Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Nếu TQ tạm đóng cửa khẩu: Việt Nam phải thận trọng vì...

Trung Quốc sẽ dở bài sách quy định điều nọ, hạn chế điều kia, đóng cửa khẩu ở thời điểm thu hoạch các loại nông sản chính vụ.
Ths Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới đưa ra giả thiết và kiến nghị “Việt Nam phải thận trọng” trước thông tin Trung Quốc có thể tạm đóng một số cửa khẩu với Việt Nam.
Trong khi xuất khẩu các mặt hàng nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là các sản phẩm nông sản dưới dạng thô, chưa qua chế biến giá rẻ và nhập khẩu các sản phẩm đã qua chế biến, máy móc thiết bị với giá cao.
Bà Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội cũng nêu quan điểm về vấn đề này. Theo đó, bà An cho rằng điều này sẽ đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam song chắc chắn Việt Nam sẽ làm được.

Cơ hội cho Việt Nam

Cụ thể, Bà Bùi Thị An cho biết, tỷ trọng giao thương giữa Việt Nam với Trung Quốc khá lớn, chuyện Trung Quốc có thể đóng một số cửa khẩu đã được Chính phủ dự báo và đã chuẩn bị cho tình huống này.
“Theo tôi, giai đoạn đầu có thể bị ảnh hưởng, lung túng nhưng về lâu dài sẽ không có vấn đề gì, thậm chí còn là cơ họi cho Việt Nam vì thực ra Trung Quốc là thị trường lớn đối với Việt Nam để Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm của mình sang Trung Quốc nhưng ngược lại Trung Quốc cũng xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Việt Nam nên nếu đóng cửa 2 bên đều cùng không có lợi”, bà An nói.
Bà Bùi Thị An cho biết,  nếu Trung Quốc đóng cửa khẩu là điều đáng tiếc. Nhưng phải nói, nếu giải quyết được những tồn đọng giai đoạn đầu bằng cách có điều kiện để bảo quản, kéo dài thời hạn, Việt Nam hoàn toàn có thể tìm sang thị trường khác và tiêu thụ nội địa.
Bà An nói thêm, nhu cầu của Trung Quốc cũng là nhu cầu của nhiều nước trên thế giới. Nếu chất lượng đảm bảo thì hoàn toàn có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau.

Nhập siêu từ Trung Quốc so với tổng nhập siêu từ các nguồn khác giai đoạn 2000 - 2013. Đơn vị: tỷ USD. Nguồn: Tổng cục Hải quan
Nhập siêu từ Trung Quốc so với tổng nhập siêu từ các nguồn khác giai đoạn 2000 - 2013. Đơn vị: tỷ USD. Nguồn: Tổng cục Hải quan

“Khó thì có khó nhưng chắc chắn Việt Nam sẽ làm được. Phải nhấn mạnh rằng nếu Trung Quốc không mua hàng của Việt Nam ngược lại cũng không bán hàng sang Việt Nam cũng sẽ thiệt hại khi nhìn vào các con số xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua”, bà Bùi Thị An nói.
Cũng theo bà Bùi Thị An, việc Việt Nam hay Trung Quốc, ai sẽ thiệt nhiều hơn phải đi vào từng mặt hàng cụ thể, trường hợp cụ thể vì có lúc bên này có lợi bên kia nhưng tổng thể Việt Nam nhập khá nhiều từ Trung Quốc.
Bà Bùi Thị An cho biết, giải pháp là Chính phủ sẽ phân công, theo đó Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học công nghệ đều có trách nhiệ. Cụ thể, đầu mối giao thương là Bộ Công thương còn việc chuẩn bị sản phẩm, bảo quản sản phẩm là Bộ Nông nghiệp và Bộ Khoa học công nghệ… như vậy, đây là 3 bộ chính phải làm nhiệm vụ này.
Đồng thời, người dân Việt Nam thời gian qua đã kêu gọi dùng hàng Việt và bớt dùng hàng nhập ngoại điều này sẽ rất tốt vì với đân số 90 triệu dân không phải nhỏ.

Việt Nam phải thận trọng

Đồng quan điểm, Ths Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới cho biết, theo tính toán nếu Trung Quốc cắt đứt con đường về kinh tế có thể Việt Nam thiệt hại 10% GDP . Vì vậy, trước mắt, Việt Nam phải chuẩn bị trong việc tìm thị trường khác để xuất khẩu và về lâu về dài phải có những phương thức chế biến các mặt hàng nông sản để bán thay vì xuất khẩu tươi rất nhiều.
Ông Bùi Ngọc Sơn cũng bày tỏ quan điểm, vấn đề ở chính sách phải có sự dẫn dắt ở cấp cao. Ví dụ xuất khẩu lúa gạo muốn làm ăn lớn có quy mô lớn để bán ra thị trường thế giới không lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc dứt khoát phải có phương thức làm ăn thống nhất và công nghiệp không thể tồn tại tình trạng như thời gian vừa qua có 10 tấn lúa có đến 11 loại giống lúa và kích cỡ hạt khác nhau. Đây là lý do thương lái kiểm soát về giá và thời điểm thu mua.
Trung Quốc sẽ dở bài sách quy định điều nọ, hạn chế điều kia, đóng cửa khẩu ở thời điểm thu hoạch các loại nông sản chính vụ. Ảnh những xe chở dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn)
Trung Quốc sẽ dở bài sách quy định điều nọ, hạn chế điều kia, đóng cửa khẩu ở thời điểm thu hoạch các loại nông sản chính vụ. Ảnh những xe chở dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn)

Cũng theo Ths Bùi Ngọc Sơn, nếu chuyển hướng phải có hàng loạt chính sách, chưa nói đến vấn đề tỷ giá cũng phải thay đổi để người xuất khẩu thấy có lợi.
 “Tỷ giá mang tính chất bảo hộ các doanh nghiệp trong nước thì các doanh nghiệp xuất khẩu nai lưng ra làm không thấy có đồng lãi đâu cuối cùng không có tác dụng”, Ths Bùi Ngọc Sơn nói.
Ths Bùi Ngọc Sơn cho rằng, có thể coi đây là cơ hội nhìn thẳng vào những hạn chế  của việc phụ thuộc vào thị trường một nước. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để tự nhìn lại mình và nhìn lại hàng loạt các giải pháp.
“Thiệt hại với Việt Nam là lớn vì Trung Quốc nắm quyền chủ động, ví dụ những gì Trung Quốc bán vẫn bán để kiếm lời trong khi đó có thể hạn chế việc nhập khẩu từ Việt Nam khi biết sản phẩm đó không bán sang Trung Quốc chỉ bỏ đi.
Trung Quốc sẽ dở bài sách quy định điều nọ, hạn chế điều kia, đóng cửa tạm ở thời điểm thu hoạch các loại hoa quả vào thời vụ sẽ ra chính sách vì phải kiểm tra nên chỉ cần 10-15 ngày các mặt hàng rau củ quả, nông sản phải vất đi. Vì vậy, Việt Nam phải thận trọng”, Ths Bùi Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Bùi Ngọc Sơn, kịch bản đóng hẳn cửa khẩu có thể xảy ra nhưng nó sẽ thành vấn đề khác. Trung Quốc sẽ mang tiếng với thế giới là ức hiếp Việt Nam nhưng Trung Quốc chơi bài tỉa tót, thỉnh thoảng làm, vẫn đứng trên quy tắc phi thương mại sẽ không bị phê phán..

Nguyên Thảo
http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/neu-tq-tam-dong-cua-khau-viet-nam-phai-than-trong-vi-3045176/

1 nhận xét: