Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Những sự thực về quân đội Trung Quốc

Quyết định khai trừ đảng tịch đối với cựu Phó Chủ tịch quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu (nghỉ hưu cuối năm 2012) đang gây xôn xao dư luận quân đội Trung Quốc nói riêng và đất nước hơn 1,34 tỷ người nói chung. Bởi ông Từ Tài Hậu là quan chức quân sự cấp cao nhất Trung Quốc đang phải đối mặt với tòa án binh vì bị buộc tội nhận hối lộ (nhận 35 triệu NDT - khoảng 5,6 triệu USD của Trung tướng Cốc Tuấn Sơn, người đã bị buộc tội tham nhũng hồi tháng 4 vừa qua), thậm chí có thể bị kết án tử hình. Đây được coi là tiếng sấm long trời lở đất đối với lực lượng vũ trang đông nhất thế giới.
Nhân dịp này Năng lượng Mới xin giới thiệu với độc giả bức tranh tổng quan về quân đội Trung Quốc, cũng như những nhận định, đánh giá khác nhau của giới chuyên môn trên thế giới đối với đội quân có khoảng 2,3 triệu người và lược lại những cuộc chiến tranh với các nước láng giềng do đội quân này gây ra.
Kỳ I: Ai chỉ huy quân đội?
Mặc dù là thành viên trong chính phủ do Thủ tướng Lý Khắc Cường đứng đầu, nhưng ông Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Quốc vụ, Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương không có quyền chỉ huy và ra lệnh cho quân đội. Bởi mọi hoạt động của quân đội được đặt dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp của Quân uỷ Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Tập Cận Bình. Đây là điều đã được quy định rõ trong luật và trong lịch sử quân đội Trung Quốc, ai chỉ huy quân đội, người đó mới thực sự nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Trước đó, quân đội Trung Quốc chịu sự quản lý của 2 Ủy ban Quân sự Trung ương (Quân uỷ Trung ương), một thuộc Nhà nước và một thuộc Đảng. Đến tháng 12/1982, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Trung Quốc đã sửa đổi Hiến pháp, theo đó Ủy ban Quân sự Trung ương lãnh đạo toàn bộ lực lượng vũ trang. Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương được bầu chọn và miễn nhiệm tại hội nghị toàn thể của Quốc hội, còn các ủy viên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn.
Chủ tịch Mao Trạch Đông từng nói một câu nổi tiếng: Súng đạn đẻ ra chính quyền. Và khi còn sống, Chủ tịch Mao Trạch Đông chưa bao giờ rời ghế Chủ tịch Quân uỷ Trung ương và mọi hoạt động chuyển quân (từ Trung đoàn trở lên) đều phải báo cáo với ông. Đến thời Đặng Tiểu Bình (hạt nhân lãnh đạo của thê đội 2) và Giang Trạch Dân (hạt nhân lãnh đạo của thê đội 3), cả 2 ông đều giữ cương vị này cho dù đã thôi giữ chức trong bộ máy Nhà nước và Chính phủ. Phải tới thời ông Hồ Cẩm Đào (hạt nhân lãnh đạo của thê đội 4), việc này mới chấm dứt - ngay sau khi rời khỏi cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, ông Hồ Cẩm Đào đã bàn giao chức Chủ tịch Quân uỷ Trung ương để hạt nhân lãnh đạo của thê đội 5, ông Tập Cận Bình đảm trách.
Theo giới sử gia, do trải qua nhiều binh đao, cát cứ trong lịch sử, nên sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã đề ra nhiều quy định nhằm quản lý chặt chẽ quân đội. Trước khi thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (1/10/1949), ngày 15/6/1949, tại hội nghị toàn thể lần thứ nhất của Uỷ ban trù bị Hội nghị Chính hiệp đã thông qua lệnh "Về việc công bố kiểu dáng quân huy và quân kỳ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc". Bởi trước đó, Chủ tịch Uỷ ban quân sự cách mạng nhân dân Mao Trạch Đông và 4 Phó Chủ tịch (Chu Đức, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai và Bành Đức Hoài) đã thống nhất thông qua vấn đề này. Theo đó quân huy của quân đội Trung Quốc có chữ bát nhất nhằm kỷ niệm ngày đảng Cộng sản Trung Quốc (1/8/1927) phát động cuộc khởi nghĩa Nam Xương và đó được coi là ngày thành lập quân đội Trung Quốc.
Những sự thực về quân đội Trung Quốc (Kỳ I)
Theo Hiến pháp năm 1954, Chủ tịch nước thống soái các lực lượng vũ trang và là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Ngày 28/9/1954, Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc tái lập Ủy ban Quân sự Trung ương và kể từ đó trở đi, chế độ lãnh đạo chung giữa Đảng và Nhà nước đối với quân đội được thiết lập. Mọi công dân của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (từ 18 tuổi) đều phải làm nghĩa vụ quân sự. Thời hạn phục vụ trong lục quân là 36 tháng, trong không quân và hải quân là 48 tháng, trong lực lượng tên lửa chiến lược không ấn định thời hạn. Ngoài lực lượng quân đội, còn có cảnh sát vũ trang, dân quân, dân cảnh.
Từ khi thành lập đến trước năm 1955, quân đội Trung Quốc không duy trì chế độ quân hàm. Năm 1955, chế độ quân hàm lần đầu tiên ra đời. Theo đó, Trung Quốc không có Đại Nguyên soái, nhưng có 10 Nguyên soái và 10 Đại tướng. Quân hàm Thượng tướng cấp một bị bãi bỏ từ năm 1994. Và cho tới nay, người có quân hàm cao nhất trong quân đội chỉ là Thượng tướng. Chủ tịch Quân uỷ Trung ương không có quân hàm, còn Phó Chủ tịch và các uỷ viên Quân uỷ Trung ương đeo hàm Thượng tướng. Tư lệnh quân khu đeo hàm Thượng tướng hoặc Trung tướng; Phó Tư lệnh quân khu và Tư lệnh Quân đoàn đeo hàm Trung tướng hoặc Thiếu tướng. Phó Tư lệnh Quân đoàn và Sư đoàn trưởng đeo hàm Thiếu tướng hoặc Đại tá. Sư đoàn và Lữ đoàn trưởng đeo hàm Đại tá hoặc Thượng tá. Lữ đoàn phó và Trung đoàn trưởng đeo hàm Thượng tá hoặc Trung tá. Trung đoàn phó và Tiểu đoàn trưởng đeo hàm Trung tá hoặc Thiếu tá.
Được biết, hiện quân đội Trung Quốc đang sở hữu một đội quân thường trực đông nhất thế giới với các lực lượng: Hải, Lục, Không quân và Tên lửa chiến lược. Lực lượng tên lửa chiến lược có biên chế khoảng 11.000 người (không kể lực lượng khoa học kỹ thuật dân sự phục vụ có thời hạn), đang sở hữu nhiều loại tên lửa đạn đạo Đông Phong.
Trong thời kỳ chiến tranh, lực lượng cảnh sát vũ trang được coi là nhánh thứ 5 của quân đội Trung Quốc. Ngoài 7 quân khu, Trung Quốc còn có các sư đoàn bộ binh, sư đoàn sơn cước, lữ đoàn bộ binh độc lập, tiểu đoàn bộ binh độc lập, trung đoàn công binh, trung đoàn thông tin liên lạc… với các trang bị vũ khí của bộ binh như xe tăng, xe bọc thép, pháo các loại, súng cối, hoả tiễn đất đối đất, súng và tên lửa chống tăng, súng phòng không bộ binh… và vũ khí hóa học. Riêng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc luôn là chủ đề được dư luận quan tâm bởi những con số được công bố đều không chính xác.
Theo công bố chính thức, ngân sách quốc phòng năm 2000 của Trung Quốc là 13 tỷ USD, đến năm 2007 là 52 tỷ USD, năm 2013 hơn 100 tỷ USD và năm 2014 là 132 tỷ USD. Tuy nhiên, Mỹ, Nhật Bản và một số nước phương Tây cho rằng, những con số kể trên thấp hơn nhiều so với thực tế.

Theo giới quân sự, quân đội Trung Quốc từng có thời điểm nuôi tới 6 triệu người và tuy đã trải qua nhiều đợt cắt giảm, nhưng quân số hiện vẫn khoảng 2,3 triệu và là lực lượng quân đội đông nhất thế giới. 
Kỳ II: Đội quân khổng lồ
Theo giới quân sự, quân đội Trung Quốc từng có thời điểm nuôi tới 6 triệu người và tuy đã trải qua nhiều đợt cắt giảm, nhưng quân số hiện vẫn khoảng 2,3 triệu và là lực lượng quân đội đông nhất thế giới. Hơn 1 năm trước (17/4/2013), lần đầu tiên Trung Quốc tiết lộ phương thức bố trí của Hải, Lục, Không quân và Lực lượng tên lửa chiến lược (còn gọi là Quân đoàn pháo binh số 2). Theo đó, các đơn vị tác chiến của Lục quân bao gồm 18 quân đoàn, cùng các sư đoàn tác chiến hỗn hợp, độc lập bổ sung với tổng quân số khoảng 850.000 người. 18 quân đoàn kể trên được phân bổ tới 7 quân khu: Thẩm Dương (quân đoàn 16, 39 và 40), Bắc Kinh (quân đoàn 27, 38 và 65), Lan Châu (quân đoàn 21 và 47), Tế Nam (quân đoàn 20, 26 và 54), Nam Kinh (quân đoàn 1, 12 và 31), Quảng Châu (quân đoàn 41 và 42) và Thành Đô (quân đoàn 13 và 14).
Lực lượng hải quân có khoảng 235.000 người và được biên chế vào 3 hạm đội (Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải). Mỗi hạm đội đều có các cơ quan chỉ huy hàng không hạm đội, các căn cứ hỗ trợ, đội tàu, đơn vị đồn trú trên biển cũng như các sư đoàn hàng không và lữ đoàn hàng hải. Gần 2 năm trước (tháng 9-2012), tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh được biên chế cho hải quân và được coi là có ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình xây dựng và đảm bảo an ninh hàng hải.
Lực lượng không quân hiện có khoảng 398.000 người và dưới mỗi sở chỉ huy không quân là các căn cứ, sư đoàn hàng không (lữ đoàn), các sư đoàn tên lửa đất đối không (lữ đoàn) và các lữ đoàn radar cùng những đơn vị khác.
Lực lượng tên lửa chiến lược được thành lập ngày 1/7/1966 và là lực lượng sở hữu những tên lửa đạn đạo thuộc loại hàng đầu thế giới. 100% tên lửa đạn đạo đều do Trung Quốc tự phát triển, sản xuất và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, với độ chính xác ngày càng được cải thiện. Hiện lực lượng này sở hữu hơn 1.500 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung, tầm xa và liên lục địa. Trung Quốc cho rằng, việc sở hữu tên lửa đạn đạo đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ cuộc chiến tranh khu vực nào. Ngày 25/4, trang Strategy Page có trụ sở tại Washington cho biết, sau khi những binh sĩ nữ đầu tiên được tuyển chọn vào làm việc trong lữ đoàn tên lửa đạn đạo DF-15 thuộc Lực lượng tên lửa chiến lược, các đơn vị khác cũng đang xem xét để tuyển dụng thêm binh sĩ nữ. Được biết, mới có khoảng 8% binh sĩ trong quân đội Trung Quốc là nữ.
Những sự thực về quân đội Trung Quốc (Kỳ II)
Tàu sân bay Liêu Ninh.
Giới quân sự cho rằng, Trung Quốc đang cố gắng luyện tập kỹ thuật tấn công phủ đầu các bệ phóng tên lửa đạn đạo di động của đối phương. Đây là một việc rất khó vì các bệ phóng tên lửa đạn đạo có kích thước nhỏ và rất cơ động. Theo giới chuyên môn, mỗi lữ đoàn DF-21 được biên chế gồm 6 tiểu đoàn tên lửa (với 2 xe phóng tên lửa cho mỗi tiểu đoàn), 2 tiểu đoàn bảo dưỡng, sửa chữa, 1 tiểu đoàn chỉ huy, 1 tiểu đoàn trinh sát và 1 tiểu đoàn đối kháng điện tử (ECM). Và số đơn vị sử dụng tên lửa DF-21 của lực lượng này đã lên tới 10 lữ đoàn, cùng với một số lữ đoàn sử dụng các loại tên lửa đạn đạo khác. Tên lửa DF-21D được cho là để chống lại các hàng không mẫu hạm của quân đội Mỹ.
Gần 5 năm trước (21-9-2009), ông Lương Quang Liệt khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng từng tuyên bố, quân đội Trung Quốc hiện sở hữu hầu hết các hệ thống vũ khí tối tân có trong kho vũ khí của các nước phương Tây phát triển. Những loại vũ khí đó bao gồm vệ tinh quân sự, máy bay tiêm kích J-10, xe tăng thế hệ mới nhất, các khu trục hạm, tuần dương hạm cùng các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa hành trình đều đã hoặc gần đạt tiêu chuẩn của các quốc gia hàng đầu thế giới. Ông Lương Quang Liệt cũng nhấn mạnh, mục tiêu của quân đội Trung Quốc là hoàn tất quá trình cơ giới hóa và vi tính hóa vào năm 2020, đồng thời xây dựng một lực lượng hoàn toàn hiện đại trước năm 2050.
Trước đó (20/8/2009), Bộ Quốc phòng Trung Quốc chính thức khai trương trang web tại địa chỉ www.mod.gov.cn, với nội dung được đăng tải bằng 2 thứ tiếng (Trung và Anh). Trước đó, nhân kỷ niệm 82 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc (1/8/1927 - 1/8/2009), Chính phủ Trung Quốc đã mở trang web chính thức của quân đội nước này tại địa chỉ www.chinamil.com.cn bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh. Quân ủy Trung ương đã phê chuẩn việc này nhằm cung cấp thông tin chính thức về chính sách quốc phòng và công tác xây dựng quân đội Trung Quốc. Thông qua trang web này, thế giới sẽ hiểu hơn về chính sách quốc phòng của Trung Quốc, đồng thời phục vụ việc tăng cường trao đổi, hợp tác với nước ngoài.
Hơn 3 năm trước (hạ tuần tháng 6/2011), sau khi thành lập lực lượng đặc nhiệm chiến tranh mạng, quân đội Trung Quốc đã phát triển trò chơi chiến tranh trực tuyến đầu tiên nhằm nâng cao kỹ năng chiến đấu và nhận thức về chiến tranh. Theo đó, Sứ mệnh vinh quang (Glorious Mission) là trò chơi trong đó người chơi được trang bị các loại vũ khí công nghệ cao để thực thi nhiệm vụ độc lập hoặc theo nhóm. Các loại vũ khí được sử dụng trong trò chơi Sứ mệnh vinh quang đều có trong kho vũ khí của quân đội Trung Quốc.
Trước đó (1/6/2011), binh sỹ Trung Quốc bị cấm sử dụng mạng xã hội bởi Bắc Kinh cho rằng, việc kết bạn trên mạng có thể vô tình tiếp tay cho kẻ thù. Bởi việc cung cấp thông tin cá nhân như địa chỉ nơi đóng quân cùng nhiệm vụ hoặc địa chỉ liên lạc có thể có nguy cơ để lộ vị trí các căn cứ quân sự. Do đó, Quân uỷ Trung ương quyết thực thi nghiêm lệnh cấm kể trên (cấm binh sỹ tạo trang web hoặc viết blog) nhằm bảo vệ bí mật quân sự cũng như sự thuần khiết và đoàn kết trong quân đội.
Tờ China Daily vừa cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử quân đội Trung Quốc đã dỡ bỏ nhiều hạn chế đối với tân binh, khi cho phép những người thấp, cận thị, nặng cân hơn và thậm chí có bệnh tâm thần phân liệt cũng được nhập ngũ nhằm thu hút tầng lớp trẻ có trình độ học vấn cao. Ngoài ra, những ai mang hình xăm không quá 10cm và không lộ ra ngoài quân phục quá 2cm cũng được tham gia nghĩa vụ quân sự. Tờ Time coi đây là động thái nhằm mở rộng chương trình vũ khí để nâng cấp tàu chiến, tên lửa, máy bay… khi Trung Quốc muốn thực hiện giấc mộng độc bá Biển Đông và biển Hoa Đông.

Giới phân tích cho rằng, bóng ma của cuộc chiến Trung-Ấn năm 1962 vẫn in sâu trong tâm trí hai quốc gia này, đặc biệt là Ấn Độ.
Gần 3 năm trước (26/10/2011), tờ China News từng dự kiến, trong 50 năm tới, Trung Quốc sẽ phát động 6 cuộc chiến tranh. Thứ nhất, thống nhất Đài Loan (giai đoạn 2020-2025). Thứ hai, thu hồi các đảo tại Biển Đông (giai đoạn 2025-2030). Thứ ba, thu hồi Nam Tây Tạng (giai đoạn 2035-2040). Thứ tư, thu hồi đảo Điếu Ngư và Lưu Cầu (giai đoạn 2040-2045). Thứ năm, thống nhất Ngoại Mông (giai đoạn 2045-2050). Thứ sáu, thu hồi lãnh thổ bị Nga xâm chiếm (giai đoạn 2055-2060). Và sau khi kết thúc 6 cuộc chiến tranh kể trên, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc kinh tế và quân sự duy nhất trên thế giới, tái lập trật tự thế giới mới do Bắc Kinh làm chủ.
Từ cuộc chiến Trung - Ấn năm 1962
Chiến tranh Trung-Ấn (còn gọi là xung đột biên giới Trung-Ấn), bùng phát bởi những tranh chấp tại khu vực biên giới Aksai Chin và bang Arunachal Pradesh (Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng). Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác như Ấn Độ trao qui chế tị nạn chính trị cho Đạt Lai Lạt Ma, thiết lập một số tiền đồn dọc biên giới, bao gồm một số vị trí nằm ở phía Bắc tuyến McMahon, là phần phía Đông của đường kiểm soát trên thực tế do Trung Quốc tuyên bố năm 1959.
Cuộc chiến khai hoả ngày 20/10/1962 (là cuộc chiến sơn cước quy mô lớn ở độ cao trên 4250 mét, cả 2 bên đều không sử dụng không quân và hải quân) khi Trung Quốc phát động 2 cuộc tấn công với chiều dài hơn 1000 km từ Đông sang Tây cùng một lực lượng áp đảo. Và kết thúc khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố ngưng bắn vào ngày 20/11/1962, đồng thời rút khỏi phần lớn các khu vực chiếm được trước đó. Trung Quốc tuyên bố ngừng bắn ngay sau khi Ấn Độ yêu cầu Mỹ hỗ trợ không quân (19/11/1962) và các tàu sân bay của Mỹ đã nhận lệnh áp sát bờ biển Ấn Độ.
Sau cuộc chiến kể trên, Ấn Độ đã thay đổi toàn diện quân đội để chuẩn bị cho các xung đột trong tương lai. Nhưng những nguyên nhân địa-chính trị dẫn đến cuộc chiến Trung-Ấn vẫn chưa được giải quyết. Giới phân tích cho rằng, bóng ma của cuộc chiến Trung-Ấn năm 1962 vẫn in sâu trong tâm trí hai quốc gia này, đặc biệt là Ấn Độ. Hạ tuần tháng 3/2014, tờ India Today và một số tờ báo của Ấn Độ đã đăng phần lớn trong báo cáo Henderson Brooks - Bhagat, lấy từ trang web cá nhân của nhà báo Australia Neville Maxwell.
Ông Neville Maxwell là phóng viên khu vực Nam Á của tờ The Times of London vào năm 1962, và là một trong rất ít người từng đọc báo cáo Henderson Brooks - Bhagat (dài khoảng 200 trang).
Những sự thực về quân đội Trung Quốc (Kỳ III)
Tàu khu trục tên lửa Thanh Đảo
Ngày 23/2/1972, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã đề cập đến cuốn sách của nhà báo Neville Maxwell khi có cuộc thảo luận với Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Tiến sĩ Henry Kissinger tại Bắc Kinh. Tác phẩm mà Thủ tướng Chu Ân Lai đề cập đến là cuốn sách “Cuộc chiến với Trung Quốc của Ấn Độ” được ông xuất bản năm 1970. Thông tin trong cuốn sách “Cuộc chiến với Trung Quốc của Ấn Độ” chủ yếu lấy từ báo cáo Henderson Brooks - Bhagat.
Báo cáo Henderson Brooks - Bhagat được cho là bản cáo trạng gay gắt về những thất bại tình báo và tính toán chính trị sai lầm dẫn đến chiến tranh của chính phủ Ấn Độ khi đó. Theo nhận định của nhà báo Neville Maxwell, chính sách tiến tới (Forward Policy) của chính phủ Ấn Độ khi đó đã khiêu khích Trung Quốc sử dụng vũ lực và là điều Thủ tướng Jawaharlal Nehru không lường trước do tin tức tình báo lạc hậu. Và đó là một trong những lý do dẫn đến thất bại của Ấn Độ trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Theo nhà báo Neville Maxwell, chính sách tiến tới đã được vận dụng lần đầu tháng 12/1961 tại Phân khu Đông và đặc biệt là gần Dhola Post, nơi Trung Quốc cũng coi là lãnh thổ của họ.
Năm 2007, R.D. Pradhan, thư ký của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Y.B. Chavan (dưới thời Thủ tướng Jawaharlal Nehru), đã xuất bản một tài liệu khái quát lịch sử ra đời của báo cáo Henderson Brooks - Bhagat. Theo đó, ông Y.B. Chavan đã thành lập Ủy ban điều tra về thất bại ở Vùng biên giới Đông Bắc (NEFA - bây giờ là bang Arunachal Pradesh) và Trung tướng Henderson Brooks cùng Chuẩn tướng P.S. Bhagat là người thực hiện. Ngày 12/5/1963, báo cáo của họ được trình lên Bộ tham mưu Lục quân và ngày 2/7/1963, báo cáo Henderson Brooks - Bhagat xuất hiện trên bàn làm việc của ông Y.B. Chavan. Theo báo cáo Henderson Brooks - Bhagat, Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã quá gắn bó với Hiệp định Panchsheel (năm 1954) nên để bỏ qua ý đồ đen tối của Trung Quốc.
Đến bài học khó quên
Theo tờ Times of India, ngày 2/7, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố sẽ tổ chức các khóa huấn luyện quân sự cho người dân sống ở khu vực gần biên giới với Trung Quốc để đề phòng nguy cơ xâm lấn. New Delhi có thể cung cấp vũ khí cho người dân để họ sử dụng trong tình huống khẩn cấp. Theo tờ India Express, Ấn Độ dự tính chi khoảng 830 triệu USD để thực hiện kế hoạch này.
Trước đó (30/6), tờ India Today đưa tin về lễ kỷ niệm 60 năm ngày Trung Quốc và Ấn Độ ký 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, nhưng có người nói rằng, 5 nguyên tắc chung sống hòa bình này là sự nhạo báng của Trung Quốc. Bởi ngày 20/10/1962, chiến tranh biên giới Trung-Ấn đã nổ ra cho dù trước đó 2 nước ký 5 nguyên tắc chung sống hòa bình.
Ngày 29/6, tờ Daily India News (Ấn Độ) đăng bài viết của chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề quan hệ quốc tế Rajeev Sharma, đánh giá về việc Trung Quốc phát hành bản đồ mới và những thách thức đặt ra cho Ấn Độ. Trong đó cho rằng, Ấn Độ đã hết ảo tưởng về Trung Quốc sau khi Bắc Kinh phát hành bản đồ mới và đây là thách thức không nhỏ đối với tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Bởi việc phát hành bản đồ mới diễn ra tại thời điểm Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari có chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc (từ 26 đến 30/6), dự lễ kỉ niệm 60 năm Trung Quốc tuyên bố “5 nguyên tắc chung sống hòa bình” với Ấn Độ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin đã chỉ trích hành động kể trên của Trung Quốc, đồng thời khẳng định, mọi mô tả trên bản đồ không thể thay đổi thực tế trên thực địa. Sự thực Arunachal Pradesh là một phần không thể tách rời của Ấn Độ

Ngày 3/7, tờ The Washington Free Beacon (Mỹ) cho biết, quân đội Trung Quốc đã thiết lập Trung tâm Nghiên cứu Tình báo mạng Chiến lược (26/6) với chức năng nghiên cứu tình báo mạng, trao đổi thông tin tình báo mạng, xây dựng hệ thống nghiên cứu theo dõi không gian máy tính hiệu quả cao, cung cấp các dịch vụ tối tân cho các vấn đề lớn và nóng hổi, và khám phá các phương pháp phân tích thông tin tình báo. 
Kỳ IV: Quân đội kiểm soát chiến tranh mạng
Trung tâm Nghiên cứu Tình báo mạng Chiến lược do các chuyên gia tình báo mạng, chuyên gia phân tích tình báo, chuyên gia công nghệ thông tin và lý luận chiến lược vận hành, sẽ hậu thuẫn cho điệp viên mạng trong việc thu thập kết quả các nghiên cứu tình báo chất lượng cao, đồng thời giúp Trung Quốc có thêm nhiều lợi thế về vấn đề an ninh thông tin quốc gia.
Trung tâm kể trên được thành lập đúng thời điểm Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc Max Baucus cảnh báo, gián điệp mạng Trung Quốc là mối đe dọa chính đối với kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ. Trước đó, Công ty an ninh Mỹ Crowdstrike cho biết, một đơn vị quân đội Trung Quốc đã ấn nút chiến dịch tin tặc, trong đó có gửi thư điện tử ma nhằm chặn các liên lạc vệ tinh và bí mật hàng không vũ trụ của phương Tây. Đơn vị này có trụ sở ở Thượng Hải với tên gọi Putter Panda và hoạt động từ năm 2007 bằng việc gửi thư điện tử độc hại nhằm vào Microsoft Outlook, Adobe Reader và các phần mềm thông dụng khác.
Crowdstrike cho rằng, Putter Panda có quan hệ với Đơn vị 61486 thuộc Cục của quân đội Trung Quốc. Theo cáo buộc của Crowdstrike, Đơn vị 61486 đã tấn công mạng nhằm vào hệ thống máy tính của các cơ quan chính phủ Mỹ và các nhà thầu quốc phòng kể từ năm 2007. Giới truyền thông cho rằng, nhân sự chủ chốt của Đơn vị 61486 được lấy từ Đơn vị 61398, cũng có trụ sở tại Thượng Hải.
Những sự thực về quân đội Trung Quốc (Kỳ IV)
Cách đây không lâu (19/5), Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, một bồi thẩm đoàn của nước này đã cáo buộc 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc hoạt động gián điệp mạng đối với các công ty của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, kim loại và các sản phẩm năng lượng mặt trời. Đây là lần đầu tiên Washington công khai cáo buộc Bắc Kinh do thám qua mạng và cũng là lần đầu tiên Mỹ truy tố quan chức nước ngoài liên quan tới hoạt động gián điệp mạng.
Tại bản luận tội hôm 19/5, các công tố viên Mỹ cho biết, trong giai đoạn 2006-2014, 5 sĩ quan kể trên đã tấn công mạng máy tính của các công ty Westinghouse Electric, US subsidiaries of SolarWorld AG, United States Steel, Allegheny Technologies Inc. (ATI), Paper and Forestry, Rubber, Manufacturing, Energy, Allied Industrial & Service Workers International Union (USW), Alcoa hoạt động trong lĩnh vực điện hạt nhân, luyện kim, năng lượng mặt trời.
Theo cáo buộc của Washington, 5 sĩ quan bị cáo buộc thuộc Đơn vị 61398 của quân đội Trung Quốc. Đơn vị 61398 là lực lượng tấn công mạng ưu tú của quân đội Trung Quốc, từng bị cáo buộc tấn công ít nhất 141 công ty thuộc 20 ngành công nghiệp lớn của Mỹ trong năm 2013 như Lockheed Martin, tập đoàn Chertoff, Coca-Cola… Các nhà làm luật Mỹ ước tính, chỉ riêng trong năm 2012, các doanh nghiệp Mỹ đã tổn thất trên 300 tỷ USD do các vụ đánh cắp bí mật thương mại, trong đó phần lớn được thực hiện bởi “gián điệp mạng” có xuất sứ từ Trung Quốc. Tình báo Mỹ và các công ty an ninh mạng từng khuyến cáo, trung bình mỗi ngày phát hiện hơn 20 nỗ lực tấn công an ninh mạng từ Trung Quốc.
Gần 1,5 năm trước (19-2-2013), dư luận và giới chuyên môn từng bàn tán xung quanh báo cáo dài 74 trang của Công ty an ninh mạng Mandiant có trụ sở tại bang Virginia, Mỹ khi cáo buộc quân đội Trung Quốc đứng sau các vụ tấn công mạng, ăn cắp thông tin nhạy cảm tại nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ. Khi đó, Mandiant cho rằng, quân đội Trung Quốc đã thành lập và chỉ đạo Đơn vị 61398 đánh cắp thành công hàng trăm terabyte dữ liệu từ ít nhất 141 tổ chức kể từ năm 2006. Bởi họ có tài liệu chứng minh rằng: các cuộc tấn công mạng đều xuất phát từ một tòa nhà 12 tầng ở khu Phố Đông, ngoại ô thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Toà nhà này do quân đội Trung Quốc làm chủ (gắn biểu tượng Bát Nhất của quân đội Trung Quốc và được canh gác cẩn mật với tấm bảng “cấm chụp hình” viết bằng tiếng Anh và tiếng Trung). Đơn vị 61398 thuộc Phòng 2, Cục 3 và là một đơn vị tình báo kỹ thuật-công nghệ của quân đội Trung Quốc
Công ty an ninh mạng Mandiant cho rằng, Đơn vị 61398 tuyển dụng trực tiếp người từ các trường đại học, ưu tiên những kỹ sư máy tính trình độ cao và giỏi tiếng Anh. Thậm chí họ còn cấp học bổng có điều kiện cho những sinh viên chấp nhận về làm việc cho Đơn vị 61398 sau khi tốt nghiệp. Công ty an ninh mạng Mandiant cũng đưa ra nhiều bằng chứng thuyết phục cho nhận định của mình như tài liệu nội bộ của China Telecom thảo luận về quyết định cài đặt đường dây cáp quang tốc độ cao cho Đơn vị 61398. Hợp đồng giữa China Telecom với Đơn vị 61398 nói rõ: China Telecom đồng ý cung cấp với giá do quân đội Trung Quốc đưa ra vì đây là vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.
Giám đốc phụ trách các mối đe dọa tình báo của Công ty an ninh mạng Mandiant cho biết, trước khi công bố một phần đáng kể trong báo cáo về Đơn vị 61398 họ đã phải cân nhắc kỹ bởi đây là một đơn vị đặc biệt, siêu bí mật được PLA thành lập để tiến hành các vụ tấn công mạng. Ông Richard Bejilitch, Trưởng phòng bảo mật Công ty an ninh mạng Mandiant cho biết, sau 6 năm nghiên cứu, điều tra hoạt động của nhóm hacker mang biệt danh Comment Crew (còn gọi là nhóm hacker Thượng Hải), Công ty an ninh mạng Mandiant mới đưa ra kết luận gây chấn động dư luận. Để phát hiện ra Đơn vị 61398, Công ty an ninh mạng Mandiant phải thuê một đội ngũ chuyên gia giỏi về phần mềm, phần cứng… trong một thời gian dài mới phát hiện ra sự liên quan gián tiếp của Đơn vị 61398 tới những vụ tấn công mạng thời gian qua. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers cho rằng, báo cáo của Công ty an ninh mạng Mandiant hoàn toàn phù hợp với các tin tình báo đã thu thập được.
Để phát hiện ra Đơn vị 61398, Công ty an ninh mạng Mandiant phải thuê một đội ngũ chuyên gia giỏi về phần mềm, phần cứng… trong một thời gian dài mới phát hiện ra sự liên quan gián tiếp của Đơn vị 61398 tới những vụ tấn công mạng thời gian qua. Công ty an ninh mạng Mandiant phát hiện ra rằng, có 2 loạt địa chỉ IP được sử dụng trong các vụ tấn công đều được đăng ký trong cùng một khu vực là tòa nhà của Đơn vị 61398. Công ty an ninh mạng Mandiant không phải là hãng tư nhân đầu tiên theo dõi Đơn vị 61398. Bởi năm 2011, ông Joe Stewart, nhà nghiên cứu của hãng Dell SecureWorks đã phân tích phần mềm độc hại được sử dụng trong vụ tấn công RSA và phát hiện ra rằng, các hacker đã sử dụng một công cụ tin tặc để che giấu vị trí thật sự của mình - phần lớn dữ liệu bị mất cắp đều được chuyển tới các địa chỉ IP ở Thượng Hải.

Cuộc chiến Trung-Xô khai hoả ngày 2/3/1969, sau đó lên tới đỉnh điểm vào ngày 15 và 17/3/1969, khi quân đội hai nước liên tục vãi đạn vào nhau. Khi đó, Moskva và Bắc Kinh đều tính tới cuộc chiến hạt nhân, nhưng…
Mặc dù giành thế chủ động và thắng lợi trong chiến tranh Trung-Ấn, nhưng để chuẩn bị cho cuộc chiến Trung-Xô (còn gọi là xung đột biên giới Trung-Xô), Bắc Kinh đã phải điều khoảng 814.000 quân (Liên Xô khi đó huy động 658.000 quân), cùng nhiều trang thiết bị quân sự hiện đại nhất thời bấy giờ nhằm kiểm soát đảo Trân Bảo/ Damansky.
Nhiều tư liệu lịch sử cho rằng, mâu thuẫn Trung-Xô bắt đầu khởi phát sau khi Chủ tịch Mao Trạch Đông gần như bỏ qua mọi khuyến cáo và chỉ thị của Stalin và Quốc tế cộng sản (đệ tam quốc tế) như đánh tới mức Tưởng Giới Thạch phải chạy tới Đài Loan lánh nạn năm 1949. Mâu thuẫn Trung-Xô trở nên gay gắt sau khi Tổng Bí thư Khrushchev tổ chức cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Eisenhower năm 1959, Liên Xô từ chối hỗ trợ Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ và Chủ tịch Mao Trạch Đông phát động phong trào đại nhảy vọt, rồi đại cách mạng văn hoá.
Giới phân tích nhận định, những mâu thuẫn chính trị từ cuối thập niên 1950 đã phát triển thành xung đột biên giới Xô-Trung vào tháng 4, tháng 5/1962 và đỉnh điểm là khai hoả cuộc chiến ngày 2/3/1969. Xung đột biên giới Trung-Xô trải dọc theo chiều dài biên giới 4.380 km và là hệ quả của những mâu thuẫn về chính trị giữa 2 nước. Mặc dù 2 bên đã thông báo về tổn thất của cuộc chiến năm 1969 và đều đổ lỗi cho đối phương tấn công trước, nhưng giới chuyên môn cho rằng, con số thương vong trên thực tế lớn hơn nhiều. Và hệ quả của vấn đề này chưa biết tới khi nào mới chấm dứt hoàn toàn.
Bởi theo giới truyền thông, sau khi bị tấn công với tổn thất 31 người chết và 14 người bị thương, Liên Xô đã trả đũa bằng cách pháo kích vào các địa điểm binh lính Trung Quốc đóng quân tại Mãn Châu và đảo Damansky/Trân Bảo. Trong trận chiến này, Liên Xô tuyên bố, đã tiêu diệt được 800 binh lính đối phương, và chỉ có 60 người chết và bị thương. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố chỉ có vài người chết và bị thương.
Những sự thực về quân đội Trung Quốc (Kỳ V)
Các chiến sĩ biên phòng Liên Xô đứng trên bờ để đẩy lùi các cuộc xâm nhập của người Trung Quốc lên đảo Damanski.
Tại thời điểm kể trên, Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Grecho và Nguyên soái Chuikov chủ trương sử dụng tên lửa tầm trung mang đầu đạn hạt nhân của quân khu Viễn Đông đánh đòn “phẫu thuật ngoại khoa” nhằm vào 134 mục tiêu quân sự và chính trị trọng yếu của Trung Quốc. Nhưng trước khi động thủ, Moskva phải thăm dò thái độ của Washington và Đại sứ Liên Xô tại Mỹ Dobrynin được cử gặp Ngoại trưởng, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Kissinger. Sau khi nghe Tiến sỹ Kissinger báo cáo ý đồ của Moskva, Tổng thống Nixon lập tức họp gấp với Hội đồng An ninh quốc gia, trước khi đưa ra quyết định.
Và ông chủ Nhà Trắng cho rằng, mối uy hiếp lớn nhất đối với Mỹ và phương Tây đến từ Liên Xô, chứ không phải Trung Quốc. Bởi nếu Moskva sử dụng hạt nhân tấn công Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ trả đũa và khi đó, ô nhiễm hạt nhân sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới sự an toàn của 250.000 quân Mỹ đóng ở châu Á. Ngoài ra, Moskva còn chứng tỏ được uy lực hạt nhân của mình thông qua vấn đề này, khiến cho vị thế của Mỹ trong khu vực và trên thế giới bị lung lay… Do đó, Washington quyết định chơi con bài 2 mặt - vừa phản đối Liên Xô sử dụng vũ khí hạt nhân, vừa ngầm thông báo cho Trung Quốc biết ý đồ của Moskva; đồng thời chuẩn bị cho khả năng khai hoả chiến tranh thế giới lần thứ 3.
Về phần mình, sau khi nhận được thông báo của Mỹ, Chủ tịch Mao Trạch Đông lập tức triển khai kế hoạch “nội công ngoại kích” - tích trữ lương thực, chuẩn bị chiến tranh. Căng thẳng Trung-Xô chỉ được giải quyết nhân chuyến thăm chớp nhoáng Bắc Kinh của Thủ tướng Liên Xô Aleksey Kosygin. Bởi khi đó, Moskva không tạo được tính bất ngờ đối với Bắc Kinh khi sử dụng vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, Mỹ sẽ không đứng ngoài nếu Trung Quốc bị tấn công hạt nhân. Thậm chí, Washington còn đánh tiếng, sẽ trả đũa hạt nhân (nhằm vào hơn 130 mục tiêu quan trọng của Liên Xô) ngay sau khi một tên lửa tầm trung của Moskva rời bệ phóng.
Năm 1970, Chủ tịch Mao Trạch Đông nhận thấy, không thể vừa ngăn chặn những bất ổn trong nước, vừa đối đầu một lúc với Liên Xô và Mỹ, nên quyết định bắt tay với Washington để chống lại Moskva. Chính vì thế nên tháng 7/1971, Tiến sỹ Kissinger đã nhận được tín hiệu để bí mật tới Bắc Kinh, nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nixon vào tháng 2/1972. Động thái kể trên của Bắc Kinh đã khiến Moskva phải tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Nixon. Và việc này đã kết thúc thời kỳ đối đầu tồi tệ nhất giữa Washington, Bắc Kinh và Moskva. Cũng từ đó, các cuộc mặc cả, đi đêm giữa Washington, Bắc Kinh và Moskva liên tiếp diễn ra. Nhiều “vật hy sinh” đã được lựa chọn để phục vụ cho lợi ích của Washington, Bắc Kinh và Moskva. Điều đáng nói là thông qua những cuộc mặc cả, đi đêm kể trên, Bắc Kinh đã thực hiện thành công tham vọng - trở thành một cực trong thế giới đa cực, xoá bỏ thế lưỡng cực do Mỹ và Liên Xô hình thành kể từ sau Đại chiến thế giới lần thứ hai.
Tuy đã đạt được thoả thuận cấp cao, nhưng xung đột lẻ tẻ dọc biên giới Trung-Xô vẫn thường xuyên diễn ra và chỉ chấm dứt trước khi Liên Xô tan rã năm 1991. Sau khi Gorbachev lên nắm quyền, lực lượng quân sự Liên Xô dọc tuyến biên giới với Trung Quốc giảm đáng kể và vấn đề biên giới được giải quyết. Ngày 17/10/1995, thỏa thuận Nga-Trung về đoạn biên giới dài 54 km tuy đã đạt được sự đồng thuận, nhưng câu hỏi về việc kiểm soát đối với 3 hòn đảo trên sông Amur và sông Argun vẫn phải gác lại.
Năm 1996, Tổ chức hợp tác Thượng Hải được thành lập với trụ cột là Nga-Trung và liên minh này đã tạo điều kiện để Moskva và Bắc Kinh giải quyết vấn đề biên giới. Nhưng mãi tới ngày 14/10/2004, Trung-Nga mới ký được thỏa thuận, theo đó Bắc Kinh kiểm soát đảo Tarabarov (Ngân Long Đảo) và khoảng 50% đảo Bolshoy Ussuriysky (Hắc Hạt Tử đảo) gần Khabarovsk. Ngày 2/6/2005, thỏa thuận kể trên được Ngoại trưởng Trung Quốc Lý Triệu Tinh và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ký.

Ngày 9/7, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời Tiến sĩ Đặng Chí Bình, cựu Trung tá quân đội Trung Quốc kêu gọi lãnh đạo nước này xử công khai cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Từ Tài Hậu và Trung tướng Cốc Tuấn Sơn. 
Kỳ VI: Quân đội sẽ chống tham nhũng đến cùng?
Theo nhà phân tích Nghê Lạc Hùng đến từ Đại học Thượng Hải, việc xét xử công khai ông Từ Tài Hậu và ông Cốc Tuấn Sơn (nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần quân đội, người đang phải đối mặt với cáo buộc tham ô, hối lộ, lạm dụng công quỹ) chắc chắn sẽ lộ ra các quan chức cao hơn họ, có thể làm hỏng hình ảnh quân đội Trung Quốc ở trong và ngoài nước. Trong khi đó ông Từ Quang Dụ, Thiếu tướng quân đội về hưu cho rằng, sẽ còn mất khá nhiều thời gian để nền tư pháp Trung Quốc phát triển đến ngưỡng như yêu cầu của ông Đặng Chí Bình.
Ngày 8/7, tờ China Times dẫn thông tin từ tờ Oriental Daily cho biết, Thượng tướng Từ Tài Hậu đã được bí mật giải tới một nhà tù ở Bắc Kinh chờ ngày ra tòa án binh. Ông Từ Tài Hậu bị bắt khi đang điều trị ung thư bàng quang tại Quân y viện 301 ở Bắc Kinh, sau đó bị giam tại Học viện quân đội tại huyện Xương Bình, phía Bắc thủ đô Bắc Kinh. Tuy bị cáo buộc tham nhũng từ hôm 30/6, nhưng ông Từ Tài Hậu vẫn được đối xử tôn trọng, được chăm sóc bởi đội ngũ nhân viên y tế. Được biết, cuộc điều tra nhằm vào ông Từ Tài Hậu kéo dài khoảng 1 năm, trước khi cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương bị khai trừ khỏi đảng.
Ông Từ Tài Hậu (trái) và Cốc Tuấn Sơn
Tờ Nhân dân nhật báo số ra ngày 3/7 đã chỉ trích ông Từ Tài Hậu sau khi cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương bị khai trừ khỏi đảng hôm 30/6, khi gọi ông là "kẻ đào mỏ" trong quân đội. Và quân đội sẽ không bao giờ có chỗ cho tham nhũng. Trước đó (1/7), tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho rằng, Chủ tịch Quân ủy trung ương Tập Cận Bình muốn tạo dựng uy tín, phải tử hình ông Từ Tài Hậu. Và quân đội được kêu gọi ủng hộ ông Tập Cận Bình xử lý tướng Từ Tài Hậu.
Ngày 19/4, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn các bài phát biểu tuyên bố trung thành với Chủ tịch Quân ủy trung ương Tập Cận Bình của 17 tướng quân đội. Đây là lần thứ 3 các tướng Trung Quốc đồng loạt cam kết trung thành với ông Tập Cận Bình một cách công khai.
Ngày 1/7, hãng Bloomberg cho biết, có người đã chi tới 16.000 USD để con em họ có việc làm tốt trong quân đội. Trước đó (29-6), tờ Want China Times dẫn kết quả thanh tra trình lên Quốc hội Trung Quốc hôm 27/6 cho thấy, có tới 20 tỉnh, thành và khu tự trị vi phạm quy định an ninh, khi để cho nhiều biệt thự, tòa nhà xây dựng trái phép xung quanh, thậm chí bên trong các khu quân sự. Còn theo dư luận, trong quân đội phổ biến tình trạng cho thuê đất quân sự để kinh doanh, bán biển số xe quân sự cho tư nhân, chiếm dụng bất hợp pháp các căn hộ là tài sản của quân đội và ngoài những tòa nhà và khách sạn quanh khu quân sự cùng người ở bên trong, người ta còn có thể thấy rõ các hoạt động trong các căn cứ quân sự.
Ngày 1/4, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo, các thanh tra viên đã phát hiện sai phạm tràn lan và nghi án tham nhũng trong các đơn vị quân đội đặt xung quanh thủ đô Bắc Kinh. Theo Bộ Quốc phòng, các nghi án này sẽ được điều tra và công khai trước dư luận để răn đe. Được biết, các thanh tra viên đã phát hiện những sai phạm ở quân khu Tế Nam và Bắc Kinh trong đợt thanh tra diễn ra từ tháng 12/2013 đến tháng 3/2014.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (15/4), đảng Cộng sản Trung Quốc và quân đội nước này đang thành lập các cơ quan ở địa phương để theo dõi, giám sát những hoạt động bất hợp pháp của quân nhân, đồng thời xử lý mọi tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự. Bắc Kinh cũng sẽ thiết lập một cơ chế để điều phối các vấn đề quốc gia liên quan đến bảo vệ quyền lợi của quân đội.
Dư luận đang quan tâm tới bản báo cáo của Bank of America Merrill Lynch (BofAML) đưa ra hồi thượng tuần tháng 4 khi cho rằng, chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc mất hơn 100 tỉ USD trong năm nay. Theo BofAML, chiến dịch chống tham nhũng đang tác động không nhỏ đối với nền kinh tế Trung Quốc khi số tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng của chính phủ tăng mạnh (khoảng 30% từ đầu năm đến nay). Điều đáng nói là những quan chức “sạch sẽ” sợ triển khai các dự án mới vì quan ngại bị coi là tham nhũng.
Trước đó (31/3), tờ Financial Times dẫn một số nguồn tin cho biết, cựu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quân uỷ Trung ương Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều thúc giục ban lãnh đạo kiềm chế chiến dịch chống tham nhũng do lo ngại lợi ích của một số nguyên lão trong Đảng bị ảnh hưởng. Theo đó, chiến dịch chống tham nhũng không thể có quy mô quá lớn, cũng như không nên nhằm vào quá nhiều gia tộc quyền lực. Cả ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào đều ủng hộ chống tham nhũng, nhưng cho rằng chiến dịch này đã đi đủ xa và việc tiếp tục đẩy mạnh có thể gây hại đến những lợi ích hoặc phe phái của họ. Đồng thời lo ngại việc này sẽ mất đi sự ổn định và ủng hộ trong nội bộ đảng nếu chiến dịch chống tham nhũng kéo dài quá lâu và quá mạnh tay.
Giáo sư khoa chính tị tại Đại học Hongkong Joseph Cheng Yu-shek cho rằng, ông Tập Cận Bình muốn thông qua việc bắt giữ và xử lý ông Từ Tài Hậu để chứng minh cam kết chống tham nhũng không những trong quân đội, mà cả những ngành nghề, lĩnh vực khác. Ngày 5/7, nhân chuyến thăm khu tự trị Nội Mông, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn tuyên bố: không có vùng cấm trong chống tham nhũng. Theo thống kê, đã có hàng chục nghìn quan chức bị bắt kể từ khi ông Tập Cận Bình mở chiến dịch chống tham nhũng năm 2012.
Ngày 27/6, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, tướng về hưu Diệp Vạn Dũng và tướng Vệ Tấn, Phó Chính ủy Quân khu Tây Tạng vừa bị bắt. Trước đó (21/4), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng tỉnh An Huy Hoàng Tiểu Hổ đã bị cách chức và khai trừ khỏi Đảng vì bị cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn, tham ô 9,61 triệu NDT, nhận hối lộ 2,55 triệu NDT, đưa hối lộ 4,5 triệu NDT và 11,33 triệu HKD.


Ngày 23-6, tờ Gazeta của Nga đưa tin, căn cứ theo số liệu phân tích của tạp chí chuyên về quân sự - quốc phòng Jane's Defense Weekly (Anh), đến năm 2022 kim ngạch giao dịch trên thị trường máy bay không người lái (UAV) quân dụng thế giới có thể tăng lên mức 8,2 nghìn tỷ USD. Và Nga - Trung sẽ thống trị thị trường UAV quân dụng trong tương lai do Mỹ đã giảm tỷ lệ mua.
Kỳ VII: Quyết tranh hùng với Nga và Mỹ
Tuy nhiên, thống trị thị trường UAV trên thế giới hiện vẫn là công ty Northrop Grumman, công ty Boeing, công ty General Atomics và công ty Lockheed Martin của Mỹ. Châu Á-Thái Bình Dương được coi là khu vực có khả năng đảm bảo tăng trưởng kim ngạch giao dịch nhất trên thị trường UAV, với các khách hàng tiềm năng là Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Dự kiến, thị trường UAV của Nhật Bản sẽ tăng 600% trong 10 năm tới. Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, có 11 quốc gia gồm Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Israel hiện đang sở hữu các UAV được trang bị vũ khí.
Được biết, Bắc Kinh cũng đang có kế hoạch phát triển hàng chục loại UAV khác nhau như Lợi Kiếm, Trường Ưng, Tường Long, Dực Long, BKZ-005, Âm Kiếm, Dương Quang, Chiến Ưng, đặc biệt là các UAV thuộc thế hệ ASN. Bởi UAV được coi đóng vai trò trung tâm trong cuộc cạnh tranh về ưu thế kinh tế và địa chính trị ở châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là trong tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Gần 2 năm trước (23-10-2012), Đài Tiếng nói nước Nga từng cho rằng, Trung Quốc đang tăng cường chương trình phát triển UAV bằng việc công bố thành lập 2 cơ sở đầu tiên của UAV ở tỉnh Liêu Ninh nhằm theo dõi tình hình tại các vùng biển tiếp giáp. Trước đó, Trung Quốc đã công bố kế hoạch đến năm 2015 sẽ thành lập 11 cơ sở UAV.
Theo nhà phân tích quân sự Rick Fisher thuộc Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế (IASC), quân đội Trung Quốc đang đầu tư mạnh cho việc đóng các loại tàu ngầm hiện đại, cũng như để lộ khả năng chế tạo tàu ngầm tấn công hạt nhân thế hệ mới (đã xuất hiện tại Học viện Tàu ngầm Hải quân Trung Quốc ở thành phố Thanh Đảo hồi tháng 4-2014). Ngoài tàu ngầm tấn công hạt nhân, Bắc Kinh còn chế tạo 2 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mới, đó là Type-094 và Type-096. Giới quân sự cho rằng, tuy tàu hộ vệ Type 054A đã tạo được đột phá nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với những tàu hộ vệ tiên tiến trên thế giới. Và để thu hẹp khoảng cách này, Trung Quốc đã phát triển tàu hộ vệ thế hệ Type 054B.
Những sự thực về quân đội Trung Quốc (Kỳ VII)
Tiêm kích tàng hình J-20
Cảnh báo của Robert Haddick, nhà thầu quốc phòng độc lập tại Bộ Chỉ huy Tác chiến Đặc biệt Mỹ được dư luận quan tâm khi cho rằng, tên lửa hành trình chống tàu YJ-12 của Bắc Kinh là mối đe dọa đối với hải quân Mỹ (có tầm bắn 400km - xa hơn nhiều so với tên lửa Harpoon của Mỹ) và là loại tên lửa nguy hiểm nhất mà Trung Quốc sản xuất. Theo tạp chí Jane's Defense Weekly, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ sở hữu 1.500 máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư. Trước đó (5-6), Lầu Năm Góc cảnh báo về thực lực tác chiến của không quân Trung Quốc - đang hiện đại hóa với quy mô chưa từng có, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với không quân phương Tây về các khả năng như chiến đấu, chỉ huy, kiểm soát, tác chiến điện tử và truyền dữ liệu. Bắc Kinh hiện sở hữu 964 máy bay chiến đấu hiện đại, nhiều hơn 300 chiếc so với số liệu đánh giá năm 2013 của Mỹ và đến năm 2020 số máy bay chiến đấu hiện đại của Trung Quốc sẽ tăng lên 1.562 chiếc. Và trước năm 2020, Trung Quốc sẽ sản xuất 24 máy bay chiến đấu J-20 thế hệ thứ năm.
Theo giới quân sự, việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng cùng khuynh hướng giữ lại vũ khí cũ thay vì đầu tư cho vũ khí mới đang góp phần khiến cho sự thống trị quân sự của Mỹ sụt giảm. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Frank Kendall lo ngại về sự giảm sút trong công nghệ của Mỹ, còn Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear cũng cảnh báo về vấn đề này. Cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện Mỹ Duncan Hunter từng nhận định, chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương đang ở trong trạng thái “thiếu sinh khí”, trừ phi áp dụng những biện pháp thiết thực và có hiệu quả, nếu không đến năm 2025, Trung Quốc sẽ trở thành “ông trùm châu Á-Thái Bình Dương”. Washington cũng cho rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương là một thách thức đối với hải quân Mỹ.
Tạp chí quốc phòng IHS Jane’s nhận định, tương quan lực lượng trên biển giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực hiện đã thay đổi sau khi Bắc Kinh chi hàng chục tỷ USD để hiện đại hoá lực lượng hải quân. Trung Quốc hiện có hơn 60 tàu chiến các loại hoạt động trên Biển Đông. Văn nhòng nghiên cứu của Quốc hội Mỹ đã công bố báo cáo thẩm định “Kế hoạch thay thế Ohio”, còn gọi là “Kế hoạch SSBN”, về việc nghiên cứu, chế tạo một loại tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo thế hệ mới để thay thế 14 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio hiện đang sử dụng. Trong năm tài khóa 2014, hải quân Mỹ sẽ sử dụng nguồn kinh phí gần 1,1 tỷ USD để phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển.
Theo nhận định của giới chuyên môn, Trung Quốc chưa thể triển khai sức mạnh ra ngoài, kể cả tại châu Á. Và càng chưa đủ khả năng triển khai sức mạnh trên Biển Đông hay biển Hoa Đông. Bởi tính đến nay, Trung Quốc vẫn chưa có căn cứ quân sự ở nước ngoài, không có cơ sở hậu cần tầm xa. Lực lượng hải quân chủ yếu hoạt động ven biển, còn không quân chưa đủ khả năng tấn công tầm xa, trong khi đó bộ binh chưa thể triển khai nhanh…
Theo tờ The New York Times, Ấn Độ luôn xác định phải đẩy mạnh ngành công nghiệp quốc phòng để đánh bại Trung Quốc trên thị trường xuất khẩu vũ khí. Ngày 22-6, người phụ trách Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ cho rằng, các trang thiết bị như tên lửa tầm xa và tiêm kích hạng nhẹ Tejas, có thể sẽ được xuất khẩu, trực tiếp cạnh tranh với Trung Quốc. Việc này diễn ra trong bối cảnh, Trung Quốc đã tung ra thị trường 2 loại sản phẩm, đó là tiêm kích JF-17 do tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô và Công ty công nghiệp hàng không Pakistan hợp tác phát triển, và J-10.
Tân Hồng - Tiên Du
http://petrotimes.vn/news/vn/quan-doi-va-chien-tranh/nhung-su-thuc-ve-quan-doi-trung-quoc-ky-vii.html












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét