Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

2 sách lược, 5 biện pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

(Toquoc)-Báo chí Trung Quốc tiếp tục thảo luận về quan điểm của Trung Quốc, Mỹ, ASEAN và Nga trong vấn đề Biển Đông.
Báo chí Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan gần đây đưa lại phát biểu của giới quân sự Trung Quốc về vấn đề Biển Đông sặc mùi hiếu chiến. Mặt khác, cũng đưa ra các ý kiến nghiên cứu và phản biện về chính sách Biển Đông nên như thế nào cho có lợi nhất.
“Trung Quốc suy nghĩ chưa rõ ràng”
Theo báo Văn hối (HK) và Vượng báo (Đài Loan), Thiếu tướng Hải quân Dương Nghị, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược, Đại học Quốc phòng Trung Quốc, đề cấp đến những động thái của Việt Nam, như diễn tập quân sự, ban bố quy định về đối tượng nhập ngũ… là nhằm gửi tín hiệu cứng rắn tới Trung Quốc. Tướng Dương Nghị cảnh cáo Việt Nam “không nên đùa với lửa”, “chớ coi việc Trung Quốc mong muốn duy trì hòa bình là sự nhu nhược”. Viên tướng này còn cao giọng: “Trung Quốc đã không sợ nước lớn, thì càng không sợ nước nhỏ gây hấn. Trung Quốc không đời nào chịu nuốt quả đắng trong vấn đề lợi ích quốc gia”.
Một cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông
Trong khi đó, cũng theo các báo trên, Thiếu tướng Không quân Kiều Lương lại nghị luận: Một vấn đề căn bản hiện nay là “cách suy nghĩ của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông chưa rõ ràng”, ví dụ như tuyên bố Biển Đông là biển của Trung Quốc, phải xem liệu nó có mâu thuẫn với Luật biển và Luật pháp quốc tế hay không. Xem xét từ góc độ Luật pháp quốc tế và Luật biển, trước hết phải xác định rõ Biển Đông còn có những vùng biển nào, những đảo nào là lãnh thổ của Trung Quốc.
Chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác” đã không đạt được tiến triển thực tế, Trung Quốc không thể chỉ nói mấy câu khẩu hiệu suông với các nước. Cần phải đưa ra những ý tưởng thực tế, thiết kế thực tế, sau đó bàn bạc với các nước. Tính chất phức tạp trong vấn đề Biển Đông quyết định thái độ của Trung Quốc là không nên dùng biện pháp cứng, dẫu có đánh một trận thì cũng không thể giải quyết được tận gốc vấn đề. Tuy nhiên, không dùng biện pháp cứng không đồng nghĩa với việc Trung Quốc ngồi nhìn lợi ích của mình mất đi.
Trung Quốc: 2 sách lược, 5 biện pháp ở Biển Đông
Mạng Văn hối đăng bài “Hai sách lược bảo vệ quyền lợi ở Biển Đông” cho rằng trong tình hình hiện nay, Trung Quốc cần xác định 2 sách lược: một là không sợ bao vây, cần tranh thủ số nhiều, hai là chuyển đấu võ sang đấu văn.
Bài báo cho rằng, khi Việt Nam tiến hành diễn tập bắn đạt thật, Mỹ đã bày tỏ chỉ trích khiến nhiều người cho rằng Mỹ sẽ có thái độ trung lập. Ai ngờ mấy ngày sau, Mỹ và VN lại cùng ra Tuyên bố chung yêu cầu bảo đảm hoà bình, an ninh, ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông. Điều này rõ ràng là cảnh cáo Trung Quốc. Đồng thời, Đại sứ Mỹ tại Philippines công khai nói rằng Mỹ sẽ ủng hộ mọi việc làm của Philippines. Rõ ràng là Mỹ đang chơi trò lợi dụng các nước để bao vây Trung Quốc.
Về thái độ của các nước trong khu vực, bài báo cho rằng tình hình không quá bi quan. Trong số các nước có tranh chấp ở Biển Đông, MalaysiaBruneiIndonesia có thái độ khác với Việt Namvà Philippines, đó là không làm chim đầu đàn. Trong ASEAN còn có 5 nước, ngoài Singapore, 4 nước còn lại là Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar đều duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Nhật Bản duy trì lập trường giống Mỹ nhưng sẽ không dám quá đà. Hàn Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ sẽ duy trì thái độ trung lập.
Trước đợt sóng gió lần này ở Biển Đông, Trung Quốc kiên trì lập trường giải quyết hoà bình song không có nghĩa sẽ mềm tay và càng không phải là sẽ hoàn toàn từ bỏ các biện pháp cứng rắn khác. Giới quân sự Trung Quốc đã đề xuất cần duy trì sự hiện diện ở Biển Đông trên 5 lĩnh vực: (1) Về hành chính; (2) về luật pháp; (3) về quân sự - những nơi có điều kiện đóng quân thì đóng quân, không có điều kiện thì lắp đặt các thiết bị quân sự, không có điều kiện lắp đặt thì cắm biểu tượng chủ quyền hoặc quốc kỳ Trung Quốc; (4) về kinh tế - cần tiến hành khảo sát khoa học, lắp đặt giàn khoan thăm dò khai thác dầu khí, khai thác du lịch ở Biển Đông; (5) về dư luận - báo chí và các mạng xã hội cần thông qua các kênh để tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Ngoài ra, còn một lĩnh vực quan trọng nữa đó là chấp pháp. Tàu hải giám của Trung Quốc đã ra Biển Đông và Trung Quốc đang có kế hoạch đẩy nhanh phát triển đội tàu hải giám. Đây là biện pháp thực tế để bảo vệ quyền lợi ở Biển Đông. Cần thấy rằng, mục đích cuối cùng của Trung Quốc ở Biển Đông là thu hồi những phần đã mất. Việc sử dụng vũ lực chưa phải thượng sách, sách lược tốt nhất là chuyển đấu võ sang đấu văn, tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc, bó hẹp không gian của những kẻ xâm chiếm phi pháp.
Tàu chiến lớn nhất của Trung Quốc được điều đến Biển Đông
Nga với cục diện nhạy cảm
Cung theo mạng Văn hối, con bài quan trọng nhất đối với Bắc Kinh trong cục diện nhạy cảm hiện nay là Nga. Trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vừa qua, hai bên đã ra Tuyên bố chung khẳng định lập trường đồng nhất trên một loạt vấn đề quốc tế quan trọng như cải cách Liên hợp quốc, chống khủng bố, chống tên lửa đạn đạo, hạt nhân Triều Tiên, hạt nhân Iran, Lybia, Afghanistan, xử lý khủng hoạt hạt nhân Nhật Bản…. Đồng thời, Trung Quốc bày tỏ ủng hộ một loạt vấn đề liên quan đến lợi ích của Nga như gia nhập WTO, Nam Caucasus, CIS.
Vấn đề Biển Đông đã không được đề cập đến. Điều này cho thấy Nga sẽ không dễ dàng từ bỏ Việt Nam vì có nhiều lợi ích quan trọng: Thứ nhất, Việt Nam là bạn hàng quan trọng trong mua bán vũ khí của Nga; thứ hai là Nga-Việt có khai thác chung dầu mỏ ở Biển Đông. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn có con bài để tranh thủ sự ủng hộ hoặc duy trì thái độ trung lập của Nga bởi vì lợi ích của Nga với Trung Quốc còn lớn hơn nhiều: kim ngạch thương mại hai nước trong 10 năm tới đạt 200 tỷ USD là tiền vốn Bắc Kinh bỏ ra mua Moscow. Mặt khác, Nga vẫn còn món nợ với Trung Quốc khi mà ngay trong ngày khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008, Nga đã tấn công Nam Ossetia đi ngược tinh thần ngừng chiến trong kỳ Olympic song Bắc Kinh vẫn ngầm bày tỏ ủng hộ Putin.
Thanh niên Việt Nam ghép những hạt cà phê cuối cùng để tạo nên tấm bản đồ Trường Sa đặc biệt
Đài Loan: Làm sao phân phối lợi ích dầu khí hợp lý?
Thanh niên nhật báo (Đài Loan) đăng xã luận “Để bảo đảm lợi ích quốc gia, Đài Loan cần phải thận trọng đối phó với tình hình căng thẳng ở Biển Đông”, cho rằng: “Tính phức tạp trong việc tuyên bố chủ quyền của các nước đã khiến vấn đề Biển Đông khó được giải quyết triệt để. Nhìn nhận vấn đề một cách sâu xa, trước khi có kết quả điều tra thăm dò dầu khí phong phú ở đây, chẳng mấy ai chú ý đến vùng biển này. Điều này cho thấy “chủ quyền Biển Đông” là kết quả chứ không phải nguyên nhân của vấn đề. Một khi lợi ích dầu khí không được phân phối hợp lý thì không thể chấm dứt xung đột. Cuộc tranh giành lợi ích này đã bước vào giai đoạn thực chất mà không thể nghịch chuyển. Chính vì quốc tế hoá vấn đề Biển Đông, nhất là sự can dự của Mỹ, đã làm tăng tính phức tạp của vấn đề. Năm 2010, phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clintontại Diễn đàn khu vực Đông Á,  tuy làm cho quan hệ Mỹ-Trung thêm căng thẳng, nhưng đã làm thay đổi cân bằng quyền lực tại Biển Đông vốn dĩ nghiêng về Trung Quốc, khiến Trung Quốc bị các nước xung quanh cô lập và cũng biến năm 2010 thành một năm đen tối nhất về ngoại giao của Trung Quốc kể từ sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989.
Mỹ tuy tuyên bố “không ủng hộ bất cứ hành động nào làm phức tạp thêm tình hình” nhưng Đại sứ Mỹ tại Philippines đã tuyên bố với Philippines rằng “Mỹ sẽ đứng về phía Philippines trong tất cả các vấn đề”. Mặt khác, Mỹ cũng đã cử tàu khu trục USS Chung-Hoon tới tham gia diễn tập quân sự với Philippines; cử hàng không mẫu hạm G.Washington tới Tây Thái Bình Dương cho thấy sách lược “vây hãm hoà bình” của Mỹ trong vấn đề Biển Đông, một mặt duy trì hữu hảo với Trung Quốc, một mặt cũng liên kết với các nước Đông Nam Á để vây hãm Trung Quốc.
Trước thái độ cứng rắn của Việt NamPhilippines và kiểu chơi cân bằng hai mặt của Mỹ, tình hình Biển Đông sẽ diễn biến ra sao ? Thực sự bóng đang ở trong chân Trung Quốc. Trung Quốc tuy bày tỏ không theo đuổi sử dụng vũ lực, nhưng có tin Trung Quốc hiện đã tập kết 12 chiến hạm tại Biển Đông, có nghĩa là khi cần thiết, Trung Quốc cũng sẵn sàng cho một cuộc chiến. Tình hình đã đến nước này, bất cứ vụ “lau súng cướp cò” nào cũng đều có thể diễn biến thành xung đột lớn.
UNCLOS không những không thể hoá giải được tranh chấp mà trái lại “càng gỡ càng rối”. Đề nghị của Mỹ và các nước Đông Nam Á là giải quyết đa phương nhưng không được Trung Quốc chấp nhận, cho thấy ngoại giao quốc tế trong thời gian ngắn không thể giải quyết được tranh chấp”.
Theo Trung Quốc thời báo, trả lời phỏng vấn của báo chí khi đang ở thăm Philippines về thái độ Đài Loan đối với Trung Quốc liên quan Biển Đông, với thái độ bảo lưu, Chủ tịch Dân Tiến Đảng Thái Anh Văn cho rằng: “Đài Loan có chủ trương riêng của mình đối với Trường Sa, đó là chủ quyền với xuất phát điểm là Đài Loan, không hoàn toàn giống với Trung Quốc; nếu hai bờ hợp tác giải quyết vấn đề chủ quyền Trường Sa, trước tiên phải làm rõ cơ sở chủ quyền của hai bên đối với Trường Sa có giống nhau hay không, nếu không sẽ làm cho các nước khác bị lẫn lộn về vấn đề chủ quyền giữa hai bờ”.
Uông Minh Hiền, Giám đốc Sở nghiên cứu chiến lược Đại học Đạm Giang (ĐL), cho rằng, diễn biến tại Biển Đông hiện nay là một thử thách và cũng là một cơ hội đối với Đài Loan. Nếu Chính phủ Mã Anh Cửu muốn có bước đột phá để Đài Loan thoát khỏi khốn cảnh trong vấn đề Biển Đông thì đây chính là cơ hội rất tốt, có thể triển khai bàn với Đại lục vấn đề tin cậy lẫn nhau về quân sự./.
QT (Giới thiệu)


Nguồnwww.toquoc.gov.vn/2-sach-luoc-5-bien-phap-cua-Trung-Quoc-o-Bien-Dong/6518969.epi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét