho cuộc tấn công (trinh sát, tác chiến điện tử, chỉ thị mục tiêu, chỉ huy chiến đấu, tiếp dầu trên không, chở hàng...).

Điều đó cho thấy khối lượng nhiệm vụ bảo đảm cho hoạt động tác chiến đang tăng lên. Các chuyến bay trên bầu trời Libya sau ngày 1.7 diễn ra với cường độ trung bình 80-100 lần chiếc/ngày đêm. Trong những ngày đêm đơn lẻ, số lượng chuyến bay lên đến 140.

Không quân chiến đấu NATO đã thể hiện những mặt mạnh của liên minh trên bầu trờ Libya: trinh sát hiệu quả, khả năng tấn công các mục tiêu nhận dạng được chỉ vài phút sau khi phát hiện, chỉ thị mục tiêu chính xác cao cho phép nâng cao tỷ trọng sử dụng bom đạn có điều khiển lên đến 85%.

Theo thông tin của NATO, kể từ khi bắt đầu chiến dịch, đã tiêu diệt gần 570 căn cứ quân sự, boong-ke và các mục tiêu khác của Libya, 355 tên lửa phòng không, hơn 500 xe tăng và xe thiết giáp khác, gần 860 kho đạn. Nếu tin vào con số thống kê này, hiệu quả tác chiến của NATO là cực kỳ cao, song các phi công máy bay chiến đấu có thể xác nhận rằng, trong các lần phi vụ chiến đấu thường không thể phát hiện cả kẻ địch lẫn thả bom.

Thực tế, các kết quả chiến tranh đã chứng tỏ rằng, ít ra là trong vài năm nữa, những thành công như thế của không quân sẽ không phải là quyết định.

Tổn thất

Tại cuộc họp kín ở Quốc hội Đức, một chuyên gia quân sự Đức dẫn các nguồn tin cậy cho biết, tổn thất của các cơ quan đặc vụ Anh ở Libya không phải là 35 lính như Bộ Quốc phòng Anh thông báo mà là từ 1.500-2.000. Cần cộng thêm vào số này 200-500 lính Pháp thiệt mạng, Mỹ không dưới 200 và Qatar hơn 700 lính.

Những con số này đã không được thông báo trên báo chí và thậm chí không được thảo luận.
Nguồn: Anatoly Tsyganok, SP, 1.4.2012

Trung-Nhật đại chiến: Quý hồ tinh, bất quý hồ đa


VietnamDefence - Chuyên gia Nga dự báo kết quả xung đột quân sự Trung-Nhật có thể xảy ra.
Các chiến lược gia đánh giá cơ hội của Trung Quốc và Nhật Bản trong một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn.
Tình hình xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật bản và Trung Quốc đang tranh chấp nhau đang ngày một thêm căng thẳng. Hiện thời, các bên vẫn tránh những tuyên bố gay gắt hiếu chiến.

Các chiến lược gia quân sự đánh giá về tiềm lực quân sự của hai bên và dự báo ra sao về một cuộc xung đột quân sự giữa hai đại cường châu Á này?

Sức mạnh của các bên
Theo chuyên gia Trung tâm Phân tích Chiến lược và công nghệ (Nga), Tổng biên tập tạp chí Moscow Defence Brief, ông Vasily Kashin, hiện thời Trung Quốc chưa có ưu thế áp đảo về số lượng, còn về chất lượng, hạm đội Trung Quốc thua xa Hải quân Nhật Bản.

“Trung Quốc bắt đầu đóng các hạm tàu kha khá đâu đó từ năm 2007. Tất cả những gì đóng được trước đó chẳng có tác dụng gì. Họ có những tàu ngầm khá nguy hiểm đối với Nhật. Nhưng hạm đội Nhật đã được xây dựng với trọng tâm là tác chiến chống ngầm, hơn nữa là nhằm chống hạm đội Liên Xô. Tôi từng nghe thấy các chuyên gia Mỹ về chiến tranh hải quân đánh giá rằng, về mặt chiến tranh chống tàu ngầm – kinh nghiệm, trang thiết bị, phương thức thủ đoạn – hạm đội Nhật thậm chí còn trên tài Hải quân Mỹ. Cường độ huấn luyện chiến đấu trên biển cho binh sĩ tàu ngầm Trung Quốc cũng rất không ổn”, ông Kashin cho biết.

“Tình thế hiện nay của Trung Quốc cũng giống như tình cảnh của Liên Xô hồi cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960. Họ đang bắt đầu xây dựng một hạm đội viễn dương lớn, nhưng một là, trong quá trình đó, họ đang phải vượt qua vô số những khó khăn kỹ thuật nhỏ, hai là, họ phải thực hiện cú nhảy vọt về huấn luyện chiến đấu, chiến thuật và tổ chức. Hạm đội Liên Xô đương thời đã bắt đầu từ vị thế một hạm đội ven bờ, không có khả năng độc lập hành động ở xa bờ biển của mình, và trong suốt nhiều thập kỷ mới vươn lên thành hạm đội đại dương, còn Trung Quốc hiện nay mới chỉ ở đầu con đường này. Ngay trong những năm 1980, hạm đội Trung Quốc vẫn còn được xây dựng theo khái niệm phòng thủ gần: đó là hạm đội ven bờ với số lượng tàu chiến lớn tối thiểu, chủ yếu cấu thành từ các tàu xuồng nhỏ và một số lượng lớn pháo bờ biển. Sự phát triển hiện nay của hải quân Trung Quốc chỉ mới bắt đầu vào giữa thập niên 1990, còn những kết quả chất lượng thì điều đó mới bắt đầu mang lại chỉ vài năm trước. Sau lưng họ đơn thuần là không hề có kinh nghiệm hay trường phái cho phép họ cảm thấy tự tin”, ông Kashin nhận xét.

Phó Chủ tịch thứ nhất Học viện Các vấn đề địa-chính trị (Nga), Đại tá hải quân Konstantin Sivkov đánh giá cao hơn về khả năng của hạm đội và không quân Trung Quốc: “Về số lượng, các lực lượng quân sự Trung Quốc có ưu thế gấp hàng chục lần Nhật Bản. Quân đội Trung Quốc thời bình có quân số 2,5 triệu người, còn Nhật chỉ có khoảng 250 ngàn người. Nhưng cuộc chiến tranh giành quần đảo này (Senkaku) sẽ chủ yếu được tiến hành bằng các lực lượng của hạm đội và không quân.

Để tiến hành các nhiệm vụ tác chiến giành quần đảo này, Trung Quốc có thể huy động đến 400-500 máy bay chiến đấu, không dưới 20 tàu ngầm điện-diesel, có lẽ có đến 3 tàu ngầm nguyên tử có thể được huy động do quần đảo Senkaku ở xa biên giới Trung Quốc, một số lượng lớn tàu tên lửa nhỏ và tàu khu trục tên lửa. Nhật Bản có thể huy động chống Trung Quốc đến 150 máy bay tiêm kích chiến thuật, khoảng 10 tàu ngầm điện-diesel không hơn, khoảng 5-10 tàu khu trục và hộ vệ. Biên chế chiến đấu của hạm đội Nhật sẽ được điều động bảo vệ quần đảo này sẽ thua kém khoảng 3 lần so với lực lượng của Trung Quốc”, ông Sivkov nói.

“Lực lượng không quân chủ lực của Trung Quốc là các loại máy bay lạc hậu. Nhật Bản sẽ có ưu thế áp đảo về chất lượng. Trung Quốc không có máy bay chỉ huy/báo động sớm, Nhật Bản lại có các máy bay đó để bảo đảm khả năng kiểm soát không gian và chỉ huy không chiến, điều đó mang lại ưu thế lớn cho không quân tiêm kích Nhật Bản. Nhìn chung, có thể nói rằng, trong môi trường không gian, khả năng của Nhật và Trung Quốc sẽ là gần tương đương mặc dù Trung Quốc có ưu thế về số lượng.

Liên quan đến các lực lượng hải quân, các tàu ngầm Trung Quốc xét về tính năng chiến-kỹ thuật và công nghệ sản xuất gần tương đương trình độ thời đầu thập kỷ 1970, chúng khá ồn. Người Nhật có các tàu ngầm tiên tiến hơn và ít ồn hơn, chúng sẽ có khả năng tác chiến hiệu quả chống tàu ngầm Trung Quốc. Nhưng biên chế lực lượng tàu nổi Trung Quốc hiển nhiên sẽ vượt trội so với Nhật Bản, mặc dù họ ngang nhau về số lượng vũ khí tên lửa và tầm hoạt động”, Đại tá Sivkov đánh giá.

Dự báo thắng bại
Ông Kashin nhận định: “Chắc chắn, một cuộc xung đột quân sự tranh giành quần đảo sẽ kết thúc bằng một thất bại nhục nhã đối với họ (Trung Quốc). Nếu như xảy ra sự đụng độ của hai lực lượng ngang nhau, thì Trung Quốc sẽ hứng chịu tổn thất nặng nề và khó lòng gây ra tổn thất tương đương cho Nhật Bản. Ở thời điểm hiện tại, Nhật Bản có ưu thế nổi trội về trang bị kỹ thuật và ưu thế lớn về huấn luyện binh sĩ. Tất cả các hệ thống mới của Trung Quốc đều chưa được kiểm nghiệm, trình độ huấn luyện, chuẩn bị của các thủy thủ đoàn đặt ra những câu hỏi lớn. Hơn nữa, vũ khí của Trung Quốc thua kém tất cả những gì Nhật Bản đang có, họ cũng sẽ không thể phát huy hết tiềm năng của chúng. Chắc chắn, sẽ việc sẽ kết thúc bằng thất bại nhục nhã đối với họ, và đói với họ, điều đó sẽ rất đau đớn”.

“Hạm đội Nhật Bản là lực lượng rất đáng gờm. Nên mặc dù Trung Quốc đang có những thành tựu lớn, nhưng đến tiến đến cùng một trình độ như thế, trước hết về chiến thuật và đào tạo binh sĩ, họ sẽ phải mất nhiều năm nữa”.

Đại tá Konstantin Sivkov không tán thành với dự báo đó. Theo ông, tổn thất của Trung Quốc quả thực sẽ lớn, nhưng đơn độc Nhật Bản sẽ không ngăn được Trung Quốc.

“Một khi xảy ra xung đột, Trung Quốc phần nhiều sẽ áp dụng chiến lược tấn công, trong khi Nhật Bản định hướng vào phòng ngự, và một khi xảy ra đụng độ trực tiếp, Trung Quốc có nhiều cơ hội giành chiến thắng hơn.

Trung Quốc với ưu thế lớn về lực lượng tàu tên lửa nhỏ và tàu khu trục tên lửa sẽ có thể làm được nhiệm vụ đánh bại các cụm tàu Nhật Bản và thực hành đổ bộ. Tính tới ưu thế lớn về số lượng của Trung Quốc về không quân và lực lượng dự bị lớn, không quân Trung Quốc về tổng thể vượt trội hàng chục lần so với không quân Nhật, và Nhật Bản tất nhiên sẽ không thể kham nổi”, ông Sivkov dự báo.

Ông Sivkov cũng cho rằng, “Công tác huấn luyện binh sĩ của Trung Quốc không thua kém Nhật, thậm chí về mặt nào đó còn hơn. Khác với Nhật Bản, Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận rất ráo riết, thường xuyên, và liên tục chi nhiều kinh phí cho việc này. Bởi vậy, với trình độ huấn luyện như nhau, Trung Quốc sẽ làm được nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng không quân Nhật trên lãnh thổ nước này, cho dù là cái giá phải trả là những tổn thất lớn, nhưng sẽ làm được nhiệm vụ giành ưu thế trên không tại khu vực tiến hành đổ bộ lên quần đảo này (Senkaku)”.

Lực lượng thứ ba
Mặc dù quân số Lực lượng phòng vệ của Nhật ít hơn gần 10 lần so với quân đội Trung Quốc, Nhật còn có một ưu thế khác đó là đồng minh Mỹ mà theo hiệp ước, Mỹ phải can thiệp vào cuộc xung đột một khi Nhật Bản bị xâm lược. Và các chuyên gia đều thống nhất với nhau trong các dự báo của mình về kết cục đối đấu giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Mỹ.

Theo ông Sivkov, yếu tố Mỹ bản thân nó loại trừ hoàn toàn khả năng của Trung Quốc mở chiến dịch quân sự tại khu vực quần đảo Senkaku. “Trong một cuộc đụng độ trực diện giữa hạm đội Trung Quốc và hạm đội Nhật-Mỹ, dù cho không quân Trung Quốc có số lượng đông đảo, thì không quân trên hạm của hạm đội Mỹ cùng với lực lượng không quân chiến thuật triển khai ở đảo Okinawa về mặt số lượng biên chế chiến đấu sẽ có khả năng giải quyết nhiệm vụ ngăn chặn cuộc tấn công và gây ra những tổn thất không thể chấp nhận được cho lực lượng máy bay tấn công của Trung Quốc. Đương nhiên, các sân bay Trung Quốc sẽ bị tên lửa hành trình Tomahawk tấn công, một phần lớn không quân Trung Quốc sẽ bị tiêu diệt, hạ tầng sẽ bị phá hủy và trong vòng 1-2 tuần có sự tham gia của Mỹ, không quân Trung Quốc cơ bản bị hủy diệt. Hạm đội Trung Quốc, hiển nhiên, sẽ bị đánh tan vì các tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles của Mỹ sẽ tham gia và chúng sẽ xử lý dễ dàng các lực lượng Trung Quốc.

Vũ khí hạm tàu của Trung Quốc khá mạnh, nhưng khả năng chống tàu ngầm của họ lại yếu, bởi vậy, các tàu Trung Quốc sẽ dễ dàng bị tên lửa hành trình tiêu diệt ở cự ly nằm ngoài tầm bắn của tên lửa Trung Quốc. Bởi vậy, nếu như cảm xúc kích động tiếp tục leo thang và sự việc đi đến xung đột quân sự thì tất cả sẽ chỉ dừng ở những đụng độ nhỏ trên biển và trên không, sau đó Mỹ đe dọa nhảy vào và Trung Quốc chắc chắn sẽ phải ngừng chiến dịch quân sự, nhưng thay vào đó họ sẽ áp dụng đòn trả đũa kinh tế mạnh mẽ”.

“Không có sự hậu thuẫn của Mỹ, các lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ không thể giữ được quần đảo này một khi lãnh đạo Trung Quốc quyết định đánh chiếm quần đảo bằng mọi giá. Đồng thời, không quân Trung Quốc sẽ chịu tổn thất lớn, đến 150 máy bay. Không quân phòng vệ Nhật Bản sẽ tổn thất vài chục máy bay. Nhưng nếu như Mỹ toàn lực nhảy vào cuộc xung đột như dự định, thì các lực lượng Trung Quốc sẽ bị đánh bại”, Đại tá Sivkov bổ sung.

Ông Vasily Kashin nhận định: “Mỹ không đứng về bên nào về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, nhưng nếu xảy ra điều gì đó được diễn giải như cuộc tấn công chống Nhật Bản, thì họ sẽ nhảy vào can thiệp. Mỹ duy trì trong khu vực một lực lượng bao gồm tàu sân bay George Washington, lực lượng Thủy quân lục chiến ở Okinawa, không quân, quân đội ở Hàn Quốc. Nghĩa là ở ngay sát quần đảo tranh chấp, Mỹ có các lực lượng khá lớn, trong đó có một cụm tàu sân bay tiến công, mà trong trường hợp có nguy cơ xung đột, có khả năng trong vài giờ là có mặt khu vực chiến sự và tham chiến. Tương quan lực lượng bất lợi đối với Trung Quốc đến mức không thể nói đến chuyện Trung Quốc muốn tiến hành một cuộc xâm lược. Trung Quốc sẽ còn phải đi một chặng đường dài để có khả năng thực sự đe dọa Nhật Bản”.
Quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư từng do người Trung Quốc phát hiện, cuối thế kỷ XIX đã bị cắt cho Nhật Bản sau chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất. Nhưng sau khi thất trận trong Thế chiến II, Tokyo đã mất quyền đối với tất cả các lãnh thổ chiếm được, quần đảo chuyển sang do Mỹ quản lý. Trong thập kỷ 1970, Mỹ trả lại Nhật đảo Okinawa cùng với quần đảo Senkaku. Hiện tại, chính phủ Nhật chính thức chỉ sở hữu một hòn đảo của quần đảo, các đảo còn lại họ thuê lại của các chủ sở hữu tư nhân và cho đến gần đây vẫn không chịu mua lại các đảo này.

