Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

Triết lý của Tôn Tử binh pháp

Khi nói đến nghệ thuật chiến tranh, Đông và Tây thường hay nhắc tới hai thiên tài quân sự  Tôn Tử (Sun Zi, 孙 子) hay Tôn Vũ (Sun Wu, 孙 武) và Carl Von Clausewitz (1780-1831), dù hai người sinh ra cách nhau đến 23-24 thế kỷ. Có thể CV Clausewitz, một tướng người Phổ (Prusse) nay là nước Đức, có đọc Tôn Tử binh pháp của bản dịch người Nga năm 1680 vì các bản dịch khác do ông Joseph Marie Amiot, một giáo sĩ người Pháp sống nhiều năm ở Trung Quốc cho xuất bản năm 1772 ở Paris và chỉ được dịch ra tiếng Đức năm 1910.
Kết quả hình ảnh cho Triết lý của Tôn Tử binh pháp
Người Việt Nam chúng ta, ai cũng có đọc qua bộ tiểu thuyết Đông châu Liệt quốc của tác giả Phùng Mộng Long và đều biết hai thiên tài quân sự Tôn Tử và Tôn Tẫn (Sun Bin,孙 膑) qua hai câu chuyện. Chuyện Tôn Tử cho chém hai ái thiếp của Ngô Hạp Lư (吴阖闾) làm gương vì hai mỹ nhân này không nghe lệnh truyền quân của Tôn Tử và chuyện Tôn Tẫn bị bạn Bàng Quyên (Pang Juan, 庞 涓,?-341) phản phải giả điên và cuối cùng Bàng Quyên phải tử vong vì Tôn Tẫn ở trận « điên đảo bát môn ». Đây là hai câu chuyện được tiểu thuyết hoá nhưng cơ bản có thực.
Trong một thời gian dài, một cuộc tranh luận giữa các sử gia Trung Quốc về sự chính xác của Tôn Tử binh pháp và Tôn Tẫn binh pháp. Một số sử gia cho Tôn Tử binh pháp không phải do Tôn Tử viết mà do một người khác viết vào thời Chiến quốc trong khi một số sử gia khác thì nói Tôn Tử và Tôn Tẫn là một, dù hai người sinh ra có khoảng cách đến 160 năm. Tôn Tử sinh ra thời Xuân thu (770-481) trước công nguyên (TCN) cách đây ngoài 2500 năm cùng lúc với Khổng Tử (551-479) và Tôn Tẫn vào thời Chiến quốc (481-221), đồng môn với Mạnh Kha hay Mạnh Tử (373-289), cách đây 2350 năm TCN. Hai người cùng sinh ở nước Tề và Tôn Tẫn là cháu của Tôn Tử.
Phải đợi tới tháng 4-1972, các nhà khảo cổ Trung Quốc mới tìm ra trong một cái mộ thuộc thời Tây Hán của Lưu Bang (206 TCN-24 SCN) ở Ngân Tước Sơn (Yin Queshan, 银 雀 山) thuộc huyện Lâm Nghi (Lin Yi, 临 沂) tỉnh Sơn Đông, cách Khúc Phụ (Qu Fu, 曲 阜), nơi Khổng Tử sinh ra về phía đông độ 150 cây số, hai binh pháp của Tôn Tử và Tôn Tẫn viết trên các lát tre (lamelles de bambou). Với thời gian, những lát tre này bị hư hỏng nhiều vì một số chữ đã mất đi. Các sử gia Trung Quốc dù phải mất mấy chục năm để tu bổ nhưng vẫn chưa tìm thấy đầy đủ.
Trước đó, quyển Tôn Tử binh pháp đã được người ngoại quốc biết đến. Bản Tôn Tử binh pháp được đưa vào Nhật vào thế kỷ thứ VIII sau Công nguyên. Một bản được người Nga dịch ra lần đầu tiên vào năm 1680 rồi sau đó có thêm các bản dịch tiếng Pháp (1772), tiếng Anh (1905) và tiếng Đức (1910).
Trái lại, quyển Tôn Tẫn binh pháp chưa bao giờ xuất bản ra ngoài nước trước năm 1972. Nhà xuất bản Văn hoá Trung quốc đã cho xuất bản hai lần 1975 và 1985 quyển Tôn Tẫn binh pháp bằng tiếng Hán hiện đại vì bản viết nguyên thuỷ viết bằng tiếng Hán cổ điển. Năm 1994, nhà xuất bản Nhân dân Trung quốc cho in lại hai bản binh pháp có sửa chửa bằng tiếng Hán (cổ điển và hiện đại) và tiếng Pháp (có thể có nhiều tiếng khác). Chúng tôi dựa trên tư liệu này và một số tư liệu khác để trình bày và cống hiến độc giả về triết lý của Tôn Tử binh pháp.
Tranh luận về Tôn Tử binh pháp
Sử gia Tư Mã Thiên (Si Ma Qian, 司马 迁,145-85, TCN) viết Tôn Vũ (Tử) là người nước Tề và đã cống hiến quyển binh pháp của ông cho Hạp Lư vua nước Ngô vào cuối thời Xuân thu.
Nhưng một số học giả Trung quốc, trong nhiều thế kỷ, vẫn còn đặt nhiều nghi vấn. Người đầu tiên chỉ trích Tư Mã Thiên là một người họ Diệp đời bắc Tống (thế kỷ XI) cho quyển Tôn Tử binh pháp chỉ là một sáng tạo vào thời kỳ Chiến quốc. Ông dẫn chứng là tên Tôn Vũ không được nói tới trong tập sử biên niên Xuân thu (còn gọi là tả truyện) của Tả Khâu Minh (左 丘 明, 502-422, TCN), một sử gia nước Lỗ (ghi chép sự việc từ năm 722 đến năm 468 TCN) và ông nói thêm là vào thời Xuân thu quân đội đều do vua hay các con cháu vua thống lãnh khác với thời kỳ Chiến quốc.
Ông Mai Nghiêu Thần (梅 尧  臣, 1002-1060) thuộc viện Hàn lâm đời bắc Tống cho quyển Tôn Tử binh pháp là một tập lý thuyết viết vào thời Chiến quốc.
Còn ông Diêu Tế Hằng (姚 际 恒, 1647-1715), một bình luận gia đời Thanh đặt hai nghi vấn về sự chính xác về Tôn Vũ. Cũng như họ Diệp đã chứng minh trước đây, ông nói tên Tôn Vũ không được nhắc tới trong tập sử của Tả Khâu Minh và nếu quả thật Tôn Vũ đã giúp Hạp Lư chiếm thủ đô Dĩnh của Sở năm 506 thì tại sao họ Tả không biết?
Ông Diêu Nại (姚 鼐,1731-1815) chấp nhận Tôn Vũ có thể đến hoặc sống ở nước Ngô, tuy nhiên quyển Tôn Tử binh pháp không phải của ông mà được viết vào thời Chiến quốc.
Tống Liêm (宋 濂, 1310-1381), một sử gia đời Tống cho Tôn Vũ có thật như trong quyển sử ký của Tư Mã Thiên đã nói đến. Bằng chứng là trong hai chương Tôn Tử binh pháp (chương VI và  chương XI) có nói đến hai nước Ngô và Việt.
Các sử gia hay các triết gia hiện đại vào cuối thế kỷ 19 hoặc đầu thế kỷ 20 như Lương Khải Siêu, Phùng Hữu Lan cũng không quả quyết là quyển Tôn Tử binh pháp viết vào thời Xuân thu. Họ Lương cho rằng những sơ đồ chiến tranh, những chiến thuật và kế hoạch giao tranh của quyển binh pháp không thể đem áp dụng vào thời Xuân thu.
Phùng Hữu Lan trích dẫn một sử gia thế kỷ 18 là ông Chương Học Thành (章 学 诚,1738-1801) nói không ai viết sách với tư cách cá nhân vào thời đó.
Việc tìm ra hai bộ binh pháp trong một mộ vào đời tây Hán như đã nói trên chỉ chứng minh  hai quyển binh pháp do hai người viết nhưng không chứng minh được quyển Tôn Tử binh pháp viết vào thời Xuân thu. Lại nữa, chương 13 của Tôn Tử binh pháp có nói về cách sử dụng những người làm gián điệp trong khi phương thức này chỉ có vào thời Chiến quốc (xem trường hợp của Tô Tần (苏 秦, 337-284), người đồng môn của Tôn Tẫn).
Bối cảnh của lịch sử đương thời
Thời Xuân thu và Chiến quốc trước công nguyên là thời kỳ vô cùng loạn lạc và cũng là thời kỳ sinh ra nhiều tư tưởng gia lớn của Trung Quốc như Khổng Khâu (丘孔551-479), Mặc Địch (Mo Di, 墨 翟, 479-381), Mạnh Kha (孟 轲, 372-289), Trang Châu (庄 周, 369-286), Tuân Huống (荀 况, 313-238), Hàn Phi (韩 非, 280-233)
Riêng Lão Tử hay Lão Đam sinh vào cuối thời Xuân thu còn thuộc về truyền thuyết mặc dù có nhiều sách viết về Lão Tử.
Trước thời Xuân thu, nhà Châu (Zhou, 周) được chia ra hai thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất là Tây Châu (西 周, 1121-770 TCN) với thủ dô là Hạo (镐) hay Phong ở tỉnh Thiểm Tây (Shănxi, 陕 西). Sau đó thủ đô nhà Châu được dời về Lạc Ấp (Luoyi, 洛 邑) nay là Lạc Dương (Luoyang, 洛阳) thuộc tỉnh Hà Nam.
Triều đại này còn gọi là Cơ Châu (Ji Zhou, 姬 州) hay Đông châu và cũng được chia ra hai thời kỳ: thời kỳ Xuân thu và Chiến quốc. Từ khi thủ đô dời về Lạc Ấp, nhà Châu, sau một thời gian ngắn, không còn quyền lực vì  bị các chư hầu bỏ rơi không đến triều cống và họ nổi lên xưng hùng xưng bá. Triều đại Đông Châu chấm dứt vào năm 256 TCN sau ngoài 5 thế kỷ ngự trị với 25 vua.
Thời Xuân thu có đến cả trăm chư hầu trong đó có 17 chư hầu xưng vương là: Tần (Qin, 秦), Tấn (Jin, 晋), Yên (Yan 燕), Tề (Qi, 齐), Lỗ (Lu, 鲁), Tào (Cao, 曹), Tống (Song, 宋), Trịnh (Zheng, 郑,), Trần (Chen, 陈 ), Vệ (Wei,卫), Hứa (Xu, 许), Thái (Cai, 蔡), Đằng (Teng, 滕), Tùy (Sui, 隋), Sở (Chu,楚), Ngô (Wu, 吴), Việt (Yue, 越).
Vào thời kỳ này, bốn nước đáng kể là Tề, Tần, Tấn, Sở trong đó hai nước hùng mạnh nhất là Tấn và Sở. Hai nước này trong nhiều thập niên tranh hùng làm bá chủ thiên hạ. Năm 632, Tấn thắng Sở ở Thành Bộc (Chengpu) nay là Lâm Bộc thuộc tỉnh Sơn Đông. Nhưng cuối cùng, Sở thắng Tấn năm 597 ở trận Tiết (Bi) gần Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam và nước Sở của Sở Trang vương trở nên hùng mạnh nhất.
Vì chiến tranh tàn khốc giữa hai nước Tấn và Sở cho nên nước Tống ra sáng kiến lập một hội nghị hoà bình, năm 546, theo đó 8 nước nhỏ Tống, Trịnh, Lỗ, Vệ, Tào, Hứa, Trần, Thái chịu  triều cống Tấn và Sở trong khi Tề và Tần hợp liên minh với Tấn và Sở. Nhờ đó mà hoà bình được vãn hồi trong một thời gian ở lưu vực sông Hoàng Hà.
Về lãnh thổ của các nước, Tần, Tấn, Vệ, Yên nằm phía trên sông Hoàng hà, 11 nước nằm giữa sông Hoàng hà và sông Dương tử (Trường Giang) và hai nước Ngô và Việt nằm phía dưới sông Dương tử. Thủ đô của nước Ngô lúc đó là Tô Châu (Suzhou, 苏 州) hiện nay, thuộc tỉnh Giang Tô và thủ đô của nước Việt là Cối Kê nay là Thiệu Hưng (Shaoxing, 绍 兴) thuộc tỉnh Chiết Giang.
Năm 494 TCN, nước Ngô của Hạp Lư thắng nước Việt của Câu Tiễn (Gou Jian, 勾 践, 496-465) và bắt nước Việt phục tùng Ngô. Nhưng Câu Tiễn quyết tâm phục thù và cuối cùng diệt nước Ngô của Phù Sai (Fu Chai, 夫 差) vào năm 473 TCN.
Qua thời Chiến quốc chỉ còn có 7 nước hùng mạnh nhất trong đó nước Tấn bị chia ra thành 3 nước vào năm 453 TCN là Hàn (Han, 韩), Triệu (Zhao, 赵) và Ngụy (Wei, 魏). Bốn nước kia là Tần, Sở, Tề, Yên. Lịch sử Trung quốc còn gọi là thời kỳ thất hùng tranh chấp làm bá chủ thiên hạ.
Tôn Tẫn là tướng của Tề và Bàng Quyên là tướng của Ngụy vào thời kỳ này. Trong nhiều thế kỷ, các nước nhỏ vì bị các nước hùng mạnh cho sáp nhập cho nên lãnh thổ của bảy nước này rất rộng lớn.
Nước Sở với thủ đô gần huyện Giang Lăng (江 陵) nằm phía trên sông Dương Tử bao gồm nhiều tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, An Huy, Giang Tô, Chiết Giang và một phần tỉnh Hà Nam và Giang Tây. Nước Tề với thủ đô Lâm Truy (临 淄) bao gồm tỉnh Sơn Đông. Nước Yên với thủ đô là Bắc Kinh hiện nay, bao gồm tỉnh Liêu Ninh, một phần tỉnh Hà Bắc và một phần xứ Triều Tiên. Nước Triệu với thủ đô Hàm Đan ( 邯 郸) chiếm phần lớn tỉnh Hà Bắc. Nước Hàn với thủ đô Lạc Dương chiếm một phần tỉnh Hà Nam. Nước Ngụy với thủ đô Khai Phong (开 封) bao gồm phía bắc tỉnh Hà Nam và phía nam tỉnh Sơn Tây. Riêng nước Tần chiếm tỉnh Thiểm Tây, một nước còn trong tình trạng bán khai, nhưng sau đó nhờ nhiều nhân tài trợ giúp như Thương Ưởng (商 鞅, 390-338), Lý Tư (Li Si, 李 斯 ?-208), Hàn Phi v..v nên nước Tần và cuối cùng Tần Thủy Hoàng nhờ đó đã thành công thống nhất xứ sở vào năm 221 TCN.
Về nhân vật Tôn Vũ
Tôn Vũ là người nước Tề và được Ngũ Tử Tư (伍 子 胥, ?-484 TCN) hay Ngũ Viên tiến cử cho Hạp Lư, vua nước Ngô. Hạp Lư có ý định đánh Sở  nhưng lo ngại hai tướng Ngũ Viên và Bá Hi hay Bá Bì (伯 邳), người nước Sở, không thực lòng. Hiểu được ý Hạp Lư, Ngũ Viên tiến cử Tôn Vũ.
Tôn Vũ đem 13 chương binh pháp của mình cho Hạp Lư và Ngũ Viên xem. Hạp Lư rất hài lòng và bảo Tôn Vũ cho dụng binh để xem. Trong việc dụng binh này, Tôn Vũ cho chém hai ái thiếp của Hạp Lư để làm gương nên Hạp Lư không có ý muốn dùng Tôn Vũ. Ngũ Viên khuyên Hạp Lư, vì đại sự, nên trọng dụng Tôn Vũ và cuối cùng được tấn phong làm đại tướng quân đánh Sở.
Năm 506 TCN, Hạp Lư bổ nhiệm Ngũ Tử Tư làm quân sư và Tôn Vũ làm đại tướng đem quân chinh phạt Sở. Trong 5 lần giao tranh, quân Ngô của Tôn Vũ và Ngũ Viên đều thắng và chiếm thủ đô Dĩnh của Sở. Vua Sở chiêu vương phải bỏ chạy sang nước Tuỳ. Nhờ quân Tần đem quân cứu viện và quân Việt của Câu Tiễn thừa cơ có loạn ở Ngô đem quân bao vây thủ đô nên quân Ngô bắt buộc phải rút quân về cố thủ. Nước Sở nhờ đó còn tồn tại thêm 2 thế kỷ (Năm 278 TCN, quân Tần chiếm thủ đô Dĩnh và tiêu diệt Sở).
Trong việc dụng binh, Tôn Vũ thường vận dụng mưu chước hơn là giao tranh trực tiếp với địch quân. Để chiếm thủ đô của Sở, Tôn Vũ nghĩ ra một kế, cho quân lính đắp đê chận nước một con sông rồi sau đó cho nước tràn ngập thủ đô làm dân chúng phải bỏ chạy. Tôn Vũ lại là người có nhân nghĩa và thức thời. Khi chiếm thủ đô của Sở, ông khuyên can Hạp Lư không nên phá hủy các đền thờ của Sở , nói việc binh đao nên lấy điều nghĩa làm trọng và sau khi trở về Ngô xin từ quan về ở ẩn. Ngũ Viên trái lại ham giàu sang phú quí và cuối cùng phải chết về tay của Phù Sai, con của Hạp Lư.
Triết lý của Tôn tử binh pháp
Quyển Tôn Tử binh pháp có 13 chương sau: Thủy kế (始 计, approximations), Tác chiến (作 战, conduite de guerre), Mưu công (谋 攻, stratégie offensive), Quân hình (军 形, dispositions), Binh thế (兵 势, énergie), Hư thực (虚 实, points faibles et forts), Quân tranh (军 争, manoeuvres), Cửu biến thiên (九 变 篇, 9 variables), Hành quân (行 军, marches), Địa hình (地 形, le terrain), Cửu địa thiên (九 地 篇, 9 sortes de terrain ), Hoả công (火 攻, attaque par le feu), Dụng gian (用 间, utilisation des agents secrets).
Mỗi chương đều hàm dung một chiến thuật để người cầm quân có thể đem ra áp dụng.
Triết lý nghệ thuật chiến tranh của Tôn Tử có thể tóm lược trong một câu ngắn ngọn: « Chiến tranh không phài là mục tiêu chính ngoại trừ bắt buộc phải dùng đến nếu không còn giải pháp nào khác ». Khi bắt buộc phải dùng đến thì người cầm quân tài giỏi phải biết tận dụng mọi mưu chước kể cả phương thức gián điệp để thắng địch nhanh chóng, tránh làm tổn hại nhân mạng và tài sản mà dân chúng phải mang gánh nặng.
Quyển Tôn Tử binh pháp mở đầu bằng một đoạn dẫn đường cho chìa khoá triết lý của ông ta. Chiến tranh là mối ưu tư nghiêm trọng cho quốc gia, cần phải thấu triệt. Như vậy là công nhận chiến tranh bằng vũ lực không phải là một hành động bất thường mà là một hành động có ý thức có thể tái phạm. Do đó,  cần phải phân tích một cách hợp lý.
Tôn Vũ xem sức mạnh tinh thần và trí năng của con người là những nhân tố quyết định trong trường hợp có xung đột vũ lực. Nếu biết tận dụng những nhân tố này chắc chắn sẽ đưa đến thắng lợi. Chiến tranh không thể xem thường mà cần phải dự trù để làm chiến thắng trở thành dễ dàng hơn.
Những người tài giỏi trong nghệ thuật chinh phục thiên hạ sẽ đánh bại kế hoạch của địch bằng cách làm tan rã liên minh của địch, làm chia rẽ giữa vua và quần thần, giữa người cầm quân và thủ hạ và đồng thời đưa gián điệp khắp mọi nơi để thu thập tin tức, gieo rắc bất hoà và xuí giục bạo loạn.
Địch thủ bị cô độc, mất tinh thần, mất ý chí kháng cự. Như vậy, không cần phải giao chiến mà địch quân sẽ bị chế ngự, thành thị bị chiếm đóng và cuối cùng quốc gia bị sụp đổ. Chỉ khi nào không thể chiến thắng địch thủ bằng những phương thức nói trên thì mới dùng quân sự. Nhưng chủ yếu là phải thắng nhanh chóng làm ít hao tổn về tài chính và nhân mạng cũng như không làm địch tổn thất nhiều. Theo Tôn Tử, đoàn kết quốc gia là một trong những điều kiện thiết yếu của chiến tranh thắng lợi. Nó chỉ có thể thực hiện dưới một chế độ vì dân và không áp chế dân.
Tôn Tử rất quan tâm đến sự hao tổn tài chính mà dân chúng phải mang gánh nặng. Năm nhân tố mà Tôn Tử cho là chính yếu là hai nhân tố về con người (đạo lý và thống lãnh), hai nhân tố về điều kiện vật lý (địa thế và thời tiết) và cuối cùng là nhân tố tổ chức.
Tuy nhiên, Tôn Tử không nghĩ rằng hành động quân sự có mục tiêu hủy diệt quân đội, đốt phá thành phố và thiêu hủy đồng bằng của địch. Vũ khí là một công cụ hung bạo, chỉ đem ra dùng khi không còn giải pháp nào khác.
Nghệ thuật chiến tranh dựa vào sự lừa bịp. Một tướng lãnh có tài phải thấu triệt nghệ thuật man trá và che giấu bằng cách tạo dựng hiện tượng bên ngoài để làm địch lạc hướng. Chẳng hạn như che giấu những bố trí và mục tiêu cuối cùng của mình, phải giả vờ bất lực, phải làm địch khó nhận thấy xa gần trong sự di chuyển vô hình và yên lặng.
Mục tiêu đầu tiên là tấn công tinh thần của chủ tướng địch. Điều kiện chiến thắng là do thành quả của sự tưởng tượng của tướng cầm quân. Phải chọn con đường quanh co để đi đến mục đích. Chẳng hạn như chọn con đường khúc khuỷu xa xôi mà không gặp sự kháng cự của địch để đánh úp địch ở vào vị trí thuận lợi. Người tướng lãnh khôn ngoan không thể bị thao tác, chẳng hạn như đánh rút lui bằng cách di chuyển nhanh quân lính mà địch không thể đuổi theo. Việc đánh rút lui có mục tiêu dụ quân địch để làm địch mất phương hướng và tạo thời thế thuận lợi để phản công. Thực tế là tấn công địch để lấy chiến thắng về phần mình.
Mục tiêu là chiến thắng chứ không phải để kéo dài hành quân vô tận. Người cầm quân phải biết rằng hành quân càng kéo dài càng làm hao tổn ngân quỷ và làm quân lính mệt mỏi. Không một chiến tranh kéo dài nào làm lợi ích cho bất cứ nước nào. Người cầm quân tài giỏi chỉ tấn công khi chắc chắn thắng mà điều kiện chiến thắng phải tự do chính mình tạo ra. Trước khi ra trận, vị tướng tài phải biết phân tán lực lượng của địch. Như vậy, địch thủ tìm cách mưu toan chống đỡ mọi nơi trở thành yếu đuối. Địch sẽ bị tan rã vào những nơi đã được chọn lựa trước.
Nhưng sự tan rã của địch không nhất thiết phải do sức mạnh của vũ khí. Tướng địch có thể là người do dự, thiếu suy nghĩ, hấp tấp, ngạo nghễ, bướng bỉnh hoặc dễ bị lợi dụng. Cũng có thể  là một số phần tử quân địch không được huấn luyện tốt, bất mãn, nhút nhát hoặc bị người cầm quân hướng dẫn một cách vô lý như chọn lựa một địa thế tầm thường để dàn quân mà vận tải lương thực thiếu kém làm quân lính kiệt quệ. Chừng ấy yếu điểm để người tướng giỏi phải biết lợi dụng để điều chỉnh lối xử thế hầu đưa đến thắng lợi.
Công cụ chiến thuật của người cầm quân là lực lượng chính quy và lực lượng đặc biệt. Việc sử dụng sáng suốt hai lực lượng này giúp người tướng tài có thể chịu đựng sự xung kích của địch mà không bị tán loạn. Theo thông lệ, lực lượng chính quy dùng để giao tranh, quân đặc biệt dùng để chiến thắng. Lối dụng binh này có mục đích để đánh lạc địch hầu cho địch những giáng đòn vừa bất ngờ vừa chí tử để giành thắng lợi cuối cùng.
Lý luận về sự thích nghi của tình thế là một phương diện quan trọng của tư tưởng Tôn Tử. Trong chiến tranh, phải biết mềm dẻo, phải biết thích nghi chiến thuật với tình thế của địch. Tùy theo hoàn cảnh, có thể nhượng bộ một thành phố, hy sinh một phần quân lực hoặc bỏ một vị trí chiếm đóng để đạt mục tiêu cao hơn. Tôn Tử còn công nhận sự bất ngờ và ưu thế của thời tiết. Người cầm quân giỏi phải biết đánh giá địa thế để đưa địch quân vào nơi hiểm yếu mà quân mình không vào, biết chọn lựa địa thế thuận lợi nơi mình muốn giao chiến.
