Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Nhật cởi trói cho quân đội, Trung Quốc nhảy đổng

Lời Blogger:
Hệ quả của việc cởi trói Hiến pháp cho xây dựng quân đội theo đúng nghĩa là chuyện Nhật Bản sẽ công khai kho vũ khí hạt nhân của mình trong bất cứ lúc nào...
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Việc giải thích lại một số điều trong hiến pháp để mở rộng phạm vi hoạt động ở nước ngoài của quân đội, là một trong những thay đổi lớn nhất trong chính sách an ninh của Nhật, kể từ sau Thế chiến 2. Quyết định này đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ Trung Quốc và ngay cả từ người Nhật.
Nhật sẽ “cởi trói” cho quân đội đến đâu?
Thay đổi cách diễn giải hiến pháp, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra một loạt tình huống cụ thể cho phép quân đội Nhật được phép động binh. Những thay đổi mới sẽ được cập nhật vào hệ thống pháp luật của Nhật vào cuối năm nay.
Những tình huống đó gồm:
Bảo vệ tàu chiến Mỹ
Quân đội Nhật được quyền bảo vệ tàu chiến Mỹ trước cuộc tấn công quân sự từ một nước thứ ba ở gần vùng biển Nhật Bản, trước khi có một cuộc tấn công khác nhắm trực tiếp vào nước Nhật. 
Nhật phải hành động như vậy vì hợp tác quốc phòng với Mỹ là rất cần thiết cho sự tồn tại của nước Nhật.
Chặn tàu nước khác để kiểm tra
Quân đội Nhật có quyền chặn và kiểm tra khi nghi ngờ một tàu đang chở vũ khí đến một nước thứ ba, mà nước này đang tấn công tàu chiến của Mỹ trong khu vực gần Nhật và cuộc chiến có nguy cơ sẽ lan đến Nhật. 
Quyền này của quân đội Nhật đang được cho là vi hiến và bị cấm khi sử dụng vũ lực.
Bắn hạ một tên lửa đang nhắm vào nước Mỹ
Cục phòng vệ (SDF) có thể bắn hủy những tên lửa đạn đạo bay ngang quần đảo Nhật Bản để hướng tới lãnh thổ cũa Mỹ ở đảo Hawaii, Guam hay lục địa Mỹ theo yêu cầu của Mỹ.
Bảo vệ những người tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở nước ngoài.
SDF được quyền giải cứu thường dân Nhật, nếu những người này bị tấn công khi đang tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp Quốc và được phép sử dụng vũ khí nếu cần thiết.
Rà phá bom ở Trung Đông
Kế hoạch này hiện còn được xem xét. Nó cho phép SDF tham gia vào các nỗ lực rà phá bom mìn của Liên hiệp Quốc, với sự tham dự của nhiều nước do Mỹ dẫn đầu. Mục đích là để bảo đảm an toàn và thông suốt cho các tuyến đường biển ở Trung Đông, như vịnh Ba Tư hay eo biển Hormuz, nơi được xem là tuyến chở nguyên liệu huyết mạch của Nhật Bản.
Nhật ngày càng muốn củng cố sức mạnh quốc phòng \để đối phó với nguy cơ hạt nhân từ Triều Tiên và sự "trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc (TQ).
Theo ấn bản Cán cân quân sự của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, ngân sách quốc phòng của TQ năm 2013 đã lên đến 119,5 tỉ USD trong khi của Nhật là 51 tỉ USD.
Căng thẳng Nhật - Trung bùng phát vào tháng 9.2012 khi Nhật quyết định quốc hữu hóa quần đảo TQ tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. 
Kể từ đó, TQ liên tục cho tàu và máy bay xâm nhập không phận và lãnh hải quần đảo do Nhật kiểm soát này. Lần xâm nhập gần đây nhất là vào ngày 30.6. 
Tháng 11.2013, TQ ngang nhiên tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông, bao phủ cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hành động này đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của cộng đồng quốc tế.
Chính những hành động của TQ đã khiến chính quyền Nhật dưới thời ông Abe xem nhiệm vụ “cởi trói” cho quân đội Nhật là mục tiêu sống còn. "Nhờ" TQ, Nhật và các nước có tranh chấp lãnh thổ với TQ đang xích lại gần nhau.
Trung Quốc nhảy đỏng
TQ ngày 1.7 đã chỉ trích kịch liệt chính sách nới lỏng quyền hoạt động quân đội của Nhật và cảnh báo chính quyền Thủ tướng Abe không được thực hiện bất kỳ hành động nào làm đe dọa đến an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Hồng Lỗi cho rằng Nhật bịa đặt những mối đe dọa từ TQ và tận dụng nó phục vụ mục đích chính trị của mình. Ông này cũng cảnh báo Tokyo, rằng những thay đổi về cách giải thích hiến pháp "không được xâm phạm chủ quyền và an ninh quốc gia của TQ cũng như làm suy yếu hòa bình và ổn định trong khu vực".
Truyền thông nhà nước TQ hôm 2.7 đã đánh “hội đồng” chính sách mới của Nhật, khi đồng loạt chỉ trích một cách mạnh mẽ động thái nới lỏng cho quân đội của chính phủ Abe.
Nhật báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản TQ nói Nhật muốn phá vỡ hệ thống trật tự Thế chiến 2 và những động thái của chính phủ Thủ tướng Abe là "tín hiệu nguy hiểm, là lời cảnh báo".
Trong khi đó, Tân Hoa Xã lật lại lịch sử các cuộc chiến tranh của Nhật. Trong suốt 100 năm qua, Nhật đã trải qua “các cuộc chiến hèn hạ” với TQ, Nga và Mỹ. Trong lúc này, Nhật tự cho phép quân đội sử dụng vũ lực tự do hơn. Tân Hoa Xã đã tự đặt ra câu hỏi và lấy câu hỏi đó làm tựa cho bài bình luận “Liệu TQ có nằm trong kế hoạch quân sự của Nhật?”.
Không chỉ vấp phải sự phản đối từ TQ, Chính phủ của Thủ tướng Abe cũng đang đối mặt với tỉ lệ người ủng hộ ngày càng giảm sút. Hãng tin Kyodo News đã tiến hành một cuộc thăm dò bằng điện thoại trong hai ngày 1.7 và 2.7. 
Kết quả cuộc thăm dò cho thấy tỉ lệ người dân tán thành với chính phủ đã giảm từ 52,1% (khảo sát ngày 21 và 22.6) xuống còn 47,8%. 
Đây là lần đầu tiên tỉ lệ này xuống dưới 50% kể từ tháng 12.2013. Và tỉ lệ tán thành là 40,6%, cũng là lần đầu tiên ở mức ngang 40% kể từ khi ông Abe lên cầm quyền trở lại vào tháng 12.2012.
55,4% người được hỏi phản đối quyết định giải thích lại hiến pháp của chính phủ về quyền phòng vệ tập thể, trong khi tỉ lệ ủng hộ chỉ là 34,6%.
Lâm Nguyên tổng hợp
http://motthegioi.vn/tieu-diem/nhat-coi-troi-cho-quan-doi-trung-quoc-nhay-dong-84093.html

1 nhận xét: