Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Tại sao đến giờ Mỹ mới gọi đích danh “đường lưỡi bò” của TQ?

(GDVN) - Cuộc phỏng vấn Giáo sư Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam được phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam thực hiện nóng lúc 23h ngày 26/6/2011 tại sân bay Nội Bài, ngay sau khi ông trở về từ hội nghị an ninh biển Đông tổ chức tại Washinhton, Mỹ, đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhiều độc giả. Chúng tôi xin được tiếp tục cung cấp những chi tiết rất lý thú trong cuộc phỏng vấn này.
“Ai cũng sợ, cũng lo về ông thì không ổn!”
PV: Như ông đã cho biết, chính học giả Trung Quốc cũng đã nhận ra, nếu Trung Quốc nhất nhất đòi phải giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương, là điều vô lý vì nhiều quốc gia khác cũng cùng có lợi ích trên vùng biển này. Vậy có thể nói, trong chính giới học thuật Trung Quốc cũng có nhiều người đồng tình với cách giải quyết vừa song phương và đa phương?
 
GS Đặng Đình Quý: Dĩ nhiên còn có ý kiến này ý kiến khác nhưng đó là thực tế.
Việc học giả Trung Quốc có các tuyên bố như vậy có 2 tác dụng, tác động tới chính giới trong nước và tác động qua phương tiện thông tin đại chúng để những ai quan tâm tới vấn đề biển đông thêm hiểu được vấn đề.
Ngoài ra, cũng đặt ra vấn đề để phía Trung Quốc tính toán, giữa một bên là lợi ích trước mắt, trong tranh chấp tại biển Đông với lợi ích lâu dài, trên toàn thế giới. Nếu như trên mọi diễn đàn khu vực và thế giới, người ta đều nói rằng: “tôi sợ quá, tôi lo về anh quá” và người ta không chấp nhận trước những hành vi của Trung Quốc thì Trung Quốc phải hiểu là đó là điều không tốt.
PV: Đó phần nào trái với điều lãnh đạo Trung Quốc nói về sự “trỗi dậy hòa bình” của đất nước này?
GS Đặng Định Quý: Đúng là chỗ đó, nếu đi đâu người ta cũng sợ, e ngại trước sự trỗi dậy của ông thì không ổn. Thời gian gần đây, đã có 14 hội thảo về biển Đông do rất nhiều nước trên thế giới tổ chức, trong đó có Trung Quốc. Ngoài một hội thảo chính thức được tổ chức tại đảo Hải Nam, Trung Quốc còn tổ chức những cuộc tư vấn nhỏ, nhiều chuyên gia luật pháp được mời đến Bắc Kinh.
Điều này phần nào cho thấy, phía Trung Quốc bắt đầu có sự thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề. Dĩ nhiên, sự thay đổi này không đồng nghĩa với việc họ thay đổi mục tiêu trong vấn đề biển Đông, nhưng ít nhất, cũng làm cho cuộc đấu tranh giữa các bên liên quan trong vấn để phức tạp này dựa trên cùng một cơ sở, đó là luật pháp quốc tế.
Biển Đông làm cho chính giới Mỹ lo ngại ở tầm cao
PV: Được biết hội thảo còn có sự tham dự của nhiều chính trị gia cấp cao của Hoa Kỳ. Họ nhìn nhận ra sao về vấn đề biển Đông hiện nay, thưa ông?
GS Đặng Đình Quý: Một số học giả Mỹ nhấn mạnh vấn đề an ninh biển còn là phép thử xem cơ sở pháp luật hiện hành có còn tiếp tục duy trì được sức mạnh nữa hay không.
Quan điểm thứ 2, thể hiện phần nào quan điểm của chính giới Mỹ qua bài phát biểu của Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain. Cần nhắc lại rằng, từ xưa đến nay các quan chức Mỹ không ai nói trực tiếp đến “đường lưỡi bò” mà chỉ nói chung chung là vấn đề an ninh.
Năm 2010 phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các đối tác, Diễn đàn An ninh khu vực (ARF), bà Hilarry Clinton nhắc đến “Đường lưỡi bò” một cách gián tiếp là “những đòi hỏi không xuất phát từ đặc điểm đất, đảo, đá (land features) trên biển Đông là không có giá trị”. Đó là một cách gián tiếp phủ định yêu sách này của phía Trung Quốc. John McCain là chính khách Mỹ đầu tiên khẳng định trực tiếp: “Đường lưỡi bò” không có cơ sở pháp lý.
Trong bài phát biểu của mình, vị Thượng nghị sỹ Mỹ còn tạo ra liên kết chặt chẽ giữa những đòi hỏi vô lý đó với những đe dọa trật tự hiện hành an ninh trên biển và lợi ích của Mỹ trong vận tải hàng hải. Ông cũng là chính khách Mỹ đầu tiên có kiến nghị rất mạnh là Mỹ phải phê chuẩn Luật biển 1982 để có được chính danh và giúp củng cố ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự.
Dĩ nhiên đây là ý kiến của riêng ông ta và tại nước Mỹ cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, trước những diễn biến gần đây tại biển Đông làm cho chính giới Mỹ lo ngại ở tầm cao.
 
 
Thượng nghị sỹ John McCain đề cập đến trách nhiệm của tất cả các bên. Trong kiến nghị tới các bên có liên quan, điểm mới mấu chốt là có 2 ý kiến, ý kiến thứ nhất là phải hoàn tất ngay Bộ Quy tắc Ứng xử biển Đông (COC) để tránh xung đột. Quyền lợi hợp pháp của các nước trên biển Đông cần phải được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán.
Hơn nữa, không loại trừ COC đó phải có sự tham gia của tất cả các nước liên quan đến Biển Đông bao gồm cả những nước vận tải hàng hải như Ấn, Úc, Nhật, Hàn Quốc…
PV: Trong cuộc hội thảo, có sáng kiến mới nào trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông được  đưa ra không, thưa ông?
GS Đặng Đình Quý: Một đại biểu Philipines nêu vấn đề khoanh vùng khu vực tranh chấp tại Trường Sa và tất cả cùng hợp tác, phát triển khu vực đó.
PV: Đề nghị có khác biệt với đề nghị phía Trung Quốc từng đưa ra trước đây như là tạm gác tranh chấp, cùng khai thác biển Đông?
GS Đặng Đình Quý: Khác biệt ở chỗ, đề nghị của Trung Quốc mang tính chung chung, xuất phát từ câu nói của ông Đặng Tiểu Bình: “chủ quyền tại ngã, gác tranh chấp, các nước khác cùng khai thác”…
Để làm được đó thì hai vấn đề phải làm trước, một là phải khoanh vùng khu vực nào đang tranh chấp và nếu xác định được các chỗ tranh chấp thật thì mới nói đến chuyện nguyên tắc cùng khai thác như thế nào. Câu chuyện đó có thể nhận thấy đã tắc ngay từ về thứ nhất rồi.
Chiểu theo đề xuất đó, việc cần làm là khoanh vùng các đảo ngoài cùng thành vùng lõm, tạo thành khu vực 5 nước 6 bên. Trong khu vực đó phải xác định xem, khu vực nào tranh chấp, khu vực nào không tranh chấp, quy chế các đảo đá như thế nào… Còn nếu theo cách phân định “chủ quyền tại ngã” của Trung Quốc thì chả còn khu vực nào là tranh chấp và gần như tất cả Biển Đông là của họ.
Nếu nói rằng, khoanh vùng khu vực đó lại và ban hành quy chế như các nước Đông Nam Á hiểu thì có thể hiểu là vành đai an toàn 500m với những bãi nửa nổi nửa chìm và 12 hải lý với những đảo. Chỉ có như thế thôi và không có vùng đặc quyền kinh tế.
Việc này sẽ tạo ra giữa những vòng tròn 12 hải lý những vùng lõm, đó là khu vực cùng khai thác, phát triển, bảo vệ môi trường biển. Đó là sáng kiến lần đầu tiên được đưa ra tại một diễn đàn lớn về an ninh hàng hải tại biển Đông. Trên thực tế, giữa chúng ta và Philipines đã có những dự án khoa học chung tại những khu vực còn tranh cãi.
PV: Ông đánh giá đề xuất của phía Philipines liệu có khả năng hiện thực hóa được hay không?
GS Đặng Đình Quý: Có nhiều cái khó vì để thực hiện. Trước tiên là tất cả các nước ASEAN phải đồng lòng nhưng hiện nay các nước ASEAN còn chưa hoàn toàn nhất trí được với nhau.
Còn nếu có quốc gia nào đó cứ khăng khăng là tính từ đảo họ đang chiếm giữ ra 200 hải lý là vùng đặc quyền kinh tế của họ thì đề xuất trên không còn giá trị. Nếu các nước cùng nhìn nhận, việc cùng hợp tác lớn hơn chuyện tranh chấp thì tất cả các bên đều tính đến chuyện điều chỉnh chính sách.
(còn nữa)
Phần cuối cuộc trò chuyện với GS Đặng Đình Quý đề cập đến việc Việt Nam đã thắng lợi như thế nào trong hội nghị an ninh biển Đông và những đánh giá rất sắc sảo của chuyên gia nước ngoài về thái độ và hành xử của Trung Quốc. Mời Quý độc giả đón đọc vào đầu giờ sáng ngày 28/6/2011.
Phúc Hưng


Nguồnhttp://giaoduc.net.vn/xa-hoi/40-tin-nong/5800-tai-sao-den-gio-my-moi-goi-dich-danh-duong-luoi-bo-cua-tq.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét