Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC ĐÃ ĐƯA VENEZUELA ĐẾN BỜ VỰC HỖN LOẠN NHƯ THẾ NÀO?

Tình hình tại Venezuela đến nay đang hết sức căng thẳng. Xung đột có thể bùng nổ, giữa một bên là một tổng thống bị mất lòng dân, nhưng được quân đội và Nga, Trung Quốc ủng hộ, và bên kia là chủ tịch Quốc Hội tự phong làm tổng thống, được Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây hậu thuẫn. Vì sao một quốc gia giàu tài nguyên bậc nhất thế giới lại chìm trong lạm phát kinh hoàng, kinh tế hoàn toàn kiệt quệ, chế độ chính trị ngày càng độc đoán và bất lực, đẩy đất nước đến bờ vực rối loạn, có nguy cơ nội chiến hoặc can thiệp quân sự từ bên ngoài ?

Image may contain: 2 people, people smiling, people standing and suit

Đất nước Venezuela sở dĩ rơi vào tình trạng bên bờ hỗn loạn hiện nay một phần rất lớn là do chính sách của Trung Quốc với Caracas, từ gần 20 năm qua. Dùng dòng tín dụng lớn để khuyến khích chế độ Venezuela bám chặt lấy ảo tưởng ý thức hệ "xã hội chủ nghĩa", bám chặt lấy việc xuất khẩu tài nguyên, khoảng sản như phương thức sống còn chủ yếu. Kết quả là tạo ra một tầng lớp quan chức ăn bám, tham nhũng, một bộ phận đông đảo dân chúng bị ru ngủ trong các ảo ảnh. Sau đây là phần tổng hợp thông tin từ báo chí, về vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Venezuela hiện nay.
Quan hệ Trung Quốc với chế độ "xã hội chủ nghĩa Venezuela" khởi đầu ra sao ?
Dầu mỏ là duyên nợ của Venezuela với Trung Quốc. Trang mạng SupChina, có trụ sở tại New York, tháng 1/2019 này, có loạt bài "The Venezuela-China relationship, explained" đáng chú ý.
Năm 1996, Venezuela thu được hơn một tỉ đô la nhờ bán dầu cho các nước châu Á – Thái Bình Dương, chủ yếu là cho Nhật Bản. Dầu thô của quốc gia Nam Mỹ này bắt đầu được bán sang Nhật từ năm 1988. Ngay trước khi ông Hugo Chavez đắc cử tổng thống năm 1998, tập đoàn dẩu mỏ Trung Quốc (NPCC) đã tìm cách đàm phán để được chính quyền lúc đó cho phép khai thác dầu ở Venezuela. Những người ủng hộ ứng cử viên tổng thống Chavez đã tố cáo chính sách bán tài nguyên cho "các thế lực đế quốc".
Sau khi lên nắm quyền, chế độ Chavez tìm thấy ở Trung Quốc đồng minh ý thức hệ hiếm có. Tổng thống Chavez đã không thay đổi các hợp đồng đã ký của Trung Quốc với chính quyền tiền nhiệm, và thậm chí còn mở rộng hơn.
Tháng 4/2001, ông Giang Trạch Dân - lãnh đạo Trung Quốc thời đó - đã đích thân tới Venezuela, ký kết nhiều hợp đồng, mở đầu cho quan hệ gắn bó kéo dài đã hơn 17 năm trời. Năm 2004 là một bước ngoặt lớn trong quan hệ hai nước. Bắc Kinh và Caracas ký thỏa thuận cho phép mỗi bên đầu tư tại quốc gia đối tác, mà không phải nộp thuế. Caracas cũng dành cho Bắc Kinh nhiều chế độ ưu đãi về thuế nhập khẩu, hơn hẳn với Hoa Kỳ.
Venezuela được Bắc Kinh coi là cánh cửa mở vào Nam Mỹ. Năm 2005, Trung Quốc đầu tư một tỉ đô la vào quốc gia này, hơn tất cả các nước khác trong khu vực. Vào thời điểm này, đã có khoảng 20 doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Venezuela trong đủ các lĩnh vực, từ khai thác dầu mỏ, khai thác khoáng sản, đến xây dựng đường sắt, các hạ tầng giao thông khác, viễn thông, năng lượng, nông nghiệp, sản xuất dụng cụ điện tử gia dụng…
Năm 2005 cũng là năm mà tổng thống Venezuela Chavez quyết định đình chỉ quan hệ hợp tác lịch sử về quân sự với Hoa Kỳ, để xích lại gần Trung Quốc hơn. Năm 2007, thành lập Quỹ chung Trung Quốc – Venezuela. Thương mại song phương tăng cường, với tổng giá trị vượt quá 4 tỉ đô la. Quan hệ giữa Bắc Kinh và Caracas ngày càng mật thiết. Tuy nhiên cũng bắt đầu từ thời điểm đó, Venezuela trở thành quốc gia mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất tại châu Mỹ Latinh, với khoảng 5 tỉ đô la.
Phải chăng mục tiêu chính của Trung Quốc là khai thác khoáng sản, còn các đầu tư cho phát triển khác chỉ là để mỵ dân?
Thực tế cho thấy, tình trạng tài chính và kinh tế của Venezuela ngày càng tồi tệ cùng lúc với ảnh hưởng tài chính và kinh tế của Trung Quốc tại nước này càng gia tăng. Nhìn chung, Trung Quốc không bao giờ công bố số tiền cho vay với các dự án cụ thể nào, cũng như điều kiện cấp tín dụng. Tình trạng mù mờ này là mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng bùng phát.
Theo một số nhà quan sát, tín dụng của Trung Quốc cho Venezuela, với 60 tỉ đô la, chiếm khoảng 40% tổng tín dụng của nước này cho các nước Mỹ Latinh. Nhìn chung, Trung Quốc dành đến 90% đầu tư trực tiếp tại châu Mỹ Latinh cho các hoạt động khai thác khoáng sản, và tình hình cũng tương tự tại Venezuela.
Một trong các dự án đầu tư của Trung Quốc được quảng bá rầm rộ tại Venezuela là dự án xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của châu Mỹ Latinh, trị giá 7,5 tỉ đô la, do tập đoàn xây dựng đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, của Trung Quốc, China Railway Group, thực hiện. Dự án khởi sự năm 2009, đã hoàn toàn đổ bể sau đó. Năm 2015, tập đoàn Trung Quốc âm thầm rút, để lại món nợ 400 triệu đô la cho Venezuela. Cho đến gần đây, nhiều người dân vẫn tin tưởng sẽ có một ngày nào đó công ty Trung Quốc trở lại.
Tình hình tương tự với dự án phát triển các ngành công nghiệp của Venezuela. Một ví dụ tiêu biểu là công ty điện tử viễn thông Orinoquia của Venezuela, ra đời năm 2010, với 35% vốn do tập đoàn Hoa Vi Trung Quốc đầu tư. Tuy nhiên, các dự án mà Hoa Vi hứa hẹn đã không bao giờ trở thành hiện thực.
Trên thực tế, trong lúc sản xuất nội địa của Venezuela không ngóc đầu lên được, thì hàng xuất khẩu từ Trung Quốc ồ ạt đổ vào nước này. Nếu như năm 1998, trước khi ông Chavez lên nắm quyền, chỉ có 0,18% hàng nhập khẩu đến từ Trung Quốc, thì 14 năm sau, tỉ lệ này lên đến 34,9%.
Bắc Kinh cũng có một số dự án trọng điểm thành công mang tính biểu tượng với Venezuela, như phóng vệ tinh, với sự hỗ trợ của Trung Quốc. Năm 2017, Caracas phóng thành công vệ tinh quan sát thứ ba lên quỹ đạo. Đây có thể là một hành động của chế độ Bắc Kinh nhằm quyền rũ chính quyền Venezuela.
Đầu năm nay, bất chấp Venezuela – quốc gia đối tác hàng đầu của Bắc Kinh tại châu lục – đang chìm sâu trong khủng hoảng, bên bờ hỗn loạn, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc tại Chilê tiếp tục có một bài phát biểu hùng hồn quảng bá cho dự án Con Đường Tơ Lụa Trên Biển, coi các nước Nam Mỹ là "thành phần tự nhiên" và các đối tác không thể thiếu của dự án quốc tế khổng lồ mà Trung Quốc khởi xướng và chủ trì.
Sau khi lãnh đạo Chavez qua đời năm 2013, phải chăng Trung Quốc đã gia tăng nỗ lực biến Venezuela thành một chư hầu, thúc đẩy Caracas tăng cường khai thác tài nguyên để hoàn nợ?
Trong bài viết mang tựa đề "Venezuela và Trung Quốc : Một sự nhiễu loạn hoàn hảo", nhà nghiên cứu Matt Ferchen, chuyên về mô hình phát triển Trung Quốc, quan hệ Bắc Kinh với các nước Mỹ Latinh nhận xét : Ngay cả sau khi đã biết Venezuela lún sâu vào khủng hoảng gần như không có lối ra, Bắc Kinh cũng không thừa nhận thất bại, từ chối tham gia vào các nỗ lực tại khu vực, nhằm giúp Venezuela tìm được lối thoát. Trung Quốc tin là các quan hệ vững chắc giữa hai chế độ cùng ý thức hệ, cùng với sự dồi dào tín dụng của các ngân hàng Nhà nước Trung Quốc, sẽ giúp Venezuela tiếp tục duy trì chính sách lấy bán dầu và quặng mỏ làm trụ cột của nền kinh tế, không cần đếm xỉa đến mọi biến động thị trường và chính trị.
Các hợp tác theo kiểu bán rẻ tài nguyên, đã được khởi sự dưới thời tổng thống Chavez, được tăng cường trong thời kỳ ông Maduro lên nắm quyền, trong bối cảnh mô hình "chủ nghĩa xã hội" Venezuela có dấu hiệu phá sản hoàn toàn. Sau khi tổng thống Chavez qua đời, tổng thống Maduro đã âm thầm đàm phán với Trung Quốc và một số nước khác nhằm khai thác trên quy mô lớn nhiều loại khoáng sản quý hiểm, như vàng, coltan, boxit, sắt, kim cương tại vùng "Vòng cung Orinoco", với tổng diện tích 12% lãnh thổ Venezuela. Năm 2016, Trung Quốc ký được hợp đồng khai thác quặng coltan, rất cần cho điện thoại di động. Năm 2016 cũng là năm mà Vòng cung Orinoco chính thức được coi là một "đặc khu kinh tế". Nơi các điều kiện kinh doanh hết sức dễ dãi, các tiêu chuẩn về lao động môi trường gần như bị bỏ qua, chưa kể đến vấn đề môi trường sống, của rất nhiều cộng đồng sắc tộc sống lâu đời ở đây, bị đe dọa nghiêm trọng, do các hoạt động khai khoáng.
Tháng 9/2018, Bắc Kinh tiếp tục bỏ thêm 5 tỉ đô la, để mua lại 10% cổ phần của tập đoàn dầu mỏ Nhà nước (PDVSA). Trung Quốc cũng đạt được thỏa thuận với chính quyền Maduro để công ty Yankuang Group khai thác vàng tại khu vực Vòng cung Orinoco nói trên.
Giai đoạn 2014 đến nay bị nhiều người vốn trung thành với Chavez coi như là thời kỳ mà chính quyền Venezuela hoàn toàn xa rời với một số tôn chỉ tốt đẹp ban đầu của cố tổng thống để chuyển hướng sang một mô hình kinh tế lệ thuộc nặng nề vào Bắc Kinh, Nga hay một số tập đoàn đa quốc gia.

Tương lai quan hệ giữa Venezuela và Trung Quốc sẽ ra sao?
Sự thất bại của chế độ Chavez tại Venezuela cũng chính là một thất bại của Trung Quốc. Tuy nhiên, cho dù chế độ "xã hội chủ nghĩa" hiện nay ở Venezuela có sụp đổ, Bắc Kinh chắc chắn không buông Venezuela. Một mặt để bảo vệ số tiền bạc đã đầu tư, mặt khác tiếp tục có cơ hội khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản, được đánh giá là còn hết sức dồi dào, trong lúc khả năng kiểm soát của chính quyền trung ương lại hết sức hạn chế.
Vẫn theo chùm bài phân tích về quan hệ Trung Quốc – Venezuela trên trang mạng SupChina, thì cho dù chế độ mang danh hiệu "xã hội chủ nghĩa" của ông Maduro đang khủng hoảng trầm trọng, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không từ bỏ vùng đất màu mỡ Nam Mỹ này. Một khi đã đứng chân được tại Venezuela, thì bằng cách này hay cách khác, Trung Quốc tìm mọi cách ở lại. Kể từ những năm 2015, năm 2016, Bắc Kinh bắt đầu tiếp xúc với đối lập Venezuela, để chuẩn bị phương án mới, đề phòng thay đổi chế độ. Về phần mình, giáo sư Isabelle Rousseau, một chuyên gia về chính trị tại châu Mỹ Latinh (Đại học Colegio de Mexico, Mêhicô), cho biết Bắc Kinh cũng đang đàm phán bí mật với Nga và Mỹ về khủng hoảng Venezuela.
Theo một số nhà nghiên cứu, thất bại tại Venezuela không cản trở Trung Quốc tiếp tục mô hình quan hệ mua chuộc giới chóp bu để thao túng, trong trường hợp có thay đổi chính trị, giống như với nhiều chế độ độc tài khác, tại Cam Bốt hay Zimbabwe.
Theo RFI.

https://www.facebook.com/josephnguyen12345/posts/1012816878910652

Từ những sử liệu về thiên tài chế súng của Hồ Nguyên Trừng trong sách Dã Ký đời Minh, liên hệ đến mối hận mất nước

Dã Ký [野記], hay Dã Sử đều là công trình của cá nhân ghi chép về lịch sử. Khác với chính sử của triều đình, các sử liệu được sàng lọc rất kỹ, còn Dã ký thì cách chọn hoặc bỏ có phần rộng rãi hơn. Các đời Minh, Thanh đều có Dã Ký ; sách đời Minh do Chúc Duẫn Minh 祝允明 soạn, gồm 4 quyển.
Screenshot_2-9.jpg
Chúc Duẫn Minh [1460-1526] sinh tại Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây ; lúc nhỏ nổi tiếng thần đồng, viết chữ đẹp, nhưng đường thi cử lận đận. Năm 19 tuổi đậu Tú tài, thi Hương 5 lần mới trúng Cử nhân vào năm Hoằng Trị thứ 5 [1492], trải qua 7 lần thi Hội không đậu ; đến lúc con trai đậu, ông bèn bỏ không thi nữa. Từng ra làm quan, giữ chức Tri huyện Hưng Ninh, Quảng Đông ; sau đó thuyên chuyển làm Thông phán phủ Ứng Thiên, Nam Kinh ; rồi từ chức trở về quê. Về văn nghiệp ông có 28 tác phẩm, trong đó có 5 tập thuộc loại ký ; về thư pháp có 18 tập ; sự nghiệp được ghi lại trong Minh Sử.
Trong quyển 2, Dã Ký, chép về cha con Hồ Quí Ly (1), Hồ Nguyên Trừng như sau :
“ Thời Vĩnh Lạc đánh An Nam, Lê Quí Ly hàng, có 3 con cùng theo vào triều.
Người con trưởng là Trừng được ban họ Trần, làm quan đến Thượng thư bộ Hộ(2). Trừng giỏi chế súng, đã chế súng thần công cho triều đình. Sau đó bị giáng chức, nhưng cho con làm chỉ huy Cấm vệ. Trừng xin theo nghiệp văn, hứa cho mỗi đời có con vào học Quốc tử giám. Ngày nay phàm tế binh khí, đều tế Trừng.
Người con giữa không rõ tên, được ban họ Đặng, cũng làm quan đến Thượng thư, sau bị giáng làm phụ tá huyện Giang Âm [tỉnh Giang Tô]. Có 3 người con, cho 1 người làm chỉ huy Cấm vệ, ban cho ruộng tại Giang Âm rất hậu, được miễn trừ sưu dịch, nay vẫn giữ nghiệp nhà.
Người con út không rõ tên, làm quan đến chức Chỉ huy. Sau đó lâu, xin về quê tế mộ, rồi tự xưng Vương. Quí Ly chết chôn tại kinh sư, sau đó con cháu dời chôn tại bên cạnh núi Chung Sơn.”
永樂中,征安南,黎季氂降,有三子,皆隨入朝。其孟曰澄,賜姓陳,官為 戶部尚書。澄善製槍,為朝廷創造神槍。後貶其官,而命其子世襲錦衣指揮,澄願從文,乃許令世以一人為國子生。今凡祭兵器並祭澄也。其仲曰某,賜姓鄧,亦官 尚書。後貶江陰縣佐,未審丞、簿。有三子,亦令一人襲錦衣指揮,並賜江陰田甚厚,永蠲其傜,今猶守世業。其季曰某,官為指揮。久之,乞歸祭墓,既往,即自 立為王。季氂死葬京師,其子後遷葬於鍾山之旁。
Việc Hồ Nguyên Trừng chế súng thần công cho nhà Minh rồi được phong chức Thượng thư bộ Công còn được xác nhận trong Minh Thực Lục qua văn bản dưới đây :
[1033] Ngày 11 tháng 4 năm Thành Hoá thứ 5 [21/5/1469]
Dùng con của viên Hữu thị lang bộ Công Lê Thúc Lâm, tên Thế Vinh, làm Trung thư xá nhân.
Thúc Lâm gốc người Giao Chỉ ; cha là Trừng, con Lê Quí Ly, em Lê Thương, vốn là tù binh bị bắt về, Thái tông văn hoàng đế tha tội cho, ban cho chức quan, chuyên chế tạo súng đạn, thuốc nổ, tại cục Binh trượng, cuối cùng giữ chức Thượng thư bộ Công. Thúc Lâm kế nghiệp, vẫn tiếp tục chế tạo quân khí. Đến nay xin cho con là Thế Vinh được làm quan tại kinh đô, để tiện bề phụng dưỡng.
Hoàng thượng nghĩ đến người phương xa nên chấp thuận.
(Minh Thực Lục v 42, tr.1329;Hiến Tông q.66, tr.4a)” (3)
Văn bản nêu trên còn cho biết con Hồ Nguyên Trừng là Hồ Thúc Lâm được giữ chức Hữu thị lang bộ Công, Thị lang tương đương với Thứ trưởng ngày nay. Riêng Dã Ký cho biết thêm, em Trừng cũng làm Thượng thư bộ Công, con trai em làm Chỉ huy Cấm vệ, tất cả đều chuyên coi sóc chế tạo súng thần công. Nói tóm lại cả đại gia đình Hồ Quí Ly đã làm chủ kỹ thuật chế tạo súng, kỹ thuật này tất đã có sẵn tại Việt Nam ; ngầm dùng nó làm bí quyết trao đổi, mới thoát khỏi chết trong buổi hiến dâng tù, dưới sự chủ toạ của vua nhà Minh vào ngày 5 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [5/10/1407] (4).
Đến đây câu hỏi được đặt ra : Nhà Hồ có súng tốt, làm sao phải chịu mất nước ?
Nhắm trả lời câu hỏi này, hãy trở về với sử nước nhà Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Lúc bấy giờ quân Minh chuẩn bị xâm lăng nước ta, vua là Hồ Hán Thương họp triều đình để bàn nên đánh hay hoà ; Hồ Nguyên Trừng bèn tâu như sau :
“ Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi ” Hồ Quí Ly bèn ban cho hộp trầu bằng vàng.” (5)
Câu nói của Hồ Nguyên Trừng, được Hồ Quí Ly khen ngợi ban thưởng, nội dung gồm 2 phần :
– Không sợ đánh, Hồ Nguyên Trừng tự tin như vậy vì đã có sẵn vũ khí tốt.
– Sợ lòng dân không theo, chính là mối lo của cha con Hồ Quí Ly. Hiện tượng này quả thực đã xảy ra, bởi tâm lý dân chúng lúc bấy giờ căm ghét nhà Hồ giành ngôi nhà Trần, nên đồng lòng rủ nhau không theo. Điều này còn lưu lại dấu ấn trong một câu ca dao, diễn tả tâm tình lứa đôi ngang trái, người vợ đòi tự tử tại Hồ Tây, bởi chồng theo phe Hồ Hán Thương :
Chàng về Hồ thiếp cũng về Hồ, Chàng về Hồ Hán, thiếp về Hồ Tây !
Một khi lòng người như vậy, thì súng ống tốt cũng chỉ là khúc củi vô dụng, và sự thất bại trở thành lẽ hiển nhiên.
*
Cần đào sâu suy nghĩ, tại sao lòng dân căm ghét nhà Hồ ?
Duyệt qua mấy ngàn năm lịch sử dưới chế độ quân chủ, lòng người nước ta đã bị nhồi sọ phải trung thành với vua cũ, không cần biết tốt hay xấu, có năng lực hay không ; hễ ai chống lại triều cũ đều là giặc, là nguỵ, không được dung thứ. Người dân lúc bấy giờ trung thành một cách ngu muội (ngu trung), lại nghĩ đến hào quang về các vua đầu triều Trần đã chiến thắng quân Nguyên Mông, nên không thèm hỏi đến lỗi lớn của vua cuối Trần lúc bấy giờ. Các vua Nghệ Tông, Thuận Tông đều nhu nhược, để cho quân Chiêm Thành, Chế Bồng Nga, 3 lần cướp phá kinh đô Thăng Long ; sợ Chiêm Thành đến nỗi phải mang của cải triều đình đến các tỉnh chôn giấu.
Giả sử việc này xảy ra tại một nước dân chủ, với lỗi lầm lớn như vậy ; chỉ cần qua một cuộc bầu cử vua nhà Trần ắt phải xuống chức, để Hồ Quí Ly chính danh thay thế. Với vũ khí tốt của cha con nhà Hồ, nếu được lòng dân theo, thì chiến thắng sẽ nằm trong tay.
Liên hệ đến các nước dân chủ, như Mỹ, không phải không có Tổng thống dở ; nhưng với cơ chế tốt, tam quyền phân lập [lập pháp, hành pháp, tư pháp], bầu cử tự do, có thể thay đổi vận mệnh đất nước từ xấu sang tốt. Đơn cử trường hợp Tổng thống thứ 15 [1857-1861], James Buchanan nước Mỹ, phạm các lỗi lầm như bênh vực các tiểu bang dung dưỡng chế độ nô lệ tại phương nam, khiến nội tình nước Mỹ chia rẽ trầm trọng. Thì chỉ trải qua một nhiệm kỳ 4 năm, được thay đổi bởi Tổng thống Abraham Lincoln, từ đó vận hội nước Mỹ tốt đẹp hơn, trở thành cường quốc trên trường quốc tế.
Với cơ chế tốt, nước Mỹ từ thời lập quốc đến nay, qua 44 đời Tổng thống, chuyển quyền một cách tương đối ổn thoả, không có một cuộc đảo chính xảy ra. Trái với Việt Nam ta, ngoại trừ các vua giành được độc lập từ ngoại xâm như Ngô Quyền, Lê Lợi ; thì mỗi lần thay đổi sơn hà là mỗi lần đổ máu. Trường hợp vua Lý Huệ Tông, tuy đã bỏ đi tu, ngồi nhổ cỏ trước sân chùa Chân Giáo, vẫn bị Trần Thủ Đô đến đe doạ bằng câu nói bóng gió “ Nhổ cỏ phải nhổ hết rễ ” ; khiến nhà vua biết thân phận mình phải vào chùa thắt cổ tự tử ; ngoài ra cả ho Lý hoặc bị tàn sát, hoặc phải đổi sang họ khác. Còn anh em nhà Tây Sơn, tuy chết rồi cũng bị đào mồ phanh thây ; riêng vua còn sống, Nguyễn Quang Toản, thì bị xử lăng trì bởi voi dày. Được làm vua, thua làm giặc ; số người bị chết trong các cuộc thay đổi triều đại không biết bao nhiêu mà kể, khiến thi hào Nguyễn Du trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh phải than :
Một phen thay đổi sơn hà,
 Tấm thân chiếc lá biết là về đâu !
Lại còn trường hợp oái oăm khác, có vị vua tự nhận thất bại, thiếu khả năng, bệnh tật triền miên ; nhưng phải ôm ngôi vị mấy chục năm cho đến chết, để nhìn đất nước lần lượt bị mất từng phần, chờ cho ngoại bang cai trị. Đó là trường hợp vua Tự Đức, qua dụ Tự Trách Mình (Tự Biếm Dụ) ông viết :
“ Miễn cưỡng theo mưu kế của bậc lão thần, bỏ đất đai và dân chúng 6 tỉnh Nam Kỳ, để cầu khỏi nạn chiến tranh và yên xã tắc. Trên 200 năm khai sáng gìn giữ gian nan, bỏ trong một sớm ; chính là tội của tên tiểu tử này kể sao cho xiết ! Túng sử có lập được nên công đức cũng không đủ chuộc được tội lỗi. Huống hồ trẫm lại không công không đức, chỉ trơ mặt trơ thân ngồi nhìn, lần lữa cho đến già yếu ; tuy thiên hạ không nỡ trách ta, nhưng lòng ta há lại không suy nghĩ ? ” (6)
Về sức khoẻ suy yếu, ông tâm sự như sau :
“ Vốn bẩm sinh bạc nhược, xưa nay chưa có ai khí chất yếu kém như vậy. Cho nên từ thuở ấu thơ, niên thiếu, cho đến già lão luôn luôn lấy bệnh làm bạn bè, mượn thuốc làm bản mệnh, cơ hồ chưa hề gián cách một ngày.” (7)
Giả sử dưới thời Tự Đức, có một cơ chế tốt chọn người giỏi để thay thế, thì nước ta không lâm vào cảnh 80 năm nô lệ.
*
Bình tâm lượm lặt những sự việc xảy ra qua ngàn năm lịch sử, cũng đủ chỉ cho chúng ta con đường hoạ, phúc ; điều nên tránh, điều nên theo. Hãy đặt niềm tin vào tương lai, với một cơ chế tốt, đất nước không cỏn đổ máu một cách vô ích, lòng người hoà hợp, xã hội thăng tiến.

Chú thích:
1.Hồ Quí Ly từ họ Hồ, có thời đổi sang họ Lê nên gọi là Lê Quí Ly, rồi lại trở lại họ Hồ.
2.Thượng thư bộ Hộ : dưới triều Minh là vị quan cao cấp hạng nhất trong 6 bộ.
3 Hồ Bạch Thảo dịch, Minh Thực Lục, Hà Nội : NXB Hà Nội, 2010, tập 3, trang 81.
  1. Hồ Bạch Thảo, Minh Thực Lục, sách dã dẩn tập 1, trang 277-281.
  2. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Hà Nội, 1988, N X B Khoa Học Xã Hội, tập 2, trang 211.
6.Tự Đức, Tự Đức Thánh Chế Văn, tập 3, quyển 2, Tự Biếm Dụ.
  1. Tự Đức Thánh Chế Văn, sách đã dẫn, tập 3, quyển 3, tờ 12b.
https://nghiencuulichsu.com/2018/08/14/tu-nhung-su-lieu-ve-thien-tai-che-sung-cua-ho-nguyen-trung-trong-sach-da-ky-doi-minh-lien-he-den-moi-han-mat-nuoc/?fbclid=IwAR2TI9FkTxW50MYosigYzcNc1bh2N3l8faW7XWyrLGEChdfff9M2pk2u6h8

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

ĐỔI TRẮNG THAY ĐEN VỀ CUỘC CHIẾN XÂM LƯỢC VIỆT NAM 2/1979

Lời dẫn của Phạm Viết Đào:

Trong tay tôi là cuốn “Sự thật về sáu cuộc chiến tranh chống xâm lược của nước Trung Hoa mới”, chủ biên là Lý Kiện, “Nhà xuất bản phát thanh và truyền hình Trung Quốc” xuất bản tháng 2/1992; Sách do Cục nghiên cứu BTTM Việt Nam xuất bản 6/1992. Cuốn sách đã được 1 cư dân mạng photocopy gửi tặng. Ở Việt Nam, đây là sách lưu hành nội bộ?
Sách xuất bản, sau cái “tuần trăng mật- đê mê” của cái “Hội nghị Thành Đô… ma mỵ”; cái hội nghị thiết kế ra cái bản lề của quan hệ Việt-Trung mới với bức hoành phi “4 tốt-16 chữ vàng”.
Đọc xong cuốn sách dày hơn 400 trang, gồm 6 chuyên luận của nhiều tác giả được viết dưới dạng khảo cứu, sặc mùi tuyên truyền kiểu tuyên giáo Trung Quốc về 6 cuộc chiến tranh mà các học giả Trung Quốc “la làng” rằng: Đây là 6 cuộc chiến trang mà nước Trung Hoa mới phải gồng mình lên chống bọn xâm lược…

Image may contain: text

Xin trích 1 đoạn trong “Lời nói đầu” của tác giả cuốn sách, sặc mùi lính tẩy, kích động tư tưởng bá quyền Đại Hán:” Quyển sách này phản ánh toàn cảnh 6 cuộc chiến tranh xâm lược do quân đội Trung Quốc tiến hành sau khi dựng nước ( Chống Mý giúp Triều; Phản kích tự vệ chống Ấn Độ; Phản kích tự vệ trên đảo Trân Bảo: Giúp Việt Nam chống Pháp, chống Mỹ; Phản kích tự vệ ở Tây Sa; Phản kích tự vệ chống Việt Nam). Những trang sử không bình thường này không chỉ nói với mọi người rằng nhân dân Trung Quốc là một nhân dân không thể bị làm nhục, đồng thời cũng chứng tỏ chính phủ, nhân dân và hoàn cảnh hòa bình hiện có hiện nay là một điều có được không dễ dàng. Quyển sách này là một tài liệu giáo dục tốt về chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa quốc tế và truyền thống cách mạng cho toàn dân Trung Quốc nhất là đối với quảng đại thanh, thiếu niên”…
“Đây là một bộ sử thi vĩ đại uy vũ hùng tráng, rung động lòng người, cũng là một bài ca chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế bi hùng vang dội. Nó chứng minh mạnh mẽ lập trường chính nghĩa chống xâm lược, không sợ cường bạo, bảo vệ hòa bình của nhân dân Trung Quốc, tỏ rõ khí tiết ngoan cường anh dũng của quân đội Trung Quốc”…
“Ngạc nhiên chưa”, trong khi các học giả Trung Quốc huỵch toẹt bằng những lời lẽ chợ búa, bất chấp phải trái, cả vú lấp miệng em thì tại Việt Nam, vẫn còn những kẻ “ngủ mơ giưa ban ngày”, ôm khư khư cái bức hoàng phi “4 tốt- 16 chữ vàng” về quan hệ Việt-Trung; và ai phản đối lập tức bị chụp cho cái mũ ”thế lực thù địch”…
Xin lần lượt đưa lên mạng nguyên văn một số chương của cuốn sách hiếm và hiểm này để cư dân mạng cùng chia sẻ…Các quý vị những ai nắm vững các thông tin về quan hệ Việt-Trung giai đoạn 1979, đề nghị lên tiếng phản bác nhiều thôn tin bậy bạ trong bài viết này.
PHẦN 6. KHÓI LỬA BIÊN CƯƠNG PHÍA NAM ( PHẢN KÍCH TỰ VỆ CHỐNG VIỆT NAM)
Tác giả: Dương Lập Quần
Chương 1: Chịu đựng đến mức không thể chịu đựng được nữa.
Đánh kẻ địch có chuẩn bị
Lời Đặng Tiểu Bình làm kinh động lòng người
Hàng triệu tấn đạn pháo bắn thành rừng lửa
Ngày 17/2/1979, tiếng pháo nổ ở các ngọn núi xa xăm châu Á đã làm chấn động thế giới. Bộ đội biên phòng Trung Quốc sau thời kỳ dài nhân nhượng, nhẫn chịu, đã tiến hành đánh trả tự vệ đối với sự khiêu khích vũ trang của quân đội Việt Nam. Trong nửa tháng, các dũng sĩ Trung Quốc đã chiếm Lão Cai, công Đồng Đăng, hạ Cao Bằng, đánh Lạng Sơn, đạp lên các ngọn núi rậm rạp, đánh cho quân đội Việt Nam ngỗ ngược tự cao tự đại, phải hốt hoảng chạy về phía nam, dạy cho kẻ ngoan cố bảo thủ một bài học đích đáng.
Đây là một cuộc xung đột biên giới hạn chế. Mọi người đều biết, hai nước Việt-Trung vốn là lân bang anh em, nhân dân hai nước từ xưa đến nay hữu hảo với nhau. Khi nhân dân Việt Nam chiến đấu vì sự mất còn của dân tộc, nhân dân Trung Quốc đã bớt ăn bớt mặc để viện trợ một cách khảng khái vô tư cho nhân dân Việt Nam, xẩy ra cuộc xung đột đổ máu như vậy, là điều nhân dân Trung Quốc, cũng như nhân dân thế giới không muốn nhìn thấy.
Chương I
KHÔNG THỂ NHẪN CHỊU ĐƯỢC NỮA
1.
Hữu nghị quan, cửa khẩu hùng tráng nguy nga do chính tay đồng chí Trần Nghị viết tên ấy, đứng sừng sững giữ núi cao dốc thẳng ở biên thùy Tây nam của Tổ quốc. Nó đã từng tượng trưng cho tình hưu nghị của nhân dân hai nước Trung-Việt. Dân biên giới Việt Nam từng đoàn từng đội đi qua đó, vui mừng hớn hở đi vào trong biên giới Trung Quốc, thăm thân nhân bạn bè, mua hàng tiêu dùng. Nhân dân hai nước cười nói râm ran, thân như người một nhà. Trên tuyến đường sắt ở phía đông Hữu Nghị quan, hàng loạt đường tàu xếp đầy vật tư trang bị chạy vun vút về phía nam. Phía dưới đường sắt đó, mấy trăm chiếc ôtô chở đầy lương thực, mang theo tình sâu nghĩa nặng của nhân dân Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam, liên tục chạy về phía nam. Nhật ký trực ban trạm vận chuyển vật tư viện trợ quân sự thông qua Bằng Tường-Hữu Nghị quan đã ghi chép: trong 10 năm chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam, riêng vật tư viện trợ quân sự thông qua Bằng Tường vận chuyển vào Việt Nam đã có tới 40 vạn tấn, khoảng 8 tỷ USD. Lúc đó trong tình hình thiết bị thô sơ lạc hậu, mỗi đồng chí ở trạm vận chuyển mỗi ngày vận chuyển 20 tấn vật tư hang hóa, không ít người luôn mệt đến nỗi ngất đi trong toa tàu, nhưng họ vẫn cổ vũ nhau: ”Chúng ta nguyện đổ nhiều mồ hôi để cho an hem Việt Nam ít đổ máu!”.
Tháng 9/1978, trạm quan sát của đại đội 7 đơn vị X. bộ đội biên phòng nước ta ( tức TQ-N.D) phát hiện thấy trận địa pháo của quân đội Việt Nam trên núi gần Đồng Đăng, các nòng pháo đều hướng về phía bắc. Dù rằng lúc đó nhà đương cục Việt Nam không ngừng gây nên tranh chấp ở biên giới Viêt-Trung, nhưng đại đội trưởng nghe báo cáo vẫn không tin rằng nhà đương cục ( nhà cầm quyền-N.D.) Việt Nam “vừa là đồng chí vừa là anh em” lại coi Trung Quốc là kẻ thù, cho mãi tới khi đại đội trưởng ở tiền duyên, chính mắt nhìn thấy hướng của các nòng pháo thfi mới tin.
Sau đó quân đội Việt Nam từ nơi đó đã nã đạn pháo tội ác (vào) quân Trung Quốc. Cửa tầng lầu được khắc ba chữ “Hữu Nghị quan” đã thấm máu tươi của các chiến sĩ ta phòng thủ Hữu Nghị quan bị thương do đạn pháo của quân đội Việt Nam bắn tới; nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa nghỉ ngơi khi đi qua Hữu Nghị quan đã in hằn rất nhiều vết đạn của pháo quân đội Việt Nam, kính màu trên cửa sổ cũng bị chấn động vỡ vụn; nhà gặp gỡ giữa nhân viên biên phòng hai bên Việt-Trung trong Hữu Nghị quan và doanh trại của đại đội biên phòng ta ở gần đó cũng bị bắn sụt một góc.
Núi Phổ Niệm, lãnh thổ của Trung Quốc ở bên phía trước Hữu Nghị quan, tháng 8/1978 bị quân đội Việt Nam xâm chiếm, chiến hào hình tròn do quân đội Việt Nam đào ở trên núi sâu tới 1,3-1,4 m, lại có cả công sự có thể chứa được mấy chục người. Trên núi Quỳ Lãng ở bên trái phía trước Hữu Nghị quan, quân đội Việt Nam đã xây dựng công sự hình tròn hai lớp, còn có rãnh sâu thông với núi phía sau. Công sự của quân đội Việt Nam trên núi Phổ Niệm và núi Quỳ Lãng giống như một gọng kìm, từ hai hướng đông nam, tây nam kẹp chặt Hữu Nghị quan, làm cho Hữu Nghị quan trở thành không thể phòng thủ. Còn chiến sĩ phòng thru Hữu Nghị quan của ta chỉ đào một công sự phòng thân ở chỗ canh gác để bảo vệ an toàn cho thân thể thì nhà đương cục Việt Nam hết gửi công hàm lại gửi kháng nghị.
Chính phủ nước ta nhân nhượng cầu toàn, đã hạ lệnh cho đại đội lấp bằng chiếc công sự đó. Lúc đó một số phóng viên nước ngoài đến thăm Hữu Nghị quan nhìn thấy tình thế trước mắt đã nhắc nhở bộ đội biên phòng Trung quốc: “Các anh thế này sẽ bị thiệt hại lớn!” Quân Việt Nam chiếm núi Phổ Niệm cũng giương đắc ý giơ nắm đấm chĩa sang bộ đội biên phòng Trung Quốc hét to: ”Không chỉ đây là của chúng tao, ngay cả Quảng Đông, Quảng Tây cũng là của chúng tao, hễ nơi nào có cây mộc mien đều là của chúng tao”. Hoa mộc miên màu đỏ nở khắp biên giới phía nam của Trung Quốc, hãy xem kẻ bành trướng Việt Nam cuồng vọng đến mức nào!
Từ phía nam Hữu Nghị quan đến tận gần cửa khẩu Thủy Khẩu của nước ta, nhà đương cục Việt Nam đã xây dựng rất nhiều lô cốt kín, đường hầm, trận địa pháo và các điểm hỏa lực kín, ngay cả những lô cốt, pháo đài hỏng vỡ từ lâu, do Pháp xây dựng trước đây, cũng được làmống lại”. Một người dân biên giới Việt Nam đã sống ở Đồng Đăng hơn 30 năm nói: Những công sự này, có rất nhiều cái đã được xây dựng lặng lẽ trogn thời gian chiến tranh chống Mỹ, miệng pháp đen ngòm đã ngắm sang Trung Quốc từ lâu.
Thị trấn Đông Hưng Quảng Tây và Móng Cái Việt Nam chỉ cách nhau một dòng sông, dòng nước xiết của sông Bắc Luân từ nơi đây chảy ra vịnh Bắc Bộ. “Cầu lớn hữu nghị Việt-Trung” bắc ngang hai bờ. Đầu cầu phía nam, cuối năm 1978 cũng đã dựng lên chướng ngại, cũng đã xây dựng lô cốt. Trên một cây to ở bờ nam treo 4 cái loa phóng thanh suốt ngày kêu gào phải “động viên toàn dân”, “vũ trang toàn dân”, “ sẵn sáng tiến hành một cuộc chiến tranh quy mô lớn với đối tượng tác chiến mới”. Loa phóng thanh còn truyền đi giọng nói cuống vọng của đầu sỏ quân đội Việt Nam: Phải “quyết chiến đến cùng”, “phải thắng ngay trận đầu”! Bên cạnh cây còn có một bức tranh cổ động lớn, bên cạnh là một quân nhân Việt Nam vũ trang đầy đủ, tay cầm súng hướng về phương bắc. Theo lời dân binh Trung Quốc và bộ đội biên phòng phía bắc cầu thì bức tranh này được treo lên sau khi Việt Nam xâm chiếm Phnom Pênh. Một hôm, một sĩ quan Việt Nam bờ nam sông cầm súng, hướng về trạm gác bên ta ở bờ bắc sông, cách nhau mấy chục mét, vung tay gào thét:” Chúng tôi đã đánh hạ Phnom Pênh rồi, người Trung Quốc các anh có sợ không?”.” Hãy đợi đấy, chúng tôi cần đánh đến Đông Hưng ăn cơm sáng! Bây giờ trước hết cho anh một phát súng!” Vừa nói vừa bắn súng.
Thôn xóm biên giới Việt-Trung liền với nhau, mảnh đất nào là của Trung Quốc, mảnh đất nào là của Việt Nam, dân biên giới Việt Nam hiểu rõ như lòng bàn tay. Ở phía đông Hữu Nghị quan có một mảnh đất mà nhân dân Việt Nam qua biên giới sang trồng trọt, đương cục Hà Nội định chiếm đoạt. Một lần, nhân viêc công an Việt Nam ép buộc nhân dân đến tranh luận, nhân dân không đến. Nhân viên công an VN liền đặt điều kích động nói: Hoa màu mà mà các ông trồng đều bị người Trung Quốc nhổ sạch, lại còn chôn mình dưới đất. Nhân dân đến hiện trường xem, cây non xanh rờn không thiếu một cây. Lòng họ biết rõ, nhưng không ai nói một lời. Nhân viên công an VN tìm một ông già đến đây, ép ông già phải nói, ông già nhìn đất, nhìn anh em TQ thành khẩn nói: ”Mảnh đất này là của Trung Quốc. Thu xong vụ này, sang năm sẽ trao trả lại cho anh em Trung Quốc”. Nhân viêc công an VN tức tối điên cuồng chửi mắng: ”Ông già hồ đồ này cút đi”! Sau sự việc này ông già hồ đồ bị bắt giam.
Trên rừng thông trên một sườn đồi bờ bắc sông Bắc Luân Quảng Tây có một ngôi mộ chiến sĩ Trung Quốc, trên bia khắc tên người chiến sĩ công binh đó: Đặng Vĩnh Sinh. Đặng Vĩnh Sinh là người công xã Kỷ Gia, huyện Hải Khang, tỉnh Quảng Đông, ngày 15/8/1972 đã hy sinh oanh liệt trong khi đặt ống dẫn dầu viện trợ Việt Nam. Đầu năm 1979, ở nơi này có hai anh em ruột tuổi gần 20 chạy tới, quê hương của họ là một xóm núi phía nam cầu Bắc Luân, hiện nay người thân của họ đều bị công an vũ trang VN đuổi đi. Đương cục Việt nam ép hai anh em họ đi lính, chuẩn bị đánh Trung Quốc.” Điều này đâu có thể làm được?” Hai anh em tranh nhau nói, từ nhỏ họ đã từng bắt cá cùng một dòng sông với anh em Trung Quốc, cùng kiếm củi chăn trâu trên một ngọn núi, nhìn nhau lớn lên. Khi chiến tranh chống Mỹ cứu nước, cuộc sống của gia đình họ rất khổ sở, luôn thiếu gạo, thiếu muối, may mắn được anh em Trung Quốc tiếp tế liên tục, mới qua nổi những năm tháng gian nan.
Năm 1972, khi Mỹ tiến hành phong tỏa giao thông thủy bộ của VN, chiến tranh khó khăn nhất, công bình Trung Quốc đến quê hương họ, giúp VN cấp tốc đặt đường ống dầu, liên tục dẫn xăng dầu, dầu ma dút do Trung Quốc viện trợ vào VN. Chính mắt họ nhìn thấy quân đội TQ đối với VN tốt biết bao! Người anh cảm động nói: Nhân dân quê hương tôi có câu nói: quan hệ với anh chị em TQ giống như trúc xanh trên biên giới, gốc với thân cây liền nhau. Bây giờ chính phủ cần chúng tôi cầm súng để đánh nhau với TQ, dù chết chúng tôi cũng không thể làm”.
Một ngày của năm 1978, trong thôn núi ở biên giới Vân Nam, bỗng nhiên có một người dân biên giới VN chạy tới, nhân viên biên phòng và dân binh ta hỏi han ông ta, ông ta không biết nói, nhưng ông ta rất muốn nói với nhân viên TQ điều gì đó, vội đến chết được. Làm thế nào đây? Ông ta đã làm cái loại hiệu tay, biểu thị là trong đất TQ gần biên giới, đã bị quân đội VN chôn mìn, có nguy hiểm, cần cẩn thận. Nhân viên TQ cảm ơn ông ta, biểu thị là biết, nhưng ông ta không yên tâm, bèn dẫn nhân viên TQ đi tới gần hiện trường có mìn, đầu tiên dùng tay chỉ chỉ, sau đó dùng chân dẫm xuống đất, hai cánh tay giang ra, làm tư thế ngã ra do mìn nổ. Nhân viên TQ hướng về ông ta gật gật đầu, biểu thị hoàn toàn hiểu rõ, lúc đó ông ta mới yên tâm ra đi. Sau này, nhân viên biên phòng TQ và dân binh liền căn cứ vào tình huống do “người câm” VN cung cấp mà kịp thời tháo gỡ mìn, đã bảo đảm an toàn cho dân biên giới nước ta.
Một đêm của tháng 11/1978, trên một bến phà ở biên giới Quảng Tây, ông già Hạ đảm nhiệm chở đò cho nhân dân biên giới Trung-Việt qua lại, có thói quen ngủ trên thuyền nhỏ, bỗng nhiên bị tiếng nước uồm, uồm làm tỉnh dậy, vội vàng ngồi dậy đến đầu thuyền nhìn, chỉ nhìn thấy trên mặt sông có một bóng người đẩy mảng tre từ bên kia sang. “Ai thế”? Tôi đây. Giọng nói rất quen thuộc, dựa vào kinh nghiệm 30 năm quen biết, ông già Hạ ngay lập tức nhận ra, đây là ông bạn già bạn chiến đấu Việt Nam năm xưa đã cùng đánh du kích 3 năm ở vùng núi Bắc Bộ VN, ông già Hạ muốn thắp đèn. Bạn chiến đầu già VN xua tay, đưa điếu thuốc, bạn chiến đấu già VN không đánh diêm. Nén giọng lại, vội vàn nói cho ông bạn già Hạ biết: “ Gần đây bên kia tình hình rất căng thẳng, nói là sẽ đốt con đò này của ông, giết chết ông, chiếm lĩnh nơi này”…Ông già Hạ bán tín, bán nghi: ”Có thật thế không?” Bạn chiến đầu già VN cho biết:” Hai anh em ta còn nói sai hay sao. Ông chớ có hồ đồ, bây giờ quân đội chúng tôi đều có quân đội ở phía nam tới, họ đã đuổi hết người trong thôn của chúng tôi, lần này tôi từ nơi khác tới, nói tình hình nghe được cho ông biết. Các ông nhất thiết phải chuẩn bị”. Hai bạn chiến đấu già Trung Việt nắm tay nhau, giọng khàn khàn nói nhỏ: ”Tạm Biệt” và vội vàng chia tay. Ông già Hạ vội vàng nói tình hình cho con trai của ông, chính trị viên đại đội dân binh. Dân binh đã tăng cường tuần tra bảo vệ khu vực bến phà. Quả nhiên mấy hôm sau trogn một đêm mưa gió, một toán nhân viên vũ trang VN đã lén lút mò tới. Do dân binh TQ đề phòng nghiêm mật, làm cho âm mưu của họ không thể thành công.
“ Đa hành bất nghĩa tất tự vệ” ( Làm nhiều việc bất nghĩa tất sẽ tự đấy mình vào chỗ chết-ND). Đương cục VN một lòng hành động ngang ngược, điên cuồng chống Trung Quốc không thể thoát khỏi sự phán xét của lịch sử đối với họ…
( Còn nữa…)
* Đầu đề do P.V.Đ đặt
VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIỆT-TRUNG

Tập hợp 81 bài tiểu luận, bút ký, điều tra về cuộc chiến tại Chiến trường Vị Xuyên 1979-1989 của Phạm Viết Đào. Cuốn sách dày 400 trang A4; Quý vị nào có nhu cầu chia sẻ, liên hệ qua email: Hoanghtham9@gmail.com-Đt: 0382598746,,

https://www.facebook.com/vietdaonv.pham/posts/233551954191991

Lý do dân Venezuela thiếu đói dù sống trên biển 'vàng đen'

Giá dầu lao dốc cùng chính sách kiểm soát giá nông sản khiến nông dân Venezuela từ bỏ đồng ruộng, thực phẩm ngày càng khan hiếm.

Chuồng trại bỏ hoang ở Venezuela trong cuộc khủng hoảng lương thực. Ảnh: Washington Post.
Chuồng trại bỏ hoang ở Venezuela trong cuộc khủng hoảng lương thực. Ảnh: Washington Post.
Khi mặt trời vừa mọc ở một thung lũng vùng nông thôn phía tây bắc Venezuela, cách thủ đô Caracas vài giờ lái xe, cụ ông 86 tuổi Rafael Farfan chuẩn bị ra cánh đồng mà ông đã canh tác suốt 5 thập kỷ qua. Dù đã rất già, ông vẫn phải đi cày cuốc, vì không có tiền để thuê người làm công như trước đây, theo CGTN.
"Tôi không còn khỏe như trước đây nữa. Công việc đồng áng rất nặng nhọc, tôi thì không có máy móc phù hợp, nên mọi thứ vẫn phải làm bằng tay", ông tâm sự. Khi lạm phát ở Venezuela lên đến mức một triệu % mỗi năm, chi phí mua giống, phân bón, bảo dưỡng thiết bị và thuê nhân công đã vượt quá khả năng của gia đình Farfan.
Họ phải trông cậy vào số chuối, đậu nành và sắn trồng được để đắp đổi qua ngày, khi mỗi tháng cả gia đình 6 người ở nông trại chỉ nhận được một hộp thực phẩm theo chương trình bao cấp của chính phủ. "Hộp thực phẩm này chỉ đủ cho nhà tôi dùng trong ba ngày. Những ngày còn lại, chúng tôi phải ăn những thứ gì mình trồng được", Farfan nói.
Khi chưa tới mùa thu hoạch, gia đình Farfan chỉ dám ăn ngày hai bữa, có những lúc hết sạch đồ ăn và phải chống đói bằng cốc cà phê.
Ở vùng Aragua gần đó, Saulo Escobar từng nuôi tới 200.000 con gà trong trang trại của mình, nhưng giờ đây chỉ còn chưa tới 70.000 con. Escobar buộc phải bỏ hoang nhiều khu chăn nuôi bởi không còn tiền để mua thức ăn cho chúng.
Với những nông dân như Farfan hay Escobar, việc trồng trọt, chăn nuôi đã trở thành một gánh nặng thực sự và chỉ giúp họ chống đói qua ngày. Chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro thực thi chính sách kiểm soát giá cả hàng hóa nghiêm ngặt và buộc nông dân phải bán lương thực, thực phẩm theo giá quy định, vốn thấp hơn rất nhiều so với chi phí để làm ra các sản phẩm đó.
Chính sách kiểm soát giá của chính phủ khiến nông dân không thể kiếm được tiền từ công sức lao động của mình, thậm chí lâm vào cảnh "càng làm càng lỗ" và buộc phải từ bỏ ruộng vườn, trang trại. Farfan cho biết gần một phần tư số hộ trong làng ông đã bỏ nghề nông, chuyển tới các thành phố lớn để sinh nhai hoặc vượt biên ra nước ngoài.
Những người như ông vẫn tiếp tục bám trụ lại để trồng trọt, nhưng không phải tạo ra sản phẩm bán cho thị trường, mà là để giúp gia đình khỏi chết đói. Tình cảnh này xảy ra ngày càng phổ biến, dù vùng đất xung quanh họ hội đủ điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp: đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào, khí hậu thuận lợi. Trữ lượng dầu mỏ, nguồn tài nguyên được ví như "vàng đen", lên tới gần 300.000 triệu thùng giúp người dân Venezuela hưởng giá xăng rẻ nhất thế giới, chỉ ở mức 0,01 USD/lít, theo Washington Post.
Người tiền nhiệm của Maduro, cố tổng thống Hugo Chavez, từng thực thi các chính sách cải cách kinh tế một cách triệt để bằng cách quốc hữu hóa các nông trường và thực thi chế độ phân phối thực phẩm dưới sự giám sát của nhà nước. Trong thời kỳ giá dầu tăng cao đem về cho Venezuela 43 tỷ USD vào năm 2009, mọi thứ có vẻ ổn thỏa khi chính phủ ban phát trợ cấp một cách rộng rãi và mọi người hài lòng về những gì mình nhận được.
Dân Venezuela chen lấn bên ngoài một điểm phân phối lương thực. Ảnh: AFP.
Dân Venezuela chen lấn bên ngoài một điểm phân phối lương thực. Ảnh: AFP.
Venezuela từ lâu đã phải nhập khẩu một số loại nông sản, chẳng hạn như lúa mì, vì khí hậu nhiệt đới ở nước này không thuận lợi cho việc trồng lúa mì quy mô lớn. Nhưng các số liệu thống kê thương mại cho thấy các chính sách cải cách ruộng đất của Chavez đã khiến Venezuela phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu lương thực.
Chính phủ Venezuela nhiều năm qua không công bố dữ liệu thống kê về nông nghiệp, nhưng chuyên gia nông nghiệp Carlos Machado ước tính số tiền trung bình trên đầu người mà Caracas chi ra mỗi năm để nhập khẩu lương thực năm 2012 là 500 USD, tăng gấp năm lần so với năm 2004. Đây là thời kỳ chính phủ Venezuela quốc hữu hóa hơn 4 triệu hectare đất nông nghiệp trên toàn quốc. Cũng trong thời kỳ này, giá dầu lao dốc và lượng hàng hóa nhập khẩu giảm 73%.
Khi giá dầu lao dốc và sản lượng khai thác dầu sụt giảm kéo theo tỷ lệ lạm phát phi mã, Venezuela không còn đủ ngoại tệ để nhập khẩu lương thực nhiều như trước đây và người dân nước này bắt đầu đối mặt với một cuộc khủng hoảng đói ăn thực sự.
"Vấn đề không chỉ nằm ở việc quốc hữu hóa trang trại", Machado nhận định. "Chính sách bao cấp biến chính phủ Venezuela thành nhà sản xuất, chế biến và phân phối lương thực, khiến chuỗi sản xuất bị ảnh hưởng bởi tệ quan liêu trì trệ".
Nông dân Venezuela thì cho rằng việc sản xuất của mình bị bóp nghẹt, khi sản lượng lúa, ngô và cà phê đã giảm 60% chỉ trong vòng một thập kỷ, theo số liệu của Hội Nông dân Venezuela (Fedeagro). Gần như toàn bộ nhà máy đường hoạt động cầm chừng hoặc tê liệt sau khi quốc hữu hóa từ năm 2005.
"Nông sản bán ra theo giá quy định nên chúng tôi không thu được lời lãi gì mà chỉ có lỗ", một chủ trang trại bò sữa ở bang Guarico giấu tên cho biết. Người này tiết lộ rằng để mua một chiếc máy kéo mới, ông sẽ phải dùng toàn bộ số tiền kiếm được trong một năm. "Chỉ có phép màu mới giúp ngành nông nghiệp của chúng tôi sống sót".
Theo Vicente Carrillo, cựu chủ tịch hiệp hội các nhà chăn nuôi gia súc Venezuela, tổng đàn gia súc của nước này đã giảm từ 13 triệu con năm 2012 xuống còn khoảng 8 triệu con năm 2017. Bản thân Carrillo cũng phải bán trang trại của mình cách đây hơn 10 năm. "Tôi đã dành 30 năm cuộc đời cho công việc này, nhưng cuối cùng phải bỏ lại mọi thứ", ông nói.
Sản xuất đình đốn, giá cả tăng cao, chỉ có một bộ phận nhỏ người giàu ở Venezuela mới có thể mua đủ thực phẩm trên thị trường chợ đen, nơi giá nửa cân gạo nhập khẩu từ Brazil hay Colombia có thể lên tới 6.000 bolivar. Mức giá này chỉ tương đương 1 USD theo tỷ giá chợ đen, nhưng ngang ngửa tiền công cả ngày của một công nhân bình thường, vì đồng bolivar đã mất giá tới 99% trong 5 năm qua.
Những người nghèo không có ngoại tệ buộc phải sống dựa vào thực phẩm bao cấp của chính phủ hoặc xếp hàng suốt nhiều tiếng tại các siêu thị để được mua hàng hóa theo giá quy định của nhà nước. Tuy nhiên, các kệ hàng trong siêu thị thường xuyên trống rỗng do không đủ nguồn cung.
Các kệ siêu thị ở Venezuela thường xuyên trong trạng thái trống rỗng. Ảnh: MIC.
Các kệ siêu thị ở Venezuela thường xuyên trong trạng thái trống rỗng. Ảnh: MIC.
Bộ Y tế Venezuela năm 2017 công bố số liệu cho thấy hơn 11.000 trẻ em nước này tử vong trong năm 2016, khiến tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tăng lên đến 30%. Một báo cáo do NYTimes công bố sau khi phỏng vấn các bác sĩ tại 21 bệnh viện công ở Venezuela cho thấy gần 400 trẻ chết vì suy dinh dưỡng ở nước này trong năm đó.
Những nông dân như Escobar không thể làm được gì để tăng nguồn cung cho thị trường và giải quyết nạn đói. Ông cần tới 400 tấn thức ăn gia cầm độ đạm cao mỗi quý cho trang trại của mình, nhưng chỉ được nhập khoảng 100 tấn. Cũng như nhiều nông dân khác, Escobar buộc phải tìm tới thị trường chợ đen, nhưng cũng chỉ mua được loại thức ăn gia cầm chất lượng thấp, khiến đàn gà của ông ngày càng gầy gò và đẻ ít trứng hơn. "Chất lượng sản phẩm của tôi đi xuống, năng suất cũng xuống theo", ông nói.
Tổng thống Maduro gần đây công bố kế hoạch mới nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực. Ông kêu gọi người dân ở các thành phố tận dụng mọi ô đất trống để tăng gia sản xuất, đồng thời cam kết đầu tư 1,2 tỷ USD cho các dự án nông nghiệp. Tuy nhiên, các giải pháp này đến nay chưa phát huy hiệu quả, khi các nhà kinh tế cho rằng mô hình tăng gia nhỏ lẻ chỉ đáp ứng được nhu cầu lương thực của một bộ phận nhỏ dân chúng, còn các dự án đầu tư vẫn chưa thực sự hiệu quả do nạn tham nhũng, quản lý yếu kém.
Theo Escobar, cách duy nhất để những nông dân của ông vẫn tiếp tục bám trụ với trang trại, ruộng đồng là tìm cách lách luật và bán nông sản theo giá thị trường chợ đen, với hy vọng nhà chức trách sẽ "ngó lơ". "Nếu cứ bán thịt gà theo giá quy định của nhà nước, tôi thậm chí còn không thể mua nổi một cân thức ăn cho gà", ông nói.
https://vnexpress.net/the-gioi/ly-do-dan-venezuela-thieu-doi-du-song-tren-bien-vang-den-3875444.html?fbclid=IwAR10f-R_qYT_5bZlS7rDtK1k2Vzq8RmIL9WdZ0Z88II0PDQid8NROJj2Mg0

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

Trung Quốc và Huawei phải đương đầu với “Chiến thuật bầy sói” của phương Tây


Theo New York Times ngày 26.1, ngày càng có thêm nhiều quốc gia bị Mỹ gây sức ép yêu cầu cấm cửa Huawei xây dựng mạng 5G tại đất nước mình. Trong vòng một năm qua, Mỹ đã gây sức ép, thậm chí đe dọa trên toàn cầu để ngăn chặn Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc tham gia vào việc xây dựng hoặc cải tạo để kiểm soát mạng internet. Trung Quốc đã phản ứng quyết liệt về điều mà họ gọi là “Chiến thuật bầy sói ngăn chặn Huawei, ngăn chặn Trung Quốc”.
Huawei và Trung Quốc đang phải đương đầu với sự bao vây, ngăn chặn của Mỹ và các đồng minh.
Huawei và Trung Quốc đang phải đương đầu với sự bao vây, ngăn chặn của Mỹ và các đồng minh.

New York Times cho biết, Mỹ đã cảnh báo các đồng minh: 6 tháng tới đây sẽ rất quan trọng vì các nước bắt đầu gọi thầu tần số vô tuyến (radio spectrum) cho mạng di động 5G và quyết định việc ký các hợp đồng xây dựng hạ tầng trị giá nhiều tỷ USD. Từ mấy tháng nay, Washington đang soạn thảo một mệnh lệnh hành chính, dự kiến trong vài tuần tới sẽ ban hành và thực thi cấm các công ty Mỹ sử dụng các thiết bị của Trung Quốc trong các mạng viễn thông then chốt. Mệnh lệnh hành chính này sẽ vượt qua các pháp quy hiện nay chỉ cấm các mạng của chính phủ sử dụng thiết bị tương tự.
Tại cuộc họp báo ngày 28.1, ông Cảnh Sáng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: Trung Quốc chú ý đến thông tin liên quan trên báo chí. Trung Quốc yêu cầu phía Mỹ chấm dứt mọi sự trù dập vô lý đối với các công ty Trung Quốc trong đó có Huawei, tạo môi trường công bằng tốt đẹp cho việc hợp tác bình thường giữa các công ty Mỹ - Trung, làm thêm nhiều việc có lợi cho sự tin tưởng và hợp tác giữa hai bên.

 Trung Quốc và Huawei phải đương đầu với “Chiến thuật bầy sói” của phương Tây - ảnh 1
Công nghệ 5G của Huawei đang trở thành một tiêu điểm trong cuộc đối đầu mậu dịch Mỹ - Trung. 
Ông Cảnh Sảng thông báo, Ngoại trưởng Vương Nghị mới đây đã nêu rõ lập trường của chính phủ Trung Quốc trước vấn đề “cá biệt quốc gia gần đây trù dập công ty Trung Quốc”. Theo đó, việc “cá biệt quốc gia” (ám chỉ Mỹ) huy động sức mạnh quốc gia để bôi nhọ và đả kích một công ty trong tình hình không có chứng cứ gì là cách làm không công bằng và không đạo đức.
Ông Cảnh Sảng dẫn lời Vương Nghị nói: “Một nước đương nhiên có quyền bảo vệ an toàn thông tin quốc gia, nhưng không thể giương chiêu bài an ninh quốc gia, lấy cớ không có thực để gây tổn hại thậm chí bóp chết hoạt động kinh doanh hợp pháp của một công ty. Đối với cách làm vô lý và hành vi bắt nạt đó, các nước cần cảnh giác và chống lại”.
Trang tin Đa Chiều cho biết, hôm  25.1, ông Vương Nghị khi trả lời báo chí sau khi kết thúc chuyến đi thăm Pháp và Italy đã nói: "việc Huawei bị trù dập là rất rõ ràng, đặc biệt không thể chấp nhận được khi xem xét ý đồ chính trị ở phía sau".
Ngày 27.1, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh đã viết bài nhan đề “Đừng tin những lời hù dọa, Huawei không đe dọa an ninh nước Anh” đăng trên báo Daily Telegraph. Bài của ông Lưu viết: “Thời gian gần đây, chính phủ và truyền thông một số quốc gia phương Tây ra sức rêu rao về cái gọi là “mối đe dọa an ninh” của các công ty Trung Quốc. Cá biệt quốc gia còn đưa ra lệnh cấm cửa thị trường đối với công ty Huawei, vu khống Huawei gây nên mối uy hiếp đối với an ninh quốc gia. Những lời lẽ đó thiếu căn cứ thực, dẫn dắt sai lệch dân chúng địa phương, đi ngược quy luật thị trường, làm tổn hại niềm tin doanh nghiệp. Nếu cứ để chúng phát triển sẽ đầu độc không khí hợp tác kinh tế quốc tế, đem lại sự bất ổn và không xác định nhiều hơn cho kinh tế thế giới”.
Ông Lưu Hiểu Minh kết luận: “Huawei không gây ra bất cứ mối đe dọa nào cho nước Anh. An toàn mạng là thách thức có tính toàn cầu, cần cả cộng đồng quốc tế cùng chung tay ứng phó”.

 Trung Quốc và Huawei phải đương đầu với “Chiến thuật bầy sói” của phương Tây - ảnh 2
Đại sứ Trung Quốc tại EU Trương Minh: việc ngăn cản Huawei ở châu Âu là hành vi chủ nghĩa bảo hộ cực đoan xuất phát từ mưu đồ chính trị, đi ngược lại trào lưu toàn cầu hóa.
Theo trang mạng Financial Times bản tiếng Trung ngày 28.1, ông Trương Minh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền kiêm Trưởng đoàn đại diện Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) cũng đã lên tiếng mạnh mẽ xung quanh việc “người khổng lồ công nghệ Huawei” và các công ty Trung Quốc khác bị “phỉ báng và kỳ thị tại châu Âu” - Cho rằng “hiện nay có người đang không tiếc sức nhào nặn ra câu chuyện xung quanh vấn đề an toàn của Huawei. Tôi không cho rằng chuyện này có bất cứ liên quan gì đến vấn đề an ninh. Đây là hành vi chủ nghĩa bảo hộ cực đoan xuất phát từ mưu đồ chính trị, đi ngược lại trào lưu toàn cầu hóa”.
Ông Trương Minh nói: “Tiến hành phỉ báng, kỳ thị, trù dập, uy hiếp hay phán xét người khác đều không giúp ích gì” khi đề cập đến việc Mỹ đốc thúc các nước châu Âu áp dụng lập trường cứng rắn hơn và các nước châu Âu ngày thêm lo ngại về an toàn mạng đối với các công ty Trung Quốc. Trương Minh phê phán “đây là thủ đoạn chính trị hóa vấn đề kinh tế, đi ngược lại tự do kinh tế và nguyên tắc cạnh tranh công bằng”. Ông cảnh báo “châu Âu cần đề cao cảnh giác, đề phòng có người cố ý phá hoại” và tuyên bố: “Mọi ý đồ hạn chế công ty công nghệ Trung Quốc tham gia xây dựng mạng di động tốc độ cao 5G châu Âu đều có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng cho kinh tế và hợp tác khoa học toàn cầu”.
Trang tin Đa Chiều cho biết, xuất phát từ việc xem xét nguy cơ mất an toàn công nghệ, EU đang tìm cách tăng cường thẩm tra và đảm bảo về an ninh đối với các công ty công nghệ Trung Quốc. Các hãng viễn thông lớn nhất của Anh và Pháp đều đã tuyên bố không sử dụng công nghệ 5G của Huawei; các nước Đức, Ba Lan, Na Uy sắp tới cũng có thể không cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng 5G ở nước họ.

 Trung Quốc và Huawei phải đương đầu với “Chiến thuật bầy sói” của phương Tây - ảnh 3
"Người khổng lồ công nghệ" Huawei được nhìn nhận khác nhau ở Trung Quốc và nhiều nước phương Tây
Tờ Tin tức tham khảo của Trung Quốc ngày 27.1 cho rằng các nước phương Tây đang sử dụng “Chiến thuật bầy sói” để ngăn chặn Huawei, ngăn chặn Trung Quốc. Đây vốn là chiến thuật “lấy yếu thắng mạnh” được sử dụng hồi chiến tranh thế giới thứ Hai khi các tàu ngầm Đức tạo thành bầy tấn công các tàu thuyền đối phương không được bảo vệ trên mặt biển; nay được các nước phương Tây sử dụng như là cách tiêu cực “bế quan tỏa quốc” trước ưu thế công nghệ và địa vị thị trường của Huawei, thể hiện tâm thế thiếu tự tin và tự cô lập. Báo này cho rằng: Trung Quốc không phải là con cừu bị bầy sói bao vây, Trung Quốc có đủ tự tin và đầy đủ các biện pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công ty và công dân nước mình; ngoài ra, phương Tây không còn là một khối thống nhất, đồng điệu với Mỹ, gần đây một số nước như New Zealand, Anh bắt đầu có sự thay đổi, muốn tránh bị cuốn vào cuộc đối đầu với Huawei từ góc độ chính trị...
Tờ Yomiuri Shinbun ngày 28.1 đưa tin, ông Andrus Ansip, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu – cơ quan hành chính của EU, người phụ trách lĩnh vực thông tin của tổ chức này khi trả lời phỏng vấn báo này đã cho rằng, Huawei “rất có thể cung cấp thông tin tình báo cho chính phủ Trung Quốc” và cho biết ông đang xem xét việc tăng cường quản chế sản phẩm của Huawei. Ông nhắc đến “Luật tình báo quốc gia” Trung Quốc ban hành tháng 6/2017 có ghi “Các công ty Trung Quốc có nghĩa vụ phối hợp việc điều tra của ngành tình báo Trung Quốc”; điều này khiến nguy cơ các sản phẩm của Huawei lắp đặt “cửa sau”là rất cao. Ông lo ngại các “cửa sau” này kết nối với các thiết bị bên ngoài để lấy cắp bí mật quốc gia và kêu gọi các quốc gia liên quan cần nhận thức đầy đủ về mối nguy cơ này.

 Trung Quốc và Huawei phải đương đầu với “Chiến thuật bầy sói” của phương Tây - ảnh 4
Phó chủ tịch EU Andrus Ansip cho rằng, Huawei “rất có thể cung cấp thông tin tình báo cho chính phủ Trung Quốc” và cho biết đang xem xét việc tăng cường quản chế sản phẩm của Huawei
Đây không phải là lần đầu tiên bên ngoài chú ý đến đạo luật này của Trung Quốc. Hôm 24.1, tờ Sankei Shinbun của Nhật đã đăng bài “Vì sao khó có thể tin vào những biện luận của Huawei” đề cập đến điểm này. Bài báo viết, Chủ tịch Huawei Nhiệm Chính Phi trước đó tuyên bố: “Dù chính phủ Trung Quốc có yêu cầu cung cấp thông tin (Huawei) cũng sẽ từ chối”. Sankei Shinbun viết, ông Nhiệm khó có thể từ chối được vì Điều 7 “Luật tình báo quốc gia” đã quy định: “Bất cứ tổ chức hay mọi cá nhân đều cần phải ủng hộ, hiệp trợ và phối hợp công tác tình báo của quốc gia, giữ mọi bí mật về công tác tình báo của quốc gia mà họ biết được”.
Tuy nhiên, The New York Times đưa tin, mặc dù các quốc gia châu Âu hạn chế Huawei, nhưng đối với họ, việc thoát ly Huawei không là chuyện đơn giản. Các thiết bị của Huawei hiện đang là bộ phận then chốt trong cơ sở hạ tầng mạng không dây của châu Âu.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hongkong trước đây cũng từng cho rằng, châu Âu không thể tách khỏi Huawei, tại thủ đô nhiều quốc gia châu Âu, thiết bị mạng 5G của Huawei đều được đánh giá là có giá trị thực tế và châu Âu hiện là thị trường ngoài nước lớn nhất của Huawei. Hôm 24.1, tại hội nghị mạng di động thế giới 2019 công bố công nghệ 5G do Huawei tổ chức ở Bắc Kinh, công ty này thông báo hiện Huawei đã nhận được 30 hợp đồng thương mại 5G, trong đó có 18 bản đến từ châu Âu.
https://viettimes.vn/trung-quoc-va-huawei-phai-duong-dau-voi-chien-thuat-bay-soi-cua-phuong-tay-314479.html