Nghiên cứu viên cao cấp Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Tiến sĩ Khoa học chính trị, Giáo sư Đại học tổng hợp Takusyoku (Tokyo), ông Vasily Molodyakov cho rằng, chính phủ Nhật quyết định mua lại các hòn đảo không phải vì lý do ái quốc mà do mục đích trục lợi thuần túy. “Tất cả đều hiểu rằng, câu chuyện không liên quan đến các vách đá nhô lên từ mặt biển không có dân cư trên đó. Con người không sống ở đó, nên tất nhiên, vấn đề chủ yếu đó là thềm lục địa liền kề”, ông Molodyakov nói.

Nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, ông Viktor Pavlyatenko cho rằng, từ giác độ kinh tế, đến nay vẫn chưa có ai đánh giá tầm quan trọng của quần đảo Senkaku. “Tất cả những dự đoán được xây dựng trên những khả năng tiềm tàng của khu vực này. Thềm lục địa liền kề, kể cả ở phía Trung Quốc, có thể có dầu và khí đốt. Từ đó, người ta phỏng đoán là nó có giá trị nhất định nào đó”, chuyên gia này giải thích.
Nguồn: VZ, 18.9.2012.

Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc và thế hệ lãnh đạo thứ 5


VietnamDefence - Nếu tình hình tài chính của EU, Mỹ và Nhật Bản trong thời gian tới không được cải thiện, Trung Quốc một là sẽ phải tìm kiếm những thị trường tiêu thụ nước ngoài mới và phát triển thương mại với các đối tác thay thế, hai là mở rộng dung lượng thị trường nội địa.
“Nền kinh tế hải đảo”
 
Kinh tế Trung Quốc mỗi năm một tiến gần hơn đến mô hình gọi là “quốc gia hải đảo”, tức là mô hình của một hệ thống kinh tế mà sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu đã gần với mức nguy kịch. Với tư cách ví dụ của hệ thống như thế có thể nói đến Nhật Bản, Hàn Quốc, còn với tư cách ví dụ lịch sử thì có thể nói đến nước Anh vào cái thời mà nó vẫn còn là một nước công nghiệp hùng mạnh và hoạt động để xuất khẩu.
Không còn nghi ngờ gì, hiện nay mức độ phụ thuộc của Trung Quốc vào nguồn cung nguyên liệu còn lâu mới lớn như Nhật Bản. Trung Quốc có một số lượng khá lớn tài nguyên của mình. Nhưng mỗi năm, nhu cầu nguyên liệu của Trung Quốc lại tăng và là tăng nhiều. Ví dụ, với đời sống dân chúng khấm khá lên thì nhu cầu thực phẩm và nhất là thịt và cá cũng tăng, còn với sự phát triển của ngành sản xuất ô tô thì nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ cũng tăng lên. Ví dụ, có thời Trung Quốc đã bảo đảm được nguồn năng lượng không chỉ cho mình mà cả một số nước láng giềng. Từ năm 1993, sau khi đẩy mạnh sản xuất và hoạt động ngoại thương, Trung Quốc đã dịch chuyển từ nhóm nước cung cấp nguồn năng lượng sang nhóm nước nhập khẩu dầu mỏ, còn kể từ năm 2003, Trung Quốc đứng thứ hai thế giới trong nhóm nước này, chỉ sau Mỹ.

Lãnh thổ Trung Quốc, một trong những quốc gia rộng lớn nhất thế giới, do độ lớn của mình tạo ra ấn tượng tâm lý nhất định. Tuy nhiên, gần một nửa lãnh thổ đó là núi cao như Tây Tạng hay các khu vực sa mạc như Gobi và vùng thấp Tarim khó khai khẩn. Khu vực kinh tế hiệu quả nhất của Trung Quốc là các khu vực miền đông, cũng như các tỉnh duyên hải miền bắc và đông nam với khí hậu dễ chịu, các loại cây trồng có năng suất cao, chi phí cho sản xuất công nghiệp và kinh tế đô thị thấp. Sinh sống chính ở các tỉnh này mà dân cư tuyệt đại đa số là dân tộc Hán đa số là phần lớn dân cư Trung Quốc.

Ngoại thương Trung Quốc
Tại thời điểm này, Trung Quốc là quốc gia công nghiệp dẫn đầu nền kinh tế thế giới và là quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới. Theo Nhân dân nhật báo điện tử, tháng 8/2012, xuất khẩu của Trung Quốc là 173,31 tỷ USD, cao hơn 24,5% so với tháng 8/2011. Tháng 1-8/2012, tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc là 2.352,53 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2010.

Cũng cần lưu ý rằng, theo số liệu của South China Service Group, trong số 200 tập đoàn, tổng công ty xuất khẩu lớn nhất Trung Quốc, có 185 nằm ở các tỉnh miền đông Trung Quốc, tức là hầu như sát với các trung tâm cảng biển lớn nhất Trung Quốc.
 
Các khách hàng thương mại chủ yếu của Trung Quốc là Mỹ, EU và Nhật Bản. Các nước này chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Được biết, nền kinh tế của chính các quốc gia này đang là nguồn chủ yếu làm lan tràn khủng hoảng thế giới. Mức nợ nội địa cũng như nợ nước ngoài của các nước này là rất lớn và đang tiếp tục tăng. Một trong những cách hiệu quả nhất để cắt giảm nợ là cắt giảm chi phí nhà nước (trước hết là cho quốc phòng) và giảm lương và chi phí xã hội cho người lao động.

Chẳng hạn, nếu như Mỹ hoàn toàn có khả năng thắt lưng buộc bụng hơn nữa đối với dân chúng Mỹ thì Nhà Trắng sẽ không chịu cắt giảm các chương trình vũ khí của họ. Rõ ràng là yếu tố cuối cùng này sẽ chỉ làm tăng sự hung hăng của chính sách đối ngoại Mỹ và buộc chính phủ Mỹ tìm kiếm các nguồn thu ở nước ngoài bằng cách sử dụng sức mạnh vũ trang. Minh họa cho điều đó là những sự kiện gần đây ở thế giới Hồi giáo.

Bởi lẽ sự sụt giảm đáng kể mức sống của dân chúng Mỹ, Eu và Nhật Bản nhiều khả năng sẽ xảy ra ngay trong thập niên này nên chờ đợi Trung Quốc là sự tụt giảm đột biến thu nhập từ xuất khẩu.

Thư ký báo chí của Bộ Thương mại Trung Quốc Shen Danyang đã tuyên bố rằng, mức xuất khẩu từ Trung Quốc trong nửa cuối năm 2012 có thể ngừng tăng: “Bây giờ, yếu tố chủ yếu kìm hãm sự phát triển thương mại là sự sụt giảm đột biến xuất khẩu sang các nước EU. Chúng ta chờ đợi tình hình ngoại thương xấu đi vào nửa cuối năm cùng với sự phát triển của cuộc khủng hoảng nợ và nhịp độ tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, gây khó khăn nghiêm trọng cho việc đạt được các mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu”.

Cựu thứ trưởng thương mại Trung Quốc Wei Jianguo cho rằng, điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước: “Khối lượng đơn đặt hàng dịp Giáng sinh thấp hơn bình thường, trong khi chính các đơn đặt hàng quà tặng năm mới mang lại cho các nhà sản xuất nguồn thu nhập lớn nhất”. Theo ông này, chính phủ Trung Quốc cần cấp tốc giảm thuế xuất khẩu và tăng quy mô hỗ trợ nhà nước cho các công ty đang cố tiến vào các thị trường mới như Nga, Brazil và các nước Đông Nam Á. Hiện tại, các nước này chỉ chiếm 20% tổng lượng xuất khẩu của Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ các đối tác thương mại của mình giữ sự ổn định tài chính. Đầu tháng 11/2012, đại diện Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Trung Quốc Li Daokui tuyên bố rằng, Bắc Kinh sẵn sàng cung cấp cho EU 100 tỷ USD. Tuy nhiên, đổi lại, chính phủ Trung Quốc chờ đợi được hưởng một số ưu đãi.

“Chúng tôi muốn giúp đỡ, nhưng chúng tôi không phải là tổ chức từ thiện”, một nguồn tin của hãng Reuters nói.

Để bắt đầu, Trung Quốc mong muốn đẩy nhanh việc đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ SDR, nơi hiện tại mới có 4 đồng tiền (đô la Mỹ, euro, yen và bảng Anh). “Chúng tôi phải mở rộng việc sử dụng SDR của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, cải cách giỏ tiền tệ”, ông Hồ Cẩm Đảo, người vừa rời chức chủ tịch Trung Quốc nói với các đối tác châu Âu. Việc gia tăng vai trò của đồng nhân dân tệ làm hạn chế lớn các khả năng của Mỹ và EU. Đáp lại đề nghị của Trung Quốc, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde đã tuyên bố rằng, bây giờ chưa phải là thời điểm tốt nhất để làm xáo động giỏ tiền tệ. Ngoài ra, Bắc Kinh không phản đối việc cải thiện vị thế của mình trong WTO, điều này gây khó khăn cho EU trong việc thông qua các biện pháp trừng phạt chống Trung Quốc như một quốc gia với “nền kinh tế phi thị trường”.

Cuối cùng, tại các cuộc đàm phán diễn ra tháng 9/2012 ở Brussels trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã yêu cầu gỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc vốn được áp dụng từ sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và hủy bỏ thuế đánh váo hàng loạt hàng hóa Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng, sự giúp đỡ của Trung Quốc thậm chí được giành cho EU vô điều kiện cũng chỉ có thể trì hoãn cuộc khủng hoảng kinh tế của thế giới phương Tây. Việc giải quyết các vấn đề của châu Âu phải mang tính hệ thống, việc vá các lỗ thủng tài chính bằng tiền của Trung Quốc sẽ không mang lại hiệu quả thật sự.

Vậy thì nếu như tình hình tài chính của EU, Mỹ và Nhật Bản trong thời gian tới mà không được cải thiện, Trung Quốc một là sẽ phải tìm kiếm những thị trường tiêu thụ nước ngoài mới và phát triển thương mại với các đối tác thay thế (Mỹ Latinh, Nga, châu Phi...), hai là mở rộng dung lượng thị trường nội địa.

Ngoại thương Trung Quốc với các đối tác thương mại chủ yếu của mình (và không chỉ với họ) đang được thực hiện chủ yếu bằng đường biển. Tuyến đường chuyên chở hàng hóa Trung Quốc chẳng hạn sang châu Âu khởi đầu từ các cảng ở bờ đông Trung Quốc đi qua eo biển Malacca sang Ấn Độ Dương, cắt ngang Ấn Độ Dương và đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez ở Địa Trung Hải. Tiếp đó, các tàu biển tản đến các hải cảng châu Âu.
Các nhà cung cấp dầu mỏ chính cho Trung Quốc là các nước Trung Đông: Saudi Arabia, Iran, Sudan…, cũng như Angola. Theo Reuters, Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu dầu mỏ 10-65% đến năm 2015. Chính phủ Trung Quốc đang có những nỗ lực lớn để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. Con đường chủ yếu cung cấp dầu mỏ Cận Đông về Trung Quốc là tuyến đường biển “Liên Châu” (String of Pearls) chạy qua vịnh Persique, Ấn Độ Dương, eo biển Malacca và Biển Đông.

Việc kiểm soát bằng hải quân đối với tuyến đường này là rất quan trọng đối với Trung Quốc, nhưng hiện thời quyền kiểm soát này do Hải quân Mỹ nắm giữ với sự hỗ trợ của các cụm tàu sân bay chiến đấu. Nghĩa là các vấn đề ngoại thương của Trung Quốc gắn rất chặt với các vấn đề chiến lược-quân sự của họ.

Sự tụt hậu của quân đội Trung Quốc về các loại đạn dược chính xác cao có thể không phải là nhược điểm mà là ưu thế, nhất là khi nói đến cuộc chiến tranh kinh điển “quân đội chống lại quân đội” quy mô lớn.
Lợi thế của thô sơ và rẻ tiền
Hiện nay, điều ngày càng rõ ràng là sự đam thái quá đối với các loại đạn dược chính xác cao đắt tiền vốn đặc trưng cho các quân đội phương Tây đang tỏ ra cực kỳ bất lợi về kinh tế và thường là không tăng cường mà làm suy yếu khả năng chiến đấu của chúng (đạn dược rất nhanh chóng tiêu hao hết, sau đó không thể chiến đấu được, còn mới thì lâu và rất đắt). Từ giác độ đó, sự tụt hậu của quân đội Trung Quốc về các loại đạn dược này có thể không phải là nhược điểm mà là ưu thế, nhất là khi nói đến cuộc chiến tranh kinh điển “quân đội chống lại quân đội” quy mô lớn. 

Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc định hướng vào chuẩn bị chính là cho cuộc chiến tranh như thế và về mặt này, có thể coi công nghiệp quốc phòng Trung Quốc là giỏi nhất thế giới. Các khả năng của nó trong sản xuất vũ khí trang bị tất cả các loại thậm chí vượt cả Mỹ (ngoại trừ đóng tàu ngầm nguyên tử và tàu sân bay), lớn hơn nhiều so với Nga, còn bất kỳ nước ngào khác thì không thể nào sánh nổi. 

Nhược điểm về chất lượng vũ khí trang bị ở một số hướng đơn lẻ (các hướng như vậy đang ngày một ít đi) sẽ hoàn toàn được bù đắp bằng số lượng, còn số lượng bản thân các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng bảo đảm việc cung cấp liên tục vũ khí trang bị và vật tư tiêu hao một khi nổ ra chiến tranh bất kỳ quy mô nào. Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc không hề có sự phụ thuộc quá mức vào linh kiện và công nghệ nước ngoài về bất kỳ một hướng nào.

Điều kỳ lạ là thế giới hầu như không nhận thức được việc này, kể cả ở những nước giáp giới Trung Quốc mà Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với họ. Bất chấp những sự kiện rõ ràng, người ta vẫn giữ quan niệm cũ về công nghiệp quốc phòng Trung Quốc như một ngành sở hữu các công nghệ thô sơ lạc hậu và chỉ có khả năng sao chép ở dạng tồi tệ nhất các mẫu vũ khí trang bị nước ngoài. 

Ngoài ra, còn một quan điểm hoàn toàn sai lầm và không hề có bất kỳ cơ sở thực tế nào đối với công nghiệp quốc phòng Trung Quốc là nó chỉ sản xuất các mẫu vũ khí trang bị hiện đại với số lượng cực kỳ không đáng kể. Một ví dụ điển hình của việc coi thường khả năng chiến đấu của quân đội và công nghiệp quốc phòng Trung Quốc là đánh giá của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm SIPRI hết năm này đến năm khác nói rằng, kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc gồm 200-250 đầu đạn. Trong khi đó, theo các đánh giá khiêm tốn nhất, quân đội Trung Quốc sở hữu 850 đầu đạn hạt nhân, còn đánh giá cân đối hơn cả là 3.500 đầu đạn, còn tối đa là 20.000 đầu đạn. 

Liên quan đến vũ khí thông thường, thì như đã nêu, Trung Quốc đứng ở vị trí số 1 thế giới về sản xuất tất cả các lớp vũ khí thông thường cơ bản. Hơn nữa, về một số lớp như xe tăng, Trung Quốc hiện vượt qua tất cả các nước còn lại của thế giới cộng lại về khối lượng sản xuất.

Trung Quốc đang sản xuất đồng thời 4 loại máy bay chiến đấu: máy bay ném bom chiến thuật JH-7, tiêm kích J-16 (bản sao chép trái phép Su-30), J-11В (bản sao chép trái phép Su-27) và J-10. Họ sản xuất tổng cộng không dưới 100 tiêm kích và máy bay ném bom hiện đại trong một năm (nhiều hơn tất cả các nước NATO, kể cả Mỹ, cộng lại). 

Thậm chí ở một số ngành đóng tàu đơn lẻ, Trung Quốc đã vượt được Mỹ khi đóng đồng thời đến 6 tàu khu trục lớp 052С/D (ở Mỹ là không quá 2) và đưa vào biên chế mỗi tháng 1 corvette lớp 056. 

Việc thay thế vũ khí trang bị đang thực hiện theo nguyên tắc “một đổi một”, có nghĩa là đang diễn ra sự cải thiện chất lượng đột biến trong khi giữ số lượng như cũ. 

May ra có thể nói đến “những số lượng không đáng kể” vũ khí trang bị được sản xuất ở Trung Quốc ở ý nghĩa khả năng sản xuất công nghiệp quốc phòng Trung Quốc cho phép trong vài tháng tăng sản lượng 3-10 lần kể cả so với những con số sản xuất hiện nay đã kỷ lục của nó.

Xem nhẹ Trung Quốc là nguy hiểm 
Báo chí quân sự Nga đã có nhiều tin bài viết về hiện tượng đáng ngạc nhiên ở Nga coi nhẹ khả năng quân sự của Trung Quốc. Ở Nga người ta không hiểu vì sao vẫn đinh ninh tin rằng, Trung Quốc đang sản xuất hoàn toàn không nhiều vũ khí vốn là những hàng nhái tồi tệ vũ khí Nga.

Điều rất buồn cười là báo chí Nga dẫn các nguồn Mỹ vốn có những lý do dễ hiểu để đặc biệt chú ý đến sự phát triển của hạm đội Trung Quốc, nhưng hoàn toàn phớt lờ sự phát triển của lục quân nước này, bởi lẽ chẳng biết chép lại của ai về đề tài này. Mặc dù về sản xuất tăng-thiết giáp và các hệ thống pháo, Trung Quốc nhiều năm nay đã vượt nhiều lần toàn bộ 28 nước NATO cộng lại. 

Chẳng hạn, trong năm nay đã xảy ra một tình huống chiến đấu đặc biệt thú vị mà người Nga không nhận thấy. Tháng 5/2012, trong thời gian giao tranh giữa quân đội Sudan và Nam Sudan tranh giành thành phố biên giới Heglig, các xe tăng Туре 96 của Sudan do Trung Quốc sản xuất đã giành được những thành tích chiến đấu đầu tiên trong lịch sử của nó, khiến báo chí Trung Quốc rất phấn khích. 

Điều này đáng mừng gấp đôi với người Trung Quốc là vì chúng đã giành chiến thắng trước đối thủ tiềm tàng chủ yếu - Т-72 mà Nam Sudan mua từ Ukraine.

Đó là điều dễ hiểu bởi vì Туре 96 và loại tiên tiến hơn là Туре 99 (người ta đã sản xuất cho quân đội Trung Quốc 3.500-4.000 xe tăng hai loại này, và vẫn đang sản xuất với nhịp độ vài trăm xe một năm) đang được nhà máy ở Baotou xuất xưởng không phải để giao chiến với các xe tăng M1 Abrams, chứ không nói đến là với Leopard 2, Leclerc hay Merkava. 

Sự kiện Type 96 đánh nhau với T-72 cho thấy, Nga cần vứt bỏ sự tự tin vô lý rằng, vũ khí Nga có chất lượng vượt vũ khí Trung Quốc. 

Xét về tuyệt đại đa số các chủng loại vũ khí, Trung Quốc đã đuổi kịp Nga và đâu đó đã vượt Nga. Các xe tăng Trung Quốc đã không còn tồi hơn xe tăng Nga. Kết cục các trận đánh giữa chúng có thể được xác định không phải bởi ưu thế chất lượng của ai đó mà bởi tình huống chiến thuật, sự tinh thục của các kíp xe và số lượng. Ít ra về số lượng, Trung Quốc chắc chắn vượt Nga, cả về xe tăng, cả về pháo binh và cả về không quân.

Như vậy, ngay cả đối với Mỹ, chứ không chỉ Nga, đang cực kỳ khó duy trì cán cân quân sự với Trung Quốc ở nghĩa truyền thống của nó. Thời gian càng trôi đi thì cả hai nước càng khó làm điều đó hơn. Đối với bất kỳ quốc gia nào khác, thậm chí Ấn Độ và Nhật Bản, nhiệm vụ duy trì cán cân với Trung Quốc về cơ bản là không thể làm được. Chỉ trong 10 năm, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã thực hiện cú nhảy vọt chưa từng có mà nay thì không thể ngăn chặn. 

Chỉ có những chấn động nội bộ cực mạnh hoặc các nước láng giềng của Trung Quốc tìm được các phương pháp đối phó phi đối xứng (ví dụ bằng cách sử dụng vũ khí nguyên lý mới) mới có thể cản trở Trung Quốc tiếp tục gia tăng ưu thế quân sự của đối với tất cả các nước xung quanh và quân đội của họ. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, bản thân Trung Quốc cũng có thể chế tạo các loại vũ khí đó, thậm chí còn nhanh hơn các nước láng giềng. Bởi vì, Trung Quốc không hề tiếc tiền cho việc đó.

Nguồn: Aleksandr Anatolievich Khramchikhin, Phó Giám đốc Viện Phân tích chính trị và quân sự (Nga) // NVO, 7.12.2012.

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Vũ khí 'diệt tầu ngầm' qua các thời kỳ


Tầu ngầm chiến đấu từng là cơn ác mộng của mọi hạm đội hùng mạnh nhất trên thế giới, ngay từ khi ra đời. Việc phát triển các loại vũ khí để chống lại hiểm họa tầu ngầm vốn là việc làm tất yếu của mọi chuyên gia quân sự.
Tháng 6/1914, trước khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra hai tháng, Percy Scott, đô đốc Anh gửi thư cho hai tòa soạn báo lớn trong nước. Lá thư thứ nhất, ông viết: “...cũng như ô tô đang thay thế dần những chiếc xe ngựa trên khắp mọi nẻo đường, tầu ngầm sẽ là phương tiện sớm thay thế các thiết giáp hạm trên chiến trường ngoài biển...”. Lá thư còn lại có nội dung: “...tầu ngầm và không quân sẽ là một cuộc cách mạng trong chiến lược hàng hải; không một hạm đội nào có thể thoát khỏi sự săn đuổi của không quân và những chiếc tầu ngầm có thể tung những đòn trí mạng một cách bất ngờ ngay giữa ban ngày...”. 

Thế nhưng, những lá thư của Scott chỉ nhận được sự chế nhạo của công chúng, các đô đốc khác cũng như cả chính phủ Anh, những người này cho rằng, lý thuyết của ông đơn giản chỉ là “một giấc mơ ngu ngốc”.

Tuy nhiên, ngày 5/9/1914, người Đức đã chứng thực lời nói của Percy Scott khi chiếc tầu ngầm U-21 của nước này đánh chìm tuần dương hạm “Pathfinder” của Anh với một quả ngư lôi duy nhất; chỉ có 9 trong số 268 thủy thủ trên tầu sống sót!  Khi đó, Hải quân Anh nhìn thấy bóng đen của tử thần ẩn nấp dưới biển sâu nhưng không thể làm gì nó.
Những chiếc tầu ngầm chiến đấu đầu tiên (U-boat) của Đức là cơn ác mộng của các hạm đội đồng minh trong thế chiến thứ nhất
Những câu hỏi đầu tiên về vũ khí chống ngầm đã được đặt ra. Liệu vũ khí gì có thể tiêu diệt được những chiếc tầu ngầm Đức dài 70 mét, dãn nước 1.500 tấn, có tốc độ tối đa tới 28,3 km/h, tầm hoạt động 20.300 km, trang bị 19 ngư lôi, hai khẩu pháo 150 mm với 1.000 viên đạn và hoàn toàn “vô hình”?

Bom chìm - Vũ khí chống ngầm đầu tiên của loài người

Bom chìm (Depth Charge) là thứ đầu tiên các chuyên gia quân sự có thể nghĩ đến để đối đầu với tầu ngầm. Về kết cấu, bom chìm rất đơn giản, nó chỉ là một thùng chứa thuốc nổ mạnh, được đặt một cơ cấu thủy lực cho phép quả bom này tự phát nổ ở một độ sâu nhất định. 

Độ sâu của tầu ngầm sẽ được xác định bằng một hệ thống các dây tín hiệu được thả xuống dưới. Những sợi dây tín hiệu này được gọi là ASDIC -  hệ thống săn tìm và phát hiện tầu ngầm của quân đội đồng minh.
Những quả bom chìm đầu tiên được chế tạo vào năm 1915 rất đơn giản, chỉ gồm một thùng thuốc nổ cùng một cơ cấu giúp nó nổ ở độ sâu nhất định.

Khi có tầu ngầm, nó sẽ làm mất tín hiệu của hệ thống ASDIC đặt tại độ sâu của nó đi qua, do đó các tầu nổi phía trên sẽ xác định được độ sâu và vị trí tầu ngầm. Khi tầu ngầm bị phát hiện, các quả bom chìm sẽ được đặt chế độ nổ, sau đó lăn xuống bằng tay, hay bằng các cơ cấu phóng thô sơ. 

Cơ cấu thủy lực sẽ cho phép bom chìm có thể nổ ở độ sâu tối đa lên tới 170 mét.

Bom chìm nằm trên bệ phóng.

Mặc dù vậy, bom chìm không phát huy mấy hiệu quả do thường được thả "hú họa" trên diện rộng. Trong khi với vỏ thép dày, tầu ngầm của Đức khi đó, không hề hấn gì nếu bom chìm nổ cách tầu ngầm trên 5m. Trong suốt giai đoạn, từ năm 1915 - 1917, bom chìm chỉ phá hủy được 9 chiếc tầu ngầm U-boat trong số hơn 300 tầu ngầm của Đức. 

Một số cải tiến về hệ thống dò tìm bằng từ trường cùng việc nâng cấp thiết bị phóng mới cho bom chìm, vũ khí này đã có bước cải tiến đáng kể khi đánh chìm được thêm 21 chiếc tầu ngầm U-boat nữa. 

Nhiều tầu ngầm Đức trúng bom chìm, phải nổi lên mặt nước để làm mồi cho các cỡ súng từ tầu chiến đã đợi sẵn trên mặt biển, hay đơn giản là các tầu chiến khổng lồ chỉ cần chạy qua là có thể kết liễu chiếc tầu ngầm xấu số.

Một chiếc tầu săn ngầm đang rải bom chìm

Trong quá trình tồn tại và phát triển, người ta đã nghĩ ra rất nhiều ý tưởng cho bom chìm, từ tăng khối lượng đến hàng tấn cho đến cả những ý tưởng như sử dụng đầu đạn hạt nhân cho vào bom, nhằm hủy diệt cả hạm đội tầu ngầm. 

Nhờ tính hiệu quả nhất định và sự bế tắc trong chiến thuật chống ngầm, bom chìm vẫn là vũ khí chống ngầm duy nhất của các tầu nổi cho đến năm 1942, khi ngư lôi tự dẫn và rocket chống ngầm dần phát triển để thay thế nó.



Chiến tranh thế giới thứ hai cùng với chiến tranh lạnh chứng kiến sự phát triển các loại vũ khí chống ngầm có tầm bắn xa, chính xác và uy lực hơn. Nổi bật là súng cối và rocket chống ngầm.
Súng cối chống ngầm
Bom chìm chống ngầm ra đời năm 1915 đã khiến những chiếc tầu ngầm U-boat lặn sâu dưới nước không còn là một mục tiêu “bất khả xâm phạm”. Tuy vậy, những thành tích bom chìm làm được chưa thể khiến các sĩ quan hải quân Anh và Mỹ hài lòng, bởi nó bộc lộ quá nhiều khuyết điểm khiến cho giới quân sự phải nghĩ đến phương án hiệu quả hơn.

Trong suốt giai đoạn từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1918) cho đến lúc bắt đầu chiến tranh thế giới thứ hai (1939), cơn ác mộng tầu ngầm đã tạm rơi vào quên lãng khi các nước đang mải lao đao đối phó với khủng hoảng kinh tế. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, người Đức với chiến thuật tầu ngầm kinh điển của mình đã khiến Anh và Mỹ phải vắt óc tìm cách đối phó.

Tháng 11/1940, Charles Frederich Goodeve, khoa học gia dân sự làm việc cho Hải quân Anh đã dựa trên loại súng cối bắn đạn lớn hơn cỡ nòng bố trí trên tầu (vốn thiết kế với mục đích phòng không) để phát triển súng cối chống ngầm. 

Sau màn trình diễn ấn tượng của hệ thống Hedgehog đầu tiên trên tầu HMS Osprey, thủ tướng Anh Winston Churchil và đô đốc Pound rất hài lòng và hệ thống Hedgehog chính thức sản xuất hàng loạt, trang bị cho tầu chiến của hải quân Hoàng gia Anh.
Charles Frederick Goodeve - Cha đẻ của súng cối chống ngầm Hedgehog.
Hệ thống súng cối chống ngầm Hedgehog gồm 24 khẩu bắn đạn lớn hơn cỡ nòng, mỗi nòng cối được nạp sẵn một quả đạn chống ngầm cỡ 183 mm chứa 14 kg thuốc nổ TNT. 

Khi hệ thống sonar (thường là loại ASDIC) phát hiện ra tầu ngầm đối phương; 24 quả đạn cối được phóng đồng loạt và sẽ rơi xuống biển, tạo thành vòng tròn đường kính 70 mét phía trên khu vực nghi có tầu ngầm với tầm bắn lên đến 230 - 250 mét. 

Chính vì những chiếc ống chứa thuốc phóng còn lại sau khi phóng đạn lông nhím nên hệ thống này được đặt tên là Hedgehog, tiếng Anh có nghĩa là “Con nhím”. Những thủy thủ có kinh nghiệm có thể nạp đạn lại cho hệ thống chỉ trong ba phút là có thể bắn loạt thứ hai.
Hệ thống súng cối chống ngầm Hedgehog trên tầu chiến của Canada.
So với các loại bom chìm, hệ thống súng cối chống ngầm thực sự là một cuộc cách mạng. 

Đầu tiên, do đạn của hệ thống này phát hỏa theo cơ chế chạm nổ nên thủy thủ có thể bắn Hedgehog mà không cần phải tính toán độ sâu của tầu ngầm.
 
Thứ hai, bom chìm khi được sử dụng sẽ đồng thời phá hủy luôn hệ thống sonar phát tín hiệu cho dù có đánh trúng tầu ngầm hay không. Điều này sẽ tạo ra một khoảng thời gian “mù” lên đến 15 phút cho các tầu săn ngầm trước khi có thể thả xuống biển một hệ thống sonar khác, cho phép tầu ngầm dễ dàng bỏ chạy hoặc đánh trả. Những thủy thủ tầu ngầm U-boat có kinh nghiệm thậm chí có thể nhận biết được những biểu hiện trước khi thả bom chìm của tầu săn ngầm và tránh né hiệu quả bằng cách đổi hướng hoặc tăng tốc đột ngột. 

Còn những quả đạn Hedgehog sẽ không phát nổ khi đánh trượt tầu ngầm, do đó sau loạt đạn thứ nhất, thiết bị sonar vẫn có thể theo dõi tầu ngầm và dẫn đường cho loạt đạn tiếp theo. 

Ưu thế thứ ba của Hedgehog là khả năng hủy diệt của nó. Mặc dù đầu đạn chỉ chứa 14 kg thuốc nổ (rất nhỏ so với hàng trăm kg của bom chìm) nhưng nó vẫn có thể đánh hỏng tầu ngầm chỉ với quả đạn duy nhất do khoảng cách phát nổ quá gần. Nhờ những ưu thế của mình, ngay khi ra mắt Hedgehog đã mang lại thành tích chiến đấu đáng kinh ngạc. Xác suất tiêu diệt mục tiêu lớn nhất của nó lên đến 25% trong khi với loại bom chìm tốt nhất xác suất này cũng chỉ là 7%.
Đạn chạm nổ của Hedgehog mang rất nhiều ưu điểm khi so sánh với bom chìm truyền thống
Một loạt đạn của Hedgehog tạo thành một vòng tròn đường kính lên tới 70 mét, đem lại xác suất tiêu diệt mục tiêu cao gấp hơn ba lần so với bom chìm.
Nhờ việc phát minh ra thứ vũ khí hiệu quả này, Charles Goodeve đã được tặng thưởng huân chương Order of British Empire và trở thành trợ lý riêng của đô đốc Wake Walker. 

Nối tiếp thành công của Hedgehog, các phiên bản tiếp theo của hệ thống này như MK.4 Squid phát triển năm 1944 gồm ba súng phóng sử dụng đầu đạn loại 90 kg; hệ thống MK NC10 Limbo sử dụng đạn 90 kg, có thể điều chỉnh được tầm bắn từ 300 - 1000 mét. 

Dựa trên nguyên lý của Hedgehog, các hệ thống chống ngầm tương tự cũng được sử dụng trong hải quân Liên Xô từ cuối những năm 1940 như MBU-200 và MBU-600.
Súng cối chống ngầm Squid, phiên bản cải tiến hiện đại của Hedgehog.
Rocket chống ngầm

Dựa trên nguyên lý của Hedgehog, rocket chống ngầm đã ra đời sớm ngay sau đó, sử dụng động cơ tên lửa cho mỗi quả đạn thay vì phóng đi từ súng cối giúp vũ khí này có tầm bắn xa hơn và độ chính xác cao hơn. 

Trong số các hệ thống rocket chống ngầm sớm nhất phải kể đến hệ thống Mousetrap (Bẫy chuột) của Mỹ được phát triển chỉ sau Hedgehog một năm, bao gồm từ bốn đến 8 quả đạn rocket khối lượng 29 kg với đầu đạn nặng 15 kg được bắn đi từ các ray phóng. 

Tuy nhiên, tầm bắn hiệu quả của Mousetrap cũng chỉ trong khoảng 280 mét, không khá hơn là mấy so với hệ thống Hedgehog nguyên bản.
Mousetrap của hải quân Hoa Kỳ chính là hệ thống rocket chống ngầm đầu tiên trên thế giới.
Các phiên bản rocket chống ngầm sau thế chiến thứ hai được sử dụng rộng rãi trong hải quân Mỹ và các nước thuộc khối NATO có tên chung là ASROC (Anti Submarine ROCket). 

Hệ thống này được phát triển từ những năm 1960 gồm các ống phóng rocket cỡ 422 mm có thể phóng nhiều loại rocket chống ngầm khác nhau, kể cả loại ngư lôi hoặc rocket mang đầu đạn hạt nhân 10 Kiloton W-44 với tầm bắn 22 km. 

Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, đây là vũ khí cơ bản để đối phó với lực lượng tầu ngầm chiến lược hùng hậu của hải quân Liên Xô.
Hệ thống ASROC trang bị trên hàng không mẫu hạm USS Kitty Hawk của Mỹ.
Sự phát triển rocket chống ngầm hiện đại không thể không kể đến các hệ thống RBU-2500, RBU-1000, RBU-6000 và RBU-12000 của hải quân Liên Xô.

Ra đời sớm nhất trong series này là hệ thống RBU-2500 (Smerch-1) được trang bị trên hộ tống hạm lớp Petya từ năm 1957. Hệ thống này gồm hai hàng, 16 ống phóng rocket, đạn được nạp bằng tay với tầm bắn hơn hẳn hệ thống Hedgehog nguyên bản, lên đến 2.500 mét. 

Không những thế, với sonar chủ động Pegas 24 kHz, RBU-2500 có độ chính xác cao và là hệ thống chống ngầm cực kỳ hiệu quả trong thời đại của nó. 

Hiện nay, tuy không còn được sản xuất nhưng hệ thống rocket chống ngầm RBU-2500 vẫn đang được sử dụng trong lực lượng hải quân một số nước như Ấn Độ, Syria và Việt Nam.
Rocket chống ngầm RBU-2500 trang bị trên tầu chiến lớp Petya-III.
Hộ vệ hạm lớp Petya đang bắn thử rocket chống ngầm RBU-2500.
Hệ thống RBU-1000 và RBU-6000 là những hệ thống được phát triển từ giữa thập niên 60 của thế kỷ trước (Số hiệu 1000, 6000 ở đây dựa trên tầm bắn của vũ khí tính bằng mét) hiện là loại rocket chống ngầm phổ biến nhất trong hải quân Nga hiện nay. 

Đạn rocket cỡ 300 mm (RBU-1000) hay 213 mm (RBU-6000) được phóng đi có thể được điểm hỏa do va chạm hay xuống đến độ sâu nhất định. Sau khi bắn hết một loạt đạn từ bốn đến 12 rocket, đạn rocket được nạp lại hoàn toàn tự động nhờ cơ cấu nạp phía dưới boong tầu. 

Những loại rocket chống ngầm này có thể tấn công được cả tàu ngầm ở độ sâu tới 450 mét. Hiện nay, phiên bản cải tiến của RBU-6000 là RPK-8 sử dụng đạn rocket 90R có đầu dò tự dẫn có khả năng tự động bám đuổi và tấn công tầu ngầm ở độ sâu tới 1000 mét với xác suất đánh trúng lên tới 80%. Đầu nổ lõm 19,5 kg của rocket 90R cho phép nó có khả năng đánh thủng cả hai lớp thân của những tầu ngầm hiện đại nhất.

Hiện tại hệ thống RBU-6000 được sử dụng rất rộng rãi ở các nước khối Vacsava cũ và một số nước khác như Algeria, Cuba, Indonesia và Việt Nam.
Rocket chống ngầm RBU-6000 được trang bị trên khu trục hạm lớp Neutrasimiy của Nga.
Xu thế hiện nay rocket chống ngầm được sử dụng là một trong những thành phần của các hệ thống chống ngầm và chống ngư lôi; trong đó phải kể đến rocket RBU-12000 được sử dụng trong hệ thống Udav-1 của Nga trang bị trên tầu sân bay Kuznetsov hoặc hệ thống VL-ASROC của hải quân Mỹ có khả năng chống cả tầu ngầm và ngư lôi với tầm bắn xa và xác suất bắn trúng cực kỳ cao.

Nếu bom chìm, súng cối, rocket chống ngầm có tính chất phòng vệ thụ động thì máy bay, tên lửa tầm xa săn ngầm là những vũ khí tấn công tầu ngầm có tính chủ động.
Tên lửa tầm xa chống ngầm
Các phiên bản ngư lôi chống ngầm trang bị đầu dò tự dẫn hạng nhẹ thường được dùng làm đầu đạn trên các tên lửa đối hạm để đối phó với tầu ngầm ở khoảng cách xa. 

Điển hình của dòng vũ khí này có thể kể đến tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC phóng từ tầu nổi,  UUM-44 SUBROC phóng từ tầu ngầm của Mỹ và các dòng RPK của Nga như RPK-6 Vodopad, RPK-9 Medvedka phóng từ tầu nổi;  RPK-2 Viyuga, RPK-7 Vorobei phóng từ tầu ngầm. 
Những loại tên lửa này có thể phóng đi từ những ống phóng chuyên dụng hoặc các loại ống phóng ngư lôi 533 mm hay 650 mm; có tầm bay vượt trội so với rocket chống ngầm (UUM-44 SUBROC có tầm bay tới 55km hay tên lửa nhiên liệu rắn của hệ thống RPK-6/7 có tầm bay tới 100 km). 

Ống phóng tên lửa chống ngầm RPK-6 trên khu trục hạm Neutrasimiy của Nga.
Tên lửa VL-ASROC đang được bắn thử nghiệm.

Đầu đạn sau khi phóng đến vị trí phát hiện tầu ngầm sẽ tự tách ra và được thả bằng dù xuống biển và tự tìm mục tiêu bằng thiết bị định vị âm thanh gắn kèm.

Máy bay săn ngầm
Sự phát triển của không quân trong thời kỳ hiện đại đã mang đến một giải pháp chống ngầm hữu hiệu, đó là các máy bay chống ngầm. Nhiệm vụ chủ động săn tìm và tiêu diệt tầu ngầm thường được giao cho các loại máy bay cánh cố định, có tốc độ bay vừa phải và thời gian bay lớn. 

Điển hình cho loại máy bay này là máy bay săn ngầm P3C - Orion của Mỹ và Ilyushin IL-38 của Nga. P3C Orion có tốc độ bay hành trình khi làm nhiệm vụ là 610 km mỗi giờ và có thể bay liên tiếp 14 tiếng liên tục, còn thông số này đối với IL-38 là 645 km mỗi giờ trong 12 tiếng hành trình. 

Các loại máy bay săn ngầm này thường có tải trọng lớn, vì bên trong chứa các thiết bị phát hiện và theo dõi tầu ngầm hiện đại như các loại sonar; radar tìm và diệt mục tiêu, cảm biến địa từ trường. 

Máy bay săn ngầm P3C-Orion của Hải quân  Mỹ.
Máy bay săn ngầm IL-38 của Nga đang phục vụ cho không quân Ấn Độ.

Ngoài ra, chúng cũng được trang bị các loại vũ khí như ngư lôi tự dẫn chống ngầm, bom chìm, tên lửa chống hạm (AGM-86 Harpoon trên P3C) và thậm chí là tên lửa không đối không để tự vệ như AA-11 Archer trên IL-38). 

Năng lực hoạt động của những chiếc máy bay săn ngầm này rất lớn; những chiếc IL-38SD mới của Hải quân Nga có khả năng phát hiện và tấn công tầu ngầm ở khoảng cách lên đến 150 km.
Nhiệm vụ của các tầu săn ngầm hay tự vệ trước tầu ngầm của những tầu chiến thông thường khác cũng được san sẻ cho những chiếc trực thăng chống ngầm trang bị đi theo tầu. Những chiếc trực thăng đảm nhận nhiệm vụ này có thể kể đến như SH-60B Seahawk của Hoa Kỳ, AW101 Merlin của Anh hay Ka-27 Helix của Nga.
Trực thăng chông ngầm AW-101 Merlin của Anh với các thiết bị điện tử chứa trong khoang bụng có hình dáng đặc trưng.
Trực thăng chống ngầm SH-60B Seahawk của Mỹ đang bắn một quả ngư lôi MK-46.
Phi đội săn ngầm tiêu chuẩn của Ka-27.

Chúng cũng được trang bị các loại radar, cảm biến điện từ trường, sonar ... để phát hiện tầu ngầm và các loại vũ khí chống ngầm như ngư lôi, bom chìm hay tên lửa chống hạm.

Phát triển kỹ thuật phát hiện và theo dõi tầu ngầm. 
Phát triển song song cùng vũ khí tiêu diệt là các loại thiết bị do thám, giúp phát hiện chính xác sự hoạt động của tầu ngầm. Với mục tiêu chủ động phát hiện, theo dõi và tiêu diệt các tầu ngầm đối phương, những hệ thống phao thủy âm (sonar) đơn giản như ASDIC không còn đáp ứng được yêu cầu chiến tranh hiện đại. 

Dù ngày nay kỹ thuật sử dụng sonar chủ động và bị động đều có những tiến bộ vượt bậc nhưng các tầu ngầm hiện đại đều được trang bị những thiết bị khử âm hiệu quả. 

Những tầu ngầm tấn công như loại Akula của Nga có lớp phủ cách âm dày đến 100 mm, gồm nhiều loại vật liệu khác nhau có thể ngăn chặn âm thanh ở tất cả các tần số, giúp tiếng động nó phát ra giảm đến 100 lần. Do đó, việc sử dụng những kỹ thuật khác để phát hiện tầu ngầm là điều tất yếu.
Các phương pháp theo dõi và phát hiện tầu ngầm phổ biến hiện nay
Radar: Các tầu ngầm hoạt động bằng động cơ diesel thường có thời gian lặn liên tục kéo dài từ vài ngày đến một tuần, sau đó chúng phải nổi lên để vận hành động cơ diesel, sạc lại các bộ pin trong tầu. 

Tại thời điểm này, chúng dễ bị phát hiện bởi radar gắn trên các loại máy bay săn ngầm. Dù chỉ phát hiện tầu ngầm khi chúng nổi lên trên mặt nước, nhưng radar có thể giúp phát hiện được các tầu ngầm ở khoảng cách cực kỳ xa để khoanh vùng và sử dụng các biện pháp đối phó bổ sung. 

Hiện nay, một số hệ thống radar hiệu quả đang được Hải quân Mỹ sử dụng phải kể đến AN/APS-115 trên máy bay P3C Orion và AN/APS - 124 gắn trên trực thăng SH-60B Seahawk.

Cảm biến địa từ trường (MAD - Magnetic Anomaly Detector): Về nguyên tắc cơ bản, cảm biến MAD hoạt động tương tự như những thiết bị dò kim loại: Một vật làm bằng kim loại có kích cỡ lớn như tầu ngầm sẽ tạo ra một khu vực địa từ trường khác thường xung quanh nó. 

Các cảm biến MAD sẽ tính toán dựa trên cường độ của điểm thay đổi địa từ trường này các thông số như kích cỡ, chất liệu vật cản để xác định đó có phải là tầu ngầm hay không. 

Trước sự phát triển mãnh liệt của tầu ngầm Liên Xô, và sau này là của Nga, Trung Quốc, Mỹ đã kịp "chạy theo" những bước dài và phát triển công nghệ cảm biến điện từ trường gồm các hệ thống AN/ASQ-81 sử dụng trên máy bay săn ngầm S3B Viking và hệ thống AN/ASQ-208 trên máy bay P3C Orion.

Cảm biến điện từ:
 Các thiết bị cảm biến điện từ sẽ kiểm tra và phát hiện các tần số “lạ” của sóng radio phát ra khi tầu ngầm đối phương liên lạc với căn cứ. Loại cảm biến này không những gắn được trên các tầu nổi và máy bay, mà chúng thậm chí có thể gắn trên cả những tầu ngầm tấn công để phát hiện và tiêu diệt tầu ngầm đối phương.

Cảm biến hồng ngoại (IR-Infra Red sensor): Các cảm biến hồng ngoại (FLIR hay IRDS) có thể phát hiện được những vùng nước ấm tạo ra do động cơ tầu ngầm phát nhiệt khi vận hành. Đặc biệt là về đêm khi các hệ thống khác hoạt động kém hiệu quả. 

Không những thế, các cảm biến hồng ngoại gắn trên máy bay săn ngầm còn có thể sử dụng để theo dõi các phương tiện hoạt động trên biển khác như tầu nổi, người nhái...

Thiết bị quan sát quang điện: Được dùng để cải thiện tầm nhìn của mắt thường, giúp dễ dàng phát hiện ra các tầu ngầm hoặc kính tiềm vọng của chúng nổi trên mặt nước.
Đồng Tâm


http://quocphong.baodatviet.vn/Home/QPCN/Vu-khi-diet-tau-ngam-qua-cac-thoi-ky-ky-1/20099/141079.datviet