Để kết thúc, Tôn Tử đưa vào binh pháp việc sử dụng lực lượng gián tiếp làm nội ứng mà phương Tây, cả chục thế kỷ sau, gọi « đạo quân thứ năm ». Khái niệm thám tử mật của địch hay phản gián (agent double) đã có vào thời kỳ này.
Quyển Tôn Tử binh pháp bàn về nghệ thuật chiến tranh đã trải qua 25 thế kỷ và đã được đem ra ứng dụng vào những thế kỷ sau đó và ngay cả giữa thế kỷ 20. Những tướng lãnh có tiếng kế tiếp sau đó trong lịch sử Trung quốc như Tôn Tẫn, Ngô Khởi (吴 起), Bạch Khởi (白 起), Hàn Tín (韩 信), Hạng Vũ (项 羽), Chung Ly Muội (钟 离 昧), Tào Tháo (曹 操), Khổng Minh (孔 明), Châu Du (周 瑜), Lục Tốn (陆 逊) vv.. đều có đọc qua quyển Tôn Tử binh pháp.
Trong chiến tranh chống Nhật, Mao Trạch Đông dã đem Tôn Tử binh pháp ra áp dụng với câu nói thường được nhắc tới là « Địch tiến, ta lùi, địch dừng chân, ta quấy rối, địch tránh giao tranh, ta tấn công, địch đánh thối lui, ta rượt đuổi ». Ở Việt Nam, tướng Võ Nguyên Giáp chắc chắn cũng có đọc qua quyển này và đã đem ra áp dụng một cách hữu hiệu trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp.
Ngày nay, Tôn Tử binh pháp còn được áp dụng trong đời sống chính trị và kinh tế và trở thành quyển sách « đầu giường » của các chính trị gia hay các tổng giám đốc đại công ty [1]. Chỉ cần thay một số danh từ như chiến trận trở thành thị trường, địch thủ là người cạnh tranh, địa thế là hiện tượng toàn cầu hóa, nghệ thuật dối trá là điều chỉnh xí nghiệp hoặc thao túng thị trường chứng khoán, lực lượng gián tiếp làm nội ứng trở thành gián điệp kỹ thuật và kinh tế vv..
Hai mươi lăm thế kỷ qua, câu nói « biết người, biết ta trăm trận trăm thắng, biết một bên, một thắng một bại, không biết cả hai bên, trăm trận trăm thua » [2] còn được áp dụng trong bất cứ hoàn cảnh nào chứng tỏ triết lý của Tôn Tử quả thật là sâu sắc cần được mọi người suy ngẫm.


[1] Trong quyển sách Tôn Tử binh pháp do ông Jean Lévi dịch và bình luận (Hachette Littératures 2000), có nhắc lại tờ nhật báo mới ở Geneva đặt một số câu hỏi vào cuối năm 1995 về sở thích của giới trẻ trong đó có câu hỏi « Nhân vật nào đã đánh dấu tuổi trẻ của ông? » Đa số đã trả lời là nhân vật Tôn Tử.
[2] Câu này ờ trong chương ba của Tôn Tử binh pháp « 知 彼 知 己 者, 百 战 不 殆 ; 不 知 彼 而 知 己, 一 胜 一 负, 不 知 彼, 不 知 己, 每 战 必 殆.
Câu thường nói ngắn gọn là : Biết người biết ta trăm trận trăm thắng (了 解 敌 人 又 了 解 自 己 百 战  都 不 会 有 危 险).


Chú thích:
Về sự phân chia thời kỳ Xuân thu và Chiến quốc, nhiều sách viết khác nhau.
-Sách Trung Hoa sử cương (Zhong Hua shi gang) của ông Lý Định Nhất nhà xuất bản Đại học Bắc kinh 1997 chia thời Xuân thu từ 770-481 và Chiến quốc từ 469-221 trước công nguyên.
-Sách Précis d’histoire de la Chine của ông Bạch Thọ Di nhà xuất bản Editions étrangères Bắc Kinh năm 1988 chia thời kỳ Xuân thu từ 722-481 và Chiến quốc từ 481-221 TCN.
-Sách La civilisation de la Chine classique của hai người Pháp Vadime và Danielle Elisseeff, nhà xuất bản Arthaud 1987 chia thời Xuân thu từ 770-473 và Chiến quốc từ 473-221 TCN.
https://nghiencuulichsu.com/2019/01/15/triet-ly-cua-ton-tu-binh-phap/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét