Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Sức mạnh đáng sợ của tên lửa BrahMos trên tàu khu trục Kolkata

Ngành công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ những năm trở lại đây đã trưởng thành lên rất nhiều. Hiện nay, Ấn Độ đã tự mình làm chủ được công nghệ sản xuất các loại vũ khí khác nhau để trang bị cho quân đội. Điển hình trong đó là tàu khu trục lớp Kolkata.

Công nghệ tàng hình bậc nhất thế giới
Tàu khu trục lớp Kolkata được nghiên cứu và xây dựng tại nhà máy đóng tàu nổi tiếng và lâu đời nhất của ấn độ là Mazagon. Với yêu cầu của quân đội trong tình hình mới, tàu khu trục lớp Kolkata được phát triển sao cho đảm bảo được khả năng tấn công uy lực, khả năng tàng hình, khả năng cơ động vượt trội hơn hẳn các thế hệ tàu khu trục trước đây. Chính vì vậy tàu khu trục lớp Kolkata hiện đang được coi là chuẩn mực mới của lực lượng hải quân Ấn Độ.
Sức mạnh đáng sợ của tên lửa BrahMos trên tàu khu trục Kolkata - Ảnh 1

Hình ảnh mô hình tàu khu trục lớp Kolkata.

Đầu tiên là về lĩnh vực động cơ, nhà sản xuất đã có những đột phá mới trong công nghệ sản xuất động cơ cho tàu khu trục lớp Kolkata. Tàu khu trục lớp Kolkata được trang bị tới 6 động cơ tuabin khí có công suất mạnh mẽ, 6 động cơ này được đồng bộ hóa bằng hai bộ phận truyền động riêng biệt.
Trên chiến trường, việc hỏng động cơ của bất kỳ phương tiện chiến tranh nào cũng là một thảm họa. Chính vì vậy, nhà sản xuất Ấn Độ đã bố trí nhiều động cơ được đồng bộ hóa sẽ giúp cho tàu khu trục vẫn có thể duy trì tác chiến trong điều kiện bị hỏng từ 1-3 động cơ.
Ngoài ra, hệ thống động cơ uy lực này còn giúp tàu có thể đạt tới vận tốc khá nhanh, lên tới 30 hải lý/giờ, tức là khoảng gần 60km/giờ.
Tiếp theo, tàu khu trục lớp Kolkata được áp dụng công nghệ tàng hình, giúp chúng dễ dàng qua mặt được các hệ thống trinh sát của đối phương. Tính năng tàng hình có vai trò đặc biệt quan trọng trong các cuộc chiến tranh hiện đại, đây là yếu tố sống còn của tất cả các phương tiện chiến tranh. Công nghệ radar trinh sát mục tiêu càng hiện đại thì công nghệ tàng hình cũng phải đổi mới theo. Toàn bộ cấu trúc của tàu được thiết kế sao cho giảm góc cạnh, giảm độ lồi lõm, thò ra, thụt vào của các hệ thống vũ khí, khí tài.
Cụ thể như toàn bộ các hệ thống vũ khí chính của tàu đều được thiết kế nằm bên trong thân tàu để làm giảm diện tích phản xạ sóng vô tuyến của các hệ thống radar trinh sát của đối phương.
Ngoài ra, công nghệ tản nhiệt từ hệ thống động cơ cũng được phát triển mới, giúp tàu gần như vô hình trước các hệ thống trinh sát hồng ngoại. Thông thường, các tàu quân sự thường có nhiệt độ lớn hơn nhiều các tàu hàng dân sự, bởi chúng to hơn, trọng lượng lớn hơn, động cơ hoạt động mạnh hơn nên độ phát nhiệt là rất lớn. Mà đối với các thiết bị trinh sát hồng ngoại thì nguyên tắc hoạt động của chúng chính là dựa vào yếu tố nhiệt được tỏa ra từ mục tiêu.
Nhưng đối với tàu khu trục lớp Kolkata, các hệ thống tản nhiệt được tỏa ra đều xung quanh thân tàu, với lượng nhỏ một và liên tục, các ống xả của động cơ được bố trí xa nhau nên lớp tàu này đã hạn chế đáng kể sự bộc lộ hồng ngoại. Ngoài ra, các thiết bị ở bên ngoài được sơn phủ bằng loại vật liệu chuyên dụng có khả năng hấp thụ sóng radar làm giảm khả năng bị phát hiện. Các chuyên gia vũ khí đánh giá rằng, tàu khu trục lớp Kolkata đang sở hữu khả năng tàng hình vào loại hiện đại nhất thế giới hiện nay.
Đáng sợ như tên lửa BrahMor trên tàu Kolkata
Theo các chuyên gia, hệ thống vũ khí hiện đại giúp lớp tàu này có khả năng tấn công và phòng thủ toàn diện. Cụ thể là chúng sẽ được trang bị 16 tên lửa hành trình chống hạm BrahMos.
Tên lửa BrahMos là một loại tên lửa siêu thanh được đánh giá là nhanh nhất thế giới hiện nay. Chúng có thể đạt vận tốc gấp 2,8 lần vận tốc âm thanh (gấp 3 lần vận tốc tên lửa hành trình huyền thoại Tomahawk hiện nay của Mỹ). Một điểm đáng sợ của tên lửa BrahMos là độ chính xác rất cao, bán kính lệch mục tiêu của tên lửa chỉ khoảng 1-3 mét, đây được xem là loại tên lửa hành trình chính xác nhất thế giới hiện nay.
Sức mạnh đáng sợ của tên lửa BrahMos trên tàu khu trục Kolkata - Ảnh 2

Hình ảnh tàu khu trục lớp Kolkata đang được đóng.

Với tốc độ cao, BrahMos có thể dễ dàng đâm xuyên qua mục tiêu hơn các loại tên lửa hạng nhẹ bay dưới tốc độ âm thanh khác, như tên lửa Tomahawk của Mỹ. Với trọng lượng gấp đôi (3.000kg) và nhanh hơn bốn lần tên lửa Tomahawk, BrahMos có lực tác động mạnh hơn 32 lần so với tên lửa Tomahawk khi đâm vào mục tiêu.
 Uy lực của tên lửa BrahMos khiến mọi chiến hạm của kẻ thù đang hoạt động xung quanh bán kính 300km cũng phải kinh hãi. Tàu khu trục lớp Kolkata cũng được trang bị hai hệ thống rocket chống ngầm RBU-6.000, ống phóng ngư lôi kép 533mm, hai trực thăng chuyên làm nhiệm vụ chống ngầm.
Tàu khu trục lớp Kolkata được trang bị hàng loạt các loại vũ khí phòng thủ uy lực. Cụ thể là 32 tên lửa đánh chặn tầm ngắn Barak-1 với tầm bắn 12km thích hợp cho việc cận chiến cũng như tiêu diệt các phương tiện không người lái, máy bay trực thăng. Bên cạnh đó là 48 tên lửa đánh chặn tầm trung Barak-8 với phạm vi bắn trên 70km. Đây là loại tên lửa được dẫn hướng tinh vi, giúp chúng có thể tiêu diệt chính xác các mục tiêu trên không nằm trong phạm vi bắn của nó.
 Tàu khu trục lớp Kolkata cũng sở hữu 8 ống phóng thẳng đứng cho tên lửa đánh chặn tầm xa AAD có phạm vi hoạt động ở lên tới 200km. Các hệ thống tên lửa này tạo ra một lớp phòng thủ đa tầng, sẽ là trở ngại rất lớn cho bất kỳ đối thủ nào muốn tấn công tàu khu trục lớp Kolkata.
Ngoài khả năng tiêu diệt máy bay các loại, các hệ thống tên lửa này còn có thể tiêu diệt được các loại tên lửa từ hành trình đến đạn đạo.                                                                            
Nhà sản xuất cũng lắp đặt hàng loạt các hệ thống radar tối tân cho tàu khu trục lớp Kolkata cụ thể như hệ thống radar có nhiệm vụ trinh sát và tìm kiếm, theo dõi và phân biệt các mục tiêu cả trên không, trên biển và các mục tiêu ngầm. Điển hình trong đó là các hệ thống radar EL/M-2248 MF-STAR, hệ thống radar EL/M-2248. Các hệ thống radar này đều được đánh giá vào loại hiện đại nhất thế giới hiện nay, chúng có thể giúp tàu khu trục lớp Kolkata kiểm soát một phạm vi rộng lớn lên đến 250km, ở độ cao 25km. Còn đối với các mục tiêu ngầm thì tàu khu trục sẽ sử dụng hệ thống Sonar BEL Nagin với phạm vi trinh sát các mục tiêu vào khoảng 100km.
Tàu khu trục lớp Kolkata được tích hợp khả năng chia sẻ các thông tin thu thập được cho các chiến hạm khác của lực lượng hải quân Ấn Độ.
Tiến Phương (Theo TopWar, NewWeapon)
http://www.nguoiduatin.vn/suc-manh-dang-so-cua-ten-lua-brahmos-tren-tau-khu-truc-kolkata-a133963.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét